NGÔN NGỮ & VĂN HÓA

CHÚC MỪNG NĂM MỚI

Archive for the ‘Chính trị thế giới’ Category

Tuổi trẻ nước Anh nổi giận

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Tám 10, 2011

Khi tội ác bị làm ngơ

Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến làn sóng bạo loạn tại Anh là từ cái chết của một người lái taxi da màu 29 tuổi có tên Mark Duggan, hôm 4/8 tại Tottenham, Luân Đôn. Sau cuộc điều tra ban đầu, cảnh sát xác nhận Duggan không nổ súng trước và bị cảnh sát bắn chết tại chỗ. Các nhân chứng cho biết, nạn nhân bị cảnh sát tạm giữ và dù đã phục tùng yêu cầu của cảnh sát nhưng vẫn bị bắn chết.
Đây chính là nguyên nhân khiến người nhà của người đàn ông có 4 con nhỏ này nổi giận và đi đòi công lý. Thân nhân của Duggan cùng nhiều người địa phương đã kéo đến đồn cảnh sát ở Tottenham đòi có câu trả lời về cái chết. Trước sự im lặng của cảnh sát, đám đông bắt đầu trút cơn giận bằng cách đốt phá xe cảnh sát, châm ngòi cho đợt bạo động tồi tệ trên khắp nước Anh.
Sau Luân Đôn, làn sóng đập phá hôi của hôm qua lan đến các thành phố khác như Manchester, Nottingham, Liverpool… đẩy nước Anh chìm vào vụ bạo loạn tồi tệ nhất nhiều năm qua trên quy mô toàn quốc.
Sự hiện diện của 16.000 nhân viên an ninh trên đường phố khiến thủ đô nước Anh có dấu hiệu đã được kiểm soát. Cảnh sát Luân Đôn đã bắt giữ tổng cộng 685 người làm loạn, nhưng máu vẫn đổ khi một thanh niên 26 tuổi bị bắn chết trong xe ở khu Croydon hôm qua.
Tuy nhiên, bất ổn lại đang lan sang các thành phố lớn khác như Manchester, Salford, Liverpool, Wolverhampton, Nottingham, Leicester và Birmingham với các cửa hiệu bị đốt phá và hôi của. Có 47 người bị bắt tại Manchester và Salford, nơi đám đông thanh niên đốt phá nhà cửa và xe cộ, trong khi tại Liverpool, cảnh sát đã bắt giữ 35 người. Tại Birmingham, lực lượng chống bạo động bao vây khu mua sắm Mailbox sau vụ đập phá tại đây hôm thứ hai.
Thủ tướng Anh David Cameron phải cắt ngắn kỳ nghỉ tại Italy để về nước họp khẩn cùng nội các và gặp chỉ huy cảnh sát đô thành Luân Đôn bàn về tình hình bất ổn. BBC dẫn lời ông tuyên bố với những người nổi loạn đa phần là thanh niên: “Các anh sẽ thấy được sự nghiêm minh của pháp luật. Và nếu các anh đã đủ lớn để gây ra những tội ác này thì các anh cũng đủ lớn để đối mặt với sự trừng phạt”.
Hiệp hội các nhà bảo hiểm Anh cho biết, thiệt hại từ làn sóng bạo loạn nổ ra từ đêm thứ bảy tuần trước sẽ khiến các hãng bảo hiểm mất “hàng chục triệu bảng” chỉ riêng tại Luân Đôn. Cảnh tan hoang của các cửa hàng và xe cộ bị đốt cháy trên phố không chỉ có ở Tottenham mà còn xuất hiện tại các khu vực khác của Luân Đôn như Hackney, Croydon, Clapham, Peckham, Lewisham và Ealing.

Vết nhơ của cảnh sát hay vấn đề xã hội?

Vụ điều tra về cái chết của Duggan chưa có kết luận cuối cùng, nhưng đây chắc cũng dính tới một số vụ làm chết người vô tội, nổi bật là vụ bắn chết người thợ điện gốc Brazil Charles de Menezes năm 2005, khiến dư luận nổi giận và tư lệnh cảnh sát Luân Đôn bị mất chức.
Báo chí Anh mô tả những ngày qua là cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong vòng một phần tư thế kỷ ở nước này. Nguyên nhân sâu xa cho sự bất ổn ở Anh là các vấn đề xã hội và cộng đồng vốn âm ỉ từ lâu. Các nhà xã hội học cho rằng một bộ phận giới trẻ các thành phố Anh bị tách khỏi sinh hoạt của cộng đồng chung và có quá nhiều thời gian thừa thãi. Bên cạnh đó là nạn thất nghiệp cao và tình trạng các gia đình không kiểm soát được con cái đã khiến bất ổn phát sinh “từ nhà ra phố”.
Đại đa số những người tham gia bạo loạn ở Luân Đôn và các thành phố khác là thanh thiếu niên và hầu hết số bị bắt cũng nằm trong lứa tuổi này. Nhiều trẻ em từ 12 đến 13 tuổi cũng tham gia các vụ hôi của trên đường phố. Các thiếu niên này còn sử dụng điện thoại di động và các trang xã hội trên Internet để hô hào nhau đi làm loạn và khoe những thứ cướp được như chiến lợi phẩm.
Trong khi đó, các chuyên gia kinh tế nhìn nhận nguyên nhân của bạo loạn ở Anh bắt nguồn từ chính sách “thắt lưng buộc bụng” của chính phủ dẫn đến khó khăn trong cuộc sống của một bộ phận người dân. Một trong những người có quan điểm này là cựu thị trưởng Luân Đôn Ken Livingstone. Hầu hết những người tham gia bạo loạn đến từ các khu vực nghèo tại những đô thị lớn, nơi có tỷ lệ thất nghiệp cao và dịch vụ xã hội bị cắt giảm khiến cuộc sống ngày càng bi đát.
Luân Đôn đã dịu xuống sau những đêm bạo loạn, nhưng đây vẫn là thách thức lớn nhất đối với sự nghiệp của thủ tướng thuộc đảng Bảo thủ Anh David Cameron kể từ khi lên cầm quyền năm ngoái. Triển khai cảnh sát dày đặc để dẹp yên bất ổn sẽ sớm có kết quả, nhưng giải quyết những vấn đề xã hội, cộng đồng và kinh tế, nguyên nhân sâu xa của bạo loạn là thách thức dài hạn đối với chính phủ Anh.

(tổng hợp)
________________________________________________

Posted in Chính trị thế giới, Chuyện pháp luật, Chuyện xã hội, Tin tức nổi bật | Thẻ: , , | Leave a Comment »

Trung Quốc cảnh cáo Philippin phải trả giá đắt

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Tám 5, 2011

Một tờ báo Trung Quốc hôm nay cảnh báo Philippin về việc tăng cường hiện diện quân sự ở Biển Đông, giữa lúc căng thẳng hai nước lên cao.

China Daily đăng một bài xã luận với giọng gay gắt, nói rằng Manila xâm phạm “toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc”, đồng thời cảnh báo Philippin có thể phải trả “giá đắt” nếu đánh giá sai tình hình. Bài xã luận cũng cáo buộc Philippin không coi trọng một thỏa thuận mà Bắc Kinh và hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á vừa đạt được ở Indonesia tháng trước nhằm giải quyết mâu thuẫn trên biển một cách hòa bình.

“Những việc mà Manila làm không chỉ vi phạm toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc mà còn đi ngược lại lập trường của ASEAN cũng như tinh thần của văn bản hướng dẫn” thực thi Tuyên bố về Ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (DOC). “Philippin sẽ phải trả giá đắt nếu tính toán sai” về vấn đề Biển Đông, Inquirer dẫn bài xã luận trên China Daily cho biết.

Bài xã luận được đưa ra sau khi tờ Philippine Star đưa tin hải quân Philippin sẽ sớm hoàn thành một nơi trú ẩn để “bảo vệ các binh sĩ đang canh gác và bảo vệ chủ quyền đất nước” trên một hòn đảo ở Trường Sa mà cả hai nước đều tuyên bố sở hữu.
Khối kiến trúc giống vỏ sò mà hải quân Philippin bắt đầu khởi công từ hồi tháng 5 hiện diện trên đảo mà Philippin gọi là Patag, Trung Quốc gọi là Feixin và Việt Nam gọi là Bình Nguyên. Nó thuộc quần đảo Trường Sa do Việt Nam tuyên bố chủ quyền. Các bên khác cũng đưa ra tuyên bố gồm Trung Quốc và Philippin.

Căng thẳng về chủ quyền biển đảo lên cao trong năm nay khi Việt Nam và Philippin tố cáo Trung Quốc ngày càng tỏ ra hung hăng tại đây. Manila cáo buộc lực lượng Trung Quốc quấy nhiễu tàu khai thác dầu và bắn ngư dân của họ. Trong tháng 5, tàu Trung Quốc cũng hai lần cắt cáp tàu thăm dò địa chấn của Việt Nam ở khu vực thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Theo Mai Trang
____________________________________________________

Posted in Chính trị thế giới, Chuyện pháp luật, Quốc phòng các nước, Việt Nam và thế giới | Thẻ: , , | Leave a Comment »

TQ chạy đua chinh phục đáy đại dương?

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Bảy 28, 2011

Ngày 25/7, Trung Quốc đã thử nghiệm thành công tàu lặn Giao Long ở độ sâu 5.057m dưới đáy Thái Bình Dương, đưa nước này trở thành quốc gia thứ năm thế giới sau Nga, Pháp, Mỹ, Nhật Bản chiếm lĩnh công nghệ lặn sâu trên 3.500m.

Trung Quốc sẽ tiếp tục thử nghiệm tàu lặn Giao Long với độ sâu 7.000m vào năm 2012 trong khi xuất hiện nhiều phán đoán xung quanh câu hỏi: Bắc Kinh sẽ làm gì dưới đáy đại dương?

Được thiết kế với khả năng lặn sâu 7.000m, tàu lặn Giao Long – tên một loài rồng biển thần thoại của Trung Quốc – đã thực hiện 17 lần lặn sâu dưới đáy Biển Đông trong khoảng thời gian từ 31/5 đến 13/7 năm ngoái, đạt chiều sâu tối đa 3.759m.

Ngày 21/7 trong lần thử nghiệm đầu tiên năm 2011, Giao Long đã mang theo 3 thủy thủ lặn xuống độ sâu 4.027m trên vùng biển quốc tế ở Thái Bình Dương. 4 ngày sau đó, ngày 25/7 Giao Long lại chinh phục độ sâu 5.057m ở Đông Bắc Thái Bình Dương tại vùng biển giữa Hawaii và đại lục Bắc Mỹ. Thành công này đã đưa Trung Quốc vượt qua các khả năng hiện tại của Mỹ và đặt một dấu mốc trong cuộc chạy đua khám phá nguồn tài nguyên to lớn còn tiềm ẩn ở những vùng sâu nhất của các đại dương trên thế giới.

Tìm kiếm tài nguyên?

Nhiều chuyên gia của cả quốc tế và Trung Quốc đã lên tiếng ca ngợi sứ mệnh của Giao Long như dấu mốc quan trọng trong chương trình khám phá biển sâu của Trung Quốc.

“Đại dương có các nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú. Vì vậy đây là một bước tiến lớn để chúng tôi bắt đầu chú ý tới khám phá khoáng vật đại dương”, Giáo sư Wang Pinxian, Trưởng phòng thí nghiệm quốc gia về địa lý biển của Trường đại học Shanghai Tongji nhận xét.

“Nền kinh tế Trung Quốc đang phát triển và Chính phủ trung ương nhận thấy rằng chỉ phát triển khai mỏ trên đất liền là chưa đủ”, ông Wang Pinxian nói.

Ông Wang Pinxian cũng cho biết ông đang chủ trì một dự án nghiên cứu trị giá 150 triệu Nhân dân tệ (23 triệu USD) và sang năm sẽ sử dụng Giao Long để tìm hiểu một vị trí núi lửa ở Biển Đông.

Theo đánh giá của các nhà phân tích, mục đích cơ bản của Giao Long là giúp khám phá các trữ lượng kim loại và tài nguyên thiên nhiên khác vốn có trữ lượng lớn dưới đáy biển mà Trung Quốc rất cần để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế nhưng cho đến nay vẫn không thể tiếp cận.

Vị trí thử nghiệm được chọn ở Thái Bình Dương là dựa theo hợp đồng năm 2001 ký kết giữa Hội nghiên cứu và phát triển tài nguyên khoáng sản đại dương Trung Quốc (COMRA) và Cơ quan quản lý đáy biển quốc tế (ISA), một tổ chức của Liên Hợp Quốc giám sát khai khoáng ở những vùng biển quốc tế. Theo đó, trong giai đoạn đầu của hợp đồng kéo dài 15 năm này, COMRA được phép khám phá 150.000 km2 lòng biển để tìm kiếm các khối đá kim (polymetallic nodule), là những tảng đá nhỏ chứa quặng kim loại. Diện tích cho phép trên sẽ giảm xuống 75.000 km2 sau tám năm đầu khai phá. Các khối đá kim được tìm thấy ở những vòng núi lửa dưới đáy biển và được xem là nơi chứa số lượng lớn các kim loại đặc biệt là vàng, bạc, chì, kẽm và đồng.

ISA dự báo trữ lượng các khối đá kim có thể chứa tới 110 triệu tấn mỗi khối nhưng cho tới nay chỉ khoảng 5% trong tổng 60.000 km dãy đá đại dương, nơi lưu trữ phần lớn mỏ đá kim là được khảo sát chi tiết.

Tháng 5/2010, cùng với Nga, COMRA đã nộp đơn xin phép tìm hiểu các mỏ đá kim ở Tây Nam dãy Ấn Độ, khu vực chia đôi châu Phi và vùng Antarctica. Trong cuộc họp ngày 22/7 tuần trước ISA đã chấp thuận hồ sơ của Trung Quốc. Allotey Odunton, Tổng thư ký của ISA đã mô tả các đơn của Trung Quốc và Nga như một bước đột phá lớn vì là hai quốc gia đầu tiên khám phá những mỏ đá kim mới được phát hiện xung quanh các núi lửa dưới đáy biển.

Chinh phục 99,8% đáy biển thế giới?

Theo các quan chức phụ trách dự án, nếu sứ mệnh hiện tại của Giao Long thành công, tàu này sẽ thực hiện lặn ở độ sâu 7.000m trong năm tới, là độ sâu tối đa mà thiết kế có thể chịu đựng. Độ sâu này khiến nó vượt qua cả tàu lặn Shinkai của Nhật Bản, có thể lặn tới 6.500m và tàu Mir của Nga với độ sâu tới 6.000m, đã được dùng để cắm cờ Nga dưới đáy đại dương ở Bắc Cực năm 2007.

Các đại dương chiếm khoảng 70% bề mặt trái đất và có độ sâu trung bình 4.000m. Vì vậy, tàu lặn này cũng sẽ cho phép Trung Quốc tiếp cận tới 99,8% đáy biển của thế giới.

Tàu lặn sâu nhất có người lái của Mỹ hiện đang sử dụng là chiếc Alvin, hạ thủy năm 1964 nhưng chỉ có thể lặn tới tối đa là 4.500m. Phiên bản nâng cấp, được thiết kế để lặn ở độ sâu 6.500m, phải đến 2015 mới hoàn thiện.

Nhiều chuyên gia cho rằng đầu tư của Mỹ cho những nghiên cứu như vậy đã giảm sút trong hai thập kỷ qua. Một hạn chế nữa của Mỹ là nước này chưa phê chuẩn Công ước quốc tế của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS) và vì vậy Mỹ chỉ là một quan sát viên chứ chưa phải thành viên đầy đủ của ISA.

Trong khi đó, Trung Quốc đã ký UNCLOS và là một thành viên của ISA, đã chủ động khám phá biển sâu từ năm 2002 khi bắt đầu Chương trình phát triển và khai thác biển sâu gồm cả kế hoạch phát triển Giao Long. Trung Quốc cũng dự định xây dựng một căn cứ nghiên cứu quốc gia ở thành phố ven biển Thanh Đảo nhằm đẩy mạnh nghiên cứu và tìm kiếm năng lượng và khoáng sản dưới đáy biển sâu.

Kiểm soát và khống chế lòng đại dương?

Mặc dù các quan chức Trung Quốc nói rằng Giao Long chỉ phục vụ mục đích dân sự nhưng năm 2010 chính Giao Long đã được sử dụng để cắm cờ Trung Quốc dưới đáy Biển Đông, làm dấy lên những lo ngại trong khu vực về việc Bắc Kinh có thể sử dụng công nghệ mới của mình cho cả các mục đích thương mại và quân sự ở những vùng biển còn đang tranh chấp.

Các chuyên gia quân sự nước ngoài còn lo ngại một tàu lặn như vậy có thể được sử dụng để chặn hoặc cắt các cáp truyền thông dưới lòng biển, truy tìm vũ khí của nước ngoài dưới lòng đại dương hoặc sửa chữa, cứu hộ các tàu ngầm hải quân. Japan Times dẫn lời một số nhà phân tích cho rằng tàu Giao Long có thể giúp vẽ chính xác bản đồ dưới đáy biển, tăng cường năng lực hoạt động cho tàu ngầm của quân đội Trung Quốc.

theo Minh Phạm (Tổng hợp từ WSJ)
________________________________________________________

Posted in Chính trị thế giới, Khoa học & Công nghệ, Quốc phòng các nước, Việt Nam và thế giới | Thẻ: , , | Leave a Comment »

Tấn thảm kịch ở một đất nước thanh bình

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Bảy 25, 2011

Sau vụ nổ bom ở gần toà nhà Chính phủ Na Uy tại thủ đô Oslo khiến ít nhất 7 người chết (15h30 ngày 22.7), tại đảo Utoeya cách Oslo khoảng 35 km còn xảy ra thảm hoạ kinh hoàng hơn. Một người đàn ông 32 tuổi mặc đồng phục cảnh sát đã xả súng vào các em thiếu niên đang dự hội trại trên đảo Utoeya. Tổng cộng, đã có ít nhất 93 người chết, hơn 90 người bị thương trong hai vụ thảm sát.

Kẻ cuồng sát máu lạnh

Đây là vụ tấn công lớn nhất Tây Âu kể từ khi vụ nổ bom ở nhà ga tàu điện ngầm London khiến 52 người chết năm 2005.
Cảnh sát đã tóm được gã đàn ông xả súng dã man này. Y có tên Anders Behring Breivik. Với đồng phục cảnh sát và giọng Na Uy, hắn gọi các em nhỏ lại, bất ngờ rút súng ra xả.
Cảnh sát Na Uy cho biết hai vụ khủng bố này có liên quan với nhau, vì trước đó 2 giờ đồng hồ, có người đã thấy Breivik lảng vảng ở khu vực bị đánh bom gần toà nhà chính phủ Na Uy. Một quan chức cảnh sát cho biết: “Có lẽ hai vụ này không liên quan đến các tổ chức khủng bố Hồi giáo, một mình tên cuồng sát này thực hiện cả hai vụ”. Cảnh sát còn tìm thấy một khối chất nổ ở trên đảo Utoeya.
Hội trại này do đảng Lao động, đảng cầm quyền của Chính phủ Na Uy, tổ chức. Có khoảng 700 em đến dự hội trại. Theo lịch thì Thủ tướng Na Uy, ông Jens Stoltenberg sẽ đến nói chuyện với các em vào ngày hôm nay 23.7.
Theo Simen Braenden Mortensen, một nhân viên bảo vệ trên đảo thì Breivik bước ra từ chiếc xe hơi màu xám bạc, trình thẻ nhân dạng và nói rằng hắn được cử đến để kiểm tra an ninh trên đảo sau khi vụ nổ bom ở Oslo diễn ra. “Chúng tôi cho hắn lên thuyền ra đảo, vài phút sau, chúng tôi nghe thấy những tiếng súng”, Mortensen nói với tờ nhật báo Verdens Gang. Utoeya là hòn đảo dài 500 m với những rặng thông um tùm.
Breivik sống tại một căn hộ ở Oslo. Theo một người bạn của Breivik thì hắn đã bắt đầu có khuynh hướng cực hữu vài năm trở lại đây, hắn thường bày tỏ quan điểm dân tộc chủ nghĩa một cách mạnh mẽ trong các cuộc tranh luận trên các diễn đàn, bày tỏ sự thù địch với những người có nguồn gốc văn hoá khác.
Trong trang facebook của cá nhân, Breivik bày tỏ sự quan tâm đến các nhà chính trị bảo thủ, thú săn bắn, tập thể hình, làm mộc. Hắn cũng thích nhân vật giết người hàng loạt Dexter trong serie phim truyền hình cùng tên, thích show True Blood nói về ma cà rồng và các phim bạo lực khác như Gladiator, 300.
Cách đây vài ngày hắn khởi tạo một tài khoản trên mạng xã hội Twitter và đưa một thông điệp duy nhất lên vào hôm 17.7: “Một con người với niềm tin có sức mạnh ngang bằng 100.000 người chỉ biết đến những lợi ích”.
Là chủ trang trại nông nghiệp Breivik Geofarm, tên sát nhân này được phép mua các chất hoá học, vì thế hắn có thể tự tạo được bom. Hắn cũng được phép đăng ký sử dụng một súng máy và một súng lục.
Một em gái thoát chết sau vụ nổ súng bằng cách nhảy xuống nước, kể lại trên kênh truyền hình TV2: “Hắn đi rất chậm rãi quanh đảo, nhìn thấy ai là hắn bắn. Thái độ của hắn rất bình thản”.
Đây là thảm kịch lớn nhất ở đất nước thanh bình Na Uy từ sau chiến tranh thế giới II.

Giết người vì quan điểm chính trị…

Theo luật sư của Anders Behring Breivik ngày 23.7, Breivik đã thú nhận gây ra vụ tấn công kép làm thiệt mạng gần 100 người ở Na Uy ngày 22.7, nhưng y nói rằng “điều đó là cần thiết”.
Luật sư Geir Lippestad trả lời trên đài truyềnhình TV2 của Na Uy đêm 23.7 rằng: “Thân chủ tôi nhận thức được những tội ác trên là khủng khiếp, nhưng trong ý thức của ông luôn thúc giục phải làm thế vì điều đó là cần thiết”. Theo luật sư, những kế hoạch tấn công đã được Breivik sắp đặt nhiều lần.
Na Uy là một trong những nước có truyền thống cởi mở với vấn đề nhập cư. Tỉ lệ người nhập cư ở Na Uy so với tổng dân số đã tăng từ 2% vào năm 1970 đến 11% so với hiện tại. Nước này có 163.000 dân theo Hồi giáo, chiếm tỉ lệ 3,4% trên tổng số dân. Chính sách này gần đây đã bị Đảng Tiến bộ chỉ trích. Đảng Tiến bộ được thành lập vào năm 1973 và hiện là đảng lớn thứ hai trong quốc hội, thắng 20% số phiếu trong cuộc bầu cử năm ngoái. Đảng này chống lại chính sách nhập cư, nói rằng đó là một gánh nặng quốc gia. Breivik từng là thành viên của Đảng Tiến bộ từ năm 2004-2006 và gia nhập đoàn thanh niên của đảng này từ năm 1997-2007.
Truyền thông Na Uy đưa tin đã có một số dấu hiệu về cuộc tấn công trước khi xảy ra thảm kịch. Trong một video tựa “Knight Templar 2083” trên Youtube dài 12 phút, cuối đoạn phim xuất hiện hình ảnh của Breivik trong trang phục hải quân đặc nhiệm. Đoạn video này được đưa lên mạng vào đúng ngày diễn ra các cuộc tấn công khủng bố của Breivik, ngày 22.7.

Hay vì hận thù tôn giáo?

Theo một bản thông báo mà Breivik đăng trên mạng trong ngày diễn ra vụ 2 vụ tấn công hôm 23-7, nhân vật này căm ghét dòng người Hồi giáo nhập cư vào châu Âu, muốn châu Âu tiến hành thập tự chinh chống lại họ. Luật sư của Breivik nói rằng, thân chủ của mình viết thông báo và tấn công một mình.
Cảnh sát và luật sư nói rằng, Breivik thú nhận là thủ phạm 2 vụ tấn công nhưng không nhận tội. Người đàn ông Na Uy này bị buộc tội khủng bố. Tính từ lúc Breivik bắn loạt đạn đầu tiên ở nơi cắm trại của thanh niên trên đảo Utoya, cảnh sát phải mất 90 phút mới tới được hiện trường vì không thể sớm tiếp cận máy bay trực thăng và mất công tìm thuyền.
Breivik đầu hàng khi cảnh sát tới nơi. Na Uy được đánh giá là quốc gia đặc biệt thanh bình, nơi phần đông cảnh sát đi tuần trên phố không mang theo súng. Người dân Na Uy tự hào về độ cởi mở của xã hội nước mình. Những năm gần đây, nước này đón nhận hàng nghìn người tị nạn đến từ Irăk, Pakistan, Somalia…

“Tuyên ngôn độc lập châu Âu 2083”

Những thông tin trong bản “Tuyên ngôn độc lập châu Âu” dài 1.500 trang của thủ phạm vụ thảm sát ở Na Uy, Anders Behring Breivik đã tiết lộ nhiều điều về hung thủ, mục tiêu kế tiếp, động cơ gây án cũng như nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự kiện bắn giết không gớm tay, gây chấn động Na Uy ngày 22.7 vừa qua.
Anders Behring Breivik nói cuộc đời mình bắt đầu chuyển hướng từ khi còn là một đứa trẻ. Đó là khoảng thời gian xảy ra cuộc chiến vùng Vịnh lần đầu tiên, khi một bạn người Hồi giáo được tuyên dương vì đã dám sử dụng tên lửa tấn công lực lượng Mỹ. “Tôi hoàn toàn ngây thơ và phi chính trị vào thời điểm đó, nhưng sự thiếu tôn trọng văn hóa phương Tây của bạn ấy làm dấy lên mối quan tâm của tôi và tôi bắt đầu đam mê tìm hiểu.”
Breivik nói mình đồng tình với chính phủ Serbia trong vụ đàn áp người Hồi giáo gốc Albania ở Kosovo vào khoảng năm 1996 và cho biết cuộc đàn áp này cổ vũ cho kế hoạch thảm sát 22.7.2011. Breivik nói rằng cái gọi là “Hồi giáo hóa châu Âu” không thể ngăn chặn được bằng các biện pháp hòa bình.
Giáo sư Jack Levin tại Đại học Northeastern, người đã từng viết một số cuốn sách về những kẻ giết người hàng loạt, cho biết bản tuyên ngôn của Breivik “làm cho kẻ giết người trông giống như một nạn nhân chứ không phải là một nhân vật phản diện”.
Từ tháng 9.2009 đến tháng 10.2010, Breivik hơn 70 lần đăng bài viết lên địa chỉ Dokument.no, một trang web của Na Uy thể hiện quan điểm về đạo Hồi và người nhập cư. Breivik đổ lỗi cho các đảng cánh tả châu Âu đã phá hủy di sản Kitô giáo ở lục địa này, bằng các chính sách cho phép hàng loạt dân Hồi giáo nhập cư.
Trong bản tuyên ngôn, Breivik cho biết đã tiếp xúc với những người có chung tư tưởng và cùng thành lập một nhóm quân sự, lấy cảm hứng từ cuộc thập tự chinh. Mục tiêu của họ là giành chính quyền châu Âu vào năm 2083 bằng hàng loạt cuộc đảo chính. Cảnh sát Na Uy không xác định được sự tồn tại của nhóm người trên.
Cũng trong bản tuyên ngôn, Breivik gọi Thủ tướng Anh Gordon Brown, người tiền nhiệm Tony Blair và thái tử Charles là những “kẻ phản bội” và” xứng đáng” trở thành mục tiêu sát hại! Ngoài ra còn có thủ tướng Đức Angela Merkel, tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jose Manuel Barroso.
Breivik cũng liệt kê 100 đảng phái chính trị “ trực tiếp hay gián tiếp ủng hộ phong trào Hồi giáo hóa châu Âu”, như đảng Bảo thủ, đảng Lao Động và dảng Dân chủ Tự do… Thậm chí, Breivik còn lập danh sách phân loại những “cá nhân đáng chết” ở từng quốc gia, chỉ tính riêng ở Anh con số này lên đến 62.216 người!

(Tồng hợp)
__________________________________________________________

Posted in Chính trị thế giới, Chuyện pháp luật, Tin tức nổi bật | Thẻ: , , | Leave a Comment »

Biểu tình đòi cải cách bầu cử ở Malaixia

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Bảy 10, 2011

Cảnh sát Malaysia đã phải bắn hơi cay và phun vòi rồng, đồng thời bắt giữ hơn 1.400 người trong cuộc biểu tình quy mô lớn tới hơn 50.000 người ở thủ đô Kuala Lumpur để đòi cải cách bầu cử.

Đây là cuộc cuộc biểu tình lớn nhất trong nhiều năm qua ở Malaysia.

Trong số những người biểu tình bị bắt giữ có ông Anwar Ibrahim, Chủ tịch Đảng Hồi giáo Malaixia-Pan (PAS) Abdul Hadi Awang, Phó Chủ tịch Đảng Mohamad Sabu và hai phó chủ tịch khác của đảng này là Salahuddin Ayub và Mahfuz Omar, sau khi đám đông không chịu giải tán theo yêu cầu.

Trong khi đó, tất cả các tuyến phố lớn dẫn vào trung tâm thành phố đã bị phong tỏa và các nhà ga, bến xe đều bị đóng cửa. Tuy nhiên, đám đông biểu tình vẫn cố vượt qua hàng rào cảnh sát dày đặc để tiến về Quảng trường Độc lập và sau đó tới Cung điện của Quốc vương để trình thư kiến nghị về những yêu cầu của họ.

Nhiều người bị bắt giữ ngay tại khu vực công cộng, nơi họ tụ tập để chờ tiến vào Quảng trường Độc lập.

Hàng nghìn người khác, bất chấp sự ngăn chặn của cảnh sát, cố tìm cách đến được địa điểm tập trung. Hàng trăm cảnh sát và quân cảnh mang theo dùi cui và thiết bị chống bạo loạn đã được triển khai tại những địa điểm chiến lược xung quanh thành phố.

Cuộc biểu tình này đánh dấu đỉnh điểm của chiến dịch do các đảng đối lập phát động nhằm cáo buộc Liên minh Mặt trận Quốc gia (BN) cầm quyền của Thủ tướng Najib Razak bấu víu quyền lực suốt 54 năm qua thông qua gian lận bầu cử. Nhà cầm quyền Malaysia đã cáo buộc những người tổ chức biểu tình đe dọa an ninh quốc gia và âm mưu lật đổ chính phủ.
Trong khi đó, những người biểu tình đã chỉ trích hành động trấn áp của cảnh sát là vi phạm quyền tụ họp hòa bình. Cảnh sát cũng đã triển khai xung quanh tòa nhà, nơi các nhà hoạt động tổ chức họp báo với sự tham dự của các lãnh đạo cấp cao đối lập.

Quyền cảnh sát trưởng thành phố Kuala Lumpur, Amar Singh cho biết hiện tình hình đã được kiểm soát và kêu gọi dân chúng cảnh giác trước những tin đồn xấu về tình hình an ninh tại thủ đô. Những người bị bắt giữ sẽ được thả vào lúc 22 giờ cùng ngày.

Trong diễn biến khác liên quan, khoảng 30 người Malaysia đang sống ở Hàn Quốc, 80 người tại Hong Kong, cùng ngày đã tuần hành tại thủ đô Seoul để ủng hộ cuộc biểu tình rầm rộ yêu cầu cải cách bầu cử ở trong nước.

(Theo TTXVN)
___________________________________________________

Posted in Chính trị thế giới, Tin tức nổi bật | Thẻ: , , | Leave a Comment »

Cuộc chiến Libi: Bầu cử hay tử thủ đến cùng?

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Sáu 19, 2011

Chấp nhận bầu cử do quốc tế giám sát?

Đặc phái viên Nga Mikhail Margelov hôm qua (16.6) đã tìm cách hòa giải cuộc xung đột tại Lybi khi con trai của Đại tá Muammar Kaddafi cho hay nhà lãnh đạo này sẵn sàng chấp nhận cuộc bầu cử dưới sự giám sát quốc tế.

Mikhail Margelov, đặc phái viên tại Châu Phi của Tổng thống Nga Dmitry Medvedev, đã đến Tripoli và có cuộc gặp gỡ với Thủ tướng Libi Baghdadi al-Mahmudi, hãng tin Interfax của Nga cho biết.

Varvara Paal – phát ngôn viên của ông Margelov – nói với AFP tại Mátxcơva rằng đặc phái viên này sẽ gặp thủ tướng và ngoại trưởng Libi trong chuyến thăm một ngày tại Tripoli, song không có kế hoạch gặp Tổng thống Kaddafi.

Tuần trước, ông Margelov đã tới thủ phủ Benghazi của phe đối lập, sau đó đến Cairo để hội đàm với Ahmed Gaddaf al-Dam, anh em họ của Đại tá Kaddafi, cùng với nhiều nhân vật trong nội các của nhà lãnh đạo này. Ông Margelov cho hay Mátxcơva có thể đã được chuẩn bị đưa ra một “lộ trình” sơ bộ để giải quyết cuộc xung đột.

Song Seif al-Islam, con trai của Kaddafi, nói với tờ Corriere della Sera của Ý rằng bầu cử là cách duy nhất phá vỡ thế bế tắc. “Bầu cử, ngay lập tức và dưới sự giám sát quốc tế. Đó là cách duy nhất tránh thương đau để thoát khỏi tình trạng bế tắc hiện nay ở Libi”.

“Chúng tôi có thể tiến hành các cuộc bầu cử trong vòng 3 tháng tới, vào khoảng cuối năm nay. Và để đảm bảo tính minh bạch, cuộc bầu cử cần sự hiện diện của các nhà giám sát quốc tế”, tờ Corriere della Sera trích dẫn lời Seif nói tại Tripoli.

Các cuộc bầu cử có thể do Liên minh Châu Âu (EU) hay Liên minh Châu Phi (AU), Liên Hợp Quốc (UN) hoặc thậm chí do NATO giám sát, miễn là có một “cơ chế” được đưa ra để đảm bảo “không có nghi ngờ về gian lận trong bầu cử”, Seif tuyên bố bổ sung.

“Chúng ta hãy tiến hành thăm dò, và có thể tìm ra người xứng đáng nhất”, Seif nói với báo giới tại một khách sạn ở Tripoli.

Tuy nhiên, lãnh đạo của phe đối lập tại thành trì phía đông Benghazi từ chối ý tưởng tiến hành bầu cử của con trai Kaddafi. Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cũng bác bỏ đề xuất bầu cử này và nói rằng “đã quá trễ để làm điều đó”.

Cũng trong ngày hôm qua, chính quyền Kaddafi lần đầu tiên tiến hành những cuộc đàm phán trực tiếp với phe đối lập tại thủ đô Libi. Song, ông al-Mahmoudi không cho biết thêm chi tiết. Cuộc tiếp xúc này cũng chưa được Hội đồng quốc gia lâm thời của phe đối lập khẳng định.

Kaddafi vẫn thề đánh bại NATO

NATO đã thực hiện 10 tuần không kích liên tiếp chống lại lực lượng Kaddafi để thực hiện sứ mệnh bảo vệ dân thường. Trung tướng Charles Bouchard cho biết tình hình quân sự tại miền tây Libi, nơi cuộc chiến đấu giữa quân nổi dậy và lực lượng trung thành với Đại tá Kaddafi đột ngột gia tăng, đang diễn biến “rất tích cực”. “Tôi tin rằng chúng tôi có thể hoàn thành sứ mệnh mà không cần triển khai bộ binh”, vị Trung tướng người Canada tuyên bố với báo giới tại Garibaldi, ngoài khơi Libi.

Trong khi đó, trong một bài phát biểu được phát trên truyền hình nhà nước Libi tối 17-6, nhà lãnh đạo Muammar Kaddafi thề đánh bại các đồng minh Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vì có ý đồ lật đổ ông.

Ông Kaddafi tuyên bố: “Đây là lần đầu họ (NATO) phải đối mặt với một quốc gia có cả triệu người được trang bị vũ khí. Họ sẽ bị đánh bại”.

Truyền hình nhà nước Libi cho biết, ông Kaddafi phát biểu thông qua “một cuộc gọi điện thoại vào ngày 17-6”.

Bài phát biểu cứng rắn của ông Kaddafi xuất hiện trong bối cảnh vừa nổ ra cuộc đấu súng dữ dội giữa lực lượng trung thành với ông và lực lượng đối lập ở gần thành phố Zlitan và Misrata, miền Tây Libi.

Cũng trong ngày, Thủ tướng Libi Baghdadi al-Mahmudi cho biết chính quyền Muammar Kaddafi đang liên lạc với phe đối lập. Trong lúc đó, phe đối lập tiếp tục nỗ lực phá vỡ thế bế tắc kéo dài hàng tháng qua và đẩy nhanh việc tiến sâu vào khu vực do chính quyền Libi kiểm soát ở phía Đông Thủ đô Tripoli.

(tổng hợp)
_____________________________________________________

Posted in Chính trị thế giới, Tin tức nổi bật | Thẻ: , , | Leave a Comment »

Cuộc chiến Libi: Sắp có chiến dịch trên bộ?

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Sáu 16, 2011

Đại sứ Nga tại NATO hôm qua cảnh báo khối quân sự này đang có khả năng bị đẩy vào cuộc chiến trên bộ tại Libya sau những chiến dịch oanh kích suốt 3 tháng qua.

Theo nhận định của đại sứ Nga Dmitry Rogozin, cuộc chiến tại Libya có thể gây ra những hậu quả thảm khốc cho châu Âu, trong khi liên quân do NATO đứng đầu ngày càng bị cuốn vào khả năng phải thực hiện chiến dịch trên bộ tại quốc gia Bắc Phi này. Cũng theo lời đại diện của Matxcơva, liên quân có mục tiêu ám sát cá nhân đại tá Muammar Kaddafi.

Lực lượng NATO đã thiết lập vùng cấm bay tại Libya từ tháng 3 theo một nghị quyết của Liên Hợp Quốc, sau đó liên tục mở các chiến dịch không kích trong suốt gần 3 tháng với danh nghĩa bảo vệ thường dân Libya khỏi các vụ tấn công của lực lượng ủng hộ chế độ Kaddafi.

Trong nghị quyết của Liên Hợp Quốc, Nga bỏ phiếu trắng và nước này từng cáo buộc liên quân đã vượt quá những điều nghị quyết cho phép. Văn bản này cấm triển khai một lực lượng chiếm đóng tại Libya giống như những gì đã xảy ra tại Iraq và Afghanistan.

Những tuần gần đây, Nga đang nỗ lực đóng vai trò trung gian cho cuộc chiến Libya. Phái viên châu Phi của Matxcơva là Mikhail Margelov đã gặp các thủ lĩnh phe nổi dậy tại Benghazi cũng như một người cháu của đại tá Kaddafi tại Cairo hồi tuần trước. Ông cũng dự kiến sớm tới Tripoli để gặp các thành viên trong chính phủ Kaddafi.

Trong khi đó, Nhà Trắng hôm qua gửi quốc hội Mỹ một báo cáo dài 32 trang, trong đó khẳng định Tổng thống Barack Obama không cần sự phê chuẩn của quốc hội vẫn có thể cho quân đội tiếp tục tham gia sứ mệnh của liên quân do NATO đứng đầu tại Libya với vai trò hỗ trợ.

BBC dẫn văn bản này cho biết, Nhà Trắng lập luận rằng vì chỉ đóng vai trò hỗ trợ trong chiến dịch nên đã không phạm vào điều luật ban hành thời Chiến tranh Việt Nam năm 1973, trong đó kiềm chế khả năng của các tổng thống Mỹ trong việc thực hiện các cuộc xung đột quân sự.

Chính quyền Obama cũng giải thích thêm rằng vai trò hỗ trợ của Mỹ trong chiến dịch Libya bao gồm các phần việc như tiếp dầu cho các máy bay chiến đấu của NATO, hỗ trợ thu thập thông tin tình báo và không trực tiếp tham chiến để tránh những rủi ro nhân mạng cho binh sĩ Mỹ.

Theo luật năm 1973, nếu tổng thống ra lệnh cho quân đội Mỹ tham gia vào một cuộc xung đột mà chưa được sự phê chuẩn của quốc hội thì sẽ phải tìm cách đạt được sự hậu thuẫn của các nghị sĩ trong vòng 60 ngày sau đó, nếu không sẽ phải chấm dứt sự tham gia của quân đội vào cuộc xung đột.

Nhưng luật trên cũng cho phép tổng thống Mỹ có thêm 30 ngày sau thời hạn 60 ngày nói trên trước khi đệ trình lên quốc hội. Hôm chủ nhật vừa qua đánh dấu tròn 90 ngày kể từ khi Mỹ cùng NATO lập vùng cấm bay tại Libya. Do đó Nhà Trắng khẳng định Tổng thống Barack Obama hoàn toàn hợp pháp khi ra lệnh cho quân đội tham chiến tại Libya cùng với NATO hồi tháng 3 vừa qua.

theo Đình Nguyễn
___________________________________________________________

Posted in Chính trị thế giới, Tin tức nổi bật | Thẻ: , , | Leave a Comment »

Động thái mới của Philipin ở Biển Đông

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Sáu 15, 2011

Nhổ cột mốc

Trong một diễn biến mới, hôm thứ Tư 15/06 Philippines cho hay đã dỡ bỏ hết các cột mốc mà “nước ngoài” dựng trái phép trên ba đảo và bãi cạn của nước này tại Biển Đông.

Người phát ngôn cho Hải quân Philippines Omar Tonsay nói việc dỡ các cột mốc này được thực hiện từ tháng Năm, trước khi Manila chính thức phản đối việc Trung Quốc xâm phạm hải phận của Philippines.

Ông nói: “Đây là các cột mốc nước ngoài dựng, không phải của quân đội hay chính phủ chúng tôi. Chúng tôi dỡ bỏ, vì đây là lãnh thổ Philippines”.

Chính phủ Philippines mới đây đã cáo buộc Trung Quốc dựng cột sắt và thả phao ở bãi Amy Douglas.

Tuy nhiên các cột mốc mà ông Tonsay đề cập tới ở trên được biết là trong một vụ khác và dựng trên bãi đá Boxall cũng ở gần đó.

Philippines cũng từng cáo buộc tàu Trung Quốc gây hấn với tàu nước này gần Bãi Cỏ Rong (Reed Bank), nằm trong vùng Biển Đông mà Trung Quốc đang muốn tranh chấp chủ quyền.

Tập trận chung với Mỹ

Tuần này có tin Hải quân Mỹ sẽ tập trận với Philippines ở vùng biển Sulu vào cuối tháng.

Hiện cũng có tin hàng không mẫu hạm USS George Washington sẽ vào Biển Đông và diễn tập cứu hộ với phía Việt Nam.

Bắc Kinh thì luôn nhấn mạnh đến việc giải quyết các tranh chấp trên cơ sở song phương chứ không phải đa phương

Riêng về quan hệ Mỹ – Trung, tác giả Chris Buckley của Reuters viết rằng:
“Căng thẳng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ tăng lên năm ngoái sau khi Chính quyền Obama tham gia vào tranh chấp Biển Nam Trung Hoa, nhấn mạnh đến sự ủng hộ của Washington cho một giải pháp tập thể.”

“Năm nay, quan hệ hai bên tiến triển đều và cho tới nay, Washington tỏ ra im lặng về vụ việc. Bắc Kinh thì luôn nhấn mạnh đến việc giải quyết các tranh chấp trên cơ sở song phương chứ không phải đa phương, một chiến lược mà có những nhà chỉ trích gọi là cách “chia rẽ để chiếm đoạt”.

Tuy vậy, theo một biên tập viên của BBC Tiếng Trung tại London thì ngôn từ trong bài xã luận của tờ báo Trung Quốc lần này “khá mềm mỏng”.

Từ trước tới nay, Trung Quốc nêu ra quan điểm “gác tranh chấp cùng khai thác” ở Biển Đông.

(Tổng hợp theo tin BBC)
________________________________________________________

Posted in Chính trị thế giới, Chuyện pháp luật, Quốc phòng các nước | Thẻ: , , | Leave a Comment »

Chính quyền Quảng Đông đặt lệnh giới nghiêm

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Sáu 15, 2011

– Báo chí Trung Quốc đưa tin, chính quyền nước này đã áp đặt lệnh giới nghiêm nhằm ngăn chặn tình trạng bạo động kéo dài tại tỉnh Quảng Đông. Tuy nhiên, đụng độ vẫn xảy ra.

Tuy không có thông báo chính thức nhưng người dân khu vực Tân Đường, thành phố Quảng Châu (thủ phủ tỉnh Quảng Đông) cho biết từ ngày 13/6, họ được yêu cầu không ra khỏi nhà sau 20 giờ. Sau thời điểm này, các cửa hàng, tiệm ăn đều đóng cửa.

Mặc dù vậy, nhiều nhân chứng cho biết ngay trước giờ giới nghiêm đã xảy ra một vụ đụng độ chóng vánh. Hơn 100 lao động nhập cư mang theo gậy gộc, ống nước va chạm với cảnh sát và sau đó nhanh chóng giải tán. Hiện chưa rõ hậu quả sau vụ đụng độ này.

Được biết, cuối tuần trước, hàng trăm lao động nhập cư đã bạo loạn sau khi một người phụ nữ mang thai được cho là bị các nhân viên an ninh tấn công.

Tin tức cho hay phụ nữ này bị đẩy ngã xuống đất sau khi không chịu dọn quầy hàng của bà.

Những người biểu tình đã đốt xe hơi và phá hủy các tòa nhà chính quyền tại thành phố Tân Đường ở gần Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông.

Sau vụ việc hơn 1.000 lao động nhập cư biểu tình biến thành bạo động đập phá, đốt xe cộ và một số cơ sở công cộng trong tối 12/6, an ninh đang được siết chặt ở Tân Đường với đông đảo cảnh sát vũ trang tuần tra liên tục.

Thông qua báo chí, chính quyền Trung Quốc đã chỉ trích mạnh mẽ hình thức biểu tình bạo lực như ở Tân Đường, nhấn mạnh rằng những ai dùng bạo lực để “chống chính quyền” cần phải bị trừng trị thích đáng theo pháp luật.

Cảnh sát đã dùng hơi ngạt và đưa xe thiết giáp tới.

BBC Tiếng Trung tại London cho hay vấn đề lao động nhập cư vào các vùng đô thị khiến các cuộc biểu tình ngày càng trở nên nóng bỏng.

(Tổng hợp)
____________________________________________________

Posted in Chính trị thế giới, Chuyện pháp luật, Tin tức nổi bật | Thẻ: , , | Leave a Comment »

Cuộc chiến Libi: NATO hết mục tiêu oanh tạc?

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Sáu 8, 2011

Mục tiêu oanh tạc chính: dinh thự của Kaddafi

Rạng sáng 8/6, lại có thêm nhiều tiếng nổ lớn phát ra từ dinh thự của nhà lãnh đạo Libi Muammar Kaddafi ở trung tâm thủ đô Tripoli, tiếp ngay sau đợt không kích hôm 7/6.

Theo AFP, những tiếng nổ lớn vang lên vào khoảng lúc 1h45 ngày 8/6 theo giờ địa phương (23h45 GMT ngày 7/6, tức 6h45 ngày 8/6 theo giờ Việt Nam).

Trước đó, trận không kích ngày 7/6 là một trong những đợt tấn công dữ dội nhất mà NATO thực hiện kể từ khi bắt đầu cuộc chiến hôm 19/3, khi phóng đi khoảng 60 quả rocket vào các mục tiêu tại Tripoli.

Phát ngôn viên của chính phủ Libi, ông Mussa Ibrahim cho biết, những đợt không kích này đã giết chết 31 người. Tuy nhiên, thông này chưa được kiểm chứng độc lập.

Các nhân chứng cho biết họ thấy khói bốc lên từ khu dinh thự rộng lớn của ông Kaddafi ở thủ đô Libi.

Một trong những mục tiêu chủ yếu của NATO chính là dinh thự của ông Kaddafi, và hầu hết những khu nhà ở Bab al-Aziziya đã bị san phẳng.

Kaddafi vẫn thề quyết tử

Trong một bài phát biểu trên truyền hình ngày 7/6, nhà lãnh đạo Libi Muammar Kaddafi thề sẽ chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, bất chấp bom rơi đạn nổ xung quanh ông.

Trong bài phát biểu, Kaddafi đưa ra những lời lẽ nảy lửa, khẳng định người dân Libi sẽ không đầu hàng và ở lại trong nước cho đến cùng. “Chúng ta sẽ không quỳ gối. Chúng ta chỉ có một lựa chọn – chiến đấu đến cùng!”.

Bài phát biểu 6 phút của ông Kaddafi được truyền hình Libi phát sóng trong bối cảnh NATO tiến hành không kích Tripoli vào ban ngày với cường độ dữ dội nhất kể từ khi bắt đầu chiến dịch Libi.

Các cường quốc trên thế giới hiện đang gia tăng sức ép lên Kaddafi. Liên minh châu Âu, hôm 7/6, thông báo dự định thêm vào danh sách chế tài 6 hải cảng của Libi vốn đang nằm dưới quyền kiểm soát của chính quyền Kaddafi.

(tổng hợp)
___________________________________________________

Posted in Chính trị thế giới, Tin tức nổi bật | Thẻ: , , | Leave a Comment »