NGÔN NGỮ & VĂN HÓA

CHÚC MỪNG NĂM MỚI

Được nghe dân nói thật, nói hết là hồng phúc của đất nước

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Một 5, 2011

Chúng ta xây dựng QH trên cơ sở quy định của 4 bản Hiến pháp. 65 năm qua, với 4 bản Hiến pháp, thiết chế tổ chức bộ máy Nhà nước ngày càng được hoàn thiện và luôn thấm nhuần tư tưởng pháp quyền mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu từ Hiến pháp 1946. Trong tổ chức bộ máy Nhà nước, QH là cơ quan duy nhất do nhân dân trực tiếp bầu ra. Nhân dân gửi gắm tâm tư, tình cảm, nguyện vọng và giao trách nhiệm cho QH, các ĐBQH phải thay mặt dân để làm việc. Trải nghiệm về vai trò đặc biệt của QH và ĐBQH, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch QH Nguyễn Văn Yểu suy tư: được nghe dân nói thật, nói hết là hồng phúc của đất nước. Dân còn tin thì dân mới nói thật, nói hết, mới gặp ĐBQH.
Hiến pháp năm 1946 thể hiện rõ tư tưởng pháp quyền của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng Nhà nước

– Năm 1945, ngay sau khi giành chính quyền về tay nhân dân, hai nhiệm vụ ưu tiên mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra là phải nhanh chóng tổ chức Tổng tuyển cử để nhân dân bầu ra QH; đồng thời xây dựng và trình QH ban hành ngay một bản Hiến pháp – Hiến pháp năm 1946. Nguyên Phó chủ tịch nhìn nhận như thế nào về sự kiện này?

– Trong bối cảnh chúng ta phải tập trung mọi lực lượng để thực hiện công cuộc kháng chiến kiến quốc, Hiến pháp năm 1946 ra đời là thành quả hết sức quan trọng, thể hiện sự sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta. Hiến pháp năm 1946 đã thể hiện rõ tư tưởng pháp quyền của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng Nhà nước. Đây là bản Hiến pháp cộng hòa dân chủ nhân dân đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á, được Chủ tịch Hồ Chí Minh chắt lọc từ trí tuệ về nhà nước pháp quyền của nhân loại và phù hợp với thực tiễn của nước ta. Trong bản Hiến pháp đầu tiên này, chúng ta đã khẳng định được chế độ chính trị của Nhà nước ta là dân chủ cộng hòa; khẳng định được quyền dân chủ nhân dân trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội; thiết chế được cơ cấu bộ máy Nhà nước theo tinh thần phân rõ ba quyền lập pháp – hành pháp – tư pháp, trong đó toàn bộ quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân; đồng thời khẳng định được vị trí của pháp luật trong đời sống xã hội.

– Tư tưởng “thần linh pháp quyền” trong bản Hiến pháp đầu tiên được kế tục và thể hiện như thế nào trong các bản Hiến pháp sau này, thưa nguyên Phó chủ tịch?

– Những nội dung lõi cốt về Nhà nước pháp quyền mà chúng ta đang xây dựng hiện nay, theo tôi đã được thể hiện khá đậm và rõ nét trong Hiến pháp năm 1946. Chúng ta từ một nước thuộc địa, nửa phong kiến, nông nghiệp lạc hậu nhưng ngay sau khi giành chính quyền về tay nhân dân đã xây dựng được bản Hiến pháp mang đậm tư tưởng pháp quyền. Tuy Chủ tịch Hồ Chí Minh không dùng thuật ngữ Nhà nước pháp quyền nhưng các nội hàm cơ bản của Nhà nước pháp quyền đã chứa đựng khá đầy đủ trong các quy định của Hiến pháp 1946.
Tư tưởng pháp quyền trong bản Hiến pháp đầu tiên của nước ta tiếp tục được kế thừa và phát triển trong Hiến pháp 1959, 1980 và 1992. Tuy các quy định cụ thể của ba bản Hiến pháp sau này, đặc biệt là quy định về thiết chế cơ cấu bộ máy Nhà nước có điểm khác nhau nhưng đều theo hướng là ngày càng hoàn thiện hơn.

– Tại sao lại có sự khác nhau giữa các quy định về tổ chức bộ máy Nhà nước trong các bản Hiến pháp, thưa nguyên Phó chủ tịch?

– Bởi đây là sự tiếp tục chắt lọc, phát triển và hoàn thiện về tư tưởng pháp quyền trong tổ chức bộ máy Nhà nước. Đến Hiến pháp 1992, những quy định về cơ cấu bộ máy Nhà nước theo tinh thần Nhà nước pháp quyền XHCN đã được hoàn thiện hơn. Thiết chế bộ máy Nhà nước theo Hiến pháp 1992 là sự kế thừa ba bản Hiến pháp trước, phù hợp với thực tiễn đất nước trong thời kỳ đổi mới. Mặc dù có điểm khác, nhưng các bản Hiến pháp sau này vẫn trung thành với tư tưởng lõi cốt về Nhà nước pháp quyền đã được thể hiện trong Hiến pháp 1946. Cụ thể, những tư tưởng “dân chủ”, “chủ quyền nhân dân”, “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”; phân công ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp… tiếp tục được ghi nhận, phát triển và hoàn thiện một cách rõ ràng, đầy đủ hơn, đặc biệt là ở Hiến pháp 1992. Chế định dân chủ đại diện, dân chủ trực tiếp được quy định khá phong phú và rõ ràng. Riêng chế định dân chủ trực tiếp, tuy rằng có phát triển nhưng so với chế định dân chủ đại diện thì dân chủ trực tiếp quy định tại Hiến pháp 1992 và hệ thống pháp luật hiện nay còn mỏng. Chế định dân chủ trực tiếp cần được tiếp tục cụ thể hóa để người dân có cơ chế cũng như hành lang pháp lý trong việc thực hiện quyền của mình với tư cách là chủ thể thực sự của quyền lực Nhà nước. Hiến pháp 1946 đã khẳng định về quyền phúc quyết của nhân dân, thực chất, đây là quyền trưng cầu dân ý. Vậy mà 65 năm qua, chúng ta chưa ban hành được Luật Trưng cầu dân ý, hay một quyền chính trị rất lớn của người dân là quyền lập hội, nhưng cho đến nay, chúng ta cũng chưa thông qua được Luật về hội. Theo tôi, đây là sự chậm trễ cần sớm khắc phục.

– Thưa nguyên Phó chủ tịch, Hiến pháp 1992 là Hiến pháp của thời kỳ đổi mới đất nước. Vậy có điểm gì nổi bật ở Hiến pháp 1992 này?

Khi có đường lối đổi mới của Đảng, nhất là khi Đảng ta khẳng định chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam thì vai trò của Hiến pháp và các đạo luật phải được đề cao trong việc điều chỉnh các mối quan hệ xã hội ở tất cả các lĩnh vực của đất nước. Điều này nhằm thực hiện đúng nội hàm của Nhà nước pháp quyền là Hiến pháp và các đạo luật phải giữ vị trí tối thượng trong việc điều chỉnh các mối quan hệ xã hội.

Hiến pháp 1992, một mặt khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Nhưng mặt khác cũng chỉ rõ, các tổ chức và đảng viên của Đảng phải hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Các cá nhân và tổ chức trong các cơ quan Đảng phải gương mẫu và thực hiện nghiêm các quy định của Hiến pháp và pháp luật. Đây là nội dung rất quan trọng của Nhà nước pháp quyền XHCN của chúng ta.

– 65 năm qua, theo tư tưởng pháp quyền của Hiến pháp năm 1946 và Nhà nước pháp quyền XHCN sau này, vai trò của QH được thể hiện như thế nào, thưa nguyên Phó chủ tịch?

Tư tưởng pháp quyền của Hiến pháp 1946 còn thể hiện ở việc phân công quyền lực. Hiến pháp 1946 đã quy định rất rõ là quyền lực Nhà nước được phân thành ba quyền là lập pháp, hành pháp và tư pháp. Hiến pháp 1959 và Hiến pháp 1980 tiếp tục xác định ba nhánh quyền lực này. Đến Hiến pháp 1992, trong phân công quyền lực Nhà nước, một mặt, chúng ta trung thành với những tư tưởng chung đã được thể hiện trong Hiến pháp 1946; mặt khác chúng ta tiếp tục hoàn thiện, xác định khá rõ mối quan hệ giữa lập pháp, hành pháp và tư pháp trong bộ máy Nhà nước.

Quyền lực Nhà nước được khẳng định là thống nhất, nhưng có sự phân công giữa các cơ quan trong thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Chúng ta phân công nhưng không phân lập. Tuy phân công nhưng mỗi cơ cấu có vị trí riêng với yêu cầu phải thể hiện được chủ quyền nhân dân, vì lợi ích của nhân dân. Chúng ta phân công nhưng có cơ chế kiểm tra, giám sát để kiềm chế sự lạm quyền của từng cơ cấu trong bộ máy Nhà nước. Điều 2, Hiến pháp 1992 khẳng định: Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân. Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân. Quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Với quy định này, thiết chế bộ máy Nhà nước theo tư tưởng pháp quyền đã tương đối rõ. QH được xác định là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất. QH là cơ quan do nhân dân trực tiếp bầu ra (nhân dân bầu ra các vị ĐBQH) thay mặt nhân dân thực hiện ba chức năng: lập hiến, lập pháp; giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.

QH làm luật dân chủ, thoải mái nhưng chín chắn

– Một trong những chức năng cơ bản của QH là lập hiến và lập pháp. Nguyên Phó chủ tịch nhìn nhận như thế nào về thành tựu lập pháp của QH nước ta?

Càng về những nhiệm kỳ sau này, việc ban hành luật của QH ngày càng tiến bộ. Từ chỗ QH ban hành rất ít luật, chủ yếu là UBTVQH ra pháp lệnh thì gần đây, QH chủ yếu ban hành luật với tốc độ nhanh hơn. Trên các lĩnh vực mới như chứng khoán, giao dịch điện tử, sở hữu trí tuệ… chúng ta đã có Luật. QH đã phủ dần được khung luật đối với hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội. Tuy nhiên, do còn nhiều hạn chế, cho nên có một số lĩnh vực QH chưa ban hành được Luật. Đây là vấn đề đòi hỏi QH phải phấn đấu nhiều hơn nữa. Tiến tới không những QH ban hành đủ khung luật để điều chỉnh các mối quan hệ xã hội mà còn bảo đảm trong luật quy định đủ rõ, đủ cụ thể để nhân dân thực hiện được ngay; chứ không phải chờ hướng dẫn của Nghị định và Thông tư. Tất cả những vấn đề liên quan đến quyền và nghĩa vụ của công dân, dân được làm cái này, không được làm cái kia, nếu làm trái thì sẽ bị xử lý thế nào… nhất thiết phải được quy định trong Luật. Tinh thần Nhà nước pháp quyền phải là như vậy. Tất nhiên, Nghị định và Thông tư là văn bản quy phạm quan trọng nhưng về lâu dài, cần tiến tới việc, các quy định của Nghị định và Thông tư chỉ nhằm hướng dẫn các quy chuẩn tác nghiệp của cán bộ, công chức trong bộ máy Nhà nước.

– Thế còn về phương pháp và cách thức làm luật của QH hiện nay, so với trước đây có điểm gì tiến bộ hay không, thưa nguyên Phó chủ tịch?

Đã có những đổi mới căn bản. Từ chỗ thông qua từng điều luật, đến bây giờ QH đã thông qua cả dự án Luật trên cơ sở đã có sự thảo luận, bàn bạc kỹ và tu chỉnh cẩn thận. Tốc độ làm luật ngày càng nhanh hơn. Không khí làm luật dân chủ hơn, thoải mái hơn nhưng vẫn chín chắn. Sự tham gia đóng góp của nhân dân, đặc biệt là các chuyên gia, đối tượng điều chỉnh của các dự án luật ngày càng đầy đủ hơn. QH thể hiện rõ vai trò là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp.

Giám sát của QH trên tinh thần đồng chí và hợp tác

– Giám sát vốn được coi là khâu yếu. Tuy nhiên, những nhiệm kỳ gần đây, đặc biệt là trong năm 2010, nhiều ý kiến cho rằng, QH đã có bước tiến mạnh về hoạt động giám sát… Ý kiến của nguyên Phó chủ tịch về vấn đề này như thế nào?

– Qua 65 năm, vị trí của QH là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất đã được thể hiện khá sâu đậm ở hoạt động giám sát. Giám sát của QH ngày càng thực chất hơn, bớt tính hình thức. QH là cơ quan duy nhất do nhân dân trực tiếp bầu ra. 500 đại biểu do nhân dân trực tiếp bầu ra hình thành nên QH. Nhân dân gửi gắm tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của mình cho ĐBQH, giao trách nhiệm cho các ĐBQH phải thay mặt nhân dân để làm việc. Giám sát của QH, UBTVQH, HĐDT và các UB cũng như giám sát của ĐBQH và Đoàn ĐBQH đã thể hiện rõ tinh thần của những người thay mặt nhân dân giám sát việc bộ máy Nhà nước làm ăn như thế nào, tốt và chưa tốt ở chỗ nào, biện pháp khắc phục ra sao?

Giám sát của QH hướng tới chính là nhằm mục đích xây dựng và thúc đẩy. Đây là đặc thù trong giám sát của QH ta trong điều kiện một Đảng lãnh đạo Nhà nước. QH giám sát hoạt động của Chính phủ, kể cả thông qua việc phát hiện những cái sai hay yêu cầu xử lý cán bộ, là nhằm mục đích xây dựng để Chính phủ ngày càng tốt lên. Chúng ta giám sát hoạt động của Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao là để cơ quan tư pháp ngày càng hoạt động có chất lượng hơn, tận tình phục vụ nhân dân hơn theo tinh thần bảo đảm công lý XHCN.

Giám sát của QH còn phục vụ yêu cầu thúc đẩy. Cái này tôi thấy rất rõ. Giám sát để thúc đẩy các cơ quan hành pháp và tư pháp hoạt động tốt hơn. Yêu cầu thúc đẩy giữ vai trò quan trọng để tránh tình trạng trì trệ, chủ quan, thiếu trách nhiệm. Hiện nay, chủ quan và trì trệ còn biểu hiện khá rõ. Với tinh thần giám sát tối cao và thay mặt nhân dân, giám sát của QH phải thiết thực phục vụ yêu cầu thúc đẩy sự phát triển.

– Giám sát của QH là xây dựng và thúc đẩy. Theo dõi những Kỳ họp QH gần đây, nhiều ý kiến cho rằng, QH giám sát quyết liệt?

Quyết liệt là đúng. Nhưng, cái quyết liệt của chúng ta khác với các nước theo chế độ đa đảng, họ quyết liệt để lật đổ nhau, để Đảng mình lên cầm quyền. Chúng ta giám sát trên tinh thần đồng chí và hợp tác. Theo dõi những Kỳ họp QH gần đây, có đồng chí hỏi tôi, sao QH chất vấn căng thế này? Tôi nói rằng, quyết liệt làm đến nơi đến chốn, theo đến cùng như thế là tốt. Quyết liệt nhưng với tinh thần xây dựng, thúc đẩy, đồng chí và hợp tác. Quan trọng hơn, quyết liệt ở đây là trên tinh thần QH, ĐBQH là những người thay mặt dân. Cán bộ công chức Nhà nước là công bộc của dân. Dân có thể giám sát trực tiếp hoặc ủy nhiệm cho người đại biểu do dân bầu ra thực hiện chức năng giám sát để làm thế nào bộ máy Nhà nước phải phục vụ tốt nhất cho nhân dân.

Được nghe dân nói thật, nói hết là hồng phúc của đất nước

– Cử tri và nhân dân trực tiếp bầu ra ĐBQH. Theo quy định của pháp luật, mối quan hệ giữa ĐBQH với cử tri là gắn bó và máu thịt. Vậy thực tế mối quan hệ này như thế nào, thưa nguyên Phó chủ tịch?

Trên cơ sở ba chức năng lập hiến – lập pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, hoạt động của QH ta ngày càng tiến bộ và được nhân dân tin tưởng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ và hoạt động của cơ quan tư pháp, niềm tin của dân gửi gắm vào QH rất lớn. Dân có thể phản ánh trực tiếp với các cơ quan của Đảng nhưng cơ chế để nhân dân phản ánh với các cơ quan của Đảng hiện nay chưa có quy định đủ rõ như đối với các cơ quan của QH và ĐBQH.

Tuy nhiên, cách thức liên hệ giữa QH, đặc biệt là giữa các ĐBQH với dân cần tiếp tục rút kinh nghiệm và cải tiến nhiều hơn nữa. Từ việc tiếp xúc cử tri theo định kỳ đến tiếp xúc cử tri đột xuất, theo tôi, không nhất thiết một năm 4 lần trước và sau hai Kỳ họp QH, đại biểu mới gặp dân. Bản thân ĐBQH cũng không nên chờ một năm 4 lần MTTQ và Đoàn ĐBQH tổ chức Hội nghị thì mới gặp cử tri. Người đại biểu do dân bầu ra phải thường xuyên gắn bó với dân. Ngoài tiếp xúc cử tri theo định kỳ, đại biểu cần gặp gỡ cử tri nhiều hơn. Và không nhất thiết là chỉ gặp cử tri ở nơi bầu ra mình mà có thể là cử tri ở nơi mình sinh sống hoặc cử tri là đối tượng điều chỉnh của một dự án Luật QH chuẩn bị xem xét, thông qua.

Hình thức gặp gỡ giữa ĐBQH với cử tri cũng cần được mở rộng theo hướng, ĐBQH và cử tri gặp gỡ nhau một cách thoải mái. Người dân có thể nói thật, nói hết với ĐBQH. Được nghe dân nói thật, nói hết là hồng phúc của đất nước. Dân còn tin thì dân mới nói thật, nói hết, mới gặp ĐBQH. Đương nhiên, khi đã nghe dân phản ánh thì đại biểu cũng phải làm hết trách nhiệm. Có thể có những việc thuộc tầm tay của đại biểu thì đại biểu góp chung với QH để sửa đổi, ban hành luật mới. Có những việc không thuộc thẩm quyền xử lý của QH, các cơ quan của QH thì đại biểu chuyển cho cơ quan hành pháp, tư pháp. Nhưng, điều quan trọng là đại biểu phải theo dõi, đôn đốc và giám sát việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri đến nơi đến chốn.

– 65 năm QH Việt Nam, nếu khẳng định QH trưởng thành qua từng bản Hiến pháp thì có chính xác không, thưa nguyên Phó chủ tịch?

Chúng ta xây dựng QH trên cơ sở quy định của 4 bản Hiến pháp. Qua mỗi thời kỳ lịch sử của đất nước, thiết chế về tổ chức bộ máy Nhà nước có sự thay đổi, thử nghiệm. Điều đặc biệt là qua 65 năm với 4 bản Hiến pháp, thiết chế tổ chức bộ máy Nhà nước ngày càng được hoàn thiện và luôn thấm nhuần tư tưởng pháp quyền mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu từ Hiến pháp 1946. Nhưng, để đáp ứng yêu cầu của cuộc sống và sự phát triển thì hệ thống tổ chức bộ máy Nhà nước cần được tiếp tục nghiên cứu, đổi mới và hoàn thiện hơn. Đội ngũ cán bộ, công chức phải thực hiện được lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: mỗi cán bộ, công chức Nhà nước phải thực sự là công bộc của dân; phải thực hiện cần kiệm liêm chính, chí công vô tư.

Cán bộ công chức Nhà nước phải nâng cao hơn nữa trình độ cũng như tinh thần trách nhiệm phục vụ nhân dân; đồng thời kiên quyết đấu tranh phòng và chống tham nhũng, lãng phí trong bộ máy Nhà nước. Đây là một trong những điều nhức nhối mà nhân dân đang đòi hỏi chúng ta phải kiên quyết thực hiện, làm cho bộ máy Nhà nước thực sự trong sạch vững mạnh để phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn.

– Xin trân trọng cám ơn nguyên Phó chủ tịch!

Thanh Tâm thực hiện
________________________________________

Bình luận về bài viết này