NGÔN NGỮ & VĂN HÓA

CHÚC MỪNG NĂM MỚI

Tân Trưởng Ban Tổ chức Trung ương

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Hai 8, 2011

– Ông Tô Huy Rứa, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương vừa được bổ nhiệm làm Trưởng Ban Tổ chức Trung ương thay cho ông Hồ Đức Việt. Ông Đinh Thế Huynh, ủy viên Bộ Chính trị, Tổng biên tập báo Nhân dân sẽ đảm nhiệm chức vụ Trưởng Ban Tuyên giáo thay ông Rứa.

Ông Tô Huy Rứa sinh ngày 4/6/1947, quê ở xã Quảng Thái, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa. Ông là ủy viên Trung ương Đảng khoá VIII, XI, X, ủy viên Bộ Chính trị khoá X (từ tháng 01/2009).

Ông Tô Huy Rứa từng là sinh viên trường Tuyên huấn Trung ương chuyên ngành triết học. Sau tốt nghiệp, làm trợ giảng khoa Triết học. Ông từng kinh qua các chức vụ Giám đốc trường Tuyên huấn Trung ương (nay là Học viện Báo chí và tuyên truyền – Học viện Chính trị – Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh), Bí thư Thành uỷ Hải Phòng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Bí thư Trung ương Đảng khoá X, Trưởng Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương).

Ông Rứa từng tốt nghiệp xuất sắc cử nhân toán Đại học Tổng hợp Hà Nội. Như vậy, lại thêm một người học toán nữa lên làm lãnh đạo ở vị trí này (trước đó là các ông Trần Đình Hoan, Hồ Đức Việt).
Ông Đinh Thế Huynh được bổ nhiệm chức vụ Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương thay ông Rứa. Ông Huynh sinh ngày 15/5/1953, quê quán xã Xuân Kiên, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định, là ủy viên Ban chấp hành Trung ương khóa IX, X, đại biểu quốc hội khoá XI.
Hiện ông Huynh đang đảm nhiệm chức vụ Tổng biên tập báo Nhân dân, Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam, ủy viên Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội.

Thư gửi tân Trưởng Ban Tổ chức Trung ương

Trước hết, xin chúc mừng ông đã được Đảng tin cậy giao trọng trách nắm giữ và chăm lo cho công tác cán bộ – khâu trọng yếu quyết định sức mạnh và năng lực lãnh đạo của Đảng.

Xưa nay, bên cạnh “tứ trụ”, có lẽ Trưởng Ban Tổ chức Trung ương là một trong những vị trí được đảng viên và người dân quan tâm nhất. Dân quan tâm, bởi đó là người đứng đầu một trong ba trụ cột để Đảng thực hiện quyền lãnh đạo của mình: định ra đường lối, tổ chức cán bộ và kiểm tra giám sát. Người ta càng quan tâm hơn bởi thời gian qua ai cũng thấy rõ yếu kém về tổ chức, cán bộ đang là nỗi lo thường trực, thậm chí đe dọa đến sự tồn vong của Đảng.

Như chính những người tiền nhiệm của ông, nguyên Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Phước Thọ và Nguyễn Văn An thừa nhận: công tác cán bộ hiện nay chưa thể trở thành động lực, mà ngược lại, là rào cản cho sự phát triển. Việc đổi mới công tác cán bộ vẫn chưa theo kịp với đổi mới kinh tế và phát triển của xã hội. Đến mức nhiều nhà lãnh đạo lão thành, mới đây khi góp ý cho Đảng đã tha thiết đề nghị chọn vấn đề tổ chức và cán bộ làm khâu đột phá cho Đại hội XI mà đòi hỏi trước hết là một sự thay đổi lớn về nhận thức và tư duy chọn người.

Làm thế nào để tinh hoa của dân tộc trở thành những nhà lãnh đạo các cấp của Đảng?

Làm thế nào để xóa bỏ nạn chạy chức, chạy quyền đang bị nhân dân ca thán, một nỗi “nhức lòng” mà nhiều nhà lãnh đạo của Đảng đã thừa nhận, nhưng vẫn chưa thể tìm ra phương thuốc đặc trị?

Làm thế nào để những người có năng lực, có chính kiến, dám nói, dám chịu trách nhiệm, thậm chí có thể cá tính “nói lời khó nghe” nhưng chính trực và nặng lòng với dân tộc có chỗ đứng trong hệ thống cơ quan công quyền và có điều kiện phát huy cao nhất khả năng của mình?

Làm thế nào để xóa bỏ cách làm cán bộ thiếu công khai, minh bạch, thiếu tiêu chuẩn hóa rõ ràng – những yếu kém đã được chính những nhà lãnh đạo từng làm công tác cán bộ chỉ ra?

Những điều ấy không chỉ là kỳ vọng của nhân dân, mà còn là đòi hỏi đã đến mức bức xúc, chín muồi của cuộc sống đang đặt ra đối với Đảng.

Bởi vậy, trọng trách đang được đặt lên vai ông hôm nay, dẫu quyền hạn thật lớn, song áp lực cũng nặng nề không kém.

Nhưng cũng chính kỳ vọng lớn lao và đòi hỏi bức xúc từ cuộc sống, từ nhân dân lại là nguồn sức mạnh hậu thuẫn lớn lao cho những ai dám tìm tòi và mạnh dạn đổi mới.

Nhớ lại ngày đầu nhận nhiệm vụ Trưởng Ban Tư tưởng văn hóa TƯ, sau đó là Ban Tuyên giáo, ông đã khiêm nhường nói với các tổng biên tập: “Tôi chỉ là người giúp đỡ cho các đồng chí”.

Khiêm cung là một phẩm chất đáng quý ở người lãnh đạo. Song, điều mà người dân đang chờ đợi nhiều nhất ở ông, là dấu ấn đổi mới ở một lĩnh vực có tính hệ trọng sống còn.

Năm năm nữa – một nhiệm kỳ lãnh đạo sẽ vèo trôi. Khi ấy, người dân sẽ nhìn nhận, đánh giá những gì các nhà lãnh đạo đã làm được cho đất nước. Hi vọng rằng, lúc ấy, ông sẽ có thể tự hào và thanh thản mà nói rằng: tôi đã làm hết sức mình, đã dựa vào đảng viên, dựa vào nhân dân, và tôi đã hoàn thành tốt những yêu cầu nhân dân đặt ra.
Lại thêm một người học toán lên làm lãnh đạo ở vị trí này (các ông Trần Đình Hoan, Hồ Đức Việt cũng là những người xuất thân từ Toán), với tư duy logic của một người học toán, người dân gửi gắm niềm tin vào phương pháp làm việc logic, vào phương pháp tư duy lấy thực tế cuộc sống, giải quyết các bài toán đặt ra từ thực tế, ông sẽ là nhà lãnh đạo được nhân dân yêu mến, trân trọng khi kết thúc nhiệm vụ của mình.

(tổng hợp)
_______________________________________________________

Bình luận về bài viết này