NGÔN NGỮ & VĂN HÓA

CHÚC MỪNG NĂM MỚI

Nghệ thuật Việt Nam đang giậm chân tại chỗ?

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Mười 4, 2011

(HNM) – Một giáo sư Mỹ, người có nhiều công trình nghiên cứu về mỹ thuật Việt Nam, khi trả lời phỏng vấn một tạp chí nước ngoài đã nói, đại ý rằng mỹ thuật Việt Nam dường như giậm chân tại chỗ, không bắt kịp thẩm mỹ hiện đại. Giáo sư này cũng cho rằng chặng sau của các họa sỹ thành công là sự đi ngang hoặc đi xuống, vì thế nên giá tranh thấp hơn hàng chục lần so với các họa sỹ Indonesia…

Thực ra không riêng gì mỹ thuật, nhiều loại hình nghệ thuật trong nước đang theo lối mòn. Sân khấu chạy theo thị hiếu bằng việc chọn một kịch bản có cốt truyện éo le, bi thương. Hình thức thể hiện quá cũ, vẫn là lớp lang quen thuộc; trang trí sân khấu quẩn quanh vài cái bục, vài tấm vách. Cứ như thể chẳng ai quan tâm công nghệ ánh sáng, âm thanh ngày nay hoàn toàn có thể giúp đạo diễn tạo ra hiệu quả sân khấu khác hẳn. Điện ảnh cũng chẳng hơn gì. Các hãng phim tư nhân chạy theo dòng phim giải trí. Tất nhiên, không thể trách bởi họ cần thu hồi vốn, nhưng bao nhiêu năm nay có hãng chỉ loay hoay với đề tài đồng tính, có hãng pha trộn tí hài, tí tâm lý nhạt nhẽo vào phim… Tác phẩm làm theo đơn đặt hàng chưa thoát ra được tư duy cũ, không cổ xúy được cái mới, không phê phán cái cũ đến nơi đến chốn. Một số phim tham gia các liên hoan quốc tế… cho vui và để đánh bóng nhà sản xuất hơn là hy vọng về giải thưởng.

Âm nhạc khá hơn. Một số ít nhạc sỹ, ca sỹ ý thức được trách nhiệm đi tìm giá trị thẩm mỹ mới, như nhạc sỹ Quốc Trung, Anh Quân, Lê Minh Sơn, Ngọc Đại… tuy không phải ai cũng thành công thực sự. Cách đây mấy năm, người nghe có vẻ không thích CD “Made in VietNam” của ca sỹ Mỹ Linh, nhưng theo nhiều nhà phê bình âm nhạc thì đó là CD có tầm quốc tế. CD “Đường xa vạn dặm” của nhạc sỹ Quốc Trung cũng là sự sáng tạo, kết hợp giữa âm nhạc hiện đại với âm nhạc dân tộc. Tuy nhiên, số đông nhạc sỹ vẫn quen sáng tác các ca khúc “nịnh” tai khán giả bình dân, lười biếng trong sáng tạo. Nghệ thuật Việt Nam được giới thiệu với công chúng nước ngoài trong các chương trình giao lưu văn hóa chủ yếu vẫn là vốn dân gian như rối nước, hát chèo, dân ca… Tính đến thời điểm này, khán giả yêu điện ảnh nước ngoài hầu như chỉ biết đến đạo diễn Việt kiều Trần Anh Hùng. Cũng chưa có một ca sỹ hay nhóm nhạc nào có thể gây chú ý đặc biệt ở châu Âu…

Kinh tế Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới. Trong khi đó, hầu hết các bộ môn nghệ thuật vẫn luẩn quẩn trong ao làng. Nghệ thuật, khi không hướng được người xem, người nghe theo các quan niệm thẩm mỹ mới thì không thể gọi đó là một nền nghệ thuật phát triển.

theo Người Lái Đò
_________________________________________________________

Bình luận về bài viết này