NGÔN NGỮ & VĂN HÓA

CHÚC MỪNG NĂM MỚI

Posts Tagged ‘nguy cơ phá sản’

Bộ Chính trị: Không để sụp đổ Vinashin

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Tám 11, 2010

giữ lại Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) 3 lĩnh vực liên quan đến công nghiệp đóng tàu, các lĩnh vực kinh doanh đa ngành thì bán, chuyển nhượng, cổ phần hóa. Đây là yêu cầu của Bộ Chính trị sau khi nghe Ban cán sự đảng Chính phủ báo cáo về tình hình Vinashin, ý kiến của Văn phòng Trung ương Đảng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Bộ Công an và một số bộ, ngành tại phiên họp ngày 31/7.

Theo đánh giá của Bộ Chính trị, từ khi được thành lập vào năm 1996 đến nay, Tập đoàn Vinashin (trong đó từ năm 1996 đến năm 2006 là Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam) đã có bước phát triển nhanh trên nhiều mặt.
Bước đầu đã hình thành được cơ sở vật chất – kỹ thuật quan trọng, có trình độ công nghệ tiên tiến và khá đồng bộ của ngành công nghiệp đóng, sửa chữa tàu biển; xây dựng được đội ngũ trên 70.000 cán bộ, công nhân kỹ thuật, trong đó nhiều người có tay nghề khá, có khả năng đóng được nhiều loại tàu phục vụ cho nhu cầu đa dạng và ngày càng cao của nền kinh tế, quốc phòng, an ninh và cho xuất khẩu, kể cả tàu trọng tải trên 100.000 DWT… Từ năm 1996 – 2006, đạt tốc độ tăng trưởng khá cao (35% – 40%/năm), kinh doanh có lãi, tăng được vốn chủ sở hữu và giá trị tài sản của doanh nghiệp.

Bờ vực phá sản

Tuy nhiên, hiện nay, Vinashin đang gặp nhiều khó khăn rất lớn, bộc lộ nhiều yếu kém, sai phạm nghiêm trọng.
Thứ nhất, Tập đoàn đã đầu tư mở rộng quá nhanh, quy mô lớn, một số dự án trái với quy hoạch được phê duyệt, dàn trải trên nhiều lĩnh vực, địa bàn, có lĩnh vực không liên quan đến công nghiệp đóng và sửa chữa tàu biển, trong đó nhiều lĩnh vực kém hiệu quả, có nhiều công ty, dự án thua lỗ nặng nề.
Thứ hai, tình hình tài chính đứng trước bờ vực phá sản. Ước tính dư nợ hiện lên tới khoảng 86.000 tỉ đồng; nợ đến hạn phải trả khoảng trên 14.000 tỉ đồng; tỉ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu gấp gần 11 lần, khó có khả năng tự cân đối dòng tiền.
Sản xuất, kinh doanh hiện đang bị đình trệ; bị mất hoặc giảm nhiều đơn đặt hàng; nhiều dự án đầu tư dở dang, không hiệu quả. Đã có khoảng 17.000 công nhân chuyển việc hoặc bỏ việc; 5.000 công nhân bị mất việc làm; nhiều công nhân của một số nhà máy, xí nghiệp bị chậm trả lương trong nhiều tháng…

Mặc dù nhận định Vinashin vẫn trong tầm kiểm soát và có thể khắc phục được, nhưng Bộ Chính trị cho rằng nếu không có các chính sách, biện pháp đúng đắn, kịp thời, tình hình của Vinashin có thể ảnh hưởng xấu đến các tổ chức tín dụng, các đơn vị được nhận chuyển giao, ngân sách nhà nước, sự ổn định vĩ mô của nền kinh tế, việc làm và thu nhập của cán bộ, công nhân Tập đoàn và nhiều hộ gia đình nông dân nơi có đất bị thu hồi; ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân đối với chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển doanh nghiệp nhà nước và mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước; tác động tiêu cực đến ổn định chính trị – xã hội của đất nước.

Tập đoàn “phình” quá nhanh, Trung ương thiếu giám sát

Bộ Chính trị khẳng định những hạn chế, yếu kém xuất phát chủ yếu từ nguyên nhân chủ quan, trách nhiệm trước hết thuộc về Hội đồng Quản trị và ban lãnh đạo Tập đoàn, trong đó có cá nhân Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn và trách nhiệm của một số cơ quan quản lý nhà nước có liên quan ở Trung ương và địa phương.
Trình độ cán bộ lãnh đạo, quản lý của Công ty mẹ và các đơn vị thành viên của Vinashin chưa đáp ứng được yêu cầu quản trị một tập đoàn kinh tế lớn, đặc biệt là người đứng đầu còn hạn chế về năng lực, có biểu hiện thiếu trách nhiệm, tùy tiện, cá nhân, báo cáo không trung thực, cố ý làm trái, vi phạm pháp luật trong việc chấp hành các quy định của Nhà nước, quyết định của Thủ tướng khi chỉ đạo các hoạt động đầu tư, dự án, vốn cho sản xuất kinh doanh, sử dụng vốn và bố trí cán bộ.
Lãnh đạo Tập đoàn, trước hết là Hội đồng Quản trị và người đứng đầu với chức năng đại diện trực tiếp chủ sở hữu đã có nhiều khuyết điểm, sai lầm trong tổ chức, quản lý, điều hành, nhất là trong việc xác định lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, tổ chức quản lý các công ty con, công ty liên kết, tiến hành các hoạt động đầu tư xây dựng, quản lý vốn, tài chính, vay và trả nợ; trong một thời gian ngắn đã mở rộng quá nhanh quy mô tập đoàn, nhất là mở ra rất nhiều công ty con, công ty liên kết; mở sang một số lĩnh vực không phải là những chuyên ngành phục vụ cho nhiệm vụ chính của mình. Tập đoàn đã chậm xây dựng Điều lệ hoạt động và các quy định quản lý tài chính khác, như: quy chế quản lý tài chính, quy chế quản lý đầu tư xây dựng, các định mức kinh tế kỹ thuật…
Một số cơ quan tham mưu liên quan thuộc Chính phủ, một số địa phương và một số cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát ở Trung ương có thiếu sót, khuyết điểm trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước và chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với Tập đoàn; chưa sát sao giám sát, kiểm tra chặt chẽ và đánh giá đúng, kịp thời về công tác tổ chức, cán bộ và tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, thực hiện định hướng chiến lược phát triển của Tập đoàn theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 3 (khoá IX) và Kết luận số 45-KL/TW, ngày 10/4/2009 của Bộ Chính trị về việc thí điểm mô hình tập đoàn kinh tế; đến nay vẫn chưa phê duyệt được Điều lệ tổ chức, hoạt động và Quy chế quản lý tài chính của Công ty mẹ – Tập đoàn Vinashin.
Từ năm 2006 – 2009 tuy đã qua 11 lần kiểm toán, kiểm tra, thanh tra nhưng vẫn không phát hiện được đầy đủ, kết luận đúng tình hình và những yếu kém, khuyết điểm nghiêm trọng của Tập đoàn, chưa đưa ra được những biện pháp chấn chỉnh, ngăn chặn, xử lý kịp thời, có hiệu quả, mặc dù những biểu hiện về những khó khăn, khuyết điểm của Vinashin đã được cơ quan thông tin đại chúng và dư luận phản ánh, cảnh báo từ sớm và nhiều lần.
Về nguyên nhân khách quan, Bộ Chính trị kết luận rằng mô hình tập đoàn còn đang trong giai đoạn thí điểm, chưa có sơ kết, tổng kết, đánh giá hiệu quả; thể chế, cơ chế còn thiếu hoặc chưa đồng bộ. Khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới gần đây đã ảnh hưởng nặng nề đến phát triển ngành công nghiệp đóng tàu, vận tải biển, trong đó có Vinashin.

Minh bạch tài chính các tập đoàn

Để khắc phục có hiệu quả những khuyết điểm, sai phạm trên đây của Vinashin, Bộ Chính trị giao Ban cán sự đảng Chính phủ chủ trì chỉ đạo:
– Khẩn trương cơ cấu lại Tập đoàn Vinashin theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 3 (khoá IX) và Kết luận của Bộ Chính trị về việc thí điểm mô hình tập đoàn kinh tế; chỉ tập trung vào 3 lĩnh vực chính là: Công nghiệp đóng và sửa chữa tàu biển với quy mô phù hợp; công nghiệp phụ trợ phục vụ cho việc đóng và sửa chữa tàu biển; đào tạo, nâng cao tay nghề cho đội ngũ cán bộ, công nhân công nghiệp tàu biển. Sớm ổn định tổ chức sản xuất, kinh doanh; từng bước củng cố uy tín thương hiệu Tập đoàn Vinashin; cương quyết không để vỡ nợ, sụp đổ, gây tác động xấu đến sự phát triển của ngành công nghiệp đóng tàu, mức độ tín nhiệm vay, trả nợ quốc tế và môi trường đầu tư của đất nước.
– Khẩn trương đánh giá lại chính xác, khách quan, trung thực tình hình hoạt động của Công ty mẹ Tập đoàn, các công ty con, công ty liên kết, các dự án đầu tư của Tập đoàn để có phương án sắp xếp, xử lý cụ thể, phù hợp, theo hướng: Chỉ giữ lại Tập đoàn Vinashin 3 lĩnh vực chính nói trên; bán, chuyển nhượng, chuyển giao, cổ phần hoá các lĩnh vực còn lại cho các tổ chức kinh tế và cá nhân khác có nhu cầu phù hợp pháp luật hiện hành, sớm thu hồi vốn để tập trung cho nhiệm vụ xây dựng ngành công nghiệp đóng tàu biển và trả nợ.
Trong xử lý nợ và tăng vốn điều lệ của Tập đoàn, nhất là những khoản liên quan đến ngân sách nhà nước, Chính phủ cần có phương án khả thi, phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế. Trong quá trình giải quyết phải đảm bảo hài hòa quan hệ lợi ích giữa các bên, không gây khó khăn, đổ vỡ cho các tập đoàn, tổng công ty khác cũng như các tổ chức tín dụng. Chú ý hạn chế tối đa thiệt hại và những ảnh hưởng tiêu cực về tư tưởng, tài sản và việc làm, thu nhập của công nhân, lao động.
Bộ Chính trị cũng giao các cơ quan chức năng sớm điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm minh, kịp thời, khách quan những cá nhân vi phạm pháp luật theo đúng quy định của pháp luật.
Thành lập Ban Chỉ đạo do Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng làm Trưởng ban với thành phần gồm đại diện các bộ, ban, ngành có liên quan thuộc Chính phủ, một số cơ quan đảng (Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Tuyên giáo Trung ương, Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương). Giao Ban Chỉ đạo đầy đủ thẩm quyền và trách nhiệm theo quy định của pháp luật trong việc nghiên cứu, đề xuất, triển khai thực hiện các chính sách, biện pháp xử lý để sớm ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn.
Đồng thời, tiến hành tổ chức các hoạt động giám sát, kiểm tra, đánh giá đúng thực trạng tình hình hiện nay và công khai, minh bạch tình hình tài chính cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước khác, trong đó chú ý kịp thời chấn chỉnh việc mở rộng đa ngành nhưng không liên quan đến ngành sản xuất chính của các đơn vị.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì phối hợp với Ban cán sự đảng Chính phủ giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo kiểm điểm những tổ chức và cá nhân có liên quan ở Trung ương và địa phương có thiếu sót, khuyết điểm trong việc quản lý nhà nước đối với Tập đoàn Vinashin, việc thực hiện chức năng tham mưu cho Chính phủ và Thủ tướng thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước và chức năng đại diện chủ sở hữu đối với Tập đoàn Vinashin; thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát việc xử lý các cá nhân sai phạm.

PV
_________________________________________________

Posted in Chuyện đất nước, Kinh tế | Thẻ: , , | Leave a Comment »

Thắng lợi của lòng dân hay sự tôn trọng dư luận xã hội

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Sáu 21, 2010

Tuần Việt Nam ghi nhanh cảm xúc của một số trí thức đã tham gia phản biện, góp ý về dự án đường sắt cao tốc, sau kết quả biểu quyết lịch sử chiều 19/6.

TS Nguyễn Quang A: Lòng dân sáng suốt

Quốc hội đã có một quyết định sáng suốt khi không thông qua nghị quyết về đường sắt cao tốc. Nhiều người, trong đó có tôi, đã e ngại Quốc hội sẽ thông qua dự án với số phiếu cao như với mở rộng thủ đô. Ngỡ ngàng và vui mừng khôn xiết khi biết tin về quyết định lịch sử trên.
Quyết định này là quyết định chưa từng có trong lịch sử của Quốc hội Việt Nam. Khi thăm dò ý kiến 57% đại biểu tán thành thông qua nghị quyết, sau bốn ngày khi quyết định chính thức qua ba lần bấm nút số ý kiến tán thành chỉ trên dưới 40% một chút và không đạt quá bán.
Với quyết định này Quốc hội đã thực sự vượt lên chính mình, đã làm tròn trách nhiệm của mình liên quan đến vấn đề cụ thể này.
Quyết định này là thắng lợi của tất cả mọi người, kể cả những người nghĩ mình thất bại, nó làm tăng uy tín của nhà nước, tăng niềm tin của nhân dân vào Quốc hội, là một bước tiến đáng kể trong xây dựng nền dân chủ ở nước nhà. Nó động viên người dân, các chuyên gia tích cực đóng góp cho các chủ trương lớn và nhỏ của nhà nước.
Hy vọng nhân sự kiện này có thể phát huy hơn nữa sự tham dự của người dân vào công việc của đất nước. Làm được vậy chính là góp phần xây dựng “nhà nước của dân, do dân và vì dân” và làm uy tín của lãnh đạo, kể cả lãnh đạo chính phủ, chỉ có tăng chứ không giảm.
Cảm ơn các đại biểu Quốc hội đã lấy lại niềm tin của nhiều người và hy vọng tinh thần trách nhiệm này tiếp tục được duy trì.
TS Nguyễn Minh Phong: Phanh dự án Sinkansen, giành tấm vé cho Việt Nam phát triển
Cuối cùng Siêu dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam mang hơi hướng quán tính tư duy “Đại nhẩy vọt” và duy ý chí – bao cấp một thời chưa xa đã được Quốc hội kịp thời phanh lại.
Tỷ lệ bỏ phiếu tương quan khá sát nút do còn nhiều khúc mắc trong cơ chế, trong thông tin và cả trong nhận thức. Nhưng chắc chắn tỷ lệ trên thực tế cử tri “nói không” với dự án này còn cao hơn nhiều. Vẫn còn những băn khoăn và trở ngại nào đó trong quá trình đi tới đồng thuận cao, nhưng tín hiệu là khả quan cho một tương lai ngày càng tích cực và văn minh hơn về xu hướng DÂN CHỦ HOÁ đời sống chính trị trong nước.
Cùng với sự hạ nhiệt cơn nóng khí hậu trên toàn quốc khắc nghiệt và cao nhất trong vòng hơn 4 thập kỷ qua, quyết định sáng suốt này của Quốc hội đã làm dịu sự bức xúc của công luận, mọi tấng lớp nhân dân, cử tri và các giới quan tâm cả trong và ngoài nước, cũng như góp phần củng cố thêm niềm tin của cử tri vào sự tỉnh táo và trách nhiệm những đại biểu của mình, củng cố uy tín của Chính phủ trong những hoạt động điều hành đất nước cả hiện tại và tương lai.
Đó là thắng lợi của lòng dân và của Chính phủ, Quốc hội biết cầu thị và lắng nghe dân.
Trong quá trình chuyển đổi, phát triển và hội nhập của đất nước, Việt Nam đã, đang và sẽ còn tiếp tục đối diện với nhiều áp lực và bài toán nan giải đa dạng về phương hướng và giải pháp phát triển cả vĩ mô lẫn vi mô, cả trước mắt lẫn lâu dài, cả kinh tế lẫn xã hội. Đồng thời, Việt Nam có nhiều kho báu hiện thực và tiềm năng quý vô giá cả về vật chất và tinh thần tích luỹ được trong suốt nhiều ngàn năm văn hiến. Vấn đề là cơ chế và cán bộ cần thiết cho việc mở và sử dụng hiệu quả nhất các kho báu đó.
Một nhà nước pháp quyền ngày càng vững mạnh, thẳng tay với tham nhũng và chủ nghĩa tư bản thân hữu hay các lợi ích nhóm, cục bộ cơ hội ẩn dưới nhiều màu sắc quy hoạch, dự án đủ loại và lạm dụng mỹ từ; Một Quốc hội tỉnh táo, khách quan và cương nghị với những bậc trí giả, đại biểu nhân dân, đại diện doanh nghiệp có trách nhiệm và dũng cảm, biết xử lý hài hoà các lợi ích và hợp tác trong cạnh tranh lành mạnh; Và đặc biệt, một nền báo chí và giới truyền thông “dấn thân” sắc sảo, trung thực và thiện chí với một môi trường pháp lý khuyến khích tự do, dân chủ và trách nhiệm cao trong thông tin, phản biện xã hội… là hợp lực mạnh mẽ cho việc tập hợp và phát huy các sức mạnh trí tuệ và vật chất dân tộc và thời đại.
Hợp lực này sẽ giúp vượt qua các sức ép hành chính hay kỹ thuật, để tập hợp, đại diện và khẳng định nguyện vọng chính đáng của công dân và ý chí của đông đảo cử tri, bạn đọc vì tương lai phát triển của đất nước, của dân tộc và các thế hệ tương lai.
Đó là điều kiện để có vé và khởi hành cho chuyến tàu cao tốc đi tới một nước Việt Nam hoà bình, dân chủ, giàu đẹp và văn minh, hội nhập cùng thế giới.

TS Phạm Gia Minh: Lý trí Việt biết tỏa sáng khi cần

Những ngày trung tuần tháng 6 này thật đáng ghi nhớ. Không phải vì thời tiết nắng nóng chưa từng có trong vòng 50 năm trở lại đây theo đánh giá của giới chuyên môn khí tượng – thủy văn mà bởi những cuộc tranh luận tới độ “nảy lửa” của các đại biểu trên diễn đàn Quốc hội, những vận động dư luận và trăn trở của cử tri cả nước trước “siêu dự án” về đường sắt cao tốc với vốn đầu tư chiếm tới một nửa GDP Việt nam.
Đáng nhớ hơn cả là sự kiện Quốc hội ngày 19/6/2010 đã không thông qua dự án rất hoành tráng này trong nỗi hoan hỉ chợt vỡ òa vì bất ngờ của triệu triệu cử tri để sau đó có nhiều ý kiến cho rằng lý trí và minh triết Việt Nam đã tỏa sáng khi cần thiết.
Trong một thời gian ngắn các nhà khoa học, nhân sĩ trí thức và người dân hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác nhau, ở cả trong cũng như ngoài nước đã đóng góp những ý kiến đầy trí tuệ thể hiện bản lĩnh hội nhập vững vàng, sắc bén và một chữ “TÂM” sáng ngời trước vận mệnh dân tộc.
Việt Nam đang và sẽ xây dựng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như Bác Hồ từng mong ước nhưng phải trên một nền tảng vững chắc về thu nhập, thấm nhuần tinh thần “cần kiệm liêm chính, chí công vô tư” chứ không thể “vung tay quá trán” để lún sâu trong nợ nần và tham nhũng như các quốc gia phá sản – nơi mà lợi ích của một nhóm người nắm quyền càng ngày càng giàu có đã bắt chính sách công làm con tin, khiến người dân càng ngày càng nghèo khó phải gồng mình nộp thuế từ đời ông đến đời cháu, chắt để trả nợ nước ngoài.
Hơn bao giờ hết hãy nhớ câu mà cha, ông chúng ta đã dạy “nhất tội, nhì nợ”!
Điều đáng ghi nhận là trong xã hội Việt Nam kể từ những năm Đổi mới thực hiện kinh tế thị trường, lối suy nghĩ duy ý chí và căn bệnh “cuồng vĩ” xa rời hiện thực đang dần dần trở nên thiếu sức hấp dẫn đối với quần chúng. Cái mà dân thiết tha mong ước như Bác Hồ tâm nguyện suốt cuộc đời là Dân tộc được Độc lập, Dân quyền được Tự do, Dân sinh được Hạnh phúc; nôm na ra thì làm sao “ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”…và đất nước phải làm sao vươn lên để “sánh vai cùng bạn bè năm châu, bốn bể’…
Chính những ước mơ bình dị, đời thường và minh triết biết “liệu cơm mà gắp mắm” rất Việt Nam đó đã làm nên sức mạnh của dân tộc này, là mạch ngầm cuồn cuộn chảy suốt bề dày lịch sử 4000 năm trên một dải giang sơn mang dáng dấp của một con Rồng uốn mình đang vươn ra Biển Đông cuộn sóng .
Khách quan mà nhìn nhận, trong cuộc sống hiện nay báo chí có công lao vô cùng to lớn khi đã góp phần khơi dòng chảy cho mạch nước đầy sinh lực được “hợp thủy” để tưới xanh ruộng đồng, cuốn trôi những bọt bèo và rác rưởi.
Trong những ngày này, hơn bao giờ hết, nhân dân mong đợi báo chí Việt nam luôn vững vàng nêu cao tinh thần dấn thân vì Dân tộc và Tổ quốc yêu dấu để sự nghiệp Đổi mới tiếp tục thắng lợi.

TS Trần Đình Bá: Lỡ cơ hội hiện đại hóa đường sắt

Đường sắt là một đại công trình giao thông quốc gia huyết mạch quan trọng quyết định tương lai phát triển bền vững của một đất nước. Đây là lần đầu tiên sự tồn vong, phát triển của đường sắt Việt Nam được đặt nghiêm túc lên bàn Quốc Hội mổ xẻ và đã được cả xã hội quan tâm một cách đặc biệt công khai đến như vậy. Mọi tầng lớp nhân dân hướng cả về Quốc hội.
Biểu quyết vừa qua là cực kỳ sáng suốt, hợp lòng dân để tránh được một “canh bạc” siêu lớn có thể làm khánh kiệt sức dân và làm nghèo đất nước. Song cuộc họp lịch sử đó chưa tìm ra được phương án có lợi nhất để nhanh chóng hiện đại đường sắt Việt Nam.
Cách đây 112 năm Quốc hội Pháp họp, quyết định mở đường sắt Đông Dương, tuyến đường sắt xuyên Việt từ Mỹ Tho ra tận Lạng Sơn đã trở thành “kỳ quan”, 15 triệu dân Việt Nam ung dung trên đường sắt khổ 1 mét đó. Vậy mà nay đã là 86 triệu dân vẫn “đủng đỉnh” trên con đường sắt già nua, gầy còm cũng vẫn khổ 1 mét tốc độ chạy chậm hơn tàu thuyền trên sông .
Đây là sự bảo thủ trì trệ lớn đang kìm hãm cả một đất nước!
Khát vọng mở rộng để tăng tốc con tàu là một đòi hỏi thực tế của cả một dân tộc chưa bao giờ biết khuất phục. Vậy mà từ 1975 đến nay, Việt Nam đã bỏ lỡ nhiều cơ hội mở rộng để hiện đại đường sắt, cho tới cuộc “nhấn nút” lịch sử vừa qua.
Vẫn còn đó trước mắt của toàn dân và Quốc hội là một hệ thống đường sắt có lịch sử trên 112 năm mang giá trị vật chất to lớn, đầy tiềm năng song đang rệu rã xuống cấp nguy cơ trở thành đường sắt bảo tàng…. Điều này đang đặt lên vai Quốc hội trọng trách nặng nề.
Mở rộng để hiện đại đường sắt vẫn sẽ là một sự lựa chọn khôn ngoan và thông minh như một tất yếu của lịch sử và phù hợp quy luật tiến hoá phát triển của nhân loại.

Tuần Việt Nam_

_____________________________________________________

Posted in Chính trị Việt Nam, Chuyện đất nước, Khoa học & Công nghệ, Kinh tế | Thẻ: , , , | Leave a Comment »

Đường sắt cao tốc và những phát ngôn ấn tượng

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Sáu 10, 2010

VnEconomy tổng hợp những phát biểu đáng chú ý trong phiên thảo luận ngày 8/6 tại Quốc hội về dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam
VnEconomy tổng hợp những phát biểu đáng chú ý trong phiên thảo luận ngày 8/6 tại Quốc hội về dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam.

Đánh thức “nàng tiên” đang ngủ

Đại biểu Lương Phan Cừ – Đắc Nông

“Cơ cấu kinh tế đang chuyển đổi theo hướng tăng dịch vụ, trong đó chú trọng đến dịch vụ du lịch, phát huy thế mạnh của bờ biển trải dài từ Bắc vào Nam với hơn 3.000 km với khí hậu ấm áp quanh năm, nhất là khu vực miền Trung với nhiều bãi biển xinh đẹp, ấm áp. Điều thiên phú này nhiều nước phải mơ ước.

Thưa các đồng chí, có nhiều nước người ta chỉ mong có một chỗ để người ta mang cát về người ta làm bãi tắm thôi cũng không có. Trong lúc đó của chúng ta như những cô gái, những “nàng tiên” đang ngủ mà chúng ta chưa đánh thức dậy như đại biểu Võ Thị Thủy – Bình Định đã phân tích kỹ.

Có giao thông thuận tiện, đường sắt cao tốc chạy qua 20 tỉnh dọc theo đường biển miền Trung, các “nàng tiên” sẽ được đánh thức, kho báu được khai thác. Tiềm năng du lịch sẽ góp phần phát triển một vùng đất khó khăn còn nghèo khó và thúc đẩy phát triển ở các vùng trọng điểm kinh tế, xã hội ở hai đầu đất nước”.

Một công trình gây gánh nặng cho đời con cháu

Đại biểu Sùng Thị Chư – Yên Bái

“Nguồn vốn đầu tư cho dự án này lại là quá lớn, đến 55 tỷ USD, một khoản kinh phí khổng lồ chiếm đến 2/3 GDP của Việt Nam mà hiện nay tỷ lệ nợ đọng Chính phủ đã lên tới 42% GDP để mang về một công trình quá đắt và gây gánh nặng cho đời con cháu mai sau sẽ phải trả, trong khi nợ quốc gia đang dần đến tiệm cận sát đến ngưỡng an toàn.

Dự án đường sắt cao tốc Hà Nội – Tp.HCM có thời gian đầu tư dài, thu hồi vốn lại kéo dài đến 45 năm thì hiệu quả kinh tế là quá thấp, tiền vé lại cao gần bằng tiền vé máy bay thì không thể phục vụ đa số người dân được. Nếu so sánh với Nhật Bản khi làm đường cao tốc thì số tiền quốc gia của nước này bỏ ra khoảng 2-3% GDP, song họ làm toàn bộ chủ đầu tư về thiết kế về thi công xây dựng”.

Có IQ cao thì có đường sắt cao tốc

Đại biểu Trần Tiến Cảnh – Hà Nam

“Thế giới có Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ý, Thụy Điển, Hà Lan, Anh, Hàn Quốc, Bỉ đã có đường sắt cao tốc, Brazil, Nga, Indonesia đang triển khai. Tôi thấy những nơi có chỉ số IQ cao thì họ có đường sắt cao tốc, Việt Nam ta cũng có chỉ số IQ cao. Gần ta Trung Quốc họ làm nhiều đường sắt cao tốc. Việt Nam hội đủ các yếu tố về sự cần thiết, về địa hình, nhu cầu đi lại hai miền rất lớn và sự phát triển kinh tế của đất nước.

Khi Quốc hội quyết định chủ trương dự án điện hạt nhân Ninh Thuận cũng không ít ý kiến băn khoăn về việc huy động vốn. Về việc phát triển điện hạt nhân chỉ được thực hiện ở không nhiều quốc gia nhưng chúng ta vẫn quyết định trên cơ sở thực tiễn Việt Nam, xuất phát từ sự cần thiết và cơ sở khoa học về sự phát triển kinh tế của đất nước.

Đường sắt cao tốc có nhiều ưu điểm về kinh tế kỹ thuật, tốc độ nhanh, ô nhiễm môi trường nhẹ, độ thoải mái cao. Điều quan trọng nhất là đi tàu rất an toàn, tôi đã được đi một số tuyến đường tàu cao tốc ở nước ngoài. Một học sinh có thể yên tâm đi tàu đến trường, một bà mẹ có thể đi tàu đến cửa hàng. Đường sắt cao tốc đích thực là phương tiện đi lại tốt nhất trong tương lai”.

Có khả năng lấy thu bù chi, hoàn trả được vốn

Đại biểu Trần Ngọc Vinh – Hải Phòng

“Theo tính toán của Chính phủ đầu tư cho giao thông vận tải mới khoảng 7%, trong khi thông lệ quốc tế là 15%. Vì vậy, dự án nằm trong khoảng an toàn cho phép của Chính phủ mà không ảnh hưởng tới các đầu tư khác về nền kinh tế.

Đường sắt cao tốc sẽ góp phần giảm tải đường bộ, giảm tải ùn tắc, giảm tỷ lệ giao thông khoảng 20% và thúc đẩy giao lưu các vùng, miền. Dự án có khả năng lấy thu bù chi, hoàn trả được vốn. Với sự phân tích và tính toán như trên của Chính phủ, tôi hoàn toàn đồng ý về mặt chủ trương, vì tất cả các rủi ro đặt ra là để nghiên cứu kỹ hơn, để tìm biện pháp tối ưu mà khắc phục”.

Ý tưởng đẹp nhưng cần khảo sát kỹ hơn

Đại biểu Trần Hồng Việt – Hậu Giang

“Bao giờ bệnh viện ung bướu, các bệnh viện của tỉnh, khu, bệnh viện nhi không còn cảnh chen chúc hai bệnh nhận nằm cùng một giường? Bao giờ đến mùa khô không còn mất điện?

Câu hỏi “bao giờ” đặt ra cho các lĩnh vực giáo dục, nông nghiệp, nông dân, nông thôn… theo tôi cần tập trung nguồn lực giải quyết những vấn đề bức xúc hiện tại, gắn với tăng trưởng kinh tế bền vững.

Dự án đường sắt cao tốc là ý tưởng đẹp cần có thời gian khảo sát, phân tích kỹ hơn, cần có thời gian mời chào các nhà đầu tư tham gia, hạn chế mức chi phí, hạn chế mức thấp nhất sử dụng ngân sách để đầu tư. Tôi đề nghị giao cho Quốc hội khóa XIII xem xét quyết định đầu tư”.

Quốc hội nên chỉ cho ý kiến về chủ trương ở một số vấn đề cơ bản

Đại biểu Hoàng Văn Toàn – Vĩnh Phúc

“Ở kỳ họp này chúng ta đồng ý chủ trương xây dựng đường sắt cao tốc với những nội dung cụ thể đã xác định được, ví dụ tên của dự án, điểm đầu, cuối, hướng, tuyến, phương án cơ bản để lựa chọn công nghệ, giải pháp vốn làm cơ sở pháp lý để Chính phủ, chủ đầu tư lập báo cáo nghiên cứu khả thi.

Sau khi các báo cáo nghiên cứu khả thi giải quyết cơ bản những vấn đề mà cử tri, đại biểu Quốc hội, nhân dân, các nhà khoa học quan tâm thì Chính phủ báo cáo chính thức, Quốc hội cho ý kiến khởi công xây dựng. Hôm nay chúng ta cho ý kiến 56 tỷ, nhưng 5 – 7 năm nữa báo cáo chính thức có thể con số quyết của Quốc hội không phải là 56 tỷ.

Tôi đề nghị hôm nay chúng ta chỉ cho ý kiến về chủ trương ở một số vấn đề cơ bản. Còn lại khi báo cáo nghiên cứu được lập một cách tương đối tỉ mỉ, chính xác thì Quốc hội cho ý kiến chính thức và khởi công xây dựng”.

Vì phát triển chậm nên phải đi tắt đón đầu

Đại biểu Đào Xuân Nay – Bình Thuận

“Đầu tư cho ngành đường sắt không chỉ đem lại lợi ích riêng cho ngành đường sắt, mà là lợi ích cho toàn xã hội và cho cả đất nước. Triển khai thực hiện dự án sẽ góp phần quan trọng về cơ sơ hạ tầng và kích cầu thúc đẩy sản xuất ngành công nghiệp trong nước, tạo thêm công ăn việc làm cho nhân dân trong vùng dự án.

Tôi đồng tình việc đầu tư cho ngành đường sắt hiện nay, nhưng do ta đang khó khăn về vốn nên cần phải có chiến lược đầu tư lâu dài, song đã là đầu tư cần phải giải quyết mang tính đột phá đi thẳng vào hiện đại, quy mô lớn. Vì chúng ta phát triển chậm nên phải đi tắt đón đầu, có thể trước mắt chưa thấy hiệu quả nhưng lâu dài sẽ là thiết thực và hiệu quả như tính quyết đoán và hiện thực của đường dây 500 Kv là một minh chứng.

Nếu vì khả năng hoặc chỉ làm theo lộ trình nâng cấp tuyến đường sắt hiện có, sau đó tiếp tục mở rộng và nâng cấp từ 120 lên 200 rồi đến 300 km/giờ sẽ kéo dài và hiệu quả thấp”.

Nhiều ý kiến trái ngược nhau là tất yếu

Đại biểu Trần Văn – Cà Mau

“Đối với tôi dự án đường sắt cao tốc Hà Nôi – Tp.HCM đang được nghiên cứu là một cơ hội để rà soát lại tổng thể chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển hạ tầng giao thông của nước ta cho giai đoạn phát triển cực kỳ quan trọng trong những năm tới.

Việc có nhiều ý kiến trái ngược nhau là tất yếu, ai cũng mong muốn để các nguồn lực của đất nước được sử dụng có hiệu quả nhất, tạo thành hiệu ứng lan tỏa đối với toàn bộ nền kinh tế quốc dân.

Việc Quốc hội chấp thuận chủ trương để Chính phủ tiếp tục nghiên cứu khả thi dự án đường sắt cao tốc Hà Nôi – Tp.HCM là nên làm. Có tính đến ý kiến đóng góp quý báu ngày hôm nay từ tất cả các tầng lớp nhân dân, các chuyên gia trong và ngoài nước. Phương án tối ưu về kinh tế, tài chính, xã hội môi trường và quốc phòng, an ninh quốc gia chắc chắn sẽ được xác định một cách khoa học trong giai đoạn này”.

Hội đồng thẩm định hóa ra toàn quan chức

Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết – Lạng Sơn

“Đọc tờ trình của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì tôi mới vỡ lẽ ra là toàn bộ các thành viên của hội đồng thẩm định nhà nước mà chúng tôi rất tin tưởng, hóa ra không có bất kỳ một chuyên gia nào về đường sắt, đấy toàn là quan chức thôi, 1 đồng chí Bộ trưởng và 8 đồng chí Thứ trưởng. Nếu như thế thì có khác gì Chính phủ thu nhỏ, quyết định của hội đồng thẩm định nhà nước ấy với Chính phủ khác gì nhau?

Trong hội đồng thẩm định ấy thì Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm chủ tịch, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư là thành viên, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải là thành viên, hai cơ quan trình dự án là chủ tịch và thành viên của hội đồng. Như thế tôi không hiểu có giống trường hợp nghiên cứu sinh lại trong thành viên hội đồng chấm luận án hay không, làm sao đảm bảo khách quan được.

Trong hội đồng thẩm định cấp nhà nước có hai đại diện là hai ủy ban của Quốc hội, trong đó có đồng chí chủ trì thẩm tra dự án này của Quốc hội. Bây giờ ông chủ trì dự án thẩm tra đã bỏ phiếu thống nhất trong hội đồng thẩm định cấp nhà nước thì làm sao Quốc hội còn khách quan được nữa”.

Đánh đế quốc lớn mà chúng ta còn vượt qua được

Đại biểu Nguyễn Ngọc Đào – Hà Nội

“Tôi cho đây là một dự án đầu tư cho tương lai, đầu tư cho phát triển. Tại sao 50 – 60 tỷ Đô la đầu tư lại mất đi khi con cháu chúng ta, thế hệ mai sau được hưởng lợi và kinh tế phát triển từ đó, đây là việc không mất, tại sao chúng ta nghĩ bỏ đi mất. Tôi cho rằng đây là đầu tư cho sự phát triển, đã là đầu tư cho sự phát triển thì con cháu chúng ta nói lời cám ơn những người ngồi đây hôm nay đã nghĩ cho tương lai con cháu chúng ta.

Mặc dù khó khăn, thiếu vốn nhưng khó khăn nhất là một dân tộc yếu đánh đế quốc lớn mà chúng ta còn vượt qua được bằng xương máu, bằng trí tuệ. Việc này chúng tôi nghĩ tại sao phải chùn bước trước 56 tỷ Đô la và lộ trình không phải là ngắn mà dài, thu lợi ở đó không phải là ít mà sẽ là nhiều trong tương lai. Tất nhiêu so sánh như vậy là khập khiễng, nhưng tôi hiểu chúng ta phải nghĩ đến một dự án đầu tư cho phát triển, cho tương lai”.

Không đầu tư cũng là có lỗi với con cháu

Đại biểu Nguyễn Bá Thanh – Đà Nẵng

“Về dự án đường sắt cao tốc mà được quan tâm đặc biệt của dư luận, tôi cho điều đó cũng là bình thường. Vì đây là dự án có quy mô đầu tư lớn nhất từ trước đến nay, như các vị đã biết. Tôi cho rằng người ủng hộ tán thành để xây dựng đường sắt cao tốc cũng như người chưa ủng hộ tán thành, thậm chí không ủng hộ tán thành cũng vì sự phát triển đi lên của đất nước mà thôi. Do đó mà chúng ta hết sức bình tĩnh để lắng nghe ý kiến của nhau, không khéo chúng ta thảo luận, ông nào phát biểu tán thành thì coi như chỉ số IQ cao, ông không tán thành coi như chỉ số IQ thấp, đâm ra không hay…

Đường sắt cao tốc sẽ thu hồi vốn chậm, nhưng nếu có thì nó sẽ có sức lan tỏa, kích hoạt sự phát triển kinh tế – xã hội nói chung, mang lại lợi ích cho nhiều ngành khác nữa không phải chỉ riêng cho ngành đường sắt. Nói 56 tỷ Đô la nhưng ta đâu có bỏ ra cùng một lúc, ta làm từng đoạn và chia ra làm nhiều năm, nhanh hay chậm còn tùy tình hình kinh tế của đất nước.

Đầu tư lãng phí, để lại nợ nần là có lỗi với con cháu, nhưng để một đất nước chậm tiến lạc hậu để hệ thống đường sắt, đường bộ Bắc – Nam rất xập xệ, xuống cấp trong ba bốn chục năm, giao thông đi lại với tốc độ rùa bò, từ Hà Nội đi Thanh Hóa có 150 cây số mà hơn 4 tiếng đồng hồ, mỗi năm 7.000-8.000 người chết và bị thương, đó cũng là có lỗi với thế hệ con cháu mai sau”.

Chỉ băn khoăn quản lý vốn như thế nào

Đại biểu Nguyễn Tấn Tuân – Khánh Hoà

“Trong vấn đề vay vốn chúng tôi chỉ băn khoăn việc quản lý vốn như thế nào. Tại vì lâu nay chúng ta nói là thất thoát trong xây dựng cơ bản có khi lên đến 30-40% thì với 56 tỷ USD này thì chúng tôi cũng chưa biết là nó sẽ thất thoát bao nhiêu.

Cái này cũng báo cáo thật với các đại biểu là người dân và bản thân đại biểu Quốc hội chúng ta cũng rất trăn trở với cách xây dựng như thế này… Do đó chúng tôi đề nghị việc huy động vốn, vay vốn và giải quyết việc thi công phải đảm bảo và chống thất thoát mà khâu quản lý thực sự là chắc chắn”.

Xem như của hồi môn để thế hệ con cháu sẽ làm

Đại biểu Nguyễn Văn Thuận – Quảng Nam

“Là một người lạc quan, xin báo cáo với Quốc hội, tôi từ những năm ngoài 20 tuổi tôi đã được Đảng và nhân dân cho ăn học, đã có hàng chục năm ở nước ngoài, tiếp cận với những nước, công nghệ, hạ tầng giao thông thuộc loại bậc nhất trên thế giới. Nhưng phải thú thực tuy đánh giá cao dự án này, nhưng tôi thấy có lẽ chúng ta chưa nên làm.

Ý kiến cá nhân của tôi hãy để đến năm 2020 khi đất nước chúng ta cơ bản trở thành nước công nghiệp, con cháu chúng ta lúc đó thông minh hơn chúng ta, giỏi hơn chúng ta chắc chắn chúng sẽ tính. Dự án này về mặt khoa học, về mặt thực tiễn như thế nào thì chúng ta hãy xem như chúng ta đã suy nghĩ trước các con cháu và xem nó như của để dành, xem nó như của hồi môn để thế hệ con cháu sẽ làm….

Tôi suy nghĩ mãi vì sao đất nước chúng ta trong nhiều chục năm nay đang có rất nhiều vấn đề, nhưng chưa khi nào Chính phủ trình ra Quốc hội những dự án vấn đề kinh tế dường như suy nghĩ hôm nay, ngày hôm sau đã đưa ra quyết định ở Quốc hội. Những vấn đề giáo dục là quốc sách hàng đầu từ những năm 80 khi ban hành Hiến pháp, đến năm 1992 khi sửa Hiến pháp chúng ta khẳng định cùng với giáo dục, khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu, tất cả những nội dung đó hay những dự án đó không sinh lời ngay? Tôi không phủ nhận về kinh tế nhưng rõ ràng đây là điều trăn trở tôi chưa có lời giải đáp”.

Ai là người làm dự án, ai là người tư vấn, ai là người bán công nghệ?

Đại biểu Lê Thị Dung – An Giang

“Về vấn đề chủ trương thì tôi nghĩ rằng tất cả các đại biểu, đa số không ai không đồng tình chủ trương việc xây dựng đường sắt cao tốc Bắc – Nam, vì đây cũng là chiến lược phát triển đã được Chính phủ phê duyệt trong việc phát triển giao thông vận tải tới năm 2020 và tầm nhìn năm 2030, chỉ có điều băn khoăn ở đây đó là tính khách quan sự khả thi của nó và việc thực thi trong thế hệ tương lai như thế nào.

…Chúng tôi đặt câu hỏi ai là người làm dự án, ai là người tư vấn, ai là người bán công nghệ và có lợi ích như thế nào, và đã được đánh giá tác động phản biện của các ngành chuyên gia độc lập chưa? Câu hỏi này luôn luôn gắn với tôi khi tôi theo dõi thì các đại biểu cũng đã nói thì cũng là giải đáp được một phần nào, nhưng phải nói thực sự là chúng tôi cũng chưa yên tâm với sự khách quan này”.

Có rủi ro, ai sẽ chịu trách nhiệm?

Đại biểu Ngô Thị Minh – Quảng Ninh

“Xin đề nghị Chính phủ phân tích rõ hơn về phương án đối phó của Chính phủ về hiệu quả kinh tế của dự án, nếu như khả năng xảy ra rủi ro sau 25 năm, bởi vì đây cũng là nhiều vấn đề sẽ không tránh khỏi biến động khó lường, ví dụ tăng vốn đầu tư, tăng khối lượng cũng như đơn giá xây dựng cơ bản. Giả sử tình huống rủi ro mà bài toán hiệu quả kinh tế của Chính phủ không thể đối phó được thì trách nhiệm thuộc về ai, các thành viên của hội đồng thẩm định có phải chịu trách nhiệm gì không?

Ví dụ việc chậm tiến độ của tòa nhà Quốc hội, việc xây dựng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, việc bố trí tái định cư cho người dân ở các công trình thủy điện Sơn La trong thời gian vừa qua mà nhiều cử tri cũng như nhiều đại biểu Quốc hội chúng tôi chưa rõ nguyên nhân do đâu và cơ quan nào sẽ phải chịu trách nhiệm về sự chậm trễ đó”.

Con cháu sẽ tự hào về những gì ông cha quyết định

Đại biểu Phan Xuân Dũng – Thừa Thiên – Huế

“Thưa các vị đại biểu Quốc hội, năm kia khi chúng ta quyết định phóng vệ tinh Vinasat 1 nhiều người phản đối, kể cả một số đại biểu Quốc hội và nhiều nước bạn phản đối cho rằng đó là một việc làm không kinh tế mà nên thuê của bạn, vì thế giới tại thời điểm đó chỉ có 29 nước có vệ tinh phóng lên vũ trụ mà thôi, nhưng chúng ta đã quyết tâm làm và đã thắng lợi. Vinasat 1 có hiệu quả nhanh hơn dự đoán ban đầu 2 năm và khẳng định chủ quyền của Việt Nam. Hiện nay chúng ta đang chuẩn bị tích cực cho Vinasat 2, chúng ta đang từng bước trở thành quốc gia mạnh về công nghệ thông tin và viễn thông.

Năm ngoái, Quốc hội thông qua dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, sau đó Chính phủ thành lập ban chỉ đạo quốc gia và đang chuẩn bị rất tích cực cho việc khởi công nhà máy. Tôi tin rằng Việt Nam sẽ là quốc gia tiên phong ở Đông Nam Á trong lĩnh vực này, tôi thực sự tự hào. Lần này Quốc hội thảo luận về dự án đường sắt cao tốc Hà Nội – Tp.HCM, với nhiều dự án thành phần hoàn chỉnh.

Thời gian đã hết, tôi xin nói một câu cuối là tôi nhớ đến bài hát năm xưa, “tự hào biết bao những cô gái, tự hào những chàng trai tuổi thanh niên, sức như Phù Đổng, cháu con Bác Hồ đi mở đường, thống nhất quê hương”. Với quyết định hôm nay của chúng ta, tôi tin chắc rằng sẽ có những bài hát tình cảm hơn, thắm thiết hơn, sâu sắc hơn để con cháu chúng ta hát, nhớ và tự hào những gì thế hệ ông cha của các cháu đã quyết định”.

Quyết định rất khó khăn

Đại biểu Trần Du Lịch – Tp.HCM

“Thưa Quốc hội, có lẽ với đại biểu Quốc hội, đây là quyết định rất khó khăn. Cho tới nay chúng tôi nhận rất nhiều thông tin, tham gia hội thảo, đọc trên mạng, thậm chí hàng chục tin nhắn, mail gởi cho cá nhân, tôi xin nói thật nhiều ý kiến còn băn khoăn rất nhiều, thậm chí có người bảo tôi đừng ủng hộ, việc này là xài sang…

Tuy nhiên, nhiều đại biểu Quốc hội khi Chính phủ trình một dự án lớn, lâu nay chúng ta thường nói là chúng ta làm nhiệm kỳ không nghĩ đến dài hạn. Bây giờ đưa một vấn đề dài hạn liên quan đến tương lai đất nước, của thế hệ sau, chúng ta có từ chối trách nhiệm hay là phải nghiên cứu nghe đến chiều để có quyết định vấn đề này. Tôi suy nghĩ theo hướng tích cực dù có sai lầm, bản thân cá nhân tôi phải có chính kiến rõ ràng tại kỳ họp này, không để cho kỳ họp nào khác hay để cho Quốc hội nào khác”.

Loại hình đường sắt này không mang tính đại chúng

Đại biểu Hà Tuấn Hải – Phú Thọ

“Về hiệu quả tài chính kinh tế sau của dự án, qua nghiên cứu báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học – Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, tôi nhận thấy tính năng sử dụng của loại đường cao tốc còn hạn chế, chỉ phục vụ cho việc chuyên chở hành khách với hành lý xách tay gọn nhẹ, trong khi nhu cầu của người dân đi xa không chỉ là người mà còn cả hàng hóa. Hơn nữa giá vé của loại hình này còn cao so với thu nhập của đại đa số người dân.

Do vậy loại hình đường sắt này không mang tính đại chúng mà chỉ dành cho những người có thu nhập khá của xã hội, còn số đông người dân nghèo và học sinh, sinh viên ít có khả năng để sử dụng loại phương tiện này”.

Nên thực hiện theo hình thức cuốn chiếu

Đại biểu Lê Văn Cuông – Thanh Hoá

“Đề nghị Quốc hội tán thành thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư tại kỳ họp này, đồng thời giao Chính phủ chỉ đạo làm báo cáo khả thi của dự án. Tuy nhiên, tôi đề nghị trước hết cần có thời gian chuẩn bị tiến hành giải phóng mặt bằng, thu xếp nguồn vốn, nên chỉ tập trung xây dựng thí điểm một đoạn ngắn khoảng 150 cây số như lời khuyên của tư vấn Nhật Bản.

Sau đó tổng kết rút kinh nghiệm rồi mới tiến hành đoạn tiếp theo, chúng ta nên thực hiện theo hình thức cuốn chiếu, làm nhanh từng đoạn và đưa vào khai thác ngay để phát huy hiệu quả, như vậy chúng ta sẽ vừa có đường sắt cao tốc lại vừa đảm bảo an ninh tài chính, vừa không để các lĩnh vực khác bị ảnh hưởng lớn do đầu tư quá sức vào đường sắt cao tốc”.

Khi người ta trúng thầu rồi thì đó là quyền của người ta

Đại biểu Nguyễn Đình Xuân – Tây Ninh

“Chúng ta có một hy vọng là chúng ta sẽ tiêu thụ được xi măng, sắt thép và một số sản phẩm của Việt Nam, tuy nhiên điều này cũng không chắc chắn, nếu như chúng ta vẫn làm theo cách hiện nay. Vì tôi biết cầu Cần Thơ và một số công trình vốn ODA khác chúng ta cũng không tiêu thụ được bao nhiêu, cầu Cần Thơ là xi măng của Thái Lan và sắt thép là của một số nước, vì khi người ta trúng thầu rồi thì đó là quyền của người ta.

Chúng ta cũng không thể chào thầu tự do và cạnh tranh trong những công trình ODA, vì nước viện trợ ODA luôn luôn đặt điều kiện là chỉ có những công ty của nước đó mới được tham gia gói thầu này thôi.

Đó là lý do tại sao một đất nước nợ lên tới 200% GDP mà vẫn sẵn sàng cho nước khác vay, vì số vay này lãi thấp nhưng những điều thu được nhiều hơn số lãi gấp nhiều lần, giải quyết công ăn việc làm cho các công ty, giải quyết lương cho các chuyên gia, lợi nhuận trong vấn đề xây dựng, bảo dưỡng, bảo trì… tất cả nguồn lợi này họ thu lại và con số đó lớn hơn rất nhiều so với lãi suất mà chúng ta phải trả”.

Thông tin đầy đủ để chống xuyên tạc, kích động

Đại biểu Phan Văn Tường – Thái Nguyên

“Cần thông tin một cách đầy đủ, kịp thời, toàn diện, đặc biệt là đánh giá một cách khách quan cả mặt tích cực và tiêu cực, cả thuận lợi và khó khăn của dự án. Vì những dự án được thông qua Quốc hội ngoài khẳng định vị trí, tầm quan trọng đối với sự phát triển, cần đến sự đồng thuận của đa số đại biểu Quốc hội và đông đảo nhân dân. Từ đó xây dựng được quyết tâm, thống nhất ý chí và hành động trên cơ sở nguyên tắc hoạt động của Quốc hội với niềm tin càng cao, tính chủ động, tích cực, khó khăn càng lớn giúp đỡ nhau các vùng miền để thực hiện thành công thắng lợi mục tiêu của dự án.

Thông tin đầy đủ kịp thời cũng là cơ sở để nhân dân chống lại việc lợi dụng để xuyên tạc, kích động của các thế lực thù địch ngay từ cơ sở. Nhất là những dự án lớn làm cho một bộ phận không nhỏ người dân phải hy sinh quyền lợi hoặc tập quán vì mục đích chung”.

Dự án có dấu hiệu rất kém hiệu quả

Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết – An Giang

“Dự án chưa phác thảo đầy đủ chính xác những rủi ro tài chính của dự án phát sinh có thể xảy ra, tổng khái toán, xuất đầu tư cao có thể vượt rất xa so với khái toán và bứt cao ở mức nào thì chúng ta không thể trả lời được. Từ đó chúng ta thấy rằng dự án chưa có tính thuyết phục cao để có cơ sở, cho Quốc hội quyết định thời điểm đầu tư.

Tuy nhiên, qua khái toán vận hành và vận hành của dự án cho thấy dự án có dấu hiệu rất kém hiệu quả, suất đầu tư cao tăng hơn 10,4% suất đầu tư của đường sắt Bắc Kinh – Thượng Hải, thu hồi vốn dài trên 45 năm và có thể kéo dài hơn. Tỷ lệ nội hoàn dưới mức tối thiểu của lãi suất ngân hàng là 12%.

Bên cạnh đó tôi chưa thống nhất giải pháp của dự án để thúc đẩy tính khả thi của dự án là áp dụng yếu tố tăng giá nguyên liệu vận tải của đường bộ và đường hàng không. Tôi cho rằng giải pháp này sẽ phá vỡ sự liên kết, sự đồng bộ toàn ngành giao thông của đất nước ta và nhất là tạo áp lực không tốt cho người sử dụng dịch vụ vận tải khác”.

Nếu chỉ nghe báo cáo thì giơ cả hai tay đồng tình

Đại biểu Phạm Quốc Anh – Đồng Nai

“Tôi đánh giá cao tờ trình của Chính phủ, đặc biệt là báo cáo bổ sung của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải. Tôi cho những bản báo cáo đó đầy sức thuyết phục, nếu chỉ nghe những bản báo cáo đó thôi thì tôi giơ cả hai tay đồng tình.

Vừa đáng tiếc, vừa vui mừng vì tôi nhận được nhiều thông tin của những đồng chí có tên tuổi, am hiểu trong lĩnh vực này, ví dụ của GS.TS Đào Đình Bình, nguyên Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam; TS. Vương Đình Minh, nguyên Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam; GS.TS Bạch Trọng Hà, người có 5 năm giảng dạy tại trường đường sắt Moskva và là người năm 1988 được Liên Xô phong học hàm giáo sư của Liên Xô.

Tất cả các anh đều rất tâm huyết và đều đi kết luận chung là dự án chuẩn bị chưa đầy đủ, chưa chính xác, thiếu hiện thực, không khả thi, gây lãng phí lớn và hiện nay chưa phải lúc chủ trương làm đường sắt cao tốc. Tôi thực sự phân vân”.

Dư nợ quốc gia sẽ lên bao nhiêu?

Đại biểu Vũ Hoàng Hà – Bình Định

“Trong cùng một giai đoạn mà Chính phủ trình Quốc hội quyết quá nhiều những công trình trọng điểm mà lượng vốn rất lớn, nhưng việc này nhiều đồng chí đã nói rồi.

Tôi tính sơ sơ 5 dự án mà mất trên 200 tỷ Đô la, chưa nói đến việc như sáng nay ý kiến của đồng chí Trần Du Lịch nói rằng Chính phủ đã quyết từ nay đến năm 2035 là 280 tỷ Đô la nữa. Như vậy tôi không biết từ nay đến sau năm 2020 dư nợ quốc gia của Chính phủ lên bao nhiêu?

Hiện nay đã trên 42% rồi và nợ nước ngoài đã trên 38% rồi cho nên việc này phải tính toán kỹ. Tôi nghĩ rằng dự án này không phải chỉ 56 tỷ Đô la mà sẽ lên tới hàng trăm tỷ Đô la chứ không phải 56 tỷ Đô la khi chúng ta triển khai”.

Đại biểu Quốc hội không thể không tâm tư

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh – Hà Nội

“Ngay tại kỳ họp này khi Quốc hội bàn về xây dựng đường sắt cao tốc với đầy ước vọng cao sang cho vài chục năm sau, bà con dân tộc và các cháu học sinh ở Kon Tum hàng ngày vẫn phải treo mình trên những đoạn dây mong manh hay ngụp lặn dưới sông mỗi khi không may rơi xuống. Hay các cháu học sinh ở Lạng Sơn phải đi bè, đi mảng đến trường báo chí đưa tin cách đây không lâu.

Tôi chắc rằng nhiều đại biểu Quốc hội không thể không tâm tư, thậm chí rơi nước mắt mỗi khi thấy các cháu đến trường bằng các cách như vậy. Có cơ quan truyền thông hiện đang vận động quyên góp cây cầu cho Kon Tum, không hiểu đồng chí Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải có biết không và sẽ thông tin việc này như thế nào”.

Tại sao lại lỡ cơ hội đi vay?

Đại biểu Nguyễn Đăng Trừng – Tp.HCM

“Có ý kiến tại hội trường này cho rằng nước ta còn nghèo, không nên vay để phát triển đường sắt cao tốc. Tôi lại suy nghĩ khác, theo tôi đã là một nước nghèo chúng ta phải vay để phát triển chứ không có con đường nào khác.

Trong khi đó các tổ chức tài chính quốc tế đã đánh giá là dư nợ quốc gia của ta vẫn trong vòng an toàn. Hàng năm chúng ta vẫn thực hiện tốt nghĩa vụ trả nợ, các tổ chức cho vay vẫn tin khả năng trả nợ của Việt Nam vì vậy họ vẫn đang và tiếp tục cho chúng ta vay. Nghĩa là chúng ta – Việt Nam – là con nợ tốt.

Theo tôi chúng ta phải coi đây là một cơ hội, chúng ta phải tận dụng cơ hội này để vay các tổ chức tài chính quốc tế để phát triển đường sắt cao tốc. Tại sao chúng ta lại bỏ lỡ cơ hội này?”.

Tư duy của người đi lại bằng tiền Nhà nước

Đại biểu Dương Trung Quốc – Đồng Nai

“Chúng tôi nghĩ rằng rất nhiều ý kiến của các vị phát biểu gây cảm giác rằng đây là dự án, là tư duy của những người vẫn đi lại bằng tiền của Nhà nước. Chúng ta thấy rất tiện lợi, chỉ có 5 tiếng là vào đến Tp.HCM làm việc.

Chúng ta cũng thấy có một sự công bằng ghê gớm là ai cũng phải chết, giầu cũng chết, nghèo cũng chết, mỗi ngày chỉ có đúng 24 tiếng đồng hồ, không có thêm một phút, người nhiều tiền thì tiếc thời gian, người ít tiền thì họ không quan trọng thời gian. Cho nên tại sao chúng ta thấy lựa chọn của người dân ngày nay họ sẵn sàng đi cả những phương tiện không an toàn nhưng rẻ tiền.

Vậy xin hỏi 20 năm nữa cho dù chúng ta có ngồi tính GDP là bao nhiêu, 3.000 Đô la/đầu người, nhưng phân bố GDP đó ở đâu, người nghèo còn nhiều không, người sẵn sàng bỏ một món tiền bằng 3/4 giá vé máy bay? Họ có lựa chọn hay không để chúng ta tính toán?”.

Dự án dường như chỉ trình bày theo một hướng

Đại biểu Lê Việt Trường – An Giang

“Tôi cảm nhận toàn bộ các thông tin có trong dự án này cũng giống như nhiều đại biểu trước là chưa bảo đảm tính khách quan, dường như chỉ trình bày theo một hướng để bảo đảm thực hiện phương án 4.

Ở đây thể hiện chúng ta chỉ có một nhóm tư vấn của Nhật và 3 thành viên tham gia là Công ty Tư vấn giao thông, Hiệp hội Dịch vụ kỹ thuật đường sắt, Công ty TNHH Nippon Koie. Đại biểu Quốc hội hoàn toàn không có thông tin gì về 3 nhà tư vấn này, không biết về lĩnh vực đường sắt cao tốc này họ có phải là những nhà tư vấn hàng đầu trên thế giới không? Họ đã từng tư vấn những dự án nào cho Nhật Bản, cho nước ngoài và có dự án nào đã lên đến tầm cỡ 56 tỷ Đô la như của chúng ta chưa?

Tất cả những thông tin này đại biểu Quốc hội không có, cho nên khi chúng ta xem xét thì rất khó khăn bởi vì có thêm cả những thông tin khác, nó làm tăng thêm tính không khách quan, đó là tư vấn thiết kế của Nhật Bản hướng sẽ bán cho chúng ta công nghệ cũng là Nhật Bản, cho vay cũng là Nhật Bản”.

_________________________________________________________________________

Posted in Chuyện đất nước, Khoa học & Công nghệ, Kinh tế | Thẻ: , , , | Leave a Comment »

192.000 tỷ đồng vốn ngân hàng chảy vào bất động sản

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Sáu 1, 2010

Song Linh

Lượng vốn ngân hàng dành cho bất động sản đạt 192.000 tỷ đồng, tăng 4,54% so với cuối năm ngoái, bằng một nửa mức tăng tổng dư nợ tín dụng toàn ngành.

Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 5, tăng trưởng dư nợ toàn hệ thống đạt trên 8%, trong khi mục tiêu cả năm là 25%.

Riêng khu vực tín dụng phi sản xuất chiếm 17-18% tổng dư nợ. Trong đó, dư nợ bất động sản đạt 192.000 tỷ đồng, tăng 4,54% so với đầu năm. Lượng vốn cho vay đầu tư kinh doanh chứng khoán đạt 14.000 tỷ đồng, tăng 13,6% so với đầu năm và chỉ bằng một nửa thời kỳ thị trường sốt nóng năm 2006-2007.

Mảng tín dụng tiêu dùng không tăng so với đầu năm, giữ mức 122.000 tỷ đồng. Trong khi đó, lượng tiền gửi của dân cư vào hệ thống ngân hàng trong thời gian này tăng 17%.

Số liệu trên được Thống đốc Nguyễn Văn Giàu công bố trong cuộc trao đổi với VnExpress.net mới đây, sau khi có một số ý kiến lo ngại trong bối cảnh doanh nghiệp thiếu vốn sản xuất kinh doanh thì ngân hàng lại ưu ái cho các kênh bất động sản, chứng khoán.

Theo báo cáo Tổ chuyên gia liên ngành về tình hình phát triển nhà ở và thị trường bất động sản vừa gửi Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, năm 2009, ngân hàng đã rót 219.000 tỷ đồng cho lĩnh vực bất động sản, tăng 36,1% so với 2008. TP HCM chiếm 47,3% dư nợ bất động sản cả nước, Hà Nội chỉ chiếm 16,7%, các địa phương khác chiếm khoảng 36%. Nợ xấu của cho vay kinh doanh bất động sản khoảng 4.500 tỷ đồng, chiếm 2% tổng dư nợ kinh doanh bất động sản, tương đương mức nợ xấu của toàn hệ thống tín dụng ngân hàng.

______________________________________

Posted in Chuyện đất nước, Kinh tế | Thẻ: , , | Leave a Comment »