NGÔN NGỮ & VĂN HÓA

CHÚC MỪNG NĂM MỚI

Posts Tagged ‘tục thờ Thánh Mẫu’

Chưa nên đề nghị công nhận lên đồng là di sản thế giới

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Hai 25, 2011

Chi Anh

Lên đồng là một bảo tàng sống động của văn hóa Việt và hoàn toàn xứng đáng được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, nhưng bây giờ chưa phải là lúc bởi vẫn chưa có sự đồng thuận.
Trong buổi nói chuyện về Lên đồng tại Trung tâm văn hóa Pháp chiều 23.2, GS Ngô Đức Thịnh – GĐ Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam đã nhận định như vậy. Cũng trong buổi nói chuyện, ông đã trình bày nhiều điều thù vị về bản chất của lên đồng và đạo mẫu.

100 % người có căn số sau khi trình đồng khỏi bệnh

Muốn hiểu lên đồng thì trước tiên phải hiểu về đạo mẫu. Nhưng đạo mẫu lại là một vấn đề hết sức rộng lớn.
Đạo mẫu là việc tôn thờ thánh mẫu theo quan niệm mẫu là người cai quản các miền khác nhau của vũ trụ và có thể che chở cũng như ban phát cho con người sức khỏe, tài lộc. Đạo mẫu khác với các tôn giáo, tín ngưỡng khác ở VN. Vì đạo mẫu không hướng con người về thế giới sau khi chết, không phải thế giới linh hồn mà đạo mẫu hướng đến đời sống trần tục của nhân gian với mục tiêu sức khỏe, tài lộc.
Hơn nữa, đạo mẫu là một tín ngưỡng đa thần, thậm chí có thể nói không có một tín ngưỡng nào của người Việt lại đa thần như đạo mẫu. Đạo mẫu có trên dưới 50 vị thần được phân thành các hang bậc từ cao xuống thấp. Cao nhất là Thánh mẫu, dưới Thánh mẫu có hàng quan, hàng ông chầu, hàng ông hoàng, hàng cô, hàng cậu…Tuy nhiên, các vị thần này được phân thành 4 phủ . 4 phủ này được biểu tượng bằng 4 màu khác nhau. Thiên phủ màu đỏ, địa phủ màu vàng, thượng ngàn màu xanh…
Vì thế, đạo mẫu là một tín ngưỡng hiện sinh, một nhân sinh quan độc đáo và sâu sắc của người Việt.

GS có nói mê xem lên đồng từ bé và có khi GS cũng có căn số trình đồng, chỉ chưa mở điện thôi. Điều gì ở lên đồng khiến GS say mê đến vậy?

– Lên đồng là 1 nghi lễ nhập hồn nhiều lần của các vị thánh (khoảng 50, 60 vị) vào các thân xác của ông đồng, bà đồng. Lúc đó họ không còn là mình nữa để các vị thần linh nhập hồn vào với những cầu mong về sức khỏe, tài lộc, may mắn…
Lên đồng xuất phát từ đạo mẫu – một tín ngưỡng đa thần, thể hiện nhân sinh quan sâu sắc của người Việt. Lên đồng đứng về phía dân tộc và thể hiện tình yêu nước. Trong lên đồng, khoảng 50 vị thần trong đạo mẫu được lịch sử hóa trở thành những nhân vật có công với nước. Nói cách khác, đấy là những nhân vật lịch sử đã được thần thánh hóa. Dân tộc chúng ta tôn thờ những vị thần của đạo mẫu chính là tôn thờ chủ nghĩa yêu nước. Và chủ nghĩa yêu nước khi đó đã được tâm linh hóa.
Lên đồng là một loại hình diễn xướng vô cùng đặc sắc. Lên đồng kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật: hát, múa,điêu khắc, hội họa…Chính ở đấy, chúng ta thấy được một bảo tang văn hóa sống. Âm nhạc của lên đồng là một âm nhạc có đầy đủ cung bậc, âm sắc. Những điệu múa cũng vậy…

Các ông đồng, bà đồng trước khi trở thành ông bà đồng thì thường bị cơ đầy và có trục trặc về sức khỏe, thậm chí có thể bị điên loạn. Vậy sau khi trình đồng, họ sẽ khỏi bệnh? Nghe có vẻ hoang đường không thưa GS?

– Theo điều tra của chúng tôi, 100% những người có căn số trình đồng đều khỏi bệnh sau khi trình đồng. Lên đồng đối với những người có căn số và bị cơ đầy chính là để giải thoát khỏi những cơ đầy đó. Để từ chỗ ốm đau, điên loạn, sau khi lên đồng có thể trở lại bình thường. Lên đồng là 1 cách để những người có căn trở lại với cuộc sống bình thường, tái hòa nhập với cộng đồng.

Gạn đục khơi trong

Nói lên đồng là một bảo tàng sống của văn hóa Việt có phải là đã quá đề cao hiện tượng này không?Nếu không, nên hiểu như thế nào về lên đồng để thấy rõ đây là một bảo tàng sống của văn hóa Việt, thưa GS?
– Nói lên đồng là bảo tàng sống của văn hóa Việt là hoàn toàn đúng. Có rất nhiều phương diện để chứng minh cho nhận định này. Tuy nhiên, tôi xin đề cập đến 3 phương diện chính và quan trọng nhất.
Thứ nhất, trong diễn xướng lên đồng, đây là một hiện tượng tái hiện lại các vị thần linh, cũng là tái hiện lại các nhân vật lịch sử như đã nói ở trên. Trong lên đồng, các vị anh hùng nhập vào thân xác những ông đồng, bà đồng và họ được sống lại bằng xương bằng thịt trên những thân xác đó. Như vậy là nếu xem một cuộc lên đồng sẽ thấy được rất nhiều các vị anh hùng dân tộc.
Thứ hai, lên đồng là một hiện tượng tích hợp văn hóa, đa văn hóa. Trong lên đồng, nhiều nền văn hóa của các dân tộc thiểu số VN đã được tích hợp. Không một tín ngưỡng nào của người Việt lại tôn thờ những vị thần của các dân tộc thiểu số như đạo mẫu. Điều đó thể hiện tinh thần gắn kết, cấu kết giữa các dân tộc trên lãnh thổ VN và được phản ánh trên bình diện tâm linh.
Thứ ba, lên đồng là một hình thức sinh hoạt cộng đồng mang tính văn hóa và tín ngưỡng. Trong một buổi sinh hoạt lên đồng như vậy, tái hiện rất nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa.

Lên đồng xứng đáng là bảo tàng sống của văn hóa Việt

Trước đây, lên đồng bị cấm và bị cho là một hoạt động có tính mê tín dị đoan. Theo ông, nếu lên đồng có mặt trái thì mặt trái đó là gì?

– Bản chất của lên đồng là tốt đẹp và không phải là một hoạt động mê tín dị đoan. Vấn đề là một số người đã lợi dụng lên đồng để mưu cầu một số điều không tốt. Không một tôn giáo hay tín ngưỡng nào dạy con người làm điều xấu cả, chỉ có con người lợi dụng tôn giáo tín ngưỡng để làm điều xấu mà thôi.

Như thế có nghĩa là việc nghi ngại của các cơ quan quản lý là có cơ sở? Vậy làm thế nào để lên đồng trở về đúng với những giá trị bản chất của nó?

-Việc nghi ngại là có cơ sở vì những hoạt động có tính vụ lợi của một số ông đồng, bà đồng.Tuy nhiên, không thể chỉ vì số ít người đó mà cấm một hoạt động tín ngưỡng lành mạnh và có giá trị văn hóa như lên đồng. Việc chúng ta cần làm là gạn đục khơi trong, thanh lọc để lên đồng luôn là một hiện tượng lành mạnh như cha ông, tổ tiên của chúng ta đã làm.

Chưa nên trình hồ sơ UNESCO công nhận lên đồng là di sản thế giới

Trên thế giới, có hình thức nào giống như lên đồng tại Việt Nam không, thưa GS?

-Về mặt tôn giáo, lên đồng với tư cách là nhập hồn là một trong những hình thức Saman trên thế giới. Hiện tượng Saman giáo là hiện tượng phổ quát của rất nhiều dân tộc trên thế giới, mà tập trung nhất là ở vùng Siberi Mông Cổ. Tại Hàn Quốc, Trung Quốc…cũng có lên đồng nhưng có một số khác biệt so với lên đồng của Việt Nam ta.

Sự khác biệt đó như thế nào?

-Ở một số dân tộc khác, người ta cho rằng lên đồng chỉ là hình thức thoát hồn thôi. Ví dụ nhiều dân tộc khác, ông đồng, bà đồng thoát hồn đi để hóa vào thế giới của các vị Thánh hoặc của người âm để tìm kiếm một điều gì đó. Nhưng lên đồng của người Việt là nhập hồn nhiều lần. Hình thức lên đồng của ta cũng rất độc đáo. Ở Hàn Quốc, các ông đồng, bà đồng tự hát, đánh trống và chơi nhạc nhưng ở VN đã hình thành một bộ phận âm nhạc riêng. Mỗi dân tộc có một sắc thái riêng, đặc trưng nhưng nhiều bạn bè thế giới đánh giá hoạt động lên đồng của người Việt rất đặc sắc.

Có ý kiến cho rằng, với sự độc đáo như vậy, nên chăng chúng ta trình hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận lên đồng là di sản văn hóa thế giới. Điều này hẳn nhiên là rất xứng đáng?

-Lên đồng là một hiện tượng rất độc đáo và hoàn toàn xứng đáng để được UNESCO công nhận. Tuy nhiên, chính chúng tôi – những nhà nghiên cứu về đạo mẫu và lên đồng thì cho rằng chưa nên vì chính bản thân chúng ta chưa đồng thuận về vấn đề này.
Sở dĩ chưa có sự đồng thuận là vì thực tế vẫn có những người lợi dụng lên đồng để làm những việc xấu. Vậy thì, để có được sự đồng thuận, chúng ta phải chấn chỉnh lại hoạt động này để cả xã hội đều thấy được những giá trị tốt đẹp của nó. Khi ấy, chúng ta đề nghị chắc chăn sẽ được công nhận và chưa muộn.

________________________________________________________

Posted in Chuyện tôn giáo, Chuyện xã hội, Chuyện đất nước | Thẻ: , , | Leave a Comment »