NGÔN NGỮ & VĂN HÓA

CHÚC MỪNG NĂM MỚI

Archive for Tháng Tư, 2010

Phim của đạo diễn Việt kiều: Luồng gió mới?

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Tư 28, 2010

HOÀNG ĐĂNG – CHI MAI

Thấp thỏm chờ đợi xin giấy phép, rồi vào những ngày áp Tết Âm lịch, đạo diễn (ĐD) Cường Ngô (Mỹ) cùng ê-kíp gồm diễn viên Việt kiều Canada Thái Hòa Lê, chủ nhiệm phim người Thái Lan và quay phim người Ukraine đã “kéo quân” lên Sapa để thực hiện một số phim trong chùm phim ngắn mang tên Ngọc Viễn Đông (dựa theo các truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc). Cường Ngô cũng như nhiều ĐD Việt kiều trước đó đã hăm hở về nước làm phim, tạo thành một làn sóng phim Việt kiều trong đời sống điện ảnh nước nhà…

ĐƯỢC KHÁN GIẢ TRONG VÀ NGOÀI NƯỚC ĐÓN NHẬN…

Công bằng mà nói, những năm gần đây, điện ảnh Việt Nam được người nước ngoài biết đến chủ yếu thông qua tác phẩm của các ĐD Việt kiều. Theo ĐD Đặng Nhật Minh, ĐD Việt kiều đầu tiên được giới điện ảnh nước ngoài chú ý đến là Lê Lâm với bộ phim ngắn Long Vân Khánh Hội làm năm 1980 tại Pháp và được giới thiệu trong chương trình Triển vọng của điện ảnh Pháp, tại Liên hoan phim Cannes năm đó.
Sau đó đến Hồ Quang Minh (quốc tịch Thụy Sỹ) với các phim Trang giấy trắng, Con thú tật nguyền, Bụi hồng, Thời xa vắng, tiếp theo là Nguyễn Võ Nghiêm Minh (ĐD phim Mùa len trâu), Trần Anh Hùng… Trần Anh Hùng đã tìm được chỗ đứng trong giới điện ảnh Pháp và cả thế giới với bộ phim đầu tay Mùi đu đủ xanh. Sau đó, anh mới về nước làm phim.
Năm 1999, sau bộ phim Xích lô từng bị phê phán ở Việt Nam, Trần Anh Hùng thực hiện bộ phim thứ ba, Mùa hè chiều thẳng đứng cũng tại Việt Nam. Thế hệ thứ ba ở lứa tuổi 7X, 8X, 9X sinh ra và lớn lên ở nước ngoài, được bố mẹ cho theo đuổi nghề điện ảnh, như Nguyễn Nghiêm Đặng Tuấn, Lê Quang Vinh, Vương Quang Hùng… “Số này chắc ngày càng nhiều”, NSND Đặng Nhật Minh nhấn mạnh.
Quả thực, vài năm nay, các ĐD trẻ được đào tạo bài bản ở nước ngoài liên tục về nước làm phim và tác phẩm của họ ít nhiều gây được dấu ấn, cả ở các giải thưởng trong nước và nước ngoài. Có thể kể đến Charlie Trực Nguyễn (Dòng máu anh hùng, Chuyện nhà tôi), Victor Vũ (Chuyện tình xa xứ), Vũ Trọng Khoa (14 ngày phép),… Những phim “made in Vietnam” phát hành được ra “rạp ngoại” thường gắn với tên tuổi nhà sản xuất hay ĐD Việt kiều, vì họ “thông tỏ” thị trường điện ảnh nước ngoài.

TRỞ THÀNH MỘT BỘ PHẬN CỦA ĐỜI SỐNG ĐIỆN ẢNH…

Trong số các phim của những ĐD người Việt ở nước ngoài, có phim được khán giả trong nước đón nhận nồng nhiệt, có những phim được tiếp nhận với thái độ có phần phân vân, dè dặt và cũng có những phim chưa làm cho khán giả quan tâm. “Nguyên nhân của thực trạng này thì có nhiều, nhưng có thể khẳng định được rằng, cách nhìn nhận và phản ánh hiện thực của những ĐD Việt kiều không hoàn toàn giống như cách nhìn của các ĐD trong nước. Và trong hầu hết các phim thành công, tư duy sáng tác và nghệ thuật biểu hiện của các ĐD đều đạt một mức độ mà giới nghề nghiệp điện ảnh quốc tế phải công nhận”, TS Trần Luân Kim – Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam nhận định trong một cuộc hội thảo do Viện phim Việt Nam tổ chức.
Việt kiều về nước làm phim có trở thành một xu thế hứa hẹn những thành công hay Việt Nam chỉ đơn thuần là nơi có chi phí sản xuất thấp nên thu hút những nghệ sĩ xa xứ trở về? “Với tư cách một ĐD, tôi khẳng định phim của họ đã có những tác động nhất định với điện ảnh trong nước. Từ phim của họ, chúng tôi nhìn nhận các vấn đề trong nước một cách “đời” hơn. Chúng ta cũng phần nào hiểu thế giới nghĩ gì về Việt Nam qua phim của họ. Ngoài ra, có người làm phim trong nước còn chịu ảnh hưởng phong cách của một số đạo diễn Việt kiều, đặc biệt là phim của Trần Anh Hùng”, NSƯT – ĐD Phi Tiến Sơn khẳng định.
Không thể phủ nhận phim của ĐD Việt kiều đã trở thành một bộ phận trong đời sống điện ảnh Việt Nam nhiều năm nay. “Những bộ phim của họ góp phần làm cho người nước ngoài hiểu về một Việt Nam có nền văn hóa đầy bản sắc, chứ không chỉ là một đất nước của chiến tranh. Có thể những phản ánh về văn hóa, lối sống… trong các phim này chưa “tới” như ai đó nhận xét, nhưng chúng ít nhiều đã gây được ấn tượng với khán giả nước ngoài. Ở một cách nhìn khác, có thể các ĐD Việt kiều đã “chuyển hóa” văn hóa Việt Nam theo cách cảm nhận riêng, gần với người bên ngoài để người xem đón nhận dễ hơn”, ĐD Hồ Quang Minh chia sẻ.

CÒN GẶP NHIỀU KHÓ KHĂN

Các giải thưởng điện ảnh trong nước gần đây đã khá thông thoáng khi không phân biệt phim của ĐD Việt kiều hay phim của ĐD trong nước và dành cho các nhà làm phim Việt kiều những “sân chơi” bình đẳng.
Tuy nhiên, Việt kiều về nước làm phim còn gặp không ít những lực cản. Trước hết, thủ tục xin giấy phép quay phim tại Việt Nam còn khá nhiêu khê. Hầu hết các ĐD nước ngoài, nếu không thông qua các đơn vị làm dịch vụ trong nước mà tự liên hệ làm phim thì cũng phải qua “cò”. Chỉ quay một phim ngắn nhưng chi phí bỏ ra xin giấy phép lên tới 3.000 – 4.000 USD. “Nếu không thiết tha với điện ảnh nước nhà và không… kiên trì thì chúng tôi đã bỏ cuộc từ lâu. Chúng tôi không ngờ về nước làm phim lại gặp khó khăn ngay từ khâu xin giấy phép”, một nhà làm phim Việt kiều thú thật.
Việt kiều về nước làm phim cũng chịu áp lực về chuyện tài chính. Cùng công việc nhưng tâm lý của người Việt là hét giá cao nếu người thuê mướn là Việt kiều. “Không ít anh em nghệ sĩ quan niệm, cát-sê đóng phim của Việt kiều phải khác phim trong nước. Tôi còn nhớ, tôi mời anh L.T tham gia với mức cát-sê tương đương các phim Việt Nam trả cho diễn viên trong nước. Anh đề nghị mức cao hơn, tôi đề đạt ý kiến với các đối tác nước ngoài nhưng họ không đồng ý. Đòi hỏi của anh là chính đáng nhưng tôi không thể thuyết phục nhà sản xuất hơn được nữa nên đành phải mời người khác.
Thực tế, Việt kiều đi xin tiền làm phim nên dự án của họ cũng trong tình trạng kinh phí eo hẹp chứ không như các dự án phim 100% vốn nước ngoài”, đạo diễn Hồ Quang Minh nhớ lại. Anh kể, có lúc anh bị sức ép từ phía các cộng sự Việt Nam và rơi vào trạng thái cực kỳ căng thẳng. “Phim đầu tay của tôi quay gần xong, có diễn viên không tiếp tục hợp tác, cứ “làm mình làm mẩy”. Tôi buộc phải cứng rắn.
Hồi quay Thời xa vắng, đi được nửa chặng đường, tôi không còn trợ lý và phó đạo diễn nữa. Tôi còn nhớ, nữ ĐD Việt Linh hồi ra Bắc làm Mê Thảo – Thời vang bóng kể với tôi, có lúc chị phát khóc, phải năn nỉ diễn viên quần chúng, cũng vì những lý do tương tự như tôi đã gặp”.

NÊN MỞ RỘNG CỬA

“Thu hút các ĐD Việt kiều về nước làm phim và kêu gọi các dự án phim nước ngoài vào Việt Nam giống như với các dự án kinh tế. Môi trường đầu tư càng thông thoáng bao nhiêu thì càng có nhiều dự án bấy nhiêu. Khi tiếng vang về các dự án thành công, phim đạt được các thành tựu thì người làm nghề biết đến Việt Nam nhiều hơn và chắc chắn sẽ quan tâm, tìm hiểu cơ hội đầu tư. Những dự án làm nửa chừng phải ngưng lại là gáo nước lạnh làm giảm nhiệt tình của các Việt kiều và người nước ngoài muốn vào Việt Nam làm phim”, đạo diễn Hồ Quang Minh bộc bạch.
Nữ đạo diễn của Hạt mưa rơi bao lâu Đoàn Minh Phượng bày tỏ hy vọng các hãng phim quốc doanh sẽ mở rộng cửa làm phim hơn cho các ĐD không phân biệt trong biên chế hay bên ngoài, đào tạo trong nước hay nước ngoài. “Việt kiều thay vì được xem là những yếu tố bên ngoài nên được công nhận ngang hàng với công dân trong nước, từ chối sự góp sức của họ là một phí phạm”, chị nhấn mạnh.

__________________________________________

Posted in Chuyện đời sống, Điện ảnh | Thẻ: , | Leave a Comment »

Du khách ồ ạt đến quê hương Hải đội Hoàng Sa

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Tư 28, 2010

Trí Tín

Hôm nay du khách chen chúc mua vé lên tàu cao tốc tại bến cảng Sa Kỳ để đến huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), dự lễ khao lề thế lính Hoàng Sa diễn ra trong hai ngày 28, 29/4.

Đây là lễ hội đặc trưng văn hóa biển đảo, diễn ra vào dịp tháng 3 âm lịch hàng năm của hơn 40 tộc họ trên huyện đảo Lý Sơn, nhằm tri ân công đức tổ tiên. Triều Nguyễn, nhiều đội hùng binh được thành lập từ những ngư phủ của Lý Sơn, vâng lệnh vua giong buồm ra biển Đông đo đạc hải trình, cắm cột mốc khẳng định chủ quyền lãnh hải trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Năm nay lễ hội này được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho phép tổ chức mang tầm quốc gia, vì những đóng góp của hải đội Hoàng Sa đối với Tổ quốc.
Ông Võ Xuân Huyện, Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn cho biết, để đáp ứng nhu cầu du khách đến dự lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, huyện đã tăng cường mỗi ngày thêm hai chuyến tàu ngược xuôi từ Sa Kỳ đi Lý Sơn. Hiện tại các nhà nghỉ, nhà công vụ đã quá tải, nên huyện đã kêu gọi những gia đình trên đảo tạo điều kiện chỗ ở cho du khách theo hướng “du lịch cộng đồng”.
4 tháng đầu năm, quê hương Hải đội Hoàng Sa đã đón gần 10.000 lượt khách tham quan di tích, du lịch theo hướng dã ngoại câu cá, tắm biển…
Huyện đảo Lý Sơn cách đất liền 18 hải lý. Từ cảng Sa Kỳ, du khách mất 45 phút đi tàu cao tốc ra đảo. Diện tích Lý Sơn chỉ vỏn vẹn 10 km2, gồm hai đảo: Đảo Lớn với các xã An Hải, An Vĩnh và đảo Bé có xã An Bình. Quy mô hơn 4.000 hộ dân, với gần 100 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, cấp quốc gia.

__________________________________________________

Posted in Chuyện du lịch VN, Chuyện đất nước | Thẻ: , , | Leave a Comment »

PGĐ Sở Xây dựng: Trát lại nhà phố cổ cho… tươi tắn

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Tư 28, 2010

– “Hiện nay vẫn chưa định nghĩa được màu gì sẽ là màu thể hiện sự cổ kính. Nhưng phải khẳng định việc chỉnh trang không tác động vào lõi như các họa tiết kiến trúc, kết cấu công trình. Chúng tôi chỉ trát lại cho nó tươi tắn hơn mà thôi”.

Tại cuộc giao ban báo chí Thành uỷ chiều 26/4, phó Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Quốc Tuấn cho biết như vậy.

Nhà phố cổ chỉ trát lại cho tươi tắn

Trước dư luận cho rằng, việc sơn, quét vôi tại các tuyến phố cổ đang làm mất đi nét duyên dáng và hồn vía của phố cổ, ông Tuấn khẳng định, việc sơn sửa lại các tuyến phố cổ hiện nay không tác động đến lõi của công trình mà chỉ nhằm bảo vệ, gìn gữ cho công trình tốt và đẹp hơn.

Việc quét sơn ve phố cổ sẽ chỉ là tu sửa tường, trần công trình hư hỏng, ẩm mốc, quảng cáo rao vặt mất mỹ quan; quét vôi, quét sơn lại; cửa gỗ mục mọt, bong tróc thì sẽ được thay thế, cạo tẩy sơn cũ, sơn lại cửa; vật kiến trúc như mái hắt, mái vẩy, ô văng, ống thoát nước mưa, bục bệ, lồng sắt tự tạo hư hỏng mất mỹ quan, biển quảng cáo sai quy định sẽ bị tháo dỡ…

“Hiện nay vẫn chưa định nghĩa được màu gì sẽ là màu thể hiện sự cổ kính. Nhưng phải khẳng định việc chỉnh trang không tác động vào lõi như các họa tiết kiến trúc, kết cấu công trình. Chúng tôi chỉ trát lại cho nó tươi tắn hơn mà thôi”, ông Tuấn cho biết.

Theo ông Tuấn, việc chỉnh trang, sơn vôi công trình nhà cửa nhân dịp lễ Tết không chỉ là việc làm đẹp nhà cửa, mà còn thực hiện duy tu bảo dưỡng, nâng cao tuổi thọ công trình.
Về kinh phí chỉnh trang, ông Tuấn cho hay, với công sở của các cơ quan trung ương thì ngân sách thành phố sẽ đầu tư, công sở của cơ quan thành phố thì được giao cho quận huyện.

Riêng nhà dân, trước đó có thông tin cho rằng người dân sẽ được hỗ trợ kinh phí sau khi sơn nhà, ông Tuấn khẳng định “Không có chuyện Nhà nước chi tiền cho người dân sơn nhà mình” mà chủ yếu là vận động nhân dân làm theo nội dung của Đề án.

Trường hợp công tư xen kẽ, người dân không đủ điều kiện để sơn sửa sẽ tùy trường hợp cụ thể để lập phương án hỗ trợ. Hiện thành phố đã đầu tư 17 tỷ đồng chỉnh trang các công sở.

Về việc bóc gạch để lát đá xung quanh Hồ Gươm, ông Tuấn nhấn mạnh: “Đúng là gạch lát nền quanh hồ vẫn còn đang sử dụng tốt, nhưng chúng ta muốn làm cho Hồ Gươm càng đẹp hơn thì cần phải tốn công đầu tư hơn.
Tuy nhiên, chúng tôi khẳng định gạch lát cũ vẫn được sử dụng cho các dự án, công trình khác chứ không bỏ đi”.

Theo đánh giá của Sở Xây dựng công việc thi công chỉnh trang các tuyến phố sẽ hoàn thành trước ngày 30/6 với chất lượng, mỹ thuật, hiệu quả cao.

Kết thúc việc chỉnh trang, hạ ngầm trước 30/7

Tất cả các dự án hạ ngầm đường dây đi nổi, cũng như việc quét vôi sơn sửa chỉnh trang đường phố sẽ phải hoàn tất trước ngày 30/7. Sau thời điểm này sẽ phải tạm dừng kể cả dự án đã được cấp phép.

Theo ông Tuấn, hiện thành phố triển khai tất cả 29 dự án hạ ngầm các đường dây đi nổi kết hợp với chỉnh trang đồng bộ hạ tầng kỹ thuật. Trong đó giao cho 8 đơn vị làm chủ đầu tư thực hiện với nhiều danh mục dự án khác nhau.

“Đến thời điểm này nhiều tuyến phố đã hoàn thiện việc hạ ngầm, các tuyến còn lại đang gấp rút thi công. Việc hạ ngầm đã hoàn thành được khoảng trên 75% khối lượng công việc” – Ông Tuấn cho biết.

Tuy nhiên, lãnh đạo Sở Xây dựng cho rằng, dù công tác chỉnh trang đô thị đã có nhiều chuyển biến, góp phần tạo diện mạo mới cho đô thị Hà Nội, song quá trình quản lý và thực hiện vẫn bộc lộ nhiều hạn chế. Thực tế, các chủ đầu tư khi triển khai các dự án chỉnh trang đô thị vẫn còn chậm, thiếu chủ động. Các dự án hạ ngầm, sắp xếp đường dây, cáp đi nổi theo phương thức xã hội hóa triển khai chậm. Việc tổ chức thi công, chỉnh trang, hạ ngầm trên một số tuyến đường còn bụi bẩn, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến giao thông.

Bên cạnh đó, việc phối hợp giữa các chủ đầu tư, đơn vị thi công trong việc triển khai thi công hè, hạ ngầm chưa đồng bộ. Công tác cấp phép đào đường, hè chưa đáp ứng được kế hoạch triển khai thi công các dự án ngầm.

“Đáng lẽ ra việc hạ ngầm và chỉnh trang sơn quét các tuyến phố phải xong trước ngày 30/6, nhưng do chúng ta tổ chức Hội nghị ASEAN nên một số tuyến hạ ngầm phải làm dừng việc đào bới nên buộc phải lùi thời hạn hoàn thanh” – Ông Tuấn nói.

________________________________________________

Posted in Chuyện đô thị, Chuyện đất nước | Thẻ: , | Leave a Comment »

Sự thật về cây sanh cổ thụ ở Huế có ma

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Tư 28, 2010

Núi Hồng

– Sau khi bán cây sanh cổ thụ trong làng có nhiều chuyện bất thường như người chết, tai nạn, tự tử… liên tục xảy ra. Đi xem bói thì các thầy phán: “Cây sanh là nơi trú ngụ của một con ma, nay bán cây không có chỗ ở nên gặp ai bắt người đó”.

Sự việc xảy ra ở làng Cổ Bưu, xã Hương An (Hương Trà, Thừa Thiên – Huế). Thực hư thế nào thì chưa rõ nhưng khi về làng gặp người nào, ai cũng kể, từ khi làng bán cây sanh ma bắt mấy người rồi. Ngoài ra, cuộc sống người dân trong làng bị xáo trộn, tối đến không ai ra khỏi giường, tắt điện ngủ sớm do sợ ma bắt.

Bán cây sanh, làng có nhiều người chết?

Làng Cổ Bưu bán cây sanh cổ thụ sau cơn bão số 9, ngày 29/9/2009. Cây sanh nằm bên miếu Bà của làng và tỏa bóng mát cho bến nước Mai Đề. Không may cơn bão số 9 quật ngã cây xuống sông. Theo những cụ già trong làng, cây sanh đã 70 tuổi rồi, có đường kính 0,7 m luôn xanh tốt, không một ai trèo lên hay chặt phá.
Cây sanh bị ngã vài ngày, anh Phan Phước Vũ, một người dân trong làng có ý định mua và làm đơn lên xã, được xã bán với giá 10 triệu đồng. Sau đó, anh Vũ lại bán lại cho một người khác, thuê xe cẩu và đưa người về đào gốc, cắt cành để mang cây sanh đi.
Để đưa cây sanh nặng 10 tấn lên xe, những người mua cây đưa một xe cẩu có trọng tải 15 tấn cẩu cây sanh đi nhưng sự cố bất ngờ xảy ra. Đào hết rễ, cắt hết cành, cẩu lên xe nhưng xoay tới xoay lui một ngày xe cũng không cẩu được cây do bị đứt dây cáp, xe vỡ kính và trúng vào người lái cẩu suýt chết. Mặc dù, thay cáp nhiều lần và cật lực làm cả ngày cho đến khuya cũng không đưa được cây sanh lên xe.
Sang ngày thứ 2, một xe cẩu có trọng tải 20 tấn được điều tới nhưng vẫn không chuyển được cây đi. Ngày thứ 3 điều chiếc xe 25 tấn tới, sau nhiều lần thử cuối cùng cũng đưa được cây lên xe.

Nhưng khi chạy qua cổng làng Cổ Bưu, do cổng nhỏ nên phải cắt bớt cành và đưa cây xuống xe, điều thêm một xe cẩu khác đến. Sau một ngày hai xe cẩu mới đưa cây qua cổng làng. Trong quá trình đưa cây đi thì không ít lần đứt dây cáp.
Chưa dừng lại đó, nhiều sự việc ngẫu nhiên xảy ra liên tiếp khiến người làng Cổ Bưu ăn không ngon, ngủ không yên.

Mồng 1 Tết Canh Dần, ông Phan Văn T. (69 tuổi) nhà ở gần cây sanh bị bệnh chết. Mồng 2 Tết, anh Phan Phúc Đ. (26 tuổi) ngồi sau xe máy của người em bị rơi xuống đường và chết tại chỗ cách cây sanh khoảng 150m. Đến mồng 3 Tết, anh Phan Phước N. , nhà cũng ở gần cây sanh cắn lưỡi rồi dùng dao tự sát. Ngoài ra, nhiều người dân trong làng cũng gặp tai nạn giao thông, nhiều gia đình vợ chồng đánh nhau, trộm cắp xảy ra.
Thấy vậy, nhiều người dân đi xem bói và được thầy phán: “Cây sanh là nơi trú ngụ của một con ma, do bán cây sanh nên con ma không có nơi ở, do đó gặp người nào bắt người đó”. Sau khi anh N. tự sát nhưng không chết, gia đình đã thuê thầy về cúng để bắt ma.
Thầy cúng nói: “Tối bà con sống gần khu vực nhà anh N. phải đóng cửa tắt điện đừng ra khỏi nhà để tôi bắt ma. Nếu bắt không được, thì con ma chạy gặp ai sẽ ám vào người đó liền”.
Nghe lời thầy bói, gần 1 tháng, cứ đêm xuống, gia đình nào trong làng Cổ Bưu cũng đóng cửa, tắt điện đi ngủ sớm, không ai dám ra khỏi nhà, nhất là không tới khu vực trồng cây sanh trước đây.

Ma không thấy nhưng trong làng xảy ra nhiều chuyện

Trao đổi về việc này, ông Phan Phước Thìn, Phó chủ tịch xã Hương An cho biết: “Ma thì không thấy nhưng trong làng có nhiều việc xảy ra như người chết và người làng bị tai nạn xảy ra nhiều so với các năm. Việc cây sanh ngã và xã đem bán đó là chuyện bình thường nhưng có nhiều chuyện ngẫu nhiên xảy ra khiến dân chúng xôn xao. Số tiền bán cây sanh xã sẽ giao lại cho làng Cổ Bưu để dùng vào việc xây lại bến nước Mai Đề”.
Xã Hương An cũng cử cán bộ về làng họp dân để trấn an tinh thần. Ngoài ra, cử lực lượng tuần tra và nhắc nhở người dân đỏ điện, đi lại trong làng bình thường. Nếu người dân nào đốt vàng mã, đồn đại sự việc này, đội an ninh của xã phát hiện sẽ đưa về xã nhắc nhở.
Ông Thìn khẳng định, đến nay, mọi việc ở làng Cổ Bữu đã yên ổn trở lại. Người dân đi lại, hoạt động vào ban đêm bình thường nhưng câu chuyện về con ma ở cây sanh vẫn được bà con bàn tán.

Giải thích những chuyện khác thường từ khi bán cây sanh, ông Thìn cho biết thêm: “Việc đưa xe cẩu đến chở cây và xảy ra sự cố nhiều lần là do những người làm không đúng kỹ thuật, dẫn đến việc xe không cẩu được cây và xảy ra tại nạn. Còn người trong làng chết là do đau ốm, bệnh tình nặng quá không qua khỏi.
Việc tai nạn chết là do uống rượu chạy với tốc độ cao và không đội mũ bảo hiểm. Trường hợp anh N. tự sát là do bức xúc chuyện bạn bè mới dẫn đến như vậy. Những sự việc diễn ra trùng lặp và một số người dân đi xem bói về đã loan tin dẫn đến những tin đồn bán cây sanh có ma”.
Ông Phan Chí Thân, Thôn trưởng làng Cổ Bưu cũng cho hay: “Do bão làm cây đổ nên mới bán chứ làng có muốn như vậy đâu. Trong việc này, cũng có lỗi của xã khi bán cây không họp dân lại để có kế hoạch mà có người mua là bán liền. Sau khi bán cây nhiều sự trùng hợp xảy ra và có nhiều người đến tung giá cao mua cây sanh nhưng đã bán rồi, do đó người dân nghĩ xóm và xã ăn bớt tiền”.
Bà Hà Thị Khả (78 tuổi) kể: “Tôi sống ở đây mấy chục năm nhưng chưa một lần nào thấy ma, việc đồn có ma là người dân nói vậy chứ không có mô. Tại khu vực cây sanh là nơi có nhiều người chết, nhất là vào giai đoạn Nhật đảo chính và Tết Mậu Thân. Nơi đây là trận địa có nhiều trận đánh, khi chết chôn tại đây. Sau giải phóng đến nay có một thanh niên và mấy đưa trẻ đi chăn trâu chết gần đó”.
Hiện cây sanh được trồng trên đường Nguyễn Văn Linh và có giá trên 200 triệu đồng. Anh Vũ, người mua và bán cây sanh cùng người chủ cây sanh vẫn sống bình thường.

_____________________________________________________

Posted in chuyện khó tin, Chuyện lạ | Thẻ: , , | Leave a Comment »

Hòa hợp dân tộc qua góc nhìn của ông Nguyễn Cao Kỳ

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Tư 28, 2010

Thu Hà

Để tìm được sự đồng thuận trong những vấn đề nhạy cảm như hòa hợp dân tộc thường không mấy dễ dàng. Tuy nhiên, cứ đặt lợi ích dân tộc lên hàng đầu thì ta sẽ biết phải làm thế nào tốt nhất. Việt Nam bây giờ đã là một rồi. Đứng trước tương lai của đất nước, chúng ta phải sớm xóa bỏ hận thù và đoàn kết lại – ông Nguyễn Cao Kỳ nói.

LTS: Chuyến trở về Việt Nam tháng 1/2003 sau 28 năm xa cách của ông Nguyễn Cao Kỳ, nhân vật số 2 “khét tiếng” một thời của chính quyền Sài Gòn được xem là một chỉ dấu tích cực của chính sách hòa giải hòa hợp dân tộc của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Kể từ đó, người ta thấy ông thường có mặt ở Việt Nam và lên tiếng ủng hộ cho hòa hợp dân tộc.

Cựu Phó Tổng thống chính quyền Sài Gòn bày tỏ góc nhìn riêng của mình về sự nghiệp thống nhất lòng người của dân tộc Việt:

Đã 35 năm sau sự kiện 30 tháng Tư, những người ở lại và cả những người ra đi đã nói nhiều, làm nhiều việc cho mục tiêu hòa hợp dân tộc, hàn gắn lòng người. Ông đánh giá thế nào những nỗ lực chúng ta đã làm?

Ông Nguyễn Cao Kỳ: Tôi nghe dư luận và có cảm tưởng vẫn còn có khoảng cách giữa nói và làm. Cuối năm vừa rồi, Hội nghị Việt kiều đã thu hút mấy ngàn người về dự. Trả lời phỏng vấn báo chí, nhiều vị đều bày tỏ mong muốn sớm hòa hợp. Điều đó có nghĩa mặc dù chính quyền đã cố gắng, nhưng ở đâu đó vẫn chưa thực sự tích cực.

Việc tích cực hàn gắn như ông vừa đề cập, cần được hiểu thế nào?

Phải từ hai phía, nhưng cái chính vẫn phải từ phía những người trong nước. Chúng ta có thực sự muốn làm và tích cực làm hay không …
Nói về đoàn kết toàn dân tộc tôi có cảm giác dân tộc mình mỗi lần bị đe dọa đến vận mệnh thì lại đoàn kết. Thời xưa, chống giặc ngoại xâm phương Bắc thời nay đánh Tây, đánh Mỹ là tự khắc cả dân tộc đoàn kết và chiến thắng. Nhưng khi thắng rồi không hiểu làm sao mà tình cảm lại không được như trước.

Chẳng phải Nhà nước đã có rất nhiều những động thái tích cực đó sao? Quyết định dân sự hóa Nghĩa trang quân đội Biên Hòa cũ là một minh chứng rõ rệt cho thấy thiện chí của những người trong nước. Và còn có chính sách cho bà con Việt kiều về nước mua nhà hay chương trình gặp gỡ Việt kiều hàng năm…?

Tôi cho rằng đó là những động thái tích cực. Chẳng hạn như để có được quyết định dân sự hóa nghĩa trang cũng phải mất nhiều năm trời. Ngay khi trở về quê hương tôi cũng đã đề cập chuyện ứng xử với nghĩa trang quân đội Biên Hòa cũ với các vị lãnh đạo của Việt Nam…
Tôi còn nêu ý tưởng tổ chức đại lễ cầu siêu chung cho những người tử trận không phân biệt bên này hay bên kia, làm thật trang trọng mỗi năm và thông báo rộng rãi cho bà con đang sống trong cũng như ngoài nước biết. Nếu trong số những người về dự, có cả một số cựu chiến binh từng ở bên kia chiến tuyến thì không gì hay bằng.
Thử hỏi có người dân Việt Nam yêu nước nào muốn chia rẽ đất nước không? Có ai muốn rằng người Việt giữ mãi hận thù với nhau không?
Theo tôi chỉ khi nào vượt qua được suy nghĩ hẹp hòi thì chúng ta sẽ làm được. Khi ấy vị thế của Việt Nam được nâng lên tầm cao khác. Tự khắc lòng người xích lại với nhau và sẽ không còn phải mất nhiều thời gian bàn chuyện hàn gắn hay hòa giải nữa.

Ông suy nghĩ như thế nào về việc Nhà nước quyết định dân sự hóa nghĩa trang quân đội cũ?

Tôi đã ghé thăm nghĩa trang này trước đây còn hoang vắng nhưng giờ đây đã sạch sẽ quang đãng rồi, mọi người được ra vào tự do. Ở đó vẫn còn giữ được 16 ngàn ngôi mộ tử sĩ.
Lịch sử là lịch sử, ngày 30/4 giờ là một sự kiện lịch sử. Việc ứng xử không còn hận thù với những người từng đứng phía bên kia chiến tuyến như thế nào được bên ngoài quan sát để đánh giá cách hành xử văn minh hay không. Cho dù bên này hay bên kia, chết là hết, còn hận thù chi nữa, họ cần được coi sóc chu đáo.
Ông có thừa nhận một thực tế là chúng ta có thể xóa bỏ hận thù để bắt tay làm bạn với những nước đã từng xâm chiếm chúng ta, vậy mà việc hàn gắn người Việt với người Việt với nhau xem ra lại mất nhiều thời gian hơn thế?
Theo tôi, cả hai phía vẫn có thiểu số còn quá nặng về dĩ vãng, chưa có tầm nhìn về tương lai. Một người không biết nhìn về tương lai, thì họ chỉ còn sống và ôm dĩ vãng. Mà như vậy thì tư duy của họ vẫn mãi bị ám ảnh bởi những chuyện hận thù, chủ nghĩa hay phe phái. Chúng ta phải thực tế nhìn vào điều này: muốn hòa hợp thì rất không nên nói nhiều mà phải làm.

Liệu có cách gì để chúng ta không còn phải mất thêm thời gian cho việc hòa hợp, hàn gắn với đa số những người Việt ở bên ngoài đất nước?

Chuyện quốc gia cũng giống như trong một gia đình. Những việc chung thì cần đánh tiếng để mọi người xúm tay vào làm. Tôi nghĩ đối với đa số người Việt ở bên ngoài thì sẵn lòng góp sức cùng trong nước. Với đất nước có gì phải ngại ngần. Vấn đề là họ cần được thông tin đầy đủ về tình hình và những nhu cầu thực sự mà nhà nước đang cần sự góp sức của họ.
Hòa hợp dân tộc sẽ tập hợp được sức mạnh. Cứ đặt lợi ích dân tộc lên trên thì chúng ta tự khắc biết phải ứng xử thế nào cho hợp lẽ.
Nhưng khi đã kêu gọi thì cũng phải tạo điều kiện thoải mái cho người ta về. Lời nói và việc làm phải đi đôi với nhau.

Theo ông, 35 năm có quá dài cho việc hòa hợp dân tộc, hàn gắn lòng người?

Để tìm được sự đồng thuận trong những vấn đề nhạy cảm như vậy thường không mấy dễ dàng. Tuy nhiên cứ đặt lợi ích dân tộc lên hàng đầu thì ta sẽ biết phải làm thế nào tốt nhất. Việt Nam bây giờ đã là một rồi. Đứng trước tương lai của đất nước, chúng ta phải sớm xóa bỏ hận thù và đoàn kết lại. Cuộc chiến tranh khốc liệt đã khiến cả triệu người ở cả hai bên chiến tuyến hy sinh, thì đó là một chuỗi oán thù chồng chất, không phải chỉ ở một phía. Chỉ có hòa hợp dân tộc mới giải quyết được vấn đề.

[Nếu ai đó còn có ngần ngại, còn có bất đồng, chúng ta hãy nói với các bạn ấy rằng mẹ hiền Việt Nam lúc nào cũng dang rộng cánh tay đón nhận tất cả những người con của mình về với Tổ quốc. Không có lý do gì, sự bất đồng gì ngăn cản sự đoàn kết, thống nhất quốc gia trong sự nghiệp phát triển, xây dựng đất nước của chúng ta.
Trong một gia đình 5-7 người đôi khi còn có những bất hoà. Trong một đất nước rộng lớn với hơn 80 triệu dân và 54 dân tộc khác nhau, nếu có những khác biệt, tôi nghĩ cũng là điều dễ hiểu. Chúng ta phải làm sao để thông cảm lẫn nhau, chia sẻ lẫn nhau và từng bước đạt được tiếng nói chung, vì mục tiêu chung là xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh.
Tôi mong bà con của mình, hãy vì quê hương đất nước, gác bỏ những khác biệt của mình, hãy đoàn kết lại, cùng nhau xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh, hùng cường.
Đó không chỉ là lời nói và ý kiến của tôi mà là tâm nguyện của cả dân tộc Việt Nam, là ý chí của Đảng và Nhà nước Việt Nam
(Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết phát biểu trong cuộc gặp mặt bà con Kiều bào tại quận Cam, Los Angeles, Mỹ tháng 6/2007)]

______________________________________________________________

Posted in Chính trị Việt Nam, Chuyện lịch sử, Chuyện đất nước | Thẻ: , , | Leave a Comment »

Những cái tên nửa Việt

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Tư 26, 2010

TTO – Đọc báo thấy nói về việc người dân tộc Cơ Tu ở huyện miền núi Tây Giang, tỉnh Quảng Nam lấy tên các diễn viên điện ảnh Hàn Quốc đặt cho con. Nào là Ploong San U, Ploong San Ốc, Bling Giang Gun, Briu thị Hy Su… Những cái tên nửa Cơ Tu nửa Hàn Quốc. Thấy vừa buồn cười, vừa xót xa.

Bởi họ mê phim Hàn Quốc, bởi các tài tử Hàn Quốc đẹp trai, xinh gái. Và bởi họ chưa ý thức được việc giữ gìn bản sắc dân tộc. Công việc của những người có trách nhiệm là phải tuyên truyên, giải thích cho bà con để họ đừng đặt tên con mình như thế nữa.

Vậy nhưng khi xem phim Việt Nam thấy một số bộ phim đang trình chiếu trên tivi có những nhân vật mang những tên lạ hoắc. Nào là Đô Đô, La La, Ly Ly (phim Bộ tứ lớp 10A8), nào là Mi Mi, Minh Minh… Thậm chí ngay bộ phim Lập trình trái tim, nhân vật Vũ nhiều khi lại được gọi là Vũ Vũ. Thấy khó chịu. Bởi đó không phải là những cái tên Việt. Người Việt Nam thường không gọi tên nhau như thế bao giờ. Cách gọi tên ấy chỉ có ở những phim Trung Quốc.

Việc đồng bào Cơ Tu đặt tên cho con kiểu nửa Cơ Tu nửa Hàn ta còn có thể thông cảm được vì dù sao trình độ dân trí của bà con còn thấp. Còn việc các nhà làm phim đặt tên cho nhân vật của mình kiểu như trên đã nói thì thật phản cảm. Có phải họ cho rằng đặt tên nhân vật như thế sẽ tăng sức hấp dẫn cho phim chăng? Hay họ đang cổ súy một cách gọi tên Việt kiểu mới? Họ có nghĩ tới việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc cho bộ phim của mình hay không?

Đừng để cách gọi tên ấy lan rộng. Không khéo rồi lớp trẻ Việt Nam sẽ có thói quen gọi nhau theo kiểu Đô Đô, La La… thì gay!

__________________________________________

Posted in Chuyện tiếng Việt, Ngôn ngữ, Văn hóa các dân tộc | Thẻ: , , | Leave a Comment »

Stephen Hawking: ‘cần tránh xa người ngoài hành tinh’

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Tư 26, 2010

Ông Hawking cho rằng “hoàn toàn có lý” khi nghĩ rằng người ngoài hành tinh tồn tại
Người ngoài hành tinh gần như chắc chắn tồn tại nhưng con người phải tìm mọi cách để tránh họ, khoa học gia Stephen Hawking cảnh báo.
Trong loạt chương trình cho Discovery Channel, nhà vật lý thiên văn học có tiếng nói chuyện cho rằng có nền văn minh khác tồn tại là “hoàn toàn có lý”.
Nhưng ông cảnh báo rằng người ngoài hành tinh sẽ chỉ đến lấy tài nguyên của Trái đất và lại lên đường.
“Nếu người ngoài hành tinh thăm chúng ta, kết quả khá giống như khi Columbus đổ bộ vào Hoa Kỳ, vốn không phải là điều tốt đẹp với Thổ dân Hoa Kỳ,” ông nói.
Stephen Hawkings nghĩ rằng thay vì cố gắng để liên hệ với người ngoài trái đất, con người phải tìm mọi cách để tránh họ.
Ông giải thích: “Chúng ta chỉ cần nhìn vào chính chúng ta để thấy sinh vật thông minh có thể phát triển thành những thứ mà chúng ta không muốn gặp.”
Vi khuẩn đơn giản
Trong quá khứ một số tàu thám hiểm đã được phóng lên không gian với những bản khắc hình người và biểu đồ cho thấy vị trí của Trái đất.
Những sóng âm thanh cũng được phóng vào vũ trụ với hy vọng liên hệ được với các nền văn minh khác.
Ông Hawking nói: “Từ những tính toán toán học của tôi, chỉ những con số không thôi làm cho việc nghĩ về người ngoài hành tinh là hoàn toàn có lý.
Gần chúng ta hơn, những bằng chứng rằng cuộc sống có thể tồn tại trên Sao Hỏa đang ngày càng tăng.
Brian Cox, nhà vật lý học thuộc Đại học Manchester
“Thử thách là dự đoán xem người ngoài hành tinh trông sẽ ra sao.”
Chương trình của Discovery nói tới các loại người ngoài hành tinh khác nhau trong đó có loại ăn rau cỏ và loài thú săn mồi giống thằn lằn màu vàng.
Nhưng ông Hawking thừa nhận hầu hết sự sống ở đâu khác trong vũ trụ có nhiều khả năng chỉ bao gồm các vi khuẩn đơn giản.
Trong loạt chương trình gần đây của BBC, Kỳ quan của Hệ Mặt trời, Giáo sư Brian Cox, nhà vật lý học của Đại học Manchester cũng cho rằng cuộc sống có thể tồn tại ở đâu đó trong hệ mặt trời của chúng ta.
Ông nói cơ thể sống có thể tồn tại dưới các tảng băng bao quanh Europa, một trong các mặt trăng của Sao Thổ.
Giáo sư Cox nói thêm: “Gần chúng ta hơn, những bằng chứng rằng cuộc sống có thể tồn tại trên Sao Hỏa đang ngày càng tăng.
“Chúng ta sẽ biết chắc chắn khi có thế hệ tàu vũ trụ mới được cải tiến để tìm sự sống và các tàu này được phóng lên các mặt trăng của Sao Thổ và vùng bình nguyên nóng như thiêu đốt của Sao Hỏa.”

Theo BBC
____________________________________________

Posted in Chuyện thiên văn học, Khoa học & Công nghệ | Thẻ: , , | Leave a Comment »

Sài Gòn 1975 và những trung đoàn mất tên

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Tư 26, 2010

Nguyễn Đăng Tấn

Ai cũng biết để có những quân đoàn hùng mạnh phải có những người chiến sỹ. Họ chính là lực lượng chủ yếu quyết định chiến thắng cho sự kiện lịch sử ngày 30 tháng Tư năm 1975.

Chiến dịch Hồ Chí Minh thắng lợi. Lá cờ đỏ sao vàng phấp phới bay trên nóc dinh Độc lập, nơi hội tụ của năm cánh quân từ năm hướng tiến vào cũng không khác ngày quân ta từ 5 cửa ô vang ngân câu hát: “Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về, Như đài hoa đón mừng, nở năm cánh đào”. Lịch sử có những trùng hợp thật diệu kỳ. Với bông hoa năm cánh ấy, đất nước mở sang trang mới, hòa bình độc lập ở Thủ đô Hà Nội.
Năm cánh sao đầu là một sự mở đầu cho lịch sử đánh bại quân xâm lược, là tiếng chuông báo hiệu chủ nghĩa thực dân cũ đã cáo chung. Năm cánh sao thứ hai lại là sự thất bại đau đớn của chủ nghĩa thực dân kiểu mới. Phải chăng hình tượng 5 cánh sao Việt Nam tượng trưng cho 5 yếu tố làm nên sự kỳ diệu của vũ trụ mà văn hóa phương Đông hay văn hóa Văn Lang đã đúc kết có sức mạnh long trời chuyển đất.
Tôi lần giở những trang sử vàng về 5 cánh sao ấy khi tiến về Sài Gòn càng thấy sự lớn mạnh của lực lượng vũ trang nhân dân ở cái thời khắc lịch sử ấy thật là kỳ diệu. Không tự hào sao được khi sự lớn mạnh ấy như sức mạnh của Phù Đổng. Những Quân đoàn 1 (hướng Bắc), Quân đoàn 2 (hướng Đông Nam; Quân đoàn 3 (hướng Tây Bắc; Quân đoàn 4 (hướng Đông); Đoàn 232 (hướng Tây Nam), đó là những cánh sao của sức mạnh Việt Nam, của trí tuệ Việt Nam.
Ai cũng biết để có những quân đoàn hùng mạnh làm nên sự kiện ngàyt 30 tháng Tư phải có những người chiến sỹ. Họ chính là lực lượng chủ yếu quyết định chiến thắng.
Những cánh sao trên thì ai cũng biết, ai cũng hiểu. Mọi người còn hiểu kỹ hơn, chi tiết hơn những đơn vị cấu thành “cơn lốc” ấy. Ngay cả những ai là tư lệnh, ai là chính ủy. Nhưng có điều này chắc còn ít ai biết, đó là một lực lượng đông đảo những người lính làm nên “cơn lốc” kinh thiên động địa mà kẻ thù phải bạt vía kinh hồn kia ở đâu ra, họ được huấn luyện như thế nào?
Hầu hết họ chính là những người lính ở hậu phương miền Bắc, những cô cậu học trò còn ngồi trên ghế nhà trường, là những chàng thanh niên chỉ mới bắt đầu chớm độ tuổi “bẻ gãy sừng trâu”. Họ được tuyển vào những đơn vị địa phương với cái tên thật giản dị: Trung đoàn n. thuộc bộ chỉ huy quân sự tỉnh y. Đó chính là nơi cung cấp những chiến sỹ ưu tú làm nên chiến thắng vĩ đại của dân tộc.
Thời ấy mỗi tỉnh thành miền Bắc hầu hết như đều có một đơn vị chuyên làm công tác tuyển quân, huấn luyện và chi viện cho chiến trường. Đơn vị ấy là một Trung đoàn thuộc Bộ chỉ huy quân sự tỉnh. Bất kể Xuân, Hạ, Thu, Đông hễ chiến trường nào cần là các đơn vị đáp ứng.
Tôi là một cán bộ trẻ, thuộc Trung đoàn 14 Bộ chỉ huy quân sự Thanh Hóa như bao đơn vị của tỉnh, thành miền Bắc ngày ấy.
Chưa rời ghế nhà trường chúng tôi đã là người lính. Có chút văn hóa nên được đơn vị giữ lại làm cán bộ. Nhiệm vụ chính là đi tuyển quân, huấn luyện, chi viện cho chiến trường. Mỗi khóa huấn luyện chỉ có 3 tháng thế là lập tức lên đường. Cán bộ Trung đội mới được vinh dự cầm quân đưa chiến sỹ tới tận chiến hào cho những binh đoàn, những cánh sao của chúng ta.
Cuộc đời anh cán bộ huấn luyện cũng nhiều gian khổ. Lính chiến ngoài mặt trận gian khổ cái sống cái chết cận kề nhưng những người lính huấn luyện gian khổ cũng không kém. Đưa được đơn vị vào chiến trường là cả một chặng đường gian nan vất vả.
Phải tập cho anh em biết bắn súng, biết ném lựu đạn, đánh bộc phá, đó là ba môn bắt buộc. Rồi học chiến thuật từ tiểu đội đến đại đội. Nói nôm na là đánh đồn địch như thế nào, hợp đồng ra sao, cách mang bộc phá phá hàng rào kẽm gai, đánh lô cốt thế nào… tất tần tật là tất cả để chủ động giành chiến thắng.
Ngay cái chuyện tập hành quân cũng gian nan vất vả.
Ngày ấy không chỉ con trai những “anh bộ đội” ra trận mà cả con gái “chị bộ đội” cũng ra trận. Đơn vị nào cũng có một Tiểu đoàn chuyên huấn luyện cho bộ đội nữ. Tập hành quân là phải đeo sọt rèn (thay cho ba lô). Trọng lượng thì cứ dần nâng lên cho đến khi cao hơn trọng lượng quân tư trang và súng ống mang theo vào mặt trận (gần 40 kg). Thương nhất là những hôm hành quân dài ngày gặp mưa, bão. Cánh con trai thì gian khổ không nói làm gì, cánh con gái thì…nhất là những ngày “của chị em” gian nan vất vả trăm bề. Nhiều lần gặp bão giữa rừng, đến khi về doanh trại thì trắng trời…con gái.
Ngày ấy bộ đội hành quân bộ từ Bắc vào Nam xuyên rừng Trường Sơn mà đi. Ròng rã sáu tháng trời đêm nghĩ ngày đi mới vào đến mặt trận. Sau năm 1972 được tàu, rồi là xe đưa vào tận Quảng Bình, từ đó bắt đầu một cuộc hành quân gian khổ theo các binh trạm để ra mặt trận. Nhiều cán bộ, những bạn bè tôi có đi mà không ngày trở lại bởi trên đường gặp máy bay, gặp giặc, có khi xe bị lật khi vượt đèo cao, suối sâu. Nghĩa là cái chết đến bất kỳ lúc nào.
Trong cuộc đời làm cán bộ huấn luyện, nhớ nhất là cái tiểu đội đầu tiên của tôi. Ngày ấy vào năm 1972. Đây là thời kỳ Tổng động viên. Tất cả cán bộ, sinh viên học sinh đều ra trận. Cái tiểu đội thân yêu đầu tiên của tôi lại toàn là cán bộ, các anh chị lớn tuổi. Có người đã là trạm trưởng một trạm Y tế địa phương. Đa phần đều là cán bộ các cơ quan trong tỉnh.

Cho đến bây giờ tôi không nghĩ, mặc dù ít tuổi nhất, là em út của tiểu đội nhưng lại là “thủ trưởng” của các anh và được các anh quí mến đến thế.

Trong Tiểu đội tôi có anh Tám, người sau này đã anh dũng hy sinh ngoài mặt trận. Tám không phải là người duy nhất trong đơn vị chưa một lần ra thăm Hà Nội. Tuy vậy ở Tám trái tim luôn hướng về Thủ đô. Chả là ngày còn công tác ở Nông trường Sao Vàng, Tám đã yêu một cô giáo người Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp đại học cô được phân công về Nông trường của Tám dạy học. Chuyện tình của họ cũng trầm bổng, lúc thăng, lúc giáng như bản nhạc nhưng chưa đạt đến cao trào. Cô trở về Hà Nội khi “giải yến chưa bắc xong cầu” để chàng được một lần về thăm. Tuy thế, dẫu xa cách nhưng trong tim họ vẫn luôn luôn hướng về nhau.

Đó là câu chuyện tình mà luôn ám ảnh và theo tôi suốt cuộc đời…

Và những ngày mùa xuân 1975 có lẽ chỉ ở Việt Nam mới có cách huấn luyện “thần tốc” như vậy để chi viện cho chiến trường giành thắng lợi nhanh nhất. Đó là cách vừa đi vừa tập, vừa hành quân ra mặt trận vừa học kỹ, chiến thuật. Trên tấm bản đồ những gọng kiềm càng thít chặt thì chúng tôi những người lính càng khẩn trương tuyển quân huấn luyện và nhanh chóng ra mặt trận. Chính lực lượng hậu bị này đã làm tốt nhiệm vụ giữ vững vùng giải phóng để lực lượng chính thần tốc, thần tốc tiến lên.

Bây giờ thì những tiểu đội, những con người như vậy, ngay cái cách huyến luyện như vậy chắc chẳng còn ai nhớ. Ngay cả tên Trung đoàn 14 hay Trung đoàn n nào đó của khắp các địa phương trên miền Bắc ngày ấy chắc chỉ còn lại trong ký ức những cựu binh như chúng tôi.

Sau giải phóng các Trung đoàn hầu hết đều giải tán hoặc được sáp nhập vào đơn vị khác. Và cũng không còn nơi để trưng bày những thành tích, những kỷ vật chiến tranh hay những gương mặt của đồng đội, những người có nhiều thành tích xuất sắc.

Thời khắc này chắc cũng chẳng còn ai là người tại ngũ bởi những chiến sỹ nếu nhập ngũ năm 1975 dẫu mang quân hàm đại tá cũng đã đến tuổi về hưu.

Viết những dòng này tôi chỉ muốn đồng đội tôi, những chiến sỹ thầm lặng trên một mặt trận thầm lặng an ủi một điều: Dẫu có người còn người mất, dẫu đơn vị không còn tên, hay không còn ai nhớ nhưng thế hệ các anh đã đóng góp máu xương để có được ngày hôm nay. Các anh mãi mãi mang tên “bộ đội cụ Hồ” những “chiến sỹ ngày ấy” thật bình dị mà cao cả.

_____________________________________________

Posted in Chuyện lịch sử | Thẻ: , , | Leave a Comment »

Giao thông tê liệt sau khi thông cầu Cần Thơ

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Tư 25, 2010

Tối 24/4 hàng triệu người dân đồng bằng sông Cửu Long đổ về cầu dây văng nối hai bờ sông Hậu mới khánh thành để tham quan khiến mọi nẻo đường hướng về cầu Cần Thơ đều ùn tắc nghiêm trọng.

Ùn tắc giao thông bắt đầu từ 6 giờ tối tại các nẻo đường trong nội ô quận Ninh Kiều như Đại lộ Hòa Bình, đường 30/4, Quang Trung… khi dòng người đổ về tham quan cầu Cần Thơ.

Đến 7 giờ tối, bên hướng huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long, tất cả các tuyến đường dẫn lên cầu Cần Thơ cũng bị ùn tắc. Hàng nghìn xe gắn máy, ôtô, xe tải tràn cả lên lề đường để qua hướng bờ Cần Thơ khiến giao thông hỗn loạn mặc dù có lực lượng cảnh sát tham gia điều tiết giao thông.

Tại hướng bờ Cần Thơ, tình trạng ùn tắc giao thông cũng tương tự. Các tuyến đường dẫn ra chân cầu Cần Thơ và từ cầu Cần Thơ về trung tâm quận Ninh Kiều giao thông bị tê liệt hoàn toàn. Tất cả phương tiện lưu thông ra hướng cầu Cần Thơ đều bị kẹt cứng kéo dài hơn 15km đến trung tâm quận Ninh Kiều.

Tới gần 22 giờ cùng ngày, giao thông tại tất cả các tuyến đường ở quận Cái Răng hướng về cầu Cần Thơ vẫn bị phong tỏa trong một biển người và không có lối thoát.
Sáng 24/4 cầu Cần Thơ đã được thông xe với sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đại diện Đại sứ quán Nhật tại Việt Nam.

(Theo TTXVN)
________________________________________

Posted in Chuyện lạ, Chuyện đất nước, Giao thông | Thẻ: , , | Leave a Comment »

Chuyện của Tổng trưởng Quốc phòng chế độ cũ

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Tư 25, 2010

Lê Nhung – Thu Hà

Đại tướng Võ Nguyên Giáp, lần đầu tiên gặp ông Nguyễn Hữu Có đã cầm tay mà nói: “Chào mi, ta với mi lúc trước hai đứa hai chiến tuyến nhưng nay ta đã là hai anh em”. Đó là lần đầu tiên vợ chồng ông Có được Mặt trận Tổ quốc mời ra Hà Nội họp.

“Một biểu tượng của hòa hợp dân tộc”

Ông Nguyễn Hữu Có từng là chỉ huy quân sự danh tiếng. Khi chính quyền Ngô Đình Diệm do Mỹ dựng lên được thiết lập, ông là một trong 10 sĩ quan (trong đó có Nguyễn Văn Thiệu) được lựa chọn qua Mỹ đào tạo sĩ quan chỉ huy và tham mưu.
Dưới thời chính quyền Nguyễn Văn Thiệu, ông đảm nhận các chức vụ Tổng Trưởng Quốc phòng kiêm Phó Thủ tướng. Đời binh nghiệp và chính trị của ông Có lên đến tột đỉnh từ giữa năm 1965 đến đầu năm 1967.
Với địa vị đứng hàng thứ ba sau hai tướng Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ, thanh thế tướng Có còn lừng lẫy cả ở nước ngoài.

Ông cũng là một trong số những người vào thời khắc lịch sử của mùa xuân 1975 đã có mặt ở Bộ Tổng tham mưu Sài Gòn, chứng kiến những giây phút cuối cùng của Quân đội Việt Nam Cộng hòa.
Ông Có từng tâm sự: “Là kẻ chiến bại còn ở lại, tôi phải chấp nhận mọi tình huống nguy hiểm xảy ra”.
Sau mười hai năm đi học tập cải tạo, trở về Sài Gòn, ông Có chỉ “loanh quanh trong nhà trồng rau, nuôi gà”.
Cho đến năm 1994, Mặt trận Tổ quốc Thành phố HCM vời ông tham gia như một “nhân sĩ tự do”. Rồi sau đó, tên ông xuất hiện trong danh sách thành viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Kể từ đây, ông Có bắt đầu được mời đến dự các cuộc gặp với lãnh đạo thành phố, lãnh đạo nhà nước và xuất hiện trong các cuộc họp báo quốc tế mỗi dịp 30/4. Chuyện về ông được báo chí quốc tế nhắc đến như “một biểu tượng của hòa hợp dân tộc”.
“Chúng tôi có tới 12 người con, bốn con đang ở Mỹ, một ở Pháp. Các con tôi tuy làm những công việc khác nhau nhưng đủ sống. Tôi đã cùng vợ qua bên Mỹ chơi thăm bạn bè, không hề bị ai cấm đoán hay ngăn cản”, ông Có từ tốn nói.
Vợ ông, bà Nguyễn Thị Tín cho hay, thời gian chồng đi cải tạo cũng là lúc bà phải chật vật (như mọi người dân Sài Gòn khi đó) kiếm sống. Bà luôn có mặt bên chồng trong mỗi cuộc gặp với các lãnh đạo nhà nước như ông Phạm Thế Duyệt, Võ Nguyên Giáp…
Bà vẫn kể đi kể lại câu chuyện cách đây vài năm khi ông bà ra Hà Nội đã được đích thân Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Phạm Thế Duyệt đón tiếp, đưa đi Hạ Long chơi.

“Hãy chìa tay trước”

Ở tuổi 90, vị cựu Phó Thủ tướng của chính quyền cũ mỗi ngày lại dành một tiếng đồng hồ nằm giường tập trị liệu. Căn bếp nhà ông Có mỗi tuần một lần vẫn là nơi tổ chức nấu cháo từ thiện tiếp tế miễn phí cho thân nhân những người nghèo ở Bệnh viện Nhi đồng Một.
Bà Tín, vợ ông nhắc đi nhắc lại, ông Có tuy đã từng là một Tổng trưởng Quốc phòng chế độ cũ nhưng sau thời gian cải tạo đã luôn chủ động hòa nhập với cuộc sống mới. Và ông cũng không gặp phải trở ngại gì trên con đường hòa nhập đó.
Chỉ còn một điều vẫn khiến hai vợ chồng vị tướng già trăn trở là dường như sau ba mươi lăm năm mà với nhiều người như vẫn đang còn vướng víu những định kiến cũ, khiến công cuộc hòa hợp, hòa giải dân tộc, thống nhất lòng nưgời trong ngoài như một vẫn chưa đi được tới đích.
Bạn bè ông Có, vẫn không ít người luôn mang mặc cảm “người phía bên kia”, từng ra đi trước biến cố 1975 và nay phần đa đều có ý nguyện muốn được trở về với quê hương, đất nước. Họ mong đợi lãnh đạo Đảng, Nhà nước chủ động chìa tay ra trước.
Không phủ nhận ngoài phần đông những người có thiện ý muốn xây dựng đất nước, vẫn còn lại một nhóm người cực đoan, quá khích.
“Với những người đó, nên chi lãnh đạo nhà nước hãy chủ động chìa tay ra trước. Hãy khuyến khích, chủ động mời những người đang còn định kiến quay về nước để họ chứng kiến tình hình mới rồi từ đó thay đổi cái nhìn với đất nước… “, bà Nguyễn Thị Tín nói.

“Hoà giải chỉ có bằng hành động”

Cựu đại sứ Việt Nam tại Pháp Võ Văn Sung từng viết trong một tập sách kỷ niệm ngày thống nhất đất nước: “Đạo lý dân tộc ta là bàn tay có ngón ngắn ngón dài nhưng đều quy lại thành một bàn tay”.
Theo ông Sung, người Việt khi có ngoại xâm thì đứng lên chống giặc cứu nước, nhưng khi kẻ xâm lược bị đánh đuổi thì với những người Việt do hoàn cảnh không đứng vào hàng ngũ kháng chiến hoặc thậm chí chống lại kháng chiến cũng nên độ lượng bỏ qua để cùng hàn gắn vết thương chiến tranh, cùng xây dựng lại đất nước thân yêu.
Ông Sung cũng kể lại một câu chuyện độc đáo, đó là buổi trưa ngày 30/4 năm 1975 lịch sử, cựu Thủ tướng chế độ cũ Nguyễn Khánh bấy giờ đang ở Pháp đã đến gặp ông Sung với băn khoăn: “Bây giờ các anh thắng rồi thì những người như tôi còn có ích gì nữa không?”.
Ông Nguyễn Khánh trước đó vẫn lui tới ĐSQ Việt Nam và ủng hộ cho con đường hòa hợp dân tộc, thực hiện đường lối của Hiệp định Paris. Chính vì thế, câu trả lời của vị đại sứ Việt Nam là: “Sao anh lại nói là “các anh”. Đây là thắng lợi của toàn dân tộc. Chúng ta đã thắng. Nếu cần nói tên một người Việt Nam thất bại thì đó là Nguyễn Văn Thiệu. Rồi đây việc hàn gắn vết thương chiến tranh, việc xây dựng nước Việt Nam giàu mạnh, còn bao nhiêu việc cần sự đóng góp của mỗi người con dân Việt”.
Tư tưởng ấy ta đã thực hiện suốt ba mươi lăm năm qua. Bởi, riêng ở miền Nam Việt Nam chiến tranh liên miên, hầu như gia đình nào cũng có người của hai bên và đều chịu mất mát đau thương. Không gì khác là phải tha thứ để cùng xây dựng lại.
Nhưng nếu đây đó còn có những ngại ngần, còn có những vết thương chưa liền, còn có những phân ly và cách trở thì chính những người đứng đầu Đảng, Nhà nước phải tiếp tục làm nhiều việc hơn nữa để xóa đi những khoảng cách, tập hợp sức mạnh dân tộc, ông Võ Văn Sung đúc kết.
Ông Hồ Ngọc Nhuận, cựu dân biểu đối lập của chính quyền Sài Gòn, người tự xem là “cả đời tôi đấu tranh cho chủ trương hòa hợp, hòa giải dân tộc”, cũng khẳng định “An vị lâu dài chỉ có thể có với lòng dân và trong lòng dân, bằng con đường hòa giải thật sự trong hành động chứ không bằng lời nói. Và chỉ có thể hòa giải khi trả lại sự công bằng cho mọi người, mọi thành phần dân tộc”.
Như thông điệp mà Nguyên Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã nói trong trên tuần báo Quốc Tế (Bộ Ngoại giao) vào dịp kỷ niệm ba mươi năm thống nhất đất nước: “Hòa hiếu”, “khoan dung” là những truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam. Người Việt thường chỉ kháng chiến khi có kẻ thù từ bên ngoài. Sau 30 năm qua, tôi nghĩ mọi người Việt Nam chúng ta, cả đôi bên đều nhận thấy khi không còn sự can thiệp từ bên ngoài nữa, chúng ta có thể trở về bên nhau, cùng nhau xây dựng. Và Việt Nam sẽ thêm phát triển khi mọi người Việt dù ở đâu cũng đều ở trong một cộng đồng hòa hợp”.

______________________________________________

Posted in Chuyện lịch sử, Chuyện xã hội, Chuyện đất nước | Thẻ: , , | Leave a Comment »