NGÔN NGỮ & VĂN HÓA

CHÚC MỪNG NĂM MỚI

Archive for the ‘Giáo dục các nước’ Category

Nhà khoa học gốc Việt đi tàu con thoi

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Sáu 14, 2011

Bạn có thể không biết được điều này, thế nhưng cả nước Mỹ biết điều này, hơn một nửa thế giới biết điều này. Trên trang bìa của nhiều tạp chí nước Mỹ đã xuất hiện gương mặt Trịnh Hữu Châu như là một kỳ tích châu Á tại NASA (Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ).

Nhà vật lí ứng dụng Trịnh Hữu Châu đã là niềm tự hào vĩ đại của người Việt khi anh hoàn tất hành trình bay vào vũ trụ cùng tàu con thoi Columbia lừng danh.

Trên trang bìa của nhiều tạp chí nước Mỹ đã xuất hiện gương mặt Trịnh Hữu Châu như là một kỳ tích châu Á tại NASA (Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ).

Eugene Trịnh (tên khai sinh là Trịnh Hữu Châu) sinh ngày 24/09/1950 tại Sài Gòn. Ông là con trai út của kỹ sư công chánh Trịnh Ngọc Sang. Năm 1953, ông cùng với gia đình sang định cư ở Pháp, nơi đây chính là tiền đề phát triển sự nghiệp của chàng kỹ sư tài năng này.

Trịnh Hữu Châu học trung học tại Trường Michelet (Paris) và lấy bằng năm 1968. Sau đó, ông sang Mỹ học ngành chế tạo máy và vật lý ứng dụng tại Đại học Columbia, tốt nghiệp năm 1972. Trong hai năm liên tiếp 1974 và 1975, chàng trai Sài Gòn này nhận học bổng và bảo vệ thành công các luận án thạc sĩ khoa học và triết học. Châu tiếp tục học lên tiến sĩ và năm 1977 lấy được bằng vật lý ứng dụng của Đại học Yale lừng danh.

Năm 1979, NASA ngắm Eugene như là một tài năng hiếm thấy và ngay lập tức ông được mời vào làm việc tại phòng thí nghiệm về sức đẩy phản lực của NASA. Trong thời gian này, ông kết thúc khóa học sau tiến sĩ và tham gia các hoạt động nghiên cứu của Viện Kỹ thuật California dưới sự hỗ trợ của NASA.

Năm 1983, NASA chọn ông để huấn luyện thành chuyên viên sức đẩy làm việc cho phòng thí nghiệm không gian 3 (Spacelab 3) của mình. Ông trở thành người dự khuyết cho chuyên viên sức đẩy nổi tiếng Taylor Wang.

Tháng 8/1990, NASA cái tên Eugene Trịnh được điền vào danh sách thành viên nghiên cứu sức đẩy tại phòng thí nghiệm vi trọng lực của tàu con thoi. Ngày 25/06/1992, sau khi hoàn thành hai năm huấn luyện, ông có mặt trong chuyến bay của tàu con thoi Columbia STS – 50 bay lên không gian. Như vậy, Trịnh Hữu Châu đã trở thành người Việt thứ hai bay vào vũ trụ sau khi Phạm Tuân làm được điều kỳ diệu tương tự trước đó 12 năm (1980).

Trang web của NASA cho biết chuyến bay STS – 50 của Eugene Trịnh kéo dài đúng 13 ngày, 19 giờ, 30 phút và 4 giây. Trong chuyến bay này, tại khoang vật lý DPM, ông đã thực hiện và theo dõi cùng lúc ba thí nghiệm về sức đẩy, sự rơi của chất lỏng và kỹ thuật điều khiển chất lỏng không bình chứa do ông nghĩ ra.

Đến nay, hơn 40 công trình khoa học của Trịnh Hữu Châu đã được công bố trên các tạp chí khoa học lớn của Mỹ và châu Âu. Ông là thành viên của các hiệp hội nghiên cứu không gian như Tổ chức Nghiên cứu Sigma Xi, Hội Vật lý Mỹ, Hội Cơ học Mỹ, Viện Hàng không và không gian Mỹ, Hiệp hội Nghiên cứu về nguyên liệu, Hiệp hội Khám phá không gian… NASA đã trao tặng ông huy chương phi hành gia, huy chương thành tựu khoa học đặc biệt và bốn bằng phát minh cùng với các đồng nghiệp.

Ông cũng đã nhận được bảy giải thưởng công nghệ của NASA từ năm 1985 tới nay, trong đó có dụng cụ đo lường về trọng lực thấp được đặt trong máy bay phản lực KC-135 của NASA.

Theo PLXH
________________________________________________________

Posted in Giáo dục các nước, Khoa học & Công nghệ | Thẻ: , , | Leave a Comment »

Học viện KAIST: Đi đường nào?

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Tư 11, 2011

Chỉ chưa đầy bốn tháng đầu năm 2011, đã có đến 5 vụ tự tử xảy ra tại học viện danh tiếng ở Hàn Quốc. Đáng lưu ý, sau cái chết của 4 sinh viên, hôm chủ nhật vừa qua, cảnh sát thông báo một giáo sư cũng đã treo cổ tự vẫn.

Áp lực “điểm số”?

Báo Korea Herald đưa tin, từ đầu tháng 1 đến 10/4 đã xảy xa 5 vụ tự tử tại học viện KAIST danh tiếng.

Vụ đầu tiên là một sinh viên 20 tuổi tự tử vào hồi tháng 1, sau đó đến một sinh viên 19 tuổi vào tháng 2. Vụ thứ ba là một sinh viên 25 tuổi, tự tử một tuần trước khi xảy ra vụ thứ 4 là một nam sinh cũng mới 19 tuổi. Ngày hôm qua 10/4, một giảng viên 54 tuổi được phát hiện đã chết do treo cổ tự vẫn tại căn hộ của mình.

Cả bốn vụ tự tử của sinh viên đều được cho là do bị bế tắc dưới áp lực cạnh tranh quá căng thẳng về thành tích và chính sách học phí mang tính trừng phạt của trường.

Theo nguồn tin từ Asian One, vụ tự tử gần nhất xảy ra ngày 7/4. Nạn nhân là sinh viên mới 19 tuổi, nhảy từ mái tòa nhà ở Incheon, chỉ một ngày sau khi sinh viên này gửi đơn xin tạm nghỉ học đến văn phòng khoa với xác nhận đang bị trầm cảm của bác sĩ.

Chương trình học tại Học viện KAIST được cho là khá nặng, với phần lớn các môn học được giảng dạy bằng tiếng Anh. Chính vì thế, vô hình chung tạo ra áp lực vô cùng căng thẳng cho sinh viên trong cuộc chạy đua điểm số này.

Áp lực học phí

Năm 2007, Suh Nam Pyo, chủ tịch học viện, vốn là giáo sư từ Học viện kỹ Công nghệ Massachusetts (MIT) đã thông qua quyết định thu học phí căn cứ trên điểm số của sinh viên.

Theo hệ thống thang điểm được áp dụng tại Hàn Quốc, những sinh viên đạt điểm trung bình dưới 3.0 sẽ phải chi trả những mức học phí khác nhau, có thể lên đến 6 triệu won (khoảng 7.000 đôla) cho mỗi năm học.

Trước đó, Học viện KAIST không thu bất kỳ khoản học phí nào của sinh viên, vì tôn chỉ của họ là tạo mọi điều kiện để nuôi dưỡng những tài năng khoa học và công nghệ cho đất nước.

Học viện KAIST cho biết, chính sách này nhằm tạo động lực học tập rõ ràng cho sinh viên. Nhưng mặt trái của nó đã để lại hậu quả nghiêm trọng.

Chính sách học phí mới bị chỉ trích là không công bằng với những học sinh đến từ các trường trung học nghề và những trường kém danh tiếng hơn do nhóm học sinh này có xuất phát điểm thấp hơn.

Áp lực nghề nghiệp?

Hôm chủ nhật vừa qua, cảnh sát thông báo một giáo sư tên Park đã treo cổ tự vẫn trong nhà bếp của gia đình. Vợ ông là người đầu tiên phát hiện ra vụ việc.

Vụ tự tử này được cho là không liên quan gì đến bốn vụ tự tử của sinh viên. Trong thư tuyệt mệnh để lại, ông chỉ căn dặn người thân chăm sóc con cái cẩn thận mà không hề nhắc đến những sinh viên này.

Báo Korea Herald có đăng nguyên văn bức thư tuyệt mệnh của ông.

Áp lực buộc từ chức

Sau khi có vụ tự tử thứ tư, vào hôm thứ năm, 7/4, chủ tịch học viện Suh Nam-Pyo đã công khai xin lỗi và thú nhận sai lầm khi thực hiện những cải cách giáo dục và chính sách học phí quá khắc nghiệt.

Ông nói: “Tôi chân thành xin lỗi về những gì xảy ra ở KAIST”, và khẳng định đây là sự cố nghiêm trọng nhất trong lịch sử thành lập học viện. Ông cho biết, nhà trường sẽ loại bỏ chính sách trừng phạt bằng học phí từ học kỳ sau.

Tuy nhiên, dư luận cho rằng lời xin lỗi này là không đủ so với những hậu quả nghiêm trọng từ biện pháp thúc đẩy thành tích quá khắc nghiệt của ông Suh.

Tờ Hankyoreh cho biết, kể từ vụ sinh viên tự tử đầu tiên vào đầu tháng 1, ông Suh đã đăng một số bài viết trên trang web của trường, phân tích nguyên nhân của các vụ tự tử.

Ngày 29/1 ông có viết: “Thời nay thì có ai trong chúng ta lại không phải chịu áp lực? Nếu không bị áp lực học phí thì có thể chắc chắn rằng các em sẽ không tự tử không?”

Hai ngày trước khi vụ tự tử thứ tư xảy ra, ông cũng có gửi một thông điệp trên trang web của trường: “Là một trường danh tiếng hàng đầu trong cả nước, chúng ta đang phải đối mặt với khủng hoảng trầm trọng chưa từng từ trước đến nay do số vụ sinh viên tự tử ngày càng tăng lên. Nhưng nói gì thì nói, sẽ không bao giờ có những bữa ăn miễn phí cho bất kỳ ai. Các em hãy tự trang bị cho mình những hành trang cần thiết, biết chấp nhận thất bại hôm nay để thành công ngày mai”.

Lời lẽ và lập luận của ông đã gây phẫn nộ cho dư luận tại Hàn Quốc, dấy lên làn sóng kêu gọi ông từ chức để nhận trách nhiệm. Không những thế, ông còn bị sinh viên gửi đơn kiện lên Ủy ban nhân quyền quốc gia, với cáo buộc ông đã vi phạm quyền của sinh viên.

Học viện KAIST được thành lập 40 năm trước để đào tạo nhân lực trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Kể từ khi ông Suh Nam Pyo giữ chức chủ tịch năm 2006, việc học tập tại đây được mô tả như là “một cuộc đua sống còn” mà chỉ “những cá nhân xuất sắc mới có thể tồn tại”.

theo Lơ Nguyễn (Tổng hợp từ Korea Herald/Asia News Network)
_______________________________________________________________

Posted in Chuyện xã hội, Giáo dục các nước, Tin tức nổi bật | Thẻ: , , | Leave a Comment »

Đề án di dời các trường đại học

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Hai 26, 2011

– Đến hết tháng 8, các trường phải đăng ký xong kế hoạch di dời đến địa điểm mới. Cũng hết tháng 8 năm nay, các trường phải xong “chuẩn đầu ra”. Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã yêu cầu như vậy đối với giáo dục đại học trong buổi gặp mặt với Bộ GD-ĐT diễn ra hôm 16/2.

Buổi gặp nằm trong chương trình làm việc đầu năm 2011 của Phó Thủ tướng với khối khoa giáo – văn xã. Đối với ngành giáo dục, đây cũng là dịp sơ kết những công việc của học kỳ 1 năm học 2010 – 2011.

Nóng đất và nóng cả “chất” đang là câu chuỵện được quan tâm của giáo dục đại học thời gian này.

Trong tháng 1, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã yêu cầu thành lập tổ công tác liên bộ (do Bộ Xây dựng chủ trì ) để hoàn thiện dự thảo quy hoạch xây dựng hệ thống các trường ĐH, CĐ vùng Thủ đô Hà Nội và vùng TP.HCM đến 2015 và tầm nhìn 2050, trình Chính phủ trước ngày 20/1.

Theo đó, từ tháng 2 đến tháng 8, các trường phải đăng ký kế hoạch di dời đến địa điểm mới theo quy hoạch với Bộ GD-ĐT. Dự kiến, địa điểm mới này sẽ ở các “khu đại học tập trung” ngoại thành Hà Nội như Sóc Sơn, Sơn Tây, Hòa Lạc, Gia Lâm…

Còn trong buổi làm việc hôm nay, Phó Thủ tướng giao hẹn, chậm nhất đến cuối tháng 8, các trường phải công bố “chuẩn đầu ra” và phê duyệt chiến lược phát triển của từng nhà trường.

Xây dựng “chuẩn đầu ra” là một trong những giải pháp để đảm bảo chất lượng mà khi còn đảm nhiệm vai trò Bộ trưởng Giáo dục – Đào tạo, ông Nguyễn Thiện Nhân đã lưu ý các trường thực hiện.

“Chuẩn đầu ra” bao gồm kiến thức, kỹ năng, vị trí công việc mà sinh viên có thể thực hiện sau khi tốt nghiệp đại học, cao đẳng.

Giải thích ngắn gọn, ông Hoàng Ngọc Vinh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp cho biết, từ trước đến nay, việc xác định mục tiêu đào tạo ở nhiều trường ĐH, CĐ, TCCN chưa gắn với đòi hỏi từ thực tế việc làm, để từ đó cụ thể hóa thành những yêu cầu với người học.

Bởi vậy, “các mục tiêu có thể thấp quá hoặc cao quá, hoặc thiếu thực tế, thiếu khả thi, chung chung, không cụ thể, khó đánh giá. Hệ quả là chất lượng và hiệu quả đào tạo thấp không gắn với nhu cầu thị trường lao động. Như vậy, chuẩn đầu ra có thể xem là thông số quan trọng, ảnh hưởng lớn đến việc thiết kế chương trình và tổ chức đào tạo”.

Một cách dễ hình dung, với kiến thức tiếng Anh, nhiều trường xác định, sinh viên phải đạt 450 điểm của chứng chỉ TOEIC mới đạt chuẩn.

Số liệu của Bộ GD-ĐT cho thấy, đến nay, đã có 215 trường ĐH, CĐ xây dựng và công bố chuẩn đầu ra của ngành đào tạo, chiếm 52,82% số trường trong toàn quốc.

Có 246 trường công bố cam kết chất lượng đào tạo và 303 trường (74,5%) đã tổ chức xây dựng, rà soát, bổ sung các chỉ số trong chiến lược phát triển nhà trường giai đoạn 2011 – 2015, định hướng đến năm 2020.

Những băn khoăn

Đã có những cách hiểu khác nhau khi các trường bắt tay xây dựng tài liệu “chuẩn đầu ra”: là tiêu chuẩn để xét tốt nghiệp” hay kỳ vọng của nhà trường về năng lực của sinh viên khi tốt nghiệp, qua đó, định hướng cho giảng viên, sinh viên phấn đấu?

Trong thực tế, như phản ánh của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, khi trườngcông bố chuẩn đầu ra trên trang web, đã có trường khác sao chép để làm “chuẩn đầu ra” cho mình.

“Chuẩn đầu ra” có liên quan mật thiết tới câu chuyện di dời trường đại học, theo cách giải thích của Bộ GD-ĐT.

Theo nhận định của Bộ GD-ĐT, cơ sở vật chất và thiết bị đào tạo ở các trường mới chỉ đáp ứng ở mức rất thấp. Chẳng hạn, bình quân diện tích đất cho 1 SV công lập vào khoảng 35,7 m2, quá thấp so với tiêu chuẩn cách đây hơn 20 năm ( 55-85 m2 đất/1 SV).

Điều này khiến hệ thống trang thiết bị, phòng thí nghiệm, xưởng thực hành mới chỉ đáp ứng được 40% nhu cầu đào tạo. Còn các hệ thống thư viện, cơ sở vật chất công nghệ thông tin… rất yếu.

Hầu hết các trường ĐH ở Hà Nội trong danh sách phải di dời ra ngoại thành đều xác định “đồng thuận với chủ trương của nhà nước”, nhưng 8 khu “đại học tập trung” mới được các nhà hoạch định phác thảo trên giấy, nên các trường chưa biết mình đi về đâu.

Một vấn đề nữa, khi di dời ra ngoại thành thì cơ sở cũ được dùng vào mục đích gì đang là băn khoăn của số đông các nhà quản lý của những trường này.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, sau buổi làm việc, Bộ GD-ĐT sẽ hoàn thiện các kế hoạch của học kỳ, năm học.

Ông cũng nhấn mạnh những trọng tâm thời gian tới, có cả nội dung quy hoạch mạng lưới và quy hoạch cán bộ.

Những đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cần phải trở thành công việc trọng tâm được triển khai thường xuyên – Bộ trưởng yêu cầu.

Nguồn: Bộ GD-ĐT
__________________________________________________________

Posted in Giáo dục các nước, Hà Nội nghìn năm | Thẻ: , , | Leave a Comment »

Các nước viết gì về giải Fields?

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Tám 31, 2010

Trong lúc dư luận Việt Nam hiện nói nhiều về Ngô Bảo Châu, báo chí Israel, Nga, Pháp cũng đưa tin về giải Fields năm 2010 nhưng với mức độ khác nhau.

Gần với chuyện đang diễn ra ở Việt Nam có lẽ là Israel, nước có công dân Elon Lindenstrauss cũng nhận huy chương Fields tại Ấn Độ hôm 19/8 vừa qua.

Báo chí nước này, và cả các trang của người Do Thái trên thế giới đồng loạt đưa tin ngợi giáo sư Lindenstrauss là “người Israel đầu tiên được Nobel toán học”.

Họ cũng trích lời giới khoa học Israel nói với giải này nước họ xứng đáng là “cường quốc toán học”.

Tờ Haaretz đưa tin Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã chúc mừng người được giải trong tinh thần dân tộc, rằng “đây là thành tích vĩ đại cho ông và cho Quốc gia Israel, và chúng tôi rất tự hào vì ông”.

Tờ Jewish Chronicle trên mạng cũng không quên nhắc rằng Giáo sư Lindenstrauss (40 tuổi), như nhiều người Israel trẻ tuổi khác, từng phục vụ trong quân đội và vẫn là thiếu tá dự bị của Không quân Israel.

Nhưng cho đến ngày 23/8 không thấy báo chí Israel hay Do Thái nói gì về các buổi lễ trọng đại đón chào huân chương Fields tặng cho ông Lindenstrauss.

Họ cũng nhắc đến Viện Toán mang tên Einstein ở Đại học Hebrew, Jerusalem nơi ông Lindenstrauss làm việc, vốn đã sản sinh ra nhiều nhà khoa học lừng danh thế giới khác như GS Robert Aumann, người nhận Nobel kinh tế năm 2005.

Báo chí Israel cũng nói ông Lindenstrauss được giải Fields một phần vì ở độ tuổi đúng 40 bởi nước này có nhiều nhà toán học lỗi lạc khác nhưng quá tuổi nhận huy chương Fields.
Họ cũng nhắc Israel đã có chín công dân được giải Nobel, người gần nhất vào năm 2009 trong môn hóa học.

Xuất xứ và thành tích

Còn về giải Fields cho Stanislav Smirnov, cả truyền thông Nga và Thuỵ Sĩ đều đưa tin nhưng ở mức độ ít hơn nhiều so với Israel và Việt Nam.

Báo Thuỵ Sĩ gọi ông là Giáo sư đại học Geneva, nhấn mạnh đến nơi làm việc.

Trang của Nga, Voice of Russia thì nói “Lại thêm một người Nga nhận ‘Nobel’ môn toán”.

Khác với Israel và Việt Nam, đây không phải là lần đầu người Nga nhận giải Fields vốn có từ bảy chục năm qua.

Trước ông Smirnov đã có các vị khác nhận giải Fields là Sergei Novikov (1970), Grigory Margulis (1978), Vladimir Drinfeld (1990), Yefim Zelmanov (1994), Maixim Kontsevich (1998), và Vladimir Voyevodsky (2002).

Còn Grigory Perelman, cũng từ St Petersburg như Stanislav Smirnov, từng được trao giải Fields năm 2006 nhưng từ chối không nhận.

Điều thú vị là Pháp coi cả hai người còn lại, Cédric Villani và Ngô Bảo Châu đều là các nhà khoa học Pháp, và ghi công cho hai viện nghiên cứu là nơi họ làm việc.

Trang của cơ quan CNRS tại Pháp gọi Ngô Bảo Châu là “nhà toán học Pháp – Việt” (Franco-Vietnamese mathematician) dù có ghi rõ rằng ông “sinh tại Hà Nội, Việt Nam năm 1970”.

Cơ quan nghiên cứu của ông Châu (Orsay Mathematics Laboratory, Université Paris Sud 11/CNRS) đã có ba người được giải Fields trước đó là Jean-Christophe Yoccoz (1994), Laurent Lafforgue (2002) và Wendelin Werner (2006).

Trang CNRS nói với hai huy chương mới nhất của Ngô Bảo Châu và Cedric Villani, Pháp có 11 trên tổng số 52 huy chương Fields cho toàn thế giới từ 1936.

Giải Fields cho GS Ngô Bảo Châu ghi thêm vào bảng thành tích của Viện Toán Orsay, ĐH Paris-Sud 11

Người ta cũng nhắc đến sự tiếp nối truyền thống học thuật của hai người.

Ông Villani, hiện là Giám đốc Viện Institut Henri Poincaré (UPMC/CNRS), chuyên gia toán xác suất, là học trò của GS Pierre-Louis Lions, người từng đoạt giải Fields năm 1994.

Còn Ngô Bảo Châu được giới thiệu là hoàn tất bằng tiến sĩ dưới sự hướng dẫn của GS Gérard Laumon.

Nếu như Ngô Bảo Châu được một phần dư luận ở Việt Nam coi là hiện tượng đặc biệt thì với giới chuyên môn Pháp, điều không kém phần đáng ghi nhận là môi trường làm việc của ông, tức Viện Toán Orsay thuộc ĐH Paris-Sud 11.

Trong số 22 nhà toán học có công trình được mời tham gia hội nghị toán học quốc tế tại Ấn Độ năm nay, 13 người có bằng tại ĐH Paris-Sud 11 hoặc đang là giáo sư tại đó.

Ví dụ của Smirnov và Ngô Bảo Châu cho thấy câu chuyện về việc quê gốc hay quốc tịch của người được giải không phải là điều quan trọng với giới khoa học.

Smirnov gốc Nga nhưng làm giáo sư ở Thuỵ Sĩ còn Lindenstrauss nghiên cứu cả ở Hoa Kỳ và Israel.

Chính thức mà nói thì Ngô Bảo Châu là người châu Á thứ tư được giải Fields sau ba người Nhật nhưng nếu tính cả người gốc Á Đông thì ông là người thứ năm.

Năm 2006, Terence Tao, (Terence Chi-shen Tao – Đào Triết Hiên) trở thành nhà toán học trẻ nhất nhận huy chương Fields năm 31 tuổi.

Cho tới thời điểm đó, ông Tao, sinh tại Adelaide nhưng làm bằng tiến sĩ ở Đại học Princeton và sống từ đó tại Mỹ, cũng được báo Úc coi là ‘người Úc đầu tiên’ nhận giải thưởng toán học này.

_______________________________________

Posted in Chuyện giáo dục, Chuyện đất nước, Giáo dục các nước, Giáo dục Việt Nam, Khoa học & Công nghệ, Người Việt hải ngoại | Thẻ: , , | Leave a Comment »

Tại sao Khổng Tử… khóc?!

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Tám 28, 2010

Nếu tái sinh vào thời này, hẳn Khổng Tử cũng phải khóc và ngửa mặt lên trời kêu “Ô hô ngán thay!”… Chuyện gì đang xảy ra và làm Khổng Tử uất giận đến thế? Đó là nạn “đạo chích” ý tưởng của giới học thuật, nạn mua bán văn bằng tiến sĩ, nạn xào nấu và bịp bợm trong giới nghiên cứu khoa học lẫn giảng dạy…

Nếu không kể tham nhũng, vấn đề trên thật sự là “quốc nạn” của Trung Quốc ngày nay, một Trung Quốc đang “hừng hực khí thế phát triển” với niềm “tự hào” là nơi có nhiều tiến sĩ nhất thế giới.

Quốc nạn

“Tham nhũng trong học thuật đang là vấn đề nghiêm trọng đến mức nó có thể chặn đứng thành tựu phát triển khoa học của Trung Quốc. Nếu không thế, tôi đã chẳng rước phiền cho mình khi nói thẳng ra. Mà cũng chẳng có sự phủ nhận nào trong giới học thuật nước nhà cả. Có điều, người ta không sẵn lòng nói một cách công khai” – phát biểu của Khâu Thành Đồng (Yau Shing-tung), Giáo sư toán Đại học Harvard, một trong những nhà khoa học gốc Hoa xuất sắc nhất thế giới hiện nay, người từng giành giải thưởng toán học Fields năm 34 tuổi và mới đây lại được trao giải Wolf lĩnh vực toán năm 2010 (người Trung Quốc đầu tiên giật được cả 2 giải toán học danh giá nhất thế giới nói trên).

Tham nhũng trong học thuật Trung Quốc đúng là vấn đề nghiêm trọng ngày càng gây bức xúc xã hội, như được ghi nhận trên China Daily (bản tiếng Anh của Trung Quốc nhật báo) ra ngày 2/6/2010.

Tình trạng “luộc” đề án nghiên cứu hoặc thuê người viết luận án, từ cử nhân đến tiến sĩ, thậm chí len lỏi vào tận những giảng đường lớn nhất Trung Quốc.

Tháng 3/2009, một giáo sư Đại học Chiết Giang đã bị sa thải sau khi bị phát hiện hành vi ăn cắp ý tưởng và “sao chép dữ liệu”. Trước đó, năm 2003, một giáo sư Đại học Giao thông Thượng Hải cũng trở thành trung tâm của scandal tương tự. Năm 2008, 3 vụ bịp trong giới nghiên cứu cũng bị phơi bày tại Đại học Phục Đán, liên quan đến một số giáo sư, giảng viên, nghiên cứu sinh tiến sĩ và tiến sĩ.

Sự việc còn cho thấy một mặt trái nữa: Hệ thống giáo dục và đào tạo nâng cao của Trung Quốc rất có… “vấn đề”. Giáo sư Khâu kể: “Nhiều sinh viên Hoa lục cho tôi biết điểm thi đại học quốc gia của họ và hỏi rằng, liệu (điểm cao như thế) có thể giúp họ vào khoa Toán Harvard hay không. Tôi buộc phải nói rằng họ có chút ít cơ hội vào Harvard nhưng vào khoa Toán Harvard thì không bao giờ, bởi họ thậm chí còn không biết làm… toán”.

Trong bài báo khác (23/7/2010), China Daily cho biết thêm, nạn “hư đốn” trong giới học thuật Trung Quốc đã trở thành một thứ văn hóa phổ biến mà “thủ phạm” dường như chẳng còn màng và bận tâm đến sĩ diện và liêm sỉ. Giới giáo sư từ trường đại học danh tiếng thì chôm chỉa đâu đó rồi đưa vào bài “nghiên cứu” mình đăng trên chuyên san. Nghiên cứu sinh tiến sĩ thì chôm kết quả khoa học từ đâu đó bên Mỹ rồi đưa vào luận án riêng. Sinh viên thì sao chép, có khi cả bài (!), từ “tư liệu” nào đó để thực hiện bài kiểm tra…

Tình hình loạn đến mức một nghiên cứu từ Đại học Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc) do Giáo sư Trầm Dương (Shen Yang) thực hiện trong ba năm (công bố gần đây) cho thấy, gần 1 tỉ tệ đã được chi ra cho các bài viết khoa học trong năm 2009, gấp 5 kể từ năm 2007; rằng sinh viên đại học Trung Quốc đã bỏ ra đến nửa tỉ tệ (khoảng 73 triệu USD) mỗi năm để mướn người viết luận án thay.

Điều tra China Daily cho thấy, những sinh viên giỏi chuyên “hành nghề” trong “công nghiệp viết thuê” được trả công tính theo số trang với trung bình mỗi trang từ 130-160 tệ (luận án bằng tiếng Anh khoảng 200 tệ/trang). Theo lời một sinh viên – chuyên gia viết mướn, cậu có thể hoàn tất một luận án cử nhân chỉ trong 2 ngày. Với bằng thạc sĩ, giá viết thuê cho một luận án 20.000 từ là khoảng 4.500 tệ và được giao sau chừng một tháng “đặt hàng”…

Có không ít người thậm chí nổi tiếng nhờ bán chất xám cho công nghiệp viết thuê luận án. Lô Khắc Khiêm (Lu Keqian) là một ví dụ. Với chiếc laptop và ngồi trong buồng ngủ chật chội, tay cựu giáo viên trung học 58 tuổi này là chuyên gia viết luận án thuê cho giáo sư, sinh viên và viên chức nhà nước. Tóm lại là bất cứ ai sẵn lòng trả cho Lô lệ phí khoảng 300 tệ/bài…

Đầu năm 2009, Phó hiệu trưởng Đại học Nông nghiệp An Huy bị phát hiện từng “đạo chích” cho 20 bài nghiên cứu (đương sự bị cách chức nhưng vẫn được phép giảng dạy). Tháng 6/2009, hiệu trưởng một trường đại học y ở Quảng Châu cũng bị buộc tội chôm chỉa ít nhất 40% trong luận án tiến sĩ.

Tháng 3/2010, China Youth Daily cho biết, một bài báo y khoa từng bị xào đi nấu lại trong suốt một thập niên qua! Ít nhất 25 người từ 16 tổ chức đã “sao y bản chính” bài báo trên… Tất cả điều đó cho thấy sự thật và mặt trái của “hiện tượng kỳ diệu” Trung Quốc trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, và rằng tất cả con số hào nhoáng về “cú đại nhảy vọt” Trung Quốc trong thành tựu nghiên cứu khoa học đều rất đáng ngờ!

Như tác giả Stephen Wong thuật trên Asia Times, từ năm 2008, Trung Quốc đã qua mặt Mỹ trở thành quốc gia có nhiều tiến sĩ nhất thế giới. Theo Hội đồng Văn bằng Nhà nước Trung Quốc, chương trình đào tạo tiến sĩ đầu tiên tại nước này năm 1978 chỉ có 18 nghiên cứu sinh tiến sĩ. Năm 1982, chỉ 6 trong 18 người trên là được cấp bằng tiến sĩ. Số người theo học chương trình tiến sĩ bắt đầu tăng khoảng 23,4%/năm kể từ năm 1982 đến nay (so với 15% sinh viên theo học thạc sĩ). Đến cuối năm 2007, Trung Quốc đã cấp bằng tiến sĩ cho 240.000 người (theo vị Giám đốc Hội đồng Văn bằng Nhà nước Trung Quốc, mỗi giáo sư tên tuổi phải giám sát trung bình 5,77 nghiên cứu sinh tiến sĩ, cao hơn rất nhiều chuẩn quốc tế).

Mạnh Kim tổng hợp (ANTG)
_____________________________________

Posted in Chuyện giáo dục, Giáo dục các nước | Thẻ: , , , | Leave a Comment »

Sách Mỹ nói học ở Harvard rất phí tiền

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Tám 4, 2010

Bỏ ra khoảng 250.000 USD cho một bằng cử nhân các đại học danh tiếng thế giới như Harvard và Yale là một sự lãng phí về tiền bạc, theo cuốn sách mới xuất bản của 2 tác giả nổi tiếng Andrew Hacker và Claudia Dreifus.

Cuốn sách mang nhan đề “Higher Education?: How Colleges Are Wasting Our Money and Failing Our Kids—and What We Can Do About It’ (tạm dịch:Các trường đã lãng phí tiền bạc vô bổ như thế nào? – Và chúng ta có thể là gì để giải quyết vấn đề này.) đã kêu gọi các phụ huynh và sinh viên cần xem xét kỹ lưỡng chất lượng các trường đại học mà họ định nộp đơn.

Lý do là nhiều trường đại học hiện nay quan tâm các hoạt động thể thao nhiều hơn giảng dạy hay nhiều giáo sư quan tâm tới việc nghiên cứu hơn việc lên lớp cho sinh viên.

“Giáo dục đại học đang rất lôi thôi”, Andrew Hacker, tác giả của cuốn sách, cho biết.

“Giáo dục đại học dường như đã trở thành lĩnh vực riêng của các giáo sư… khi họ đang dần quên mất nhiệm vụ chính của mình là truyền đạt kiến thức cho sinh viên.”

Hai tác giả Andrew Hacker và Claudia Dreifus đã chỉ trích nhiều đại học ở Mỹ rằng, chi phí bằng cấp bốn năm học đã tăng gấp đôi theo giá trị thực tế của đồng tiền so với thế hệ trước.

Tuy nhiên, chất lượng giáo dục lại không tăng lên, thậm chí nhiều trường đã đánh mất thế mạnh của mình. Rất nhiều giáo sư các đại học danh tiếng hoàn toàn không lên lớp cho sinh viên và ở nhiều trường, việc giảng dạy được giao cho các phụ giảng lương thấp.

Nhà xã hội học Hacker cũng cho biết rất nhiều bằng đại học chỉ tương đương trình độ của các trường dạy nghề – từ lĩnh vực quản lý khách sạn cho đến thiết kế thời trang – và phần lớn tiền học phí của sinh viên được sử dụng vào việc xây dựng nhà ăn sang trọng, ký túc xá hay những trung tâm thể thao văn hóa…

“Nhiều bằng đại học chỉ tương đương bằng giáo dục dạy nghề. Tôi không muốn nói đây là một sự lừa gạt, nhưng bản chất thì gần giống như vậy. Ở các lớp kinh doanh năm cuối, việc học hành chẳng khác nào một trò chơi khi các sinh viên 19 tuổi “đóng vai” giám đốc điều hành của tập đoàn General Electric”.

Tiến sĩ Hacker đang giảng dạy tại trường đại học Queens và tác giả Dreifus đang làm việc tại đại học Columbia. Cả hai tác giả này đều đã từng được mời dạy ở nhiều đại học khác nhau trên khắp nước Mỹ.

Bằng kinh nghiệm thực tế, họ đã liệt kê trong cuốn sách của mình danh sách 10 trường đại học có chất lượng tương xứng với học phí của sinh viên.

Tuy nhiên, một điều ngạc nhiên là trong danh sách này không có một trường đại học danh tiếng nào. Theo danh sách này, nhóm tác giả của cuốn sách đánh giá đại học Arizona, Kentucky, Notre Dame và Viện cộng nghệ Massachusetts có chất lượng dịch vụ tốt nhất trên mức học phí mà các trường này thu của sinh viên.

Cũng theo tác giả Hacker, “bi kịch” của các đại học Mỹ là rất nhiều sinh viên tốt nghiệp mắc nợ các khoản vay đến 6 chữ số nhưng chỉ được một khoản trợ cấp không đáng kê để hoàn trả tiền vay khi đạt kết quả học tập xuất sắc.

Ông nói, để giảm chi phí, sinh viên nên chọn lựa các trường gần nhà để tránh phải trả mỗi năm 30.000 USD chi phí sinh hoạt khi học xa nhà.

Ngoài ra, để giải quyết những vấn đề bất cập này, tác giả của cuốn sách đề nghị các trường đại học cần tập trung hơn nữa vào công tác giảng dạy thay vì các hoạt động thể thao, giảm chi phí hành chính và các công trình nghiên cứu không có nhiều ý nghĩa.

Bên cạnh đó, tiến sĩ Hacker cho rằng các đại học cần nâng mức học bổng để khuyến khích những sinh viên xuất sắc.

Thanh Xuyên (Theo Washington Post)
______________________________________

Posted in Chuyện giáo dục, Giáo dục các nước | Thẻ: , , | Leave a Comment »

ĐHQG Hà Nội phản hồi vụ liên kết trường ngoại “dỏm”

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Tám 2, 2010

Sau khi một số tờ báo trong nước đăng tải thông tin cho rằng Khoa Quản trị Kinh doanh (thuộc ĐHQG Hà Nội, do ông Trương Gia Bình làm Trưởng khoa) liên kết với trường Đại học Irvine (Hoa Kỳ) – là trường ngoại “dỏm”, ĐHQG Hà Nội đã có văn bản phản hồi.

Thực hiện chủ trương của Bộ GD-ĐT, trong mấy năm gần đây, liên kết đào tạo quốc tế là một hoạt động được nhiều cơ sở giáo dục đào tạo đại học triển khai tích cực. Trong giai đoạn đầu tìm tòi, biết bao bộn bề công việc phải tiến hành: Tìm đối tác thích hợp, xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với điều kiện và nhu cầu của Việt Nam, rồi vấn đề giảng viên, vấn đề cơ sở vật chất…

Mỗi đơn vị đào tạo đều hết sức nỗ lực khi xác định đây là một trong những biện pháp hợp lý và hữu hiệu góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, đặc biệt ở bậc sau đại học, nhằm nhanh chóng vươn lên hội nhập quốc tế.

Khoa Quản trị Kinh doanh – Đại học Quốc gia Hà Nội là một trong những cơ sở đào tạo đã xác lập được uy tín và thương hiệu trong việc xây dựng những chương trình liên kết đào tạo quốc tế về quản trị kinh doanh.

Hướng tới mục tiêu là đào tạo, bồi dưỡng các chuyên gia, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp thông qua các chương trình và phương pháp đào tạo tiên tiến quốc tế, trong gần 10 năm qua, Khoa đã tổ chức được nhiều chương trình đào tạo có uy tín. Có thể kể ra những chương trình mang tính tiêu biểu như chương trình liên kết với trường Amos Tuck thuộc Đại học Dartmouth (Hoa Kỳ) trong 8 năm đào tạo được gần 400 học viên là các nhà quản trị doanh nghiệp hàng đầu Việt nam hiện nay; hay chương trình liên kết với đại học Hawaii – chương trình đạt chuẩn AACSB, một chuẩn chất lượng cao nhất đối với các trường thuộc khối quản trị kinh doanh hiện nay trên thế giới.

Trong thời gian gần đây, có thông tin làm xôn xao dư luận về trường đại học Irvine (Irvine University), Hoa Kỳ, là trường đại học liên kết với Khoa Quản trị Kinh doanh, ĐHQGHN, thậm chí còn cho rằng đây là một trường đại học “dỏm”, “cơ sở sản xuất bằng cấp” (Diploma mill).

Đây là một thông tin không chính xác, ảnh hưởng trực tiếp đến các học viên đang theo học tại trường cũng như ảnh hưởng đến hình ảnh của ĐHQGHN.

Để bạn đọc có thông tin đầy đủ, chính xác hơn liên quan tới trường đại học này, chúng tôi xin cung cấp một số thông tin khái quát nhất về trường Đại học Irvine và những kết quả mà khoa Quản trị kinh doanh, ĐHQGHN đã đạt được:

1.Thông tin chung về trường đại học Irvine:

– Tên đầy đủ: Irvine University (IU)
– Địa chỉ liên lạc: 10900 183 St. Ste#330 Cerritos, CA 90703.
– Website: http://www.irvineuniversity.edu

Trường Đại học Irvine có trụ sở chính đặt tại vùng Cerritos, tiểu bang California, Hoa Kỳ. Trường Đại học Luật là trường được thành lập đầu tiên thuộc Đại học Irvine sau đó thành lập thêm 2 trường là Trường Kinh doanh (College of Business) và Trường College of Liberal Arts.

Các chương trình của Trường Đại học Irvine đã được cơ quan giáo dục tiểu bang California BPPE (Bureau for Private Postsecondary Education – một tổ chức pháp lý có vai trò kiểm soát chất lượng đào tạo các trường cao đẳng và đại học tư đang hoạt động tại tiểu bang California.) thẩm định và công nhận cấp phát văn bằng theo số Institution Approval # 20787.

Như vậy, trường Đại học Irvine hoàn toàn có tư cách pháp nhân với tiểu bang California để hoạt động như một trường đại học tư.

2. Chương trình liên kết của Khoa QTKD, ĐHQGHN với trường Đại học Irvine

Chương trình liên kết trường Đại học Irvine bắt đầu từ tháng 9 năm 2005 và đã thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà quản trị doanh nghiệp muốn tiếp cận với các tri thức tiên tiến của thế giới về lĩnh vực quản trị kinh doanh.

Chương trình được xây dựng với khối lượng kiến thức học trên lớp trong vòng từ 18-20 tháng, bao gồm 11 môn học và luận văn tốt nghiệp, tỷ lệ học viên tốt nghiệp đạt trên 90% sau khóa học. Để đảm bảo chất lượng chương trình đào tạo, Khoa Quản trị Kinh doanh đã phối hợp với trường Đại học Irvine cùng xây dựng các bài giảng mang tính thực tiễn cao, phương pháp giảng dạy hai chiều, trong đó học viên được khuyến khích trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và đưa ra những tình huống thực tế làm ví dụ tốt cho bài học.

Ngoài ra để kiểm soát chất lượng đào tạo chương trình còn xây dựng một hệ thống quản lý học tập trực tuyến HSB Online (http://online.hsb.edu.vn/iemba/), tại đây học viên có thể xem lịch học, tải tài liệu học tập, làm các bài kiểm tra (Test) hàng ngày qua hệ thống online, quản lý điểm danh, điểm số các môn học của mình… hệ thống forum trên phần mềm giúp các học viên có thể thảo luận các vấn đề liên quan đến học tập giữa thầy và trò, giữa các học viên với học viên.

Đặc biệt cũng thông qua phần mềm này, học viên có thể hàng ngày nhận xét, đánh giá điểm giảng dạy của giảng viên cũng như công tác dịch vụ tổ chức đào tạo giúp cho chương trình nhận được sự phản ánh kịp thời, nâng cao tính chủ động trong công tác chất lượng dạy và học.

Chương trình cũng đã dành được sự quan tâm của Đại sứ Quán Hoa Kỳ tại Việt Nam – trong lễ trao bằng ngày 18/11/2009 tổ chức tại Khoa Quản trị Kinh doanh, đã có sự hiện diện của đại diện Đại sứ Quán Hoa Kỳ – ông Brent E.Omdahl (phòng Thương mại Đại sứ quán Hoa Kỳ).

Chương trình đã tạm dừng tuyển sinh vào tháng 6/2009 khi MOU (cam kết hợp tác) ký kết giữa 2 trường đã hết hạn và Đại học Quốc gia Hà Nội có chủ trương tập trung tìm kiếm và khai thác các chương trình liên kết với các trường đại học có uy tín, có thứ hạng cao trong hệ thống xếp hạng các trường đại học thế giới.

___________________________________________________

Posted in Chuyện giáo dục, Giáo dục các nước | Thẻ: , , | Leave a Comment »

Chợ bằng tiến sĩ ở Mỹ

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Bảy 29, 2010

HẢI MINH

TT – Chỉ cần khoản tiền không tới 600 USD và 10 ngày chờ giao hàng, bạn có thể sở hữu một tấm bằng tiến sĩ “ngành nghề theo mong muốn” từ các trang rao bán bằng cấp và những trường đại học “ma” ở Mỹ, vốn hằng hà sa số trên mạng và được mô tả là “những nhà máy sản xuất bằng”.
Truy cập một địa chỉ như universaldegrees.com và tham gia trò chuyện trực tuyến vào buổi sáng 27-7, phóng viên Tuổi Trẻ được một người trực tổng đài của trang mạng này xưng danh là Dan Hauss tiếp chuyện. Hauss tự nhận là một đại diện của Đại học Corllins và khẳng định có thể cung cấp mọi thứ bằng cấp với “giá cả phải chăng”.

600 USD là thành tiến sĩ!

Khi chúng tôi ngỏ ý muốn mua một bằng tiến sĩ về kinh tế học, Hauss ra giá luôn là 599 USD, đồng thời sốt sắng chào mời: “Nếu anh trả tiền ngay bây giờ, chúng tôi sẽ giảm giá 10%!”.
Khi chúng tôi bày tỏ về giá bằng tiến sĩ quá rẻ như thế thì không biết chất lượng ra sao, Hauss lập tức bảo đảm như đinh đóng cột: “Chúng tôi cam kết bằng này là thật (!), có thể dùng để xin việc ở mọi nơi dù là tại Đức, Ireland, Mỹ, Anh, Trung Quốc, Nhật Bản hay VN”. Điều kiện duy nhất để nhận tấm bằng tiến sĩ Đại học Corllins, ngoài số tiền gần 600 USD, là có hai năm kinh nghiệm làm việc, và ngay cả điều kiện này cũng chỉ được Hauss kiểm tra… miệng qua trò chuyện trực tuyến!
Sau đó để làm tin, Hauss còn cung cấp một tài khoản đăng nhập trên trang Universal Degree để chúng tôi có thể kiểm tra các phôi bằng mẫu, bao gồm một bằng tiến sĩ, một bằng thạc sĩ, một bảng điểm, một giấy chứng nhận hoàn tất khóa học và thậm chí cả một giấy chứng nhận tham gia hội sinh viên Đại học Corllins. Tất cả việc còn lại chỉ là điền tên, năm sinh và ngày nhận bằng còn để trống. Còn trang web của Đại học Corllins: corllinsuniversity.com dù được xây dựng khá công phu nhưng không hề có địa chỉ liên lạc hay địa chỉ học hiệu, học xá, mà chỉ có vỏn vẹn một số điện thoại liên hệ, giống hệt số điện thoại trên trang bán bằng Universal Degree.

Vì sao dễ mua bằng tiến sĩ Mỹ?

Nếu ở một số nước như Úc, Canada hay New Zealand, các cụm từ “bằng cử nhân”, “bằng tiến sĩ”, “bằng đại học”… chỉ được sử dụng tại những cơ sở đào tạo đã qua kiểm duyệt ngặt nghèo của cơ quan giám định giáo dục quốc gia, thì ở Mỹ cụm từ “bằng đại học” không được pháp luật liên bang bảo hộ. Điều đó khiến quốc gia này trở thành một thiên đường của “các nhà máy sản xuất bằng”. Những cố gắng hạn chế nạn mua bằng tràn lan chỉ được thực hiện riêng lẻ ở từng bang, chứ chưa bao giờ là một nỗ lực ở cấp liên bang.

Hệ quả là “những nhà máy in bằng” mọc lên như nấm, đặc biệt là trong thời đại Internet. Truy cập một trang mạng tương tự Universal Degree như cooldegrees.com chẳng hạn, việc ngã giá còn trắng trợn hơn. Mỗi loại bằng đều có giá tương ứng được niêm yết công khai: asscociate degree (phó giáo sư?): 120 USD, bachelor degree (cử nhân): 130 USD, masters degree (thạc sĩ): 155 USD, doctorate degree (tiến sĩ): 180 USD, professorship degree (giáo sư): 210 USD và fellowship (nghiên cứu sinh): 210 USD. Bên cạnh các mức giá nêu trên là mức giá cũ cao hơn bị gạch bỏ với lời chú thích “mùa khuyến mãi (thời gian có hạn)!”.
Nắm bắt nhu cầu khách hàng, cooldegrees.com còn liệt kê sáu tiện ích khi xài bằng tiến sĩ của họ, bao gồm: được người lạ và cả bạn bè ngưỡng mộ hơn, có ưu thế khi xin việc, khi làm việc có thể đòi mức lương cao hơn, dễ thăng tiến, ít tốn kém và đặc biệt thu hút người khác giới khi cần hẹn hò.
Trang mạng này cũng in cả các phản hồi của khách hàng. “Tôi dùng bằng tiến sĩ của cooldegrees và in học vị của mình lên danh thiếp. Trong hầu hết trường hợp, tôi luôn làm quen được với những phụ nữ xinh đẹp mình thích” – một khách hàng tên M.T. đã mua bằng tiến sĩ phản hồi.
Ở ngay nước Mỹ, tình trạng bằng cấp lẫn lộn cũng đã gây ra những vụ bê bối lớn. Chẳng hạn năm 2004, bà Laura Callahan đã phải từ chức ở Bộ An ninh nội địa Mỹ sau khi bị phát hiện xài bằng tiến sĩ dỏm của đại học Hamilton (Hamilton University, một trường nhái của trường thứ thiệt danh tiếng Hamilton College tại Clinton, New York). Nhờ tấm bằng mua đó, bà Callahan đã leo lên tới chức vụ trưởng một vụ ở Bộ An ninh nội địa, sau đó được chuyển sang làm quản lý ở Bộ Lao động dưới thời tổng thống Bill Clinton.
Vụ việc chấn động tới mức Quốc hội Mỹ phải thành lập một ủy ban điều tra độc lập. Cuộc điều tra kéo dài suốt 11 tháng, dẫn tới việc phát hiện thêm 463 công chức liên bang sử dụng bằng mua, bao gồm nhiều quan chức cộm cán như Charles Abell, phó vụ trưởng vụ nhân sự và sẵn sàng tác chiến thuộc Bộ Quốc phòng hay Daniel P. Matthews, giám đốc thông tin của Bộ Giao thông.
Tuy nhiên, trong khi việc mua bán bằng cấp ở Mỹ diễn ra tưởng chừng như vô tội vạ thì cũng có những giới hạn. Khi chúng tôi hỏi Hauss liệu có thể mua một bằng từ trường trong nhóm Ivy League, nhóm tám trường đại học hàng đầu nước Mỹ hay không thì anh này từ chối. Ngoài ra, luật pháp Mỹ cũng cấm ngặt việc sử dụng các bằng cấp giả liên quan đến y tế hay dược.

[* Từ nghị sĩ đến doanh nhân
Theo ABC News, tháng 6-2010 Tòa án tối cao Pakistan đã ra lệnh kiểm tra lại bằng cấp của toàn bộ 1.170 nghị sĩ và thành viên hội đồng dân biểu địa phương ở nước này, sau khi báo chí phát hiện ít nhất 46 vị đã xài bằng tốt nghiệp đại học giả.
Kết quả của một cuộc điều tra độc lập cho thấy một số nghị sĩ, thậm chí còn chưa học hết cấp III, đã mua bằng từ những trường đại học “ma”. Việc xài bằng giả được coi là bình thường đến mức tỉnh trưởng tỉnh Balochistan, ông Nawab Muhammad Aslam Raisani, đã thản nhiên tuyên bố: “Bằng nào cũng là bằng, thật giả có khác nhau là bao”. Hội đồng dân biểu Punjab thậm chí còn ra một nghị quyết lên án báo chí vì đã phanh phui câu chuyện. Các nhà báo Pakistan đã tuần hành phản đối khiến chính quyền Punjab phải xin lỗi. Ông Nawab Muhammad Aslam Raisani cũng phải đấu dịu và nói báo chí là hiểu lầm “tính hài hước“ của ông!

* Đầu tháng 7, Đường Tuấn, một doanh nhân tiếng tăm từng giữ cương vị giám đốc điều hành Microsoft tại Trung Quốc giai đoạn 2002-2004, bị phát hiện sử dụng bằng tiến sĩ giả của Trường Western Pacific University (Đại học Tây Thái Bình Dương, có lẽ là một phân hiệu của Đại học Nam Thái Bình Dương!). Trường này từng nổi tiếng bán bằng giả cho cả các quan chức Mỹ, nhưng với giá cao hơn nhiều so với “hàng chợ”: từ 2.295-2.595 USD cho bằng cấp từ cử nhân tới tiến sĩ, theo mạng tin Asia One.]

_____________________________________________

Posted in Chuyện giáo dục, Chuyện pháp luật, Giáo dục các nước | Thẻ: , , | Leave a Comment »