NGÔN NGỮ & VĂN HÓA

CHÚC MỪNG NĂM MỚI

Archive for the ‘Chuyện du lịch VN’ Category

Vụ đắm tàu Dìn Ký: Gia đình nạn nhân Trung Quốc đề nghị khởi tố

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Năm 30, 2011

Đức Tâm

Thân nhân của 4 người Trung Quốc gặp nạn trong vụ đắm tàu Dìn Ký vừa gửi đơn lên Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại TP.HCM nhờ can thiệp, trợ giúp và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các nạn nhân.

Trong lá đơn, thân nhân của 4 người Trung Quốc bao gồm Zhuo Ying Hua, Jiang Li, Guo Dong Hui, Guo De Cai đề nghị xử lý hình sự, khởi tố chủ doanh nghiệp tư nhân Dìn Ký vì đã có hành vi đưa vào sử dụng phương tiện giao thông không đăng ký, hết hạn đăng kiểm, kém chất lượng gây hậu quả nghiêm trọng.

Đồng thời các gia đình bị hại cũng yêu cầu phong tỏa toàn bộ tài sản, cấm việc mua bán chuyển nhượng tài sản, thay đổi đại diện pháp luật, mua bán chuyển nhượng cổ phần… để đảm bảo trách nhiệm, nghĩa vụ giải quyết tổn thất và bồi thường dân sự cho người bị nạn.

Trước đó, gia đình 4 nạn nhân cũng đã gửi đơn lên Viện KSND tỉnh Bình Dương, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương yêu cầu nhanh chóng giải quyết vụ việc.

Luật sư Hà Hải (Đoàn Luật sư TP.HCM) sẽ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho thân nhân 4 nạn nhân Trung Quốc.

Vào sáng 28/5, Sở giao thông vận tải Bình Dương đã có quyết định đình chỉ hoạt động bến khách tại khu du lịch xanh Dìn Ký (Bình Nhâm, Thuận An, Bình Dương). Đồng thời ra quyết định đình chỉ hoạt động đối với chiếc tàu 2 tầng dùng làm khách sạn nổi tại Khu du lịch Dìn Ký. Có thể trong tuần sau các cơ quan chức năng sẽ tiến hành họp bàn tính đến biện pháp cưỡng chế, buộc tháo dỡ phần nhà hàng nổi rộng hơn 200m2 lấn chiếm lòng sông Sài Gòn.

_____________________________________________

Posted in Chuyện du lịch VN, Chuyện pháp luật, Kinh tế | Thẻ: , , | Leave a Comment »

Thảm cảnh Bình Dương

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Năm 21, 2011

Chiều tối 20/5, nhà hàng du thuyền 2 tầng, số hiệu BD 0913 của Khu du lịch xanh Dìn Ký, trong khi đang di chuyển chậm trên sông Sài Gòn để quay trở lại bến thì bị lật do bất ngờ gặp gió lớn. Ít nhất có 15 người rơi xuống sông và mất tích, trong đó có nhiều trẻ nhỏ và cả 3 người nước ngoài.

Tai nạn do thời tiết?

Nhà hàng nổi bị lật chính là du thuyền mang số hiệu BD 0913 của Khu du lịch xanh Dìn Ký, chi nhánh cầu Ngang thuộc hệ thống Nhà hàng, Khách sạn Dìn Ký nằm ở xã Bình Nhâm, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương. Địa điểm bị nạn cách bờ khu du lịch chừng 100 m.

Sau gần 4 tiếng xảy ra vụ tai nạn, lực lượng chức năng đã xác định được chính xác vị trí tàu chìm và du thuyền đã chìm hẳn xuống lòng sông Sài Gòn. Thuyền trưởng Lê Văn Đức (quê Bến Tre) đã kịp bơi vào bờ và được đưa về trụ sở cơ quan công an để tiến hành điều tra, làm rõ nguyên nhân dẫn đến vụ lật thuyền.

Một du khách may mắn thoát nạn cho biết, nhà hàng du thuyền của Dìn Ký đã chở 50 khách tổ chức sinh nhật, di chuyển ra hướng sông Sài Gòn thì bất ngờ trời mưa to kèm gió lớn. Trong chốc lát chao đảo, du thuyền bị lật khiến khoảng 40 thực khách rơi xuống sông. Một số đã bơi được vào bờ, nhưng đến thời điểm này, còn khoảng 20 người mất tích. Trong đó có nhiều trẻ nhỏ và 3 khách nước ngoài.

Sau khi vụ tai nạn xảy ra, ông Lê Thanh Cung, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương đã xuống hiện trường để chỉ đạo. Hàng chục xe cứu thương và lực lượng chức năng cùng 10 thuyền, 4 ca nô, hàng chục thợ lặn đã khẩn trương có mặt cứu hộ cứu nạn.

Du lịch sông nước – đã bảo đảm an toàn?

Khu du lịch xanh Dìn Ký, chi nhánh Cầu Ngang đi vào hoạt động đáp ứng nhu cầu ăn uống, vui chơi, giải trí của người dân địa phương, đồng thời sẽ là một bước đệm quan trọng, tạo động lực làm sống lại vườn cây ăn trái Lái Thiêu nổi tiếng một thời, góp phần phát triển ngành du lịch Bình Dương.

Sự độc đáo của khu du lịch này là nét dân dã nông thôn của miền quê sông nước Nam bộ được tái hiện sinh động với các dịch vụ chèo xuồng, tham quan đường sông Sài Gòn bằng ca nô, tắm sông, tham quan bè cá, nhà hàng nổi trên sông với sức chứa 100 khách, làng nghề truyền thống (tráng bánh và gói kẹo dừa, nấu rượu đế), xe ngựa đường làng, trò chơi dân gian… trải dài trong không gian rộng, khoáng đãng với diện tích 2 ha dọc theo sông Sài Gòn.

Theo ghi nhận ban đầu của cơ quan chức năng, tại thời điểm xảy ra tai nạn, ở lầu 1 đang tổ chức sinh nhật cho con trai ông Quách Lương Tài. Có khá nhiều trẻ em đi cùng trên tàu, trong đó có 5 trẻ em được coi là mất tích. Trong buổi lễ mừng sinh nhật này, riêng gia đình ông Tài có tới 6 người gặp nạn bao gồm 2 đứa con. Chỉ mình ông Tài thoát ra được, bơi vào bờ. Còn trên tầng 2 của con tàu, cơ quan chức năng chưa xác định được có người hay không.

Mắt đỏ hoe đứng bên bờ sông Sài Gòn, chị Đào Thị Thảo (người thân của gia đình ông Tài) cho biết, khi nghe hung tin, chị tức tốc từ Vũng Tàu lên Bình Dương. Người phụ nữ 42 tuổi này cho biết, tối 20/5 giám đốc Quách Lương Tài tổ chức sinh nhật cho cậu con trai 3 tuổi, mời họ hàng và đồng nghiệp ở công ty TNHH Lan Anh chuyên sản xuất nồi cơm điện ở Thuận An, Bình Dương.

Khi con tàu 2 tầng của khu du lịch Dìn Ký, chi nhánh cầu Ngang chở theo hàng chục du khách dự sinh nhật đang di chuyển trên sông Sài Gòn thì trời mưa to kèm gió lớn. Quay đầu về bến cách bờ chừng 100 m tàu bất ngờ chao đảo, lật ngang khiến nhiều người bị chìm xuống sông, trong đó có 9 người trong gia đình ông Tài .
Anh Hoàng Văn Đông (24 tuổi, quê Quảng Bình) kể lại, anh và nhóm gần 20 công nhân được mời đi sinh nhật con sếp. Buổi tiệc được đặt ở tầng dưới của chiếc tàu. “Khi tàu chuẩn bị quay đầu vào bến thì bất ngờ gió mạnh làm tàu nghiêng về một bên và lật ngang. Tôi rơi xuống nước, đập cửa ra được ngoài và bơi vào bờ. Nước chảy xiết lắm, những phụ nữ và trẻ nhỏ khó có thể chống chọi được…”, anh Đông nhớ lại.

Theo anh Đông, trên tàu có áo phao nhưng sự việc bất ngờ nên không ai kịp trở tay. “Nếu cửa sổ tàu lúc đó mở thì gió đã luồn qua khung cửa bên kia. Đằng này cửa bị đóng chặt khiến gió mạnh bị cản lại. Đây có thể là nguyên nhân lật tàu”, anh này nói.

Buổi sinh nhật định mệnh?

Ngồi thẫn thờ ngóng tin đứa con trai 9 tuổi và người vợ của mình, ông Phạm Xuân Long (ngụ thị xã Dĩ An), nước mắt lăn dài. “Nhận được lời mời của anh Tài, như có linh tính tôi không muốn đi dự, nhưng anh Tài năn nỉ quá, nên tôi chở vợ con đi mua quà rồi ghé đây luôn”.

Cũng theo lời ông Long, khi cơn gió to làm tàu lật ngang, ông lao về phía vợ con nhưng không kịp. Tàu chìm quá nhanh nên ông phải bơi vào bờ. Được một lúc ông lại bơi ra chỗ tàu chìm. Nhưng tất cả chỉ là một vùng nước tối om trong đêm đen.

Chị Nguyễn Thị Anh (28 tuổi, ngụ Hà Tĩnh) dù mang thai nhưng không thể ngồi nhà khi hay tin dì và chị họ vẫn đang mất tích. Chị Anh cho biết vào làm công ty TNHH Lan Anh chuyên sản xuất nồi cơm điện ở Thuận An, Bình Dương được 4 năm. Mỗi khi tiệc tùng, công ty thường chọn nhà hàng nổi Dìn Ký Xanh, vì nơi đây mát mẻ khi ngồi trên tàu di chuyển trên sông Sài Gòn.

“Do phải làm ca đêm nên tôi không đi mừng sinh nhật nhưng dì và chị họ của tôi đã có mặt ở buổi tiệc và đang mất tích”, chị Anh nghẹn giọng cho biết.

Theo thông tin của ngành chức năng, chiếc tàu Nhà hàng Du lịch Dìn Ký có chiều dài khoảng 27 mét, rộng 4 mét, cao khoảng trên 4 mét. Bình thường con tàu này có thể chở được khoảng 75 du khách.

Đã tìm thấy nhiều thi thể

Lực lượng cứu hộ bất ngờ phát hiện một chiếc áo phao từ từ nổi lên mặt sông. Từ đây, họ đã lần ra vị trí con tàu bị chìm. Lãnh đạo địa phương đã trực tiếp chỉ đạo các phương án trục vớt con tàu và cứu nạn. Tính đến sáng 21/5, cơ quan chức năng xác định có 15 người mất tích (trong đó có 5 trẻ em).

Tối 20/5, trên sông Sài Gòn – đoạn xảy ra sự cố tàu chìm – rực ánh đèn pha của gần chục canô cứu hộ. Nước chảy xiết, lục bình dày đặc nhấp nhô theo con sóng và trôi đi nhanh hơn. Những thợ lặn vẫn tìm vị trí chiếc tàu bị đắm. Phía đường bộ trước cổng nhà hàng Dìn Ký, cả trăm người, trong đó có những người thân nạn nhân vẫn ngóng đợi tin.

Đến 13h ngày 21/5, thi thể đầu tiên được đưa lên là bé trai 3 tuổi – chủ nhân của buổi tiệc sinh nhật định mệnh.

14h: Liên tiếp trong 60 phút, 7 người xấu số khác được đưa lên khỏi xác tàu. Trong đó có hai nạn nhân người Trung Quốc đã được xe cứu thương đưa thẳng về TP HCM. Các nạn nhân đều còn nguyên vẹn. Riêng một phụ nữ bị trôi hết quần áo khiến lực lượng cứu nạn vô cùng đau xót, tìm vội mảnh vải phủ kín cho chị rồi chuyển lên cano đưa vào bờ.

Dù trời nắng gắt nhưng người dân hai bên bờ sông vẫn đứng đông nghịt. Nhiều giọt nước mắt đã rơi khi chứng kiến từng thi thể một được đưa lên.

Lực lượng cứu nạn quần đảo khắp khu vực.

Đại tá Võ Đức Thành – Phó Ban chỉ huy quân sự tỉnh Bình Dương cho biết, trước đó, hai phương án khác nhằm cẩu toàn bộ con tàu cũng được tính tới, nhưng với tình hình thực tế, lãnh đạo tỉnh Bình Dương cho rằng chưa khả thi.

(tổng hợp)
___________________________________________________________

Posted in Chuyện du lịch VN, Tin tức nổi bật | Thẻ: , , | Leave a Comment »

Người khám phá hang động lớn nhất thế giới bị lãng quên!

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Ba 8, 2011

QUỐC NAM

SGTT.VN – Hồ Khanh (Phong Nha, Quảng Bình), người phát hiện hang động lớn nhất thế giới Sơn Đoòng (Quảng Bình) đang bị lãng quên. Hay nói đúng ra, anh như bị bỏ rơi.

Sau phát hiện chấn động đó, chính quyền hứa hẹn tặng bằng khen cho “vua hang động” nhưng đến nay vẫn bặt tăm.

Bặt tăm lời hứa

Người dẫn đường số 1 của SGTT từng có mặt trên các trang truyền thông lớn như BBC, Daily Mail, The Sun…. Các báo ở Việt Nam chạy trang nhất về Hồ Khanh, người phát hiện hang động lớn nhất thế giới Sơn Đoòng. Nhưng hai năm qua, sau phát hiện chấn động đó, Hồ Khanh như bị lãng quên trong khốn khó xót xa.
Đầu tháng 5.2009 khi Hiệp hội hang động Hoàng gia Anh (British Caving Association) công bố phát hiện hang động lớn nhất thế giới, hầu như mọi chuyên gia nghiên cứu về địa mạo địa chất các châu lục đều hướng về Phong Nha – Kẻ Bàng, cái tên bình dị Hồ Khanh được xướng lên từ giới chuyên môn, khoa học gia, quản lý địa phương và truyền thông thế giới.
Khi đó, UBND tỉnh Quảng Bình từng phát ngôn sẽ tặng bằng khen và có phần thưởng cho Hồ Khanh nhưng hình như lời hứa cứ nhạt dần theo năm tháng. Ban quản lý di sản thiên nhiên thế giới cũng từng hứa báo cáo điển hình Hồ Khanh để tỉnh quan tâm, nhưng nó như “lời nói gió bay”. Mọi báo cáo về việc phát hiện ra Sơn Đoòng sau đó hầu như không nhắc đến “vua hang động”. Mỗi nhiệm kỳ mười hai tháng tổng kết, đánh giá hoạt động di sản đều không có một chiết từ nào nhắc đến công lao người thợ rừng đam mê hang động.
UBND xã Sơn Trạch đã từng hai lần đánh công văn gửi UBND huyện Bố Trạch, đề nghị Hồ Khanh xứng đáng được tặng bằng khen vì đã khám phá nhiều hang động tuyệt đẹp, trong đó có Sơn Đoòng nổi tiếng toàn cầu. Nhưng cho đến nay huyện Bố Trạch vẫn phớt lờ không có phản hồi.
Chúng tôi đã tìm gặp nhiều quan chức huyện, tỉnh thắc mắc vì sao Hồ Khanh xứng đáng thế không được xướng tên trong một bằng khen, nhiều người ngạc nhiên và nói một câu nhẹ hều: “Để xem xét lại”. Hồ Khanh đã bỏ cuộc đời lâm tặc là xứng đáng khen, Hồ Khanh đã tìm ra cho Việt Nam hàng chục hang động đẳng cấp thế giới là xứng đáng khen, sao cần phải xem lại? Bởi đó là công lao của lòng quả cảm cắt rừng lội suối và cảm hứng của niềm đam mê vô bờ.

Thất nghiệp

Giữa tiết trời giá rét, Hồ Khanh thu mình trong mái nhà ẩm thấp bên miền di sản. Nhắc đến những hang động đã tìm ra, Khanh say sưa kể, say sưa mô tả với tất cả mê hoặc của tâm hồn. Nhưng ẩn ức trong lồng ngực là nỗi buồn vô biên của một người bị bỏ rơi sau bao khám phá.
Kể từ ngày thế giới biết đến Sơn Đoòng thì Hồ Khanh lại khuất buồn sau nương rẫy mưu sinh. Không nghề nghiệp, Khanh phải tảo tần với ngô sắn để qua ngày. Trận lũ lịch sử năm 2010 quét qua làng nhỏ Phong Nha, nhà Khanh trôi mất 6 con dê, báo cáo thiệt hại vẫn không được trợ cấp cân gạo hoặc gói mì tôm. Tự lực kiếm sống, người chị ruột thấy anh không tấc đất làm ruộng đã cho gia đình anh mượn tạm chục thước đất cấy mỗi năm một vụ để cấp cứu trước mắt.
Biết anh là người phát hiện ra động Thiên Đường dài 31km, tập đoàn Trường Thịnh đầu tư khai thác du lịch đã mời anh làm hướng dẫn viên với mức lương 1,4 triệu đồng mỗi tháng. Nhưng từ nhà đến điểm làm việc cả đi lẫn về mỗi ngày hơn 40km, hạch toán lại mức lương, thấy lỗ, Khanh đành trả lại hợp đồng, ở nhà quần quật với nương rẫy vì không kham nổi mức lương đó.
Nhà Khanh phải vật lộn với bốn miệng ăn, hai đứa con phải đi học, có khi phải vay mượn để sống. Khó khăn vô biên. Nhưng trong muôn vàn hiểm nghèo đó, Khanh vẫn cháy bỏng ngọn lửa tìm kiếm hang động mới. Anh nói: “Đoàn chuyên gia hang động Anh phán đoán tại khu vực Phong Nha – Kẻ Bàng còn có một hang động ngang bằng hoặc hơn Sơn Đoòng và đang nhờ mình tìm kiếm”.
Khanh cho biết, trong năm 2011 anh sẽ thực hiện 4 chuyến đi rừng để tìm hang động bí ẩn này, mỗi chuyến đi kéo dài khoảng 10 ngày, và mọi thứ đều vay mượn để thực hiện. Bởi đó là đam mê không thể lột bỏ. Không thể bào mòn.
Hồ Khanh (42 tuổi, ở Phong Nha, Sơn Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình) là người khám phá ra 12 hang động tuyệt đẹp tại Phong Nha – Kẻ Bàng và anh được các chuyên gia hang động thế giới ưu tiên quyền đặt tên 12 hang động trên. Trong số các hang động đó có Sơn Đoòng lớn nhất thế giới, Thiên Đường 31km. Số còn lại được đánh giá là kỳ quan của lòng đất và các kiến tạo địa mạo.

__________________________________________________________

Posted in Chuyện du lịch VN, chuyện khó tin, Chuyện xã hội, Chuyện đất nước, Di tích | Thẻ: , , | Leave a Comment »

Thành nhà Hồ – Tác phẩm đẹp nhất của kiến trúc Việt

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Hai 26, 2011

Quốc Việt

Đã có nhiều đoàn chuyên gia trong nước và quốc tế đến thăm Thành nhà Hồ (huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa), với mong muốn “bỏ phiếu” để ủng hộ Thành nhà Hồ trở thành Di sản thế giới. Liệu “giấc mơ” Di sản thế giới của Thành nhà Hồ có trở thành hiện thực hay không, còn phụ thuộc quyết định từ Hội nghị lần thứ 35 của Ủy ban Di sản văn hóa Thế giới tổ chức tại Bahrain vào tháng 6 tới…

Thành nhà Hồ sẽ trở thành Di sản thế giới?

Nhà nghiên cứu người Pháp L.Bezacier đã từng nhận xét: “Công trình Thành nhà Hồ là một trong những tác phẩm đẹp nhất của kiến trúc…”. Công trình này, được Hồ Quý Ly xây dựng vào mùa Xuân năm Đinh Sửu (1397), đời vua Trần Thuận Tông. Sách “Đại Việt Sử ký toàn thư” của Ngô Sĩ Liên thời Lê sơ có ghi: “Tháng Giêng năm Đinh Sửu (1397) Hồ Quý Ly sai Thượng Thư Lại bộ kiêm Thái sử lệnh Đỗ Tỉnh về Yên Tôn khảo sát thực địa, đo đạc, đắp thành, đào hào, lập nhà tông miếu, xây đàn thờ thần, mở phố sá lập đường ngõ, công việc làm 3 tháng thì xong. Cuối năm đó ép vua Trần Thuận Tông dời đô về đây và đầu năm ấy lại bức nhường ngôi cho Thái tử An. Tháng 3 năm Mậu Dần (1398) Thái tử An lên ngôi ở cung Bảo Thanh…”. Không lâu sau, Hồ Quý Ly lên ngôi vua, nơi đây, trở thành kinh đô của nước Đại Ngu những năm đầu thế kỷ 15 (1400-1407). Xưa thành nhà Hồ có tên là An Tôn, rồi Tây Đô (để phân biệt với Thăng Long – Đông Đô), Thạch Thành, Tây Giai… tên Thành Nhà Hồ mới có từ sau Cách mạng tháng Tám.

Thành nhà Hồ được xây dựng và gắn chặt với một giai đoạn đầy biến động của xã hội Việt Nam, với những cải cách của vương triều Hồ và tư tưởng chủ động bảo vệ nền độc lập dân tộc. Theo PGS, TS Tống Trung Tín (Viện trưởng Viện khảo cổ học Việt Nam): “Bên ngoài Thành nhà Hồ được xây bằng đá nguyên khối, bên trong chủ yếu là đắp đất”. Thành được xây dựng trên bình đồ kiến trúc gần vuông, hai mặt Nam – Bắc dài hơn 900m, Đông – Tây dài hơn 700m. Đặc biệt thành vẫn còn nguyên 4 cổng theo hướng chính Nam – Bắc – Tây – Đông gọi là các cổng Tiền – Hậu – Tả – Hữu. 4 cổng ở các mặt thành xây cuốn vòm, trong đó cổng phía Nam là cổng lớn nhất với chiều rộng là 38m, cao 10m cùng 3 mái vòm lớn. Cho đến nay, Thành nhà Hồ là thành cổ duy nhất được xây dựng bằng cách ghép những khối đá xanh lớn, đục đẽo tinh xảo, vuông vức, có khối dài tới 4 – 5m; cao 1,2m; rộng 1,2m và nặng tới hơn 15 tấn, được xếp chồng khít lên nhau một cách tự nhiên theo hình chữ “Công” tạo thành vách thẳng đứng. Đặc biệt, có tấm ở cửa Tây dài tới 5,1m, rộng 1,59m, cao 1,30m. Tường thành cao trung bình từ 5-6m (có nơi lên đến 10m ở cổng Nam). Sau chuyến thăm thực địa tại Thành nhà Hồ đầu năm 2011, bà Katherine Muller-Marin, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam đã chia sẻ: “Tôi rất ấn tượng với việc xây Thành nhà Hồ bằng việc gắn những phiến đá rất lớn lại với nhau mà không cần đến một chất kết dính nào trong một khoảng thời gian rất ngắn, lại thực hiện hoàn toàn bằng sức người. Đây là một trong rất nhiều bí ẩn của Thành nhà Hồ mà các nhà khoa học Việt Nam cần tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu”…

Theo nhà nghiên cứu Lưu Trần Tiêu: “Thành nhà Hồ là một trong số ít các di tích lịch sử – văn hóa ở nước ta được nhà nước xếp hạng đợt đầu tiên năm 1962. Quy định khu vực bảo vệ Thành nhà Hồ gồm có hai khu vực: Khu vực bất khả xâm phạm là toàn bộ thành đá và khu vực đất trong nội thành, toàn bộ hào quanh thành và toàn bộ khu đất làm đền thờ Bình Khương. Khu vực 2 là khu vực bảo vệ gồm phần đất rộng gần 500m tính từ hào trở ra chạy quanh thành”. Hiện tại, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ và huyện Vĩnh Lộc đã cắm hơn 200 cột mốc chỉ giới tại 3 vùng lõi: Thành nội, Đàn tế Nam Giao và khu vực La thành (đê Đại La), nhằm mục đích công khai phạm vi khoanh vùng bảo vệ vùng đề cử tại Di sản Thành nhà Hồ, mặt khác giúp chính quyền và nhân dân địa phương chủ động trong kế hoạch bảo vệ và tuyên truyền cho di tích.

Ngày 29-9-2009, Hồ sơ khoa học di sản văn hóa Thành nhà Hồ đã được gửi đến Trung tâm Di sản Thế giới. Với những giá trị lịch sử, văn hóa và kiến trúc nổi bật toàn cầu, cộng với tâm huyết nguyện vọng của nhân dân Thanh Hóa cùng sự quan tâm giúp đỡ của Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam; Hội đồng quốc tế về Di tích và Di chỉ – Cơ quan tư vấn của UNESCO; Đoàn ngoại giao các nước Thường trực Ủy ban Di sản thế giới; Cục Di sản Văn hoá, Viện Khảo cổ học Việt Nam…, hy vọng Thành nhà Hồ sẽ được ghi danh là Di sản văn hóa thế giới. Nhưng cho dù Thành nhà Hồ có trở thành di sản thế giới hay không, thì ngay từ lúc này, nếu có điều kiện, chúng ta hãy tới chiêm ngưỡng công trình kiến trúc lịch sử vĩ đại một thời của ông cha, để cảm nhận được sức sống mãnh liệt nơi mảnh đất cố đô…

_____________________________________________________

Posted in Chuyện du lịch VN, Chuyện kiến trúc, Di tích | Thẻ: , , | Leave a Comment »

Lào Cai, ngày 17 tháng 2…

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Hai 19, 2011

QUỐC DŨNG

– Trưa ngày 17.2.2011, tôi ngồi ở đầu cầu Cốc Lếu (thành phố Lào Cai) nhìn sang phía Trung Quốc. Những đoàn khách du lịch đang thảnh thơi đi dạo trên cây cầu sắt đã sắp thành dĩ vãng. 32 năm trước, cây cầu này bị phá sập trong một cuộc chiến tranh mà bây giờ dường như ai cũng muốn quên. 32 năm sau, một cây cầu mới bằng bêtông to hơn, đẹp hơn, cứng vững hơn đang dần thành hình cạnh cây cầu cũ.

Anh bán nước chè ngay đầu cầu Cốc Lếu kể, ngày ấy khu này là vùng trắng, không có dân, chỉ có bộ đội và súng đạn, mìn bẫy. Cầu Cốc Lếu bị phá sập mãi năm 1993 mới xây dựng lại. Còn dân quanh khu vực chạy hết về Văn Chấn (Yên Bái), mấy tháng sau mới lục tục về. Chị chủ nhà nghỉ kiêm hàng ăn phố Sơn Tùng thì bảo, về đến nơi ngôi nhà chị ở đã không còn, thay vào đó là một đống gạch vụn. Vất vả mãi mấy chục năm mới xây lại được “cái nhà cỏ” này – chị vừa nói vừa cười. “Nhà cỏ” mà chị nói là căn nhà bốn tầng mà chị đang kinh doanh nhà nghỉ.

Phía cửa khẩu Cốc Lếu giờ lô nhô nhà cao vài chục tầng, tất cả đều do các doanh nghiệp xây dựng, không phải do nhà nước. Cửa khẩu (biên giới Việt – Trung) đã được xây lại từ lâu, đàng hoàng, to đẹp. Ngay bên kia sông là đường sắt liên vận Việt – Trung, ngày nào cũng có tàu qua lại. Suốt dọc tuyến bờ sông biên giới, đất đang được bốc lên nham nhở để xây kè bờ, làm đường đi dạo, chỉnh trang đô thị Lào Cai cho to hơn, đẹp hơn.
Xuôi một chút xuống phía dưới là đền thờ đức thánh Trần Hưng Đạo trên đồi Hoả Hiệu, còn được gọi là đền Thượng. May mắn cho tôi, hôm nay là ngày khai hội đền Thượng, từng đoàn khách thập phương, cư dân bản địa kính cẩn xếp hàng lên đền thắp hương ngưỡng vọng vị anh hùng dân tộc thế kỷ 13 đã hai lần đánh bại đoàn quân xâm lược mạnh nhất thế giới thời ấy. Trong đoàn khách tham dự lễ hội đền Thượng, có không ít khách đến từ bên kia biên giới. Tôi cũng như họ, đều kính cẩn thắp hương cầu khấn cho mưa thuận gió hoà, làm ăn được thuận lợi, hanh thông.

Không có nhiều ký ức về ngày này 32 năm trước tại thành phố Lào Cai. Tôi đi rạc chân quanh thành phố, hỏi thăm khắp lượt, mọi người tôi hỏi đều lắc đầu không biết quanh thành phố Lào Cai có tấm bia kỷ niệm nào về cuộc chiến tàn khốc trong 16 ngày của 32 năm trước. Những cao điểm vùng chiến sự quanh thị xã xưa kia, giờ là nhà cao tầng, kho bãi đầy ắp hàng hoá Trung Quốc. Chợ Lào Cai nhan nhản rượu ngâm, hàng điện tử, điện thoại, điện máy Trung Quốc. Hàng Việt trong chợ may ra chỉ có bia, nước ngọt và… rau. Hỏi chuyện về cuộc chiến, người nhớ người quên, nhưng ai cũng cười kể chuyện chiến tranh vui như được xem táo quân cuối năm. Câu hỏi của tôi về ký ức chiến tranh tan nhanh như khói loãng vào câu chuyện tỷ giá nhân dân tệ và đồng Việt Nam hôm nay. Anh chàng người Hoa ngồi cạnh bàn bập bẹ câu tiếng Việt nói rằng, bố anh cũng là một người lính phía bên kia đã tham gia cuộc chiến này, nhưng giờ ông cũng quên rồi. Con dâu của ông là người Việt. Và giờ thì ngày ngày ông từ bên kia biên giới sang bế đứa cháu nội, để con trai và con dâu yên tâm buôn bán tại cửa hàng ngay nhà bên đất Lào Cai. Người ở Lào Cai giờ không để quá nhiều đầu óc vào cuộc chiến năm xưa, đó là thực tế mà tôi cảm nhận được. Hôm nay là ngày 17.2, tôi ngồi chờ chị bán táo cân cho mấy cân táo Trung Quốc đem thắp hương trên đền Thượng. Chiều tối tôi lên tàu về nhà, với một túi đồ chơi Trung Quốc để làm quà…

_______________________________________________________

Posted in Chuyện du lịch VN, Chuyện đất nước, Việt Nam và thế giới | Thẻ: , , | Leave a Comment »

Tai nạn nghiêm trọng: 11 khách du lịch nước ngoài tử nạn

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Hai 17, 2011

Khoảng 5h sáng nay (17/2), chiếc tàu du lịch số hiệu QN-5198 chở 21 du khách bất ngờ bị chìm tại khu vực đảo Ti-tốp (Hạ Long, Quảng Ninh) khiến 12 người đã thiệt mạng.

Ông Ngô Văn Hùng, Trưởng ban quản lý Vịnh Hạ Long cho biết, vào thời điểm xảy ra tai nạn có 21 du khách và 6 thuỷ thủ trên tàu.Theo ông Hùng, đến 11h15′ sáng nay đã tìm thấy thi thể của 12 du khách (trong đó có 1 Việt kiều Úc và 1 hướng dẫn viên Việt Nam). Trước đó, trao đổi với VietNamNet ông Hùng cho biết vào khoảng 10h sáng, đội cứu hộ đã cứu sống được 9 người và 6 thuỷ thủ.

Trong tổng số du khách có 20 người nước ngoài gồm các quốc tịch khác nhau (Nga 2 người, Anh 1 người, Đan Mạch 2 người, Đức 1 người, Ý 2 người, Mỹ 3 người, Nhật 1 người, Pháp 2 người, Thuỵ Điển 2 người, Thuỵ Sỹ 2 người và 2 Việt kiều Úc) và 1 hướng dẫn viên Việt Nam.

Được biết, chiếc tàu trên của Công ty TNHH Trường Hải (Quảng Ninh). Chiều qua (16/2) họ đã lên chiếc tàu này để đi tham quan và nghỉ qua đêm trên đảo Ti-tốp, thuộc Vịnh Hạ Long. Tàu du lịch này đã được cấp phép nghỉ đêm trên Vịnh Hạ Long. Thuyền trưởng là Nguyễn Văn Minh, 22 tuổi, ở Trung Dũng, Tiên Lữ, Hưng Yên.
Theo thông tin ban đầu, tấm ván sạp ở khoang máy của tàu Trường Hải bị bật khiến nước biển tràn vào rất nhanh gây lật tàu.
Hiện công an tỉnh Quảng Ninh và các đơn vị liên quan đang khẩn trương triển khai các phương án cứu hộ để tìm kiếm tiếp những du khách đã mất tích.

Ông Vũ Văn Thìn, Chánh văn phòng UBND tỉnh Quảng Ninh, cho biết rạng sáng nay, tại vị trí neo đậu gần đảo Ti Tốp thuộc vịnh Hạ Long, trên tàu du lịch Trường Hải có 27 người. Trừ đoàn thủy thủ 5 người và một hướng dẫn viên Việt Nam, trên tàu có 21 khách, trong đó có 19 khách quốc tế, 2 khách Việt, trong đó có một Việt kiều.

“Sau khi phát hiện vỏ tàu bị bung, thủy thủ đoàn đã thông báo với du khách và kêu gọi tàu neo đậu lân cận ứng cứu. Khi nước tràn vào tàu, 9 người nước ngoài và nhóm thủy thủ đã kịp nhảy xuống biển và được ứng cứu sống, số còn lại đã bị chìm cùng tàu”, ông Thìn nói.

Chiều nay con tàu sẽ được trục vớt để lực lượng chức năng khám nghiệm và đưa ra nguyên nhân cụ thể.
Theo một nguồn tin, khách nước ngoài trên tàu Trường Hải đến từ Anh, Pháp, Nhật, Mỹ, Australia, Thụy Điển… đi du lịch kiểu “Tây balo”, đăng ký tour qua một đại lý du lịch tại phố cổ Hà Nội với lịch trình 2 ngày một đêm.

(tổng hợp)
____________________________________________

Posted in Chuyện du lịch VN, Tin tức nổi bật | Thẻ: , , | Leave a Comment »

Người dân thường Trung/ Việt nghĩ gì về nhau?

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Hai 16, 2011

Vương Cẩm Tư người Cát Lâm, nay ở Bắc Kinh. Tốt nghiệp nghiên cứu sinh Đại học Bắc Kinh ngành truyền thông điện ảnh, từng làm nhà báo, ca sĩ. Nay hoạt động tự do. Hội viên Hội Lịch sử Thế chiến II TQ, nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế. Sau đây là một vài suy nghĩ của Vương Cẩm Tư khi du lịch sang Việt Nam. Nội dung bài viết chỉ phản ánh quan điểm của một nguời dân Trung Quốc thuộc thế hệ trẻ.

Khác với tư duy quen thuộc của người Trung Quốc, trong mắt người Việt Nam, chiến tranh Trung-Việt không chỉ là cuộc chiến “Trung Quốc tự vệ đánh trả Việt Nam” kéo dài nhiều năm sau năm 1979 như dưới góc nhìn của người Trung Quốc, mà còn gồm cả cái gọi là sự “xâm chiếm” Việt Nam do các vương triều Trung Quốc trước đây tiến hành kéo dài tới hai nghìn năm kể từ thời Đông Hán.
Thượng tuần tháng 9 năm 2010, tác giả Vương Cẩm Tư xuất phát từ Bắc Kinh cùng mấy người bạn đến Việt Nam xem tình hình thị trường gỗ hồng mộc. Lúc rảnh rỗi, chúng tôi đã tìm hiểu về cuộc chiến “Trung Quốc tự vệ đánh trả Việt Nam”.
Đối với một người lớn lên ở vùng Đức Huệ tỉnh Cát Lâm như tôi, Việt Nam là nơi rất xa xôi, hầu như tôi không có quan hệ gì với quốc gia này. Thế nhưng mối liên hệ với Việt Nam lại từng gần gũi đến thế, bởi lẽ hồi ở tuổi thiếu niên tôi nhận được sự giáo dục chủ nghĩa yêu nước chính tông và lây nhiễm chủ nghĩa anh hùng cách mạng, quen thuộc “Phong thái nhuốm máu” và “Vòng hoa dưới núi cao” [bài hát và tiểu thuyết Trung Quốc viết về chiến tranh 1979 – ND], từng cùng thày trò toàn trường nghe các anh hùng Lão Sơn [một ngọn núi ở Hà Giang, nơi Trung Quốc tấn công lấn chiếm đất Việt Nam – ND] báo cáo chuyên đề tại Cung Văn hoá công nhân Đức Huệ, tôi lại còn hăng máu đòi ra tiền tuyến Việt Nam liều mạng với quốc gia này mà không ngại hy sinh, cho dù sức mình còn chưa xách nổi ngọn giáo có tua hồng.
Để tìm hiểu cuộc chiến “Trung Quốc tự vệ đánh trả Việt Nam”, tôi có chủ ý đi thăm Bảo tàng Quân đội Việt Nam tại Hà Nội. Thật may là Bảo tàng này ở ngay chếch phía trước Đại sứ quán Trung Quốc, cách chưa đầy 100 mét, nhà Bảo tàng không lớn.
Tác giả từng thăm Bảo tàng Quân sự cách mạng Trung Quốc tại Bắc Kinh, cảm thấy cực ký hùng vĩ, oách hơn Bảo tàng Việt Nam nhiều. Quy mô và phong thái hai nhà bảo tàng quân sự của hai nước nên là sự thể hiện và hình ảnh thu nhỏ các mặt sức mạnh kinh tế, diện tích lãnh thổ và sức mạnh quân sự của hai nước.
Nhưng vào xem thì căn bản chẳng có trưng bày nội dung về cuộc chiến “Trung Quốc tự vệ đánh trả Việt Nam”, chỉ có các tư liệu Trung Quốc giúp Việt Nam chống Mỹ. Máy ảnh tôi mang theo thế là vô dụng, tôi cảm thấy có chút hẫng hụt.
Thỉnh thoảng có du khách Trung Quốc vào xem Bảo tàng, họ đến Việt Nam theo các đoàn du lịch. Khi nhập cảnh họ được nhắc nhở chớ nói chuyện với người Việt Nam về cuộc chiến tranh này nhằm tránh tổn thương tình cảm của đối phương. Nhưng tôi thì bất chấp cái tình cảm gì gì ấy, xông thẳng tới hai nhân viên đứng ngoài sân Bảo tàng Quân đội Việt Nam hỏi cho ra nhẽ. Họ cũng mặc quân phục, một nam một nữ. Vì không hiểu tiếng Trung Quốc tôi nói nên họ lập tức đi gọi một hướng dẫn viên du lịch Việt Nam đến. Anh này chừng 30 tuổi, nói tiếng Trung rất thạo.
Nghe tôi hỏi đoạn lịch sử ấy, nụ cười của anh trở nên nghiêm trang: “Tôi biết Trung Quốc các ông tuyên truyền đây là cuộc chiến phản kích tự vệ, nhưng ông hãy thử nghĩ xem, có thể như thế được không? Việt Nam chúng tôi một nước nhỏ thế này mà có thể xâm lược nước các ông được sao? Hồi ấy cuộc Cách mạng Văn hoá của các ông vừa mới chấm dứt, rất nhiều mâu thuẫn và nguy cơ chưa giải quyết được, các ông bèn xâm lược Việt Nam để đổ vấy nguy cơ. Dĩ nhiên nguyên nhân không chỉ có vậy.”
Tôi nói, vì Việt Nam quấy nhiễu biên giới và xua đuổi Hoa kiều nên Trung Quốc mới phản kích tự vệ. Anh ta nói, chúng ta hãy tạm chưa tranh cãi ai sai ai đúng. Ai ngờ hướng dẫn viên du lịch Việt Nam này nhắc đến cả chuyện Nhật Bản bắt giữ thuyền trưởng Trung Quốc đi váo vùng biển đảo Điếu Ngư. “Tôi thấy nhiều thành phố Trung Quốc bắt đầu biểu tình chống Nhật, thực ra đó là kết quả việc chính phủ và giới truyền thông Trung Quốc kích động. Người Trung Quốc các ông quá thù hận. Người Việt Nam chúng tôi xưa nay không bao giờ thù hận nước khác, chúng tôi là một dân tộc hoà bình.” – anh nói.
Điều khiến tôi kinh ngạc không phải ở chỗ anh ta nói có đúng hay không mà là tôi không nghĩ anh hiểu Trung Quốc nhiều như vậy. Bên cạnh còn có một người Việt Nam biết tiếng Trung nói xen vào: Trung Quốc các ông một mặt nói thù hận là không hợp trào lưu của loài người, một mặt lại hết mức thù hằn Nhật Bản và các nước khác. Như thế chẳng phải là tự mâu thuẫn với mình, rất giả dối đó sao? Kinh tế các ông có thành công nữa cũng không được người ta tôn trọng.
Tôi bảo, Nhật Bản có sai, họ cũng từng xâm lược Việt Nam, Trung Quốc căm thù là bình thường, nhưng nhà nước chúng tôi không kích động, người Trung Quốc chúng tôi không căm thù Việt Nam.
Tôi kể, khi lính Trung Quốc gánh nước cho phụ nữ Việt Nam thì bị người phụ nữ ấy bắn lén từ sau lưng mà hy sinh, cả đến trẻ con Việt Nam 11, 12 tuổi cũng bắn giết Giải phóng quân, thật là lấy oán trả ơn. Tôi hỏi hướng dẫn viên du lịch thấy chuyện ấy như thế nào, anh bảo: “Các ông xâm lược vào đây, có thể nào không đánh các ông hay sao?”
Tôi cảm thấy đây là chuyện làm người Trung Quốc chúng ta xấu hổ khó xử. Sau này hướng dẫn viên du lịch ấy có gửi e-mail cho tôi, trình bày quan điểm của Việt Nam đối với cuộc chiến tranh này, viết bằng Trung văn.
Cho dù nhà Bảo tàng Quân đội Việt Nam không có nội dung cuộc chiến “Trung Quốc tự vệ đánh trả Việt Nam” nhưng khi tôi đến Bảo tàng Quốc gia Việt Nam thì lại nhìn thấy cái gọi là ghi chép về việc các vương triều Trung Quốc trước đây xâm lược Việt Nam; tại đây người ta có phân phát các tài liệu tiếng Trung Quốc giới thiệu lịch sử chuyện đó. Lại còn có trưng bày cái gọi là “Trung Quốc chiếm Việt Nam lâu tới 1000 năm”.
Tài liệu của Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc viết bằng Trung văn giới thiệu thế này: “Nhân dân Việt Nam từng nhiều lần bị nước ngoài xâm lược, gồm các vương triều Trung Quốc trước đây như triều Tống (thế kỷ 11), triều Nguyên (thế kỷ 13), triều Minh (thế kỷ 15) và triều Thanh (thế kỷ 18).” Người Việt Nam tự hào vì đã đánh bại quân Trung Quốc từ phương Bắc đến, lưu lại nhiều cái gọi là sự tích anh hùng “Chống Nguyên”, “Chống Minh” và “Chống Trung Quốc”. Trong thời gian đó liên tiếp xảy ra các cuộc khởi nghĩa anh hùng do Hai Bà Trưng (đời Hán), Triệu Trinh Nương (đời Tam Quốc), Mai Thúc Loan (đời Đường), Dương Đình Nghệ (đời Ngũ đại thập quốc) lãnh đạo chống lại sự thống trị tàn bạo của Trung Quốc, nhưng đều bị đàn áp.” Những nhân vật ấy được người Việt Nam coi là thần minh phù hộ bình yên và mưa thuận gió hòa để thờ cúng.

Tác giả Vương Cẩm Tư còn thấy tại trung tâm Hải Phòng, một thành phố ở miền Bắc Việt Nam, có dựng một bức tượng đồng cao hơn ba chục mét, theo giới thiệu là “bà Lê Chân nữ anh hùng Việt Nam chống Trung Quốc xâm lược thời kỳ Đông Hán”.
Tương truyền Lê Chân xinh đẹp, tính tình hiền thục, quan lại Trung Quốc thèm khát muốn lấy làm vợ. Cả gia đình Lê Chân phản đối, kết quả quan Trung Quốc giết người nhà Lê Chân. Quyết tâm trả thù cho gia đình mình, bà Lê Chân vô cùng đau buồn căm phẫn về quê triệu tập binh sĩ tình nguyện chiến đấu anh dũng, cuối cùng bà hy sinh vẻ vang.
Tại Việt Nam, các nơi đều có nhiều nghĩa trang quân nhân, chủ yếu là kết quả chiến tranh với Mỹ, tiếp sau là các binh sĩ Việt Nam chết trong tác chiến với quân đội Trung Quốc; có thể thấy người Việt Nam vẫn rất tôn trọng họ. Nghe nói có phụ nữ trung niên Việt Nam không bán hàng cho người Trung Quốc, nguyên nhân do chồng bà bị quân đội Trung Quốc bắn chết trong cuộc chiến tranh Trung-Việt hồi trước.
“Hiện nay việc hoạch định biên giới trên bộ giữa hai nước Trung-Việt đã được giải quyết. Theo nguồn tin tin cậy, nước ta có một anh hùng chiến đấu năm xưa từng cố thủ trận địa, coi thường cái chết, có thành tích nổi bật, nhưng cuối cùng khi phân chia biên giới thì trận địa đó lại thuộc về Việt Nam; mới đầu tư tưởng người anh hùng ấy rất không thông, về sau anh đã nghĩ thông suốt, lợi ích quốc gia trên hết.”
Nói tới chuyện cách nhìn nhận người Trung Quốc, nhiều người Việt Nam đánh giá còn được, cũng có người nói thẳng: “Thường thôi”, “Không tốt, không bằng Nhật”. Lý do là Trung Quốc còn đe dọa họ, phẩm chất người Trung Quốc không tốt, bịp bợm lừa đảo; chất lượng hàng Trung Quốc không tốt, xe máy dùng 1-2 năm là hỏng; xe máy Nhật cấp cao hơn, dùng lâu bền. Quả vậy, tại Việt Nam tôi thấy xe máy hàng đàn mà hầu như rất ít xe Trung Quốc, tuyệt đại đa số là xe Nhật.
Lần này tôi sang Việt Nam đúng vào dịp đại lễ 1000 năm thủ đô Hà Nội Việt Nam, tại nhiều nơi có thể cảm nhận thấy ảnh hưởng lớn của lịch sử, văn hoá Trung Quốc.
Phụ nữ Việt Nam dung nhan xinh đẹp, thân hình nhỏ nhắn, dáng đi uyển chuyển.
Như có người nói, trong lịch sử mấy nghìn năm của mình, Việt Nam chiến tranh nhiều, hoà bình ít, xáo động nhiều, yên ổn ít, không suy tính quá nhiều những ân oán trong lịch sử và quý trọng hoà bình không dễ đến với mình.
Năm 2010 là dịp kỷ niệm 60 năm Trung Quốc-Việt Nam lập quan hệ ngoại giao, hai nước tận hưởng hoà bình, người buôn bán đi lại ngày càng thân mật, Hữu Nghị Quan thực sự hưởng tình hữu nghị chứ không phải là tranh chấp và khói súng. Phần lớn người Việt Nam rất nhiệt tình với Trung Quốc. Trên đoàn tàu hỏa cũ nát từ Hải Phòng đi thủ đô Hà Nội, tôi trò chuyện với các cô gái Việt Nam bằng thứ tiếng Anh đơn giản. Có một anh chàng chỉ biết nhõn một câu tiếng Trung nói oang oang với tôi trước mặt mọi người trên toa tàu: “Tôi yêu bạn!” Chúng tôi đều cười.

Nguyễn Hải Hoành lược dịch

(Nhan đề do chúng tôi đặt)
__________________________________________________

Posted in Chuyện du lịch VN, Chuyện xã hội, Việt Nam và thế giới | Thẻ: , , | Leave a Comment »

Sài Gòn nhìn từ những tiệm nước

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Hai 15, 2011

Trần Hoàng Nhân

– Thông qua cuốn sách Không gian tiệm nước vừa ra mắt của NXB Thời đại, Sài Gòn được nhìn bởi nhiều góc độ khác nhau càng thể hiện sự đa dạng trong văn hóa của thành phố này.

1.Không gian tiệm nước còn được gọi đơn giản là Sài Gòn tạp văn tập hợp 26 tác giả, cũng là 26 tính cách đại diện cho các vùng miền khác nhau cùng “nhìn về” Sài Gòn. Hầu hết những tác giả trong Không gian tiệm nước đều không sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn. Nhưng họ cùng gặp nhau trong cuốn sách này vì tình yêu Sài Gòn.
Sài Gòn, theo “định nghĩa” của họa sĩ Lê Thiết Cương khi ông so sánh với Hà Nội: “Hà Nội là cục nam châm hút tinh hoa của mọi miền. Cái riêng của Hà Nội là riêng của nhiều chung. Sài Gòn không là cục nam châm. Chất cởi mở của người Sài Gòn làm cho mọi người từ khắp nơi tự đến với Sài Gòn. Người thành công đã đành mà ngay cả những người thất bại cũng tìm đến đây để làm lại”.

Bài viết của họa sĩ Lê Thiết Cương mang cái tên rất “vĩ mô”, như một “luận văn”: Sài Gòn – Vùng văn hóa đa văn hóa. Đấy là cách nhìn từ xa của một họa sĩ thường lui tới Sài Gòn. Với những người sinh sống quanh năm ở thành phố này, thì Sài Gòn đôi khi nằm trong những gì “nho nhỏ”, nhỏ như không gian be bé của một tiệm nước. Nhà thơ Trần Tiến Dũng đã nhìn thấy văn hóa, tính cách của Sài Gòn ở những tiệm nước như thế. Và bài Không gian tiệm nước của ông đã được dùng để đặt tên cho cuốn sách này.

Vì sao tiệm nước lại quan trọng trong văn hóa của người Sài Gòn như vậy? Người viết bài này thử làm một phép so sánh vui vui khi có dịp đến thủ đô Hà Nội. Người Hà Nội thường mời khách phương xa về nhà để giới thiệu mái ấm của mình – cũng là thể hiện sự trân trọng với khách. Người Sài Gòn thì ngược lại, họ thường mời khách ra tiệm nước, rồi nhà ai nấy về. Điều này thể hiện phần nào tính “bất định” của người Sài Gòn. Nói thế không phải người Sài Gòn ít hiếu khách. Bởi vì, có thể hôm nay, hai người cùng “làm người Sài Gòn” nhưng ngày mai không thể biết họ sẽ “định cư” nơi nào. Ngày hôm nay, có thể họ “thường trú” quận này nhưng mai đây họ sẽ dời đi quận khác. Vậy thì biết nhà nhau cũng… chẳng để làm gì!

2. Sài Gòn tạp văn Không gian tiệm nước còn thể hiện được tính cách của từng người viết do văn hóa nơi họ sinh trưởng quy định. Với những tác giả sinh sống lâu năm ở Sài Gòn, thì thành phố này bao gồm những gì nhỏ nhất như chuyện đi chợ mua mớ rau, con cá đồng của nhà thơ Lê Giang. Hoặc một gian phòng nhỏ tranh tối tranh sáng ở khu Chợ Lớn của Phan Triều Hải. Hay một “con đường Duy Tân cây dài bóng mát” của Đoàn Tú Anh, dù đường Duy Tân nay đã đổi tên thành Phạm Ngọc Thạch.

Sài Gòn đôi khi chỉ nằm trong các bài hát của một nhạc sĩ. Riêng PGS-TS Huỳnh Như Phương thì Sài Gòn nằm trong âm nhạc của Từ Công Phụng. Đôi khi chỉ là một góc ngồi riêng mang tên Cà phê 7x của Ngô Liêm Khoan…

Sài Gòn với những tác giả như thế còn là những kỷ niệm. Tác giả Nguyễn Ngọc Hà được xem là người “Sài Gòn gốc” duy nhất góp mặt trong cuốn sách này, vì chị sinh ra và lớn lên ở đây. Kỷ niệm của Nguyễn Ngọc Hà với Sài Gòn không chỉ ở khu Eden vàng son một thuở với chiếc áo mưa giá gần lượng vàng được người cha mua tặng chị, sau hơn 30 năm chiếc áo mưa ấy vẫn còn giá trị sử dụng. Kỷ niệm còn là một ngôi chợ trong ký ức mang tên Xóm Chiếu rất… Sài Gòn.

Nhạc sĩ Dương Thụ muốn học theo nhà văn Vũ Bằng – tác giả Thương nhớ mười hai – để ôngThương nhớ mười ba. Theo Dương Thụ, cái gì có ở Hà Nội đều có “chút chút” – ngoại trừ tiết trời – ở Sài Gòn khiến ông không nguôi nhớ thương Hà Nội dù một năm ông về Hà Nội rất nhiều lần.

Hình như vậy, Sài Gòn rất chung nhưng cũng rất riêng của mỗi người. Nhà thơ Lê Minh Quốc viết dạng “khảo cứu” khá công phu để đưa ra Tính cách người Sài Gòn. Nhưng nói đơn giản như nhà văn Nguyễn Nhật Ánh trong buổi ra mắt Sài Gòn tạp văn: “Nếu đội bóng đá của Sài Gòn gặp đội của Nghệ An, Huế hay Thanh Hóa trên sân Thống Nhất TP.HCM, thì chắc chắn cổ động viên của Nghệ An, Huế, Thanh Hóa đông hơn cổ động viên đội Sài Gòn dù tất cả đều sinh sống tại Sài Gòn”. Phải chăng đó là tính cách, nét văn hóa của người Sài Gòn? Người viết bài này chỉ biết rằng khi khép lại từng trang sách của Sài Gòn tạp văn mà thấy rưng rưng!

_____________________________________________________________

Posted in Chuyện du lịch VN, Chuyện đô thị, Chuyện đời sống | Thẻ: , , | Leave a Comment »

Khám phá hang động lớn nhất thế giới tại Việt Nam

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Mười Hai 22, 2010

– Lần đầu tiên được khám phá vào tháng 4/2009 và được cho công bố vào tháng 7 cùng năm, hang Sơn Đoòng (Quảng Bình) đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm chú ý của nhiều hãng thông tấn lớn trên thế giới và đã được tạp chí National Geographic đăng tải một số bài viết ngợi ca rằng đây là hang động lớn nhất thế giới.

Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh phối hợp với các nhà khoa học của Việt Nam đã đo hang Sơn Đoòng bằng sự trợ giúp của các máy móc công nghệ cao sử dụng tia laser, những thiết bị giúp họ có thể biết được kích cỡ chi tiết của từng góc “chết” trong hang – một chuyên gia về Hang động học cho biết.

Kết quả cho thấy, Sơn Đoòng còn lớn hơn cả hang động Deer ở đảo Borneo của Malaysia, vốn được coi là hang động lớn nhất thế giới.

Hang Deer có độ lớn trung bình khoảng 91 m x 91 m, dài khoảng 1,6 km. Trong khi đó hang Sơn Đoòng ở vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng có độ lớn trung bình vào khoảng 80 m x 80 m kéo dài khoảng 4,5 km. Nhưng các nhà khoa học nghi ngờ rằng hang Sơn Đoòng của Việt Nam có thể còn sâu hơn nữa do cuộc thám hiểm năm 2009 bị dừng lại ở đoạn sâu 4,5 km do nước lũ.

Ngoài ra, ở một số đoạn hang Sơn Đoòng còn có độ lớn tới 140 m x 140 m, trong đó có các cột nhũ đá cao tới 14 m. Một bức ảnh lộng lẫy do nhiếp ảnh gia Carsten Peter chụp vào tháng 5/2010 mô tả đoạn hang có bề rộng khoảng 91,44m, vòm hang cao gần 243,84m – có thể chứa tòa nhà cao 40 tầng của thành phố New York (Mỹ).

Trong hang, các nhà nghiên cứu còn tìm thấy một dòng sông ngầm dài 2, 5 km và thậm chí là cả những cột nhũ đá cao tới 70 m.

Được biết, miệng hang đá vôi Sơn Đoòng được một người nông dân tìm thấy vài năm trước, nhưng cho tới tháng 4/2009 nó mới được khám phá. Hang nằm sâu trong cánh rừng già trong một địa hình khá hiểm trở, cách xa đường và không thể phát hiện thấy trên Google Earth.

Các nhà thám hiểm của Anh cho rằng, trước đó hang có thể được một số người dân địa phương thám hiểm nhưng họ chỉ dừng lại ở độ sâu vài trăm mét vì sợ đi sâu vào bên trong. Trong hang có một số loài rết độc sinh sống và lũ khỉ thường chui qua một số cổng trời ở độ cao khoảng 300 m vào hang để tìm ốc ăn.

Việc khám phá ra hang Sơn Đoòng đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều nhà thám hiểm trên thế giới. Đoàn thám hiểm của Hoàng gia Anh dự kiến sẽ quay trở lại vào những năm sau đó để tiếp tục khám phá.

Nguyễn Hường (Theo National Geographic)

____________________________________________________

Posted in Chuyện du lịch VN | Thẻ: , , | Leave a Comment »

Cuối tuần đi chợ ngựa Bắc Hà

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Mười Hai 19, 2010

Tuệ Thư

– Tương truyền, đã đến Bắc Hà thì phải thử ba món “rượu ngô, mận tam hoa, thắng cố” bởi không phải nơi nào cũng có đủ ba món ngon ấy. Thế nhưng, còn một thứ nữa không thể không kể đến, đó là chợ ngựa và cuộc đua ngựa – “đặc sản” chính hiệu của chợ Bắc Hà.

Thủng thẳng dắt ngựa xuống chợ ven sông

Ta có nên dùng từ họp chợ sớm tinh mơ cho việc thông báo rằng họp chợ đã bắt đầu, giống như ở một cái chợ chốn thị thành không nhỉ? Chỉ biết rằng người miền núi coi chợ phiên như một phần của cuộc sống, đấy không những là nơi mua bán trao đổi các món hàng cần thiết, mà chợ còn là nơi để được mặc đẹp, là lý do để rời làng rời bản xuống chợ, để được nhìn thấy nhau, được ngồi bên nhau, bên chén rượu ngô thơm nồng.
Từ tối hôm trước, người ta đã thủng thẳng dắt ngựa xuống tới chợ, chẳng có gì khiến họ phải tất bật cả.
Cứ thủng thẳng đủng đỉnh buộc ngựa vào một góc, rồi kiếm một chỗ nghỉ ngơi trong chợ nằm chờ ánh rạng đông xua tan cái lạnh của vùng cao.
Sau khi mải mê với những chiếc váy sặc sỡ của các cô gái Mông hoa, thả mình với chén rượu nồng, bạn hãy cùng tôi bước chân tới chợ ngựa nằm ven hồ phía sau chợ chính.
Nếu bạn biết rằng, xưa kia, nếu đứng từ trên cao nhìn xuống, chợ ngựa đông đúc như đang lạc vào trong một khu rừng nào đó với hàng đàn ngựa. Giờ đây chợ Ngựa đã dần mất đi những… “bạt ngàn” ngựa và… người. Không khí của chợ cũng chỉ sôi động bằng mấy phần so với xưa kia, dẫu rằng mỗi phiên chợ ngày nay vẫn có tới hàng trăm con ngựa từ khắp nẻo rừng núi làng bản đổ về.
Đa phần là thanh niên bản, thi thoảng có cả những đôi vợ chồng cùng dắt ngựa đi chợ. Có chút bóng dáng những các cô gái, chợ ngựa cũng đẹp hơn hẳn nhờ sắc màu của khăn đội đầu và váy sặc sỡ của người Mông Hoa.
Nhìn ngựa mà đoán chủ. Mua bán, cũng là duyên, là lộc. Kẻ thì đắt may vừa bán, tấp nập kẻ hỏi người mua, kẻ thì bó gối ngồi không, chẳng ai hỏi đến, cứ là buồn thiu. Nhưng cũng chẳng vấn đề gì, tí nữa ra làm tợp rượu là lại thấy ấm ấp thôi mà.
Một phiên chợ nhất là chợ ngựa với những tay buôn sành sỏi có thể mua được những chú ngựa có sức khỏe tốt nhất với giá được mặc cả sát sàn sạt, có bài bản và gay cấn ra trò. Người mua được quyền xem xét, thử ngựa xem có khỏe không bằng cách xem mắt, xem răng, vỗ mông ngựa và phi thử ngựa. Thật chẳng khác gì một người đi mua xe đạp cũ hồi xưa. Họ cũng săm soi từng chiếc lốp, chiếc vành, từng ghi đông, xích – líp đến tay phanh hay nan hoa.
Theo dõi cùng với những người đang đứng bán ngựa ở chợ Bắc Hà mới thấy ở đây sự mua bán vẫn còn theo lối buôn của người xưa, người mua nếu thấy người bán là người dân tộc, trước sự thật thà của họ cũng chẳng mấy khi dùng thủ thuật hay… “kỹ năng” mua bán, còn người bán thì vẫn bản chất thật từ bao đời, nếu có đôi chút lanh lợi thì người mua từ đồng bằng cũng… thừa biết mà “vặn” lại. Thế nên cuộc đối thoại mua bán trao đổi rất thẳng và thật.

Cuộc đua hồn nhiên

Bắc Hà còn nổi tiếng bởi các cuộc đua ngựa đã có từ những năm 80 của thế kỷ 20 nhưng sau một thời gian, gần đây các cuộc đua ngựa mới bắt đầu được tổ chức lại.
Xưa kia, vào mùa xuân, các chàng trai từ các bản Phố, Bản Già, Bản Cái, Cốc Ly… thường cưỡi ngựa đi đón người yêu từ các bản khác. Trên đường các anh trai bản gặp nhau và thường nảy sinh ra các cuộc đua ngựa ngẫu hứng. Cũng có thể do đặc trưng của người miền núi thường dùng ngựa thồ hàng, thế nên từ đó mà các cuộc đua ngựa được hình thành.
Gần đây đua ngựa Bắc Hà đang ngày càng trở nên hấp dẫn, riêng tôi, vẫn cảm thấy may mắn khi mình được chứng kiến những cảnh đua ngoan mục.
Ngựa, cũng không phải là ngựa chuyên để đua giống như nước ngoài, đa số đều lấy ngựa nhà, tức là ngựa chuyên để dùng trong công việc như thồ hàng, đi lại. Những chú ngựa này đâu có được đào tạo chăm sóc kiểu… “chuyên nghiệp” để thi đấu đâu, chúng chỉ là công cụ của người vùng cao.
Đến lượt các kỵ sĩ, cũng chẳng ai được huấn luyện dạy dỗ trên đường đua phải thế nào, bởi họ chỉ là những người ngày ngày quen thong dong trên lưng ngựa. Thế mà đến cuộc đua, họ đội trên đầu những chiếc mũ bảo hiểm xe máy, chân đi dép nhựa quai hậu nhảy lên lưng ngựa, sẵn sàng tham gia cuộc đua.
Những con ngựa ngày thường dễ bảo dễ nghe thế, sao hôm nay chạy được vài vòng lại dở chứng, đường đua không đi, lại cứ thấy người quen đang ngồi trên khán đài là quay ngoắt đầu lại, có khi còn hất cả chủ xuống.
Tiếng reo hò vỗ tay của bà con làm cho kỵ sĩ lấy lại được tinh thần, cố ghìm cương ngựa mà nhảy lên, tiếp tục hòa vào cuộc đua…
Gió và bụi sau tiếng vó ngựa. Người kỵ sĩ khéo léo sao cho ngựa phải quen đường đua và nghe lời mình. Nếu có ngã thì cũng biết cách ngã làm sao không bị ngựa dẫm lên. Đó chính là những bí quyết riêng của các kỵ sĩ dân tộc. Những người nông dân thật thà chân chất đã biểu diễn những pha đẹp mắt trên lưng ngựa.
Một cuộc đua quá thô sơ và hồn nhiên, đáng yêu như chính bản chất hiền hòa của người dân tộc. Năm nay các kỵ sĩ đã không còn đi dép nhựa quai hậu như trước nữa mà đã có giày tử tế, áo đồng phục do có hãng tài trợ.
Giải đua ngựa Bắc Hà đang ngày càng được chú ý đầu tư chắc chắn sẽ hấp dẫn du khách hơn; nhưng dư vị về những cuộc đua xưa hẳn sẽ khó có thể quên được bởi sự chân thật, hồn nhiên, bản năng của miền núi Bắc Hà.

__________________________________________________

Posted in Chuyện du lịch VN, Văn hóa các dân tộc | Thẻ: , , | Leave a Comment »