NGÔN NGỮ & VĂN HÓA

CHÚC MỪNG NĂM MỚI

Archive for the ‘Khảo cổ’ Category

Giả thiết mới về ngôi mộ được nghi của Lý Thường Kiệt

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Chín 3, 2010

– Họa sĩ, nhà nghiên cứu lịch sử mỹ thuật Nguyễn Văn Chiến nhận định, ngôi mộ cổ ở thôn Ngọc Quỳnh (thị trấn Như Quỳnh, tỉnh Hưng Yên) là của người họ Dương tên Nhàn, sống trong khoảng cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18 chứ không phải là của Lý Thường Kiệt (1019 – 1105) như một số người tin tưởng.

Theo ông Nguyễn Văn Chiến, để xác định niên đại ngôi mộ cổ, phải dựa vào các chứng lý như: hiện vật tùy táng, thử gien, kỹ thuật đồng vị phóng xạ C14, cấu trúc mộ…. chứ không chỉ dựa vào lời kể của người dân địa phương.

Đó là: 1 chiếc tráp nhỏ sơn son, đường kính 5cm với 2 mảnh đã nứt toác, toẽ ra cùng những nét nứt rạn; 3 đoạn cật nan quạt, trong đó 1 thanh cật sơn then, có hoa văn bị gãy làm 3 đoạn, chỉ đoạn to bản hơn có khắc hoa văn. Dù ít ỏi, song những hiện vật này có ý nghĩa quan trọng góp phần xác định niên đại và thân chủ trong mộ.

Có thể thấy trong đoạn cật nan quạt có hoa băng gồm: 2 hình hoa sen, 3 chữ (1 chữ triện tròn và 2 chữ triện vuông) cùng chữ “Thọ”.

Trong 3 chữ triện này, họa sĩ, nhà nghiên cứu lịch sử mỹ thuật Chiến đã đọc được hai chữ là “Dương”(?) và “Nhàn”(?), chữ ở giữa ông không đọc ra. Đó có thể là tên của chủ nhân chiếc quạt hay là tên thương hiệu quạt.

Tuy nhiên, hoa văn ở đây được khắc theo lối thủ công, không phải kiểu sản xuất hàng loạt, do vậy ông Chiến cho rằng nhiều khả năng đó là tên của chủ nhân chiếc quạt, và đó cũng là tên người trong ngôi mộ cổ. Quạt và hộp tráp nhỏ thường là tư trang của phụ nữ, vậy ngôi mộ này có thể là một phụ nữ, song cũng có thể là thuộc dòng quan nội thị (hoạn quan).

Hoa văn trên nan quạt là phong cách khoảng cuối thế kỷ 17 đầu thế kỷ 18. Từ đó, có thể suy ra, ngôi mộ này không thể là của Lý Thường Kiệt như một số người tin tưởng.

Trước đó, PGS.TS Nguyễn Lân Cường (Phó tổng thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam) cũng nhận định, ngôi mộ ở thôn Ngọc Quỳnh (thị trấn Như Quỳnh, tỉnh Hưng Yên) không phải là mộ danh tướng Lý Thường Kiệt, bởi loại mộ hợp chất này là loại mộ đặc trưng của thời Hậu – Lê, sau thời đại của L‎ý Thường Kiệt nhiều thế kỷ.

Theo nhận xét của PGS.TS Nguyễn Lân Cường, mộ cổ có cấu trúc “trong quan ngoài quách” là đặc trưng của mộ thời hậu Lê (1533 -1788).

Được biết, năm 1978, người dân thôn Ngọc Quỳnh, xã Như Quỳnh (Mỹ Văn, Hưng Yên) đã phát hiện một ngôi mộ cổ (cách đền Ghênh thờ Nguyên phi Ỷ Lan mấy trăm mét đường chim bay) nên nhiều người tin đó là mộ của Lý Thường Kiệt (1019-1105), danh tướng sống cùng thời với Nguyên phi.

Người dân địa phương cho biết, ngôi mộ có khoảng 10 lớp cứng như bê tông, bên trong có quan tài sơn 4 chữ Nho lớn, được người dân tạm dịch là “Đại thị công khanh” hay “Hoạn quan”…

(Theo Báo Đất Việt)
________________________________________________________

Posted in Chuyện lịch sử, Khảo cổ | Thẻ: , , | Leave a Comment »

Gỉ mật, mạch nha cũng có thể xây Vạn Lý Trường Thành

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Sáu 6, 2010

Tô Lan

Bí mật về sức mạnh và sự bền vững của Vạn Lý Trường Thành (Trung Quốc) vừa được hé mở do được xây dựng từ một loại vữa đặc biệt từ gạo nếp và vôi. Ở Việt Nam, các công trình kiến trúc xưa cũng đều sử dụng gỉ mật như một loại xi măng có kết cấu vững chắc.

Gỉ mật có thể xây Vạn Lý Trường Thành

PGS.TS Trịnh Lê Hùng, khoa Hóa, ĐH KHTN, ĐHQG Hà Nội cho biết, hầu hết các công trình xây dựng của người xưa sử dụng gỉ mật trộn với vữa. Xây nhà bằng vữa là vôi và cát thì chúng sẽ liên kết nhờ không khí thẩm thấu dần từ ngoài vào trong.

Tuy nhiên sẽ mất nhiều thời gian và khó làm khô ở bên trong vì không khí không dễ gì luồn vào được. Trộn mật vào hỗn hợp này, mật sau một thời gian khoảng 10 – 15 ngày sẽ bị phân hóa thành CO2, phản ứng với vôi, gọi là hoàn nguyên đá vôi. Khi đó, tường sẽ cứng từ bên trong ra, rất chắc chắn.

ThS Nguyễn Văn Huynh, giám đốc Trung tâm vật liệu hữu cơ và hóa phẩm xây dựng cho biết, ngày xưa chưa có xi măng, người ta sử dụng chất kết dính trong xây dựng bằng những vật liệu có sẵn trong tự nhiên như nhựa thông đun chảy, gỉ mật… Những hợp chất này đều có nguồn gốc từ thực vật và khá bền.

Ở Việt Nam hiện có những công trình xây dựng mà đến nay vẫn chưa tìm ra nguyên liệu đó là gì, chưa biết làm thế nào để kết dính các viên gạch thành một công trình khổng lồ như vậy. Gỉ mật có khối lượng phân tử lớn, trộn với một số chất phù hợp thì sẽ tạo thành hợp chất kết dính tốt. Loại vữa này khi đưa ra ngoài không khí nó cũng có những phản ứng tự động rắn, liên kết lại với nhau.

Khoa học xưa khó áp dụng ngày nay

PGS. TS Vũ Đình Đấu, phó khoa Vật liệu, Đại học Xây dựng cho biết, việc trộn vôi với mật, hay gỉ đường tạo ra sự kết dính rất tốt. Tuy nhiên, cường độ chịu lực của các vật liệu này lại thấp. Vì thế, ngày nay người ta không sử dụng những vật liệu này nữa hoặc nếu sử dụng thì chỉ sử dụng đối với những công trình không đòi hỏi cường độ chịu lực cao.

ThS Nguyễn Văn Huynh cho rằng, việc sử dụng gạo nếp với vôi ở Vạn Lý Trường Thành cũng không có gì là lạ. Bởi mạch nha chúng ta vẫn hay sử dụng được làm từ gạo nếp và cũng là một chất kết dính tốt. Chắc chắn là phải trải qua các công đoạn giống như từ gạo nếp làm thành mạch nha thì gạo nếp và vôi mới kết hợp với nhau để làm thành vữa xây dựng được. Xét cho cùng gạo nếp cũng chính là gỉ đường, về bản chất thì giống như gỉ mật.

Việc ứng dụng các loại vật liệu xây dựng này vào trong thực tế hiện nay là không cần thiết vì có nhiều vật liệu mới với giá thành rẻ hơn nhiều. Trong một số công trình cần trùng tu lại nên sử dụng các loại vật liệu này, vì tạo ra loại vữa này không có gì là phức tạp cả.

PGS.TS Trịnh Lê Hùng cũng cho rằng, việc không sử dụng lại những vật liệu này trong xây dựng hiện đại là vì thực chất nó cũng giống như xi măng, mà xi măng giờ thì có nhiều rồi. Xi măng là hợp chất hút nước để tạo thành dạng tinh thể nên nó rắn rất nhanh, sử dụng tiện lợi, vì thế nó được lựa chọn để thay thế những loại vật liệu xây dựng truyền thống kia.

PGS.TS Nguyễn Lân Cường, Viện Khảo cổ học Việt Nam cho biết: Các cuộc khai quật khảo cổ cho thấy, các quách bảo vệ quan tài vua chúa ngày xưa hầu hết đều xây bằng các hợp chất kiên cố làm từ vôi, cát, mật…
Ví dụ, quách bảo quản thi hài vua Lê Dụ Tông cũng sử dụng bằng các vật liệu này. Các quách này giống như những bức tường thành vững chãi bao kín các mặt quan tài bảo vệ quan tài và xác ướp bên trong khỏi bị tác hại của không khí, rất kiên cố, tồn tại có khi đến vài nghìn năm.

________________________________________________________

Posted in Chuyện kiến trúc, Khảo cổ, Khoa học & Công nghệ | Thẻ: , , , , | Leave a Comment »

Mất tiền tỷ để đo tuổi thóc cổ là lãng phí?

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Sáu 3, 2010

Tô Lan

– “Việc phân biệt thóc cổ với thóc hiện đại không có gì quá khó. Bằng mắt thường cũng có thể phân biệt được. Vào thời điểm này, chúng ta không nên dốc quá nhiều tiền để làm hết xét nghiệm này đến xét nghiệm khác. Hãy chờ lúa trổ bông để xem đó có phải lúa cổ hay không rồi hãy tính tiếp”, GS. VS Trần Đình Long, chủ tịch Hội Giống Cây trồng Việt Nam khẳng định.

Bằng mắt thường cũng có thể phân biệt được thóc cổ

Hiện tượng hạt thóc tìm thấy ở Thành Dền nảy mầm lên cây cho đến hôm nay vẫn còn gây tranh cãi trong giới khoa học, theo GS, việc xác định những hạt thóc này có phải là lúa cổ có khó không?

Tôi không làm trực tiếp mà chỉ nghe thông tin qua các nhà khoa học. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng, về mặt khảo cổ thì trước hết phải xác định vị trí, tầng khai quật nơi hạt thóc được tìm thấy. Ngoài ra, cần phải so sánh hạt thóc này với những vật cùng được tìm thấy ở đó, ví dụ so sánh hạt thóc với những vỏ trấu, hạt gạo cháy…
Thứ hai, muốn nghiên cứu một cách thấu đáo thì phải có các mẫu hạt thóc nguyên bản. Việc các hạt có niên đại vài trăm năm đến hàng nghìn năm có khả năng nảy mầm thì thế giới cũng đã từng có rồi ví dụ như hạt sen hay một số hạt cây họ đậu. Tuy nhiên, việc hạt lúa có niên đại vài nghìn năm nảy mầm thì chưa. Muốn giải mã một cách chính xác thì phải phân tích từ mẫu nguyên bản, khi hạt thóc chưa nảy mầm. Phải nhớ rằng, hạt thóc chưa nảy mầm và hạt thóc đã nảy mầm rồi không còn giống nhau nữa.

Nghĩa là vỏ trấu đã nảy mầm rồi sẽ khác so với vỏ trấu của hạt chưa nảy mầm?

Đúng thế. Khi nảy mầm rồi thì rất khó tìm thấy ở trạng thái ban đầu của nó.

Vậy nếu để biết được đây có phải là lúa cổ không thì phải làm thế nào vì chúng ta chưa lấy được mẫu thì cây đã nảy mầm rồi?

Cũng không nên quá lo lắng. Chúng ta cứ chờ cây lớn lên, thụ phấn, ra hạt. Khi nào có hạt là chúng ta có thể phân biệt được đấy có phải là lúa cổ hay không.

Nghĩa là chỉ bằng mắt thường là có thể phân biệt được lúa cổ với lúa thường?

Đúng thế. Chúng ta có thể dựa vào các hình thái của cây để phân biệt. Có tới có tới 62 tính trạng về mặt hình thái (trong đó có 32 tính trạng quan trọng) có thể phân biệt được. Ví dụ, nếu cây lùn thì đấy không phải là lúa cổ (lúa cổ phải là lúa có thân cao), hạt thóc cổ thông thường cũng tròn hơn…

GS vừa nói chúng ta cứ chờ xe cây ra hạt thì biết, nhưng nhỡ cây không sống được thì sao, mùa này nhiều nắng nóng, nhiệt độ cao, liệu cây có sống được?

Tôi nghĩ là chúng ta đang thổi phồng sự việc lên. Việt Nam là một đất nước của lúa, chẳng phải lúa vẫn đầy ngoài đồng ruộng. Xuân hè đều có lúa. Những hạt thóc được tìm thấy ở Thành Dền đã mọc lên cây rồi thì không có gì phải lo ngại cả. Với nhiệt độ này thì nó phát triển bình thường. Các bạn nên nhớ, để một hạt thóc có thể nảy mầm thì phải phụ thuộc vào một số yếu tố là gene nảy mầm và môi trường (nhiệt độ, độ ẩm của không khí, tỉ lệ nước trong hạt).

Nếu không đáp ứng được yêu cầu này thì cây sẽ không nảy mầm. Nhưng thực tế, các hạt thóc ở Thành Dền đã nảy mầm. Vậy thì không có gì phải lo cả. Chúng ta hãy chờ cây ra hạt rồi so sánh các tính trạng về mặt hình thái như :màu sắc của hạt, hình dạng của hạt, thân cây…là có thể biết được đó có phải là lúa cổ không.

Chờ ra hạt rồi hãy tính tiếp

Hiện nhóm nhà khai quật ở Thành Dền đang có ý định mang các hạt trấu đi phân tích để xác định niên đại thật của những hạt thóc này? Theo GS là có cần thiết không?

Nếu họ có kinh phí thì cứ làm thôi. Nhưng cho đến thời điểm này, chưa có cái gì khẳng định đấy là lúa cổ. Nếu giờ chúng ta gửi vỏ trấu đi phân tích, mà cây ra hạt lại không phải là lúa cổ thì có phải là mất công không. Hãy đợi đến khi chúng ta khẳng định được đây là lúa cổ đã.

Cây lúa không phải là cây có vòng đời vài chục năm hay vài trăm năm mà chúng ta phải vội vàng đi làm xét nghiệm này, xét nghiệm khác. Vòng đời của cây lúa chỉ vài tháng. Nó có 2 khả năng, nếu cây phản ứng với ánh sáng ngày ngắn thì đến tháng 10 mới ra hạt, còn nếu là cây vụ chiêm thì nó vẫn trổ như thường. Chúng ta hãy chờ cây lúa mọc lên, thụ phấn rồi cho hạt để biết chắc có phải là lúa cổ không rồi hãy tính tiếp.

Nhưng việc nhìn hình thái thì chỉ phát hiện được nó là hạt lúa cổ hay lúa thường chứ không thể nào biết được nó có niên đại bao nhiêu?

Đúng thế. Chúng ta hãy đợi đến khi cây trổ bông để biết được hạt thóc đó có phải là thóc cổ không rồi lúc đó hãy mang hạt đi phân tích.

Nhưng nhỡ cây không ra hạt được?

Đến lúc đó thì lại có cách khác, người ta có thể dùng các biện pháp khác, phân tích thân cây, rễ, làm ở góc độ tế bào, nhiễm sắc thể…. Phân tích tế bào không được thì người ta lại làm sâu nữa là lá cắt. Cứ làm dần dần thôi. Kể cả nó không ra hoa kết quả thì vẫn có thể phân tích tiếp được.

Lúa cổ chưa chắc đã phải là lúa quý

Thưa GS, nếu vài tháng nữa, khoa học chứng minh được hạt thóc ở Thành Dền là hạt thóc cổ, thì điều này có ý nghĩa như thế nào?

Nếu xác định được thì sẽ rà lại được nguồn gốc lúa của thế giới, trong đó cái có Việt Nam. Nó sẽ cho ta hiểu thêm về nguồn gốc của cây lúa ở Việt Nam…

Vậy theo ông lúa cổ có những tính trạng nào đặc biệt?

Chưa có nghiên cứu nào về giống lúa cổ thì không biết được, chỉ biết là trong nhóm giống lúa địa phương thì có các gen quý như chống bệnh, có mùi thơm…Cứ chờ đến lúc ra hạt, phân tích xem nó có gene gì đặc biệt không đã?

Vậy nếu đúng là lúa cổ nhưng nó không có gen lạ nào thì nó sẽ vô nghĩa về mặt giống cây trồng?

Đúng vậy!

Vậy nếu phát hiện ra gene mới thì sao?

Điều đó là tốt, nhưng cũng chỉ bình thường thôi. Nó sẽ bổ sung vào ngân hàng gen giống lúa thôi. Mình đừng có dốc hết tiền nong các thứ để đi làm xét nghiệm cho nó phí ra, chỉ cần vài tháng nữa là biết ngay.

Nghĩa là không cần phải quá chú tâm vào việc này?

Đúng vậy, nhiều khi bón nhiều phân quá cũng làm cho cây nó bị chết. Không có gì ghê gớm cả. Nếu đã nảy mầm, thành cây, có lá, thì cứ để cho nó sống một cuộc sống bình thường chứ đừng chăm quá kỹ. Hơi nóng là đưa vào trong nhà cũng không nên, vì cây lúa có khả năng chống chịu với thời tiết rất tốt.

Xin chân thành cảm ơn GS.

[Đánh giá kinh phí để phân tích được đầy đủ các thông số về hạt thóc này PGS.TS Nguyễn Văn Hoan, GĐ Viện Nghiên cứu Lúa – ĐH Nông nghiệp Hà Nội cho rằng: Để đánh giá sơ sơ cũng mất ít nhất khoảng 200 triệu đồng. Nếu làm đầy đủ thì mất khoảng 2,7 tỷ đồng. Đó là giá trong nước nhé. Nếu mang ra nước ngoài thì chi phí sẽ gấp khoảng 10 lần như thế.]

_________________________________________________________

Posted in Chuyện Sinh học, Khảo cổ, Khoa học & Công nghệ, Kinh tế, Tin tức nổi bật | Thẻ: , , , | Leave a Comment »

Bộ xương của người rừng

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Năm 24, 2010

Nguyễn Cảnh Dũng

– Từ trước đến nay các tài liệu vẫn nói rằng, đười ươi đã không còn xuất hiện ở lục địa cách đây 8.000 năm. Thế nhưng năm 1998, một người dân vô tình tìm thấy bộ xương của mẹ con đười ươi còn khá nguyên vẹn ở xã Cao Răm (Hoà Bình). Từ bộ xương này, các nhà khảo cổ đã chứng minh, đười ươi chỉ mới biến mất cách đây 4.000 năm.

Phát hiện của thợ săn

Anh Bùi Văn Long là một thợ săn có hạng ở Cao Răm. Một hôm đi săn trên núi Sáng, anh lạc vào hang đá lúc nào không hay. Hang đá nằm giữa đỉnh núi, muốn vào hang phải bắc thang dây mới trèo lên được. Lần đó vì mải đuổi theo một con trăn khổng lồ nên anh quên cả hiểm nguy. Anh Long là người đầu tiên ở Cao Răm dám đặt chân vào hang đá giữa đỉnh núi này (sau này người dân đặt tên là hang núi Sáng).

Vừa lọt vào cửa hang, hơi lạnh phả ra khiến toàn thân anh ớn lạnh. Càng đi sâu vào trong hang mùi ẩm mốc bốc lên ngột ngạt. Vào tới đáy hang trời tối như hũ nút.

Dưới ánh sáng lờ mờ của ánh đèn săn, anh Long bỗng giật bắn mình khi phát hiện ra một cái đầu lâu nổi lên trên vũng đất mềm, hai hốc mắt to tròn, những chiếc răng cửa còn nguyên vẹn. Sau một phút giật mình, anh Long đã trấn tĩnh lại rồi tiến lại nhấc chiếc đầu lâu lên phát hiện thấy không chỉ một mà có đến hai cái đầu lâu, một lớn, một bé.

Hoảng hốt, anh chạy về bản và hỏi những cụ cao niên nhưng chẳng ai biết gì. Sáng sớm hôm sau anh lên báo cho UBND xã Cao Răm biết, cả đoàn tức tốc leo lên hang đá một phen. Sau những miệt mài tìm kiếm dưới lớp đất bùn nhão, đoàn đã thu hồi được nhiều xương cốt.

Viện Khảo cổ học Việt Nam về giám định và đã khẳng định những di cốt trên là hai bộ xương đười ươi. Một bộ còn khá nguyên vẹn là di cốt của một cá thể đã trưởng thành, còn bộ di cốt không còn nguyên vẹn là di cốt của một con chưa trưởng thành.
Ông Lê Quốc Khánh, phó giám đốc Bảo tàng Hoà Bình nhận định: “Có thể hai mẹ con đười ươi đã vào hang kiếm ăn nhưng do hang tối nên bị rơi xuống và chết ở đó bởi chỗ tìm thấy xương là giếng sâu hàng chục mét”.

Mở ra những nhận định mới

Từ phát hiện mới này, đặt ra vấn đề liệu đười ươi ở Việt Nam bị tuyệt chủng từ giai đoạn nào? Các nhà nghiên cứu cho rằng đười ươi hầu như bị tuyệt chủng trên dải đất này từ thời đá mới. Trong các di chỉ khảo cổ học thuộc Văn hoá Hoà Bình chưa hề tìm thấy xương răng của đười ươi.

Di tích muộn nhất được biết đến của giống đười ươi ở Việt Nam là các di tích răng hàm dưới của đười ươi tìm thấy ở Mái Đá Ngườm trong vùng Thần Sa (Thái Nguyên) xác định niên đại bằng phương pháp phóng xạ cacbon (C14) thì cách đây 23.000 năm.

Ông Khánh nhận định: “Di cốt đười ươi tìm thấy ở núi Sáng chứng minh đười ươi chỉ cách chúng ta 4.000 – 5.000 năm chứ không phải là 8.000 năm như từ trước đến nay vẫn khẳng định”.

Đã có giả thuyết cho rằng khoảng 20.000 năm trước đây, mực nước biển ở toàn vùng Đông Nam Á ở vào thời kỳ cực thấp. Khi ấy con người và động vật có thể di chuyển dễ dàng khắp vùng Đông Nam Á hải đảo. Khí hậu toàn vùng lúc đó ấm áp, rừng cây nhiệt đới phát triển rất mạnh, đười ươi sinh sôi và phát triển cả trên một vùng rộng lớn.

Sau thời kỳ ấm áp này là một đợt lạnh toàn cầu xuất hiện và những đàn đười ươi phải di chuyển dần về phương Nam, đến các vùng mà nay là hải đảo của Đông Nam Á. Tiếp đó khí hậu toàn cầu ấm trở lại, đồng thời mực nước biển dâng cao nhấn chìm nhiều vùng trước đây là lục địa và phân cách đất liền với hải đảo.
Lúc này những con đười ươi đã di chuyển về phương Nam nay không thể vượt biển để trở về đất liền. Bởi vậy, trong khoảng một vạn năm trở lại đây, các nhà khảo cổ đã không thể tìm thấy chứng tích của đười ươi trong các di chỉ. Người ta tin rằng đười ươi đã bị tuyệt chủng ở Việt Nam từ thời điểm này.

Hai bộ di cốt trên theo cảm nhận của giới chuyên môn thì mức độ hoá thạch chưa cao và sẽ trả lời nhiều câu hỏi khoa học mà từ trước đến nay vẫn còn tranh cãi.

_________________________________________________

Posted in Chuyện Sinh học, Di tích, Khảo cổ | Thẻ: , , , | Leave a Comment »

Xôn xao chuyện hạt thóc 3.000 năm nảy mầm

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Năm 18, 2010

Mấy ngày gần đây, dư luận đang xôn xao về việc nảy mầm của những hạt thóc cổ thụ được tìm thấy tại di chỉ khảo cổ Thành Dền (Mê Linh, Hà Nội) thuộc nền văn hóa Đồng Đậu có niên đại cách đây 3.000 – 3.500 năm. Tuy nhiên, không ít người đặt câu hỏi nghi ngờ về niên đại của những hạt thóc cổ này.

Những hạt thóc cổ này mầm

Vào ngày 14/05 vừa qua, PGS. TS. Lâm Thị Mỹ Dung, người phụ trách đợt khai quật Thành Dền đã cho biết, trong đợt khai quật di chỉ Thành Dền, bà và các nhân viên khảo cổ khác đã phát hiện những hạt thóc và gạo bị cháy xém.
Bà Dung cho biết, đây hoàn toàn không phải là phát hiện quá hy hữu, vì trong các đợt khai quật trước đây, các nhà khảo cổ cũng tìm thấy những hạt thóc, gạo thuộc các nền Văn hóa Tiền Đông Sơn, Đông Sơn tại khu di Vườn Chuối (huyện Đan Phượng, Hà Nội) và Đồng Đậu (tỉnh Vĩnh Phúc).
Tuy nhiên, điều khiến bà Dung kinh ngạc là khi bà đem ngâm những hạt thóc này trong nước thì khoảng 2 ngày sau có những hạt thóc đã nảy mầm, đâm lá.
Như vậy, những hạt thóc cổ sau ít nhất 3000 năm ngủ yên đã nảy mầm, đâm lá. Đây là chuyện khiến các nhà khoa học vô cùng ngạc nhiên và “không thể lý giải được”.
Nếu như những hạt thóc nảy mầm thực sự là những hạt thóc cổ có niên đại 3.000 năm, đây sẽ là một phát hiện có ý nghĩa cực kỳ to lớn về lịch sử, khảo cổ và chọn tạo giống.

Những ý kiến trái chiều

Trước thông tin gây sửng sốt giới khảo cổ này, nhiều nhà khoa học cũng đã đặt ra những nghi vấn về niên đại thực sự của những hạt thóc cổ này.
GS. TS Võ Tòng Xuân cho rằng: “Hạt thóc không tiếp xúc với nước, đóng thật kín lại có thể sống 100 năm. Việc những hạt thóc nảy mầm sau 3000 năm là chuyện hy hữu, xưa nay chưa từng có”.
Cùng quan điểm với GS. Xuân, TS. Lê Huy Hàm, Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp, người đang trực tiếp nghiên cứu 8 hạt thóc nảy mầm do các nhà khảo cổ gửi đến cũng nói rằng, về lý thuyết và thực tiễn, khó có hạt thóc nào có thể tồn tại trong suốt 3000 năm trời.
Trong khi đó, GS Nguyễn Lân Dũng, Viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học, thì cho rằng, những hạt thóc nảy mầm này rất có thể là do bị lẫn vào hoặc do chuột đưa xuống.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Bộ, Viện trưởng Viện Khoa học Nông nghiệp thì mặc dù về nguyên lý, rất khó có hạt thóc 3.000 năm tuổi nảy mầm và “chúng ta không loại trừ được khả năng này, vì rất có thể những hạt thóc đó được bảo quản trong môi trường đặc biệt mà con người chưa biết tới”.
Về phía PGS. TS. Lâm Thị Mỹ Dung, với tư cách là người phụ trách khai quật tại di chỉ này, bà Dung khẳng định: “Những hạt thóc này được lấy ra từ các hóc rác bếp thuộc văn hóa Đồng Đậu, tiền Đông Sơn, cách ngày nay 3.000 – 3.500 năm”.
Hiện tại, các nhà khoa học đang tiếp tục nghiên cứu những hạt thóc nảy mầm. Theo TS. Lê Huy Hàm, hiện tại các hạt thóc này đang được chăm sóc cẩn thận và theo dõi kỹ lưỡng.
Sau khoảng 5 tháng nữa, khi các hạt thóc này trổ bông và cho thu hoạch, viện sẽ tiến hành giải trình tự gen của hạt thóc, đối chiếu với trình tự gen của giống lúa hiện đại và sẽ đưa ra kết quả chính thức về niên đại của những hạt thóc này.

L.V (Tổng hợp)
__________________________________________________________

Posted in Chuyện lạ, Khảo cổ | Thẻ: , , | Leave a Comment »

Khám phá bí ẩn nhà có mái hình mai rùa

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Năm 9, 2010

Phan Duy Kha

Trống đồng Ngọc Lũ và sử thi Đẻ đất đẻ nước đều phản ánh một sự thật về nhà mái vòm khum khum như mai rùa trong thời tiền sử. Điều đó càng củng cố niềm tin của chúng ta về một nguồn gốc chung của người Việt và người Mường từ thời đại Hùng Vương dựng nước.

Từ sử thi Đẻ đất đẻ nước

Trong sử thi Đẻ đất đẻ nước của người Mường có một đoạn nói về con rùa bày cho Thủ lĩnh Lang Cun Cần cách làm nhà để ở: “Bốn chân là bốn cột cái, cái mai là mái nhà, xương sống là đòn nóc, xương sườn là rui, miệng là cửa ra vào ở phía trước, đuôi là cửa ra vào ở phía sau…”.

Truyền thuyết trên đây phản ánh một thực tế thời tiền sử: Những cư dân Việt – Mường cổ đã nhìn vào con rùa mà nghĩ ra cách làm mái nhà che mưa che nắng. Nhưng nếu như thế thì nhà sàn thời tiền sử phải có mái khum khum hình mai rùa, cửa ra vào phải ở phía trước và phía sau theo chiều dọc của nhà chứ không phải nhà sàn mái nhọn có bờ nóc như hiện nay.

Tuy nhiên, ngày nay chúng ta đi khắp đất nước, tất cả các loại nhà sàn của các dân tộc từ phía Bắc vào phía Nam đều chỉ thấy nhà mái nhọn có bờ nóc chứ không thấy nhà sàn có mái khum khum như mai rùa.

Hai loại nhà sàn trên trống đồng Ngọc Lũ

Để ý trên bề mặt trống đồng Ngọc Lũ chúng ta thấy thể hiện bốn căn nhà sàn, trong đó có hai căn nhà mái vòm, được người xưa khắc họa theo lối trắc diện (tức mặt cắt – pro fill), vì vậy vừa nhìn thấy cột nhà, mái nhà, hai bên vách phía trong nhà và cả người đứng bên trong.
Nhìn mặt cắt ngang của nhà, ta thấy rất giống hình cắt ngang của con rùa, trên nóc là mai rùa khum khum. Hai bên vách cũng không thẳng đứng mà nghiêng về phía trong. Dưới bụng cũng hơi võng xuống như yếm rùa.

Còn loại nhà thứ hai được khắc họa theo lối trắc diện dọc: Hai đầu hồi có đầu đao cong vút lên. Trên nóc nhà là hình con chim đang đậu. Ngôi nhà sàn này gần giống như các nhà sàn ở miền núi hiện nay, tức là loại nhà mái nhọn có bờ nóc. Đối diện phía bên kia tâm trống cũng có một ngôi nhà thứ hai như thế.
Như vậy, trên bề mặt trống đồng Ngọc Lũ có bốn ngôi nhà: Hai ngôi nhà mái khum khum kiểu mai rùa và hai ngôi nhà mái dốc giống các ngôi nhà sàn hiện nay.

Từ những điều trên đây có thể nhận định: Thoạt đầu, con người làm nhà mái khum theo lối mai rùa; Dần dần, người ta thấy rằng làm nhà mái khum do độ dốc mái không lớn, dễ bị dột, nên người ta đã cải tiến làm nhà mái nhọn có bờ nóc.
Trường hợp này, mái nhà sẽ dốc hơn, đỡ bị dột hơn. Trên trống đồng Ngọc Lũ số nhà mái khum và mái nhọn như nhau chứng tỏ rằng đây là thời kỳ mà trong cộng đồng cả hai loại nhà cùng song song tồn tại. Niên đại của trống đồng Ngọc Lũ là 2.500 năm cách ngày nay, tức nằm trong khoảng niên đại của thời kỳ Hùng Vương.
Như vậy là vào thời kỳ Hùng Vương, trên đất nước ta phổ biến hai loại nhà sàn mái khum và mái nhọn; Trải qua hàng ngàn năm, nhà mái nhọn có bờ nóc ưu việt hơn, chiếm ưu thế. Nhà mái khum giảm dần, sau đó mất hẳn. Ngày nay, dấu vết còn sót lại của chúng là các mui thuyền. Mui thuyền nào cũng có hình khum khum như mai rùa. Nhà sàn của đồng bào các dân tộc thiểu số ngày nay cũng thường mở cửa lên xuống ở đầu hồi, đây cũng là dấu vết của kiểu nhà hình mai rùa ngày xưa, tức là trổ cửa theo chiều dọc nhà.

________________________________________________

Posted in Di tích, Khảo cổ, Văn hóa các dân tộc | Thẻ: , , | Leave a Comment »

Phát hiện mới về sự tiến hóa của loài người

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Tư 9, 2010

Những minh chứng khoa học công bố ngày 9/4 đã bổ sung một mắt xích còn thiếu trong quá trình tiến hóa từ người tối cổ lên người hiện đại, viết thêm một chương mới trong sự tồn tại và quá trình phát triển của loài người…

Các nhà khoa học Australia đã tiến hành nghiên cứu đối với 2 bộ xương hóa thạch khá hoàn chỉnh của một loài sinh vật giống người, được đặt tên khoa học là “Australopithecus sediba.”

Hóa thạch được phát hiện ở trạng thái còn gần như nguyên vẹn trong một hang động ở Nam Phi năm 2008.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, các hóa thạch này thuộc về một “phụ nữ trưởng thành” và một “trẻ khoảng 10 tuổi” có niên đại cách đây 1,78 đến 1,95 triệu năm.

Hóa thạch cho thấy 2 sinh vật này cùng cao khoảng 1,27m và nặng khoảng 27-33kg khi qua đời, trong khi đó bộ não của chúng bằng 1/3 kích thước của não bộ loài người hiện đại.

Hai sinh vật này có cánh tay dài giống loài vượn nhưng ngắn và khỏe khoắn hơn.

Khung xương chậu của chúng đã tiến hóa hơn, răng nhỏ hơn và đôi chân phát triển dài hơn khiến chúng có thể đứng, đi thẳng và thậm chí là chạy giống như loài người hiện nay, trong khi vẫn có thể leo trèo như loài vượn.

Tiến sĩ Andy Herries, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết đây là phát hiện quan trọng nhất trong nhận thức khoa học về giai đoạn chuyển tiếp trong quá trình phát triển của người tối cổ mang hình dáng giống vượn (não bộ nhỏ) và dòng giống đầu tiên của người hiện đại (tên khoa học là “Homo habilis,” có não bộ phát triển lớn hơn).

Phát hiện này được xem như chiếc chìa khóa mở ra cánh cửa bí mật về bước chuyển của nhân loại từ cuộc sống trên cây xuống môi trường sống dưới mặt đất.
Hóa thạch được tìm thấy trong một hang nhỏ (trước đây từng là một hầm mỏ) nằm trong khu vực Di sản nguồn gốc nhân loại thế giới, một khu vực rộng 500km vuông, cách thành phố Johannesburg (Nam Phi) 40km về phía Tây Bắc.

Đây cũng là địa điểm có nhiều hóa thạch được phát lộ liên quan đến quá trình tiến hóa của loài người nhất trên thế giới.

Trước đây, chỉ có một số ít hóa thạch của “Homo habilis” được phát lộ, trong đó đa số chỉ là vài mảnh xương vỡ.

Trong quá trình phát triển từ người tối cổ đến người hiện đại, giới khoa học từng biết đến hai hóa thạch người tối cổ nổi tiếng là “Lucy,” tồn tại cách đây 3,2 triệu năm và “Ardi,” có niên đại cách đây 4,4 triệu năm.

(Theo TTXVN)
_____________________________________________

Posted in Chuyện lịch sử, Khảo cổ | Thẻ: , , | Leave a Comment »