NGÔN NGỮ & VĂN HÓA

CHÚC MỪNG NĂM MỚI

Archive for the ‘Mỹ thuật’ Category

Nghệ thuật Việt Nam đang giậm chân tại chỗ?

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Mười 4, 2011

(HNM) – Một giáo sư Mỹ, người có nhiều công trình nghiên cứu về mỹ thuật Việt Nam, khi trả lời phỏng vấn một tạp chí nước ngoài đã nói, đại ý rằng mỹ thuật Việt Nam dường như giậm chân tại chỗ, không bắt kịp thẩm mỹ hiện đại. Giáo sư này cũng cho rằng chặng sau của các họa sỹ thành công là sự đi ngang hoặc đi xuống, vì thế nên giá tranh thấp hơn hàng chục lần so với các họa sỹ Indonesia…

Thực ra không riêng gì mỹ thuật, nhiều loại hình nghệ thuật trong nước đang theo lối mòn. Sân khấu chạy theo thị hiếu bằng việc chọn một kịch bản có cốt truyện éo le, bi thương. Hình thức thể hiện quá cũ, vẫn là lớp lang quen thuộc; trang trí sân khấu quẩn quanh vài cái bục, vài tấm vách. Cứ như thể chẳng ai quan tâm công nghệ ánh sáng, âm thanh ngày nay hoàn toàn có thể giúp đạo diễn tạo ra hiệu quả sân khấu khác hẳn. Điện ảnh cũng chẳng hơn gì. Các hãng phim tư nhân chạy theo dòng phim giải trí. Tất nhiên, không thể trách bởi họ cần thu hồi vốn, nhưng bao nhiêu năm nay có hãng chỉ loay hoay với đề tài đồng tính, có hãng pha trộn tí hài, tí tâm lý nhạt nhẽo vào phim… Tác phẩm làm theo đơn đặt hàng chưa thoát ra được tư duy cũ, không cổ xúy được cái mới, không phê phán cái cũ đến nơi đến chốn. Một số phim tham gia các liên hoan quốc tế… cho vui và để đánh bóng nhà sản xuất hơn là hy vọng về giải thưởng.

Âm nhạc khá hơn. Một số ít nhạc sỹ, ca sỹ ý thức được trách nhiệm đi tìm giá trị thẩm mỹ mới, như nhạc sỹ Quốc Trung, Anh Quân, Lê Minh Sơn, Ngọc Đại… tuy không phải ai cũng thành công thực sự. Cách đây mấy năm, người nghe có vẻ không thích CD “Made in VietNam” của ca sỹ Mỹ Linh, nhưng theo nhiều nhà phê bình âm nhạc thì đó là CD có tầm quốc tế. CD “Đường xa vạn dặm” của nhạc sỹ Quốc Trung cũng là sự sáng tạo, kết hợp giữa âm nhạc hiện đại với âm nhạc dân tộc. Tuy nhiên, số đông nhạc sỹ vẫn quen sáng tác các ca khúc “nịnh” tai khán giả bình dân, lười biếng trong sáng tạo. Nghệ thuật Việt Nam được giới thiệu với công chúng nước ngoài trong các chương trình giao lưu văn hóa chủ yếu vẫn là vốn dân gian như rối nước, hát chèo, dân ca… Tính đến thời điểm này, khán giả yêu điện ảnh nước ngoài hầu như chỉ biết đến đạo diễn Việt kiều Trần Anh Hùng. Cũng chưa có một ca sỹ hay nhóm nhạc nào có thể gây chú ý đặc biệt ở châu Âu…

Kinh tế Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới. Trong khi đó, hầu hết các bộ môn nghệ thuật vẫn luẩn quẩn trong ao làng. Nghệ thuật, khi không hướng được người xem, người nghe theo các quan niệm thẩm mỹ mới thì không thể gọi đó là một nền nghệ thuật phát triển.

theo Người Lái Đò
_________________________________________________________

Posted in Âm nhạc, Chuyện hội họa, Mỹ thuật, văn hóa, Điện ảnh | Thẻ: , , | Leave a Comment »

Trình diễn nghệ thuật đương đại hay những trò lố?

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Ba 6, 2011

Anh Cuông

Những năm gần đây, nghệ thuật trình diễn ngày càng “nở rộ” ở Việt Nam với hàng loạt sự kiện trình diễn và biểu diễn nghệ thuật đương đại của các nghệ sĩ. Tuy nhiên, trình diễn như thế nào và dư luận đánh giá ra sao thì đó không phải là câu chuyện của chỉ riêng cá nhân người nghệ sĩ.

Khán giả thỉnh thoảng lại đọc được thông tin đâu đó về những cuộc trình diễn gây sốc bằng những cái tin kiểu như: Nghệ sĩ A … cởi quần đọc báo trong WC, nghệ sĩ B khỏa thân đính lông chim, nghệ sĩ C trình diễn bằng hành xác… Trong hai năm trở lại đây, nghệ thuật trình diễn ở Việt Nam bỗng dưng được mùa với rất nhiều sự kiện đáng chú ý và tốn không ít giấy bút của báo giới.

Cứ trình diễn là… cởi!

Đáng chú ý là cái tên nữ nghệ sĩ L.D.H với ít nhất hai cú sốc cho khán giả với hai chương trình trình diễn của mình. Lần đầu tiên là vào tháng 8 năm ngoái với màn cởi bỏ hết quần áo cho đến khi không còn một mảnh vải che thân, chị lấy hồ dán lên khắp cơ thể rồi nằm giữa đống lông màu xanh. Khi lông phủ lên khắp người, chị bắt một con chim trong lồng, ngậm vào mồm và nhả ra cho con chim bay.

Lần tiếp theo cách đây không lâu, cũng với nữ nghệ sĩ đó, chị dùng bàn là, những miếng bì lợn và cả… da tay của mình để tạo ra hiệu ứng cho khán giả. Có vẻ như L.D.H đã có phần… “ngượng ngùng” với hàng loạt bức ảnh khỏa thân của mình tràn lan trên các báo mạng ở đợt trình diễn trước mà lần này, chị yêu cầu mọi người không quay video và chụp ảnh màn trình diễn của mình. Nhưng ở đâu đó, một vài hình ảnh về màn trình diễn với bì lợn, bàn là và da tay của chị vẫn thấy xuất hiện.

Cũng đáng chú ý không kém trong giới nghệ sĩ trình diễn ở Hà Nội là cái tên L.A.H với những màn trình diễn của mình. Anh có thể đứng làm cột điện bên đường, cho người khác vô tư viết vẽ bậy lên người, thậm chí là… tè vào chân! Lần khác lại thấy anh xuất hiện trên các mặt báo với hình ảnh buổi trình diễn tụt quần đọc sách báo trong WC…

Những màn trình diễn như thế này đã không còn quá xa lạ với nghệ thuật trình diễn ở Việt Nam nữa. Nhưng phải nói ngay rằng, hàng loạt những màn trình diễn như trên đều đa phần tạo ra một tâm lí chung cho khán giả, công chúng khi nhìn nhận về nghệ thuật đương đại nói chung và nghệ thuật trình diễn nói riêng, đó là cứ hễ trình diễn thì phải… cởi quần áo, hoặc phải làm một điều gì đó thật khác người, thật sốc thì mới là trình diễn!

Nghệ thuật hay phản cảm?

Công chúng ngày càng quan tâm hơn đến nghệ thuật, đặc biệt là trình diễn nói riêng và nghệ thuật đương đại nói chung. Vậy ý kiến của phần đông khán giả khi tận mắt chứng kiến, hay theo dõi lại những màn trình diễn “cởi mở” thời gian gần đây như thế nào?

Đa phần ý kiến của khán giả ở trên các trang mạng, báo điện tử đưa tin về vấn đề này đều tỏ thái độ không đồng tình với những màn biểu diễn như thế này. Dù bản thân người trình diễn vẫn thường tiếp thu những ảnh hưởng của lối văn hóa của phương tây, mang nhiều nét đương đại hơn nhưng đây là ở Việt Nam, nơi có văn hóa phương Đông và không dễ chấp nhận mấy kiểu “cởi mở” một cách vô tư trước đám đông như thế. Đó là ý kiến của số đông khán giả trước những “cú sốc” mang tên trình diễn như trên.

Còn nữa, khán giả không chỉ không đồng tình trước những màn biểu diễn trên mà còn tỏ ra khó chịu: “Nếu như muốn nói một cái gì đó cao siêu, sâu xa hơn thì có thể mang đi chỗ khác trình diễn, hoặc chỉ trình diễn trước những nhà nghiên cứu, phê bình nghệ thuật. Còn khi mang ra trình diễn, thì nghệ sĩ phải tôn trọng khán giả chứ”. Chưa nói đến việc một vài ý kiến còn “phản bác” gay gắt màn trình diễn là bàn là vào tay của nữ nghệ sĩ L.D.H: “Là một người lớn mà chỉ nghe kể lại tôi đã thấy rùng mình, thử hỏi những người trẻ tuổi khi trông thấy kiểu “hành xác” đó chúng sẽ nghĩ gì? Ai dám chắc một trong số chúng sẽ không làm theo?”.

Cá nhân người nghệ sĩ để thực hiện được một màn trình diễn cũng có những sự chuẩn bị không nhỏ không chỉ về mặt sức khỏe mà còn về tâm lý, tinh thần. Nhưng nghệ sĩ hãy đừng đưa những “đao búa” của triết lý để làm nền cho những màn biểu diễn phản cảm của mình.

Bởi vì khán giả sẽ càng cảm thấy phản cảm trước những màn trình diễn trái với thuần phong mĩ tục của văn hóa. Và khi đó, e rằng những “ấn-tượng-tốt” hay một vài thông điệp nghệ sĩ mong muốn mang đến đã không còn giữ nguyên giá trị của nó.

____________________________________________________________

Posted in Mỹ thuật, Thuần phong mĩ tục | Thẻ: , , | Leave a Comment »