NGÔN NGỮ & VĂN HÓA

CHÚC MỪNG NĂM MỚI

Archive for Tháng Mười, 2011

Khi công an địa phương lộng hành

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Mười 10, 2011

Công an xã đánh học sinh lớp 9 trọng thương

Ngày 8/10, ông Phạm Văn Bàng ở ấp Long Hòa A, xã Bàn Long, huyện Châu Thành (Tiền Giang) đã gửi đơn tới các cơ quan chức năng tố cáo ông Nguyễn Văn Bổn (phó Công an xã Bàn Long) vô cớ đánh con ông trọng thương.

Theo ông Bàng, khoảng 16h ngày 4/10, trên đường đi học về con ông là Phạm Tấn Bạc (15 tuổi, học sinh lớp 9 Trường THPT Bàn Long) đã bị ông Bổn chặn đường đánh gây thương tích nhiều chỗ: bụng, chân, cổ…

Đáng nói nhất là ông Bổn đánh em Bạc té xuống sông Rạch Gầm. Khi em lồm cồm bò lên bờ thì tiếp tục bị ông Bổn đạp rớt xuống lần nữa và bị cọc đâm thủng chân. Theo ông Bàng, đây là lần thứ hai trong vòng một tháng Công an xã Bàn Long đánh em Bạc. Lần trước em Bạc bị ông Nguyễn Văn Hạnh đánh vì nghi em móc túi người khác. Tuy nhiên do không có căn cứ kết tội em Bạc, công an đã kiểm điểm ông Hạnh.

Ông Nguyễn Đình Chí, trưởng Công an xã Bàn Long, xác nhận ông Bổn có đánh em Bạc vô cớ. “Hành vi đánh người của công an là sai trái, nhất là trong tình trạng đã uống rượu. Đích thân tôi đã chỉ đạo đồng chí Bổn đến nhà nạn nhân để xin lỗi và hỗ trợ tiền thuốc men cho cháu Bạc. Đầu tuần tới chúng tôi sẽ họp kiểm điểm và sẽ có hình thức kỷ luật cụ thể” – ông Chí nói.
(Theo TTO)

Bị can chết, hàng trăm người gây rối trụ sở CA huyện

Lợi dụng 1 bị can tử vong sau khi bị tạm giữ tại nhà tạm giữ Công an huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước. Hàng trăm người đã xông vào trụ sở công an huyện để gây rối trật tự.

Theo thông tin ban đầu, vào sáng 8/10, sau biết người thân của mình tử vong trong lúc bị tạm giữ tại nhà tạm giam, tạm giữ Công an huyện Bù Đốp, chiều tối cùng ngày, người nhà của người chết chở xác đến trước trụ sở Công an huyện Bù Đốp để gây rối. Sau đó, một số kẻ quá khích đã giật đổ hàng rào và cổng trụ sở công an huyện để đưa xác người chết vào sân.

Thượng tá Nguyễn Văn Sáng, Trưởng Công an huyện Bù Đốp, xác nhận người chết tên Thắng, bị can trong 1 vụ án. Nguyên nhân chết do bệnh lý, không có tác động nào của điều tra viên.

Theo nguồn tin của PV, cùng ngày, Công an huyện Bù Đốp cũng đã mời các bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) tới Bù Đốp để phối hợp cùng các cơ quan chức năng tỉnh Bình Phước khám nghiệm tử thi bị can Thắng để điều tra làm rõ nguyên nhân.

Hiện vụ việc vẫn đang được điều tra.

theo Nga Xuân (Bee.net)
_________________________________________________________

Posted in Chuyện pháp luật, Chuyện xã hội | Thẻ: , , | Leave a Comment »

Những nguyên mẫu của Vợ chồng A Phủ

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Mười 10, 2011

Nhà văn Tô Hoài đã từng ao ước được trở về Tà Sùa, Hồng Ngài (Sơn La), cùng các nhà làm phim làm một bộ phim về Mường Dơn. Không biết đã ngoài 90 tuổi, cụ đã thỏa tâm nguyện này chưa nhưng mới đây, nữ nhà báo Hoàng Hường đã lặn lội tìm đến địa danh này. Tại đây, chị đã gặp được những con người được cho là nguyên mẫu thật bằng xương bằng thịt như bước ra từ tác phẩm văn học nổi tiếng Vợ chồng A Phủ của nhà văn Tô Hoài. Nhân tiện, chị đã thực hiện một bộ phim ngắn, hay nói cho đúng hơn là làm ký sự bằng hình ảnh về những nguyên mẫu này.

Thống lý Pá Tra là Mùa Trở La, không phải Mùa Chống Lầu

Hoàng Hường cho biết, sở dĩ chị quyết tâm tìm đến những địa danh đã được nhà văn Tô Hoài nhắc đến trong tác phẩm của mình là vì ngay từ ngày được học tác phẩm này trong trường phổ thông, chị đã rất thích đến những miền đất ấy. Mong muốn đó cứ lớn lên để rồi “không chịu được nữa”, chị khoác ba lô lên đường với hy vọng sẽ tìm được những câu chuyện liên quan đến những địa danh, những con người, dù chỉ là “hậu duệ” của những con người mà nhà văn Tô Hoài đã đưa vào tác phẩm văn học. Tuy nhiên, chính sự “tù mù và liều lĩnh” này đã giúp Hoàng Hường “thu hoạch” được nhiều hơn những gì mình mong muốn.

Đầu tiên, Hoàng Hường tìm đến nhà ông Đinh Tôn, (xã Phiêng, huyện Bắc Yên, Sơn La) người được cho là nguyên mẫu nhân vật A Châu trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ. Qua cuộc “chất vấn” giữa “nhà quay phim nghiệp dư Hoàng Hường” với ông Đinh Tôn, có thể tạm chứng minh được ông Đinh Tôn chính là nguyên mẫu “cán bộ A Châu”.

Theo đó, ông Đinh Tôn gặp nhà văn Tô Hoài năm 1951, khi ông còn chưa lập gia đình và đang làm công tác dân vận và nghiên cứu tình hình lịch sử của người Mèo khu 99 (gồm 1 nửa là xã La Phù, 1 nửa là xã Tường Phù). Theo những gì mà ông Đinh Tôn trả lời phỏng vấn nhà báo Hoàng Hường trong phim thì nhân vật thống lý Pá Tra là từ nguyên mẫu thống lý Mùa Trở La, bố đẻ của thống lý Mùa Chống Lầu.

Ông Đinh Tôn kể: “Bố ông Mùa Chống Lầu độc ác lắm, nhưng đến ông thống lý Mùa Chống Lầu, các đồng chí ta lại thuyết phục được ông ấy đi theo cách mạng, ông đã xây dựng cơ sở, vận động tất cả người Mèo vùng 99 và vùng Kim Bon theo cách mạng. Tức là bố ông thống lý thì độc ác nhưng bản thân ông thống lý thì lại đi theo cách mạng. Thế nên nhà văn Tô Hoài cũng không nói ông Mùa Trở La mà nói thống lý Pá Tra. Bởi vì nếu lấy tên ông Mùa Trở La làm tên nhân vật luôn thì ảnh hưởng đến ông Mùa Chống Lầu. Khi đó ông Lầu đang là ủy viên Ủy ban Mặt trận tổ quốc khu Thái – Mèo, còn tôi là ủy viên Hội đồng nhân dân khu. Tức là nguyên mẫu của nhân vật thống lý Pá Tra là ông Mùa Trở La, là bố ông Mùa Chống Lầu, chứ không phải là Mùa Chống Lầu như nhiều người nghĩ”.

Giải thích về các nguyên mẫu khác, ông Đinh Tôn cho biết: “A Sử chết lâu rồi. Các nhân vật A Phủ, A Sử, A Mỵ, tên thật của họ cũng là như vậy thôi. Nhưng giấu cái họ đi. Ngay cả tôi, ban đầu anh Tô Hoài cũng lấy tên tôi ra, nhưng tôi nói rằng như vậy cũng không hay, vì cần phải gắn vào đồng bào dân tộc, cần phải tôn lên cái người dân tộc họ làm nên lịch sử. Vì thế, ngay cả các nhân vật A Phủ, A Sử cũng không có họ. Người Mèo có 12 họ, thì các nhân vật cũng không lấy họ nào cả, mà cứ lấy họ A vào đấy thôi. A là cái tên đệm chung. Bây giờ lấy A Phủ, A Sử, A Châu ra hỏi thì không ai biết cả. Nhưng nghe cái tên đó biết A Châu dân tộc Mông là được rồi”.

Nguyên mẫu A Mỵ thật vẫn còn sống

Nguyên mẫu A Châu Đinh Tôn (sinh năm 1930), nguyên quán ở Vạn Yên, Phú Yên, gốc là người Mường. Ông thoát ly từ năm 15, 16 tuổi và gần như đã đi khắp Sơn La để tham gia công tác dân vận. Năm 1983, ông về ở xã Phiêng, huyện Bắc Yên, Sơn La cho đến bây giờ. Ông có hai vợ. Người vợ thứ nhất đã mất năm 1999, lấy người vợ thứ hai cũng đã có nhiều con cháu. Hoàng Hường kể: “Đến nhà “cán bộ A Châu”, điều tôi ám ảnh nhất không hẳn là những câu chuyện ông kể về những nguyên mẫu trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ của nhà văn Tô Hoài mà là căn nhà ông đang ở. Nó quá dột nát. Ông có 7 người con, hiện 6 người còn sống. Người con thứ hai của ông từng thi ĐH Xây dựng ở HN thừa 2 điểm nhưng không theo học mà ở nhà đi làm, được 7 năm thì ngã bệnh qua đời. Còn 6 người con còn lại, có 3 nữ đều là giáo viên, còn 3 con trai thì 1 là thiếu tá, 1 là trung tá ở công an tỉnh. Nhà chưa làm lại được là vì con cháu ông bà đều công tác xa nhà, có khi cả năm mới đáo về thăm ông bà được một lần!”.

Chưa hết cảm động bởi đã gặp được nguyên mẫu trong tác phẩm văn học mà mình mê mẩn từ ngày còn ngồi trên ghế nhà trường, Hoàng Hường còn sướng rơn khi được “cán bộ A Châu” cho biết, nhân vật A Mỵ hiện vẫn còn sống, nhưng không phải ở Phiềng Sa như trong truyện của Tô Hoài đã viết mà ở bản Lung Tang, cũng thuộc Hồng Ngài, nhưng cách khoảng một ngày đường rừng, băng qua sông và đôi khi phải đi bằng “tứ chi”.

Tài sản lớn nhất của A Mỵ là cái cối đá

Mặc dù “cán bộ A Châu” khẳng định “chắc như đinh đóng cột” rằng vợ chồng A Phủ vẫn còn sống hoặc chí ít còn để lại hậu duệ nhưng Hoàng Hường vẫn tỏ ra hoài nghi, vì lâu nay, nhiều người vẫn đồn vợ chồng A Phủ đã mất.

Sau khi vượt qua những cung đường lầy lội với một bên là núi cao, một bên là vực sâu “bồng bềnh mây trắng”, Hoàng Hường đã đến được Lung Tang và bắt đầu cuộc tìm kiếm vợ chồng A Phủ với sự hỗ trợ của của người thông dịch viên kiêm xe ôm mà chị đã thuê được ngoài thị trấn huyện. Gần hết chiều, “quý bà” Hoàng Hường may mắn gặp được “quý tử” của vợ chồng A Phủ tên là Lầu A Lia.

Hoàng Hường kể: “Sau một hồi trò chuyện, Lầu A Lia bảo hai người chị tìm là bố mẹ tôi. Nghe vậy tôi mừng khôn tả, nhưng khi tôi hỏi: Bố anh còn sống không? Anh nói với tôi: Bố tôi chết rồi. Chết từ ngày con gái đầu của tôi nó thấp bằng con dao. Bây giờ con cháu nó lấy vợ, lấy chồng, đẻ con, đẻ cái hết rồi. Tôi hỏi thế cháu anh được mấy tuổi rồi thì Lầu A Lia cũng chỉ nói: Không biết mấy tuổi, chỉ biết là đẻ từ mùa rẫy trước. Bà thì còn sống, đang xay ngô trong nhà”.

Mừng quá, tôi chạy thẳng vào nhà. Đến cửa, đập vào mắt tôi là một cụ bà mà theo tôi là rất đẹp và phúc hậu. Nhìn cụ tôi đoán có khi cụ cũng phải xấp xỉ trăm tuổi. Cụ vẫn minh mẫn, tay trái cầm một bát sắt to như chiếc mũ bảo hiểm đụng đầy hạt ngô, tay phải đang bón ngô vào trong lòng cối cho đứa cháu xay mèn mén. Nhà cụ rất nghèo và thiếu thốn đủ thứ. Thậm chí, tôi nghĩ cái cối đá chính là tài sản lớn nhất, có giá trị nhất đối với gia đình cụ. Không có cái cối đá ấy, hẳn gia đình cụ còn khổ hơn rất nhiều”.

Người được cho là nguyên mẫu A Mỵ làm “quý bà” Hoàng Hường hết sức xúc động ấy tên thật là Mùa Thị La. Cụ không nói được tiếng Kinh nên qua người thông dịch, Hoàng Hường chỉ biết “A Mỵ” xưa kia ở xã Háng Chú (Bắc Yên) rồi đi sang Háng Dia, nhưng ở đó có nhiều dịch bệnh, ốm đau nên sau giải phóng thì chuyển về ở Tà Sùa. Cụ và Lầu A Phử (trong truyện tên là A Phủ – PV) từng ở nhà ông thống lý Mùa Chống Lầu. Giữa cụ và A Phử là chỗ thân quen, gặp nhau vào dịp chơi tết. Sau này “hai cái bụng ưng nhau” nên A Phử rủ anh em đến đón cụ về làm dâu, từ đó thành vợ, thành chồng! Có với nhau được cả thảy 6 người con, lo gia thất được cho 4 người thì đổ bệnh nhưng không rõ là bệnh gì mà chỉ biết “đau cái bụng”. Sau một thời gian thì ông khuất núi!…”

Tìm được nhân vật có cuộc đời nô lệ còn hơn cả Mỵ

Câu chuyện mà cụ A Mỵ kể lại chừng như đơn giản hơn so với những gì mà Mỵ trong Vợ chồng A Phủ của nhà văn Tô Hoài mà nhiều người đã biết. Nhưng cũng thật tình cờ, trong chuyến đi tìm vợ chồng A Phủ, Hoàng Hường còn vô tình “chộp” được một nhân vật không phải bước ra từ văn học nhưng có chặng đời lại thật như nhân vật A Mỵ đến nỗi khó tin, ở xã Chiềng Công, huyện Mường La, cách xa Hồng Ngài cả trăm km.

Nhân vật này nguyên là nữ thẩm phán người dân tộc Mông đầu tiên của tỉnh Sơn La. Theo đó, năm 12 tuổi, bà Lý bị bán về làm dâu nhà tào phán (thống lý = chủ tịch xã; tào phán = trưởng thôn) Mùa A Mang, làm vợ con trai tào phán là Mùa Súa Tình khi đó cũng 12 tuổi. Những năm bà Lý làm nô lệ, bà không có quyền ăn, không có quyền nói. Nhà chồng ăn thì bà phải vào buồng. Đến lúc bà ăn thì chỉ ăn bí đỏ nấu không bỏ hạt với canh rau chua trộn cơm ngô sền sệt như ăn cám lợn. Không chỉ liên tục phải ngồi trong buồng “nhìn qua cái lỗ vuông vuông bằng bàn tay” mà bà Lý còn liên tục bị chồng cho ăn no đòn. Đánh, đánh thừa sống thiếu chết. Đánh mà không vì cái tội gì cả. Đặc biệt, cú phi cả một cây củi vào mạng sườn của ông chồng “trẻ con” đến giờ mỗi khi trái gió, trở trời lại khiến bà Lý mếu máo vì đau. Thậm chí, mỗi khi nhớ lại những trận đòn thù của “người xưa”, bà không ngần ngại “chửi vọng”: “Thằng chó chết, mày ác. Mày chết đã hơn 40 năm rồi, xương mày đã bị mối ăn hết rồi mà chỗ mày đánh tao vẫn còn đau”.

Bà Lý làm vợ, hay nói cho đúng hơn là làm nô lệ cho cái gia đình “chó chết” đó được 8 năm. Đến năm 1955, thành lập Khu Tự trị Thái Mèo, bà mới được giải phóng khỏi cuộc đời nô lệ, được cho đi học và trở thành “bà thẩm phán”.

“Vợ chồng A Phủ” đã trở thành “di sản”

Bây giờ, những thống lý không còn nữa, những dinh thự gắn với những cơn ác mộng của những người nô lệ đã thành quá khứ, nhưng tập tục cổ xưa của người Mông như bắt vợ gán nợ như Mỵ trong Vợ chồng A Phủ thì vẫn còn, nhưng trên tinh thần thỏa thuận đàng hoàng và sòng phẳng chứ không “cướp giật” theo nghĩa đen.

Hoàng Hường cho biết: “Ông chủ tịch xã nói với tôi; hiện nay, tập tục ấy vẫn giữ, nhưng giữa đôi bên “thông gia” hoặc đôi nam nữ đã “nháy” nhau trước rồi chứ không “cưỡng chế” như xưa nữa. Điều đó chứng tỏ nhận thức đã làm cho người Mông ở nơi đây tiến bộ hơn rất nhiều! Có chăng, cái tồn tại lâu nhất vẫn chưa xóa được ấy là cái nghèo, cái khổ, cái khó của bà con vẫn còn đeo đẳng lấy họ mà thôi”

Theo “quý bà” Hoàng Hường cho biết thì hiện nay, những vùng đất của “thống lý Pá Tra” xưa vẫn ngút ngàn và màu mỡ. Cách trung tâm thị trấn Bắc Yên khoảng 8km, hang A Phủ (xã Hồng Ngài, Bắc Yên, Sơn La) vẫn còn “hoang sơ như thời tiền sử”. Hang này được cho là nơi trú ẩn của A Phủ và Mỵ sau khi cùng nhau chạy trốn khỏi nhà thống lý và sau này cũng là nhà trú ẩn của bộ đội trong khi hành quân để tăng cường cho chiến dịch Tây Bắc 1952. Nếu cái hang này trở thành một “vệ tinh” trong bản đồ, xin tạm gọi “theo dấu chân A Phủ” thì đó sẽ là một trong những chặng dừng chân ý nghĩa khi đến với miền đất và những con người như bước ra từ văn học…

Theo Huy ThôngTT&VH
__________________________________________________________

Posted in Văn học | Thẻ: , , | Leave a Comment »

Đội gạo lên chùa – trong chùa và ngoài chùa

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Mười 5, 2011

Hoài Nam

Đội gạo lên chùa, trên một phương diện nào đó, là cuốn tiểu thuyết viết về Phật giáo Việt Nam, về tác động của tư tưởng Phật giáo tới văn hóa – lối sống của con người Việt Nam trong trường kỳ lịch sử.

“Cư trần lạc đạo thả tùy duyên/ Cơ tắc thực, hề khốn miên/ Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch/ Đối cảnh vô tâm mạc vấn Thiền” (Tạm dịch: Sống giữa cõi trần vui với Đạo hãy tùy theo hoàn cảnh. Đói thì ăn, mệt thì ngủ. Trong nhà sẵn có của báu, còn phải tìm đâu nữa. Đối cảnh vô tâm, cần gì phải hỏi Thiền). Lấy lại bốn câu trong bài Cư trần lạc đạo phú của Trúc Lâm Đại đầu đà – Phật hoàng Trần Nhân Tông làm đề từ cho cuốn tiểu thuyết Đội gạo lên chùa, dường như nhà văn Nguyễn Xuân Khánh muốn giúp độc giả bằng cách ngầm trao cho họ cái yếu quyết để đi vào và hiểu tác phẩm của mình; hoặc ít ra, hiểu nó rõ thêm.

Quả có vậy, Đội gạo lên chùa, trên một phương diện nào đó, là cuốn tiểu thuyết viết về Phật giáo Việt Nam, về tác động của tư tưởng Phật giáo tới văn hóa – lối sống của con người Việt Nam trong trường kỳ lịch sử, hoặc nói cho ngắn gọn, đây là cuốn tiểu thuyết viết về Phật tính trong văn hóa Việt. (Vả lại, ngay cái nhan đề tác phẩm, theo cơ chế liên văn bản, đã buộc người đọc phải nghĩ tới câu ca dao không biết có từ bao giờ: “Ba cô đội gạo lên chùa/ Một cô yếm thắm bỏ bùa cho sư/ Sư về sư ốm tương tư…”). Từ một biến cố kinh hoàng trong cuộc đời của hai chị em Nguyệt và An – cha mẹ bị lính Pháp cắt cổ trong một trận càn – tác giả đã đưa người đọc tới làng Sọ, một làng quê mang đậm những nét đặc trưng của làng quê vùng đồng bằng Bắc bộ, nơi có ngôi chùa làng vừa như là nạn nhân vừa như là chứng nhân của những thăng trầm lịch sử. Tại chùa làng Sọ, hai chị em Nguyệt và An được cưu mang, được làm lại cuộc đời. Và điều quan trọng hơn, họ được sống trong một vi khí hậu văn hóa đậm đặc Phật tính, được quan sát, trải nghiệm và rồi tự hình thành sự nhận biết cá nhân về vi khí hậu văn hóa ấy. Từ giác độ này, tính luận đề của tiểu thuyết Đội gạo lên chùa được thể hiện khá rõ. Để nói về cái tâm từ bi của nhà Phật cũng như sức mạnh cải hóa, cảm hóa chúng sinh toát ra từ cái tâm từ bi ấy, tác giả đã không ngần ngại mượn lại những motif từng có trong chuyện kể về cuộc đời tu đạo và truyền giáo của Đức Phật Thích Ca: này là mãnh thú (con hổ mang pháp danh Khoan Hòa), này là cường đạo (sư bác Khoan Độ) đều chẳng được sư cụ Vô Úy cứu vớt rồi trở thành Phật gia đệ tử đó sao? Để nói về tinh thần nhập thế tích cực của Phật giáo Việt – vốn được khởi nguồn từ những vị tăng thống như Ngô Chân Lưu, Vạn Hạnh, và đạt tới đỉnh cao với những vị tăng đế thời nhà Trần – tác giả Đội gạo lên chùa chẳng đã dựng lên nhân vật sư Vô Trần bỏ chùa đi hoạt động cách mạng, trở thành một chỉ huy quân sự tiếng tăm lừng lẫy đó sao? Để nói về thái độ khai phóng, không chấp trước, một lối ứng xử cởi mở, một triết lý sống đúng với tinh thần câu “Cư trần lạc đạo thả tùy duyên” của Thiền Việt Nam, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh chẳng đã lấy chính cuộc đời của sư cụ chùa làng Sọ – hòa thượng Vô Úy – làm một ví dụ trực quan sinh động đó sao? Tên của nhân vật đã là một ký hiệu đầy hàm nghĩa. Vô Úy nghĩa là không sợ, không sợ bất cứ cái gì. Không sợ cường quyền bạo lực. Không sợ lẽ hưng vong sinh diệt của tạo hóa. Không sợ quy luật tuần hoàn đắp đổi của vạn vật. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dù là tồi tệ đến đâu, người tu thiền đích thực vẫn có thể “tùy duyên” mà vượt qua được mọi sóng gió với cái tâm an nhiên như mặt nước hồ thu. Chính bằng sự “vô úy” và cái năng lực “tùy duyên” ấy mà sư cụ, cũng như ngôi chùa làng nhỏ bé, vẫn cứ tồn tại trên lớp sóng thời gian dù phải trải qua những cơn rung lắc dữ dội nhất (dưới sự khủng bố của chính quyền tề ngụy, và sau đó, dưới sự lộng hành tăm tối của chính quyền nông dân thời cải cách ruộng đất, chùa làng Sọ luôn là đối tượng bị “quan tâm” nhiều nhất, bản thân sư cụ trong cả hai thời kỳ đều đã bị bắt giữ và bị tra tấn đến chết đi sống lại). Để suy luận – dẫu vì thế mà không tránh khỏi sự võ đoán – có lẽ phải nói rằng ở đây, với những “bằng chứng” về sự thấm nhiễm tư tưởng Phật giáo trong quan niệm sống, hay nói cách khác, với những biểu hiện cụ thể về Phật tính trong văn hóa Việt, tác giả muốn phát lộ một bí mật làm nên khả năng trường tồn của dân tộc chăng?

Dù sao, với một tác phẩm tiểu thuyết luận đề, ở phần diễn dịch cho một tư tưởng hoặc một quan niệm có trước, dẫu có viết khéo đến đâu thì đôi lúc vẫn để lộ ra những chỗ gượng gạo. (Trong Đội gạo lên chùa, phần gượng gạo nhất là lúc tác giả phân tích, bình luận về tính cách của nhân vật trung úy Tây lai Bernard, về cái phức cảm tự tôn lẫn tự ti giữa hai nửa Pháp – An Nam, da trắng – da vàng, kẻ chinh phục – người bị thống trị trong con người Bernard. Rất dài dòng và nói chung là không cần thiết). Sinh động, hấp dẫn và sẽ sống bền hơn cả trong Đội gạo lên chùa của Nguyễn Xuân Khánh, theo tôi, có lẽ là phần nằm ngoài chủ đề Phật tính của văn hóa Việt, cũng tức là nằm ngoài mối quan tâm lớn nhất của tác giả. Tôi muốn nói tới thế giới đàn bà trong tác phẩm, một thế giới được phác lên bằng rất nhiều chân dung, rất nhiều số phận cuộc đời, mà hầu như cái nào cũng sắc nét. Ngay ở những trang đầu tiên của cuốn tiểu thuyết, người đọc đã được sống trong bầu không khí ma mị với một bà cụ Thầm nửa âm nửa dương, mê mê tỉnh tỉnh, suốt đêm chỉ ngồi đếm đom đóm từ nghĩa địa bay vào – mỗi con đom đóm là một vong linh – và lầm rầm trò chuyện với những người bạn đã chết từ thuở còn con gái. Rồi cô Rêu, người thiếu nữ tài sắc vẹn toàn, “lúc nào cũng ngơ ngơ như từ trên trời rơi xuống”, đã nhảy giếng tự tử trong thời cải cách ruộng đất, như thể một tuyên bố về sự không chung sống được với cõi đời đang hồi điên đảo (khi cô chết, cái giếng tỏa mùi thơm ngát. Chi tiết này khiến nhân vật cô Rêu phảng phất bóng dáng nhân vật Người Đẹp trong Trăm năm cô đơn của G. Marquez, chỉ khác là một cô thì bay lên trời, một cô thì lao xuống giếng). Rồi bà cụ làm vàng hương, người không chấp nhận trao số phận mình vào tay đội cải cách và đã “giành quyền tự quyết” bằng cách thắt cổ chết trong một căn phòng sực nức mùi trầm hương. Rồi những bà Nấm, bà Thêu, chị Thì, chị Xim, cô Mai… mỗi người đàn bà trong Đội gạo lên chùa là cả một nguồn năng lượng sống được dồn nén đến cực độ, chỉ chờ dịp để bung phá, tuôn trào. Và khi tuôn trào, nguồn năng lượng sống ấy sẽ cuốn theo, không gì khác, chính những người đàn ông, như dòng nước lũ cuốn phăng những củi mục rong rêu về phía hạ lưu. Đọc Đội gạo lên chùa, không khó nhận thấy những người đàn bà ở đây đều ý thức rất rõ về vẻ đẹp thân thể và sức mạnh giới tính của mình. Đáo để đến mức quyết liệt, họ dùng nó như một thứ lợi khí để đương đầu với số phận, và dùng nó như một phương tiện hữu hiệu để kiếm tìm hạnh phúc cá nhân. Bà Nấm khiến cho sư Vô Trần phải động lòng trần mà cởi tăng y về với cõi tục. Bà Thêu, trong cơn biến cố long trời lở đất có tên là cải cách ruộng đất, đã nhanh chóng thoát khỏi cái tội là vợ địa chủ – rồi sau đó thậm chí còn trở thành cán bộ – bằng việc làm cho anh đội Khoát phải ngây ngất si mê. Đặc biệt ấn tượng, phải kể đến nhân vật chị Xim, người đàn bà hừng hực khao khát như một lò lửa nhưng cũng rất rành mạch sòng phẳng, tình nguyện ban phát cho anh chồng cũ một cuộc ái ân cuồng nhiệt để rồi sau đó chấm dứt, ai nấy sống cuộc đời của mình. Nói chung, nếu không muốn rơi vào sự võ đoán vu khoát khi dùng cụm từ “chủ nghĩa nữ quyền” trong trường hợp này, theo tôi, có thể nói đến một ý hướng khái quát về “mẫu tính” của văn hóa Việt trong Đội gạo lên chùa (“mẫu tính” cũng là cụm từ được nhiều nhà phê bình nhắc tới khi viết về Mẫu Thượng ngàn, cuốn tiểu thuyết trước đó của Nguyễn Xuân Khánh). Có vẻ như, dù không nằm trong chủ ý ban đầu của tác giả, song theo quán tính của một thứ “tạng văn” đã định hình, “theo dòng mẫu hệ”, Đội gạo lên chùa vẫn thuyết phục người đọc nhiều hơn ở những trang viết “ngoài chùa” – những trang viết về người đàn bà, người sinh thành ra chính bản thân sự sống.

Ngót 900 trang sách khổ 14 x 20,5, phải nói rằng Đội gạo lên chùa của Nguyễn Xuân Khánh thuộc vào loại tiểu thuyết dễ khiến cho người ta phải… choáng váng, nhất là với những người đọc thiếu kiên nhẫn. Cũng may là tác giả không chọn cách viết đánh đố thiên hạ. Ông viết đặc sệt cổ điển, có lớp có lang, dẫn dắt mạch lạc, diễn giải kỹ càng. Gần 900 trang sách ấy, một mặt cho thấy lao động viết đầy khổ công, mặt khác lại nói được rất nhiều về nội lực văn hóa của tác giả. Với đề tài như thế này, nếu không phải là một nhà văn “độc phá vạn quyển thư”, quan tâm rộng tới những vấn đề của lịch sử văn hóa – tư tưởng, tôi e rằng anh ta chỉ viết đến 300, 400 trang là hết chuyện để nói. Thế nhưng, không nên quên rằng chúng ta đang bàn tới một tác phẩm tiểu thuyết chứ không phải một công trình nghiên cứu. Và với một tác phẩm tiểu thuyết thì phẩm chất đó, tuy cần thiết, nhưng chưa phải là tất cả.
______________
Đội gạo lên chùa, tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Khánh, NXB Phụ Nữ 2011.

Posted in Văn học | Thẻ: , , | Leave a Comment »

Tranh chấp Biển Đông báo trước thay đổi chiến lược khu vực?

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Mười 5, 2011

Tranh chấp ở Biển Đông giữa Trung Quốc và các nước duyên hải khác đang ngày càng có ý nghĩa chiến lược quan trọng với toàn bộ khu vực châu Á – Thái Bình Dương và xa hơn nữa. Nhật Bản không thể coi vấn đề này như một hiện tượng riêng biệt ở một khu vực xa xôi nào, vì nó phản ánh chiến lược khu vực của Trung Quốc, trên cơ sở sự tự tin quốc gia và sức mạnh kinh tế không ngừng gia tăng.

Thách thức cơ bản hơn là các nước trong khu vực, gồm cả Nhật Bản nên đối phó thế nào với sự mẫu thuẫn chiến lược đang nổi lên, bởi sự phụ thuộc kinh tế ngày một lớn với Trung Quốc và việc tiếp tục trông chờ vào Mỹ để duy trì trật tự an ninh khu vực.

Các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông dường như đã đạt tới một trạng thái cân bằng nào đó tại hội nghị bộ trưởng ASEAN – Trung Quốc và tiếp theo là Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) hồi tháng 7 ở Bali, Indonesia. 10 nước thành viên ASEAN và Trung Quốc đã nhất trí về những hướng dẫn mới, mở đường cho việc thực thi Tuyên bố Hành xử (DOC) cho giải pháphoà bình với tranh chấp ở Biển Đông.

Ngoại trưởng Nhật khi ấy, Takeaki Matsumoto, người đã tham dự các cuộc họp liên quan tới ASEAN, đã hoan nghênh tiến triển đạt được. Ông nói trước quốc hội nước này rằng: “Tôi coi đó là một bước tiến về phía trước”. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cũng nhấn mạnh, đó là “một bước đi quan trọng”, đồng thời thúc giục ASEAN và Trung Quốc nhanh chóng đạt được bước tiếp theo: thiết lập bộ quy tắc hành xử có tính ràng buộc để ngăn chặn xung đột. Bà Clinton khẳng định: “Tất cả các bên tuyên bố chủ quyền cần công khai tuyên bố chủ quyền và đặc biệt cần hiểu rằng, chúng tôi biết nơi có tranh chấp”.

Tuy nhiên, sự cân bằng ấy dường như đã sụp đổ nhanh chóng. Chưa đầy hai tuần sau hội nghị ở Bali, Nhân dân Nhật báo – tờ báo chính thống của Trung Quốc, đã xuất bản trên trang nhất bài bình luận cáo buộc Philippines vi phạm chủ quyền lãnh thổ Trung Quốc bằng việc xây dựng một cơ sở quân sự trên hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa đang tranh chấp. Bài báo kết thúc với lời cảnh báo cứng rắn: “Bất cứ ai có những hiểu lầm chiến lược nghiêm trọng về vấn đề này sẽ phải trả giá thích đáng”.

Tân Hoa xã lập tức có bản tóm tắt tiếng Anh câu chuyện này. Họ nói rõ thêm rằng, đảng và chính phủ Trung Quốc muốn gửi bức thông điệp tới tất cả các bên liên quan. Và, trên thực tế, thông điệp ấy đã khuấy động khu vực.

Chính phủ Nhật Bản và Mỹ vẫn coi các hội nghị bộ trưởng ASEAN liên quan là một thành công vì nó bao gồm vấn đề “an ninh hàng hải” trong chương trình nghị sự chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS)tháng 11 tới. Như vậy, Biển Đông có thể sẽ được thảo luận kỹ hơn ở bối cảnh đa phương lớn hơn tại EAS. Nó cũng mang lại cơ hội cho các bên không đưa ra tuyên bố chủ quyền, nhưng có sử dụng Biển Đông, như Nhật Bản và Mỹ được tham gia thương thảo.

Trên một mặt trận nhạy cảm hơn, nó cũng còn được coi là thành công vì có thoả thuận ngầm đã hìnhthành giữa các nước tuyên bố chủ quyền và các quốc gia chính sử dụng Biển Đông trong nỗ lực đặt vấn đề với tính hợp pháp của việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền bằng bản đồ 9 đoạn bao trùm hầu hết Biển Đông. Chiến lược ngầm dường như hướng Trung Quốc vào một thoả thuận đa phương mới, bộ quy tắc hành xử để giải quyết các tranh chấp một cách hoà bình bằng cách tập hợp áp lực thông qua việc liên tục thách thức tính hợp pháp của tuyên bố 9 đoạn.

Trung Quốc sử dụng bản đồ 9 đoạn còn gọi là bản đồ hình chữ U bao trùm đường bờ biển và chuỗi đảo ở Biển Đông làm cơ sở cho tuyên bố chủ quyền của mình. Bản đồ này bao trùm hầu như toàn bộ Biển Đông. Theo một tài liệu chính thức mà chính phủ Trung Quốc đệ trình lên LHQ năm 2009 cùng với một tờ bản đồ, Bắc Kinh khẳng định “có chủ quyền không thể tranh cãi với các đảo ở Biển Đông và những vùng nước lân cận”. Tuy nhiên, chưa rõ là, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với hầu hết Biển Đông bên trong đường 9 đoạn như lãnh hải của họ hay tuyên bố chủ quyền này chỉ kéo dài tới các đảo và vùng nước lân cận.

Ngày 24/8, khoảng một tháng sau hội nghị ARF, hai tàu tuần tra của Ngư chính Trung Quốc đã tién vào lãnh hải Nhật Bản gần một đảo của Quần đảo Senkaku ở biển Hoa Đông. Đây là lần đầu tiên, tàu của chính phủ Trung Quốc vi phạm lãnh hải Nhật quanh Senkakus kể từ năm 2008, khi hai tàu Hải giám Trung Quốc (CMS) tiến vào và ở lại trên lãnh hải Nhật hơn 9 giờ đồng hồ. Lần này thời gian vi phạm ngắn hơn nhiều, nhưng chính phủ Nhật coi vụ việc rất nghiêm trọng vì thậm chí khi một tàu cá Trung Quốc va chạm với tàu phòng vệ bờ biển Nhật Bản tháng 9 năm ngoái gần Senkakus, thì tất cả các tàu chính phủ Trung Quốc gồm Ngư chính và Hải giám đã rõ ràng ở lại trên lãnh hải Nhật.

Hồi đáp về sự phản đối chính thức từ chính phủ Nhật, một phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc nói: “Quần đảo Điếu Ngư (Senkaku) và các đảo liên quan là lãnh thổ vốn có của Trung Quốc từ thời cổ đại. Các tàu Ngư chính đã tuần tra vùng biển để đảm bảo trật tự thông thường trong hoạt động ngư nghiệp”.

Quan điểm này không có gì mới mẻ, nhưng điều đáng nói là hành động gia tăng của một trong những cơ quan thực thi pháp luật hàng hải Trung Quốc. Một trong những suy đoán của chính phủ Nhật là, dụng ý của Trung Quốc có thể nhằm kiểm tra lập trường cứng rắn của chính phủ Nhật trong các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ sau hội nghị ARF và đặc biệt là khi Nhật Bản trải qua sự chuyển giao quyền lực từ chính phủ của ông Kan sang chính phủ tiếp theo.

Quan điểm phổ biến trong chính phủ Nhật Bản là, những gì đang xảy ra ở biển Hoa Đông có liên quan chặt chẽ tới tranh chấp ở Biển Đông. Ngoại trưởng Matsumoto nói trước quốc hội rằng: “Nhật Bản có mối quan tâm lớn đến tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông vì chúng có thể ảnh hưởng tới hoà bình và an ninh của khu vực châu Á – Thái Bình Dương, cũng như liên quan chặt chẽ tới việc bảo vệ an ninh giao thông hàng hải”.

Các tranh chấp lãnh thổ không giới hạn trong lĩnh vực hàng hải. Có một số dấu hiệu gia tăng trong khu vực biên giới đất liền Trung Quốc – Ấn Độ. Có quan điểm tồn tại trong giới học giả Ấn Độ là, Trung Quốc đang tái xác lập biên giới trên đất liền cũng như trên biển trong quá trình theo đuổi vị thế siêu cường. Và hàng loạt hành động tái xác lập ấy đã được thực hiện trên cái giá toàn vẹn lãnh thổ và an ninh của những nước láng giềng. Ấn Độ dõi theo sát sao tình hình Biển Đông vì họ coi nó như một dấu hiệu cho những gì có thể xảy ra trong tranh chấp biên giới giữa nước này và Trung Quốc.

Thách thức cơ bản hơn là, toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương có lẽ đang phải đối mặt với sự mẫu thuẫn chiến lược đang trỗi dậy. Phần lớn các nước trong khu vực đều coi Trung Quốc là đối tác thương mại chính, nếu không phải là lớn nhất. Trong khi đó, họ lại trông chờ vào Mỹ để duy trì trật tự an ninh khu vực, bao gồm cả tự do hàng hải. Tính nước đôi ấy đã khiến cho các nước trong khu vực khó khăn hơn khi quyết định hành xử thế nào cho phù hợp, nếu và khi Trung Quốc thách thức ưu thế Mỹ. Điều này dường như là những gì giờ đây đang xảy ra ở Biển Đông.

Năm ngoái, Hugh White, nguyên thứ trưởng quốc phòng Australia đã có bài viết tiêu đề “Chuyển giao quyền lực – Tương lai của Australia giữa Washington và Bắc Kinh”. Trong đó, ông chỉ ra rằng, thời đại của một kỷ nguyên của “ưu thế vô địch Mỹ” đã qua và rằng, một trật tự hoà bình mới tại châu Á để phù hợp với sức mạnh đang trỗi dậy của Trung Quốc có thể được xây dựng “nếu Mỹ sẵn sàng cho phép Trung Quốc một không gian chính trị và chiến lược”.

Cốt lõi trong lập luận của ông là, Mỹ nên kiềm chế khỏi việc cạnh tranh giành ưu thế với Trung Quốc mà thay vào đó là nên chia sẻ quyền lực. Ông cũng cho rằng, đã tới lúc cần xem xét lại chiến lược “rào giậu”. Đó có lẽ là câu trả lời để đối phó với tình thế tiến thoái lưỡng nan của “sự phụ thuộc kép”.

Những gì đang nổi lên qua vấn đề tranh chấp Biển Đông là sự công nhận rằng, tranh chấp lãnh thổ là cuộc cạnh tranh tự nhiên giành lấy ảnh hưởng giữa Mỹ và Trung Quốc, và rằng Mỹ không thể một mình chiếm ưu thế trong khu vực cho dù có các khả năng quân sự khổng lồ. Quan điểm chung trong các nước ASEAN có thể không rõ ràng và cực đoan như của White. Nhưng nếu thực tế “sự gia tăng Trung Quốc và sự sụt giảm tương đối của Mỹ” tiếp tục diễn ra, thì sự chuyển đổi từ “Mỹ chiếm ưu thế” sang “chia sẻ quyền lực Trung – Mỹ” có thể phù hợp hơn với các nước trong khu vực. Đó là thách thức lớn với Nhật, với chiến lược an ninh xây dựng trên cơ sở lập luận rằng, ưu thế Mỹ là không gì lay chuyển nổi.

Những gì đang xảy ra ở Biển Đông có thể là “điềm báo” cho khả năng thay đổi tư duy chiến lược với các quốc gia trong khu vực và cuối cùng là chính bản thân trật tự chiến lược khu vực.

Theo YOICHI KATO – Vietnamnet
_____________________________________________________________

Posted in Quốc phòng các nước, Việt Nam và thế giới | Thẻ: , , | Leave a Comment »

‘SBC là săn bắt chuột’

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Mười 4, 2011

Nhà văn vắng mặt tại buổi ra mắt tiểu thuyết mới nhất của ông ‘SBC là săn bắt chuột’ sáng 29/9 vì đang bận làm Phó đại sứ tại Iran. Cuốn sách được nhận xét là đánh thức óc tư duy của độc giả bằng sự hài hước giễu nhại sâu sắc.

Buổi ra mắt ‘SBC là săn bắt chuột’ được tổ chức cùng lúc với lễ khai trương chi nhánh mới của Nhà xuất bản Trẻ, nơi ấn hành cuốn sách, tại Hà Nội vào sáng nay (29/9).

Nhân vật chính không có mặt nhưng nhiều bạn bè, đồng nghiệp của ông đã đến tham dự như các nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, Nguyễn Thị Minh Thái; nhà báo Yên Ba; các nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, Hữu Việt; các nhà văn Phong Điệp, Nhã Thuyên; dịch giả Thụy Anh…

Sách mở đầu bằng một trận lụt (chính là trận lụt lịch sử ở Hà Nội năm 2008), kết thúc bằng một trận hạn hán, ở giữa là 11 chương kể về cuộc chiến săn bắt chuột của các nhân vật. Nơi trú ẩn của chuột bị phá bỏ khi Đại Gia giải tỏa bãi rác, san lấp bãi lầy và xây nhà. Từ đó, không rõ lý do gì chuyện làm ăn của Đại Gia không thuận lợi, xây nhà xây tường đều sập qua một đêm. Đại Gia phải viện đến một ông thầy cúng từ Sài Gòn ra để giúp… diệt chuột.

Trong sách có cả nhân vật chuột và nhiều nhân vật người, cùng xuất hiện trong nhiều sự kiện, bối cảnh: buôn bán ma túy, buôn bán đất, khai hoang, chuyện tại sân golf, trong văn phòng, trên Internet… Tác giả lồng vào trước các chương những lời khuyến cáo dành cho các đối tượng khác nhau, như “Ai báo chí văn thơ đừng đọc chương này” hay “Ai quá lứa lỡ thì đừng đọc chương này”, khiêu khích tính tò mò của độc giả.

Thế nhưng, theo nhà phê bình Nguyễn Thị Minh Thái, tác phẩm của Hồ Anh Thái không phải để thỏa mãn sự tò mò của độc giả mà là thứ “văn nghĩ” đích thực. “Trong cuốn sách này, nhà văn đã biết cách đánh thức cái nghĩ của người đọc chứ không phải sự tò mò tối tăm. Tôi cho rằng một dân tộc trên đường phát triển cần phải có những quyển tiểu thuyết như thế này. Cái nghĩ của chúng ta bây giờ hiện nằm ở một vùng rất chán nản, đó là bụng”.
“Hồ Anh Thái là một người rất thông minh, dòng chảy chính trong tiểu thuyết này là dòng ý thức châm biếm, giễu nhại, tưởng như ai cũng viết được nhưng người viết được theo cách đó chỉ đếm trên đầu ngón tay thôi”, bà Minh Thái nói.

Để kết luận, nhà phê bình Nguyễn Thị Minh Thái trích dẫn một câu nói của nhà văn Pháp François Rabelais mà bà cho là rất phù hợp với cuốn sách này: “Tôi thích người đọc giống như một con chó thông minh, biết cách đọc sách của tôi bằng cách cắn vỡ cái xương để lấy phần tủy”.

Với ‘SBC là săn bắt chuột’, tác giả cũng hướng đến các độc giả trẻ và bận rộn. Cuốn tiểu thuyết không quá dày (343 trang), văn phong không khó đọc, có thể đọc xong trong một thời gian ngắn, nhưng để lại nhiều suy ngẫm.

Còn nhà thơ Hữu Việt cho rằng đây là tác phẩm nằm trong “giai đoạn hậu Ấn Độ” của Hồ Anh Thái. Có thể trong tương lai ông sẽ bắt đầu “giai đoạn Iran”. Cuốn sách được ông viết trong thời gian ở Iran làm Phó đại sứ trong vòng hơn một năm nay, nhưng lại viết về xã hội Việt Nam đương đại.

Trong khoảng 30 năm cầm bút, nhà văn Hồ Anh Thái đã xuất bản hơn 30 cuốn sách, trong đó có các tiểu thuyết Người và xe chạy dưới ánh trăng; Trong sương hồng hiện ra; Người đàn bà trên đảo; Cõi người rung chuông tận thế; Mười lẻ một đêm; Đức Phật, nàng Savitri và tôi… Ông còn viết truyện ngắn Tiếng thở dài qua rừng Kim Tước; Mảnh vỡ của đàn ông; Tự sự 265 ngày; Bốn lối vào nhà cười…

Các tác phẩm của Hồ Anh Thái đã được dịch ra hơn 10 thứ tiếng bao gồm Mỹ, Pháp, Thụy Điển, Hàn Quốc, Đan Mạch, Ấn Độ… Hiện ông là Phó Đại sứ Việt Nam tại Iran (nhiệm kỳ 5 năm), là tiến sĩ văn hóa phương Đông, thỉnh giảng ở một số trường đại học nước ngoài.

theo Pham Mi Ly
__________________________________________________________

Posted in Văn học | Thẻ: , , | Leave a Comment »

Nghệ thuật Việt Nam đang giậm chân tại chỗ?

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Mười 4, 2011

(HNM) – Một giáo sư Mỹ, người có nhiều công trình nghiên cứu về mỹ thuật Việt Nam, khi trả lời phỏng vấn một tạp chí nước ngoài đã nói, đại ý rằng mỹ thuật Việt Nam dường như giậm chân tại chỗ, không bắt kịp thẩm mỹ hiện đại. Giáo sư này cũng cho rằng chặng sau của các họa sỹ thành công là sự đi ngang hoặc đi xuống, vì thế nên giá tranh thấp hơn hàng chục lần so với các họa sỹ Indonesia…

Thực ra không riêng gì mỹ thuật, nhiều loại hình nghệ thuật trong nước đang theo lối mòn. Sân khấu chạy theo thị hiếu bằng việc chọn một kịch bản có cốt truyện éo le, bi thương. Hình thức thể hiện quá cũ, vẫn là lớp lang quen thuộc; trang trí sân khấu quẩn quanh vài cái bục, vài tấm vách. Cứ như thể chẳng ai quan tâm công nghệ ánh sáng, âm thanh ngày nay hoàn toàn có thể giúp đạo diễn tạo ra hiệu quả sân khấu khác hẳn. Điện ảnh cũng chẳng hơn gì. Các hãng phim tư nhân chạy theo dòng phim giải trí. Tất nhiên, không thể trách bởi họ cần thu hồi vốn, nhưng bao nhiêu năm nay có hãng chỉ loay hoay với đề tài đồng tính, có hãng pha trộn tí hài, tí tâm lý nhạt nhẽo vào phim… Tác phẩm làm theo đơn đặt hàng chưa thoát ra được tư duy cũ, không cổ xúy được cái mới, không phê phán cái cũ đến nơi đến chốn. Một số phim tham gia các liên hoan quốc tế… cho vui và để đánh bóng nhà sản xuất hơn là hy vọng về giải thưởng.

Âm nhạc khá hơn. Một số ít nhạc sỹ, ca sỹ ý thức được trách nhiệm đi tìm giá trị thẩm mỹ mới, như nhạc sỹ Quốc Trung, Anh Quân, Lê Minh Sơn, Ngọc Đại… tuy không phải ai cũng thành công thực sự. Cách đây mấy năm, người nghe có vẻ không thích CD “Made in VietNam” của ca sỹ Mỹ Linh, nhưng theo nhiều nhà phê bình âm nhạc thì đó là CD có tầm quốc tế. CD “Đường xa vạn dặm” của nhạc sỹ Quốc Trung cũng là sự sáng tạo, kết hợp giữa âm nhạc hiện đại với âm nhạc dân tộc. Tuy nhiên, số đông nhạc sỹ vẫn quen sáng tác các ca khúc “nịnh” tai khán giả bình dân, lười biếng trong sáng tạo. Nghệ thuật Việt Nam được giới thiệu với công chúng nước ngoài trong các chương trình giao lưu văn hóa chủ yếu vẫn là vốn dân gian như rối nước, hát chèo, dân ca… Tính đến thời điểm này, khán giả yêu điện ảnh nước ngoài hầu như chỉ biết đến đạo diễn Việt kiều Trần Anh Hùng. Cũng chưa có một ca sỹ hay nhóm nhạc nào có thể gây chú ý đặc biệt ở châu Âu…

Kinh tế Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới. Trong khi đó, hầu hết các bộ môn nghệ thuật vẫn luẩn quẩn trong ao làng. Nghệ thuật, khi không hướng được người xem, người nghe theo các quan niệm thẩm mỹ mới thì không thể gọi đó là một nền nghệ thuật phát triển.

theo Người Lái Đò
_________________________________________________________

Posted in Âm nhạc, Chuyện hội họa, Mỹ thuật, văn hóa, Điện ảnh | Thẻ: , , | Leave a Comment »

Trung Quốc mất cơ hội lợi dụng khoa học

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Mười 4, 2011

TT – Tạp chí Khoa Học (Science Journal) số ra ngày 30-9 thông báo sẽ xem xét lại quy trình đăng bản đồ sau khi nhận được những ý kiến phản đối của các học giả Việt Nam liên quan tới bài viết của các học giả Trung Quốc, trong đó có in kèm bản đồ có “đường lưỡi bò”.
Từ Phần Lan, TS Lê Văn Út, hiện đang giảng dạy tại khoa toán Đại học Oulu, email cho Tuổi Trẻ biết sau khi nhận được sự phản đối quyết liệt của các học giả Việt Nam về “đường lưỡi bò” phi pháp mà tác giả Trung Quốc đã sử dụng trong bài viết Lịch sử dân số Trung Quốc và những thách thức trong tương lai (China’s demographic history and future challenges) ngày 29-7-2011, có trích dẫn tại [X. Peng, Science 333, 581 (2011)], tạp chí Science đăng tải ý kiến của mình trên mục Ghi chú của ban biên tập. Nội dung như sau:

Trung Quốc mất cơ hội lợi dụng khoa học

“Bài viết Lịch sử dân số Trung Quốc và những thách thức trong tương lai trong số ra ngày 29-7, hình ảnh 1, phần Dân số đã có bản đồ của Nam Hải (biển Đông). Chúng tôi được biết một số độc giả đã diễn giải việc đăng tải bản đồ này là một tuyên bố của Science về đường biên giới lãnh hải được vẽ trên hình. Điều này là không đúng.
Quan điểm của Science, được ghi trên đầu trang của mỗi ấn bản, nêu rõ: “Tất cả các bài viết được đăng tải trên Science – kể cả bình luận, tin tức, xã luận, điểm sách – được ký tên và thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả, và không phải là quan điểm chính thức của Hiệp hội Khoa học tiên tiến của Mỹ (AAAS) hay của các cơ quan nghiên cứu của các tác giả liên quan. Science không đưa ra quan điểm liên quan đến đòi hỏi về quyền tài phán tại khu vực lãnh hải trong bản đồ. Chúng tôi đang kiểm tra lại quy trình nhận đăng các bài báo liên quan đến bản đồ để bảo đảm trong tương lai tạp chí Science không tỏ ra ủng hộ hay có quan điểm trong các vụ tranh chấp chủ quyền lãnh thổ/tài phán”.
TS Út nhận định: “Như vậy sắp tới Trung Quốc sẽ không thể lợi dụng các tạp chí khoa học để tuyên truyền với quốc tế về đường lưỡi bò phi pháp, vi phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam nữa. Bởi lẽ khi một tạp chí hàng đầu như Science tuyên bố một cách khoa học và đúng đắn như thế thì các tạp chí khác cũng khó lòng mà làm khác (tức phản khoa học)”.

“Một trả lời không thỏa đáng”

Tuy nhiên, từ Úc, GS.TS Nguyễn Văn Tuấn thuộc Viện Garvan cũng cho Tuổi Trẻ biết ông và nhiều đồng nghiệp khác trong và ngoài Việt Nam đã thông tin cho tạp chí Science về việc làm sai trái của nhà khoa học Trung Quốc. Nhưng sau khi nhận được những ý kiến phản đối này, việc tạp chí Science thông tin lại với độc giả như vậy “là một cách trả lời không thỏa đáng”.
Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi nêu vấn đề khoa học, sai sót của bài báo, chứ không hỏi quan điểm của tạp chí Science là ủng hộ hay không ủng hộ đối với quan điểm của các bên về vấn đề trên biển Đông. Chúng tôi đã chỉ ra đây là một bản đồ vi phạm khoa học, không được tổ chức nào công nhận. Do đó, nếu một tạp chí khoa học đăng tải vấn đề như vậy là vi phạm đạo đức khoa học”.
Ông Tuấn cho rằng việc quan trọng tiếp theo là các nhà khoa học cần ngăn chặn những hiện tượng xuất bản sai trái tương tự trên các ấn phẩm quốc tế.
Trước đó, tháng 6-2011, tạp chí khoa học quốc tế Quản lý chất thải (Journal of Waste Management) đã tỏ ra sòng phẳng với độc giả hơn khi thông báo đính chính về việc đã đăng tải bài viết có kèm hình bản đồ đường lưỡi bò phi pháp của Trung Quốc trên biển Đông.
Đích thân tổng biên tập, GS.TS Raffaello Cossu, khoa công nghệ môi trường Đại học Padova (Ý), đã thừa nhận sai sót của tạp chí sau khi các nhà khoa học Việt Nam cùng lên tiếng phản đối tấm bản đồ có đường lưỡi bò minh họa cho bài viết Thu gom phân loại chất thải rắn đô thị tại nguồn: một phân tích so sánh của các tác giả Trung Quốc trong số ra ngày 19-4-2011.

theo KHỔNG LOAN
__________________________________________________________

Posted in Chuyện pháp luật, Khoa học & Công nghệ, Việt Nam và thế giới | Thẻ: , , | Leave a Comment »