NGÔN NGỮ & VĂN HÓA

CHÚC MỪNG NĂM MỚI

Archive for Tháng Tư, 2011

Mỹ sẽ đánh thuế tài sản đối với Trung Quốc?

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Tư 30, 2011

Đánh thuế tài sản của Trung Quốc đang được xem như một biện pháp vừa hiệu quả vừa không vi phạm các quy định quốc tế, giúp Mỹ giảm thất nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng mà không gây ra một cuộc chiến tranh thương mại.

Trong phần lớn thập kỷ vừa qua, Mỹ đã nài xin và cả đe dọa Trung Quốc thay đổi các chính sách tiền tệ khiến hàng hóa xuất khẩu Trung Quốc rẻ hơn một cách giả tạo và hàng hóa nước ngoài bán tại Trung Quốc trở nên đắt đỏ hơn.

Từ tháng 6/2010, Trung Quốc đã để cho đồng nhân dân tệ (NDT) của họ tăng giá gần 5% so với đồng USD, nhưng họ không hề có sự giảm bớt trong sức mua đối với tài sản tài chính Mỹ, khiến NDT vẫn thấp hơn giá trị thực rất nhiều. Trong bối cảnh kinh tế suy yếu kéo dài, thâm hụt thương mại của Mỹ tăng mạnh trong khi thất nghiệp vẫn ở mức cao – và nợ Mỹ do Trung Quốc sở hữu có thể đã vượt quá 2.000 tỷ – một lần nữa Mỹ lại đứng trước sức ép đòi gia tăng các hàng rào thương mại chống hàng hóa của Trung Quốc.

Không thể phủ nhận là Mỹ cần tăng sức ép với Trung Quốc, và cuộc Đối thoại Kinh tế và Chiến lược Mỹ – Trung dự kiến diễn ra đầu tháng Năm tới tại Washington sẽ là một cơ hội tốt. Nhưng Mỹ có thể làm gì để thuyết phục Trung Quốc ngừng hành vi có hại của họ?

Các biện pháp thương mại nho nhỏ, như gia tăng thuế chống bán phá giá đối với một số mặt hàng của Trung Quốc, sẽ không tạo ra hiệu quả đáng kể nhằm giảm thâm hụt thương mại hay giảm thất nghiệp. Còn các biện pháp thương mại lớn như đánh thuế hay áp dụng hạn ngạch đối với toàn bộ hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc sẽ bị Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO) kết luận là bất hợp pháp và chắc chắn sẽ gây ra sự trả đũa từ phía Trung Quốc đối với hàng hóa xuất khẩu của Mỹ. Hơn nữa, một cuộc chiến tranh thương mại xuyên Thái Bình Dương sẽ nhanh chóng tạo ra những lợi ích cho các công ty của Mỹ và Trung Quốc được bảo hộ, khiến các biện pháp trả đũa khó mà ngừng lại.

Vì vậy, không ngạc nhiên khi các nhà hoạch định chính sách Mỹ buộc phải phát động một cuộc chiến thương mại với Trung Quốc; các quan chức ở Bắc Kinh hiểu rõ sự miễn cưỡng này và vì thế cho rằng mối đe dọa của Mỹ chẳng nhằm nhò gì.

Nhưng có một cách giải quyết tình trạng này mang tính xây dựng hơn, đó là đánh thuế các hoạt động đầu tư tiền tệ của Trung Quốc thay vì nhằm hàng hóa xuất khẩu của nước này.

Để giảm giá trị NDT so với USD, Trung Quốc đã làm tăng giá trị của USD bằng việc mua các tài sản tài chính bằng đồng USD, chủ yếu là trái phiếu Kho bạc Mỹ. Để khiến Trung Quốc thôi làm như vậy, Chính phủ Mỹ nên đánh thuế thu nhập đối với các tổ chức Trung Quốc nắm giữ tài sản tài chính Mỹ.

Ví dụ, Kho bạc Mỹ sẽ thu lại một phần lãi phải trả cho trái phiếu Kho bạc mà Trung Quốc nắm giữ. Cứ 10 tỷ USD lãi suất trái phiếu Kho bạc phải trả cho Ngân hàng trung ương Trung Quốc, Kho bạc Mỹ nên giữ lại 30% – tức 3 tỷ USD – tiền thuế.

Một khoản thuế như vậy sẽ không vi phạm các quy định quốc tế và không làm xáo trộn thương mại quốc tế, dù sẽ đòi hỏi Mỹ phải tuân theo các thủ tục sửa đổi hoặc hủy hiệp định về thuế giữa Mỹ với Trung Quốc. Nếu muốn áp thuế mới vào tháng 1/2012, Mỹ cần thông báo với Trung Quốc trước tháng 7/2011 ý định hủy hiệp định này. Chính quyền của Tổng thống Obama cũng phải đề cập tới khả năng này trong các cuộc gặp giới chức Trung Quốc vào tháng tới.

Đánh thuế tài sản của Trung Quốc chắc chắn sẽ khiến Trung Quốc “sửng cồ”, nhưng giới lãnh đạo Trung Quốc sẽ không có cách trả đũa tương tự, bởi tài sản của Trung Quốc mà Mỹ nắm giữ ít hơn 10% giá trị tài sản Mỹ mà Trung Quốc nắm giữ. Hơn nữa, Mỹ sẽ ngăn được khả năng trừng phạt thương mại nếu Trung Quốc dùng đến cách đối xử không công bằng với hàng hóa xuất khẩu của Mỹ, như đánh thuế tùy tiện.

Bằng cách đánh thuế vào đúng những hành động gây ra sự xáo trộn tỷ giá hối đoái, Mỹ sẽ càng khuyến khích Trung Quốc và các nước khác để cho đồng tiền của mình phản ánh đúng các nguyên tắc cơ bản của thị trường. Thuế suất sẽ bắt đầu từ mức bình thường 30% và có thể tăng lên tùy theo quyết định của Bộ trưởng Tài chính Mỹ, trừ phi Chính phủ quyết định ngừng biện pháp này. Chính phủ Mỹ sẽ được hưởng vài tỷ USD mỗi năm tiền thu nhập thêm để giảm thâm hụt ngân sách và mức thu nhập này sẽ tăng lên hàng chục tỷ mỗi năm khi Washington tăng thuế lợi tức.

Một lợi ích lớn của biện pháp này là sẽ bẻ gãy những lời đồn, chủ yếu lan truyền ở Trung Quốc, rằng Mỹ muốn và cần Trung Quốc mua trái phiếu Kho bạc Mỹ. Nhiều người dân thường Trung Quốc không gắn kết chính sách tiền tệ của nước này với việc nhà nước mua tài sản của Mỹ. Họ thấy việc Trung Quốc mua trái phiếu Kho bạc Mỹ là một sự ban ơn cho Mỹ. Nhưng trên thực tế, hành động mua này là kỹ xảo mà nhờ đó Trung Quốc vừa trợ giá được cho xuất khẩu sang Mỹ vừa làm tăng giá hàng hóa xuất khẩu của Mỹ vào Trung Quốc. Nếu Trung Quốc không ồ ạt mua tài sản tài chính của Mỹ, qua đó phá giá đồng NDT, thì các công ty Mỹ sẽ có khả năng cạnh tranh với các công ty Trung Quốc.

Hơn nữa, đánh thuế đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ sẽ nhận được sự ủng hộ của dân chúng bên trong Trung Quốc, muốn Ngân hàng trung ương ngừng mua trái phiếu Kho bạc Mỹ. Trên thực tế, để mua trái phiếu Mỹ, Chính phủ Trung Quốc phải vay tiền trong dân chúng. Và vì lãi suất ở Trung Quốc cao hơn ở Mỹ, Chính phủ Trung Quốc đã mất tiền cho trái phiếu Mỹ. Nhiều người Trung Quốc trung lưu không hài lòng khi thấy chính phủ của mình đang trợ giá các khoản vay cho Mỹ trong khi còn nhiều người ở trong nước muốn vay tiền. Và việc Mỹ áp thuế với thu nhập của Trung Quốc khi nắm giữ tài sản Mỹ sẽ làm tăng thêm sự mất mát này, đồng thời cho thấy rõ rằng việc Trung Quốc mua tài sản Mỹ là không được hoan nghênh.

Nếu Trung Quốc ngừng bóp méo giá trị đồng nội tệ của mình, USD sẽ giảm giá so với NDT, thúc đẩy xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế của Mỹ. William Cline, một thành viên Viện nghiên cứu kinh tế quốc tế Peterson, cho rằng nếu NDT tăng giá 20% so với USD sẽ giúp giảm thâm hụt cán cân thanh toán của Mỹ từ 50 – 125 tỷ USD, và tạo thêm từ 300.000 -750.000 việc làm mới.

Tác động của loại thuế này sẽ phụ thuộc vào khả năng Cục Dự trữ liên bang mua trái phiếu Kho bạc mà Trung Quốc lẽ ra sẽ mua. Chắc chắn là khi kinh tế phục hồi nhanh hơn sẽ làm thay đổi mức thuế này, đưa nó trở lại mức bình thường.

Phải làm những bước gì để áp đặt loại thuế này?

Bước đầu tiên để khởi động loại thuế này sẽ là Mỹ đưa ra thông báo, phù hợp với hiệp định về thuế giữa hai nước và trước tháng 7/2011, rằng hiệp định này sẽ bị hủy bỏ vào tháng 1/2012. Bước thứ hai là Quốc hội Mỹ sửa đổi một số điều trong Bộ luật Thu nhập Nội địa Mỹ vốn đảm bảo đối xử không áp thuế thu nhập đối với tài sản tài chính mà Chính phủ và các thể chế chính thức của Trung Quốc nắm giữ. Việc sửa đổi này sẽ cho phép Mỹ áp dụng một mức thuế lợi tức nào đó do Bộ Tài chính quyết định, chừng nào Trung Quốc còn kìm giá đồng NDT.

Nếu các nước và vùng lãnh thổ khác hiện đang bóp méo tỷ giá của mình – như Singapore và Đài Loan (Trung Quốc) – không rút ra bài học, thì các hiệp định thuế song phương giữa họ với Mỹ cũng sẽ bị hủy và sửa đổi tương tự.

Vì quá trình pháp lý và hành chính để dẫn tới đánh thuế mới đang bắt đầu, chính quyền Trung Quốc sẽ có thời gian để thay đổi chính sách tiền tệ của mình trước – một kết cục đôi bên cùng thắng.

Theo Tuần Việt Nam
__________________________________________

Posted in Kinh tế | Thẻ: , , | Leave a Comment »

Một cảm nhận Sài Gòn

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Tư 30, 2011

TP – Nhiều người nói, đối với người Việt Nam, Hà Nội và tình yêu Hà Nội đã đi vào những tác phẩm thi ca nhạc họa bất hủ không gì so sánh được. Song tôi cũng yêu Sài Gòn – Chợ Lớn trong ‘L’Amant’ (Người tình) và Sài Gòn bên lề chiến tranh trong ‘The Quiet American’ (Người Mỹ trầm lặng) và rất nhiều tác phẩm lấy Sài Gòn làm bối cảnh khác.

Những tác phẩm ấy cũng lãng mạn, sử thi và tinh tế không kém Hà Nội. Chẳng ai chất vấn tình yêu Hà Nội cả, thì hãy để tôi yêu Sài Gòn theo cách của tôi. Sao phải so sánh tình yêu này với tình yêu khác, và chắc gì ai đã mơ mộng hơn ai.

Một lần đi công tác Myanmar, tôi ngồi đợi chuyến bay chuyển tiếp ở phi trường Bangkok với tâm trạng hơi lo lắng. Nghe nói Myanmar chính phủ quân sự có chế độ quản lý ngoại hối gắt gao, có nhiều nghiêm luật khác nhưng lại không có internet.

Bèn bắt chuyện với ông hành khách người Thái Lan ngồi cạnh: “Ông đi Myanmar nhiều chưa? Không biết có phải đề phòng gì không?”. “Cô từ đâu tới?”. “Sài Gòn”. Ông khách mỉm cười: “Cô gái ơi, nếu cô sống được ở Sài Gòn thì có thể sống sót ở bất kỳ nơi nào khác trên thế giới!”.

Ông kể về chuyến du lịch tới Sài Gòn trước đó không lâu, khi lần đầu thấy xe máy chạy lẫn lộn với xe hơi, xe đạp và khách bộ hành. Ông còn bị giật túi mất hết tư trang và giấy tờ. Rồi hạ giọng hiểu biết: “Cũng không trách được, các bạn mới ra khỏi chiến tranh mà”. Khi đó chiến tranh chấm dứt đã được 20 năm.

Dấu tích chiến tranh còn lẩn quất đâu đó, ngay trong những tên đường quen và không quen, của những nhân vật thời chiến tranh. Có một con đường nhỏ, ở một khu khá yên tĩnh quận Một, với những nếp nhà cũ kỹ khiêm tốn, những tiệm ăn nho nhỏ hiền lành như tên đường vậy.
Con đường ấy mang tên người sinh viên phản chiến Nguyễn Thái Bình, người đã bày tỏ mong ước hòa bình trong thư ngỏ gửi Tổng thống Mỹ Nixon từ trường Đại học Washington (anh là sinh viên ở đó): “Trong cuộc đấu tranh vì tình yêu, hòa bình và công lý, tôi chỉ có một ý chí sắt đá, một tinh thần bất khuất và lòng yêu nhân loại thiết tha”.

Người sinh viên ấy đã mong ước “một ngày cây cối sẽ đâm chồi nảy lộc”, “ngày ấy phải tới” trên thành phố thân yêu. Hòa bình tới lâu rồi nhưng những vết thương chưa lành miệng, và cuộc sống chưa hẳn đã yên ổn.

Nhưng hình như người Sài Gòn yêu cả những ngổn ngang chưa toàn vẹn ấy.

“Sài Gòn nhiều món ăn ngon lắm, tôi thích bột chiên, hủ tíu”, ông bạn đồng hành người Thái hào hứng nhắc nhở, từ những món rất chơi như bò bía tới món rất nặng như lẩu mắm.

Thế là tự nhiên nhớ nhà. Giống như lần đó, lần nào đi xa cũng vậy, được hỏi từ đâu đến, tôi đều trả lời: “Sài Gòn, Việt Nam”.

Lớn lên ở Hà Nội, nói giọng Bắc không pha, tôi vui vẻ trở thành cư dân của thành phố này từ 20 năm trước, một thời gian đủ dài để có một tình cảm gắn bó đặc biệt.Vẫn nhớ như in cảm giác lần đầu tiên đi từ sân bay về thành phố trên con đường thẳng tắp và những tiệm may sành điệu dọc đường Hai Bà Trưng.

Khi ấy tôi còn là một bà mẹ trẻ ngồi trong quán bướng bỉnh nói: “Cho chị cốc nước chanh, em không hiểu chị nói gì thì chị sang quán khác”. Đường Trần Khánh Dư, Tân Định của tôi có một bãi rác to tướng cạnh xóm Chùa khét tiếng. Bây giờ con trai tôi đã thành một thanh niên cao lớn, và đường Trần Khánh Dư đã thành “Holywood Boulevard” của Việt Nam, nơi đặt văn phòng của nhiều hãng phim.

Ở đây, ta sống, thở hít khí trời, đi lại, ngủ thức hối hả rồi thong dong, ồn ào rồi sâu lắng, khắc khoải rồi bình yên. Vâng ta có thể sống cách mà ta muốn, tưởng như cả thành phố đang ở sau lưng nâng đỡ. Vì thế mà ta không bao giờ cảm thấy cô đơn.

Có một bạn ở Hà Nội nói rằng Sài Gòn không có nhiều fan, vì thành phố đa phần là dân tứ xứ, và có quá nhiều thứ nên không có thứ nào để nhớ sâu sắc. Không biết nhận xét đó có đúng, nhưng tôi yêu Sài gòn, và có vài triệu người cùng nghĩ như tôi. Những người đang sống hết mình trong tình yêu với thành phố này, một cách dồn dập và bận rộn. Có khi vì thế lại không có đủ thời gian và sức lực để mô tả tình yêu ấy.

Nếu vào một buổi chiều ngồi ở Cafe Central, phía trước tòa nhà Sun Wah Tower trên đường Nguyễn Huệ, nhìn trời nhìn đất mà không phải lo lắng xem có ai để ý bộ dạng nhàu nhĩ của mình, đánh giá mình nhiều hay ít tiền, gốc gác thế nào, có phải dân elite (tinh hoa) hay không… ta sẽ một chút cảm giác lạ lùng, kiểu như “thiên đường nơi đây”.

Sài Gòn là nơi ta mong ngóng muốn quay về mỗi khi ở xa nó, cảm thấy thiếu thốn và áp lực. Đúng vậy, ở đây người ta sống nhanh nhưng không bị áp lực. Tôi cảm nhận rõ hơn những điều này khi tạm xa Sài Gòn nhiều năm, thứ tình cảm mà tôi không có được đối với Hà Nội, nơi tôi lớn lên, nơi có bố mẹ tôi ở đó.

Đời sống văn hóa nơi đây cũng phần nào phản ánh không khí nhộn nhịp nhưng giản dị, ồn ào nhưng tình cảm, hối hả nhưng cần mẫn của một thành phố đang ngày một trẻ ra nhờ làn sóng dân nhập cư.

Ở các phòng trà ca nhạc, rạp phim, sân khấu kịch nói, cải lương, hay trong các nhà hát, khán giả thuộc mọi tầng lớp, mọi giới và mọi lứa tuổi say sưa thưởng thức tác phẩm bằng thái độ trân trọng, bằng tiếng vỗ tay nhiệt tình. Không phải vì dân ở đây dễ tính, mà họ hào phóng, cởi mở hơn khi cổ vũ cho sáng tạo.

Sài Gòn không cũ đi trong thơ Nguyên Sa, trong nhạc Trịnh Công Sơn, áo dài học trò vẫn trắng và những con đường vẫn có lá me bay. Sài Gòn lại mới hơn trong những màn múa hiện đại của Nguyễn Tấn Lộc, hay những vở hài kịch của Hồng Vân.

Sài Gòn dậy sớm, tập thể dục ở Tao Đàn, Thảo Cầm Viên, đi mua đồ ăn sáng, chạy ra uống cà phê trong quán, ngoài vườn, bên lề đường, nghe nhạc lẫn trong tiếng còi xe tấp nập. Sài Gòn miệt mài làm việc, chăm chỉ học hành, ăn trưa văn phòng rộn rã, tan trường trên yên xe gắn máy ba mẹ.

Sài Gòn tình tự, cười nói, thủ thỉ ngoài phố, trong chợ, trên đường đi, ở bất cứ nơi nào có thể. Sài Gòn thức khuya trong những quán ăn đêm, trong ánh đèn nhấp nháy của các sàn nhảy, quán bar. Sài Gòn cặm cụi nấu nướng để kịp dọn hàng, quét đường cho sáng mai sạch sẽ.
Sài Gòn của tôi hình như không bao giờ ngủ.

theo Lã Hoa
_____________________________________________

Posted in Chuyện xã hội, Chuyện đô thị, Chuyện đời sống | Thẻ: , , | Leave a Comment »

Nhà văn Chu Lai: “Cái gì đã qua thì cho qua”

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Tư 30, 2011

Đăng Ninh

Nhân dịp kỷ niệm 36 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30-4), Bay Vút đã có cuộc phỏng vấn nhà văn Chu Lai, một cây bút quân đội đã có nhiều tác phẩm văn học viết về chiến tranh và những người lính trong chiến trận, về vấn đề hòa giải dân tộc.

Bay Vút: Thưa ông, khi còn là một người lính tham gia chiến trận, ông có cái nhìn như thế nào về những người lính Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) khi đó?

Chu Lai: “Đó là một cái nhìn hai chiều. Chiều thứ nhất nằm trong quy luật chiến tranh một mất một còn, tức là theo bản năng tự vệ, nếu tôi không diệt anh thì anh sẽ diệt tôi. Chiều thứ hai thường xảy ra hơn, đó là chúng ta đều là con người, cũng buồn vui, cũng tâm trạng, cũng mang những nỗi niềm trăn trở, khắc khoải như nhau Tình thế buộc chúng ta phải nằm trong thế đối địch nhưng tự trong thâm tâm vẫn là người trong một nhà, máu đỏ da vàng, cầm súng nã đạn vào ngực nhau cũng thấy khổ tâm lắm.Ví dụ như tôi là lính đặc công nên đã có nhiều đêm bò rào, nằm ngay dưới chân đối phương, nghe họ nói, họ ca vọng cổ, họ nhắc về vợ con, mà chỉ muốn đứng dậy vỗ vào vai họ và nói rằng: Thôi, nện nhau vậy đủ rồi, giờ ra quán làm một tô hủ tiếu cho ấm bụng đi, đói lắm rồi. Thế nhưng, chiến tranh mà”.

Bay Vút: Và đến bây giờ, ở ngoài đời thực lẫn trong cái nhìn văn học, hình ảnh đó có gì thay đổi không, thưa ông?

Chu Lai : “Không, vẫn một chiều cảm thông như thế, thậm chí còn cảm thông sâu sắc hơn. Tôi thường nói: Không ai dễ bỏ qua chuyện cũ hơn những thằng lính đã từng nện vào mặt nhau và khi bỏ qua rồi coi như hòa để sau đó tập trung đầu óc vào chuyện làm ăn.Thực chất, chiến tranh dù với bên này hay bên kia đều là bi kịch, là mất mát. Vì vậy, khi chiến tranh qua rồi, nhắc lại mãi làm gì. Cuộc sống trường tồn mới là tất cả. Cho nên trước những người lính bên đối lập dù lúc này đang ở trong nước hay đã di cư sang nước khác, tự trong thâm tâm tôi không thấy có một điều gì lấn cấn hay xa cách cả. Thậm chí có những người, bằng tư cách của họ, tôi còn tri ân hơn cả những người bạn bình thường bởi đã có cùng nhau những ngày nhọc nhằn và bôn ba trên xa trường”.

Bay Vút: Có ý kiến cho rằng vấn đề hận thù dân tộc vẫn còn đó âm ỉ trong lòng nhiều người. Ông có nghĩ rằng chỉ khi nào thế hệ của những người trực tiếp tham gia chiến trận ‘nằm xuống’ thì vấn đề hận thù dân tộc mới được giải quyết hết không?

Chu Lai: “Không, sao lại muộn thế? Vấn đề đó phải được giải quyết ngay từ bây giờ, giải quyết ngay sau khi không còn cầm súng. Tại sao lại thù hận khi chuyện đó chỉ là một khoảng rất ngắn trong lịch sử mà tình thương yêu đùm bọc, tình nghĩa đồng bào, tính cốt nhục là trường tồn mãi mãi. Hết chiến tranh, tức là hết biện pháp tình thế rồi mà vẫn còn khư khư ôm lấy điều cũ rích, trái quy luật, ngược lại ý tưởng ông cha, là một hiểm họa khôn lường và cũng ngược lại với bản tính nhân ái của người Việt Nam. Chính cái nhân tình đó đã tạo nên sức mạnh tinh thần to lớn để dân tộc Việt Nam vượt qua hết những chặng đường giông gió này đến chặng đường bão tố khác”.

Bay Vút: Chúng ta vẫn thường nghe câu “lịch sử thuộc về những người chiến thắng”. Tuy nhiên, những kiểu rao giảng hiện nay đối với thế hệ trẻ, đặc biệt là trên các phương tiện truyền thông dễ làm cho người ta có cảm giác những người lính Việt Nam Cộng Hòa là những người vô cùng độc ác. Trong sách giáo khoa lẫn truyền thông đều gọi họ bằng những cái tên như “hắn”, “bọn”, “tên”. Theo ông thì làm sao để thay đổi được điều này?

Chu Lai: “Lịch sử thuộc về tất cả chứ không thuộc về bên nào. Ngay khái niệm chiến thắng cũng chỉ nên gọi trong trường hợp chống ngoại xâm. Như thời Trịnh Nguyễn phân tranh, ai thắng ai bại hay chỉ còn là nối đau trăm năm không muốn nhắc tới. Chính thế, phải nhìn nhận người một thời phía bên kia, dù họ không thắng, chỉ là một sai lầm về địa dư chí, địa chính trị và ý thức hệ. Non sông liền giải rồi, cả nước chỉ có một chủ thuyết đi lên hạnh phúc ấm no, nếu ai đó, cơ quan truyền thông nào đó còn cực đoan gọi họ bằng những cái tên hắn, nó, bọn… thì chính họ đã tạo nên một vết hằn thâm thù vẫn còn chưa lên da non trong lòng dân tộc. Còn tôi, ngay trong văn học, tôi chưa bao giờ miệt thị người phía bên kia bằng cách gọi và bằng cả những kiểu miêu tả võ đoán xấu xa, thô bạo, độc ác thậm chí nhân vật của tôi còn cả những tướng Sài gòn về một mặt nào đó, trí tuệ, tâm hồn, phong cách còn dễ chịu hơn người bên này. Họ thua vì chủ thuyết và con đường đi”.

Bay Vút: Những năm gần đây có vẻ như hai bên đều muốn hòa giải, kể cả chính quyền. Nhưng tất cả mới chỉ dừng lại ở việc đứng ở xa cười xã giao chứ chưa thấy bên nào tiến tới bắt tay nhau. Theo ông, đâu là nguyên do của vấn đề này? Và nếu để làm được việc này thì chúng ta nên bắt đầu từ đâu và làm như thế nào?

Chu Lai: “Tôi đã từng dùng một hình ảnh trong tác phẩm điện ảnh: Bà mẹ liệt sĩ vào thành cổ Quảng Trị thắp hương cho đứa con độc nhất của mình đã lặng lẽ thắp hương cho cả kẻ đã giết con mình, khiến cho bà mẹ kia quỳ xuống nghẹn ngào.
Câu thơ nổi tiếng của một chiến sĩ thành cổ còn sống: “Đò xuôi thạch Hãn xin chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm” không hiểu người lính ấy có biết không, dưới đáy con sông ấy có cả xác người bên này và cả người bên kia? Cho nên, vào những ngày kỷ niệm chiến thắng, người tổ chức nên có những câu nói, những hành động chia sẻ, những sự thăm hỏi cả những người bên kia đã ngã xuống bởi họ cũng có cha mẹ, vợ con. Chẳng lẽ cứ mỗi lần bên này reo vang thì bên kia ngậm ngùi cúi đầu hổ nhục?”

Bay Vút: Một nhà quân sự đã từng nói: Đỉnh cao của xung đột là thỏa hiệp. Tuy vấn đề mâu thuẫn dân tộc ở Việt Nam không có cao trào và nóng bỏng như ở các nước Hồi Giáo nhưng nó âm ỉ trong thâm tâm nhiều người, dẫn đến cách đối xử đôi khi vẫn chưa thực sự được ‘thoải mái’. Vậy trong chuyện này đâu là thái độ hợp lý và nhân văn, thưa ông?

Chu Lai: “Âm ỉ ư? Tôi không tin. Người Việt mình đôn hậu lắm. Ngay đến cả phi công Mỹ, lính Mỹ gây nhiều khổ đau là thế nhưng khi họ trở lại vẫn được sự nhìn nhận, đón tiếp chân tình từ các bà mẹ thì huống chi là người Việt mình với nhau. Tất nhiên vẫn có những hận thù, những ám ảnh khó gỡ nhưng cùng với thời gian và dòng chảy cuộc sống, nhất định mọi sự sẽ qua và có lẽ cho đến bây giờ đã qua nhiều lắm. Cũng như con em những người vào diện HO đang sống ở hải ngoại, họ đâu còn khái niệm gì về chiến tranh bên này bên nọ. Họ chỉ mong làm ăn yên ổn và thỉnh thoảng được trở về thăm quê mẹ. Và thái độ duy nhất lúc này là cái gì đã qua thì cho qua, cùng nhau bắt tay xiết cánh đưa dân tộc lên một đỉnh cao mới, đó chính là hòa hợp. Thái độ này không chỉ nằm trong sâu thẳm trái tim người trong cuộc mà còn phải nằm ở tư duy, tầm nhìn của các cấp lãnh đạo và nằm cả ở những người một thời là phía bên kia”.

Bay Vút: Vâng, xin cám ơn Ông.

________________________________________

Posted in Chính trị Việt Nam, Chuyện lịch sử, Chuyện đất nước | Thẻ: , , | Leave a Comment »

Những thách thức của hai ngài đại sứ

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Tư 30, 2011

Nguyễn Chính Tâm

Giữa tháng 2.2011, thứ trưởng bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Cường nhận quyết định chính thức từ Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết đảm nhiệm vị trí đại sứ Việt Nam tại Mỹ thay ông Lê Công Phụng kết thúc nhiệm kỳ.

Sau đó hai tháng, uỷ ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ thông qua đề cử của Tổng thống Barack Obama đối với vị trí đại sứ Mỹ tại Việt Nam, ông David Shear. Nếu được thượng viện chấp thuận, phó phụ tá ngoại trưởng Mỹ sẽ trở thành đại sứ thứ năm của Mỹ tại Việt Nam tính từ ông Pete Peterson năm 1997.

Bất kỳ thuật ngữ nào nhằm miêu tả mối quan hệ Mỹ – Việt đều sớm trở nên lỗi thời trước những chuyển động của hai bên.

Từ mối quan hệ ban đầu chỉ tập trung vào việc tìm kiếm quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh Việt Nam, các dấu hiệu hợp tác gần đây khiến một số nhà quan sát đã sử dụng cụm từ “mối quan hệ chiến lược” để hình dung về tương lai song phương giữa hai đất nước đã từng là cựu thù. Vượt trên các tên gọi của giới nghiên cứu hay các nhà ngoại giao, một góc nhìn trực diện vào bản chất thật sự của quan hệ Việt – Mỹ đang cần đưa lên bàn cân đánh giá làm tiền đề cho quá trình hoạch định chính sách. Trong đó, hai yếu tố và một điểm tựa đóng vai trò khởi điểm đầu tiên.

Tác động cộng hưởng kép

Dẫu đa phương hay song phương, dẫu quan hệ kinh tế hay ngoại giao, dẫu trong hoàn cảnh thuận hoà hay đang còn tồn tại một số bất đồng trước mắt, có hai yếu tố cần được xem xét, đó là toàn cầu hoá kinh tế và trỗi dậy của Trung Quốc trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Một mặt, sự lựa chọn của Việt Nam tham gia thị trường toàn cầu đã làm thay đổi định hướng trong các quyết định về chiến lược ngoại giao. Việc gia nhập tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2007 là một bước thứ hai trong quá trình cải cách của Việt Nam, đánh dấu phương hướng đa phương hoá, đa dạng hoá trong các lựa chọn về chính sách đối ngoại. Quá trình xích lại gần với cộng đồng chung thế giới nên được đánh giá trong bối cảnh đề cao các ưu tiên về phát triển và hiện đại hoá đất nước lên hàng đầu. Toàn cầu hoá trong mối quan hệ Việt – Mỹ, vì thế, kiến tạo một hình dung về thế giới ngày càng liên kết mà trong đó chia sẻ lợi ích sẽ là yếu tố chủ đạo.

Bên cạnh đó, sự trỗi dậy của Trung Quốc xoay quanh cuộc tranh luận liệu cán cân quyền lực toàn cầu có đang chuyển đổi.

Với Trung Quốc, một ngôi sao đang lên, đồng nghĩa rằng đây sẽ là đầu máy tăng trưởng và thịnh vượng của nền kinh tế khu vực. Gắn kết vào nền kinh tế có 1,34 tỉ dân này là xu thế tất yếu, để tận dụng nguồn tài nguyên, giá thành nhân công, thị trường nội địa khổng lồ và xung lực tăng trưởng dồi dào.

Điểm mà các nhà phân tích chiến lược đặt câu hỏi là sự trỗi dậy của Trung Quốc (i) sẽ làm thay đổi cấu trúc “đồng minh” của Mỹ tại châu Á – Thái Bình Dương như thế nào, và cũng không kém phần quan trọng (ii) là sẽ ảnh hưởng đến lựa chọn chiến lược của các nước nhỏ hay các nước vẫn chưa định hình vị trí của mình trong bàn cờ khu vực. Thái độ lúc mềm mỏng, lúc cứng rắn với từng quốc gia, diễn ra trong từng diễn đàn, từng tình huống từ Bắc Kinh tạo nên những tiên đoán khác nhau từ các nước liên quan. Hoặc như chính sách của Bắc Kinh trong hồ sơ sông Mekong thời gian vừa qua cũng gây lo ngại cho những nước ở hạ nguồn…

“Hãy cho tôi một điểm tựa…”

Quan hệ Việt – Mỹ đang trong giai đoạn mà yếu tố lợi ích đang đóng vai trò tiên quyết. Mỹ là một đối tác quan trọng với Việt Nam bởi những tích cực mà hợp tác kinh tế, thương mại, giáo dục, chuyển giao công nghệ do Mỹ đem lại. Ngược lại, Việt Nam càng ngày càng trở nên quan trọng hơn với Mỹ, xét trên bàn cờ địa chính trị chung của khu vực châu Á.

Riêng với chính quyền Obama, mở rộng hợp tác với các quốc gia Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam, còn thể hiện thuyết sách ngoại giao mới tập trung vào ba ưu tiên chuyển đổi, trong đó ưu tiên chuyển đổi địa dư, từ châu Âu sang châu Á với sự trở lại của nước Mỹ tại khu vực Thái Bình Dương, nằm ở vị trí đầu tiên.

Tuy vậy, kinh nghiệm “chơi” với Mỹ cho thấy, một hợp tác dựa vào tiêu chí lợi ích sẽ mang tính ngắn hạn và có khả năng bị thay đổi rất nhanh vì chuyển biến lợi ích từ bên trong chính trị đối nội. Một hợp tác mà nền tảng của nó vừa dựa trên lợi ích nhưng cũng vừa phải vượt trên các yếu tố lợi ích, mới tiệm cận gần đến mô hình bền vững lâu dài.

Trên góc nhìn đó, quá trình “định chế hoá” đang là bước kế tiếp mà hai bên cần tiến hành. Trong lĩnh vực kinh tế thương mại, “Hiệp định Thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương (Trans – Pacific Partnership Trade Agreement – TPP)” hiện đang đàm phán tới vòng thứ sáu, là tâm điểm. Sáng kiến thương mại tự do được Mỹ khởi xướng gần đây, tiếp tục sẽ gắn Việt Nam vào dòng thác thương mại đa phương toàn cầu, thiết lập một liên minh ngoại thương mà tầm hoạt động của nó là xuyên hai châu lục. Xét về mặt địa chính trị, ý nghĩa thứ hai vượt qua những con số: TPP hơn là một kế hoạch tự do thương mại. Trên căn bản, đó còn có thể được đánh giá là “một dự án chính trị” nhằm thiết chế hoá một môi trường khu vực ổn định. Lãnh vực ngoại giao, quốc phòng dường như nhạy cảm hơn, vì gắn liền đến nhiều yếu tố khách quan khác trong khu vực.

Trả lời báo chí, đại sứ Lê Công Phụng cho biết: “Việt Nam và Mỹ đã nhất trí thiết lập cơ chế đối thoại chiến lược về an ninh – quốc phòng và cho đến nay đã tiến hành được ba vòng đối thoại. Việt Nam là một trong số rất ít các nước ở Đông Nam Á có cơ chế này với Mỹ”.

Một phát biểu khác của thứ trưởng bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh lại khẳng định chính sách “ba không” của Việt Nam: “không tham gia các liên minh quân sự, không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào, không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam và không dựa vào nước này để chống nước kia”. Động thái này cho thấy một “định chế cứng” ở dạng liên minh quân sự, theo đó, các nước ràng buộc với nhau bằng một cam kết bảo vệ an ninh lẫn nhau (và có thể chống lại một đe doạ đến từ phe thứ ba) không phải là lựa chọn hiện tại của Việt Nam. Một “định chế mềm”, tuy vậy, vẫn có thể khả thi qua hình thức đối thoại chiến lược về an ninh – quốc phòng như lời của đại sứ Phụng hay các mô thức hợp tác hải quân mang tính chừng mực giữa Hoa Kỳ và Việt Nam thời gian gần đây.

Ngoài ra, trên bình diện đa phương, “Cộng đồng chung Đông Á” (East Asian Community – EAC) cũng là một diễn đàn khác, thông qua đó kết nối hơn vai trò của Mỹ vào các định chế an ninh chung của toàn vùng, mà cho đến nay nước Mỹ (cùng với Nga) vẫn còn bị giới hạn với tư cách là quan sát viên.

“Hãy cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ nhấc bổng quả đất lên”, câu nói của Archimedes có thể xem như một phương châm hành động. Bài toán của hai vị tân đại sứ sẽ nằm ở việc xây dựng điểm tựa này tới đâu thông qua quá trình xúc tiến các định chế hoá trong những năm sắp tới. Một thách thức vừa là của hai vị đại sứ vừa của cả chính phủ và nhân dân hai quốc gia để đưa mối quan hệ Việt – Mỹ lên một tầm cao mới.

____________________________________________________

Posted in Chuyện đất nước, Việt Nam và thế giới | Thẻ: , , | Leave a Comment »

Đưa Trung Quốc vào hội đàm khu vực về Biển Đông?

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Tư 29, 2011

Trung Quốc cần được đưa vào hội đàm khu vực để đảm bảo một giải pháp hòa bình cho những căng thẳng về Biển Đông, Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono nói.

Phát biểu trên truyền hình Mỹ, lãnh đạo Indonesia thừa nhận tính nhạy cảm tại Biển Đông trước sự trỗi dậy của Bắc Kinh, nhưng cho hay: “Tôi nghĩ, tại sao chúng ta không khuyến khích đối thoại để có thể đưa cả Trung Quốc vào đó nếu bạn có thể thảo luận về việc làm thế nào để duy trì trật tự và ổn định ở Biển Đông… Tôi tin chúng ta có thể tránh được căng thẳng trong khu vực”.

“Theo quan điểm của tôi, chúng ta nên có một cuộc trò chuyện chung với Trung Quốc nói về sự kỳ vọng của các nước trong khu vực, giải quyết bất kể điều gì một cách hòa bình, chính trị, và Trung Quốc nên là một phần của khuôn khổ ấy”, ông nói.

Theo giới quan sát, quan hệ của Trung Quốc với nhiều nước láng giềng trong vài năm gần đây trở nên xấu đi vì những gì được coi là sự quả quyết ngày càng lớn của Bắc Kinh trong vấn đề tranh chấp hàng hải.

Trung Quốc và các quốc gia thành viên ASEAN vào năm 2002 đã nhất trí phát triển bộ quy tắc ứng xử về Biển Đông, nhưng kể từ đó tới nay không có nhiều tiến triển. Trung Quốc hy vọng giải quyết tranh chấp bằng biện pháp song phương thay vì hội đàm với toàn bộ ASEAN.

Trong bài phát biểu, ông Yudhoyono nhấn mạnh, ông hoan nghênh một vai trò tích cực của Mỹ ở Đông Nam Á. Chính quyền của Tổng thống Barack Obama, người có thời niên thiếu sống tại Indonesia, đã “tái tạo” sự chú ý mới vào khu vực phát triển kinh tế năng động này.

Mỹ cần thông qua Công ước LHQ về Luật biển

Ở một động thái khác có liên quan, vào thời điểm Trung Quốc đang mở rộng sức mạnh, quả quyết hơn trong vấn đề chủ quyền tại Biển Đông, các cố vấn chính sách Mỹ cho rằng, các thành viên Dân chủ và Cộng hòa nên làm việc cùng nhau và chấm dứt cuộc tranh cãi kéo dài bấy lâu về việc Mỹ tham gia Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS).

UNCLOS tồn tại gần 30 năm nhưng Thượng viện Mỹ vẫn tranh cãi kịch liệt về việc nước này có nên tham gia hay không. Họ e ngại công ước sẽ hạn chế thương mại và cho phép các cơ quan quốc tế áp dụng để kiểm soát lớn hơn những lợi ích của Mỹ.

Thad W.Allen, Richard L.Armitage, và John J.Hamre trong một bài báo đã dẫn lời Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân rằng, sự phê chuẩn “hệ thống hóa các quyền hàng hải, hàng không và tự do trên biển vốn là cốt yếu cho sự triển khai linh động toàn cầu với các lực lượng vũ trang Mỹ”.

Hay nói một cách khác, UNCLOS đảm bảo tăng cường an ninh quốc gia bằng cách giúp cho Hải quân Mỹ linh hoạt hơn khi hoạt động trên biển và ở các vùng đặc quyền kinh tế và vùng lãnh hải nước ngoài.

Các cố vấn chính sách Mỹ viết: “Điều này đặc biệt quan trọng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương và Biển Đông, nơi căng thẳng giữa Trung Quốc, Nhật Bản và các nước Đông Nam Á gia tăng vì cách hiểu trái ngược nhau về những gì cấu thành nên lãnh hải và vùng biển quốc tế”.

Bài báo được Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) đăng tải. Bài báo cho hay, tháng 7 năm trước, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã được đánh giá cao khi đảm bảo với ASEAN rằng, Mỹ ủng hộ mạnh mẽ các nỗ lực đa phương để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông. Các cố vấn chính sách Mỹ kết luận: “Nhưng vị trí mạnh mẽ ấy của Mỹ cuối cùng đã bị xói mòn bởi việc không phê chuẩn công ước”.

Trước đó, Malaysia nói rằng, họ muốn các bên tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông cần giải quyết bất đồng thông qua việc áp dụng UNCLOS.

Phó Thủ tướng Tan Sri Muhyiddin nói với các phóng viên ở Kuala Lumpur rằng, Malaysia không muốn vấn đề này làm tổn hại đến quan hệ giữa các nước trong khu vực. Ông nhấn mạnh: “Quan điểm của Trung Quốc là vấn đề nên được giải quyết song phương. Tôi nghĩ điều đó quan trọng, nhưng chúng ta có ASEAN nên việc thảo luận giữa các thành viên ASEAN cũng rất quan trọng”.

Thái An (Theo channelnewsasia, philstar)
____________________________________________________

Posted in Chuyện đất nước, Việt Nam và thế giới | Thẻ: , , | Leave a Comment »

Giải phẫu tình trạng lạm phát ở Việt Nam

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Tư 29, 2011

“Quan điểm của tôi lâu nay, lạm phát có nhiều nguyên nhân nhưng gốc của lạm phát ở Việt Nam vẫn là chính sách tài khóa, do mình mở rộng chi tiêu như thế, mở rộng đầu tư như vậy và đầu tư kém hiệu quả”, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung nói với VnEconomy.

Việc chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2011 được công bố với mức tăng 3,32%, cao nhất trong gần 3 năm qua, đã tạo nên những nghi vấn về hiệu lực chính sách kiểm soát lạm phát đang thực thi hiện nay. TS. Nguyễn Đình Cung đã có những lý giải khá mới mẻ.

Ông cho rằng:

– Doanh nghiệp nhà nước gần như hoạt động đầu tư đều dựa vào tín dụng mà chính sách tiền tệ của ta thật ra không hoàn toàn độc lập như ở các nước, vẫn là phục vụ cho tăng trưởng, phục vụ tài khóa nhiều. Cho nên, nếu thắt được tài khóa thì mới thắt được tín dụng.

Quan điểm của tôi lâu này là thâm hụt ngân sách, đầu tư của doanh nghiệp nhà nước mới là cái gốc, cái quan trọng nhất, nếu như chưa thắt chặt được cái đó thì cung cầu tín dụng căng thẳng do nhu cầu vốn vẫn lớn, nhiều khi tín dụng vẫn mở, tiền vẫn tung ra và lãi suất vẫn tăng, đương nhiên là lạm phát cao.

Nếu thắt chặt tài khóa thì cung tín dụng mới có thể giảm xuống. Nhưng mấy năm vừa rồi, tài khóa mở rộng và tiền tệ cũng mở rộng. Mà tại sao mở rộng? Là bởi vì mô hình tăng trưởng của ta quá nhấn mạnh vào số lượng đầu tư, coi đó như là một động lực của tăng trưởng.

Tiền tệ mở rộng, tổng phương tiện thanh toán M2 hiện đã khoảng 130% GDP. Tiền nhiều hơn hàng thì gây nên lạm phát.

Chính sách tiền tệ không được độc lập

Nhưng quan điểm chống lạm phát hiện nay là phải song hành cả tài khóa và tiền tệ, thưa ông?

Nói đến tài khóa và tiền tệ, theo tôi tiền tệ tác động đến toàn bộ nền kinh tế, tài khóa về căn bản chỉ tác động đến khu vực nhà nước. Nói đến khu vực nhà nước là chủ đạo, là rất quan trọng thì trong mọi trường hợp anh phải đi đầu, đặc biệt là trong chống lạm phát, phải cắt giảm chi tiêu.

Vì tôi cho rằng cái căn bản của lạm phát Việt Nam vẫn là tài khóa, giả sử cắt được tài khóa nhiều thì cung tiền có thể mở rộng thêm để chuyển tín dụng sang khu vực khác. Còn nếu chưa cắt được khu vực nhà nước thì bằng cách này hay cách khác, tín dụng nó vẫn tìm về với khu vực nhà nước.

Nếu như vậy, chỉ tiêu tín dụng vẫn tăng 5% trong quý 1/2011, song hành cùng đầu tư từ ngân sách vẫn cao cũng củng cố thêm quan điểm của ông về chính sách tiền tệ chưa độc lập?

Lâu nay, chính sách tiền tệ đã không được độc lập rồi. Chính sách tiền tệ của mình vẫn là phục vụ cho tăng trưởng, cho mục tiêu của Chính phủ chứ không hoàn toàn là chính sách tiền tệ độc lập như nước khác.

Chính sách tiền tệ độc lập phải là chính sách có một mục tiêu duy nhất là ổn định giá trị đồng tiền. Chống lạm phát chỉ là ở thời điểm lạm phát thì nó ưu tiên, còn dài hạn thì là mục tiêu duy nhất như tôi đã nói. Ta thì hơi nhiều mục tiêu.

Nói đến chính sách tiền tệ phục vụ tài khóa, ông bình luận thế nào về con số bội chi ngân sách 2,6% trong quý 1/2011, được Bộ Tài chính công bố?

So với cùng kỳ năm trước thì so sánh cũng không phải tỷ lệ thấp nhiều (quý 1/2010 bằng khoảng 3% GDP – PV). Nhưng quan trọng hơn là bội chi ngân sách năm nay vẫn dự kiến khoảng 5%, không giảm nhiều so với nhiều năm trước.

Khó hy vọng cắt giảm đầu tư

Những thông tin công bố chính thức thì với tài khóa thắt chặt, vốn trái phiếu Chính phủ không cho kéo dài giải ngân, không cho điều chuyển vốn từ 2012 sang sẽ cắt giảm được trên 50 nghìn tỷ đồng đầu tư năm nay. Ông bình luận gì?

Tôi cũng nghe nhiều về con số này nhưng chưa hiểu đằng sau nó là cái gì. Bây giờ thế này, cứ giả sử vốn năm ngoái kế hoạch là 100 tỷ đồng, giải ngân mới được 70 tỷ đồng thì còn 30 tỷ đồng chuyển sang năm nay. Nếu không cho kéo dài thì địa phương sẽ phải lấy nguồn vốn khác để giải ngân cho năm nay.

Thế thì, việc đầu tư đó vẫn thực hiện, tôi không thấy sự cắt ở đâu cả. Chỉ có khác là vốn ấy lấy từ nguồn khác. Vậy nguồn khác lấy từ đâu?

Còn vốn ứng của năm sau, ví dụ năm 2012 mới có mà năm nay đã chi tiêu rồi. Tôi cũng không hiểu, vì sao lại có thể có một kế hoạch ngân sách lấy của năm sau chi cho năm nay. Nếu như sang năm 2012 chi không đủ thì lại lấy 2013 chi tiếp, tức là lấy kế hoạch đầu tư của tương lai, của thế hệ sau chi cho hôm nay?

Cuối cùng, bản chất vẫn là đi vay để phục vụ cho đầu tư của năm nay, và bội chi ngân sách còn cao hơn nữa. Như thế thì nhu cầu vốn cao hơn và không có cách nào khác tiền tệ phải phục vụ cho chi tiêu ngân sách.

Về các khoản thay thế cho vốn không được kéo dài giải ngân, ở địa phương có một số khoản thu không phải chuyển về trung ương như thu từ xổ số, thu tiền sử dụng đất, phí môi trường… Nếu địa phương tăng nguồn thu này lên thì thế nào?

Bây giờ giả sử họ lấy nguồn khác mà không phải vốn nhà nước cấp cho năm nay, ví dụ bán đất đai, huy động nguồn thu từ xổ số…, thì tổng đầu tư sẽ không giảm. Mình cắt đi để hy vọng giảm tổng đầu tư, nhưng như thế này thì có thể không giảm được.

Đúng như ông nói, trong hai báo cáo cắt giảm đầu tư của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện sau Nghị quyết 11, các địa phương có vẻ như rất khó cắt. Vấn đề đằng sau nó là gì?

Cái đó thì hiểu được. Bởi vì, nếu nói là cắt giảm các dự án không cần thiết, không hiệu quả thì chẳng ai, trên thực tế, thừa nhận dự án này không hiểu quả, dự án kia không cần thiết.

Bởi vì, một dự án được thông qua thì phải qua một quy trình đề xuất dự án, xây dựng dự án, thẩm định dự án và rất nhiều người tham gia vào đó. Không thể nói lại là không hiệu quả, không cần thiết. Vì như thế thì chẳng hóa ra từ xưa đến giờ vẫn có những nơi, nhưng chỗ đầu tư vào dự án không hiệu quả?

Trên thực tế, người ta vẫn nhìn thấy dự án không hiệu quả. Nhưng nếu xét về mặt quy trình như thế khó có thể bác được người ta.

Và cũng không thể tự mình lại soi xét vào những việc lâu nay mình vẫn làm như kiểu ủy ban nhân dân tỉnh nhìn lại những việc mình đã làm, đã đầu tư như thế… Đó là mới nói những việc rất khách quan, chưa nói lợi ích đan xen gì cả.

Cho nên, khó có thể đưa ra cắt giảm theo những tiêu chí chung chung và tự đơn vị rà soát cắt giảm thì khó có thể thực hiện được. Trong bối cảnh hiện nay thì phải có tiêu chí rõ ràng, loại nào cắt thì dứt khoát phải cắt và phải có cơ quan bên ngoài thực hiện.

Nếu nói theo quy trình thì dự án nào cũng quan trọng cả thì khi rà soát có xảy ra tình trạng xin cho không?

Nếu đúng là như thế thì “ông” nào vào danh sách cắt giảm bây giờ? Thì có thể là những dự án của những chủ đầu tư yếu thế hơn, khả năng vận động ít hơn so với chủ đầu tư khác chẳng hạn, thì khả năng bị cắt giảm nhiều hơn.

Theo tôi, với cách cắt giảm tự rà soát, tự đánh giá với những tiêu chí như thế, không đơn giản. Cho đến nay, kết quả chúng ta nhìn thấy vẫn chưa đạt được như mong muốn.

Cần tín hiệu chính sách rõ ràng hơn

Với những kết quả thắt chặt của chính sách tài khóa như vừa được công bố, theo ông còn có độ trễ nào nữa không để cắt giảm đầu tư tác động đến lạm phát?

Chính sách tài khóa tác động đến lạm phát thì không ai biết là độ trễ bao nhiêu nhưng với chính sách tiền tệ, theo dõi quá trình thì độ trễ khoảng 4-5 tháng. Tài khóa thì không biết là bởi vì chưa thấy cắt giảm bao giờ…

Thế trường hợp năm 2008, lạm phát 3 tháng cuối năm âm…

Âm vào thời điểm đó có nhiều yếu tố, một mặt mình thắt chặt chính sách từ đầu năm, một mặt còn do khủng hoảng từ bên ngoài tác động đến.

Năm nào bội chi cũng vẫn lớn và với tài khóa, chi thường xuyên vẫn đều đều như thế, chi đầu tư đầu năm nhỏ, cuối năm mở ra thì vẫn chi như vậy và thậm chí mở rộng hơn. Năm nay bội chi vẫn 5% thì chưa khác nhiều với trước.

Phải có một cái gì thật là đột biến thì lúc đó mới biết được chính sách tài khóa tác động sau bao nhiêu tháng. Chứ nếu như điều chỉnh tỷ giá, điều chỉnh giá điện, xăng dầu thì gần như tác động ngay tức thời và tác động nhiều vòng.

Nhân đây cũng có ý kiến cho rằng, các chính sách kiểm soát lạm phát được ban hành vừa qua dường như mới nhìn vào phía kiểm soát tổng cầu, chưa có giải pháp giảm chi phí đẩy, thưa ông?

4 tháng đầu năm nay, cầu kéo và chi phí đẩy đều có tác động. Cầu kéo thì liên quan đến chính sách tiền tệ phải 4-5 tháng sau mới có tác động rõ ràng, nhưng chi phí đẩy thì tác động ngay lập tức, cho nên nó đưa lạm phát lên, mà lại thực hiện điều chỉnh dồn dập nhiều thứ một lúc. Cho nên, 4 tháng đầu năm nay, phần lớn tác động là chi phí đẩy.

Để tăng kỳ vọng lạm phát đến quý 3 năm nay sẽ giảm, theo tôi tín hiệu chính sách kiềm chế lạm phát phải rõ ràng hơn. Hiện nay mà nói, tôi cho rằng về mặt tín hiệu chính sách thì tiền tệ nhìn rõ ràng hơn là tài khóa.

theo ANH QUÂN
_____________________________________________________

Posted in Chuyện đất nước, Kinh tế | Thẻ: , , | Leave a Comment »

Nguyễn Công Chính bị bắt vì hành vi Phá hoại chính sách đoàn kết

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Tư 29, 2011

Theo báo TP, chiều 28-4, đại tá Rơ Lan Lâm, Phó Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai, Thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh cho biết: Sáng 28-4, cơ quan này đã bắt tạm giam 4 tháng Nguyễn Công Chính (SN 1969, quê Quảng Nam, trú tổ 10, phường Hoa Lư, TP Pleiku, Gia Lai, trình độ văn hóa 9/12) về hành vi Phá hoại chính sách đoàn kết theo Điều 87 Bộ luật Hình sự.

Cơ quan ANĐT Công an Gia Lai cho biết, từ năm 2003 đến nay Nguyễn Công Chính đã làm, phát tán nhiều tài liệu tuyên truyền xuyên tạc, phá hoại đường lối, chính sách dân tộc, tôn giáo, gây chia rẽ, làm mất niềm tin trong các tầng lớp nhân dân. Các tài liệu này được Chính gửi cho một số tổ chức phản động trong và ngoài nước; cấu kết với số phản động người Việt và Fulrô lưu vong tiến hành các hoạt động chống phá chính quyền nhân dân.

Cũng theo Cơ quan ANĐT, ông Chính đã móc nối, quan hệ, nhận sự chỉ đạo thu thập thông tin, cung cấp, trả lời phỏng vấn nhiều báo đài, website như “Tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế”, “Phong trào dân chủ Việt Nam”, “Câu lạc bộ Hoa Mai”… nội dung chủ yếu xuyên tạc, vu cáo công an, chính quyền đàn áp tôn giáo, đề nghị Hoa Kỳ đưa Việt Nam trở lại danh sách các quốc gia cần đặc biệt quan tâm về vấn đề tôn giáo, ủng hộ kế hoạch biểu tình tại Tòa Đại sứ quán Việt Nam ở Mỹ. Móc nối cấu kết với nhiều đối tượng phản động hoạt động chống chính quyền.

Cơ quan ANĐT đã trưng cầu giám định hàng trăm tập tin thu thập qua kiểm tra hành chính nhà Nguyễn Công Chính. Kết quả, Viện Khoa học Hình sự Bộ Công an khẳng định: Nguyễn Công Chính làm ra các tài liệu có nội dung tuyên truyền gây chia rẽ giữa chính quyền, lực lượng công an với quần chúng nhân dân; chia rẽ giữa quốc gia dân tộc Việt Nam với các nước khác trên thế giới với mục đích chống chính quyền nhân dân, chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam.

Bên cạnh đó, cơ quan điều tra cũng nhận được phản ánh của quần chúng nhân dân về các hành vi sai phạm khác của Chính như lợi dụng hoạt động tôn giáo để lừa đảo, trục lợi cá nhân; hoạt động mê tín dị đoan, quan hệ bất chính…

theo Huỳnh Kiên
____________________________________________________

Posted in Chính trị Việt Nam, Chuyện pháp luật, Chuyện đất nước | Thẻ: , , | Leave a Comment »

Ký ức chiến tranh: Cụm Tình báo A20 – H67

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Tư 29, 2011

Trong những chiến công lớn của Cụm Tình báo A20 – H67 và tổ chức cách mạng, dấu ấn của cụm trưởng Sáu Trí được khắc ghi đậm nét.

Cụm trưởng Cụm Tình báo A20 Sáu Trí tên thật là Nguyễn Văn Khiêm, bí danh Phạm Duy Hoàng và Nguyễn Đức Trí, sinh năm 1925, tại Gò Công – Tiền Giang, là anh họ đồng thời cũng là người dẫn dắt điệp viên Nguyễn Văn Lễ (Ba Lễ, mật danh H3) gia nhập Cụm A20.

Trong Cách mạng Tháng Tám 1945, Sáu Trí là một trong những thành viên của Đội Thanh niên Tiền phong tham gia cướp chính quyền. Cách mạng thành công, Sáu Trí gia nhập ngành quân báo với bí danh Phạm Duy Hoàng, sau đó chuyển địa bàn hoạt động về Sài Gòn và miền Đông Nam Bộ, được phân công giữ chức Trưởng chi Quân báo Đặc khu Sài Gòn – Chợ Lớn.

Một năm trước khi thực dân Pháp thua trận tại Điện Biên Phủ (1954), ông bí mật vào nội đô Sài Gòn, xin vào làm việc tại Nha Công an Nam phần của chính quyền thân Pháp, thu thập nhiều thông tin tình báo quan trọng phục vụ cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ cho đến ngày thắng lợi.

Năm 1954, Hiệp định Genève được ký kết. Ngô Đình Diệm trở về miền Nam và thành lập chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Tình thế thay đổi, ông Sáu Trí tiếp tục ở lại miền Nam và chuyển sang làm sĩ quan ở Tổng nha Cảnh sát của chính quyền Ngô Đình Diệm cho đến ngày bị lộ vào cuối năm 1962.

Vào thời điểm ông bị mật vụ chính quyền Sài Gòn theo dõi gắt gao, buộc phải rút vào chiến khu cũng là lúc Cụm A20 được thành lập tại mật khu Bời Lời (Tây Ninh). Với kinh nghiệm hoạt động quân báo thời chống Pháp, đã được thử lửa qua nhiều tình huống thực tế kịch tính, ông Sáu Trí được Phòng Tình báo miền (J22) tin tưởng giao trọng trách làm cụm trưởng Cụm A20.

Qua những chuyến đi về giữa mật khu Bời Lời – căn cứ địa A20 – nội đô Sài Gòn những năm 1962 – 1965, ông Sáu Trí đã xây dựng nhiều cơ sở nội tuyến ngay trong lòng bộ máy chính quyền Việt Nam Cộng hòa, góp phần giúp A20 hoạt động hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của tổ chức cách mạng. Thời gian này, ông lấy bí danh Nguyễn Đức Trí (bí danh này được giữ cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng).

Tháng 11-1965, ông Sáu Trí được rút về làm Phó Phòng Quân báo Bộ Tổng Tham mưu miền (B2), bộ phận điệp báo của J22. Về sau, ông được cử giữ chức Trưởng Phòng J22, trở thành một trong những nhà chỉ huy tình báo hàng đầu tại miền Nam. Nhiều năm liền, Sáu Trí đã xây dựng, củng cố và chỉ đạo hoạt động tốt các mạng lưới tình báo chiến lược, thu nhận và phân tích tin tức tình báo, phục vụ đắc lực các hoạt động quân sự của quân giải phóng trên chiến trường miền Nam.

Cuối tháng 11-1973, tại chiến khu Lộc Ninh (nay thuộc tỉnh Bình Phước), Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh miền Nguyễn Minh Châu (Năm Ngà) tổ chức gặp mặt chia tay 20 sĩ quan cấp tá lên đường ra Bắc học tập, chuẩn bị cho kế hoạch đánh lớn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Hai sĩ quan của J22 được cử đi học đợt này là thượng tá Nguyễn Văn Khiêm (Sáu Trí) – thủ trưởng và trung tá Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang) – Phó Chính ủy J22. Sáu Trí vào Học viện Quân sự, Tư Cang vào Học viện Chính trị và bắt đầu khóa học 2 năm.

Giữa lúc đó, tình hình chiến trường miền Nam diễn biến ngày càng phức tạp. Bước sang tháng 3-1975, chiến dịch Tây Nguyên nổ ra và không lâu sau đó là chiến dịch Huế – Đà Nẵng kết thúc thắng lợi, quân ta nhanh chóng giải phóng một vùng trung du và duyên hải miền Trung rộng lớn. Tất cả các cánh quân đều hướng về Sài Gòn trong thời cơ lịch sử ngàn năm có một.

Trước tình hình đó, Bộ Chính trị hạ quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước trong năm 1975. Số cán bộ B2 ra miền Bắc học tập từ cuối năm 1973 được điều động quay trở lại chiến trường miền Nam. Ông Sáu Trí được lệnh lập tức vào nội đô Sài Gòn, nắm bắt các cơ sở điệp báo cấp cao. Ông Tư Cang xuống Củ Chi, gia nhập Lữ đoàn Đặc công Biệt động 316 trong vai trò chính ủy.

Cũng trong thời gian vào nội thành làm công tác đặc biệt trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, trưa 28-4, tại nhà H3, thình lình kỹ sư Tô Văn Cang và kỹ sư Lê Văn Giàu (những cơ sở cách mạng) đến xin được gặp mặt thủ trưởng Sáu Trí. Nguyên do là nội các Dương Văn Minh trong cơn lúng túng muốn thông qua 2 kỹ sư này để tìm gặp đại diện của Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam để thương lượng.

Ông Sáu Trí đề nghị Tổng thống Dương Văn Minh chấp nhận đầu hàng ngay và đầu hàng vô điều kiện. Ngày 30-4-1975, ông Sáu Trí và điệp viên Ba Lễ cùng một số đồng đội đến Dinh Độc Lập để chứng kiến sự đầu hàng của chính quyền Tổng thống Dương Văn Minh…

Những ngày đầu sau giải phóng, ông Sáu Trí được cử làm Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Quân quản TP Sài Gòn, sau đó ông được phong quân hàm Thiếu tướng Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Trở lại căn cứ Lộc Ninh ngày 17-4-1975, ông Sáu Trí được cấp trên phân công nhiệm vụ đặc biệt, đó là phục vụ chiến dịch giải phóng Sài Gòn. Lúc bấy giờ, điệp viên H3, lưới A20-H67 (H67 là tên mới của A20 kể từ năm 1970) đã xây dựng được một cơ sở mới là đại tá Lộc – thành viên Đảng Tân Đại Việt, người được chính quyền Nguyễn Văn Thiệu giao nhiệm vụ thành lập và chỉ huy một liên đoàn biệt động quân, tăng cường tuyến phòng thủ Sài Gòn. Nhiệm vụ của Sáu Trí là vận động đại tá Lộc làm binh biến tại chỗ, hỗ trợ các cánh quân cách mạng tiến vào giải phóng Sài Gòn.

Sau khi vào thành để tìm hiểu thông tin về đại tá Lộc qua điệp viên H3, Sáu Trí trở về căn cứ. Sau cuộc họp khẩn cấp trong đêm 25-4, ông được lệnh quay trở lại Sài Gòn ngay, ở tại nhà H3 và bắt đầu tiếp xúc với những điệp viên trong các lưới tình báo nội đô. Kết quả, ngày 30-4, khi 5 cánh quân của quân giải phóng tiến vào Sài Gòn, liên đoàn biệt động quân do đại tá Lộc chỉ huy hoàn toàn bị vô hiệu hóa.

Theo đạo diễn Lê Phong Lan
__________________________________________________________

Posted in Chuyện lịch sử | Thẻ: , , | Leave a Comment »

Chuyện chưa kể về ‘nhà thầu khoán’ Biệt động Sài Gòn

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Tư 28, 2011

Nhà thầu khoán Mai Hồng Quế, Năm USOM, Năm Lai là những tên gọi khác của ông Trần Văn Lai. Cuộc đời của ông, chiến công của ông và các đồng đội chính là chất liệu để xây dựng bộ phim Biệt động Sài Gòn nổi tiếng.

1. Hai người vợ cùng chí hướng

Từ một nông dân trở thành nhà thầu khoán lớn, được cấp thẻ tự do ra vào phủ tổng thống ngụy, chuyên tiếp xúc, giao dịch với nhiều nhân vật cỡ bự của chính quyền Sài Gòn lúc bấy giờ.
“Bố tôi sinh năm 1920 trong một gia đình nông dân nghèo ở huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. 13 tuổi, bố phải đi ở đợ cho một ông chủ người Pháp. Một lần, bức xúc vì bị vợ chủ ức hiếp, bố tôi đánh trả rồi trốn lên Hà Nội, sống nhờ sự cưu mang của các phu xe tay cùng quê”, anh Trần Kiến Xương (tự Bình), con thứ 3 của ông Trần Văn Lai (Năm Lai), hiện là kiểm sát viên Viện Kiểm sát TP.HCM, mở đầu câu chuyện với chúng tôi như thế.

Những “lá bùa hộ mệnh”

Do biết chút ít tiếng tây “bồi”, Lai lại được giới thiệu làm “thằng nhỏ” cho một chủ người Pháp khác. Khi về nước, người chủ này “sang tay” Lai làm nghề tiêm thuốc phiện cho Phạm Gia Nùng, Án sát tỉnh Bắc Ninh. Vốn khéo tay lại nhanh nhẹn, Lai được quan án sát yêu quý. Trong lần ăn mừng được lên chức Bố chánh tỉnh Bắc Ninh, Nùng giới thiệu với các quan khách tây, ta đến dự Lai là cháu gọi vợ bé của Nùng bằng cô ruột. Đây là cơ hội tốt cho Lai hợp thức hóa lý lịch trong suốt quãng đời hoạt động bí mật giữa lòng địch sau này. “Họ hàng” của ông giờ đây toàn những quan thượng thư, án sát… Làm cho gia đình Nùng ít lâu, ông Năm Lai bỏ đi, theo những tốp thợ chuyên trang trí nội thất học nghề, sau đó ông bỏ trốn vào miền Nam đi làm phu cao su ở Dầu Tiếng, Thủ Dầu Một. Được giác ngộ cách mạng, ông tham gia đơn vị tự vệ Quyết tử 950, tiền thân của Bộ đội đặc công và biệt động Sài Gòn sau này.
Cũng nhờ khéo tay, ông Năm Lai được tham gia tốp thợ sửa chữa ngai vàng cho vua cha của ông Hoàng Xi-ha-núc (Quốc Vương Cao Miên nay là Campuchia). Ngoài tiền thưởng hậu hĩnh, mỗi người thợ còn được cấp một chứng chỉ có quyền nhập cảnh Campuchia bất cứ lúc nào mà không cần xin phép. Đây cũng chính là một “tấm bùa hộ mệnh” trong quãng đời hoạt động bí mật của ông.

Nhà thầu khoán lớn

Để hợp thức hóa cho hoạt động công khai, ông Năm Lai được tổ chức bố trí vào hoạt động tại nội thành, lấy vợ là bà Phạm Thị Phan Chính (Pham Thị Chinh), đảng viên Đảng Cộng sản, kết nạp năm 1947, cháu ruột chủ tiệm vàng Phú Xuân nổi tiếng Sài Gòn khi đó. Cuộc gặp đầu tiên với “người vợ” mà ông Năm Lai chưa từng biết mặt, được tổ chức bố trí ngay tại… Ty Cảnh sát Ngụy, tỉnh Long An. Sau này, ông Phú Xuân đã giới thiệu người cháu rể với Trung tá Huỳnh Giá, Trưởng phòng Nội dịch Phủ tổng thống Ngụy. Với lý lịch họ hàng toàn quan thượng thư, án sát, kèm theo tấm chứng chỉ do ông Hoàng Xi-ha-nuc cấp, cộng với tay nghề tài hoa, ông Năm Lai dễ dàng chiếm được cảm tình của Huỳnh Giá và trở thành nhà thầu khoán, biệt danh Mai Hồng Quế, chuyên trang trí nội thất cho phủ tổng thống Ngụy.
“Bố tôi chọn tên Mai Hồng Quế là đặc trưng của ba miền đất nước. Hoa Mai của miền Nam; Hồng là màu của Hoa Đào miền Bắc. Còn Quế là cây đặc trưng của miền Trung”. Anh Xương (tự Bình), giải thích. Và cuộc đời của ông Năm Lai từ đây bước sang trang mới. Từ một nông dân trở thành nhà thầu khoán lớn, được cấp thẻ tự do ra vào phủ tổng thống Ngụy, chuyên tiếp xúc, giao dịch với nhiều nhân vật cỡ bự của chính quyền Sài Gòn. Một thời gian sau, phát hiện người cháu rể có liện hệ với “Việt Cộng”, ông Phú Xuân cho vợ chồng ông Năm Lai ra ở riêng để tránh những phiền phức có thể xảy ra. Có tay nghề, có vốn, lại có quan hệ, vợ chồng ông Năm Lai làm ăn phát đạt, sắm nhiều nhà cửa, mua một lúc hai ô-tô, mỗi chiếc trị giá khoảng vài trăm cây vàng thời đó.

Sự hi sinh thầm lặng

Đầu năm 1964, sau khi đảo chính anh em Diệm, Nhu, chính quyền Ngụy có chủ trương tha bổng một số tù nhân chính trị với điều kiện người được thả phải có người bảo lãnh. Tổ chức phân công cho bà Chinh bảo lãnh cho hai cán bộ cách mạng là Phạm Quốc Sắc và Phan Trọng Bình. Khi hai người được trả tự do, tổ chức đã bố trí đưa ra vùng giải phóng. Cả hai sau này đều trở thành những cán bộ cao cấp của Đảng. Thấy hai người mất tích, bọn địch đã bắt bà Chinh tra hỏi nhiều lần. Bà Chinh chỉ một mực khai báo: “Trước khi mất, mẹ tôi có dặn phải đi tìm hai người anh họ tên Phạm Quốc Sắc và Phan Trọng Bình (bà Chinh họ Phạm, tên lót là Phan). Tôi chỉ biết bảo lãnh cho hai anh về, còn tư tưởng, hoạt động của họ thế nào, tôi không biết” (bà Chinh bị tra tấn rất dã man, bà ốm nặng và cuối năm 1964 thì mất). Để bịt kín “lỗ hổng” có thể xảy ra, ông Năm Lai phải lo lót nhiều tiền bạc, cộng với sự lộn xộn, bất ổn liên tiếp của chính quyền Ngụy khi đó, mọi sự dần đi vào quên lãng. Riêng ông mang nặng nỗi đau. Mãi đến năm 1984 bà Chinh mới được công nhận là liệt sĩ.
Cơ sở của ông Năm Lai có nhiều công nhân chuyên may vật dụng trang trí nội thất, trong đó có một người tên Đặng Thị Thiệp (Đặng Thị Tuyết Mai), tuổi ngoài 20, khá xinh đẹp, quê Quảng Ngãi, thường hay chăm sóc ông. Thi thoảng, những lúc chỉ có hai người, cô Thiệp còn kín đáo cho “ông chủ” biết bố mình là đảng viên Đảng Cộng sản từ năm 1930, gia đình nhiều anh em đi tập kết miền Bắc. Ông Năm Lai dự định sẽ giác ngộ và hướng cô Thiệp theo cách mạng, nhưng ông đâu có ngờ…
Gặp chúng tôi mới đây, bà Thiệp (năm nay 71 tuổi) nhưng vẫn rất nhanh nhẹn và giữ được nét đẹp của tuổi thanh xuân, vui vẻ kể: Năm 1964, bà được tổ chức dự định đưa ra miền Bắc đi học, nhưng kẹt đường nên không đi được. Tổ chức đưa bà về Sài Gòn và bố trí vào làm tại cơ sở của ông Năm Lai. “Sau này tôi mới biết, khi chị Chinh mất, tổ chức muốn tôi lấy ông Năm Lai làm chồng để tiếp nối sự nghiệp. Mà thời gian gần gũi, tôi cũng yêu ông thật, bởi ông chịu thương, chịu khó, thông minh lại hiền lành”, bà Thiệp cười. Cuối năm 1965, ông bà chính thức trở thành vợ chồng… chui. Vì với bên ngoài, bà chỉ được đóng vai nhân tình, vợ bé của “nhà thầu khoán”. Đây cũng là một sự hi sinh thầm lặng của bà. Từ đây, ông Năm Lai lại có thêm một người vợ cùng chí hướng.

2. Biệt động Sài Gòn kể chuyện đánh Dinh Độc Lập

Cuối năm 1965, theo yêu cầu của cấp trên, ông Năm Lai đã bán hai biệt thự số 6, 8 đường Tự Đức (nay là đường Nguyễn Thị Huỳnh, quận Phú Nhuận, TP HCM) để mua 3 căn nhà 287/68-70-72 đường Phan Đình Phùng (nay là Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, TP HCM). Tại đây, ông Năm đã bí mật đào hầm ngầm, thiết kế hầm nổi trên trần nhà để cất giấu vũ khí và làm nơi ẩn nấp cho cán bộ khi hoạt động nội thành. Ông Năm Lai đã dùng xe của mình 3 lần chở trên 2 tấn vũ khí gồm B.40, B.41, lựu đạn, súng AK, thuốc nổ TNT… về và một mình đưa xuống hầm ngầm cất giấu.

Tự hủy hoại mình để được đi đánh giặc

Ông Phan Văn Hôn (Bảy Hôn), nguyên là chiến sĩ Biệt động Sài Gòn (BĐSG), năm nay 67 tuổi, nhớ lại: Trước Tết Mậu Thân, một hôm, ông Trần Hải Phụng, nguyên Tư lệnh Quân khu Sài Gòn – Gia Định, tập hợp chúng tôi lại và thông báo, đại ý: “Nuôi quân 3 năm, sử dụng một giờ. Giờ phút quan trọng đã đến, ai còn chần chừ, bước lại phía sau”. Cả hàng quân im phăng phắc. Không một ai lùi lại. Tất cả chỉ mong đến giờ được ra trận. Mùng Một Tết, hàng trăm chiến sĩ BĐSG bằng nhiều cách khác nhau đã từ ngoại thành vào nội đô. Tại cơ sở đường Trần Quý Cáp, chiều mùng một, đã có 15 chiến sĩ tập trung về đây.
Bà Vũ Minh Nghĩa (Chín Nghĩa, năm nay 67 tuổi, nữ chiến sĩ BĐSG duy nhất tham gia đánh Dinh Độc Lập Tết Mậu Thân 1968), kể: gần đến ngày ra trận, để tăng cường lực lượng, tổ chức phân công cho một nữ cơ sở đang có bầu sắp tới ngày sinh đến trại giam Bến Lức (tỉnh Long An) xin cho đồng chí Nguyễn Văn Hai (Hai Thanh, đang bị giữ tại đây vì trốn quân dịch), về lo cho vợ sinh nở. Trong lúc gặp gỡ, cơ sở đã truyền đạt mệnh lệnh và hẹn ngày, giờ, địa điểm tập trung. Trở lại phòng giam, ông Hai Thanh đã tìm một thanh kẽm nhỏ tự đâm vào mắt mình, máu tuôn xối xả, trưởng trại phải cho ông về Sài Gòn cấp cứu. Băng bó xong, ông Hai Thanh trốn ngay về cơ sở trên đường Phan Đình Phùng để cùng đồng đội trong Đội 5 BĐSG đi đánh giặc.

Trận chiến bi hùng

Theo kế hoạch, đúng 2 giờ mùng 2 Tết Mậu Thân, các đội BĐSG sẽ đồng loạt nổ súng tấn công một số mục tiêu Dinh Dộc Lập, Tòa Đại sứ Mỹ (nay là Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP HCM), Đài Phát thanh Sài Gòn (nay là Đài Tiếng nói Nhân dân TP HCM…). Gần đến giờ G., chỉ huy trưởng Tô Hoài Thanh (Ba Thanh), mới phổ biến mục tiêu tấn công của Đội 5 BĐSG là Dinh Độc Lập và phải giữ trận địa 15 – 30 phút sẽ có quân chi viện. Ông Bảy Hôn, nhớ lại: Khoảng 1h30, chúng tôi lên 3 chiếc xe ô tô chở vũ khí (trong đó có hai xe của ông Năm Lai).
Ông Ba Thanh phân công ông Năm Lai đến mục tiêu rồi phải về ngay để điều phối vũ khí cho các nơi khác. Đoàn xe theo đường Trần Quý Cáp (nay là đường Võ Văn Tần) rẽ ra đường Lê Văn Duyệt (nay là Cách mạng Tháng Tám), rồi theo đường Nguyễn Du tiến đến cổng sau Dinh Độc Lập (gần ngã tư Nguyễn Du – Huyền Trân Công Chúa). Khi đoàn xe vào đường Nguyễn Du, những ụ gác của địch ở đây nhốn nháo đề phòng. Chiếc xe đi đầu đã tiêu diệt ụ gác đầu tiên rồi nhanh chóng phóng đến cổng sau Dinh Độc Lập để một người lao vào đặt khối thuốc nổ phá cổng. Nhưng khối thuốc không nổ. 5 chiến sĩ công kênh trèo qua tường rào, tấn công vào trong dinh.
Lực lượng phòng vệ của địch sau phút hoảng loạn đã bắn trả dữ dội, 5 người hi sinh tại chỗ. Bên ngoài, 3 xe của quân Mỹ chạy đến tiếp viện bị các chiến sĩ BĐSG tiêu diệt. Nhưng tình hình mỗi lúc một gay go. Quân Đại Hàn đóng tại Trường Quốc gia Âm nhạc (Nhạc viện TP.HCM ngày nay) bắn sang sát sạt. Thêm 2 người hi sinh, 4 người bị thương. “Lúc này tôi cũng đã bị thương vào bụng, máu ướt đẫm áo. Tôi đỡ anh Ba Thanh bị trúng đạn vào ngực trên tay mình. Trước khi nhắm mắt, anh Ba Thanh căn dặn chúng tôi phải giữ vững trận địa, không được rút, chờ quân chi viện. Chính mệnh lệnh này nên chúng tôi không rút quân ngay trong đêm đó”, bà Chín Nghĩa bồi hồi nhớ lại.

Thoát chết trong gang tấc

Gần sáng, không thấy quân chi viện, 8 chiến sĩ còn lại rút vào một cao ốc đang xây dở cạnh đó (nay là trụ sở của Công ty Thép Miền Nam). Suốt một ngày vừa đói, vừa khát, nhưng 8 chiến sĩ vẫn chống trả quyết liệt, đẩy lùi nhiều đợt tiến công của kẻ thù. Tại đây, chiến sĩ Lê Tấn Quốc đã hi sinh. Gần sáng mùng 3 Tết, lợi dụng những lỗ hổng trên tường do đạn địch bắn, 7 người dìu nhau, leo trèo vượt qua mấy nhà khác, rồi trổ mái ngói xuống một gia đình trên đường Thủ Khoa Huân. Đến sáng, quân địch truy theo dấu máu phát hiện, đổ quân bao vây. Còn quả lựu đạn cuối cùng, một người rút chốt tung ra, nhưng không nổ. Địch xông vào bắt 7 người.
Giam 7 người ít lâu, một hôm chính quyền Ngụy đem họ đi thủ tiêu. “Chúng bịt mắt chở chúng tôi đến một nơi nào đó rồi lôi xuống rồi lên lên đạn lách cách. Lúc này, chúng tôi nghĩ sẽ hi sinh. Đột nhiên im lặng khá lâu. Rồi một tên nói to “Số chúng mày hên quá nên chưa chết!”. Chúng tôi được chở về trại giam. Sau này nghe kể lại, khi chính quyền Ngụy rêu rao sẽ tử hình tất cả BĐSG tấn công Dinh Độc Lập, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã phát đi tuyên bố, nếu chính quyền Ngụy bắn những BĐSG trên, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam sẽ xử tử hình một số sĩ quan cao cấp của địch. Có lẽ vì thế chúng không dám bắn chúng tôi”, ông Bảy Hôn và bà Chín Nghĩa, xúc động kể.
Khi Hiệp định Paris được ký kết, 7 người được trở về. Phần ông Năm Lai, khi đến Dinh Độc Lập, có tham gia chiến đấu rồi phải trở về ngay theo mệnh lệnh của ông Ba Thanh. Biết chắc mình sẽ bị lộ, ông Năm Lai trốn về quê vợ. Đến năm 1972, ông Năm Lai bị bắt tại Quảng Ngãi. Nhưng do ông sử dụng căn cước giả và giả điên quá khéo, địch phải thả ông ra.

3. Những ước nguyện cần sớm giải quyết

Từ hai chiếc xe chở vũ khí để lại hiện trường, kẻ địch đã biết “nhà thầu khoán” chính là một BĐSG tham gia tấn công Dinh Độc Lập đồng thời phát hiện ra hầm ngầm chứa vũ khí tại 270/70 Trần Quý Cáp.

Cuộc sống khó khăn

Bà Đặng Thị Thiệp, vợ ông Năm Lai, kể: Chính quyền cũ treo giải thưởng 2 triệu đồng (tương đương 2.000 cây vàng khi đó) cho ai bắt được Năm Lai. Khi đến khám nhà 287/70 Phan Đình Phùng, chúng xổ một tràng đại liên vào cửa. Hiện cửa sắt của ngôi nhà vẫn còn 55 vết thủng do đạn bắn. Sau đó, chúng tịch thu toàn bộ tài sản của ông Năm Lai, đem bán đấu giá. Riêng ngôi nhà trên đường Võ Duy Nguy (nay là số nhà 720 Nguyễn Kiệm, phường 4, quận Phú Nhuận) do ông Năm Lai không đăng ký tên mình nên kẻ địch không phát hiện. Chính vì thế, tôi và các con vẫn sống ở đây cho đến sau giải phóng miền Nam.
Đất nước thống nhất, ông Năm Lai về công tác tại Ban Tổng kết chiến tranh Bộ Tư lệnh TP HCM. Biết ông là sĩ quan quân đội, một số gia đình còn nợ tiền trước giải phóng đem đến trả, nhưng ông không nhận. Mấy ngôi nhà của ông bị chính quyền cũ tịch thu, phát mãi, ông cũng không xin lại. Riêng ngôi nhà 287/70 Nguyễn Đình Chiểu, nhà nước thu lại giao cho ông quản lý. Đồng lương sĩ quan cấp úy của ông khi đó quá ít ỏi để có thể nuôi được vợ và 6 người con đang tuổi ăn học. Cuộc sống của gia đình dồn hết lên vai bà Thiệp.
Bà bươn chải, nuôi heo, nuôi gà, buôn bán đủ thứ, coi xe ngoài chợ để mưu sinh. Đến năm 1980, khi di dời hài cốt của bà Chinh từ Nghĩa trang Bắc Việt (khu vực rạp hát Tân Son Nhất, quận Tân Bình ngày nay) về Nghĩa trang thành phố ở quận Thủ Đức, ông Năm Lai đã phải bơm vá xe ngoài đường vào buổi tối để có tiền xây mộ cho người vợ đầu. Đến khi khó khăn quá, ông đành rứt ruột bán ngôi nhà 720 Nguyễn Kiệm (nơi đây cũng có hầm ngầm và ông Năm Lai đã từng đưa cấp trên về sống ở đây trong những ngày đi kiểm tra thực địa phục vụ trận tấn công năm 1968) lấy tiền sinh sống. Còn gia đình ông dọn về căn nhà được nhà nước cấp (số 85 đường Nguyễn Hữu Cầu, quận1, nguyên là bót cảnh sát của chế độ cũ) sinh sống.

Những khung ảnh chỉ có tên

Năm 1988, Bộ Văn Hóa quyết định công nhận căn nhà 287/70 Nguyễn Đình Chiểu, phường 5, quận 3, TP HCM là Di tích Lịch sử – Văn hóa cấp quốc gia. Hầm ngầm của ngôi nhà nay đã được tu bổ, nhưng vẫn giữ được khá nguyên vẹn hiện trạng, lỗ thông hơi nối với cột nhà rỗng ruột được ông Năm Lai thiết kế khi xây dựng từ năm 1966. Dưới hầm trưng bày một số súng, lựu đạn mô phỏng số vũ khí đã được ông Năm Lai mang về cất giấu tại đây. Tầng trệt (tầng 1) trưng bày một số hình ảnh của ông Năm Lai và đồng đội, tư liệu của chính quyền Ngụy viết về trận đánh Mậu Thân 1968 và bộ ván gỗ với vũ khí được cất giấu phía trong.
Vị trí trang trọng nhất trên lầu 1 (tầng 2) được giành làm nơi thờ cúng các liệt sĩ đã tập trung ở đây để đi đánh Dinh Độc Lập Tết Mậu Thân 1968. Điều xót xa, trong số 8 liệt sĩ đã hi sinh, chỉ duy nhất liệt sĩ Lê Tấn Quốc có ảnh. 7 người còn lại, khung ảnh chỉ có duy nhất một dòng chữ ghi tên. Gặp chúng tôi khi đến đây thắp hương đồng đội, bà Chín Nghĩa, mắt ngân ngấn lệ giải thích: “Vì lý do bí mật khi đó, chúng tôi chỉ biết tên hoạt động của nhau chứ không phải tên thật, cũng chẳng ai nghĩ đến chụp ảnh. Đến giờ, do chẳng biết tên thật, quê quán của các anh ở đâu, nên nhiều người chưa được công nhận liệt sĩ. Thôi thì các anh từ đây đi đánh giặc, hi sinh, thì mong các anh lấy nơi đây làm nhà mình”.
Phải chăng, cũng vì thế, những năm cuối đời, ông Năm Lai không ở với vợ con mà về đây sống một mình, sống với những đồng đội đến nay vẫn chưa tìm được tông tích gia đình. Năm 2002, sau 6 lần mổ vì căn bệnh ung thư ruột, hậu quả của những lần bị địch tra tấn bằng cách đổ nước vôi, nước xà phòng vào bụng, ông Năm Lai mất.

Ước mơ về một tấm bia tưởng niệm

Có được những kỷ vật, tư liệu, hình ảnh đang trưng bày trong Di tích lịch sử 287/70 Nguyễn Đình Chiểu hôm nay, không thể không nhắc tới công lao của anh Trần Kiến Xương (tự Bình). Từ nhiều năm qua, bằng nỗ lực, kinh phí của gia đình, anh đã sưu tầm được rất nhiều hiện vật, tư liệu để trưng bày. Nhưng điều đáng buồn, vì diện tích quá khiêm tốn (bề ngang căn nhà chỉ chưa đầy 2m), thêm nữa ngay trước cửa di tích này, tình trạng lấn chiếm lòng đường để làm nơi buôn bán đã làm cho nhiều người không thể nhận ra nơi đây là Di tích lịch sử – Văn hóa quốc gia (trong cuốn sổ lưu niệm, nhiều người cũng ghi lại như thế).
“Tôi chỉ mong chính quyền TP HCM sớm hoán đổi nhà khác cho chủ hộ hai gia đình bên cạnh (287/68, 287/72), trả lại nguyên trạng như khi bố tôi mua nhà này. Khi đó, gia đình tôi sẽ mở rộng di tích lịch sử, trưng bày thêm hiện vật, làm nơi thờ cúng ba tôi và các đồng đội đã hi sinh mà chưa tìm được quê quán”, anh Bình nói.
Trong số 16 chiến sĩ BĐSG đánh Dinh Độc Lập Tết Mậu thân 1968, có đến 8 người đã hi sinh, thêm 3 người mất vì tuổi già, bệnh tật. Hai liệt sĩ đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang là Chỉ huy trưởng Ba Thanh và chiến sĩ Lê Tấn Quốc. Hai người đang được đề nghị phong tặng và truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang là bà Chín Nghĩa và ông Trần Văn Lai.
Tâm sự với chúng tôi, cả bà Chín Nghĩa và ông Bảy Hôn, đều có chung suy nghĩ: “Tại Tòa Đại sứ Mỹ và Đài Phát thanh Sài Gòn cũ (nay là Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM và Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM) đã có Bia tưởng niệm ghi công của các chiến sĩ BĐSG. Mong nhà nước sớm xây dựng Bia tưởng niệm chiến sĩ BĐSG tại cổng sau Dinh Độc Lập (nay là Hội trường Thống Nhất) trên đường Nguyễn Du để ghi nhận công lao của các đồng đội chúng tôi và giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ”. Mong sao, nguyện vọng chính đáng sớm thành sự thật.

__________________________________________

Posted in Chuyện lịch sử | Thẻ: , , | Leave a Comment »

Việt Nam liệu có thua trong cuộc chiến cứu vãn môi trường sống?

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Tư 28, 2011

1. Những động vật’sẽ tuyệt chủng trong 10 năm tới’

Sau vụ con voi ở Đà Lạt bị chém chết, các chuyên gia động vật hoang dã cảnh báo rằng số lượng voi ở Việt Nam ngày càng suy giảm và sẽ tuyệt chủng.

Ông Scott Roberton, giám đốc quốc gia tại Việt Nam của Hiệp hội bảo tồn động vật hoang dã (WCS) trao đổi với VnExpress về thực trạng bảo tồn loài voi ở Việt Nam.

– Tại Việt Nam, trong vòng 19 tháng qua, ít nhất 10 con voi được phát hiện bị giết hại tại tỉnh Đồng Nai và Đắk Lắk. Số lượng voi ở Việt Nam, kể cả voi nhà lẫn voi trong tự nhiên đang đối mặt với nguy cơ bị tận diệt trên toàn quốc. Vụ giết hại voi Back Khăm là một lời nhắc nhở nữa về tình trạng này và chính con người phải chịu trách nhiệm về tình trạng cực kỳ nguy cấp của loài voi.
Với mức độ giết hại như thế này, loài voi sẽ tuyệt chủng ở Việt Nam trong vòng 10 năm tới.
Tại Việt Nam, voi châu Á đang ở ngã rẽ quan trọng đối với sự sống còn của chúngdo nạn săn bắt và mất môi trường sống. Con voi bị giết là một con voi nhà, không phải voi sống trong tự nhiên. Khi người ta mang con voi từ bầy đàn về nuôi nhốt trong khu du lịch, con voi đó không còn tiếp tục nhiệm vụ của nó trong tự nhiên.
Tách một con voi ra khỏi thiên nhiên, thuần dưỡng nó rồi bắt nó sống trong một khu du lịch để con người có thể cưỡi lên chỉ có một mục đích: lợi nhuận tài chính cho con người.

Những loài động vật hoang dã đang bị đe doạ như linh trưởng, rùa, hổ và voi có nguy cơ tuyệt chủng trong 10 năm tới.
Việt Nam đã thua trong cuộc chiến cứu loài tê giác Java vào ngày 29/4/2010 (ngày xác con tê giác được cho rằng là cuối cùng của Việt Nam được tìm thấy). Các loài động hoang dã của Việt Nam sẽ biến mất rất nhanh, vì thế chúng ta cần hành động ngay, hoặc không còn cơ hội nữa.
Chúng ta không cần thêm bất kỳ bài phát biểu hay kế hoạch hành động hay đánh giá nào nữa, đã đến lúc phải bắt tay vào hành động ngay, trước khi quá muộn.

Việt Nam là một trong những thị trường tiêu thụ và buôn bán động vật hoang dã và những sản phẩm bắt nguồn từ động vật hoang dã để làm thuốc, lấy thịt, nuôi cảnh và đồ trang trí. Điều này khiến các loài động vật hoang dã bị đe dọa.
Hệ thống luật pháp về bảo tồn của Việt Nam có đủ năng lực, nhân lực, tài chính. Bên cạnh đó lại có đầy đủ các luật và quy định nhằm đảm bảo sự sống còn của các loài động vật hoang dã trong tự nhiên.
Điều mà Việt Nam còn thiếu chính là quyết tâm và việc thực thi một cách có hiệu quả các luật đó trong việc chống các tội ác về động vật hoang dã.

Có nhiều nước là tấm gương trong việc bảo tồn động vật hoang dã. Điều quyết định thành công của họ là thực thi luật một cách nghiêm ngặt.
Ấn Độ là một điển hình. Đây là một trong hai quốc gia đông dân nhất thế giới, nhưng Ấn Độ vẫn bảo tồn được mật độ đa dạng sinh học giàu có của mình.Loài hổ đang tăng số lượng ở nhiều khu bảo tồn tại Ấn Độ vì họ bảo vệ chặt chẽ các khu này.
Tại Nepal, tê giác đã được cứu khỏi bờ vực tuyệt chủng ở thông qua việc thực thi pháp luật một cách hiệu quả và mạnh mẽ.

2. Và số phận vườn di sản ASEAN

Việc nước rửa quặng chưa qua xử lý được thải thẳng ra các sông, suối gây ô nhiễm nguồn nước, khiến các chuyên gia cảnh báo hồ Ba Bể có thể sẽ biến mất trong vài chục năm nữa.
Hội những người yêu Ba Bể đã tổ chức một buổi tọa đàm trao đổi về nguy cơ ô nhiễm, bồi lấp và có thể biến mất của hồ nước này. Người dân thuộc khu vực hồ Ba Bể đã gửi hàng trăm lá đơn kêu cứu về việc từ năm 2008, một công ty khoáng sản đã tiến hành khai thác mỏ sắt, nước rửa quặng đổ thẳng xuống các sông, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.

Trước thực trạng trên, tuần qua đoàn khảo sát gồm nhà thơ Dương Thuấn – câu lạc bộ Những người yêu Ba Bể cùng giáo sư Phạm Vĩnh Cư, giáo sư Chu Hảo và giáo sư Đặng Hùng Võ đã đến tận địa phương tìm hiểu thực tế sự việc. “Sau khi tìm hiểu và thu thập các chứng cứu, dữ liệu, chúng tôi thấy hồ Ba Bể đang chết dần”, nhà thơ Dương Thuấn nói.
Ông Thuấn cho biết thêm, theo quan sát của đoàn, các mỏ khai thác quặng đã chặn khe suốt rồi hút nước ngược lên để rửa quặng khiến dân thiếu nước tưới tiêu cho cây trồng. Nước rửa quặng sau đó đổ thẳng xuống các sông, suối dẫn vào hồ Ba Bể. Khi mưa xuống, nước cuốn theo cả chất thải và đất cát do đào quặng chảy xuống hồ, khiến cho lúa không thể phát triển được và năng suất suy giảm.
Không những vậy, việc vận chuyển quặng hàng ngày với mật độ nhiều xe trọng tải lớn đi qua đã nhiều lần làm vỡ ống dẫn nước chung cho dân, gây thiếu nước sinh hoạt.
Giáo sư Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ&Môi trường, cho rằng, nếu tiếp tục chặt cây, khai thác như hiện nay thì chỉ vài chục năm nữa sẽ không còn hồ Ba Bể. “Tôi trở lại hồ Ba Bể với cảm xúc đau buồn chưa bao giờ thấy. Nếu tiếp tục chặt cây, khai thác bừa bãi như hiện nay thì chỉ vài chục năm nữa sẽ chẳng còn viên ngọc quý này nữa”, giáo sư Hảo ngậm ngùi.
Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường bình luận: “Nếu chúng ta lên đến nơi vào thời điểm này, chỉ cần một người tử tế thôi, cũng sẽ thấy đau xót. Muốn giàu thì phải đánh đổi là điều đương nhiên, nhưng phải biết đánh đổi cái gì lấy cái gì, chứ không ai đi lấy cái quý giá nhất ra đánh đổi và ở đây là một sự đánh đổi rất vớ vẩn”.
Cũng theo giáo sư Đặng Hùng Võ, việc khai thác tài nguyên ở đây đang làm mất đi bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số của vùng này. “Nếu muốn làm kinh tế, Bắc Kạn có thể làm cách khác, như du lịch hoặc lâm sản, chứ không phải chuyển mình bất chấp sự hủy hoại môi trường”.
“Bắc Kạn chấp nhận phát triển bằng cách bán tài nguyên thiên nhiên như hiện nay thì có nghĩa là chúng ta đang ăn quỵt môi trường. Chúng ta đánh đổi những cái thiên nhiên ban tặng cho con người để lấy vài đồng thì con cháu chúng ta sẽ phải trả gấp một nghìn lần trong tương lai, trả một cách khó khăn, nhọc nhằn hơn nhiều”, ông nhấn mạnh thêm.
Hội những người yêu Ba Bể đang chuẩn bị hồ sơ về trình lên thủ tướng, đề nghị có biện pháp ngăn chặn tình trạng khai thác như hiện nay.
Vườn quốc gia Ba Bể có tổng diện tích 10.048 ha thuộc huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn. Hệ thống thủy văn vườn quốc gia Ba Bể gồm 4 con sông, suối chính nối với hồ Ba Bể. Năm 1995, hội nghị hồ nước ngọt trên thế giới tổ chức tại Mỹ đã công nhận hồ Ba Bể là một trong 20 hồ nước ngọt đặc biệt của thế giới cần được bảo vệ. Năm 2004, vườn quốc gia Ba Bể lại được công nhận là vườn di sản ASEAN.

theo Hương Thu
____________________________________________

Posted in Chuyện môi trường, Chuyện pháp luật, Chuyện đất nước, Giáo dục Việt Nam, Thế giới tự nhiên | Thẻ: , , | Leave a Comment »