NGÔN NGỮ & VĂN HÓA

CHÚC MỪNG NĂM MỚI

Archive for Tháng Tám, 2011

Người nghèo không thể mua nhà thu nhập thấp

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Tám 18, 2011

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, nếu chỉ trông vào lương, người nghèo đừng nghĩ đến nhà thu nhập thấp, vì “lương cỡ Bộ trưởng cũng phải 40 năm mới đủ tiền mua”.

Tại hội thảo Tác động của thị trường bất động sản lên thị trường tài chính Việt Nam, những khuyến nghị chính sách tổ chức ngày 18/8, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam khẳng định, với giá cả nhà và mức lương như hiện nay, người nghèo không thể mua được nhà thu nhập thấp.

Một bác sĩ trưởng khoa từng tâm sự với ông Nam lương nuôi thân không đủ, chưa dám nghĩ đến chuyện mua ôtô, lại càng không dám mơ đến việc mua nhà.

Cũng theo ông Nam, để giải bài toán nhà thu nhập thấp, Nhà nước và doanh nghiệp cần có giải pháp kéo giá nhà xuống, bằng cách ưu đãi chính sách, điều chỉnh quy mô và độ hoàn thiện của căn nhà ở mức hợp lý, đồng thời phải nâng dần thu nhập, mức sống của người dân.

Theo lãnh đạo Bộ, đặt bài toán cho ngành xây dựng là phải làm nhà để người có mức lương 2 triệu đồng mua được nhà là điều không thể. “Nếu chỉ trông chờ vào đồng lương, đừng nghĩ đến chuyện mua nhà. Cỡ như Bộ trưởng, chúng tôi tính còn 40 năm mới mua được”, ông Nam thẳng thắn.

Nguồn cơn khiến ông Nam phải phát biểu như vậy là gần đây dư luận bức xúc giá nhà thu nhập thấp quá cao so với khả năng chi trả của lao động nghèo. Thậm chí có người tính toán với thu nhập dưới 5 triệu một tháng, họ phải nhịn ăn, nhịn uống, nhịn mặc ròng rã 15 năm mới mua được nhà.

Trên thực tế, các dự án ở Hà Nội hiện nay như Đặng Xá, Kiến Hưng, Ngô Thì Nhậm, Sài Đồng dao động ở mức gần 10 triệu đến 13,27 triệu đồng mỗi m2. Mức giá này thấp bằng nửa giá chung cư bình dân trên thị trường, song vẫn quá khả năng chi trả của nhiều người thuộc diện nghèo chỉ biết trông vào đồng lương. Vì thế mà có những người sau tháng ngày ròng rã chờ vận may nhưng đến khi trúng suất mua lại đành từ chối vì không kham nổi. Ở dự án Sài Đồng, nhiều trường hợp đã từ chối ký hồ sơ, trả lại nhà.

Ông Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban giám sát Tài chính Quốc gia, cho hay, Việt Nam có tốc độ tăng dân nhập cư nhanh, trong đó, việc cấp phép, thủ tục đất đai không minh bạch, gây rủi ro rất lớn với bất động sản. Giá bất động sản thường tăng gấp 3-4 lần so với thu nhập bình quân đầu người dẫn đến người nghèo ngày càng ít cơ hội tiếp xúc với nhà ở. Ông Nghĩa đưa ra minh họa, nhà ổ chuột đang tăng nhanh, ngoài bờ đê Sông Hồng, có tới hàng vạn ngôi nhà không có chút tiện nghi, trong khi đó, giá nhà đất lại tăng cao chóng mặt.

Do đó, theo ông Nghĩa, để giải quyết nhu cầu nhà ở, nhà giá rẻ cần được khuyến khích xây dựng. Tuy nhiên, phi lý ở chỗ, doanh nghiệp Việt Nam vẫn đua xây nhà diện tích lớn, thiết bị bóng lộn. “Trong khi Trung Quốc chỉ làm 40-50 m2 thì Việt Nam làm đến 70 m2. Nhà dành cho người thu nhập thấp nhưng bên trong tiện nghi, bóng lộn, giá cao ngất, tôi e rằng, không có người nghèo nào mua được”, ông Nghĩa lo ngại.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam thẳng thắn nhận định, thực tế, các sản phẩm nhà thu nhập thấp đến với người dân đang “có vấn đề”. Mặc dù nhà bán cho người nghèo nhưng tiến độ đóng tiền dồn dập, giá cả chót vót, lên đến 13,27 triệu đồng mỗi m2 khiến người dân không thể tiếp cận được. Với đồng lương ít ỏi, người dân không đủ tiền mua nhà và họ không thể vay ngân hàng với lãi suất cao ngất ngưởng như hiện nay.
“Suất đầu tư của Bộ Xây dựng quy định chỉ khoảng 8 triệu mỗi m2 nhưng nhà thu nhập thấp lên tới hơn 13 triệu đồng. Tôi cho rằng, cần làm chặt hơn vấn đề hậu kiểm”, ông Minh kiến nghị.

Lý giải về giá nhà thu nhập thấp bị đẩy cao, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng, thực tế, các ưu đãi cho doanh nghiệp chưa nhiều. Nhà nước hỗ trợ tiền sử dụng đất và cho phép doanh nghiệp tăng mật độ xây dựng và mật độ sử dụng đất. Còn lại các ưu đãi về thuế mới chỉ áp dụng trong năm 2009, khi chưa có dự án nhà thu nhập thấp nào được triển khai và doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn vay từ ngân hàng phát triển Việt Nam.

Theo Thứ trưởng Nam, mặc dù được miễn tiền sử dụng đất, doanh nghiệp vẫn phải đền bù giải phóng mặt bằng dẫn đến giá nhà bị đẩy cao. Giá nhà thu nhập thấp càng gần trung tâm càng đắt là điều dễ hiểu. Lãnh đạo Bộ khẳng định, giá nhà thu nhập thấp Sài Đông, Đặng Xá đều đã được UBND thành phố kiểm tra “ra tấm ra món” và doanh nghiệp chỉ được lãi tối đa 10%. “Tiền đền bù cao, hạ tầng đắt, mức độ hoàn thiện tốt thì giá sẽ đắt hơn. Nếu người dân mua 6,7 triệu đồng thì phải ra xa, đơn cử Thanh Hóa chỉ bán 6,9 triệu đồng mỗi m2”, ông Nam khẳng định.

Ngoài ra, theo lãnh đạo Bộ Xây dựng, một trong những lý do khiến giá nhà bị đẩy cao là doanh nghiệp chuộng nhà to. Quy định cho phép nhà có diện tích từ 30 đến 70 m2, thì doanh nghiệp làm hết mức tối đa cho phép, mỗi nhà lên đến 58-70 m2. Theo Thứ trưởng Nam, doanh nghiệp cần định vị lại chiến lược kinh doanh cũng như nhu cầu của người dân. Ông Nam dẫn chứng, có vị đại biểu Quốc hội ở nhà có 6 m2, do đó, căn hộ rộng 30 m2, sạch sẽ khép kín là điều mơ ước với nhiều người. “Tôi khuyến nghị doanh nghiệp chỉ nên làm nhà nhỏ, diện tích 30 m2 thì mỗi căn hộ chỉ khoảng 300 triệu đồng. Như thế người dân sẽ dễ tiếp cận hơn”, ông Nam khuyên.

theo Song Linh- Hoàng Lan
________________________________________________________________

Posted in Chuyện xã hội, Chuyện đời sống, Kinh tế | Thẻ: , , | Leave a Comment »

6 tháng đầu năm: Những vấn đề nổi cộm

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Tám 18, 2011

Nhiều lao động Trung Quốc không phép, tình trạng mất việc nhiều do doanh nghiệp khó khăn, đình công gia tăng… là những vấn đề nổi cộm được nêu ra tại hội nghị tổng kết 6 tháng đầu năm của Bộ Lao động thương binh và xã hội diễn ra sáng 15/8 tại Bà Rịa – Vũng Tàu.

Không nắm được số lao động Trung Quốc

Thời gian qua, tại Cà Mau và một số tỉnh thành đã xảy ra tình trạng nhiều lao động Trung Quốc làm việc nhưng không có giấy phép lao động. Theo báo cáo của sở LĐTBXH tỉnh Cà Mau, lao động Trung Quốc của tỉnh này tập trung nhiều ở Cụm công nghiệp khí, điện, đạm Cà Mau với khoảng 1.728 lao động Trung Quốc, trong đó có 686 lao động được cấp phép, 440 lao động có thời gian làm việc dưới ba tháng chưa cấp phép và 607 lao động chưa cấp phép.

Theo bà Chung Ngọc Nhãn, giám đốc LĐTBXH tỉnh Cà Mau, nguyên nhân trực tiếp là do Ban quản lý dự án và nhà thầu Trung Quốc đưa lao động đến làm việc nhưng chưa báo cáo cụ thể, nên cơ quan quản lý lao động không thể nắm cụ thể!

Phát biểu tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ mối lo ngại, vì Cà Mau là nơi tận cùng đất nước, thuộc vùng sâu, vùng xa mà đã xuất hiện lao động không phép, nên phải quan tâm hơn nữa đến vấn đề này. Còn ông Nguyễn Thanh Hòa, thứ trưởng bộ LĐTBXH, cho rằng trách nhiệm này thuộc về các nhà thầu và nhà đầu tư.

Mất việc làm và đình công diễn biến phức tạp

Theo bà Nguyễn Thị Kim Ngân, nguyên bộ trưởng bộ Lao động thương binh và xã hội, phó chủ tịch Quốc hội thì sắp tới việc làm trong nước có thể sẽ gặp nhiều khó khăn. Việc doanh nghiệp thu hẹp sản xuất hoặc đóng cửa sẽ khiến người lao động phải mất việc.

Theo báo cáo của Tổng cục thống kê, 6 tháng đầu năm cả nước có khoảng 30% doanh nghiệp vừa và nhỏ phải đóng cửa. Trong tình hình kinh tế hiện nay, có thể sẽ vẫn còn nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ chịu chung số phận. Việc cắt giảm đầu tư công cũng là một nhân tố làm ảnh hưởng đến vấn đề việc làm nên những tháng cuối năm 2011 nên giải quyết việc làm là một trong những nhiệm vụ phải tập trung quyết liệt của ngành lao động trong thời gian sắp tới.

Cùng với mục tiêu giải quyết việc làm thì việc giải quyết tranh chấp lao động cũng là một vấn đề mà ngành lao động đặc biệt quan tâm. Theo báo cáo của bộ Lao động thương binh xã hội, 6 tháng đầu năm, tranh chấp lao động và đình công diễn biến phức tạp. Tính đến 30.6 cả nước đã xảy ra 440 cuộc đình công, tăng 18 vụ so với cả năm 2010, trong đó nhiều nhất là Đồng Nai với 104 cuộc, Bình Dương 102 cuộc, TP.HCM 84 cuộc. Các vụ đình công vẫn xảy ra nhiều ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Ông Lê Thành Tâm, giám đốc sở Lao động thương binh xã hội TP. Hồ Chí Minh cho biết đây cũng là vấn đề khó khăn của thành phố. Tính hết tháng 7, thành phố đã xảy ra 150 vụ đình công, gấp hơn 2 lần số vụ đình công của cả năm 2010. Nguyên nhân chủ yếu là do vấn đề tiền lương, tăng ca, bữa ăn, môi trường làm việc. Theo ông Tâm, việc điều chỉnh lương tối thiểu sắp tới sẽ làm tình hình tranh chấp lao động diễn biến phức tạp, do xung đột của những người đã nhận lương trên mức tối thiểu nên không được điều chỉnh nữa.

Để giải quyết tình hình này, bộ trưởng Phạm Thị Hải Truyền cho biết Bộ đã đề ra những giải pháp từ nay đến cuối năm 2011 như tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện các chính sách, chế độ về tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, điều kiện lao động, điều chỉnh lương tối thiểu trong doanh nghiệp từ 1.10.2011, giải quyết kịp thời các tranh chấp lao động nhằm giảm thiểu các vụ đình công, lãn công của người lao động…

Theo Hà Dịu
_______________________________________________________–

Posted in Chuyện pháp luật, Chuyện đất nước, Chuyện đời sống, Kinh tế | Thẻ: , , | Leave a Comment »

TP Hà Nội yêu cầu chấm dứt mọi hoạt động tụ tập, biểu tình, tuần hành tự phát

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Tám 18, 2011

(HNMO) – Ngày 18/8/2011, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội đã có Thông báo về công tác bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

Toàn văn Thông báo nêu rõ: trong các ngày Chủ nhật từ đầu tháng 6 năm 2011 đến nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội liên tiếp diễn ra các cuộc tụ tập, biểu tình, tuần hành tự phát phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển, đảo của Việt Nam. Những ngày đầu, các cuộc tụ tập, biểu tình, tuần hành tự phát xuất phát từ tinh thần yêu nước và tâm lý bức xúc của quần chúng nhân dân. Những ngày gần đây lợi dụng tình cảm yêu nước của nhân dân, các thế lực chống phá nhà nước Việt Nam trong và ngoài nước đã và đang kêu gọi, kích động, hướng dẫn quần chúng biểu tình, tuần hành gây mất an ninh trật tự ở Thủ đô.

Những cuộc tụ tập, biểu tình, tuần hành tự phát đã gây ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn xã hội, đến hình ảnh Thủ đô Hà Nội – Thành phố vì hoà bình; tiềm ẩn các yếu tố gây mất ổn định chính trị; tác động tiêu cực tới việc thực hiện đường lối, quan hệ đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta. Một bộ phận quần chúng do thiếu thông tin, ngộ nhận tham gia biểu tình tự phát là thể hiện tinh thần yêu nước; trong khi đó số đối tượng chống đối trong và ngoài nước đang ráo riết lợi dụng vấn đề trên để tiến hành các hoạt động chống Đảng, Nhà nước. Âm mưu, ý đồ của họ là chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, kích động hằn thù dân tộc chia rẽ quan hệ Việt – Trung; kích động, tập hợp lực lượng gây mất an ninh trật tự và ổn định chính trị đất nước.

Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước là kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, đồng thời đảm bảo giữ vững môi trường hoà bình, hữu nghị để xây dựng và phát triển đất nước; để duy trì ổn định an ninh trật tự ở Thủ đô, Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội yêu cầu chấm dứt mọi hoạt động tụ tập, biểu tình, tuần hành tự phát trên địa bàn Thành phố. Giao lực lượng Công an Thành phố chủ trì, phối hợp với chính quyền các cấp, các Sở, Ban, Ngành, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội, đoàn thể làm tốt công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tự giác chấp hành, ủng hộ và tích cực tham gia cùng lực lượng chức năng giữ gìn an ninh trật tự.

Đối với những người cố tình không chấp hành, tụ tập đông người trái pháp luật, gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ, lực lượng làm nhiệm vụ áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ trật tự công cộng theo quy định tại Điều 9, Nghị định số 38/2005/NĐ-CP ngày 18/3/2005 của Chính phủ quy định một số biện pháp đảm bảo trật tự công cộng và xử lý theo quy định của pháp luật.

Thành phố khuyến khích mọi công dân bằng những hoạt động thiết thực trong khuôn khổ tổ chức và pháp luật, hăng hái tham gia phong trào thi đua yêu nước, bảo đảm quốc phòng, an ninh, góp phần bảo vệ chủ quyền, biên cương của Tổ quốc.

theo Hànộimới
__________________________________________________________________

Posted in Chính trị Việt Nam, Chuyện pháp luật, Chuyện đất nước, Tin tức nổi bật | Thẻ: , , | Leave a Comment »

Trung Quốc thừa bao nhiêu đàn ông?

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Tám 17, 2011

Cuộc thăm dò cũng củng cố lập luận cho các chuyên gia – những người dự đoán rằng nỗi ám ảnh có con thừa tự sẽ mang lại quả đắng khi những người đàn ông đối mặt với cuộc đấu tranh để có cô dâu.

“Mặc dù một vài giải pháp quá chặt chẽ hoặc phi thực tế đã được đưa ra, nhưng không gì có thể ngăn cản thế hệ đàn ông dư thừa này xảy ra”, bài báo, đăng trên mạng của Tạp chí British Medical, nhận định.
Ở hầu hết các quốc gia, số đàn ông chỉ nhỉnh hơn số phụ nữ một chút – từ 103 đến 107 bé trai so với 100 bé gái lúc sinh ra.
Nhưng ở Trung Quốc và các quốc gia châu Á khác, tỷ lệ giới tính này đã tăng lên nhanh chóng khi ý thích có con trai truyền thống lâu nay được tiếp sức bởi kỹ thuật siêu âm và phá thai rẻ tiền (một hoạt động bị coi là bất hợp pháp ở nước này).
Một nhân tố khác khiến tình trạng này trở nên nặng nề, đó là chính sách “sinh một con”.
Nhìn chung, các bậc cha mẹ có đứa con thứ hai có nghĩa vụ trả một khoản tiền lớn và phải đóng góp chênh lệch cho việc đến trường của đứa con này.
Nhưng ở một số tỉnh, việc sinh con thứ hai được phép nếu đứa đầu là gái hoặc cha mẹ chúng “khó khăn”. Và ở một số ít tỉnh khác, các cặp vợ chồng được phép có hai, thậm chí 3 con.
Trong nghiên cứu, các giáo sư Wei Xing Zhu từ Đại học Chiết Giang, Li Lu và Therese Hesketh từ Đại học Tổng hợp Luân Đôn đã phát hiện thấy chỉ trong năm 2005, Trung Quốc đã có dư ra trên 1,1 triệu bé trai.
Trong nhóm tuổi dưới 20, mất cân bằng giới tính lớn nhất là từ 1 đến 4 tuổi, với tỷ lệ 124 nam so với 100 nữ, và ở vùng nông thôn là 126 nam so với 100 nữ.
Khoảng cách này đặc biệt lớn ở các thành phố nơi chính sách một con được thắt chặt.
Cá biệt, tỉnh Giang Tây và Hà Nam có tỷ lệ hơn 140 nam so với 100 nữ trong nhóm tuổi 1 đến 4.
Trong lần sinh thứ hai, tỷ lệ giới tính còn cao hơn nữa, 143 nam so với 100 nữ, và đỉnh điểm là tỷ lệ 192 nam so 100 nữ ở tỉnh Giang Tô.
Chỉ có hai tỉnh – Tây Tạng và Tân Cương – hai địa phương dễ dãi nhất trong việc thực hiện chính sách một con – là có tỷ lệ giới tính cân bằng.
“Phá thai chọn lọc chịu trách nhiệm về hầu hết số trẻ trai thừa ra”, bài báo kết luận.
Các chuyên gia cũng đề nghị những giải pháp cho vấn đề này, như thắt chặt lệnh cấm phá thai chọn lọc, hoặc nới lỏng chinh sách một con để những cặp vợ chồng được có thêm con thứ hai nếu đứa đầu là gái.
Kể từ năm 2000, Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra những chinh sách nhằm chống lại sự mất cân bằng giới tính, với một cuộc vận động nâng cao nhận thức chăm sóc con gái và sửa đổi luật thừa kế. Một phần nhờ thế, tỷ lệ giới tính khi sinh không thay đổi từ năm 2000 và 2005.
Bình luận về thực trạng này, chuyên gia Tao Liu và Xing-yi Zhang cho biết sở thích có con trai ở Trung Quốc cũng bắt đầu nhạt dần cùng với xu hướng đô thị hóa và công nghiệp hóa. Các hệ thống xã hội, lương hưu và tiêu chuẩn sống cao đã làm giảm bớt vai trò chăm sóc cha mẹ truyền thống của người con trai.
Trung Quốc có thể cũng đã học theo những động thái của Hàn Quốc. Năm 1992, Hàn Quốc có tỷ lệ mất cân bằng giới tính “kinh hoàng”: 229 bé trai mới có 100 bé gái chào đời, và buộc chính phủ vận động một cuộc tuyên truyền toàn dân cùng với những chính sách kiểm soát chặt chẽ việc lựa chọn giới tính. Vào năm 2004, tỷ lệ nam nữ khi sinh ở nước này chỉ còn 110 trai – 100 gái.

(theo AFP)
_________________________________________________________________

Posted in Chuyện môi trường, Chuyện xã hội, Thế giới tự nhiên | Thẻ: , , | Leave a Comment »

Vụ án Nhà báo bị đốt: Nghi vấn về hai bản án của một vụ li hôn

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Tám 14, 2011

Liên quan đến việc nhà báo Hoàng Hùng từng phát hiện hai bản án khác nhau trong cùng một vụ án ly hôn với giá trị tài sản phân chia cực lớn, TAND tỉnh Long An đã cảnh cáo thẩm phán Lê Văn Lắm do có sai phạm trong nghiệp vụ.

Ngày 10/8, ông Lê Quang Hùng, Phó chánh án TAND tỉnh Long An, cho biết trên báo Tuổi trẻ: cơ quan này đã cảnh cáo thẩm phán Lê Văn Lắm do có sai phạm trong nghiệp vụ.
Theo đó, thẩm phán Lắm ký ban hành hai bản án có số trang khác nhau trong cùng một vụ kiện ly hôn. Ông Lắm ban hành bản án đầu tiên có chín trang, khi phát hiện nhầm lẫn, ông Lắm không thu hồi bản án mà phát hành tiếp bản án khác có mười trang. Ngoài ra ông Lắm còn chậm phát hành bản án này gần 20 ngày.

Trước khi mất, nhà báo Hoàng Hùng (PV báo Người lao động) đã từng phát hiện ra một vụ án ly hôn với giá trị tài sản phân chia cực lớn giữa bà Đặng Thị Hoàng Yến (ngụ Q.5, TP.HCM) và ông Jimmy Trần (quốc tịch Mỹ).

Bà Yến và ông Jimmy Trần kết hôn năm 2007 tại Mỹ, sau đó về Việt Nam đầu tư kinh doanh. Đến ngày 16/9/2010, ông Jimmy Trần bị Cơ quan an ninh điều tra (Bộ Công an) khởi tố hình sự về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tiền của đối tác và công ty.

Tuy nhiên, Jimmy Trần đã trốn về Mỹ ngày 5/7/2010 và hiện đang bị truy nã (Quyết định truy nã số 324/ANĐT ngày 24-9-2010 của Bộ Công an)- báo Người cao tuổi đăng tải thông tin.

Cùng thời điểm này, bà Yến đưa đơn ra tòa xin ly hôn với lý do ông Jimmy Trần có lối sống không lành mạnh, hay bài bạc và quan hệ với nhiều phụ nữ khác.

Mặc dù ông Jimmy Trần không có ở Việt Nam nhưng thẩm phán Lắm vẫn ra quyết định xét xử vụ ly hôn này vào ngày 6/10/2010. Theo kết luận của bản án, toàn bộ khối tài sản khổng lồ của vợ chồng bà Yến bao gồm các bất động sản ở Việt Nam, Mỹ hay bất cứ nơi đâu trên thế giới, cùng đồ kim hoàn, cổ phiếu của nhiều công ty… đều được tòa tuyên xử giao hết cho bà Yến.

Về kết luận phân chia tài sản này ông Lắm nhận định trên báo Dân Việt: giữa bà Yến và ông Jimmy Trần có “thỏa thuận tiền hôn nhân” lập ngày 13/8/2007 tại hạt Harris, Texas, Mỹ và đã thỏa thuận điều này.

Thấy có “vấn đề” trong bản án này, nhà báo Hoàng Hùng lúc còn sống đã đến TAND tỉnh Long An đăng ký làm việc với lãnh đạo tòa để làm rõ nghi vấn về 2 bản án này. Tuy nhiên, chưa đến thời gian hẹn thì ông đã bị sát hại.

Trong một diễn biến khác, trên báo Người cao tuổi cũng đăng tải thông tin, năm 1998 bà Yến từng lập và điều hành một đường dây móc nối vào nội bộ các cơ quan Nhà nước (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công nghiệp, Văn phòng Chính phủ, Tổng cục Điện lực Việt Nam…) nhằm thu thập tin tức, tài liệu bí mật, cung cấp cho Tập đoàn nước ngoài (ABB) đấu thầu và trúng thầu một số dự án điện lớn của Việt Nam.

Khi kết thúc điều tra, bà Yến và một số đối tượng trong đường dây đã bị A17 (Bộ Công an) đưa vào diện cấm xuất cảnh trong 2 năm (từ 16-10-1998 đến 16-10-2000).

Cũng trên báo này thông tin rằng, bà Yến từng chi tiền tỉ để lôi kéo và mua chuộc cử tri ở 4 huyện của tỉnh Long An.

Trước đó, vào tháng 6/2011, bà Đặng Thị Hoàng Yến, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập Đoàn Tân Tạo đã trúng cử Đại biểu Quốc hội đơn vị bầu cử số 1 của tỉnh Long An với 62,36% số phiếu hợp lệ.

theo Mẫn Chi (tổng hợp)
__________________________________________________________-

Posted in Báo chí, Chuyện pháp luật, Chuyện xã hội | Thẻ: , , | Leave a Comment »

Dự án Việt Nam, công nhân nước ngoài?

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Tám 14, 2011

Trước lo ngại của cử tri về lao động Trung Quốc không có giấy phép tại 2 dự án xây dựng nhà máy alumin (Tây Nguyên), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết đơn vị chức năng đã có lỗi khi giám sát, kiểm tra không tốt.

Sáng 11/8, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng đại biểu Quốc hội khóa 13, gồm các ông Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM và ông Hoàng Hữu Phước, Tổng giám đốc Công ty Doanh thương Mỹ Á tiếp tục có buổi tiếp xúc cử tri quận 4.

Ngoài một số ý kiến xung quanh vấn đề đời sống dân sinh, cử tri Phan Đình Toàn trăn trở với chức năng giám sát của Quốc hội. “Giám sát không phải nghe cán bộ nói với nhau mà phải xuống dưới dân, nghe người dân nói”, cử tri Toàn kiến nghị.

Đối với dự án khai thác bô xít ở Tây Nguyên, nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại vấn đề an ninh trước việc sử dụng nhiều lao động nước ngoài trong dự án. Ông Võ Tuấn Thảo cho rằng dự án này sử dụng quá nhiều nhà thầu và lao động nước ngoài sẽ rất nguy hiểm. Một cử tri khác phản ánh dù đăng ký là công nhân kỹ thuật cao, nhưng hầu hết lao động ở công trường này chỉ là lao động phổ thông.

Chủ tịch nước khẳng định, Việt Nam không có chủ trương cho người nước ngoài vào khai thác bô xít ở Tây Nguyên. “Hiện nay, Trung Quốc trúng thầu cung cấp thiết bị lắp đặt nhà máy luyện alumin ở Tân Rai (Lâm Đồng) và Nhân Cơ (Đăk Nông), chứ không phải là khai thác alumin. Số lao động nước ngoài sau khi xây dựng xong, bàn giao nhà máy, chuyển giao công nghệ và quản lý vận hành cho phía Việt Nam, sẽ trở về nước”, Chủ tịch nói.

Theo Chủ tịch nước, đây là hai dự án thí điểm ban đầu gồm 100% là vốn của Việt Nam. Dự án phải đảm bảo được 3 yếu tố công nghệ hiện đại, môi trường môi sinh và hiệu quả kinh tế. Bên cạnh đó, vấn đề quốc phòng an ninh sẽ được đặc biệt chú ý khi đưa vào khai thác.

Về băn khoăn phần lớn lao động Trung Quốc tại nhà máy alumin Nhân Cơ không có bằng cấp và giấy phép, Chủ tịch nước cho biết, Chính phủ đã ban hành nghị định về quản lý lao động nước ngoài, tuy nhiên đơn vị sử dụng lao động đã rất lỏng lẻo. “Lỗi thuộc về đơn vị đăng ký hợp đồng lao động của Việt Nam kiểm tra giám sát không tốt nên mới để xảy ra sự việc trên”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Thừa nhận chức năng giám sát của Quốc hội có nhiều hạn chế về hiệu quả, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết, sẽ nghiên cứu xem xét lại luật giám sát để đáp ứng nguyện vọng của nhân dân.

Theo Tá Lâm
_______________________________________________________

Posted in Chuyện pháp luật, Chuyện đất nước, Kinh tế | Thẻ: , , | Leave a Comment »

Ba Vì lấp hồ thủy lợi đem bán

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Tám 14, 2011

Vân Hòa có lẽ là một trong 30 xã, thị trấn của Ba Vì “nóng” nhất về vấn đề đất đai. Ngoài dự án xẻ đồi, khoét núi, lấp hồ, san phẳng nghĩa trang thôn để lấy đất bán cho chủ đầu tư làm dự án biệt thự – nghỉ dưỡng, xã còn “táo bạo” lấp hàng ngàn m2 hồ thủy lợi để lấy mặt bằng và… đem bán.

Xã cũng “tranh thủ” thời đất sốt

Cơn mưa rừng cuối chiều ào qua nhanh đến mức chúng tôi chưa kịp mặc áo mưa thì nó đã tan mất, nhưng cũng đủ để làm những vũng sình lầy trên con đường có cái tên lãng mạn Suối Mơ đi qua xóm Mít, xóm Quýt (xã Yên Bài, huyện Ba Vì) trở nên đặc quánh.
Ông Đào Minh Hội, người dân địa phương dẫn chúng tôi đi đường tắt con đường đất để sang khu biệt thự – nghỉ dưỡng tại đồi Đống, đập Đống (thôn Bơn, xã Vân Hòa, huyện Ba Vì).
Dọc con đường đất chúng tôi qua, những ngôi nhà lụp xụp, xuống cấp theo thời gian, mưa nắng nằm xen kẽ giữa những đồi cây lâu năm đang bắt đầu tròn tán của bà con dân tộc Mường… Ở vùng trung du, bán sơn địa như thế này, cuộc sống mới vừa thoát nghèo nên thông tin, cả một quần thể biệt thự được rao bán giá cả chục tỷ đồng mỗi cái khiến chúng tôi không tin đó là sự thật.
Thế nhưng, sự hiện hữu của một quần thể biệt thự được “trồng” nhấp nhô giữa những tán rừng trên quả đồi có tên đồi Đống ở thôn Bơn khiến người dân ngỡ ngàng.

Dự án khu biệt thự sinh thái – nghỉ dưỡng được triển khai tại thôn Bơn được triển khai từ năm 2010. Dự án này ở vị thế có thể coi là đẹp nhất xã Vân Hòa: có hồ Đập Đống rộng hàng chục ha điều hòa sinh thái làm mặt tiền; các biệt thự chia lô dựa lưng vào đồi Đống với thảm cây xanh được trồng mới chừng hơn chục năm tuổi. Từ vị trí dự án ra khu nghỉ mát Thác Đa chừng 3km; cách tỉnh lộ 87 nối với đại lộ Thăng Long 13km…
Chủ dự án, không ai khác vẫn là A.Group – đơn vị đang đầu tư hàng loạt các dự án tại Ba Vì.
Tuy nhiên, theo người dân, dự án này có quá nhiều điều “đáng bàn”. Bởi lẽ, toàn bộ dự án nằm trên đồi Đống trước kia là đất lâm nghiệp trồng rừng theo dự án PAM; một phần lớn diện tích đất trồng lúa được giao lâu năm cho người dân và gối đầu lên hồ Đập Đống – công trình thủy lợi tưới tiêu nông nghiệp của nhiều vùng đồng trong xã.

Sự việc bắt đầu được người dân phát hiện khi 17.000m2 đất nông nghiệp tại thôn Bơn bị ngập úng do đập tràn của hồ Đập Đống được nâng độ cao lên 1m khiến nước hồ không có chỗ thoát và dồn hết sang phần “ngọn hồ” là đất ruộng của khu đồng Luồng, đồng Tro.
Từ đang thâm canh hai vụ, người dân chỉ trồng cấy được một vụ/năm. Cái đói vừa đuổi đi lại kéo về. 29 hộ dân người dân tộc Mường làm đơn kiến nghị tập thể…
Theo đó, năm 2009, 29 hộ dân thôn Bơn nhận được thông báo của UBND xã Vân Hoà về việc thu hồi đất ruộng để khơi sâu và mở rộng diện tích mặt nước hồ đập Đống. Mức đền bù là 45 triệu đồng/sào. Việc thu hồi này không có QĐ thu hồi của cấp có thẩm quyền, các hộ dân không tán thành.
Năm 2010, người dân thôn Bơn ngỡ ngàng khi thấy máy móc, phương tiện cơ giới được đưa về hồ Đập Đống để thi công. Xã giải thích: tôn cao bờ đập để tích nước tưới tiêu thủy lợi.
Tuy nhiên, cùng với việc đắp đập là việc san đồi, lấp một phần hồ ở khu vực giáp đồi Đống. Và, khu biệt thự – nghỉ dưỡng do A.Group làm chủ đầu tư bắt đầu hình thành.
Việc nâng đập tràn, lấn hồ Đập Đống đã gây hệ lụy làm ngập úng một phần diện tích lớn lúa nông nghiệp tại thôn Bơn. Cùng tiến hành song song, xã chỉ đạo san đồi đập Đống, di chuyển nghĩa trang thôn Bơn sang khu vực khác để lấy mặt bằng 1.700m2 đem… bán.
Khi những người nông dân thôn Bơn bức xúc vì mất đất canh tác, xã tiến hành thu hồi đất ruộng và đền bù mỗi sào 45 triệu đồng. Đối với đồi Đống rộng hơn 13ha là đất lâm nghiệp nằm trong dự án PAM, xã đền bù mỗi sào 100 triệu đồng.
Nhiều hộ dân loay hoay không biết làm thế nào đã nhận tiền từ xã. Tổng số tiền đã giải ngân này gần 1,1 tỷ đồng. Tuy nhiên, trớ trêu nhất, trong hoàn cảnh ngân sách eo hẹp của một xã miền núi như Vân Hòa, lãnh đạo xã đã “linh động” vay nóng từ 1 doanh nghiệp với lãi suất 0%, thời hạn 1 tháng kèm theo một thỏa thuận: nếu xã không trả nợ đúng hạn kỳ hạn, UBND xã Vân Hòa sẽ phải chuyển giao cho doanh nghiệp này quản lý, sử dụng phần diện tích hồ Đập Đống mà xã đang tiến hành cải tạo…
Và, bi kịch của hợp đồng vay mượn này người dân phải hứng chịu. Doanh nghiệp kia đường hoàng vào theo “cửa chính” để tiếp quản không gian hồ Đập Đống – cảnh quan quan trọng nhất để có thể nâng giá biệt thự tại đây lên con số hàng chục tỷ đồng/căn.

Mua một, bán nghìn

Câu chuyện DN vào xã lấy đất đồi làm dự án, sau đó phân lô, bán nền với giá chót vót trên trời có lẽ chỉ có ở những xã miền núi như Vân Hòa, Yên Bài…, vì nó dễ dàng quá, như người ta thò tay vào chum mà bốc vàng lấy đi.
Lãnh đạo xã không những không làm tròn vai trò quản lý, mà còn gián tiếp “tiếp sức” thêm để dự án trái phép này nhanh chóng được hiện hữu.
Đồi Đống nằm trên hai thôn Bơn và thôn Đa Cuống với diện tích 13,21ha. Thời gian hiện tại, phần diện tích đất lâm nghiệp này được giao cho các hộ dân thời hạn 50 năm để trồng rừng theo dự án PAM.
Từ đồi Đống đi ra khu du lịch Thác Đa đúng 3km, ra trung tâm xã cũng chừng vài km. Nhưng quan trọng nhất, ngoài thảm xanh của rừng dự án đang trong tuổi khép tán, phía trước đồi là hồ Đập Đống rộng gần chục ha tạo nên khung gian sinh thái hữu tình.
Không ngoa khi nói đây là vị trí đắc địa nhất xã Vân Hòa, và rất phù hợp để xây dựng dự án biệt thự sinh thái – nghỉ dưỡng. Và, doanh nghiệp kia đã chớp thời cơ…
Trước đó, từ năm 2004, những giao dịch ngầm đất rừng tại đồi Đống đã diễn ra. Theo anh Nguyễn Văn Bằng, người dân xã Vân Hòa: thời điểm đó, một sào đất đồi Đống được người ta mua 6 triệu đồng. Theo thời gian, giá bán có thay đổi lên các con số: hơn chục triệu, vài chục triệu… Người bán cuối cùng nhận được số tiền 100 triệu đồng/sào đất đồi.

Việc “gom” đất đồi Đống được hoàn thiện bằng dự án cải tạo, nạo vét, nâng đập tràn hồ Đập Đống, thực chất là việc lấp một phần mé hồ sát với đồi đống, nâng đập tràn khiến cả một khu ruộng bạt ngàn 1,7ha ngập úng, mất khả năng canh tác; và di dời nghĩa địa thôn Bơn lấy mặt tiền cho dự án…
Con số mà chủ đầu tư rao bán sản phẩm sau khi “phù phép” đất rừng thành đất dự án khiến người dân xã Vân Hòa giật mình. Bởi vì, với giá tiền đó, chủ đầu tư bán đi một căn biệt thự trên đất đồi có thể đủ tiền để mua… hết đất của xã Vân Hòa.
Thông tin trên webside của doanh nghiệp kia giới thiệu: dự án T.V Villas & Resort có quy mô 21ha, trong đó có 7ha hồ nước, gồm 30 căn biệt thự được cấp sổ đỏ để bán cho khách hàng, 20 căn biệt thự các loại phục vụ cho thuê nghỉ dưỡng.
Ngày 01/12/2009 chủ đầu tư bắt đầu triển khai bán 11 căn biệt thự đầu tiên của dự án với giá 200.000 – 300.000USSD/căn biệt thự hoàn chỉnh.

Thời điểm chúng tôi có mặt, toàn bộ nghĩa trang thôn Bơn đã được di dời trong sự phản đối của người dân để lấy 1.700m2 đất mặt bằng; một phần hồ Đập Đống đã bị lấn chiếm (tương đương 1ha); đập tràn hồ Đập Đống được nâng cao 1m khiến toàn bộ 1,7ha đất nông nghiệp phía trên hồ bị ngập úng.
Đồi Đống đã được san ủi để làm đường lên đỉnh đồi theo vòng xoáy trôn ốc. 18 căn biệt thự đã hoàn thiện xây thô. Những tán rừng vừa tròn tán đã được đốn hạ. Trong khi đó, đời sống người dân thôn Bơn, thôn Đa Cuống đã bị đảo lộn.
Câu chuyện hy hữu doanh nghiệp cho xã vay tiền rồi ép lấy đất, hồ làm dự án được ông Hoàng Văn Lộc, chủ tịch UBND xã Vân Hòa giải thích với VietNamNet: việc xã chủ động đi vay số tiền 1,2 tỷ đồng để đền bù cho dân, đấy là xã linh động làm thay huyện, sau đó mới báo cáo lên huyện sau.
Tuy nhiên, Phó Giám đốc VP đăng ký QSDĐ, phòng TN – MT huyện Ba Vì Lê Đình Minh khẳng định: đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn xã Vân Hòa không có bất kỳ một dự án nào liên quan đến xây dựng, thu hồi đất đai trừ dự án xây dựng đập Đồng Xô.
Như thế, dự án xây biệt thự trên đất đồi đã được “phù phép”? Trong khi đó, 13ha đồi Đống là đất trồng rừng dự án PAM đang được triển khai; hồ Đập Đống rộng 8ha là công trình thủy lợi phục vụ tưới tiêu cho hàng chục ha đất nông nghiệp của các thôn Bơn, thôn Đa Cuống từ năm 1984 đến nay.

theo Kiên Trung
_________________________________________________________

Posted in Chuyện môi trường, Chuyện pháp luật, Chuyện đất nước, Kinh tế | Thẻ: , , | Leave a Comment »

Người Trung Quốc buồn vì Mỹ ‘mất giá’

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Tám 10, 2011

Không chỉ người Mỹ bị sốc khi Mỹ bị hạ bậc đánh giá tín dụng, nhiều người Trung Quốc cũng chung cảm xúc tương tự. Họ đang hướng sự chỉ trích vào chính phủ Trung Quốc.

Việc cơ quan xếp hạng tín dụng Standard & Poor hạ bậc khiến Mỹ mất danh hiệu vàng AAA lần đầu tiên trong lịch sử đã gây ra cơn hoảng sợ trên khắp các thị trường hàng hóa, chứng khoán, tiền tệ không chỉ ở nước Mỹ mà còn trên khắp thế giới.
Các trang web của Trung Quốc cuối tuần qua tràn ngập những lời chỉ trích về công tác quản lý của Bắc Kinh đối với dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc – một chủ đề trước đây rất ít thu hút công chúng. Sự háo hức của người dân, muốn đóng góp vào câu chuyện phát triển kinh tế thần kỳ ở Trung Quốc với vai trò là người tiêu dùng, đã bị dập tắt bởi các chính sách tài khóa và tiền tệ.
Thị trường chứng khoán của Trung Quốc hôm qua sụt giảm mạnh do các nhà đầu tư lo ngại rằng những sự kiện gần đây ở Mỹ và châu Âu sẽ làm suy giảm khả năng xuất khẩu của Trung Quốc. Thị trường chứng khoán Thượng Hải giảm 3,78% và đây là mức giảm sâu thứ ba ở châu Á hôm qua, chỉ sau Đài Loan và Hàn Quốc.
“Xếp hạng tín dụng của Mỹ bị hạ xuống một bậc, tại sao chúng ta phải trở thành nạn nhân lớn nhất?”, một cá nhân viết trên mạng xã hội Sina Weibo rất phổ biến ở Trung Quốc. “Trung Quốc luôn cúi đầu trước Mỹ. Khi nào thì Trung Quốc mới ngẩng đầu lên được và gạt sang một bên sự lo ngại triền miên trước các phản ứng từ Mỹ!”.
Nhiều bài viết trên mạng Internet cũng mang hơi hướng chủ nghĩa dân tộc tương tự và thắc mắc rằng về việc chính phủ đầu tư đến một nửa trong tổng dự trữ trị giá 3,2 nghìn tỷ USD để mua trái phiếu chính phủ Mỹ. Mức này vượt xa con số của các nền kinh tế khác trên thế giới.
Một trong những lời chỉ trích gay gắt nhất xuất hiện trên mạng, sau đó biến mất ngay, có nội dung: “”Những nhà hoạch định chiến lược của Trung Quốc muốn người khác tiêu tiền của người dân hơn là để người dân tự tiêu tiền của mình”. Tuy nhiên những người chỉ trích hầu như chỉ bày tỏ nỗi bực bội vì lòng tự tôn bị tổn thương, chứ không đưa ra được giải pháp thay thế nào.
Dù những người viết chỉ trích trên mạng Trung Quốc có nhận ra hay không, nhưng có một thực tế là Trung Quốc có rất ít lựa chọn ngoài việc chi ra hàng chục tỷ USD mỗi tháng để duy trì tỷ giá thấp và bảo vệ bộ máy xuất khẩu. Mà Bộ Tài chính Mỹ thì chẳng có nhiều công cụ khác ngoài trái phiếu để có thể hấp thu nguồn dự trữ ngoại tệ khổng lồ của Trung Quốc.
Tuy nhiên bộ máy lãnh đạo Trung Quốc không muốn bị công chúng cho là đã dung dưỡng hay ủng hộ các chính sách tài chính của Mỹ. Điều đó giải thích vì sao gần đây báo chí chính thống của Trung Quốc đã chỉ trích Mỹ là “nghiện vay nợ”, và đăng nhiều bài chỉ trích kịch liệt. Trong khi đó ngân hàng trung ương cũng như các định chế tài chính Trung Quốc chưa hề lên tiếng gì về sự tụt hạng tín nhiệm của Mỹ.
Ngân hàng trung ương Trung Quốc sáng hôm qua đã cho đồng nhân dân tệ tăng 0,23% so với đồng USD vào sáng hôm qua khi ấn định tỷ giá hàng ngày. Mỹ từ lâu đã ép Bắc Kinh phải tăng giá đồng nhân dân tệ. Mức tỷ giá mới, 6.435 nhân dân tệ so với đồng USD, là bước nhảy vọt lớn nhất trong một ngày kể từ tháng 11 năm ngoái.
Tuy nhiên đồng nhân dân tệ chỉ tăng 2,5% so với đồng USD vào năm nay. Các nhà kinh tế ở Bắc Kinh và phương Tây hoài nghi về khả năng lãnh đạo Trung Quốc sẵn sàng chấp nhận một sự tăng vọt của giá trị đồng nhân dân tệ. Việc chi ra đủ nhân dân tệ để nhiều đôla như thế đã đẩy ngân hàng trung ương vào thế đi ngược với người tiêu dùng và các nhà kinh doanh có ý định phát triển kinh tế trong nước.
Một chính sách được ngân hàng trung ương thực hiện là nhanh chóng tăng lượng cung tiền tệ cho Trung Quốc. Tăng cung dẫn đến lạm phát nhanh chóng trong giá nhà đất và bắt đầu ảnh hưởng lên hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng. Cơ quan Thống kê quốc gia cho biết giá cả trong tháng 7 tăng 6,5% so với năm ngoái.
Một chính sách khác của ngân hàng trung ương nước này là yêu cầu các ngân hàng thương mại tăng dự trữ bắt buộc, thay vì cho doanh nghiệp vay tiền để làm ăn. Hiện các ngân hàng thương mại Trung Quốc phải để 20% tài sản của mình tại ngân hàng trung ương, tất nhiên là không có lãi. Điều này cho phép ngân hàng trung ương có tiền giá rẻ để phục vụ việc dự trữ ngoại tệ, nhưng đồng thời khiến các doanh nghiệp vừa và nhỏ khát tiền.
Một blogger cuối tuần qua đã kết luận về sự thất vọng của anh ta như sau: “Người dân Trung Quốc đang làm việc rất chăm chỉ, ngày này sang ngày khác, môi trường kinh tế rất thuận lợi, nhưng đời sống của người dân không tuyệt vời như thế – hóa ra vì chính phủ đang thắt lưng buộc bụng người dân để cho Mỹ vay tiền”.

Anh Ngọc (theo The New York Times)
____________________________________________________________

Posted in Chuyện đời sống, Kinh tế | Thẻ: , , | Leave a Comment »

Tuổi trẻ nước Anh nổi giận

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Tám 10, 2011

Khi tội ác bị làm ngơ

Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến làn sóng bạo loạn tại Anh là từ cái chết của một người lái taxi da màu 29 tuổi có tên Mark Duggan, hôm 4/8 tại Tottenham, Luân Đôn. Sau cuộc điều tra ban đầu, cảnh sát xác nhận Duggan không nổ súng trước và bị cảnh sát bắn chết tại chỗ. Các nhân chứng cho biết, nạn nhân bị cảnh sát tạm giữ và dù đã phục tùng yêu cầu của cảnh sát nhưng vẫn bị bắn chết.
Đây chính là nguyên nhân khiến người nhà của người đàn ông có 4 con nhỏ này nổi giận và đi đòi công lý. Thân nhân của Duggan cùng nhiều người địa phương đã kéo đến đồn cảnh sát ở Tottenham đòi có câu trả lời về cái chết. Trước sự im lặng của cảnh sát, đám đông bắt đầu trút cơn giận bằng cách đốt phá xe cảnh sát, châm ngòi cho đợt bạo động tồi tệ trên khắp nước Anh.
Sau Luân Đôn, làn sóng đập phá hôi của hôm qua lan đến các thành phố khác như Manchester, Nottingham, Liverpool… đẩy nước Anh chìm vào vụ bạo loạn tồi tệ nhất nhiều năm qua trên quy mô toàn quốc.
Sự hiện diện của 16.000 nhân viên an ninh trên đường phố khiến thủ đô nước Anh có dấu hiệu đã được kiểm soát. Cảnh sát Luân Đôn đã bắt giữ tổng cộng 685 người làm loạn, nhưng máu vẫn đổ khi một thanh niên 26 tuổi bị bắn chết trong xe ở khu Croydon hôm qua.
Tuy nhiên, bất ổn lại đang lan sang các thành phố lớn khác như Manchester, Salford, Liverpool, Wolverhampton, Nottingham, Leicester và Birmingham với các cửa hiệu bị đốt phá và hôi của. Có 47 người bị bắt tại Manchester và Salford, nơi đám đông thanh niên đốt phá nhà cửa và xe cộ, trong khi tại Liverpool, cảnh sát đã bắt giữ 35 người. Tại Birmingham, lực lượng chống bạo động bao vây khu mua sắm Mailbox sau vụ đập phá tại đây hôm thứ hai.
Thủ tướng Anh David Cameron phải cắt ngắn kỳ nghỉ tại Italy để về nước họp khẩn cùng nội các và gặp chỉ huy cảnh sát đô thành Luân Đôn bàn về tình hình bất ổn. BBC dẫn lời ông tuyên bố với những người nổi loạn đa phần là thanh niên: “Các anh sẽ thấy được sự nghiêm minh của pháp luật. Và nếu các anh đã đủ lớn để gây ra những tội ác này thì các anh cũng đủ lớn để đối mặt với sự trừng phạt”.
Hiệp hội các nhà bảo hiểm Anh cho biết, thiệt hại từ làn sóng bạo loạn nổ ra từ đêm thứ bảy tuần trước sẽ khiến các hãng bảo hiểm mất “hàng chục triệu bảng” chỉ riêng tại Luân Đôn. Cảnh tan hoang của các cửa hàng và xe cộ bị đốt cháy trên phố không chỉ có ở Tottenham mà còn xuất hiện tại các khu vực khác của Luân Đôn như Hackney, Croydon, Clapham, Peckham, Lewisham và Ealing.

Vết nhơ của cảnh sát hay vấn đề xã hội?

Vụ điều tra về cái chết của Duggan chưa có kết luận cuối cùng, nhưng đây chắc cũng dính tới một số vụ làm chết người vô tội, nổi bật là vụ bắn chết người thợ điện gốc Brazil Charles de Menezes năm 2005, khiến dư luận nổi giận và tư lệnh cảnh sát Luân Đôn bị mất chức.
Báo chí Anh mô tả những ngày qua là cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong vòng một phần tư thế kỷ ở nước này. Nguyên nhân sâu xa cho sự bất ổn ở Anh là các vấn đề xã hội và cộng đồng vốn âm ỉ từ lâu. Các nhà xã hội học cho rằng một bộ phận giới trẻ các thành phố Anh bị tách khỏi sinh hoạt của cộng đồng chung và có quá nhiều thời gian thừa thãi. Bên cạnh đó là nạn thất nghiệp cao và tình trạng các gia đình không kiểm soát được con cái đã khiến bất ổn phát sinh “từ nhà ra phố”.
Đại đa số những người tham gia bạo loạn ở Luân Đôn và các thành phố khác là thanh thiếu niên và hầu hết số bị bắt cũng nằm trong lứa tuổi này. Nhiều trẻ em từ 12 đến 13 tuổi cũng tham gia các vụ hôi của trên đường phố. Các thiếu niên này còn sử dụng điện thoại di động và các trang xã hội trên Internet để hô hào nhau đi làm loạn và khoe những thứ cướp được như chiến lợi phẩm.
Trong khi đó, các chuyên gia kinh tế nhìn nhận nguyên nhân của bạo loạn ở Anh bắt nguồn từ chính sách “thắt lưng buộc bụng” của chính phủ dẫn đến khó khăn trong cuộc sống của một bộ phận người dân. Một trong những người có quan điểm này là cựu thị trưởng Luân Đôn Ken Livingstone. Hầu hết những người tham gia bạo loạn đến từ các khu vực nghèo tại những đô thị lớn, nơi có tỷ lệ thất nghiệp cao và dịch vụ xã hội bị cắt giảm khiến cuộc sống ngày càng bi đát.
Luân Đôn đã dịu xuống sau những đêm bạo loạn, nhưng đây vẫn là thách thức lớn nhất đối với sự nghiệp của thủ tướng thuộc đảng Bảo thủ Anh David Cameron kể từ khi lên cầm quyền năm ngoái. Triển khai cảnh sát dày đặc để dẹp yên bất ổn sẽ sớm có kết quả, nhưng giải quyết những vấn đề xã hội, cộng đồng và kinh tế, nguyên nhân sâu xa của bạo loạn là thách thức dài hạn đối với chính phủ Anh.

(tổng hợp)
________________________________________________

Posted in Chính trị thế giới, Chuyện pháp luật, Chuyện xã hội, Tin tức nổi bật | Thẻ: , , | Leave a Comment »

Phiên toà xét xử cựu giảng viên về tội ‘lật đổ chính quyền’

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Tám 10, 2011

8h sáng nay (10/8), tòa án TP HCM đã mở phiên xét xử ông Phạm Minh Hoàng (56 tuổi, quốc tịch Pháp và Việt Nam) bị truy tố về tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.

An ninh đã được tăng cường tại khu vực xung quanh tòa án và phòng xử. Chỉ những người tham gia tố tụng mới được tham dự phiên xét xử, trong đó có 2 người được xác định có tư cách là “người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan” và 2 nhân chứng.
Phóng viên trong và ngoài nước được bố trí một phòng tác nghiệp riêng, theo dõi phiên xử được truyền trực tiếp qua 2 màn hình cỡ lớn.
HĐXX gồm 3 thành viên do thẩm phán Vũ Phi Long (Phó chánh Tòa Hình sự TAND TP HCM) ngồi ghế chủ tọa. Luật sư Trần Vũ Hải (Đoàn luật sư Hà Nội) bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Hoàng tại phiên xử.
Theo cáo buộc của VKS, năm 1998, ông Hoàng được Nguyễn Thị Thanh Vân và Nguyễn Ngọc Đức lôi kéo tham gia vào tổ chức Việt Tân tại Pháp. Đến năm 2000, thực hiện kế hoạch của tổ chức này, ông Hoàng hồi hương về Việt Nam, xin làm giảng viên hợp đồng cho Đại học Bách khoa TP HCM.
Từ tháng 7/2002 đến tháng 5/2010, ông Hoàng bị cho là đã lấy bút danh Phan Kiến Quốc viết 29 bài có nội dung “xuyên tạc đường lối, chính sách của Nhà nước” để phát tán trên Internet.
Tài liệu của cơ quan chức năng cho hay, tháng 11/2009, ông Hoàng cùng vợ là bà Lê Thị Kiều Oanh và Nguyễn Thanh Hùng đã tham dự khóa học tại Malaysia do Việt Tân tổ chức với nội dung hướng dẫn kỹ năng, cách sử dụng các phần mềm để bảo mật thông tin, tài liệu khi trao đổi qua Internet. Ngoài ra, trong khóa học này, ông Hoàng cũng tham gia thảo luận, và được xem một số phim về phương pháp “đấu tranh bất bạo động” để vận dụng vào thực tế ở Việt Nam nhằm “thay đổi thể chế chính trị hiện nay”.
Cũng theo cơ quan công tố, thời gian ở Việt Nam, ông Hoàng đã tìm chọn, tập hợp, xây dựng lực lượng nòng cốt cho tổ chức Việt Tân ở trong nước. Người này đã lôi kéo vợ, em ruột cùng tham gia tổ chức.
Từ tháng 1 đến tháng 5, vị giảng viên đại học trên bị cáo buộc đã cùng 3 thành viên của tổ chức Việt Tân là Phạm Duy Khánh (em ruột, hoạt động tại Pháp), Jolie Trang Huỳnh (Việt kiều Mỹ), Huỳnh Châu (Việt kiều Australia) tổ chức 2 khóa gồm 4 lớp học về “kỹ năng mềm” để tuyên truyền, xây dựng lực lượng nòng cốt cho Việt Tân. Mỗi lớp học 10-12 người, đa phần là thanh niên, sinh viên, trong đó có 3 nữ tu Thiên chúa giáo.
Viện kiểm sát công bố tài liệu cho rằng, tại nhà riêng trên đường Nguyễn Tri Phương (quận 10, TP HCM), ông Hoàng đã cùng một số thành viên cốt cán trong tổ chức, nhiều lần nhóm họp, bàn về việc phát triển lực lượng và bộ máy lãnh đạo của tổ chức ở TP HCM.
Phiên tòa xét xử đã diễn ra trong một buổi sáng và tòa án TP HCM tuyên mức án dành cho ông Phạm Minh Hoàng là 3 năm tù giam vì tội Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.
Có mặt trong phiên tòa chỉ có vợ của ông – bà Lê Thị Kiều Oanh, và luật sư bào chữa Trần Vũ Hải. sau khi phiên tòa kết thúc, bà Lê Thị Kiều Oanh nói: “Đây là bản án quá nặng, thiếu công bằng với chồng tôi. Tôi không đồng ý với phán quyết cuối cùng của tòa án.” Đồng thời bà Oanh cho hay bà đã báo với luật sư là bà mình đã quyết định kháng cáo.
Tuy nhiên, bà còn muốn hỏi lại chồng để biết về quyết định của ông ấy.

Trước đó, ông Trần Anh Kim (Thái Bình); các ông Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Thăng Long, Nguyễn Tiến Trung (TP HCM) cũng bị khép tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền với mức án cao nhất 16 năm, thấp nhất 3 năm 6 tháng tù.

(Tổng hợp)
___________________________________________________________

Posted in Chính trị Việt Nam, Chuyện pháp luật | Thẻ: , , | Leave a Comment »