NGÔN NGỮ & VĂN HÓA

CHÚC MỪNG NĂM MỚI

Archive for the ‘Người Việt hải ngoại’ Category

Nô lệ lao động – Không có giải pháp?

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Năm 9, 2011

Tin cảnh sát Nga cho biết hôm thứ Năm (5/5) cho biết: Cảnh sát Nga đã bắt giữ khoảng 500 người Việt Nam nhập cư bất hợp pháp tại làng Malakhovka, ngoại ô Matxccơva. Cuộc truy quét do Cơ quan Di trú Liên bang, An ninh Liên bang và Bộ Nội vụ phối hợp thực hiện.

Nạn nhập cư bất hợp pháp

Theo Novosti, Cảnh sát đã bắt và tạm giam khoảng 600 công dân Việt Nam không có giấy tờ tùy thân. Tuy nhiên, bản tin sau đó của Interfax đưa ra số người bị bắt là 510.

Những người này đang làm việc tại một xưởng may áo khoác và áo jacket, đang sống với gia đình của họ tại xưởng may nơi làm việc.

Thư ký báo chí Zalina Kornilova của Cơ quan Di trú Liên bang nói với Interfax rằng không ai có giấy tờ và cũng không nói được tiếng Nga.

Trong số người này có cả những phụ nữ đang mang thai, trong điều kiện sống mà theo bà Zalina Kornilova là “hoàn toàn mất vệ sinh, vi phạm nghiêm trọng quy định an toàn phòng cháy chữa cháy”.

Chính quyền đang điều tra để xác minh ai đã lập ra xưởng may.

Dược biết, Nga đang phải đấu tranh để cắt dòng người lao động nhập cư bất hợp pháp, hầu hết là những người đi du lịch đến Matxccơva và những thành phố lớn khác của Nga là từ các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ. Khoảng 10 phần trăm lực lượng lao động của Nga được cho là đến từ nước ngoài.

Tháng trước, cảnh sát Matxccơva phát hiện một “thành phố ngầm” với hơn 100 người nhập cư bất hợp pháp từ Trung Á sản xuất phụ tùng máy may.

Thị trưởng Matxccơva, Sergei Sobyanin, ước tính rằng có khoảng hai triệu người nhập cư bất hợp pháp đang sống tại Matxccơva , trong khi Cơ quan Di trú Liên bang cho rằng chỉ có 340.000 người nhập cư ở thủ đô, với khoảng 155.000 người trong số đó không đăng ký.

Nộp phạt để được thả

Ngày 6/5, nhiều người đã được thả sau khi chấp nhận nộp phạt.

Những người bị bắt đều không có giấy tờ hợp lệ. Chuyện những người Việt làm việc bất hợp pháp tại Nga bị bắt xảy ra rất thường xuyên trong những năm gần đây, tuy nhiên, vụ ngày 5/5 gây nhiều chú ý vì số lượng người bị bắt giữ rất lớn.

Theo một nữ nhân chứng vừa được thả vào khoảng hai giờ sáng ngày 6/5, sau khi chủ doanh nghiệp chấp nhận nộp tiền « phạt » thì khủng khiếp nhất là đợt bắt bớ này. Đầu tiên họ vào, họ kiểm tra, họ lôi tất cả ra, họ tịch thu điện thoại, rồi họ không trả. Điện thoại đắt tiền cũng như điện thoại không đắt tiền họ cũng thu. Đến chiều tối, họ cho về các xưởng. Nhưng họ không cho ăn, cũng không cho ra ngoài, không cho nấu nướng, cũng không cho đi toa-lét. Có người không nhịn được, phải đi toa-lét ngay tại trong phòng. Bắt được là nó đánh.
Một số người lo sợ bị vào trại, bị vào tù, người ta vượt tường ra. Có người rơi xuống ngã gẫy chân, sai khớp, hầu hết chân tay đều xây xướt hết. Nếu mà bắt được thì nó đánh ác lắm.

Chị ta nói: Cảnh sát lăn tay, rồi chụp ảnh, rồi nó cho lên truyền hình. Nó phát đồ ăn rồi nó chụp ảnh. Từ Tết đến giờ, sang tháng Tư, tháng Năm, chúng tôi chạy tổng cộng là bốn lần rồi. Chủ cũng không còn vực được lên nữa. Chúng tôi cũng cứ sống vạ vật. Hiện nay, tôi phải ra chợ để tin bạn bè, mỗi người giúp đỡ cho một tý. Thậm chí tôi chạy, chẳng còn quần áo, hộ chiếu tôi cũng bị mất luôn. Hầu như tất cả chúng tôi đều bị mất, không phải chỉ mình tôi.
Lúc hai giờ rưỡi sáng nay, chủ đến chuộc cho tôi về. Hôm nay, tôi ra chợ để đi tìm việc làm khác.

Chúng tôi thuê ở địa điểm này, chủ mặt bằng bảo chúng tôi là, đã « bảo kê » công an địa phương tốt rồi. Chúng tôi là những công nhân đến làm, chúng tôi cũng hỏi chủ rằng, nếu chỗ này an ninh có an toàn thì công nhân chúng tôi mới đến. Cũng có chủ làm được một năm, cũng có chủ làm được năm rưỡi, hai năm, đấy là mấy năm trước là được như thế.
Chúng tôi bảo, cứ nuôi béo rồi chúng nó lại thịt. Tức là đến làm được ít tháng, cho mình hồi hồi vốn, song rồi nó lại gọi quan trên đến, nó thu xong tiền, rồi … Hầu như đến mặt bằng nào cũng vậy, được ba bốn tháng là đóng. Đấy là hai năm trước. Còn từ hai năm nay, cứ đến mặt bằng này được một vài tháng, tháng đầu phải bỏ vốn ra để làm nhà, làm xưởng, máy móc. Chủ mặt bằng bảo: thuê tốt, công an tốt, yên tâm! Làm được hai tháng, ba tháng, thế là tự nhiên các « ban bệ » lại đến, thế là tự nhiên chúng tôi lại mất trắng.
Người được bảo kê cũng là công an. Thường là ở bên này, các chủ mặt bằng cho thuê đều có vai, có vế, có chức vụ. Cứ được vài tháng, nó lại bảo đây không phải là công an địa phương, mà do Ô-môn (cảnh sát đặc nhiệm), OVIR (tên cũ của Cục phụ trách visa) – sở Ngoại kiều đến, vì vậy nó không kịp báo cho mình. Cũng có lúc nó tăng (giá) lên vào tháng thứ ba, tháng thứ tư. Nếu chúng tôi không chấp nhập lên giá, vài ngày sau là sở Ngoại kiều đến, là công an Kinh tế đến bắt luôn.

Bây giờ còn xưởng khác. Xưởng khác không ra được. Chỉ có mua vé về nước thôi. Tôi có mấy người bạn. Họ về từ ngày 25 tháng trước rồi. Cứ về là coi như trục xuất luôn. Nếu chủ mà không xuống tiền, thì nó hành công nhân, bắt cho về.

Các chủ xưởng cũng như công nhân, đã chót bán nhà, bán cửa ở Việt Nam sang rồi. Cứ thua keo này, lại bày keo khác, cứ cố. Xấu hổ với bà con, chẳng nhẽ « mang chuông đi đấm nước người », đi rồi chẳng lẽ về tay không. Người ta ở nhà làm ăn ầm ầm. Người ta cứ tuần tự vi tiến, trăng đến rằm, trăng tròn, là người ta tiến được. Nhưng mình cứ cố gắng theo, bây giờ về xấu hổ với bà con hàng xóm, với họ hàng, cho nên biết là bắt bớ vẫn cứ phải sống chui, sống lủi, như vậy. Thân của những người tha phương cầu thực là thế đấy chú ạ. Chứ còn bây giờ, bạn bè tôi những người nào bị trục xuất thì về hết, nếu không thì sống chui lủi, sống vườn rau, lao động rất khổ sở.

Nhân chứng trên kết luận:Cũng nói thật với chú là chỉ mong sao đủ tiền để về thôi chú ạ!

Nô lệ lao động?

“Nô lệ lao động” là cụm từ đã được sử dụng để nói về tình trạng của hàng ngàn lao động Việt Nam ở các cơ sở lao động không hợp pháp tại Liên bang Nga, trong một văn bản của Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga gửi tới một loạt cơ quan chức năng trong nước.

Tại thời điểm hiện nay, “câu chuyện” những lao động Việt Nam bị bóc lột thậm tệ tại Liên bang Nga vẫn còn nguyên tính thời sự, cho dù văn bản trên được phát hành từ năm 2008.

Trong văn bản từ 3 năm trước, Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga cho biết, khi nước Nga thắt chặt việc đánh thuế các mặt hàng nhập khẩu từ cường quốc về hàng dệt may với giá rẻ như Trung Quốc thì hàng loạt các xí nghiệp may đã ra đời, nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu của người tiêu dùng, nhất là những người tiêu dùng có thu nhập thấp trên thị trường Nga. Trong bối cảnh này, đã ra đời những xí nghiệp may “đen” với quy mô từ vài chục máy đến hàng trăm máy.

Theo số liệu của các cơ quan bảo vệ pháp luật Nga thì lúc đó quanh vùng ngoại ô thủ đô Matxccơva có khoảng hơn 500 xí nghiệp may như vậy, với số lượng công nhân lên đến 20.000 người, mà đa số là được đưa từ Việt Nam sang.

“Người lao động đã bị bóc lột một cách thậm tệ, bị nhốt dưới khu vực ngầm cách biệt với thế giới bên ngoài, bị thu hoàn toàn giấy tờ tùy thân, không được liên lạc với bên ngoài”, văn bản nêu rõ.

Cũng theo thông tin mà Đại sứ quán có được thì người lao động buộc phải làm việc từ 12-14 tiếng trong một ngày mà không có ngày nghỉ. Họ được hứa là sẽ trả lương cao nhưng có nơi, theo công nhân tố cáo đã hàng năm công nhân không được nhận lương vì chủ xưởng đã trừ hết khoản này đến khoản khác.

Thậm chí, nhiều chủ xưởng sau hàng năm bóc lột sức lao động của hàng trăm công nhân thì đã bỏ trốn và trước khi bỏ trốn đã báo cho công an sở tại đến bắt những người lao động không hợp pháp.

Văn bản của Đại sứ quán Việt Nam tại Nga cũng nhấn mạnh: cuộc sống của những người lao động tại các xưởng may nói trên quả là đáng báo động. Ở nhiều nơi, khoảng 50-60 người sống trong một căn phòng tập thể, giường tầng, các đôi nam nữ được ngăn cách bởi những tấm vải che với diện tích chỉ vài m2…

Cầu cứu giải thoát

Nhận định được Đại sứ quán đưa ra là “tình trạng những công nhân Việt Nam lao động trái phép tại Nga ngày càng tăng”. Trên thực tế, nhiều cuộc điện thoại đã được gọi về các phòng ban của Đại sứ quán để cầu cứu, giải thoát vì cuộc sống quá bức bách. Nhưng ngay cả đến Đại sứ quán Việt Nam và các cơ quan bảo vệ pháp luật của Nga cũng đành bó tay vì tất cả những người gọi đến đều không biết mình đang ở đâu. Bởi họ không biết tiếng Nga và bị giam biệt lập với thế giới bên ngoài.

Bên cạnh đó, những cơ quan thông tin đại chúng Nga đã nhiều lần đưa tin bằng hình ảnh chỗ làm việc, nơi sinh sống của lao động Việt Nam tại các xí nghiệp may “đen” này, đã làm cho nhân dân địa phương vốn đã không có thiện cảm với người lao động châu Á, có cái nhìn phiến diện với những người lao động Việt Nam.

Câu chuyện về hàng chục nghìn lao động Việt Nam đang bị bóc lột thậm tệ, dẫu bắt đầu từ 3 năm trước, vẫn khiến các vị đại biểu Quốc hội trong đoàn công tác của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đến Liên bang Nga vào giữa tháng Tư vừa qua không khỏi bất ngờ.

“Những hiện tượng như bắt lao động theo hình thức khổ sai 12-14 tiếng một ngày, không trả lương, không cho tiếp xúc với bên ngoài và khi có biến động thì sẵn sàng bỏ công nhân chạy trốn pháp luật, để lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng cho những người lao động không biết mình đang ở đâu, không giấy tờ tùy thân và cũng không có khả năng tài chính để mua vé trở về Việt Nam” – báo cáo của đại sứ quan Việt Nam ở Nga viết.

Các cơ quan chức năng làm gì?

Báo cáo của Ban công tác cộng đồng – Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga đề ngày 15/11/2010 còn cho biết, trong năm 2010, do thay đổi chính sách của hàng rào thuế quan, các xưởng may không hợp pháp ngày càng làm ăn phát đạt, vì vậy số lượng các xí nghiệp may này ngày càng tăng.

Và con số những xí nghiệp may “đen” câu kết với những phần tử biến chất trong bộ máy chính quyền địa phương lừa gạt người lao động từ trong nước sang ngày càng nhiều.

Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, hội đàm giữa các nhà doanh nghiệp, giữa các nhà sản xuất kể cả những cuộc gặp với những chủ xí nghiệp sản xuất không hợp pháp, để tìm cách tháo gỡ khó khăn, tìm phương thức làm ăn hợp pháp, hạn chế đến mức thấp nhất những rủi ro cho bà con ta trong kinh doanh và trong sản xuất.

Tuy nhiên, dường như những việc đó không mang lại kết quả mang tính định lượng hơn.

Trong khi đó, ghi nhận từ chuyến công tác vừa qua, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền cho rằng, thực trạng “khổ sai” của hàng chục ngàn lao động Việt Nam dường như vẫn chưa được cải thiện.

Không chỉ là thông tin thu thập được, mà cả những cảm nhận chân thực hơn từ chuyến đi đã khiến ông Hiền hơn một lần nhấn mạnh cảm giác “đau lòng” khi nói về thực trạng này.

Bởi, chính ngay khi đoàn công tác đặt chân đến Nga cũng là lúc một số phương tiện truyền thông đưa tin 4 người Việt Nam đã thiệt mạng khi một kho chứa vải bị cháy, vì họ không thể thoát thân trong tình cảnh bị chủ nhốt.

Và, ngay tại sân bay quốc tế Domodedovo, trước khi về Việt Nam, đoàn cũng đã tình cờ gặp một số người lao động vừa may mắn thoát ra được khỏi những xưởng may đen với ký ức hãi hùng.

Trên suốt chuyến bay trở lại Việt Nam, câu chuyện giữa Chủ nhiệm Hiền và các thành viên trong đoàn đã không “thoát” được nỗi ám ảnh về sự cơ cực mà hàng nghìn công nhân Việt Nam đã và đang phải trải qua.

Vì, số phận của mỗi lao động không chỉ liên quan mật thiết đến hình ảnh của đất nước mà còn gắn chặt với cuộc sống của gia đình và người thân của họ. Sự “mất tích” của họ cũng đồng nghĩa với sự bất ổn của hàng nghìn gia đình nghèo, vốn đã rất nhiều khó khăn.

Suốt hành trình trở về, một câu hỏi cứ trở đi trở lại với nhiều thành viên trong đoàn công tác là “có thể giải quyết căn cơ tình trạng này được hay không?”.

Trao đổi với VnEconomy, Chủ nhiệm Hiền nói rằng, theo quan điểm của ông thì hoàn toàn có thể làm được, nếu có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng Việt Nam với Đại sứ quán Việt Nam tại Nga và các cơ quan chức năng của nước sở tại. Song sự chủ động, quyết liệt phải từ chính các cơ quan trong nước.

Ông Hiền cũng cho biết, sau chuyến công tác trở về, ông đã gặp và trao đổi với một vị thứ trưởng Bộ Ngoại giao về thực trạng và giải pháp để giải quyết tận gốc vấn đề lao động Việt Nam tại Nga.

Tới đây, lãnh đạo Ủy ban Kinh tế cũng dự định sẽ làm việc với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội để trao đổi sâu hơn về vấn đề nói trên.

Tuy nhiên, theo một nguồn tin từ Ủy ban, đến thời điểm hiện tại, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng chỉ nắm được số lao động đi làm việc theo hợp đồng ở châu Âu, còn riêng ở Nga là bao nhiêu thì không có số liệu cụ thể.

Là thành viên trong đoàn công tác của Ủy ban Kinh tế, ông Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Tp.HCM cũng cho biết: “Nghe những cán bộ có trách nhiệm ở Đại sứ quán Việt Nam tại Moskva nói về tình cảnh người lao động Việt tại các “xí nghiệp đen” thật quá đỗi đau lòng”.

Vị đại biểu của dân này đã đặt câu hỏi về trách nhiệm của các đơn vị trong nước tuyển và xuất khẩu lao động sang Nga, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước để người lao động bị “bán” cho các xí nghiệp “đen” khi đến nước Nga, đẩy người lao động Việt Nam, đa số là những thanh niên nghèo khổ ở nông thôn, lâm vào tình cảnh này.

Ông Lịch đề nghị, với quyền hạn được trao, các ủy ban liên quan của Quốc hội có thể tổ chức phiên “điều trần” xung quanh vấn đề lao động Việt tại Nga để qua đó làm rõ hơn thực trạng cũng như giải pháp giải quyết căn cơ vấn đề đã kéo dài nhiều năm và đang trở nên trầm trọng này.

(tổng hợp)
___________________________________________________

Posted in chuyện khó tin, Chuyện pháp luật, Chuyện xã hội, Chuyện đất nước, Chuyện đời sống, Kinh tế, Người Việt hải ngoại, Tin tức nổi bật | Thẻ: , , | Leave a Comment »

Những người Việt kiên cường ở New Orleans

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Chín 10, 2010

Ở rìa phía đông thành phố New Orleans, một cộng đồng 10 nghìn người Mỹ gốc Việt đã phải gánh chịu hầu hết các tai họa từ chiến tranh đến hận thù, bão lụt và ô nhiễm.
Bất cứ ai cũng có thể thấy hốt hoảng trước hàng loạt thảm họa kể trên. Nhưng hàng ngàn con người ấy vẫn kiên cường sống với một lòng tin và tinh thần yêu nước tuyệt đối. Vụ tràn dầu ở vùng vịnh Mexico mùa hè vừa rồi là tai họa mới nhất đổ lên đầu họ.
“Với một thị trấn, trong cả thế kỷ qua sống chủ yếu dựa vào đánh bắt cá, vụ rò rỉ dầu thực sự là tai hoạ với chúng tôi, quả đúng như thế. Thực tế là dầu tràn lan trên mặt nước, lên cả thuyền và giá hải sản sụt giảm nghiêm trọng. Tất cả đều là sự thật. Nhưng đây là nước Mỹ, chúng tôi sát cánh bên nhau trong thị trấn này và ở Mỹ có hệ thống trật tự có thể giúp chúng tôi tồn tại được nếu chịu khó làm việc,” ông Giupseppe Tony Tran nói. Ông là trợ lý giám mục trong nhà thờ Đức mẹ Mary của Việt Nam – một nhà thờ lớn của cộng đồng gốc Việt trong thị trấn.
Trong chuyến hành trình 9000 dặm vòng quanh nước Mỹ, chúng tôi đã gặp vô số người lo lắng về tương lai của mình, nhưng chúng tôi đã rất ngạc nhiên trước sự tự tin của ông Trần. Vào thời điểm đó, ông đang làm việc với các ngư dân địa phương chuyên đánh bắt tôm, họ đang bàn bạc về chiến lược tăng lượng tiêu thụ hải sản. Đây là một cộng đồng gắn bó chặt chẽ với nhau, mọi người cũng hợp sức vượt qua khủng hoảng.
Khi cơn bão Katrina năm 2005 tràn vào đúng trung tâm của thị trấn – nhà thờ địa phương của người Việt đã bị hư hại nghiêm trọng. Họ cũng đi sơ tán cùng nhiều người khác, nhưng đã sớm đi xuồng quay lại những ngôi nhà bị ngập trong nước của mình. Nhà thờ không còn, nhưng người dân nơi đây đã cố gắng đi xuồng vào tới chỗ bậc thềm của bãi đỗ xe nhà thờ, chỗ này lúc đó vẫn khô ráo. Những giáo dân đầu tiên đã tụ tập tại đây. Sau đó, khi nước rút hết khỏi bãi đỗ xe, họ cùng nhau lau dọn bùn đất, thu nhặt thép và nhôm, cùng với các dụng cụ đồ nghề kim loại, họ đã dựng lại một nhà kho lớn để tổ chức lễ Mass. Cuối cùng, họ cũng xây lại được nhà thờ.
Đây là một trong những khu vực đầu tiên của thành phố quay trở lại nhịp sống bình thường sau cơn bão.
“Bạn phải nhớ rằng, chúng tôi đã sống sót qua cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Chúng tôi đã sống sót qua cơn bão Katrina. Không có gì có thể cản bước chúng tôi một khi chúng tôi có lòng tin và làm việc chăm chỉ,” ông Trần nói.
Các cụm từ “lòng tin” và “làm việc chăm chỉ” như là câu cửa miệng của người dân địa phương ở vùng này.
“Khi mới sang Mỹ, chúng tôi không nói được tiếng Anh, cũng không có chương trình dạy tiếng Anh phù hợp cho người Việt Nam ở đây,” ông Trần nhớ lại. “Lúc đó thật vất vả. Những người bảo trợ đã đặt cho chúng tôi những cái tên như Clint Eastwood hay Marilyn Monroe để phân biệt cho dễ. Tôi được một gia đình người Ý nhận bảo trợ và họ nghĩ tên Giuseppe Tony hợp với tôi.”
Theo ông Trần, vấn đề cốt yếu đối với những người có thể sống sót được ở đây đó là “dù với những công việc đầu tiên như đi làm lao công trong các cửa tiệm hay cắt cỏ, cứ kiếm được 2 đôla là chúng tôi để dành 1.25 đôla cho tương lai. Chúng tôi chỉ tiêu trong giới hạn 75 xu còn lại.”
Khu chung cư do nhà thờ tài trợ xây dựng đã từng là nơi trú ngụ của những người tản cư đầu tiên đến đây, hiện giờ thuộc sở hữu của chính phủ, khu này nằm sát với khu dân cư – hiện đã là những ngôi nhà gạch kiên cố. Trong khi những ngôi nhà của người dân trong thị trấn giờ đã khang trang trở lại, với những khu vườn có cây chuối, những bức tượng Thiên chúa, khu chung cư cũ kỹ của chính phủ hiện vẫn hoang tàn kể từ sau cơn bão Katrina. “Tôi rất mong chính phủ cho phép chúng tôi sửa chữa lại khu vực này,” ông Trần nói. “Chúng tôi sẽ nhanh chóng bắt tay vào việc tu sửa khu này.”
Tuy nhiên người gốc Việt ở đây không phải lúc nào cũng được chào đón.
“Lúc trước khi mấy người chúng tôi lần đầu đi mua tàu đánh bắt tôm, đã xảy ra một vụ xung đột lớn ở vịnh biển trong cộng đồng ngư dân, họ cho rằng chúng tôi là mối đe doạ. Một người trong nhóm ngư dân của chúng tôi bị giết. Tình hình tồi tệ vẫn tiếp diễn sau đó một thời gian.”
Bộ phim năm 1985 của Ed Harris – Vịnh Alamo – đã dựa trên câu chuyện xung đột ở đây, nhưng lấy bối cảnh là một ngôi làng không có thật ở biển Texas.
Trải qua cả thế kỷ xung đột, những người đứng đầu trong cộng đồng người Việt, trong đó có ông Trần, đã sống sót vượt qua định kiến và sự phân biệt. Năm 2005, họ là những cư dân đầu tiên quay trở lại thành phố sau cơn bão Katrina. “Có quá nhiều cảnh sát, những người được trang bị vũ khí và trực thăng bay trên đầu chúng tôi khi mới quay lại thị trấn, tôi như tái hiện lại ký ức chiến tranh Việt Nam,” ông Trần nói, “nhưng chúng tôi phải trở về bảo vệ cho ngôi nhà của mình khỏi bọn hôi của và phải xây lại nhà nhanh nhất có thể.”
Tai hoạ tiếp theo giáng xuống thị trấn này đã được ghi lại trong một phóng sự dài trên kênh PBS TV hồi năm ngoái. Do những sai lầm trên bản đồ quy hoạch, các quan chức thành phố New Orleans nói rằng họ không biết đến thị trấn này khi quyết định đổ một lượng rác thải khổng lồ sau cơn bão vào phần đất ngay sát cạnh khu dân cư và chỉ cách nhà thờ vài mét. Những người đứng đầu trong cộng đồng đã bị các quan chức thành phố “ngoảnh mặt làm ngơ” cho đến khi nhà thờ tổ chức một lễ cầu nguyện với sự tham gia của mọi người từ trẻ đến già. Các thế hệ cùng nắm chặt tay nhau và chặn xe chở rác thải. Cuối cùng, việc đổ rác cũng chấm dứt.
“Chúng tôi nghĩ mình có thể vượt qua mọi thứ kể từ sau khi vụ đổ rác năm 2006 chấm dứt,” ông Trần kể lại, “nhưng 60% dân cư trong vùng sống nhờ nghề cá, đánh bắt tôm và cá hồi là chủ yếu. Giờ đây chúng ta lại phải đối mặt với dầu bẩn, các vết dầu loang trên mặt nước và xung quanh thuyền của chúng tôi.”
“Tuần trước, họ đã cho ngư dân chúng tôi ra khơi, nhưng khi một người mang tôm về bến, anh ta chẳng thấy bóng dáng người mua hàng nào” ngay cả với mức giá giảm một nửa so với giá bán buôn hàng ngày. “Mọi người nghĩ hải sản của chúng tôi không ngon, điều đó không đúng. Công việc chính của tôi bây giờ là cố làm sao để có thể thu hút sự quan tâm của mọi người đối với hải sản trong vịnh.”
Nhưng điều đó có vẻ còn xa vời lắm.
“Chúng tôi đều học tiếng Anh và thị trấn này cũng đã sản sinh ra những bác sĩ và luật sư trẻ tuổi,” ông Trần nói, “nhưng nhiều ngư dân không rành lắm về các điều luật phức tạp liên quan đến đăng ký vào các chương trình đền bù. Những người không sống ở trong vịnh có thể nghĩ việc đăng ký để rửa tàu hay nhận tiền hỗ trợ thật dễ dàng, nhưng thực ra chuyện này vô cùng phức tạp. Hiện nay, đang có khủng hoảng nghiêm trọng về dầu và sụt giảm giá hải sản.”
Khi được hỏi tâm trạng hiện nay là “tức giận” hay “lo lắng,” ông Trần nhìn chúng tôi với ánh mắt ngạc nhiên. “Khủng hoảng nghiêm trọng, nhưng không lo lắng hay cáu giận gì cả.” ông nói. “Không, chúng tôi tin tưởng nước Mỹ, hệ thống ở đây có thể giúp giải quyết vấn đề, nếu ta chăm chỉ và có lòng tin.”
Ở quảng trường Jackson lịch sử của thành phố New Orleans, chúng tôi hỏi chuyện một người bán hàng lâu năm về cộng đồng người Việt, và nhận xét của anh ta là: “rất ấn tượng.”
Hughes Drumm, sinh ra ở New Orleans và hiện là chỉ một cửa hàng lưu niệm Tabasco ở quảng trường đã tâm sự với chúng tôi: “Họ rất mạnh mẽ, sau những gì đã trải qua. Họ chăm lo cho gia đình mình và mọi người trong cộng đồng cùng hết mình giúp đỡ nhau bằng máu, mồ hôi và nước mắt. Xung quanh đây, chúng tôi đều biết những gì họ đã làm. Họ đã xây dựng lại thị trấn dù rằng mọi tai hoạ cứ liên tiếp đổ xuống đầu họ. Phải nói rằng, rất nhiều người Mỹ có thể học hỏi đôi điều từ cộng đồng người Việt ở đây.”

Nam Thanh (theo FREEP)
_________________________________________________

Posted in Người Việt hải ngoại | Thẻ: , , | Leave a Comment »

̣Điều tra nạn người Việt trồng cần sa

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Chín 6, 2010

Tờ Evening Standard, báo ra buổi chiều đông độc giả tại London viết về tội phạm người Việt thống lĩnh nghề trồng cần sa lậu tại Anh và nói các băng dân Anh gốc cũng vào cuộc trong cuộc chiến ma tuý tàn khốc.

Bài của tác giả Tony Thompson hôm 2/9 bắt đầu bằng vụ hai người Việt Nam đi giao một lượng cần sa trị giá 30.000 bảng Anh (khoảng 45.000 đô la Mỹ) tại một bãi đỗ xe ở Sutton, nằm ở vùng Tây London và bị cướp toàn bộ số hàng mang theo.

Khi hai người này, Khach Nguyen và Phac Tran, trở về cơ sở ở Hackney tại Đông London, họ bị người đứng đầu băng đảng, Hoc Kim Khoa, cho rằng đã dựng lên vụ cướp để lấy tiền.

Khach Nguyen và Phac Tran bị đưa đến một trang trại hẻo lánh ở Surrey, Tây London và ông Khach đã bị tra tấn trong vài giờ cho tới chết.

Bài báo nói người cuối cùng trong nhóm sáu người bị tố cáo giết chết ông Khach đã bị tòa án Anh kết án tù chung thân.

Nhà báo Tony Thompson nói lợi nhuận thu được từ các vụ cần sa trồng trong nhà ở mức từ 200.000 tới 500.000 bảng Anh một năm.

Tội phạm có tổ chức người Việt được cho là gần như thống lĩnh toàn bộ thị trường trồng cần sa và sử dụng công nghệ thắp sáng, tưới nước và quạt thông hơi được đưa tới từ Canada, nơi các tội phạm người Việt bắt đầu sử dụng công nghệ này.

Các tội phạm người Việt thường bán cần sa cho các băng người Anh để tiêu thụ trên đường phố.

Quá tải

Một báo cáo của cảnh sát Anh được trích dẫn trên Evening Standard nói những người Việt trồng cần sa đã trang bị súng cưa nòng, bình xịt hơi cay, mã tấu và gậy bóng chày để bảo vệ cần sa.

Cảnh sát cũng nói họ tìm thấy các vũ khí ngầm, trong đó có điện thoại có thể gây sốc và cổng được đấu trực tiếp với nguồn điện.

Bài báo trên Evening Standard nói hồi năm 2005, số cần sa trồng tại Anh chỉ chiếm 15% lượng cần sa tiêu thụ trên thị trường.

Sau năm năm, con số này giờ là 90%, chủ yếu do tội phạm người Việt trồng và cung cấp.

Nhưng tác giả Tony Thompson cũng nói các băng nhóm của Anh nay đã thấy được lợi nhuận to lớn từ trồng cần sa và cũng lấn vào lĩnh vực này.

Có những tay trồng cần sa người Anh da trắng nay không chỉ tự trồng mà còn cộng tác với người Việt để làm ăn.

Nhưng giữa hai loại băng đảng này cũng có cạnh tranh, gây đến các vụ đâm chém nhau.

Nhìn chung, tội phạm người Việt hiện vẫn chiếm số đông trong các vụ án liên quan tới trồng cần sa mà báo chí Anh nói tòa án Anh bị quá tải vì số vụ quá nhiều.

Thống kê trên Evening Standard cho thấy trong năm 2007, cảnh sát Anh phá được gần 380 vụ trồng cần sa trong khi con số này của năm ngoái là hơn 690 vụ.

Hệ thống luật pháp Anh cũng từng bị chỉ trích vì đưa ra mức án quá nhẹ đối với tội trồng cần sa, thông thường chỉ là án tù vài năm.

Những người bị bắt vì trồng cần sa không vì mục đích thương mại có thể chỉ bị án treo hoặc phạt lao động công ích.

_____________________________________________________

Posted in Chuyện pháp luật, Kinh tế, Người Việt hải ngoại, Tin tức nổi bật | Thẻ: , , | Leave a Comment »

Các nước viết gì về giải Fields?

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Tám 31, 2010

Trong lúc dư luận Việt Nam hiện nói nhiều về Ngô Bảo Châu, báo chí Israel, Nga, Pháp cũng đưa tin về giải Fields năm 2010 nhưng với mức độ khác nhau.

Gần với chuyện đang diễn ra ở Việt Nam có lẽ là Israel, nước có công dân Elon Lindenstrauss cũng nhận huy chương Fields tại Ấn Độ hôm 19/8 vừa qua.

Báo chí nước này, và cả các trang của người Do Thái trên thế giới đồng loạt đưa tin ngợi giáo sư Lindenstrauss là “người Israel đầu tiên được Nobel toán học”.

Họ cũng trích lời giới khoa học Israel nói với giải này nước họ xứng đáng là “cường quốc toán học”.

Tờ Haaretz đưa tin Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã chúc mừng người được giải trong tinh thần dân tộc, rằng “đây là thành tích vĩ đại cho ông và cho Quốc gia Israel, và chúng tôi rất tự hào vì ông”.

Tờ Jewish Chronicle trên mạng cũng không quên nhắc rằng Giáo sư Lindenstrauss (40 tuổi), như nhiều người Israel trẻ tuổi khác, từng phục vụ trong quân đội và vẫn là thiếu tá dự bị của Không quân Israel.

Nhưng cho đến ngày 23/8 không thấy báo chí Israel hay Do Thái nói gì về các buổi lễ trọng đại đón chào huân chương Fields tặng cho ông Lindenstrauss.

Họ cũng nhắc đến Viện Toán mang tên Einstein ở Đại học Hebrew, Jerusalem nơi ông Lindenstrauss làm việc, vốn đã sản sinh ra nhiều nhà khoa học lừng danh thế giới khác như GS Robert Aumann, người nhận Nobel kinh tế năm 2005.

Báo chí Israel cũng nói ông Lindenstrauss được giải Fields một phần vì ở độ tuổi đúng 40 bởi nước này có nhiều nhà toán học lỗi lạc khác nhưng quá tuổi nhận huy chương Fields.
Họ cũng nhắc Israel đã có chín công dân được giải Nobel, người gần nhất vào năm 2009 trong môn hóa học.

Xuất xứ và thành tích

Còn về giải Fields cho Stanislav Smirnov, cả truyền thông Nga và Thuỵ Sĩ đều đưa tin nhưng ở mức độ ít hơn nhiều so với Israel và Việt Nam.

Báo Thuỵ Sĩ gọi ông là Giáo sư đại học Geneva, nhấn mạnh đến nơi làm việc.

Trang của Nga, Voice of Russia thì nói “Lại thêm một người Nga nhận ‘Nobel’ môn toán”.

Khác với Israel và Việt Nam, đây không phải là lần đầu người Nga nhận giải Fields vốn có từ bảy chục năm qua.

Trước ông Smirnov đã có các vị khác nhận giải Fields là Sergei Novikov (1970), Grigory Margulis (1978), Vladimir Drinfeld (1990), Yefim Zelmanov (1994), Maixim Kontsevich (1998), và Vladimir Voyevodsky (2002).

Còn Grigory Perelman, cũng từ St Petersburg như Stanislav Smirnov, từng được trao giải Fields năm 2006 nhưng từ chối không nhận.

Điều thú vị là Pháp coi cả hai người còn lại, Cédric Villani và Ngô Bảo Châu đều là các nhà khoa học Pháp, và ghi công cho hai viện nghiên cứu là nơi họ làm việc.

Trang của cơ quan CNRS tại Pháp gọi Ngô Bảo Châu là “nhà toán học Pháp – Việt” (Franco-Vietnamese mathematician) dù có ghi rõ rằng ông “sinh tại Hà Nội, Việt Nam năm 1970”.

Cơ quan nghiên cứu của ông Châu (Orsay Mathematics Laboratory, Université Paris Sud 11/CNRS) đã có ba người được giải Fields trước đó là Jean-Christophe Yoccoz (1994), Laurent Lafforgue (2002) và Wendelin Werner (2006).

Trang CNRS nói với hai huy chương mới nhất của Ngô Bảo Châu và Cedric Villani, Pháp có 11 trên tổng số 52 huy chương Fields cho toàn thế giới từ 1936.

Giải Fields cho GS Ngô Bảo Châu ghi thêm vào bảng thành tích của Viện Toán Orsay, ĐH Paris-Sud 11

Người ta cũng nhắc đến sự tiếp nối truyền thống học thuật của hai người.

Ông Villani, hiện là Giám đốc Viện Institut Henri Poincaré (UPMC/CNRS), chuyên gia toán xác suất, là học trò của GS Pierre-Louis Lions, người từng đoạt giải Fields năm 1994.

Còn Ngô Bảo Châu được giới thiệu là hoàn tất bằng tiến sĩ dưới sự hướng dẫn của GS Gérard Laumon.

Nếu như Ngô Bảo Châu được một phần dư luận ở Việt Nam coi là hiện tượng đặc biệt thì với giới chuyên môn Pháp, điều không kém phần đáng ghi nhận là môi trường làm việc của ông, tức Viện Toán Orsay thuộc ĐH Paris-Sud 11.

Trong số 22 nhà toán học có công trình được mời tham gia hội nghị toán học quốc tế tại Ấn Độ năm nay, 13 người có bằng tại ĐH Paris-Sud 11 hoặc đang là giáo sư tại đó.

Ví dụ của Smirnov và Ngô Bảo Châu cho thấy câu chuyện về việc quê gốc hay quốc tịch của người được giải không phải là điều quan trọng với giới khoa học.

Smirnov gốc Nga nhưng làm giáo sư ở Thuỵ Sĩ còn Lindenstrauss nghiên cứu cả ở Hoa Kỳ và Israel.

Chính thức mà nói thì Ngô Bảo Châu là người châu Á thứ tư được giải Fields sau ba người Nhật nhưng nếu tính cả người gốc Á Đông thì ông là người thứ năm.

Năm 2006, Terence Tao, (Terence Chi-shen Tao – Đào Triết Hiên) trở thành nhà toán học trẻ nhất nhận huy chương Fields năm 31 tuổi.

Cho tới thời điểm đó, ông Tao, sinh tại Adelaide nhưng làm bằng tiến sĩ ở Đại học Princeton và sống từ đó tại Mỹ, cũng được báo Úc coi là ‘người Úc đầu tiên’ nhận giải thưởng toán học này.

_______________________________________

Posted in Chuyện giáo dục, Chuyện đất nước, Giáo dục các nước, Giáo dục Việt Nam, Khoa học & Công nghệ, Người Việt hải ngoại | Thẻ: , , | Leave a Comment »

Người Đức kinh ngạc về ‘điều kì lạ Việt Nam’

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Năm 22, 2010

Trong các bài viết về giáo dục Đức, VietNamNet đã giới thiệu hiện tượng”Huyền thoại học sinh Việt Nam” giữa lòng châu Âu dẫn nguồn tin trên báo Đức DIE ZEIT cho hay, không một nhóm nhập cư nào ở Đức giàu thành tích học tập như người Việt Nam.

Dưới đây là bài viết của tác giả Martin Spiewak khi nghiên cứu “điều kỳ lạ Việt Nam” trong trường phổ thông Đức.

Hơn 50% học sinh người Việt vào được trung học loại ưu

Mới đây, Detlef Schmidt-Ihnen nhận được những kết quả ban đầu của trường mình trong cuộc thi Ôlympích toán học.
Thầy hiệu trưởng hài lòng vì sáu học sinh trường ông lọt vào vòng trong cuộc thi của bang. Ở trường Barnim-Gymnasium thuộc Đông Berlin thì điều này chẳng có gì đặc biệt, vì nhà trường từ lâu vẫn đặt trọng tâm giảng dạy vào các môn khoa học tự nhiên.
Tuy nhiên, một vấn đề khá mới mẻ là làm sao phát âm chuẩn họ tên các học sinh xuất sắc. Cô học sinh đoạt giải ở khối lớp 7 có tên là Trần Phương Duyên hay Duyên Trần Phương? Còn tên cậu học sinh lớp 10 Đức Đào Minh phải đọc thế nào đây?
Thầy hiệu trưởng Schmidt-Ihnen thường xuyên đứng trước thử thách này: 17% học sinh trường trung học tại quận Lichtenberg là con em các gia đình người Việt, ở các lớp dưới con số này còn vượt 30%. “Nhiều em trong số đó giỏi chính các môn tự nhiên và môn toán“, thầy hiệu trưởng kể. Cậu học trò giỏi toán nhất trường cũng là người gốc Việt.
Không một nhóm nhập cư nào ở Đức giàu thành tích học tập như người Việt Nam: Hơn 50% học sinh người Việt vào được trung học loại ưu.
Như vậy, số trẻ em Việt Nam phấn đấu lấy bằng tốt nghiệp trung học hệ 12 năm nhiều hơn trẻ em Đức. So với các em cùng trang lứa đến từ các gia đình Thổ Nhĩ Kỳ hay Italia, thì số học sinh trung học người Việt cao gấp 5 lần.
Thành tích học tập của các em học sinh người Việt hoàn toàn trái ngược với hình dung của chúng ta về trẻ em nhập cư“, nữ viên chức về công tác ngoại kiều bang Brandenburg, bà Karin Weiss nói.

Viết một câu chuyện thành công

20 năm sau ngày bức tường Berlin sụp đổ, con em của những người công nhân xuất khẩu lao động sang Cộng hòa Dân chủ Đức trước kia đang viết một câu chuyện thành công mà cho tới nay còn ít được biết tới.
Đến Đức vào giữa những năm 80 của thế kỷ trước, sau ngày nước Đức thống nhất, những người lao động nhập cư đến từ đất nước xã hội chủ nghĩa anh em này thường xuyên bị rơi vào cảnh thất nghiệp và đói nghèo, họ bị cô lập và trở thành nạn nhân của tệ bài ngoại.
Nhưng giờ đây con em họ đang cố gắng chiếm lĩnh xã hội Đức với sự siêng năng và lòng ham học ghê gớm. Vì trong các gia đình Việt Nam, áp lực giành điểm tốt vô cùng lớn.
Thành tích học tập của trẻ em Việt Nam đồng thời đặt dấu hỏi một loạt những điều mà người ta cho là sự thật trong các cuộc tranh luận về hội nhập.
Nếu ai đó cho rằng sự nghèo nàn về giáo dục thường xuyên có các nguyên nhân xã hội, thì sẽ thấy bị phản bác bởi ví dụ Việt Nam.
Ngay luận điểm cho rằng chính các bậc cha mẹ nhập cư phải hòa nhập tốt thì con cái họ mới có thể theo học tử tế cũng không đúng với những người nhập cư Đông Nam Á này.
Chắc chắn rồi – khác với những người Thổ Nhĩ Kỳ và người Italia – các bậc phụ huynh Việt Nam thế hệ đầu tiên thường có trình độ học vấn cao hơn. Nhưng ngay cả họ cũng hầu như không nói được tiếng Đức mà sống trong một cộng đồng chỉ có họ với nhau và thiết lập nên một thứ xã hội tồn tại song song.
Việc con cái họ trở thành những học sinh kiểu mẫu trong số các học sinh nhập cư là một bằng chứng cho thấy sức mạnh của một nền văn hóa mà sự cần cù của nó trong chính những điều kiện khó khăn lại dẫn đến sự vươn dậy.
Điều này thể hiện từ nhiều năm nay tại Hoa Kỳ, nơi một tỉ lệ lớn sinh viên đến từ các nước châu Á – chính xác hơn: đến từ các nước chịu ảnh hưởng của đạo Khổng Tử – theo học tại các trường đại học hàng đầu của Mỹ. Giờ đây điều kỳ lạ trong giáo dục này lặp lại tại Đức.
Em Nguyễn Vân Dung đã cùng gia đình sống nhiều năm trong một trại tị nạn. Cô bé không giữ những kỷ niệm xấu về thời gian này, mà xét cho cùng thì hồi đó em luôn có bạn chơi.
Ngược lại, cha mẹ em ghét cảnh sống tập trung như thế: bếp chung, rồi xích mích cãi cọ giữa cộng đồng dân nước nọ với nước kia, song trước hết vẫn là cảnh sống chật chội. Duy một thứ không bao giờ thiếu, đó là một chỗ để Dung có thể ngồi học.
Và còn một điều nữa mà cha mẹ em đã làm đúng. Như hầu hết các cha mẹ người Việt, ông bà sớm đăng ký cho con gái đi nhà trẻ.
Vì vậy mà em học tiếng Đức hoàn hảo. Hiện Dung đang theo học một trường trung học ở Potsdam và là một trong những học sinh giỏi nhất lớp với điểm bình quân là 1,5 (ở Đức điểm cao nhất là điểm 1).
Mùa hè năm ngoái, Quỹ hỗ trợ học sinh nhập cư năng khiếu Start-Stiftung đã đưa cô học trò 14 tuổi này vào danh sách được cấp học bổng của quỹ.
Khoảng 30% số học sinh được chọn cấp học bổng tại Đông Đức là người Việt Nam. Dung không phải là tài năng ngoại lệ trong gia đình em. Cả em trai và em gái của Dung đều đang học trung học và có điểm trung bình trên 1 phảy.
Vậy mà mấy chị em đâu có ai có thể giúp chúng làm bài tập ở nhà. Trong nhà chúng chẳng có nhiều sách, cũng không thấy những đồ chơi mang tính giáo dục. Đối diện bàn thờ nhỏ có cắm hương – nơi gia đình thờ tổ tiên – là một màn hình phẳng to đùng ngự trong phòng khách.
Căn hộ nhỏ của gia đình các em nằm ở một khu dân cư ven Potsdam. Trong hành lang chất chồng những thùng nước quả dành cho xe bán đồ ăn nhanh lưu động của cha mẹ chúng.
Buổi chiều, cả gia đình ngồi quây quần uống trà, và ông Nguyễn kể chuyện. Những từ tiếng Đức mà ông cố nói ra nghe thật khó hiểu. Các cô con gái bèn dịch lại câu chuyện ông bố từng làm lao động xuất khẩu ở Liên Xô như thế nào và sau khi quốc gia này sụp đổ thì ông đã xin tị nạn ở Đức ra sao. Và sau nhiều năm bấp bênh, rốt cuộc gia đình họ đã được phép ở lại Đức với điều kiện phải trình được mức thu nhập đủ sống. Cha mẹ Dung làm việc đến kiệt sức. Họ đứng suốt từ sáng đến 10 giờ đêm trên chiếc xe hàng lưu động để bán „súp sữa dừa cay“ hoặc „mỳ gà xào giòn“.
Phần lớn người Việt Nam tự xoay xở kinh doanh để sống. Do không thạo tiếng Đức, họ không tìm được việc làm. Họ làm việc cho đến 60 tiếng một tuần trong những trong những hiệu gốm sứ, những cửa hàng hoa, những tiệm làm móng tay hay trong các khu chợ. Việc nhiều người Việt cảm thấy có trách nhiệm gửi tiền đều đặn về cho họ hàng ở quê nhà, khiến áp lực kiếm tiền càng gia tăng.
Thường thì bọn trẻ phải tham gia vào công việc nhà. Dung phải chăm lo cho em trai và em gái mình. Vì quanh năm bọn trẻ ít khi trông thấy cha mẹ. Chỉ đến chiều mẹ mới đảo về nhà chốc lát để nấu ăn. Còn suốt nhiều giờ chỉ có bọn trẻ ở nhà với nhau. Vậy mà chiều chiều chúng vẫn cắm cúi trên trang sách và mang về nhà toàn điểm ưu.
Sao thế được nhỉ, thưa ông Nguyễn? Vì sao trẻ em Việt Nam lại học giỏi như thế? Lúc này, người cha nãy giờ có ánh mắt khá là nghiêm khắc mới lần đầu tiên nở nụ cười. Ông thích đề tài này hơn là kể về quá khứ. Câu trả lời của ông giản dị đến kinh ngạc: “Vì mọi ông bố bà mẹ Việt Nam đều muốn con cái mình học giỏi“.
Hẳn nếu dịch nghĩa ra thì như thế này: Lũ trẻ sớm nhận ra rằng chúng mắc nợ cha mẹ mình những điểm giỏi và vì vậy chúng phải học thật nhiều.
“Với các gia đình Việt Nam, học hành là tài sản quý giá nhất“, nữ viên chức về công tác ngoại kiều bang Brandenburg Karin Weiss nói. Cho dù công việc khiến các bậc cha mẹ có rất ít thời gian, họ vẫn luôn hỏi con cái về bài vở của chúng. Và nếu cần thì họ cho con học thêm.
Bà Weiss kể rằng bà biết những gia đình sống trong điều kiện kinh tế eo hẹp nhưng vẫn tiết kiệm từng xu để chi cho con học thêm.
Dung và các em không cần phải học thêm. Nhưng chúng vẫn được cha mẹ giúp đỡ. Ai săm soi căn hộ trang bị sơ sài của gia đình ông Nguyễn sẽ phát hiện trong phòng trẻ một giàn máy vi tính. Khi Dung muốn học pianô, cha mẹ em bèn sắm một chiếc đàn Pianô điện tử.
Sự ham học của người Đông Á là thứ tài sản quý giá nhất mà họ mang theo từ quê hương. Chỉ có học hành mới thoát được khỏi đồng ruộng, đó là châm ngôn của họ.
Cũng giống như ở Trung Quốc, Nhật Bản hay Hàn Quốc, nhiều trẻ em Việt Nam theo học gia sư vào các buổi chiều sau giờ lên lớp chính thức hoặc cuối tuần. Khối lượng bài tập giao về nhà lớn hơn ở Đức rất nhiều. Cho tới lúc kết thúc chương trình học phổ thông thì học sinh Việt Nam học hơn học sinh cùng trang lứa người Đức hàng ngàn giờ.
Đây cũng là một trong những điều lý giải kết quả một nghiên cứu mà nhà tâm lý học Andreas Helmke công bố cách đây vài năm.
Ông giao cho các học sinh lớp 4 ở Hà Nội và ở Muyních cùng số bài tập toán như nhau. Tại thủ đô của Việt Nam nhiều trường học trang bị tồi tàn, mỗi phòng học nhồi nhét tới 50 học sinh. Vậy mà các học sinh của đất nước đang phát triển này vượt xa những học trò 10 tuổi của bang Bayern.
“Thậm chí ở cả những câu hỏi đòi hỏi kiến thức toán học sâu hơn, những đứa trẻ Việt Nam cũng hơn hẳn“, vị giáo sư của trường đại học tổng hợp Koblenz-Landau nói. Kết quả này giống với kết quả các cuộc nghiên cứu khác, cho thấy từ nhiều năm nay các nước châu Á luôn chiếm các vị trí dẫn đầu.

Chỉ có tiến

Đó cũng là phương châm của những người nhập cư châu Á tại Đức. Nói chuyện với các bậc phụ huynh người Việt, ta sẽ nghe thấy những câu gợi nhớ tới những châm ngôn về sự tiến thân của Cộng hòa liên bang Đức những năm 50 của thế kỷ trước như “Không cố gắng, chẳng nên người““ hay “Đời con phải hơn đời cha“.
Có lẽ vì vậy mà người ta gọi người Việt Nam là những người Phổ của châu Á.
Trái với những bậc phụ huynh nhập cư đến từ các nước khác – những người thường không biết đâu mà lần với cấu trúc nhà trường phức tạp ở Đức -, những người Việt Nam lập tức hiểu ngay rằng con em họ chỉ có vào các trường Gymnasium – hay không tốt bằng là trường Gesamtschule – mới lấy được bằng tốt nghiệp 12 năm phổ thông và theo học đại học, phần còn lại họ không quan tâm..
Chỉ một con 3 trong bản điểm đã là hồi chuông báo động đối với nhiều phụ huynh.
Đối với không hiếm bậc cha mẹ, nếu con em họ khi học xong tiểu học chỉ vào được một trường Realschule (nơi học sinh sẽ chỉ lấy bằng sau lớp 10, không vào được đại học) đã là một sự mất mặt trong cộng đồng.
Nguyễn Minh Long, một chàng trai 20 tuổi, người đã suy nghĩ nhiều về những người đồng hương ở Đức, kể về một cuộc ganh đua thật sự giữa những bậc cha mẹ người Việt. Nếu hai người cha hoặc hai người mẹ gặp nhau, thì một trong những câu đầu tiên họ hỏi nhau là “Lũ trẻ học hành thế nào?“.
Nếu kết quả học tập không được như mong đợi, bọn trẻ sẽ bị trừng phạt, như bị mắng mỏ, nhốt vào buồng, có khi ăn tạt tai.
Cha mẹ tôi liên tục trách mắng tôi rằng những đứa học sinh khác được điểm tốt hơn tôi“, Minh Long nhớ lại.
Họ không cần biết điểm của anh không đủ tốt để được giới thiệu vào một trường Gymnasium.
Và quả nhiên: mùa hè vừa qua nhờ nỗ lực to lớn, Minh Long đã lấy được bằng tốt nghiệp 12 năm phổ thông với kết quả khá.
Trẻ con không đứa nào bẩm sinh giỏi hay dốt, mà chỉ có chăm hay lười mà thôi, nhiều cha mẹ người Việt tin như vậy.
Họ hầu như không bao giờ từ bỏ hy vọng về một đứa trẻ, đồng thời hiếm khi thứ lỗi cho những đứa học kém.
Ít lâu nay tại trường Barnim-Gymnasium ở Berlin niềm vui về lòng tự trọng cao của các bậc phụ huynh người Việt đã xen lẫn với sự lo lắng.
Lần đầu tiên các thầy cô giáo trở nên cảnh giác khi những học trò Việt Nam làm giả giấy bác sĩ để trốn một bài kiểm tra vì sợ bị điểm xấu.
Một lần khác thầy hiệu trưởng nói với một nam học sinh vi phạm nội quy rằng ông sẽ phải thông báo với cha mẹ cậu về việc này. Thế là cậu học sinh quỳ thụp xuống van xin thầy hiệu trưởng đừng làm thế. Trong suốt hơn 30 năm làm nghề giáo, thầy Schmidt-Ihnen chưa bao giờ chứng kiến một cảnh như vậy.
Nhà trường bèn phản ứng bằng cách cho mời một nhà công tác xã hội đến thăm trường vào mỗi thứ sáu, và lần đầu tiên tổ chức một tối gặp gỡ các phụ huynh, có người phiên dịch.
Cuộc gặp gỡ kéo dài nhiều giờ và các bậc cha mẹ có rất hiều câu hỏi. Mối lo lớn nhất của họ là nửa năm đầu tiên học thử ở trường. Vì gần đây học sinh Việt Nam đã không còn vượt lên dẫn đầu trong tất cả các điểm. Thậm chí rất có thể lần đầu tiên một số học sinh Việt Nam sẽ không vượt qua được thời gian thử thách ở trường Barnim-Gymnasium. “Các học sinh Việt Nam đần trở nên ngang bằng với học sinh Đức“, một cô giáo chủ nhiệm lý giải xu hướng này.
Thế nhưng điều bình thường đối với các gia đình Đức lại có thể dẫn tới một cuộc khủng hoảng thật sự trong cộng đồng người Việt.
Vì sự hòa nhập của trẻ em với tốc độ nhanh đã khiến chúng trở nên xa lạ với cha mẹ, đặc biệt khi chúng vào tuổi dậy thì. „
Các em sống trong hai nền văn hóa“, đó là quan sát của bà Tamara Hentschel thuộc Hội Trống Cơm – tổ chức giúp đỡ người Việt sống tại Berlin từ ngày thống nhất nước Đức. Giữa các thế hệ trong gia đình tồn tại một sự “không nói không rằng”.
Bà Hentschel nhận xét theo đúng nghĩa đen của cụm từ này. Vì nhiều trẻ em Việt Nam đi nhà trẻ từ lúc còn rất nhỏ, nên sau đó chúng nói tiếng Đức như tiếng mẹ đẻ, trong khi vốn tiếng Việt của chúng lại chỉ đủ cho giao tiếp hàng ngày. Khi đề cập đến những vấn đề tế nhị hay phức tạp – như bị điểm xấu, bắt đầu có bạn trai – thì câu chuyện giữa cha mẹ và con cái trở nên ngắc ngứ hoặc ầm ĩ.
Thế là đôi bên cùng to tiếng bằng hai ngôn ngữ khác nhau. Nếu tình hình trở nên quá tồi tệ, các em sẽ quay lưng lại với nền văn hóa của cha ông và từ chối không ăn các món ăn Việt Nam, hay thậm chí bỏ nhà ra đi.
Tuy nhiên đấy (mới) chỉ là những trường hợp riêng lẻ. Phần lớn các gia đình Việt Nam gắn bó mật thiết với nhau. Và lòng kính trọng cha mẹ nơi bọn trẻ cũng lớn ngang chí tiến thủ của chúng. „Chúng tôi muốn học hành và vươn lên“, ngay Long – vốn có cái nhìn phê phán – cũng nói như vậy. „Như thế, biết đâu sẽ có lúc chúng tôi thuộc vào tầng lớp ưu tú của đất nước này“.

Martin Spiewak – Báo DIE ZEIT (Theo Giáo dục và Thời đại)
_____________________________________________________________

Posted in Chuyện giáo dục, Người Việt hải ngoại | Thẻ: , , | Leave a Comment »