NGÔN NGỮ & VĂN HÓA

CHÚC MỪNG NĂM MỚI

Archive for the ‘Văn học’ Category

Những nguyên mẫu của Vợ chồng A Phủ

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Mười 10, 2011

Nhà văn Tô Hoài đã từng ao ước được trở về Tà Sùa, Hồng Ngài (Sơn La), cùng các nhà làm phim làm một bộ phim về Mường Dơn. Không biết đã ngoài 90 tuổi, cụ đã thỏa tâm nguyện này chưa nhưng mới đây, nữ nhà báo Hoàng Hường đã lặn lội tìm đến địa danh này. Tại đây, chị đã gặp được những con người được cho là nguyên mẫu thật bằng xương bằng thịt như bước ra từ tác phẩm văn học nổi tiếng Vợ chồng A Phủ của nhà văn Tô Hoài. Nhân tiện, chị đã thực hiện một bộ phim ngắn, hay nói cho đúng hơn là làm ký sự bằng hình ảnh về những nguyên mẫu này.

Thống lý Pá Tra là Mùa Trở La, không phải Mùa Chống Lầu

Hoàng Hường cho biết, sở dĩ chị quyết tâm tìm đến những địa danh đã được nhà văn Tô Hoài nhắc đến trong tác phẩm của mình là vì ngay từ ngày được học tác phẩm này trong trường phổ thông, chị đã rất thích đến những miền đất ấy. Mong muốn đó cứ lớn lên để rồi “không chịu được nữa”, chị khoác ba lô lên đường với hy vọng sẽ tìm được những câu chuyện liên quan đến những địa danh, những con người, dù chỉ là “hậu duệ” của những con người mà nhà văn Tô Hoài đã đưa vào tác phẩm văn học. Tuy nhiên, chính sự “tù mù và liều lĩnh” này đã giúp Hoàng Hường “thu hoạch” được nhiều hơn những gì mình mong muốn.

Đầu tiên, Hoàng Hường tìm đến nhà ông Đinh Tôn, (xã Phiêng, huyện Bắc Yên, Sơn La) người được cho là nguyên mẫu nhân vật A Châu trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ. Qua cuộc “chất vấn” giữa “nhà quay phim nghiệp dư Hoàng Hường” với ông Đinh Tôn, có thể tạm chứng minh được ông Đinh Tôn chính là nguyên mẫu “cán bộ A Châu”.

Theo đó, ông Đinh Tôn gặp nhà văn Tô Hoài năm 1951, khi ông còn chưa lập gia đình và đang làm công tác dân vận và nghiên cứu tình hình lịch sử của người Mèo khu 99 (gồm 1 nửa là xã La Phù, 1 nửa là xã Tường Phù). Theo những gì mà ông Đinh Tôn trả lời phỏng vấn nhà báo Hoàng Hường trong phim thì nhân vật thống lý Pá Tra là từ nguyên mẫu thống lý Mùa Trở La, bố đẻ của thống lý Mùa Chống Lầu.

Ông Đinh Tôn kể: “Bố ông Mùa Chống Lầu độc ác lắm, nhưng đến ông thống lý Mùa Chống Lầu, các đồng chí ta lại thuyết phục được ông ấy đi theo cách mạng, ông đã xây dựng cơ sở, vận động tất cả người Mèo vùng 99 và vùng Kim Bon theo cách mạng. Tức là bố ông thống lý thì độc ác nhưng bản thân ông thống lý thì lại đi theo cách mạng. Thế nên nhà văn Tô Hoài cũng không nói ông Mùa Trở La mà nói thống lý Pá Tra. Bởi vì nếu lấy tên ông Mùa Trở La làm tên nhân vật luôn thì ảnh hưởng đến ông Mùa Chống Lầu. Khi đó ông Lầu đang là ủy viên Ủy ban Mặt trận tổ quốc khu Thái – Mèo, còn tôi là ủy viên Hội đồng nhân dân khu. Tức là nguyên mẫu của nhân vật thống lý Pá Tra là ông Mùa Trở La, là bố ông Mùa Chống Lầu, chứ không phải là Mùa Chống Lầu như nhiều người nghĩ”.

Giải thích về các nguyên mẫu khác, ông Đinh Tôn cho biết: “A Sử chết lâu rồi. Các nhân vật A Phủ, A Sử, A Mỵ, tên thật của họ cũng là như vậy thôi. Nhưng giấu cái họ đi. Ngay cả tôi, ban đầu anh Tô Hoài cũng lấy tên tôi ra, nhưng tôi nói rằng như vậy cũng không hay, vì cần phải gắn vào đồng bào dân tộc, cần phải tôn lên cái người dân tộc họ làm nên lịch sử. Vì thế, ngay cả các nhân vật A Phủ, A Sử cũng không có họ. Người Mèo có 12 họ, thì các nhân vật cũng không lấy họ nào cả, mà cứ lấy họ A vào đấy thôi. A là cái tên đệm chung. Bây giờ lấy A Phủ, A Sử, A Châu ra hỏi thì không ai biết cả. Nhưng nghe cái tên đó biết A Châu dân tộc Mông là được rồi”.

Nguyên mẫu A Mỵ thật vẫn còn sống

Nguyên mẫu A Châu Đinh Tôn (sinh năm 1930), nguyên quán ở Vạn Yên, Phú Yên, gốc là người Mường. Ông thoát ly từ năm 15, 16 tuổi và gần như đã đi khắp Sơn La để tham gia công tác dân vận. Năm 1983, ông về ở xã Phiêng, huyện Bắc Yên, Sơn La cho đến bây giờ. Ông có hai vợ. Người vợ thứ nhất đã mất năm 1999, lấy người vợ thứ hai cũng đã có nhiều con cháu. Hoàng Hường kể: “Đến nhà “cán bộ A Châu”, điều tôi ám ảnh nhất không hẳn là những câu chuyện ông kể về những nguyên mẫu trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ của nhà văn Tô Hoài mà là căn nhà ông đang ở. Nó quá dột nát. Ông có 7 người con, hiện 6 người còn sống. Người con thứ hai của ông từng thi ĐH Xây dựng ở HN thừa 2 điểm nhưng không theo học mà ở nhà đi làm, được 7 năm thì ngã bệnh qua đời. Còn 6 người con còn lại, có 3 nữ đều là giáo viên, còn 3 con trai thì 1 là thiếu tá, 1 là trung tá ở công an tỉnh. Nhà chưa làm lại được là vì con cháu ông bà đều công tác xa nhà, có khi cả năm mới đáo về thăm ông bà được một lần!”.

Chưa hết cảm động bởi đã gặp được nguyên mẫu trong tác phẩm văn học mà mình mê mẩn từ ngày còn ngồi trên ghế nhà trường, Hoàng Hường còn sướng rơn khi được “cán bộ A Châu” cho biết, nhân vật A Mỵ hiện vẫn còn sống, nhưng không phải ở Phiềng Sa như trong truyện của Tô Hoài đã viết mà ở bản Lung Tang, cũng thuộc Hồng Ngài, nhưng cách khoảng một ngày đường rừng, băng qua sông và đôi khi phải đi bằng “tứ chi”.

Tài sản lớn nhất của A Mỵ là cái cối đá

Mặc dù “cán bộ A Châu” khẳng định “chắc như đinh đóng cột” rằng vợ chồng A Phủ vẫn còn sống hoặc chí ít còn để lại hậu duệ nhưng Hoàng Hường vẫn tỏ ra hoài nghi, vì lâu nay, nhiều người vẫn đồn vợ chồng A Phủ đã mất.

Sau khi vượt qua những cung đường lầy lội với một bên là núi cao, một bên là vực sâu “bồng bềnh mây trắng”, Hoàng Hường đã đến được Lung Tang và bắt đầu cuộc tìm kiếm vợ chồng A Phủ với sự hỗ trợ của của người thông dịch viên kiêm xe ôm mà chị đã thuê được ngoài thị trấn huyện. Gần hết chiều, “quý bà” Hoàng Hường may mắn gặp được “quý tử” của vợ chồng A Phủ tên là Lầu A Lia.

Hoàng Hường kể: “Sau một hồi trò chuyện, Lầu A Lia bảo hai người chị tìm là bố mẹ tôi. Nghe vậy tôi mừng khôn tả, nhưng khi tôi hỏi: Bố anh còn sống không? Anh nói với tôi: Bố tôi chết rồi. Chết từ ngày con gái đầu của tôi nó thấp bằng con dao. Bây giờ con cháu nó lấy vợ, lấy chồng, đẻ con, đẻ cái hết rồi. Tôi hỏi thế cháu anh được mấy tuổi rồi thì Lầu A Lia cũng chỉ nói: Không biết mấy tuổi, chỉ biết là đẻ từ mùa rẫy trước. Bà thì còn sống, đang xay ngô trong nhà”.

Mừng quá, tôi chạy thẳng vào nhà. Đến cửa, đập vào mắt tôi là một cụ bà mà theo tôi là rất đẹp và phúc hậu. Nhìn cụ tôi đoán có khi cụ cũng phải xấp xỉ trăm tuổi. Cụ vẫn minh mẫn, tay trái cầm một bát sắt to như chiếc mũ bảo hiểm đụng đầy hạt ngô, tay phải đang bón ngô vào trong lòng cối cho đứa cháu xay mèn mén. Nhà cụ rất nghèo và thiếu thốn đủ thứ. Thậm chí, tôi nghĩ cái cối đá chính là tài sản lớn nhất, có giá trị nhất đối với gia đình cụ. Không có cái cối đá ấy, hẳn gia đình cụ còn khổ hơn rất nhiều”.

Người được cho là nguyên mẫu A Mỵ làm “quý bà” Hoàng Hường hết sức xúc động ấy tên thật là Mùa Thị La. Cụ không nói được tiếng Kinh nên qua người thông dịch, Hoàng Hường chỉ biết “A Mỵ” xưa kia ở xã Háng Chú (Bắc Yên) rồi đi sang Háng Dia, nhưng ở đó có nhiều dịch bệnh, ốm đau nên sau giải phóng thì chuyển về ở Tà Sùa. Cụ và Lầu A Phử (trong truyện tên là A Phủ – PV) từng ở nhà ông thống lý Mùa Chống Lầu. Giữa cụ và A Phử là chỗ thân quen, gặp nhau vào dịp chơi tết. Sau này “hai cái bụng ưng nhau” nên A Phử rủ anh em đến đón cụ về làm dâu, từ đó thành vợ, thành chồng! Có với nhau được cả thảy 6 người con, lo gia thất được cho 4 người thì đổ bệnh nhưng không rõ là bệnh gì mà chỉ biết “đau cái bụng”. Sau một thời gian thì ông khuất núi!…”

Tìm được nhân vật có cuộc đời nô lệ còn hơn cả Mỵ

Câu chuyện mà cụ A Mỵ kể lại chừng như đơn giản hơn so với những gì mà Mỵ trong Vợ chồng A Phủ của nhà văn Tô Hoài mà nhiều người đã biết. Nhưng cũng thật tình cờ, trong chuyến đi tìm vợ chồng A Phủ, Hoàng Hường còn vô tình “chộp” được một nhân vật không phải bước ra từ văn học nhưng có chặng đời lại thật như nhân vật A Mỵ đến nỗi khó tin, ở xã Chiềng Công, huyện Mường La, cách xa Hồng Ngài cả trăm km.

Nhân vật này nguyên là nữ thẩm phán người dân tộc Mông đầu tiên của tỉnh Sơn La. Theo đó, năm 12 tuổi, bà Lý bị bán về làm dâu nhà tào phán (thống lý = chủ tịch xã; tào phán = trưởng thôn) Mùa A Mang, làm vợ con trai tào phán là Mùa Súa Tình khi đó cũng 12 tuổi. Những năm bà Lý làm nô lệ, bà không có quyền ăn, không có quyền nói. Nhà chồng ăn thì bà phải vào buồng. Đến lúc bà ăn thì chỉ ăn bí đỏ nấu không bỏ hạt với canh rau chua trộn cơm ngô sền sệt như ăn cám lợn. Không chỉ liên tục phải ngồi trong buồng “nhìn qua cái lỗ vuông vuông bằng bàn tay” mà bà Lý còn liên tục bị chồng cho ăn no đòn. Đánh, đánh thừa sống thiếu chết. Đánh mà không vì cái tội gì cả. Đặc biệt, cú phi cả một cây củi vào mạng sườn của ông chồng “trẻ con” đến giờ mỗi khi trái gió, trở trời lại khiến bà Lý mếu máo vì đau. Thậm chí, mỗi khi nhớ lại những trận đòn thù của “người xưa”, bà không ngần ngại “chửi vọng”: “Thằng chó chết, mày ác. Mày chết đã hơn 40 năm rồi, xương mày đã bị mối ăn hết rồi mà chỗ mày đánh tao vẫn còn đau”.

Bà Lý làm vợ, hay nói cho đúng hơn là làm nô lệ cho cái gia đình “chó chết” đó được 8 năm. Đến năm 1955, thành lập Khu Tự trị Thái Mèo, bà mới được giải phóng khỏi cuộc đời nô lệ, được cho đi học và trở thành “bà thẩm phán”.

“Vợ chồng A Phủ” đã trở thành “di sản”

Bây giờ, những thống lý không còn nữa, những dinh thự gắn với những cơn ác mộng của những người nô lệ đã thành quá khứ, nhưng tập tục cổ xưa của người Mông như bắt vợ gán nợ như Mỵ trong Vợ chồng A Phủ thì vẫn còn, nhưng trên tinh thần thỏa thuận đàng hoàng và sòng phẳng chứ không “cướp giật” theo nghĩa đen.

Hoàng Hường cho biết: “Ông chủ tịch xã nói với tôi; hiện nay, tập tục ấy vẫn giữ, nhưng giữa đôi bên “thông gia” hoặc đôi nam nữ đã “nháy” nhau trước rồi chứ không “cưỡng chế” như xưa nữa. Điều đó chứng tỏ nhận thức đã làm cho người Mông ở nơi đây tiến bộ hơn rất nhiều! Có chăng, cái tồn tại lâu nhất vẫn chưa xóa được ấy là cái nghèo, cái khổ, cái khó của bà con vẫn còn đeo đẳng lấy họ mà thôi”

Theo “quý bà” Hoàng Hường cho biết thì hiện nay, những vùng đất của “thống lý Pá Tra” xưa vẫn ngút ngàn và màu mỡ. Cách trung tâm thị trấn Bắc Yên khoảng 8km, hang A Phủ (xã Hồng Ngài, Bắc Yên, Sơn La) vẫn còn “hoang sơ như thời tiền sử”. Hang này được cho là nơi trú ẩn của A Phủ và Mỵ sau khi cùng nhau chạy trốn khỏi nhà thống lý và sau này cũng là nhà trú ẩn của bộ đội trong khi hành quân để tăng cường cho chiến dịch Tây Bắc 1952. Nếu cái hang này trở thành một “vệ tinh” trong bản đồ, xin tạm gọi “theo dấu chân A Phủ” thì đó sẽ là một trong những chặng dừng chân ý nghĩa khi đến với miền đất và những con người như bước ra từ văn học…

Theo Huy ThôngTT&VH
__________________________________________________________

Posted in Văn học | Thẻ: , , | Leave a Comment »

Đội gạo lên chùa – trong chùa và ngoài chùa

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Mười 5, 2011

Hoài Nam

Đội gạo lên chùa, trên một phương diện nào đó, là cuốn tiểu thuyết viết về Phật giáo Việt Nam, về tác động của tư tưởng Phật giáo tới văn hóa – lối sống của con người Việt Nam trong trường kỳ lịch sử.

“Cư trần lạc đạo thả tùy duyên/ Cơ tắc thực, hề khốn miên/ Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch/ Đối cảnh vô tâm mạc vấn Thiền” (Tạm dịch: Sống giữa cõi trần vui với Đạo hãy tùy theo hoàn cảnh. Đói thì ăn, mệt thì ngủ. Trong nhà sẵn có của báu, còn phải tìm đâu nữa. Đối cảnh vô tâm, cần gì phải hỏi Thiền). Lấy lại bốn câu trong bài Cư trần lạc đạo phú của Trúc Lâm Đại đầu đà – Phật hoàng Trần Nhân Tông làm đề từ cho cuốn tiểu thuyết Đội gạo lên chùa, dường như nhà văn Nguyễn Xuân Khánh muốn giúp độc giả bằng cách ngầm trao cho họ cái yếu quyết để đi vào và hiểu tác phẩm của mình; hoặc ít ra, hiểu nó rõ thêm.

Quả có vậy, Đội gạo lên chùa, trên một phương diện nào đó, là cuốn tiểu thuyết viết về Phật giáo Việt Nam, về tác động của tư tưởng Phật giáo tới văn hóa – lối sống của con người Việt Nam trong trường kỳ lịch sử, hoặc nói cho ngắn gọn, đây là cuốn tiểu thuyết viết về Phật tính trong văn hóa Việt. (Vả lại, ngay cái nhan đề tác phẩm, theo cơ chế liên văn bản, đã buộc người đọc phải nghĩ tới câu ca dao không biết có từ bao giờ: “Ba cô đội gạo lên chùa/ Một cô yếm thắm bỏ bùa cho sư/ Sư về sư ốm tương tư…”). Từ một biến cố kinh hoàng trong cuộc đời của hai chị em Nguyệt và An – cha mẹ bị lính Pháp cắt cổ trong một trận càn – tác giả đã đưa người đọc tới làng Sọ, một làng quê mang đậm những nét đặc trưng của làng quê vùng đồng bằng Bắc bộ, nơi có ngôi chùa làng vừa như là nạn nhân vừa như là chứng nhân của những thăng trầm lịch sử. Tại chùa làng Sọ, hai chị em Nguyệt và An được cưu mang, được làm lại cuộc đời. Và điều quan trọng hơn, họ được sống trong một vi khí hậu văn hóa đậm đặc Phật tính, được quan sát, trải nghiệm và rồi tự hình thành sự nhận biết cá nhân về vi khí hậu văn hóa ấy. Từ giác độ này, tính luận đề của tiểu thuyết Đội gạo lên chùa được thể hiện khá rõ. Để nói về cái tâm từ bi của nhà Phật cũng như sức mạnh cải hóa, cảm hóa chúng sinh toát ra từ cái tâm từ bi ấy, tác giả đã không ngần ngại mượn lại những motif từng có trong chuyện kể về cuộc đời tu đạo và truyền giáo của Đức Phật Thích Ca: này là mãnh thú (con hổ mang pháp danh Khoan Hòa), này là cường đạo (sư bác Khoan Độ) đều chẳng được sư cụ Vô Úy cứu vớt rồi trở thành Phật gia đệ tử đó sao? Để nói về tinh thần nhập thế tích cực của Phật giáo Việt – vốn được khởi nguồn từ những vị tăng thống như Ngô Chân Lưu, Vạn Hạnh, và đạt tới đỉnh cao với những vị tăng đế thời nhà Trần – tác giả Đội gạo lên chùa chẳng đã dựng lên nhân vật sư Vô Trần bỏ chùa đi hoạt động cách mạng, trở thành một chỉ huy quân sự tiếng tăm lừng lẫy đó sao? Để nói về thái độ khai phóng, không chấp trước, một lối ứng xử cởi mở, một triết lý sống đúng với tinh thần câu “Cư trần lạc đạo thả tùy duyên” của Thiền Việt Nam, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh chẳng đã lấy chính cuộc đời của sư cụ chùa làng Sọ – hòa thượng Vô Úy – làm một ví dụ trực quan sinh động đó sao? Tên của nhân vật đã là một ký hiệu đầy hàm nghĩa. Vô Úy nghĩa là không sợ, không sợ bất cứ cái gì. Không sợ cường quyền bạo lực. Không sợ lẽ hưng vong sinh diệt của tạo hóa. Không sợ quy luật tuần hoàn đắp đổi của vạn vật. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dù là tồi tệ đến đâu, người tu thiền đích thực vẫn có thể “tùy duyên” mà vượt qua được mọi sóng gió với cái tâm an nhiên như mặt nước hồ thu. Chính bằng sự “vô úy” và cái năng lực “tùy duyên” ấy mà sư cụ, cũng như ngôi chùa làng nhỏ bé, vẫn cứ tồn tại trên lớp sóng thời gian dù phải trải qua những cơn rung lắc dữ dội nhất (dưới sự khủng bố của chính quyền tề ngụy, và sau đó, dưới sự lộng hành tăm tối của chính quyền nông dân thời cải cách ruộng đất, chùa làng Sọ luôn là đối tượng bị “quan tâm” nhiều nhất, bản thân sư cụ trong cả hai thời kỳ đều đã bị bắt giữ và bị tra tấn đến chết đi sống lại). Để suy luận – dẫu vì thế mà không tránh khỏi sự võ đoán – có lẽ phải nói rằng ở đây, với những “bằng chứng” về sự thấm nhiễm tư tưởng Phật giáo trong quan niệm sống, hay nói cách khác, với những biểu hiện cụ thể về Phật tính trong văn hóa Việt, tác giả muốn phát lộ một bí mật làm nên khả năng trường tồn của dân tộc chăng?

Dù sao, với một tác phẩm tiểu thuyết luận đề, ở phần diễn dịch cho một tư tưởng hoặc một quan niệm có trước, dẫu có viết khéo đến đâu thì đôi lúc vẫn để lộ ra những chỗ gượng gạo. (Trong Đội gạo lên chùa, phần gượng gạo nhất là lúc tác giả phân tích, bình luận về tính cách của nhân vật trung úy Tây lai Bernard, về cái phức cảm tự tôn lẫn tự ti giữa hai nửa Pháp – An Nam, da trắng – da vàng, kẻ chinh phục – người bị thống trị trong con người Bernard. Rất dài dòng và nói chung là không cần thiết). Sinh động, hấp dẫn và sẽ sống bền hơn cả trong Đội gạo lên chùa của Nguyễn Xuân Khánh, theo tôi, có lẽ là phần nằm ngoài chủ đề Phật tính của văn hóa Việt, cũng tức là nằm ngoài mối quan tâm lớn nhất của tác giả. Tôi muốn nói tới thế giới đàn bà trong tác phẩm, một thế giới được phác lên bằng rất nhiều chân dung, rất nhiều số phận cuộc đời, mà hầu như cái nào cũng sắc nét. Ngay ở những trang đầu tiên của cuốn tiểu thuyết, người đọc đã được sống trong bầu không khí ma mị với một bà cụ Thầm nửa âm nửa dương, mê mê tỉnh tỉnh, suốt đêm chỉ ngồi đếm đom đóm từ nghĩa địa bay vào – mỗi con đom đóm là một vong linh – và lầm rầm trò chuyện với những người bạn đã chết từ thuở còn con gái. Rồi cô Rêu, người thiếu nữ tài sắc vẹn toàn, “lúc nào cũng ngơ ngơ như từ trên trời rơi xuống”, đã nhảy giếng tự tử trong thời cải cách ruộng đất, như thể một tuyên bố về sự không chung sống được với cõi đời đang hồi điên đảo (khi cô chết, cái giếng tỏa mùi thơm ngát. Chi tiết này khiến nhân vật cô Rêu phảng phất bóng dáng nhân vật Người Đẹp trong Trăm năm cô đơn của G. Marquez, chỉ khác là một cô thì bay lên trời, một cô thì lao xuống giếng). Rồi bà cụ làm vàng hương, người không chấp nhận trao số phận mình vào tay đội cải cách và đã “giành quyền tự quyết” bằng cách thắt cổ chết trong một căn phòng sực nức mùi trầm hương. Rồi những bà Nấm, bà Thêu, chị Thì, chị Xim, cô Mai… mỗi người đàn bà trong Đội gạo lên chùa là cả một nguồn năng lượng sống được dồn nén đến cực độ, chỉ chờ dịp để bung phá, tuôn trào. Và khi tuôn trào, nguồn năng lượng sống ấy sẽ cuốn theo, không gì khác, chính những người đàn ông, như dòng nước lũ cuốn phăng những củi mục rong rêu về phía hạ lưu. Đọc Đội gạo lên chùa, không khó nhận thấy những người đàn bà ở đây đều ý thức rất rõ về vẻ đẹp thân thể và sức mạnh giới tính của mình. Đáo để đến mức quyết liệt, họ dùng nó như một thứ lợi khí để đương đầu với số phận, và dùng nó như một phương tiện hữu hiệu để kiếm tìm hạnh phúc cá nhân. Bà Nấm khiến cho sư Vô Trần phải động lòng trần mà cởi tăng y về với cõi tục. Bà Thêu, trong cơn biến cố long trời lở đất có tên là cải cách ruộng đất, đã nhanh chóng thoát khỏi cái tội là vợ địa chủ – rồi sau đó thậm chí còn trở thành cán bộ – bằng việc làm cho anh đội Khoát phải ngây ngất si mê. Đặc biệt ấn tượng, phải kể đến nhân vật chị Xim, người đàn bà hừng hực khao khát như một lò lửa nhưng cũng rất rành mạch sòng phẳng, tình nguyện ban phát cho anh chồng cũ một cuộc ái ân cuồng nhiệt để rồi sau đó chấm dứt, ai nấy sống cuộc đời của mình. Nói chung, nếu không muốn rơi vào sự võ đoán vu khoát khi dùng cụm từ “chủ nghĩa nữ quyền” trong trường hợp này, theo tôi, có thể nói đến một ý hướng khái quát về “mẫu tính” của văn hóa Việt trong Đội gạo lên chùa (“mẫu tính” cũng là cụm từ được nhiều nhà phê bình nhắc tới khi viết về Mẫu Thượng ngàn, cuốn tiểu thuyết trước đó của Nguyễn Xuân Khánh). Có vẻ như, dù không nằm trong chủ ý ban đầu của tác giả, song theo quán tính của một thứ “tạng văn” đã định hình, “theo dòng mẫu hệ”, Đội gạo lên chùa vẫn thuyết phục người đọc nhiều hơn ở những trang viết “ngoài chùa” – những trang viết về người đàn bà, người sinh thành ra chính bản thân sự sống.

Ngót 900 trang sách khổ 14 x 20,5, phải nói rằng Đội gạo lên chùa của Nguyễn Xuân Khánh thuộc vào loại tiểu thuyết dễ khiến cho người ta phải… choáng váng, nhất là với những người đọc thiếu kiên nhẫn. Cũng may là tác giả không chọn cách viết đánh đố thiên hạ. Ông viết đặc sệt cổ điển, có lớp có lang, dẫn dắt mạch lạc, diễn giải kỹ càng. Gần 900 trang sách ấy, một mặt cho thấy lao động viết đầy khổ công, mặt khác lại nói được rất nhiều về nội lực văn hóa của tác giả. Với đề tài như thế này, nếu không phải là một nhà văn “độc phá vạn quyển thư”, quan tâm rộng tới những vấn đề của lịch sử văn hóa – tư tưởng, tôi e rằng anh ta chỉ viết đến 300, 400 trang là hết chuyện để nói. Thế nhưng, không nên quên rằng chúng ta đang bàn tới một tác phẩm tiểu thuyết chứ không phải một công trình nghiên cứu. Và với một tác phẩm tiểu thuyết thì phẩm chất đó, tuy cần thiết, nhưng chưa phải là tất cả.
______________
Đội gạo lên chùa, tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Khánh, NXB Phụ Nữ 2011.

Posted in Văn học | Thẻ: , , | Leave a Comment »

‘SBC là săn bắt chuột’

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Mười 4, 2011

Nhà văn vắng mặt tại buổi ra mắt tiểu thuyết mới nhất của ông ‘SBC là săn bắt chuột’ sáng 29/9 vì đang bận làm Phó đại sứ tại Iran. Cuốn sách được nhận xét là đánh thức óc tư duy của độc giả bằng sự hài hước giễu nhại sâu sắc.

Buổi ra mắt ‘SBC là săn bắt chuột’ được tổ chức cùng lúc với lễ khai trương chi nhánh mới của Nhà xuất bản Trẻ, nơi ấn hành cuốn sách, tại Hà Nội vào sáng nay (29/9).

Nhân vật chính không có mặt nhưng nhiều bạn bè, đồng nghiệp của ông đã đến tham dự như các nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, Nguyễn Thị Minh Thái; nhà báo Yên Ba; các nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, Hữu Việt; các nhà văn Phong Điệp, Nhã Thuyên; dịch giả Thụy Anh…

Sách mở đầu bằng một trận lụt (chính là trận lụt lịch sử ở Hà Nội năm 2008), kết thúc bằng một trận hạn hán, ở giữa là 11 chương kể về cuộc chiến săn bắt chuột của các nhân vật. Nơi trú ẩn của chuột bị phá bỏ khi Đại Gia giải tỏa bãi rác, san lấp bãi lầy và xây nhà. Từ đó, không rõ lý do gì chuyện làm ăn của Đại Gia không thuận lợi, xây nhà xây tường đều sập qua một đêm. Đại Gia phải viện đến một ông thầy cúng từ Sài Gòn ra để giúp… diệt chuột.

Trong sách có cả nhân vật chuột và nhiều nhân vật người, cùng xuất hiện trong nhiều sự kiện, bối cảnh: buôn bán ma túy, buôn bán đất, khai hoang, chuyện tại sân golf, trong văn phòng, trên Internet… Tác giả lồng vào trước các chương những lời khuyến cáo dành cho các đối tượng khác nhau, như “Ai báo chí văn thơ đừng đọc chương này” hay “Ai quá lứa lỡ thì đừng đọc chương này”, khiêu khích tính tò mò của độc giả.

Thế nhưng, theo nhà phê bình Nguyễn Thị Minh Thái, tác phẩm của Hồ Anh Thái không phải để thỏa mãn sự tò mò của độc giả mà là thứ “văn nghĩ” đích thực. “Trong cuốn sách này, nhà văn đã biết cách đánh thức cái nghĩ của người đọc chứ không phải sự tò mò tối tăm. Tôi cho rằng một dân tộc trên đường phát triển cần phải có những quyển tiểu thuyết như thế này. Cái nghĩ của chúng ta bây giờ hiện nằm ở một vùng rất chán nản, đó là bụng”.
“Hồ Anh Thái là một người rất thông minh, dòng chảy chính trong tiểu thuyết này là dòng ý thức châm biếm, giễu nhại, tưởng như ai cũng viết được nhưng người viết được theo cách đó chỉ đếm trên đầu ngón tay thôi”, bà Minh Thái nói.

Để kết luận, nhà phê bình Nguyễn Thị Minh Thái trích dẫn một câu nói của nhà văn Pháp François Rabelais mà bà cho là rất phù hợp với cuốn sách này: “Tôi thích người đọc giống như một con chó thông minh, biết cách đọc sách của tôi bằng cách cắn vỡ cái xương để lấy phần tủy”.

Với ‘SBC là săn bắt chuột’, tác giả cũng hướng đến các độc giả trẻ và bận rộn. Cuốn tiểu thuyết không quá dày (343 trang), văn phong không khó đọc, có thể đọc xong trong một thời gian ngắn, nhưng để lại nhiều suy ngẫm.

Còn nhà thơ Hữu Việt cho rằng đây là tác phẩm nằm trong “giai đoạn hậu Ấn Độ” của Hồ Anh Thái. Có thể trong tương lai ông sẽ bắt đầu “giai đoạn Iran”. Cuốn sách được ông viết trong thời gian ở Iran làm Phó đại sứ trong vòng hơn một năm nay, nhưng lại viết về xã hội Việt Nam đương đại.

Trong khoảng 30 năm cầm bút, nhà văn Hồ Anh Thái đã xuất bản hơn 30 cuốn sách, trong đó có các tiểu thuyết Người và xe chạy dưới ánh trăng; Trong sương hồng hiện ra; Người đàn bà trên đảo; Cõi người rung chuông tận thế; Mười lẻ một đêm; Đức Phật, nàng Savitri và tôi… Ông còn viết truyện ngắn Tiếng thở dài qua rừng Kim Tước; Mảnh vỡ của đàn ông; Tự sự 265 ngày; Bốn lối vào nhà cười…

Các tác phẩm của Hồ Anh Thái đã được dịch ra hơn 10 thứ tiếng bao gồm Mỹ, Pháp, Thụy Điển, Hàn Quốc, Đan Mạch, Ấn Độ… Hiện ông là Phó Đại sứ Việt Nam tại Iran (nhiệm kỳ 5 năm), là tiến sĩ văn hóa phương Đông, thỉnh giảng ở một số trường đại học nước ngoài.

theo Pham Mi Ly
__________________________________________________________

Posted in Văn học | Thẻ: , , | Leave a Comment »

Xã hội đang quay lưng lại với văn chương?

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Năm 29, 2011

– Năm nay, chưa đến 5% số hồ sơ đăng ký dự thi đại học khối C. Điều đó cho thấy sự báo động đỏ về mất cân bằng trong xã hội. KH&ĐS đã có cuộc trao đổi với GS Phong Lê, nguyên viện trưởng Viện Văn học về vấn đề này.

Ngộ độc bởi không khí kiếm tiền

Ông nghĩ gì trước việc khối C bị quay lưng lại như thế?

Trước hết là buồn. Buồn vì sự xuống cấp của giáo dục và văn hóa. Chỉ nói riêng với môn văn thôi, việc dạy và học trong nhà trường từ lâu rồi đã gây nhiều băn khoăn, lo lắng. Học thì căng thẳng mà hiệu quả thì thấp. Tất cả chỉ lo đối phó với thi cử. Sách giáo khoa thì nặng vô cùng và không chọn những cái đích đáng, cập nhật, không hướng vào giáo dục thẩm mỹ và các giá trị văn chương đích thực. Học văn rất ít hứng thú.

Không riêng gì phổ thông mà đại học cũng thế. Và một khi xã hội quay lưng lại với văn chương nghệ thuật thì tức là cái nền móng văn hóa và đạo đức của nó bị rệu rã. Điều đó cho thấy sự mất cân bằng trong xã hội. Một xã hội lành mạnh (chưa cần phải phát triển cao) là một xã hội cân đối giữa vật chất và tinh thần, giữa kinh tế và văn hóa. Một xã hội như thế sẽ tạo điều kiện cho mỗi người được làm theo nguyện vọng của mình.

Nhưng nếu nguyện vọng của nhiều người hiện nay là kiếm được nhiều tiền?

Sự không bình thường là ở chỗ đó. Chúng ta đang phải sống trong môi trường nhiễm độc bởi không khí kiếm tiền, làm giàu và tiêu tiền… Khi mà một vé xem ca nhạc là 4 triệu đồng, bằng 1 tháng lương hưu của một giáo sư đại học. Đó là sự bất công, là nghịch lý đến khó hiểu. Với một xã hội như thế tất yếu sẽ tạo nên tâm lý phải đi kiếm tiền. Vào tài chính, ngân hàng thì lương 10 – 20 triệu đồng/tháng, còn vào sư phạm với lương 2 – 3 triệu đồng mà xin việc lại khó thì tất nhiên ai muốn vào. Điều đó tạo ra trong xã hội tâm lý không bình thường chút nào và nó hủy hoại tất cả những ước muốn lành mạnh và trong sáng.

Nhưng đó là tất yếu của kinh tế thị trường?

Kinh tế thị trường phải trải qua những cái đó. Tất nhiên, không thể coi nhẹ đồng tiền. Đồng tiền là phương tiện để phát triển xã hội. Không ai lại không khuyến khích kiếm tiền lương thiện. Phải có tiền thì xã hội mới giàu có. Nhưng nếu biến nó thành mục đích cho từng cá thể thì sẽ gây tội ác vì người ta phải kiếm tiền bằng mọi giá.

Nếu là tất yếu thì tức là ta buộc phải chấp nhận?

Kinh tế thị trường sẽ đưa đến như thế nhưng phải có cách kiềm chế chứ nếu buông thả, nó sẽ như con ngựa bất kham. Chính do nền tảng tinh thần và văn hoá không lành mạnh mới tạo ra như thế. Sự quay lưng lại với khối C cũng là cái hỏng của giáo dục, chứ không phải tự nhiên mà thế. Muốn người ta vào những ngành này, anh phải có các chính sách, chế độ, cách khuyến khích về lương, học bổng, điều kiện làm việc… thì mới cân bằng được. Cân bằng rồi con người mới trở lại với cái khả năng của người ta. Về sâu xa là phải có điều tiết vĩ mô. Phải có một chiến lược, có tầm đón xa cho sự phát triển.

Bà mẹ không bị sức ép về kinh tế

Còn trong mỗi gia đình, chúng ta có thể làm được gì?

Trong gia đình tôi, con cháu thích cái gì, chỉ cần nó bộc lộ khuynh hướng thôi là mình cho nó theo cái đó ngay. Đứa trẻ có ao ước là đứa trẻ tốt. Đi học là phải yêu thích chứ không phải bị thúc ép. Vẫn có nhiều gia đình có học và quan niệm không phải sống cho sướng mà là sống cho tốt. Họ luôn tạo điều kiện cho con cái được làm cái mà chúng muốn mà không hề bị áp lực bởi việc kiếm tiền.

Tôi biết một em học sinh giỏi văn, yêu văn, hiện đang học chuyên văn trường Amsterdam. Mẹ em thì muốn em thi sư phạm, nhưng em đó lại quyết định thi kinh tế.

Tôi rất cảm kích về bà mẹ đó. Bà mẹ không bị sức ép về kinh tế, buộc con mình sau này phải làm việc này việc kia để thoát nghèo. Con thích văn, cho học văn, nhưng khi con đổi hướng, thì vẫn tôn trọng quyết định của nó.

Vấn đề là ở chỗ em ấy thích văn, nhưng không theo nghề văn, mà thi kinh tế để có một công việc khác tốt hơn.

Cô bé này, có thể vì thấy xung quanh người ta chăm lo kiếm tiền nhiều quá nên muốn theo một nghề như thế. Trong hoàn cảnh này thì cũng phải tôn trọng em. Nếu có thể theo một ngành khác mà vẫn nuôi nguyện vọng làm văn chương thì hoàn toàn tốt. Tất nhiên vẫn có những em rất có bản lĩnh, tin vào bản lĩnh thì có khó đến mấy, khổ đến mấy em ấy cũng theo.

Nhưng tôi vẫn thấy tiếc, vì nếu theo nghề văn em ấy có thể phát triển năng lực của mình tốt hơn.

Không có gì phải tiếc. Tư duy về văn chương là tư duy về hình tượng, nhạy cảm, có thể diễn đạt mọi thứ một cách rất nhạy cảm. Được như thế thì làm bất cứ công việc gì cũng vẫn hay hơn những người không có năng lực này. Nhiều người vẫn có thể làm một nghề khác mà vẫn viết văn chương giỏi.

Nhiều cái lạ, nhưng chưa mới

Nhưng dường như chính vì không được đi đến cùng đam mê nên ngày nay ta thiếu vắng những nhà văn giỏi?

Có thể đào tạo một cô giáo dạy văn, một giáo sư về văn chương nhưng không đào tạo được nhà văn, nhà thơ. Cái đó là thiên bẩm và do trường đời dạy.

Thời nào cũng có những nhà văn giỏi. Nhưng nhà văn trẻ bây giờ khác trước vì họ cố đi tìm sự khác nhau. Trước kia các nhà văn lớn tôn trọng nhau, tạo ra một từ trường chung: Nam Cao – Vũ Trọng Phụng tạo ra một từ trường văn học hiện thực, Nhất Linh- Khái Hưng là Tự lực văn đoàn. Bây giờ nhà văn trẻ ai cũng đi tìm cái lạ, vì xã hội khuyến khích cái đó. Năng lực thì cũng có nhưng hăm hở đi tìm cái lạ nhiều quá, ít đi tìm cái đồng cảm chung nên không thể tạo được vang hưởng trong công chúng. Vì thế, không tạo thành phong cách, trường phái, chỉ làm cho cái dòng chảy đã có cồn lên rồi đâu lại trở lại đấy, chứ không tạo nên dòng chảy mới. Tình hình văn học từ năm 1995 đến nay chưa tạo được cái gì mới, mặc dù có nhiều cái lạ.

Ông có thấy mình may mắn vì được làm và thành công trong lĩnh vực mà mình say mê?

Hồi bé tôi đã mê văn, nhất định phải theo ngành này, chứ không vào Bách khoa hay Y dược. Cũng không nghĩ sau khi ra trường thì sẽ làm gì, chỉ biết mình sẽ là người viết văn, như những nhà văn mà mình yêu thích… Chứ không nghĩ phải có chức này, chức kia hoặc tiền lương phải thế này, thế khác. Đúng là mình cũng may mắn thật, vì vừa ra trường là được nhận luôn về Viện Văn học, được làm việc với các nhà văn lớn như Đặng Thai Mai, Hoài Thanh…

Xin cảm ơn ông về buổi trò chuyện này!

[GS Phong Lê tên thật là Lê Phong Sừ, sinh năm 1938 tại Hà Tĩnh. Sau khi tốt nghiệp khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội khoá đầu tiên năm 1959, ông về công tác tại Viện Văn học. GS Phong Lê là nhà nghiên cứu, phê bình văn học hiện đại, nguyên viện trưởng Viện Văn học. Ông được nhận Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ năm 2005.]

Nhật Minh (Thực hiện)
(đầu đề do chúng tôi đặt)
_______________________________________________________________

Posted in Chuyện xã hội, Chuyện đất nước, Giáo dục Việt Nam, Kinh tế, Văn học | Thẻ: , , | Leave a Comment »

Nhân ngày 8/3: Cảm hứng “nữ quyền” trong thơ Xuân Quỳnh

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Ba 8, 2011

Khánh Phương

Xuân Quỳnh có một quan niệm riêng về giá trị cũng như hạnh phúc của người nữ, trong cái nhìn tổng quan của chị về những giá trị sống, giá trị thơ ca, cũng như cuộc đời. Không vờ như không biết tới vị thế giới nữ của mình để hướng tới một cảm quan chung chung về con người, một tinh thần nhân loại quan liêu, Xuân Quỳnh thông qua những vui buồn day dứt của một người phụ nữ Việt Nam để khắc họa sâu xa hơn những giá trị mà chị cho là tinh tuý của con người. Cá tính cứng cỏi, mạnh mẽ, trái tim độ lượng vị tha và một thẩm mỹ cổ điển nhưng luôn cởi mở, hướng tới sự khai phóng, đã kết tinh trong thơ Xuân Quỳnh dòng cảm hứng nữ quyền tự nhiên, vừa gần gũi với những tiêu chí nữ quyền đương đại đồng thời mang vẻ đẹp riêng tư sâu sắc.

Người phụ nữ như Xuân Quỳnh viết thơ tình, không chỉ để giãi bày cảm xúc yêu đương. Tình yêu cũng là lĩnh vực để chị suy tư, day dứt, kiếm tìm những giá trị của bản thân và thông qua đó hướng tới giá trị của cuộc đời cũng như sự sống. Tình yêu với giới nữ được chọn làm nơi biểu lộ chữ tín và cái đẹp lý tưởng hoá.

Cũng trong tình yêu, trong đời sống hôn nhân, Xuân Quỳnh ý thức rõ ràng về sự thua thiệt của giới nữ mà những định chế, sự thành kiến của xã hội mang lại:
… Chúng tôi chỉ là những người đàn bà bình thường không tên tuổi/ Quen việc nhỏ nhoi bếp núc hằng ngày/ Cuộc sống ngặt nghèo phải tính sao đây/ Gạo, bánh, củi, dầu chia thế nào cho đủ/ Đầu óc linh tinh toàn nghĩ về chợ búa/ Những quả cà mớ tép rau dưa…
(Thơ vui về phái yếu)

Chị hiểu rõ sự “ưu việt” của người nam, như một thế mạnh có sẵn do được ưu ái, cũng như vị trí khiêm nhường của giới nữ, là do đức hy sinh, lòng độ lượng mà thực ra là của kẻ mạnh:
… Ta yêu người con trai không phải vì mình/ Mà họ yêu ta vì họ yêu chính họ/ Được yêu hai lần họ cao lên một bậc/ Ta không được yêu cảm thấy thấp dần đi/ Vì chính ta cũng chẳng yêu ta…Chúng ta cam lòng với việc tần tảo nuôi con việc đồng ruộng hậu phương là việc phụ/ Con trai cho rằng ra mặt trận, làm thơ là việc chính của đời kia…

Chị không giấu giếm bản chất si mê, dám khổ lụy vì tình yêu:
Không sĩ diện đâu nhưng nếu tôi yêu được một người / Tôi sẽ yêu anh ta hơn anh ta yêu tôi nhiều lắm / Tôi yêu anh dẫu ngàn lần cay đắng…
(Thơ viết cho mình và những người con gái khác)

Xuân Quỳnh cần tới tình yêu và sự nâng đỡ của người yêu, người bạn đời trong hành trình dài của tồn tại và thi ca:
… Đường tít tắp không gian sâu như bể / Anh chờ em cho em vịn bàn tay
Hai câu thơ tuy chưa thật nhuần nhị về ngôn ngữ, nhưng lại đằm sâu một niềm tin cậy thiết tha cảm động.

Chị cũng cảm thấy mình cô đơn, nhỏ bé, yếu đuối, như bất kỳ sinh linh nào, kể cả người nam. Và điều Xuân Quỳnh mong mỏi ở đây là sự tương trợ, chia sẻ, yêu thương giữa hai cá thể độc lập, cùng tự tôn và kiêu hãnh với giá trị riêng chứ không phải sự gia ân hay ban phát:
Trong tay anh tay của em đây/ Biết lặng lẽ vun trồng gìn giữ…
(Bàn tay em)
… Chỉ có thuyền mới hiểu/ Biển mênh mông nhường nào/ Chỉ có biển mới biết/ Thuyền đi đâu về đâu…
(Thuyền và biển)

Câu thơ Xuân Quỳnh rạng rỡ ấm áp khi nói tới niềm vui chung sống lứa đôi:
… Nhưng lúc này anh ở bên em/ Niềm vui sướng trong ta là có thật/ Như chiếc áo trên tường như trang sách/ Như chùm hoa nở cánh trước hiên nhà…
(Nói cùng anh)

Chị sẵn lòng đặt người nam ở vị trí cao hơn, vì đó là người chị ngưỡng mộ về tài năng, và đó cũng là cách ứng xử đẹp vốn dĩ của tình yêu:
… Nồi cơm sôi trên ngọn lửa bếp đèn/ Anh đã trở về trời xanh của riêng em
(Bầu trời đã trở về)

Là nhà thơ, Xuân Quỳnh hiểu được ý nghĩa lấn át, gần như tuyệt đối, của thế giới tâm tưởng đối với người viết:
… Anh đã nghĩ chắc là hoa đã có/ Mọc xanh đầy thung lũng của ta xưa…
(Hoa cúc xanh)

Chị hiểu sự gắn bó của hai tâm hồn trong tình yêu là gắn bó của những giá trị chung mà cả hai phía cùng vun đắp, là sẻ chia rung động, âu lo, sẻ chia lý tưởng:
Ôi trời xanh xin trả cho vô tận/ Trời không xanh trong đáy mắt em xanh/ Và trong em chẳng thể còn anh/ Nếu ngày mai em không làm thơ nữa…
(Nếu ngày mai em không làm thơ nữa)

Tình yêu gắn liền với che chở và vị tha đã đem lại cho Xuân Quỳnh cuộc sống hạnh phúc bên tình yêu lớn của đời chị, nhà thơ Lưu Quang Vũ. Còn hơn thế, chị đã đón nhận Lưu Quang Vũ giữa thời điểm “tan nát, kinh hoàng”, đem lại cho con người phiêu bạt “luôn mắc nợ những chuyến đi, những giấc mơ điên rồ những ngọn lửa không có thật” một cuộc sống thăng bằng, ấm áp, tin cậy, góp phần quan trọng để Lưu Quang Vũ tiếp tục là nhà thơ cũng như bộc lộ tài năng sáng chói trên sân khấu kịch sau này.

Bản tính chất phác, nồng hậu và hơi giản đơn khiến cho chị thường có xu hướng tìm đến cái ổn định, một niềm tin chắc chắn vào “lẽ phải” của sự hy sinh, vị tha trong tình yêu cũng như cuộc đời:
…Chỉ còn anh và em/ Cùng tình yêu ở lại/ Kìa bao người yêu mới/ Đi qua cùng heo may…
(Thơ tình cuối mùa thu)
… Bao ngày tháng đi qua trên mái tóc/ Chỉ em là đã khác với em xưa/ Nhưng màu hoa đâu dễ quên nguôi/ Thành phố ngợp ngày nao chiều gió dậy/ Gương mặt ấy lời yêu thuở ấy/ Màu hoa vàng vẫn cháy trong em…
(Hoa cúc)
… Mùa của tôi, mùa hạ đã đi chưa/ Ôi tuổi trẻ bao khát khao còn, hết/ Mà mặt đất màu xanh là vẫn biển/ Quả ngọt ngào vẫn thắm thiết màu hoa…
(Mùa hạ)

Nhưng cũng chính ứng xử đẹp, sự tín nghĩa và lòng hy sinh vô điều kiện cho tình yêu ở Xuân Quỳnh từ phương diện nào đó làm cho tình yêu trở thành sự giam cầm và nỗi thất vọng. Nếu Xuân Quỳnh tin chắc vào ý nghĩa trường cửu, vô biên của tình yêu, nếu quả đúng “lòng tốt để duy trì sự sống” thì điều này lại không hẳn đóng vai trò quyết định trong say mê luyến ái. Chị không giấu giếm những đổ vỡ:
Mắt anh nâu một vùng đất phù sa/ Vùng đất của nơi nào trong trí nhớ/ Em chiếm đoạt rồi em hoảng sợ/ Giữa vô cùng hoang vắng giữa cô đơn… Mấy năm rồi thơ em buồn hơn/ Áo em rộng lòng em tan nát…
(Không đề II, Viết cho Vũ)

Mất mát trong tình yêu thực ra là điều Xuân Quỳnh đã lường tới và băn khoăn từ trước:
Anh, nghìn nỗi lo âu/ Anh, dòng thơ nổi gió/ Mà em người đời thường/ Biết là anh có ở…
(Anh)

Nhưng nó hiện ra như một sự thật không bất ngờ mà đượm buồn:
… Mái tôn dột sao mà mưa mãi/ Anh ra đi/ Phố vắng/ Đầu trần
Chẳng có gì để em nói về em/ Em chỉ thấy em là người có lỗi

Đổ vỡ trong tình yêu của Xuân Quỳnh phần nào nói lên “thất bại” cục diện trong tư tưởng nữ quyền của chị. Nếu lòng tốt có thể đồng nghĩa với lẽ phải và chân lý, thì chân lý này dường như phải dừng bước trước cái bí ẩn trớ trêu của luyến ái. Quan niệm rốt ráo của nhà thơ về tình yêu, như một giá trị chân thiện của đời sống, chỉ đúng một nửa: “nguồn gốc của muôn ngàn khát vọng/ Lòng tốt để duy trì sự sống/ Cho con người thực sự người hơn”. Tình yêu trong bản chất sâu xa của nó là nhân tính, cao thượng và vị tha, nhưng cũng bao hàm cả khía cạnh vị kỷ. Khi mỗi người đều tự nguyện hy sinh và cũng đồng thời được thoả mãn cao nhất cá nhân mình.

Ngoài đời thực, Xuân Quỳnh là người đàn bà đẹp và được yêu, nhưng ít khi chị thể hiện lòng tự tôn về điều này trong thơ. Lòng kiêu hãnh ấy chỉ bộc lộ gián tiếp thông qua tâm trạng đắm đuối, dốc lòng của chị khi đến với luyến ái: chị đã được yêu, luôn mong muốn và hoàn toàn xứng đáng để được yêu đáp trả lại cũng nồng nàn như vậy.

Một trong những nội dung quan trọng của tư tưởng nữ quyền trên thế giới những năm 1960 là xoá bỏ những định kiến đối với giới nữ về mặt tính dục và tình dục, trả lại vị thế chủ động của người nữ trong những lĩnh vực đó. Mặc dù thơ Xuân Quỳnh còn chưa chính thức động chạm tới lĩnh vực cảm xúc nhục thể trong tình yêu nhưng người đọc vẫn có thể cảm nhận bàng bạc, lan toả trong những lời thơ say đắm si mê của chị sức mạnh, ẩn ức mãnh liệt của nhục thể. Nó hoàn toàn có thể có chung nguồn gốc với năng lượng của tính nữ mạnh mẽ tràn đầy trong con người nhà thơ.
***
Thơ Xuân Quỳnh không phải không có những mặc cảm:
Anh đừng hỏi tên hoa làm chi nữa/ Những hoa này chỉ hoa dại mà thôi/ Không phải hoa được ở cùng người/ Được chăm sóc trong mảnh vườn sạch cỏ…
… Những hoa này lại nở cho triền núi/ Lại nở cho vẻ đẹp của rừng chung/ Nên ít ai để ý sắc từng bông/ Chỉ thấy núi muôn màu rực rỡ/ Đôi khi giẫm lên hoa mà chẳng nhớ…
(Hoa dại núi Hoàng Liên)
… Không tìm đâu một chỗ nương nhờ/ Mỏng manh thế chịu làm sao nổi/ Chuồn chuồn ơi báo làm chi bão tới?/ Trời bão lên rồi mày ở đâu?
(Chuồn chuồn báo bão)

Dù có những tương đồng để liên tưởng tới thân phận người nữ, nhưng những ẩn dụ này trong thơ Xuân Quỳnh không hẳn để ám chỉ ý thức về sự lạc loài, bạc mệnh mang phẩm chất giới nữ. Nó có thể là ám ảnh về nỗi cay đắng và bị phụ bạc nói chung của phận người, sự đổ vỡ của cảm thức tin yêu, nồng hậu trước logic thực dụng tàn nhẫn của đời sống, sự vỡ lẽ một ảo tưởng bền lâu.

Nếu thơ Xuân Quỳnh đậm đà, chan chứa ý nghĩa trữ tình, tự tình theo cảm thức cổ điển, dù có lối biểu đạt thông minh và hóm hỉnh nhưng chưa thực nhiều giá trị suy tưởng, thì chính trong những bài thơ mang dư vị cay đắng này, người đọc nhận thấy tinh thần phê phán sắc sảo của chị. Dù Xuân Quỳnh phê phán chưa mãnh liệt bằng yêu thương.

Dấn thân quyết liệt để kiếm tìm giá trị của đời sống, của tình yêu, cũng là giá trị cá nhân khi khám phá những “chân lý” rộng lớn hơn tồn tại của một con người đơn lẻ, Xuân Quỳnh đã luôn trung thực với những gì riêng chị nhận thức và tin theo. Dù có đổ vỡ, đắng cay, nhưng Xuân Quỳnh chưa bao giờ chùn bước hay nao núng tâm thế trực diện và tự mình lãnh nhận, chứng nghiệm tất thảy sóng gió, truân chuyên, nghịch lý của cuộc đời. Có thể có những điều chị chưa kịp hay chưa đủ vốn liếng để lý giải trọn vẹn. Nhưng năng lực nhận thức một cách độc lập, bản năng mãnh liệt cuốn phăng mọi giáo điều định kiến, sự cả tin và trả giá cho lòng tin cũng như phương cách sống riêng mình, lòng tự tin vào tính nữ, cũng là tự tin vào bản thân, tất thảy bộc lộ con người trong tâm thế chủ động, khai phóng và đích thực tự do, bất kể mọi khuôn mẫu, thành công hay thất bại, bất kể cả những quan niệm được định hình về “nữ quyền”.

Người nữ lớn lao và bình quyền, trước hết là người nữ sống trọn vẹn thiên tính và phẩm giá của mình, trung thực với khát vọng, ham muốn hay bản tính tự nhiên mà không mấy bận tâm đến các hình mẫu, khuôn thước từ bên ngoài. Cho dù đó có là những tiêu chí về “nữ quyền” hay sự “được ưu đãi ngang bằng với nam giới” đi chăng nữa. Bởi vì mọi tiêu chí đều là tương đối và nhất thời, chỉ có con người là thật sự tự do và lớn lao mà thôi.
————————————————————————————
* Sau tuyển thơ Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi của Lưu Quang Vũ, như một lẽ tự nhiên, Nhã Nam lại cho ra mắt tập thơ Không bao giờ là cuối, tinh tuyển những sáng tác hay cùng với di cảo, thủ bút của người bạn đời – bạn tâm giao – bạn thơ của ông: nữ sĩ Xuân Quỳnh.
Tập thơ gồm hơn 100 bài thơ nói về tình yêu và những trăn trở, suy ngẫm trước cuộc đời giữa “những năm tháng không yên” của đất nước và lòng người. Đặt bên cạnh đó là những sáng tác cho thiếu nhi, như một luồng sáng lấp lánh, trong trẻo. Tập thơ được thực hiện với sự giúp đỡ của nhà nghiên cứu Lưu Khánh Thơ, em gái nhà thơ Lưu Quang Vũ, cùng gia đình nữ sĩ Xuân Quỳnh.

___________________________________________________________

Posted in Văn học | Thẻ: , , | Leave a Comment »

Hiện tượng Uyên Linh trong con mắt nhà văn

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Hai 7, 2011

Nhà văn Dạ Ngân, tác giả ‘Gia đình bé mọn’ cho rằng, việc đông đảo khán giả ủng hộ nữ ca sĩ Vietnam Idol thể hiện một xã hội rất cần nguồn cảm hứng sống, và đó cũng là điều mà nền văn học Việt Nam hiện nay đang thiếu.

– Vài năm trở lại đây, người ta thường nói đến hiện tượng “văn đàn ngủ đông”. Một năm mới nữa lại về, chị nghĩ sao khi tình trạng đó chưa có dấu hiệu thay đổi?

– Chuyện “văn đàn” có “ngủ đông” hay không, theo tôi, không thể trách các tác giả hoàn toàn. Nhà văn trước hết là người rất nhạy cảm với những bức bối xã hội. Nếu xã hội ngày càng bất an, tha hóa và cái trần an toàn vẫn thấp thì không thể trách người cầm bút chưa viết ra được gì đó xứng đáng.
Tôi tin, một nhà văn sẽ viết được tác phẩm hay khi họ luôn giữ trong lòng mình niềm tự hào dân tộc, tự hào công dân và niềm kính trọng tiếng Việt, khi họ được quyền viết vấn đề mình quan tâm với một tinh thần phản biện, khi tác phẩm của họ được độc giả đón nhận một cách đồng lòng.
Ví dụ như ở lĩnh vực âm nhạc, hiện tượng Uyên Linh mới đây đã làm được điều đó. Uyên Linh Idol cho thấy sự đồng lòng của một xã hội đang rất thiếu cảm hứng trong cuộc sống. Là người không mấy quan tâm đến các cuộc thi như thế, nhưng tôi đã vote cho cô ấy để nếm trải một niềm vui lành mạnh được cùng hàng triệu người làm một việc nhỏ bé nhưng ngây ngất và sung sướng. Nói như thế để thấy, có lẽ điều mà nền văn học Việt thiếu nhất hiện nay là một nguồn cảm hứng xã hội cần có để liên kết tất cả mọi người lại với nhau. Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư từng làm được như thế. Nhưng điều tương tự như vậy lại không xảy ra nhiều trong nền văn học của chúng ta.

– Theo chị, một nhà văn cần phải thường xuyên viết và ra mắt tác phẩm mới hay anh ta chỉ nên xuất hiện khi thật sự có được tác phẩm mơ ước của mình?

– Đã là nhà văn thì không thể cười trừ biện minh: “Tôi bận quá nên không viết được”. Độc giả sẽ không tha thứ cho anh điều đó. Nếu ra sách, ít nhất người đọc cũng sẽ biết anh dở, hay như thế nào. Tuy vậy, nếu cứ bắt buộc mình phải ra sách theo nhu cầu với sự xuất hiện của một ngôi sao thì cũng dễ gây hiệu ứng ngược.

– Sau “Gia đình bé mọn”, chị tuyên bố mình sắp viết cuốn tiểu thuyết thứ hai. Bao giờ chị mới ra mắt cuốn sách này?

– Tôi đã bắt tay vào viết cuốn tiểu thuyết này nhưng thật sự còn phân tâm lắm. Dời cư mà lại, lo về hưu, lo chuyển hộ khẩu, lo bán nhà cũ lo sửa nhà mới, lằng nhằng dích dắc với mớ thủ tục hành chính không bao giờ là dễ với loại người hay dị ứng thủ tục như bọn tôi.
Để hoàn thành một cuốn tiểu thuyết, tôi muốn mình phải thật sự cô độc và chay tịnh. Bản tính tôi nhiệt tình và hiếu khách. Nhưng hai điều này quá mâu thuẫn với công việc sáng tạo của một nhà văn. Đôi khi tôi ước mình có thể chui vào một cái ống và bịt miệng ống lại để cách ly với mọi thứ khác trên đời, chuyên tâm cho việc viết tiểu thuyết. Vì chưa được như thế nên tôi sẽ còn khoảng thời gian dài để “vật vã” với nó. Nhưng chậm mà chắc, còn hơn là vội vã, viết chưa tới thì thật là không phải với độc giả.

– Cuối năm rồi, một nhóm sinh viên Mỹ đã đến Việt Nam giao lưu và tìm hiểu về văn học Việt, cảm xúc của chị thế nào khi cuốn “Gia đình bé mọn” của chị được khá nhiều sinh viên Mỹ thích thú tìm đọc?

– Từ khi cuốn Gia đình bé mọn được in ở Mỹ vào cuối 2009, tôi cũng thường xuyên tiếp xúc với các sinh viên nước ngoài khi họ tới tìm hiểu về văn học hậu chiến ở Việt Nam. Ở một thị trường sách bát ngát như nước Mỹ, việc họ dành cho mình một góc nhỏ xíu cũng đã là quý rồi.

– Chị từng được cho là có con “mắt xanh” khi nhìn ra được tố chất văn chương của nhiều cây bút tên tuổi trong buổi đầu họ còn xa lạ với độc giả. Gần đây chị thấy có cây bút nào đáng chú ý?

– Tôi rất ấn tượng với cây bút truyện ngắn Ngô Phan Lưu. Chất thâm thúy, sâu sắccũng như nguồn cảm xúc, ý tưởng dồi dào, vốn sống sâu rộng của ông khiến cho từng trang viết của tác giả này trở nên “đắc địa” và thú vị. Ngô Phan Lưu cũng viết khỏe và bền chí trong công việc sáng tác. Trước đây, khi tôi còn làm ở báo Văn Nghệ, Ngô Phan Lưu đều đặn gửi tác phẩm về. Lúc đó chưa ai biết ông là ai nhưng chỉ cần đọc một truyện ngắn của ông, tôi đã ấn tượng mãi và viết thư yêu cầu ông mài giũa ngòi bút hơn. Thú thật, tôi thấy làm công việc biên tập hay chấm giải cuộc thi văn học cũng không khác gì êkíp thực hiện Sao Mai Điểm hẹn hay Vietnam Idol, nghĩa là người biên tập phải kỳ công với những cây bút mà mình thấy rằng họ sẽ đi xa. Đến giờ thì Ngô Phan Lưu đã được xem là một hiện tượng dù không có được may mắn của Nguyễn Ngọc Tư.

– Chuyển vào Sài Gòn đã 3 năm qua sau một thời gian dài sống ở Hà Nội, chị thấy công việc viết lách của mình thuận lợi hơn thế nào?

– Về Sài Gòn, tôi sống gần con cháu, lo thêm nhiều công việc của gia tộc hơn và nói chung là vui hơn, nhưng một nhà văn mà lúc nào cũng đắm đuối với cộng đồng nhỏ của mình thì sẽ đánh mất sự cô độc mà cô độc là khí thở của nhà văn. Ngoài ra, công việc làm báo và viết tản văn ở TP HCM nhiều “cám dỗ” hơn vì nhuận bút cao từ 3 đến 5 lần so với Hà Nội nên cũng ảnh hưởng ít nhiều đến việc sáng tác truyện ngắn và viết tiểu thuyết.

– Chị cảm nhận cái Tết Sài Gòn khác Tết Hà Nội như thế nào?

– Tết Sài Gòn ấm và đầy Việt kiều về từ Mỹ. Tết ngoài kia rét co ro nhưng chật ních người đi làm ăn ở miền Nam ra. Năm nào hai vợ chồng tôi cũng ôm bàn thờ lo việc cúng kiếng ông bà chứ không đi đâu. Năm nào tôi cũng chuẩn bị “ăn” Tết từ sớm, tự vào bếp làm mọi thứ. Lúc trước, ở Hà Nội, tôi làm dưa đầu heo, đóng lọ, tặng cho người thân, bạn bè. Còn Tết năm nay, tôi đổi sang món giò bó luộc rút xương ăn với hành Bắc mua với giá gấp 10 lần Hà Nội.
Ngày Tết, tôi tối tăm mặt mày tới ngày 30, đến tối giao thừa mới được nghỉ ngơi Sáng mồng 1 ngủ dậy muộn, chúng tôi vẫn giữ lệ kiểm tra mail đầu năm xem có thư từ gì không, và nếu không bận khách khứa thì viết ít dòng gọi là khai bút.

– Nhà văn Nguyễn Quang Thân thường tặng gì cho vợ vào dịp Tết?

– Cả cuộc đời tôi đã là một món quà cho anh Thân và anh ấy đối với tôi cũng vậy nên có lẽ chúng tôi chẳng cần tặng quà gì cho nhau (cười). Anh Thân có chất giọng Hà Tĩnh ấm và rất có khí chất. “Tiếng anh ấm như hơi thở, em nghe để nhớ suốt đời”, câu hát này diễn tả rất đúng tâm trạng những phụ nữ yêu chồng từ giọng nói, tôi cũng không ngoại lệ. Năm qua chúng tôi đi châu Âu một tháng, đó là chuyến đi chúng tôi chờ nhau và dành cho nhau. Đó là món quà mà anh Thân đã “tặng” tôi một cách rất ý nghĩa vì anh giỏi tiếng Pháp mà tiếng Anh thì cũng đủ để làm “hướng dẫn viên” cho vợ.

– Điều vợ chồng chị mong mỏi nhất khi bước sang năm mới là gì?

– Tôi thấy đời mình như thế này là quá hạnh phúc, đầy đủ hơn bao người rồi. Chúng tôi chẳng bao giờ mơ có biệt thự, xe hơi mà luôn mong mỏi làm sao xã hội mình yên ổn hơn, nhiều ánh sáng hơn, bọn trẻ đến trường bớt “khổ sai” hơn và tuổi trẻ sống lành mạnh, tích cực hơn.

Anh Vân thực hiện
_________________________________________________

Posted in Âm nhạc, Chuyện xã hội, Chuyện đất nước, Văn học | Thẻ: , , | Leave a Comment »

Món gì cũng chán chỉ ngon món rượu

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Hai 6, 2011

Cụ “Dế mèn” tuổi 91 lan man chuyện Tết với tôi vào một tối mùa đông cuối năm. Trên bộ salon vàng ấm áp, nhà văn mặc áo nỉ dày sụ, mũ chàm kiểu H’Mông, nghe-nói nhanh và hóm lạ, khi nhắc tới ngày xưa. Ừ ngày xưa…

Phòng khách sát đường đóng kín, Tô Hoài vòng qua phòng con mở cửa. Trong lúc con cả Đan Hà làm việc nhà, Tô Hoài tắt TV Sam sung 17 inche cũ gần giường ngủ, bỏ trận bóng đá Việt Nam- Malaysia. Bỏ cặp kính lão trên cuốn tiểu thuyết Người chậm của J.M Coetzee (nhà văn Nam Phi, Nobel 2003), ông kể về ngày bận rộn:”Tết này tôi viết một bài báo cho báo Sức khỏe và Đời sống, ông Vân Long mới đến lấy”. Chỉ viết một bài, sức yếu nhiều rồi.

Rượu, tình yêu và Tết xưa

Thế mà nhắc chuyện Mường Dơn (Sơn La), ông lại say sưa kể với con trai út. Chẳng là ông từng có bài ký Mường Dơn giải phóng và đang đề nghị Ủy ban Dân tộc của Quốc hội làm phim về vùng đất này.

Khai thác cụ “Dế mèn”, tác giả Chuyện cũ Hà Nội thì cơ man chuyện, đầy chi tiết ly kỳ, nhưng riêng “chuyện tình” thì ông giấy và lảng cực giỏi. Giới văn chương biết, Tô Hoài không “hiền” chuyện yêu đương. Nhìn các bút danh khác của ông: Mai Trang, Mắt Biển, Thái Yên, Hồng Hoa… tôi chẳng tin ông không yêu phái đẹp. Ông kể chuyện đi Tây thế này: ” Sang Tây, tôi mê rượu, uống vodka nhiều loại, nặng cũng chơi. Tôi hay đi Liên Xô, bên ấy các cô đẹp thật. Tôi chủ động bảo họ: “Tôi ốm, bị tiêm, phải kiêng…”- “Thật chứ ạ?”- tôi hỏi. “Thật” (kéo dài) rồi ông cười tít, mắt có đuôi.
Tôi hỏi: “Nghĩa Đô, nơi có mối tình đầu của ông. Đọc Giăng thề, mới thấy chuyện tình đầu của tác giả, chẳng phải ai khác?”. Ông trả lời ngay: “Ai thì ai, ông thì ông. Hồi ký về xóm giếng ngày xưa. Tôi yêu một cô 15 tuổi cùng làng Nghĩa Đô (kém tôi 3 tuổi). Biết chuyện, ông bố đánh một trận nên thân rồi bắt cô bỏ ra Kẻ Chợ ở với mẹ (đã ly hôn)”. Bà ấy tái hôn gả cô đi lấy chồng. Cô ấy bị ốm nặng rồi chết. Được em trai cô báo, ấy là năm 1940, đang viết Dế mèn, cùng Nguyễn Bính, Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương, chúng tôi đến thăm cô, người đã nằm dưới mồ ở nghĩa trang Thanh Xuân”.

Đời ông những năm đẹp, sôi động nhất, thuộc về quá khứ.

Giờ đây, nhớ lại hồi trẻ, không phải mỹ nhân, chỉ rượu mới làm ông cười hết cỡ, lộ 5 cái răng còn lại hàm trên… Rượu là “người tình” mà Tô Hoài say mê nhất. Đừng mong “quật ngã” ông chỉ bằng một chai vang, dù đó là món quà cắp nách nên đem tặng Tô Hoài, cùng lời chúc thay “lì xì” năm mới.

“Tết xưa đùi hiu lắm, gợn buồn nhiều”. Hoài niệm thường hay buồn vì ta nhớ đến những người, đến thời đã mất. Ông đi kháng chiến và viết về Tết vùng cao. “Làng nào cũng ăn Tết trong rừng. Các mảnh ruộng chân rừng cạnh ngọn nước đã thấy cắm lên những cây tre thẳng tuột, quấn giấy vàng, trên đầu buộc những vòng tròn. Đấy là cột vòng để trai gái đánh còn, đánh yên. Các cô mặc áo chàm mới, đem ra những quả còn tua đỏ tùa vàng vừa khâu xong. Chúng tôi cũng ra chơi còn. Đã ra vẻ Tết thật rồi. Kháng chiến vẫn có Tết như thường”.

Và đây, thật đẹp cảnh xuân miền núi: “Nhớ năm ấy bao giờ tôi cũng nhớ mùa hoa mơ những ngày áp Tết. Hoa mở nở trắng các bản làng, trắng đầy cánh đồng và đầu suối. Bạt ngàn, trắng ngần khắp rừng mơ Việt Bắc. Cái rét ngăn ngắt đến cả những cây mai nở trắng ngẩn ngơ…”
Chuyến tàu ký ức tưởng không muốn dừng. Tất cả đang trôi qua “ga Tết” của người đã viết gần 200 đầu sách. Đôi lúc ông quên hay không nhớ chính xác chi tiết nào đó, còn chuyện xưa là phần hằn não nhà văn hơn cả. Giờ ông thích đọc thơ tình hơn văn xuôi. Rất “máu” trở lại Tây Bắc và tin còn đủ sức. Chuyến đi xa mới đây nhất từ hè 2008. Đà Nẵng hay mời, đón chào ông. Hè tới, Tô Hoài định vào Đà Nẵng bằng tàu hỏa. Đi đâu thì đi cũng phải về Hà Nội. Tết của Tô Hoài không thể thiếu đào, quất, rượu. Loại vang Bordeaux.

Bức tranh ấn tượng đầy ảo giác này đối chọi thông thường. Tô Hoài hay hồi tưởng và kể thiên về “ảo hóa” người thật việc thật. Ông được thưởng thức nhiều phong vị Tết.

Truyện Tây Bắc (1953), Miền Tây (1967), Nhật kí vùng cao (1969) là những kết quả nhiều năm thực tế miền núi. Hỏi ông có nhớ những cái Tết vùng cao không ông chậm rãi: “Nhớ lắm. Tôi đã ăn hai cái Tết chợ Rã, Ba Bể (Bắc Kạn), lúc là chủ nhiệm báo Cứu quốc Việt Bắc (1947, 1948), phát hành tại Cao – Bắc – Lạng. Hồi ấy có nhà văn Nam Cao, họa sĩ Nguyễn Đình Thọ, nhà báo Nguyễn Tiêu…Ăn Tết cùng người Tày, Dao. Tôi lại thích Tết H’Mông. Hồi ấy còn viết lời Bài ca hang đá, ông Nguyễn Văn Thương làm nhạc phim này. Tôi nhớ những chuyến thực tế Hà Giang. Giờ mà có bát rượu ngô thì hay biết mấy! Tết trên ấy giết lợn, ngựa, bò, ăn nhiều món nướng. Rượu ngô uống tha hồ. Lại còn được xem hoa hậu. Người Pháp tổ chức thi chọn người đẹp Thái, Mường, H’Mông vào mùa xuân”….

Hồi ức của ông cứ miên man, không dứt.

Tết nay của Tô Hoài

Hàng năm, cứ 20 tháng Chạp là con trai Nguyễn Phương Vũ lại đón ông lên phố ăn Tết đến hết tháng Hai về Nghĩa Tân với vợ chồng con gái cả. Tô Hoài thủng thẳng: “Tết bây giờ món gì cũng chán, ngon chỉ món rượu!”. Có bệnh phải kiêng, ông vẫn khó kiềm chế khi thấy rượu. Nói đến thứ này, Tô Hoài mắt sáng, điệu bộ linh hoạt hẳn.

Năm 2007, Tô Hoài mới rời hẳn các chức vụ cuối cùng: Phó Chủ tịch Ủy ban đoàn kết Á -Phi- Mỹ – La tinh, Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Hà Nội.
Tết, Tô Hoài toàn ở nhà. Mấy năm liền PV VTV đưa ô tô đón nhà văn ra Hồ Gươm trò chuyện lúc giao thừa. Trở về ông lì xì con cháu. Mùng một, ai tới là ông lì xì. Ngoài nhà các con, ông không đến ai, ở nhà xem tivi. Tuổi 90, ông túc tắc hết chai vang, nếu có bạn hợp ý, vui, các ông “bẻ cổ” vài chai là thường.

Ai đến, biếu rượu ngon thì được lòng ông lắm. Nếu Nguyễn Tuân, Văn Cao uống rượu kiểu nhâm nhi, Tô Hoài lại “khét tiếng” về tửu lượng. Nhà báo Nguyễn Phương Vũ (Thư kí tòa soạn tuần báo Người Hà Nội), con trai út, gần gũi nhất, nguyên cớ của bút danh “Vũ Đột Kích” của bố thú nhận: “Tôi từng sống ở Đức, trước uống nhiều, ngay cả lúc uống được nhất cũng không thể bằng ông. Khó ai theo được ông, không phải dung lượng, mà là cách uống. Rượu bia gì, ly, chén, to hay nhỏ, ông chỉ làm một hơi. Uống bia, là giải khát, chỉ chạm cốc lần đầu. Rượu, khi uống có thể chạm vài lần/ly. Ông bảo thế mới Tây, mới văn minh, mấy lần nhậu uống bia, ai chạm cốc nhiều bị ông phê bình ngay: “không biết uống””.

Năm 2010 vừa qua, Tô Hoài đoạt “cú đúp”: Giải thưởng lớn Giải Bùi Xuân Phái-Vì tình yêu Hà Nội 2010 và giải Vàng sách đẹp của Hội xuất bản Việt Nam cho Chuyện ngày xưa-100 cổ tích.

(theo Thể thao và Văn hóa Xuân Tân Mão 2011)
_______________________________________________________

Posted in Chuyện xã hội, Chuyện đời sống, Văn học | Thẻ: , , | Leave a Comment »

Vĩnh biệt thầy Hoàng Ngọc Hiến

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Một 26, 2011

Nguyễn Trọng Tạo

Sau ca mổ cắt đi nửa mét ruột vì ung thư đại tràng ngày 5-1-2011, thầy Hoàng Ngọc Hiến không còn hy vọng sống vì hôn mê sâu. Và 11 giờ đêm ngày 24-1 thầy đã lặng lẽ vĩnh biệt cõi trần, hưởng thọ 81 tuổi. Thầy là người sáng lập Trường Đại học viết văn Nguyễn Du.

Tôi là học trò khóa 1 của thầy Hoàng Ngọc Hiến ở trường viết văn, nhưng tôi xin được gọi thầy bằng anh, bởi chính thầy Hiến muốn thế, thích thế.

Với tôi, anh Hoàng Ngọc Hiến là một hiện tượng phê bình sáng giá của văn học Việt Nam cuối thế kỷ XX. Anh thực sự là một nhà “lý luận phê bình mới” với nhiều khám phá. Những cú hích của anh thường làm cho giới lý luận bảo thủ bị sốc, gây ra những cuộc tranh luận khá tốn giấy mực trên văn đàn với những “chủ đề” do anh phát kiến như “văn học phải đạo”, “văn học bước qua lời nguyền”, “văn học kể nội dung và tả nội dung”. Anh đề cao “trí tuệ của trái tim” với quan niệm “phê bình là làm sáng giá cho tác giả và sáng giá cho tác phẩm”. Anh điều chỉnh sự cách tân xô bồ náo loạn vô hướng của văn học hiện tại bằng việc nhấn mạnh “chủ nghĩa cổ điển mới”.

Theo quan sát của tôi thì Hoàng Ngọc Hiến thường đứng ra ngoài các cuộc tranh luận do anh khởi xướng, chỉ khi thật cần, anh mới phát biểu tiếp chính kiến của mình. Còn nói chung anh luôn bỏ lại sau lưng những làn sóng tranh luận phản bác hay ủng hộ, ngợi ca hay quy chụp… để rồi anh lại lẳng lặng chuẩn bị cho một phát kiến mới, một vấn đề tranh luận mới. Đôi khi, anh làm cho những người tranh luận bỗng ngơ ngác khi nhận ra rằng, Hoàng Ngọc Hiến đã vượt thoát khỏi cuộc tranh luận lúc nào không hay. Đó cũng là cách tranh luận của một kẻ cao cường, hay nói cách khác đó là nhân cách lý luận phê bình của Hoàng Ngọc Hiến, không sa vào ma trận mà biết lựa chọn cho mình một tâm thế minh triết. Và người ta ghi nhận anh như một học giả uyên bác trên nhiều lĩnh vực: văn học, triết học, văn hóa và giáo dục.

Hoàng Ngọc Hiến không được Hội đồng nào phong học hàm giáo sư, nhưng rất nhiều người trong và ngoài nước gọi anh là giáo sư. Tôi nghĩ đó là một vinh dự lớn của anh, bởi hàm giáo sư của anh đã được một “hội đồng ngoài hội đồng” phong tặng, như một hiển nhiên công nhận. Anh chỉ có một học vị mà quá nhiều người đạt được, đó là học vị phó tiến sĩ được bảo vệ thành công ở Liên Xô cũ (1959).

Là một người sáng tác, tôi nhận được ở anh Hoàng Ngọc Hiến thật nhiều điều quý giá. Lý luận phê bình của anh thường thức tỉnh tư duy sáng tạo của người sáng tác. Anh đánh thức u mê mòn cũ. Anh mở ra những tự do mới cho nhà văn để hướng ngòi bút vào sự thật của thời đại. Bởi anh rất nhạy cảm để phát hiện ra những giọng điệu mới, những “kênh” mới của văn chương và đánh giá nó trên cơ sở lý luận, vốn sống, trực giác và tầm tri thức văn hóa lớn. Vì thế, tôi đọc anh từ Nguyễn Du, Maiakovsky, đến Juylieng và nhận ra ở anh một quá trình vượt thoát từ người trí thức cán bộ đến trí thức bình dân để trở thành một trí thức bình dân bác học.

Hoàng Ngọc Hiến là người đàm đạo về văn chương không biết chán. Khi thì anh say sưa nói về mỹ học – đạo đức học mới, khi thì anh nói về triết học mới Đông Tây, khi thì anh bàn về tính “căn bản văn hóa”, có khi anh nói về Nguyễn Huy Thiệp hay Phạm Thị Hoài, Tạ Duy Anh… Những câu chuyện của anh bao giờ cũng rút ra điều mới mẻ nhất mà anh đang cảm nhận trên mặt bằng thế giới quan sát được. Phải nói anh là một người đọc xuất sắc.

Nhớ lại 30 năm trước, thời “hậu phải đạo” của Hoàng Ngọc Hiến, cái thời kham khó về cả vật chất lẫn tinh thần, tôi và bạn bè thỉnh thoảng ghé thăm anh ở căn phòng nhỏ trên đường Triệu Việt Vương, Hà Nội. Có lần không tìm được anh, tôi trở lại khu Bốn và viết một bài thơ trên máy chữ gửi anh. Bài thơ như một sự chia sẻ với anh những ngày tháng gian nan, muốn khẳng định, cuộc đời cũng như bài thơ chỉ có một văn bản, chỉ một lần công bố, đó là “Bài thơ không cho phép sửa chữa”. Anh Hiến cũng như bài thơ “chỉ viết một lần”.

Anh từ giã cõi trần, nhưng những cơ sở lý luận của anh luôn gợi mở cho văn học vươn lên đi tìm những giá trị đích thực vì cuộc sống và vì sự phát triển của nó. Vĩnh biệt anh, tôi lặng lẽ tìm lại anh trong hàng ngàn trang sách anh để lại cho đời…

Hà Nội, ngày 25-1-2011
______________________________________________________

Posted in Giáo dục Việt Nam, Văn học | Thẻ: , , | Leave a Comment »

Nhà văn Bảo Ninh sau hai chục năm thầm lặng

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Chín 28, 2010

Đã gần 20 năm, sau khi cuốn tiểu thuyết “Thân phận của tình yêu” (tức “Nỗi buồn chiến tranh”) của nhà văn Bảo Ninh được trao giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam. Đến nay, hình như vẫn chưa có cuốn tiểu thuyết nào viết về chiến tranh Việt Nam được tái bản nhiều đến vậy và vẫn chưa có cuốn tiểu thuyết nào cùng đề tài vượt qua được nó.

1 Những năm trước đây, tôi và Bảo Ninh thường gặp nhau ở tòa soạn báo Văn nghệ 17 Trần Quốc Toản, cái chất lính vùng “đất thánh” (chỉ những thanh niên sinh trưởng, lớn lên ở Hà Nội những năm chiến tranh) trong anh vẫn giữ nguyên như hơn ba mươi năm về trước, vẫn ngang tàng, kiêu bạc và hào hoa. Cái chất lính- chất văn ấy là nét nổi trội trong phong cách Bảo Ninh. Trong cuộc đời văn chương của mình, tôi chỉ gặp 2 người như vậy: nhà thơ Lưu Quang Vũ và nhà văn Bảo Ninh. Họ là hai cái mốc lặng lẽ chói sáng của cả một chặng đường văn học chiến tranh trong ba thập kỷ cuối cùng của thế kỷ trước.
Không ai biết được đích xác con số tái bản cuốn tiểu thuyết của Bảo Ninh trong gần hai chục năm qua là bao nhiêu bản in, nhưng theo một số nhà văn cho biết, “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh đã được tái bản khá nhiều lần ở trong và ngoài nước và cho đến nay, đây là cuốn tiểu thuyết của một nhà văn Việt Nam được in nhiều nhất ở nước ngoài. Cuốn sách của Bảo Ninh đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và có mặt ở khá nhiều thư viện của một số trường Đại học danh giá trên thế giới. Có lẽ văn chương thời hiện đại ở xứ ta, chỉ có tác phẩm của Bảo Ninh và Nguyễn Huy Thiệp (hai nhà văn sống ở trong nước) được nước ngoài in nhiều đến vậy.
Khi tôi trao đổi chuyện này với Bảo Ninh trong một bữa rượu mới đây bên bờ sông Hồng, anh trầm ngâm bộc bạch với bạn bè văn chương: “Nếu nói trong những năm qua, tôi chỉ sống bằng nhuận bút tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” thì cũng không hẳn thế đâu, vì tôi còn viết truyện ngắn, viết tùy bút, viết báo…nói tóm lại là sống bằng nghề viết. Nhưng cũng phải nói rằng hơn một chục năm qua, tôi đã sống một cách rất khiêm tốn, đạm bạc bằng nhuận bút của cuốn tiểu thuyết này, còn khoản lương “còm” ở Báo Văn Nghệ thì làm sao mà sống nổi hả mấy ông, tôi cũng phải sống chứ!”.
Bữa rượu hôm đó, Bảo Ninh trả tiền, dứt khoát không cho ai trả, và anh trả thêm cả tiền taxi mời mấy bạn văn từ nội đô Hà Nội ra tận gần chân cầu Thăng Long ngồi hóng gió sông Hồng và đàm đạo văn chương. Bữa rượu ấy, ngoài tôi, còn có hai nhà thơ Nguyễn Bình Phương và Trần Anh Thái. Lúc Bảo Ninh say rượu, anh thường cười mủm mỉm, trông khá dễ thương. Đầu anh khi ấy cứ ngoẹo về một bên, khẽ lắc mái tóc xoăn bạc, ánh mắt hóm hỉnh nhìn xoáy vào mặt bạn bè như dò hỏi điều gì đó.
Hỏi kỹ chuyện, tôi mới biết, cứ mỗi lần cuốn tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” của nhà văn Bảo Ninh được một nhà xuất bản nào đó ở nước ngoài xuất bản, là bạn bè thân tình với anh ở bên đó lại tìm đến, đòi cho kỳ được số tiền nhuận bút từ số sách được tái bản để gom góp gửi về Việt Nam cho anh. Thậm chí, có người bạn ở nước ngoài nói với Bảo Ninh: “Tớ thề không để xót một xu nhuận bút nào của cậu cả! họ cứ in thêm một bản của cậu là tớ đến đòi ngay phần trăm nhuận bút một bản in cho cậu! tớ không để cho thằng nào quỵt nhuận bút của cậu, không để cho nhà xuất bản nào ăn không mồ hôi, xương máu của Bảo Ninh!”.
Thế thì Bảo Ninh sướng rồi! chí ít là anh đã có những người bạn chí tình với anh ở những chốn phù hoa xa xôi như vậy. Thật ra, không phải nhà văn Việt Nam nào có sách in ở nước ngoài cũng có được cái “diễm phúc” như Bảo Ninh. Mới đây, nhà văn Chu Lai đã phát hiện một số cuốn tiểu thuyết của anh được in ở nước ngoài mà anh không hề nhận được một xu tác quyền nào, như thể nhà văn đã bị các “nhà sách” bên đó quỵt tiền nhuận bút.
Bảo Ninh có lẽ may mắn hơn nhiều, với tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh”, cứ vài năm một lần, anh lại được đích danh một nhà sách hay một hiệp hội xuất bản nào đó ở nước ngoài mời sang chơi. Vậy là anh nhà văn chỉ sống bằng nhuận bút một cuốn tiểu thuyết lại được vi vút trời Tây theo kiểu “Nhất bản vạn lợi”. Nhưng tôi biết rằng, sống bằng nhuận bút theo kiểu ấy thì nhà văn Bảo Ninh cũng phải tùng tiệm, dè sẻn lắm mới đủ chi dùng cho gia đình anh trong thời buổi khó khăn này. Và cái điều anh không nói ra thì bạn bè cũng đều biết cả. Khổ một nỗi, cứ mỗi lần bạn bè gọi đi nhậu thì Bảo Ninh không bao giờ chịu đến “suông”. Hôm thì anh xách theo chai rượu tây uống dở, hôm thì anh lại cố tình để ló ra mấy trăm ngàn đồng trên túi áo ngực theo kiểu “túi có đầy tiên”-hay “túi có tiền đây” làm bạn bè cứ ái ngại cho cái kiểu cách “nho nhã” đầy chất Hà Thành của Bảo Ninh.

2 Hôm mới đây, mấy anh em chúng tôi về quê nhà thơ Nguyễn Bình Phương ở trên tận Thái Nguyên. Khi biết ông cụ thân sinh của Bình Phương là cựu binh sư đoàn 308 từng tham gia trận đánh lịch sử ở đồi A1-Điện Biên Phủ, Bảo Ninh cứ xoắn lấy. Hai bác cháu suốt buổi chỉ tâm sự về những nỗi niềm trận mạc, những hy sinh thầm lặng của những người lính vô danh. Bảo Ninh kể: “Hồi cháu chiến đấu tại mặt trận B3 ở Tây Nguyên, cứ nghe thấy lính sư 308 vào là mừng lắm, “Quả đấm sắt” mà vào là sẽ có đánh lớn và thắng lớn. Cháu hồi ấy ở sư đoàn 10, chỉ vào loại “đàn em”của sư 308 thôi nhưng cũng oách lắm bác nhé…!”.
Chúng tôi lặng người đi khi nghe Nguyễn Bình Phương kể lại chuyện cùng một số nhà văn trở lại Tây Nguyên, vào thăm sư đoàn 10. Hôm ấy, vị sư trưởng đã dẫn các nhà văn đi thăm nhà bảo tàng của sư đoàn 10, nơi khắc tên 10.000 người lính đã hy sinh trong chiến tranh, và nói: “Hôm nay, đón đoàn nhà văn tới thăm, có đông đủ cả một sư đoàn dưới mặt đất và một sư đoàn trên mặt đất…”. Chiến tranh đi qua đã hơn 30 năm mà những vết thương trong hồn bao người lính trận vẫn còn như rỉ máu. Với Bảo Ninh chắc cũng vậy, những vết thương trận mạc ấy không chỉ hằn dấu trong từng trang viết của tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” mà vẫn còn đang thao thức, trằn trọc nơi cuốn tiểu thuyết mới anh sắp hoàn thành cũng với đề tài chiến tranh.
Theo tôi, Bảo Ninh (tên thật Hoàng Ấu Phương, sinh năm 1952) là một nhà văn thầm lặng giầu tâm trạng trong đa số những người viết thầm lặng của ngày hôm nay. Rời quân ngũ cùng bộ đồ lính bạc phếch trên người, anh lang thang kiếm sống đâu đó với những công việc chẳng lấy gì làm vui vẻ. Chỉ đến khi ba của anh, Giáo sư ngôn ngữ học Hoàng Tuệ (Khoa văn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) dắt anh đến nhà người bạn thân là Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến (Trường viết văn Nguyễn Du) thì cuộc đời Bảo Ninh bước sang một trang khác. Ngày ấy, mặc dù điểm thi vào trường viết văn của Bảo Ninh là khá thấp, nhưng với “con mắt xanh” lão luyện trong nghề văn của mình, giáo sư Hiến vẫn quyết định nhận anh vào học vì có lẽ, ngay từ thời điểm ấy, ông đã phát hiện được một tài năng văn chương cho đất nước sau này. Phải nói, giáo sư Hiến là một người thầy rất uyên bác, sâu sắc và đầy khe khắt nên việc ông nhận “truyền thụ” nghề văn cho Bảo Ninh là chuyện không hề bình thường.
Khi đọc những bản thảo truyện ngắn đầu tay viết về đề tài chiến tranh của Bảo Ninh, giáo sư Hiến khuyên anh chưa nên công bố vội, hãy viết lại cho kỹ hơn và hay hơn. Quả không sai, chỉ sau đó một thời gian, ngay khi còn đang theo học dưới mái trường viết văn Nguyễn Du, bản thảo cuốn tiểu thuyết đầu tay “Nỗi buồn chiến tranh” (tức “Thân phận tình yêu”) đã được Bảo Ninh hoàn thành một cách xuất sắc và gây sự bất ngờ lớn với ngay cả người thầy đang dìu dắt anh là giáo sư Hoàng Ngọc Hiến. Ngay sau khi được công bố, năm 1991, “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh được trao giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam và tên tuổi của anh lập tức gây sự chú ý của cả văn đàn trong và ngoài nước. Tâm sự về thành công bước đầu ấy, Bảo Ninh khiêm tốn: “Thật ra, đấy là sự ghi dấu của nền văn học Việt Nam thời đổi mới nên một tác giả mới như tôi vẫn được chú ý, và cuốn “Nỗi buồn chiến tranh” đã nhận được giải thưởng vào thời kỳ đặc biệt đó, thời kỳ văn học có những thay đổi sâu sắc và đích thực”.

3 “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh là một khúc ca bi tráng, đau thương và tàn khốc về chiến tranh. Nỗi buồn ấy đã ám ảnh và day dứt nhiều thế hệ ở cả hai phía, từng hành trình đi qua cuộc chiến đẫm máu ấy. Nhưng vượt lên trên tất cả những mất mát, u ám và tuyệt vọng là tình yêu con người và tình yêu cuộc sống đã cứu rỗi phần còn lại của thế giới này. Và những trang văn của Bảo Ninh trong “Nỗi buồn chiến tranh” đã hướng đến những chân trời hy vọng ấy. Mười mấy năm sau, khi tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” được một nhóm các nhà sản xuất điện ảnh nước ngoài chuyển thể thành kịch bản phim truyện và sắp khởi quay thì nhà văn Bảo Ninh yêu cầu tạm dừng lại. Khi ấy, nhà văn cảm thấy có gì không ổn từ phía kịch bản phim truyện nên anh đề nghị phải sửa lại. Rồi sau khi xem phần sửa lại, thấy vẫn chưa được, Bảo Ninh thấy nản vì sự bất đồng với nhà biên kịch và anh và tuyên bố đứng ngoài cuộc chơi điện ảnh này.
Là một nhà văn đã từng lăn lộn sống chết trong chiến tranh tàn khốc, chắc hẳn Bảo Ninh không muốn sự thật đau thương và nghiệt ngã ấy được nhìn bằng một lăng kính khác so với những trang văn trong tiểu thuyết của anh. Những trải nghiệm máu xương trong đời sống chiến tranh với cái nhìn đầy nhân bản của một nhà văn còn may mắn sống sót như một nhân chứng, đã khiến anh phải thận trọng, dè chừng trước những khuynh hướng nghệ thuật có thể làm biến dạng chính những trang văn của mình. Nhà biên kịch điện ảnh có thể đồng sáng tác để nâng cao tác phẩm văn chương nhưng không thể làm biến dạng một chủ đề sự thật mà nhà văn đã thai nghén và chuyển tải trong cuốn tiểu thuyết như một nội hàm tư tưởng của mình. Và qua đấy, ta có thể thấy Bảo Ninh đã có trách nhiệm như thế nào với cuộc sống này, với đất nước này trong tư cách là một nhà văn từng đi qua chiến tranh và viết về chiến tranh một cách chân thực, lãng mạn, xúc động và đầy nhân văn.
Dạo này Bảo Ninh thường xuyên tắt máy điện thoại di động, anh viết đơn xin nghỉ không ăn lương của báo Văn Nghệ, nói là để tập trung cho sáng tác. Gặp nhau cách đây vài hôm, khi tôi hỏi chuyện này, Bảo Ninh nói “Thì khối nhà văn sống tự do vẫn sống đàng hoàng đấy chứ, tôi sống chẳng cần đồng lương của báo đâu, giờ là lúc phải nghỉ việc để tập trung vào viết, có thế thôi!”.
Với Bảo Ninh, tôi và bạn bè biết đều biết anh thời điểm này đang dồn trí tuệ và sức lực cho cuốn tiểu thuyết thứ hai viết về đề tài chiến tranh của mình. Bảo Ninh khởi viết cuốn này vào đầu năm 2007, đến nay đã gần ba năm và cuốn tiểu thuyết 300 trang này đang bước vào phần cuối. Được biết, trong cuốn tiểu thuyết mới này, một phần cuộc chiến tranh Việt Nam cách đây hơn ba thập kỷ được tái hiện qua số phận nhân vật chính là một số người lính Sài Gòn ở cả thời điểm trong và sau chiến tranh. Khi bắt tay vào viết, Bảo Ninh cho rằng đây là một cuốn tiểu thuyết khó viết, rất khó viết nhưng nhà văn tin rằng với sự trải nghiệm, quan sát của mình trong thời gian tham gia trận mạc trước đây sẽ là một điều kiện thuận lợi. Một sự tình cờ, cuốn “Nỗi buồn chiến tranh” của anh cũng chỉ 300 trang văn mà đã làm nên một sự kiện văn học. Vậy sau gần 20 năm, cuốn tiểu thuyết thứ hai của nhà văn Bảo Ninh có làm văn đàn nổi sóng như lần trước hay không? Chúng ta hãy đón đợi vào năm tới.

(Văn nghệ Trẻ)
_____________________________________________

Posted in Văn học | Thẻ: , , | Leave a Comment »

Lê Kiều Như viết truyện thiếu nhi, phụ huynh phát hãi

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Chín 28, 2010

Sau thất bại của ấn phẩm “người lớn” Sợi xích, cô ca sĩ đã nhanh chóng chuyến hướng ngòi bút sang… trẻ con.

Sau “giường chiếu” là… hoàng tử mèo, công chúa chim

6 tháng trước, tại buổi họp báo giới thiệu “Sợi xích”, đứa con đầu lòng trong nghiệp viết lách của mình, Lê Kiều Như đã hé lộ thông tin về một ấn phẩm dành cho thiếu nhi mà cô đang ấp ủ.

Những tưởng sau khi “Sợi xích” bị dư luận “dập” tơi tả và không có cơ hội xuất hiện trên các kệ sách, cô ca sĩ sẽ bỏ cuộc. Thế nhưng mới đây, người đẹp từng mạnh miệng tuyên bố “được biết đến từ lúc sexy” đã cho ra mắt quyển truyện tranh có tên “Công chúa Chim Sâu và hoàng tử Mèo”.

Tâm sự về ấn phẩm này, Lê Kiều Như cho biết ý tưởng đến với cô sau khi chứng kiến những con vật tội nghiệp bị bắt, bị nhốt. Cô mong muốn cuốn sách này sẽ truyền tải được những thông điệp về bảo vệ thiên nhiên, gìn giữ môi trường tới các độc giả nhí.

Không chỉ chịu trách nhiệm xây dựng nội dung và tạo hình nhân vật, Lê Kiều Như còn tự bỏ tiền túi để thực hiện “Công chúa Chim Sâu và hoàng tử Mèo”. Mặc dù vậy, chính bản thân tác giả cũng không đặt nặng vấn đề lời lãi.

Theo như nữ ca sĩ thích viết lách này thì cô làm vì yêu thích đam mê. Chính vì thế mà người đẹp họ Lê đã khẳng định rằng cô sẽ tiếp tục sáng tác cho thiếu nhi trong tương lai.

Khi được hỏi liệu dư âm của “Sợi xích” có ảnh hưởng tới “Công chúa Chim Sâu và hoàng tử Mèo” hay không, Lề Kiều Như đã mạnh dạn trả lời rằng cô tin độc giả sẽ đón nhận vì mỗi cuốn sách có một đời sống riêng của nó, không thể lấy tác phẩm này để đánh đồng với tác phẩm khác.

Nhiều phụ huynh phát hãi

Có lẽ, mọi việc không đơn giản như cô ca sĩ nghĩ.

Ngay sau thông tin Lê Kiều Như phát hành ấn phẩm mới xuất hiện, đã có nhiều ý kiến trái chiều xuất phát từ các ông bố bà mẹ.

Với nhiều người cực đoan từng đọc qua “Sợi xích”, họ khẳng định chắc chắn sẽ không mua truyện thiếu nhi của Lê Kiều Như cho con cái mình. Bởi với họ, một người từng viết những câu văn nhớp nhúa sẽ không thể sáng tác được một câu chuyện hồn nhiên, trong sáng.

“Thật nực cười là một tác giả vừa có thể viết cái thể loại “nhạy cảm” có thể chuyển ngay sang thể loại truyện tranh cho thiếu nhi. Để tránh rủi ro, tôi sẽ không bao giờ cho con tôi đọc các tác phẩm của Lê Kiều Như.” Độc giả có tên Thanh Huyền chia sẻ.

Một độc giả khác lại viết: “Có ai dám dũng cảm cho con mình đọc truyện Lê Kiều Như không? Tôi thì tôi xin chịu…”

Bên cạnh những “ám ảnh” về nội dung của “Sợi xích” thì lại có những ông bố bà mẹ cảm thấy lo ngại về khả năng ngữ pháp bị đánh giá là ngô nghê của cô ca sĩ.

Thành viên tieulongnhi của một diễn đàn Trẻ thơ đã bày tỏ: “Không bàn chuyện có dung tục hay ko, nhưng riêng cái khả năng dùng từ của cô Như này đã thể hiện 1 sự hạn chế cực độ.” Ý kiến này đã nhận được nhiều sự đồng tình.

Không chỉ ái ngại về nội dung và từ ngữ, một số bậc phụ huynh còn không chấp nhận việc Lê Kiều Như đưa hình ảnh rồng Châu Á vào trong một cuốn truyện cổ tích có phong cách Châu Âu. Điều này khiến họ nghi ngờ về phông văn hóa cũng như hiểu biết của tác giả.

Mặc dù bên cạnh đó, cũng đã có một số người lên tiếng bênh vực, ủng hộ Lê Kiều Như với lần trở lại này. Họ cho rằng không thể đánh giá một tác phẩm khi mà còn chưa biết nội dung ra sao, hình vẽ như thế nào.

Tuy nhiên, với những điều tiếng quá lớn từ “Sợi xích” thì quả thật, không dễ để “Công chúa Chim Sâu và hoàng tử Mèo” được nhiều độc giả đón nhận.

Theo VNN
____________________________________________

Posted in Văn học | Thẻ: , , , | Leave a Comment »