NGÔN NGỮ & VĂN HÓA

CHÚC MỪNG NĂM MỚI

Archive for the ‘Chuyện phong tục’ Category

Đêm xòe bản Bó

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Hai 3, 2011

Đỗ Sơn – Thu Hà

– Cách trung tâm thành phố Sơn La chừng 5 km, bản Bó phường Chiềng An thuộc thành phố Sơn La có 255 nóc nhà và 5 dân tộc sinh sống là Thái, Mường, Kinh, Hơ Mú, Khơ Mông. Bất cứ đoàn khách nào đến thành phố Sơn La cũng mong muốn được tận hưởng cái thú theo lời đồn “ăn bản Bó, ngó bản Tông”.

Ăn bản Bó…

Những năm 90 thế kỷ trước, du khách đến bản rồi lại đi trong nuối tiếc sau khi chỉ chụp ảnh mấy nóc nhà sàn đơn sơ. Trưởng bản Lù Văn Xương cảm thấy có điều gì áy náy lắm. Rượu cần ngon mà không thể mời khách, có bài hát hay có điệu múa đẹp mà không phô bày cùng khách. Thế là theo yêu cầu của khách, ông đã mở một nhà hàng nhỏ tại nhà sàn, đồng thời quy tụ lại đội văn nghệ của bản đến biểu diễn sau khi du khách thưởng thức văn hoá ẩm thực của các sắc tộc.
Trưởng bản cười rất sảng khoái khi biết người ta đồn Ăn bản Bó, ngó bản Tông. Ông giải thích rằng: Ăn bên bản Bó có nhiều món ngon, ăn xong là đi sang bản Tông xem múa mới là “sành điệu”. Con gái bên bản Tông đẹp hơn, múa dẻo hơn.
Sau khi những mâm cơm đãi khách được bày ra trên sàn rộng, khách đã ngồi vào nhưng vẫn còn háo hức thiêu thiếu điều gì. Đó chính là sự xuất hiện của những chiếc áo cóm, tà váy đen tuyền của các cô gái Thái. Các cô vẫn líu ríu dưới chân cầu thang.
Mỗi cô gái Thái như một bông dã quỳ nở rạng rỡ ùa lên sàn chào khách bằng nụ cười tươi tắn như thổi vào bữa tiệc tối trên thung lũng ăm ắp heo may này chất hương đậm đà Tây Bắc. Tôi vội vã hỏi tên. Người ấy rót rượu và khẽ nói: “Theo phong tục thì chén rượu thứ nhất uống để chào nhau, chén thứ hai mới hỏi tên làm quen”. Và, sau những chén đầu làm quen, chủ và khách hiểu biết về nhau rồi thì uống thân mật hơn, có thể là những chén đan tay khát vọng…Thế nên, nhiều kẻ không say vì rượu mà say vì ánh mắt cô gái Thái lúng liếng…
Tuy thay đổi theo thời đại một số nếp sinh hoạt nhưng các phong tục vào ngày tết của người dân tộc bản Bó vẫn được giữ nguyên. Đặc biệt, vào dịp tết người dân tộc có tục cúng ma nhà. Tết đến, trưởng bản, trưởng họ như ông Xương đi chúc cả làng xóm nếu người ta mời.
Có sáng ông uống đến 40 chén rượu mời!? Tôi lắc đầu kính nể: Làm sao mà xuống nổi cầu thang! Tuy nhiên, với người dân tộc Thái, họ có một món canh giải rượu rất hữu hiệu có tên là lá cây vón vén. Một thứ lá giống lá me, chua chua dìu dịu. Mùa cuối đông này, cũng chính là mùa của cơm Lam của vùng Tây Bắc. Cơm Lam được nấu bằng loại cây có tên là mác nga mới là cơm Lam “xịn”.
Sau khi chẻ ống cơm ra sẽ có lớp áo giấy bọc bên ngoài cơm nếp thơm dẻo- mác nga giống cây nứa, chỉ có vào 2 tháng cuối năm. Trong mâm cơm đãi khách của người Thái còn có một loại gia vị chấm đặc biệt. Đó là loại gia vị gồm ớt nướng, tỏi, muối và hạt mắc khén. Chính vị mắc khén thơm lạ lùng ấy khiến người ta yêu thương Tây Bắc nhiều hơn. Mắc khén – là hương vị đặc trưng của vùng Tây Bắc.

…Ngó điệu xòe

Sau gần 20 năm làm dịch vụ du lịch tự phát ấy, ông Xương đã xây thêm được nhà sàn mới để đáp ứng lượng khách đến nhiều hơn và cũng đúc rút nhiều kinh nghiệm. Nhà sàn của ông không treo biển quảng cáo nhà hàng, không quảng bá trên các phương tiện đại chúng. Đa số khách đến là vì tiếng lành đồn xa, người nọ mách nước người kia đến bản Bó vừa được ăn lại được ngó.
Ở đó, các cô gái Thái có đôi môi đỏ mọng như trái ớt rừng, đôi má hây hây rực hồng, đôi mắt đắm đuối những hân hoan với vòng xòe rộn ràng trong nhịp xuân về với bản…
Khi có khách gọi điện đặt cơm và báo trước đối tượng khách là người trẻ hay nhiều tuổi thì ông Xương sẽ chủ động lựa chọn đội mời rượu cho phù hợp với lứa tuổi, hợp câu chuyện. Ông cũng bật mí, để tổ chức một đội văn nghệ trong đêm biểu diễn giao lưu múa xoè như vậy ông có thể quy tụ được các đội ở bản khác trong thành phố nữa.
Riêng đội văn nghệ làm nhiệm vụ “giới thiệu văn hoá nghệ thuật” của bản được tuyển chọn khá kỹ. Trưởng bản Xương cho biết: “Nhiều cô đẹp nhưng không biết múa thì cũng không được. Một điệu xoè múa được thành thục, uyển chuyển và khớp đội với nhau phải tập luyện đến một tháng.
Tôi hỏi đùa, ngoài múa hay hát giỏi còn phải có năng khiếu uống rượu nữa chứ? Trưởng bản cười khà khà gật gật, không ra đồng tình cũng không phản đối.

Chọc sàn bằng… Nokia

Tục chọc sàn hẹn người yêu của người dân tộc trong bản Bó chỉ còn tồn tại trong câu chuyện kể về thời xưa, bởi đến tuổi thanh niên của ông Xương, đã không còn đi chọc sàn nữa. Ngày nay, những nếp nhà sàn bằng gỗ, tre đã thay thế bằng lớp bê tông, lấy đâu ra sàn mà chọc.
Trai gái muốn hẹn hò nhau thường ra hiệu cho nhau “chọc” bằng cái Nokia rồi à! Trưởng bản Lù Văn Xương cũng thừa nhận rằng, lớp thanh niên bây giờ lớn lên trong không khí hội nhập mới, chúng thích học chữ hơn là lấy nhau sớm, nhưng cũng nhiều phong tục gốc theo đó mà mai một đi.

____________________________________________________________

Posted in Chuyện lễ hội, Chuyện phong tục | Thẻ: , , | Leave a Comment »

Có nên cải biến cách ăn Tết

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Một 20, 2011

Nguyễn Hoàng Đức

Năm mới, chữ “Tết” với người Việt thật trọng đại! Một năm với một vòng quay của tạo hóa, cụ thể hơn là trái đất đã xoay vần sang một vòng mới lại chẳng hệ trọng sao?! Sự sống vũ trụ và con người đã chuyển sang một vòng tuần hoàn mới, từ ngọn cỏ vươn mầm xanh, đến cành ra nụ, rồi nụ đơm hoa, tất cả đều bừng lên một sức sống mới, và con người một đại biểu sáng giá của tạo hóa cũng không nằm ngoài qui luật đó. Cùng với cây cỏ, chim muông và muôn vật, người ta thấy trong máu mình đang luân chuyển một sức sống thanh tân mới, tâm hồn rạo rực, con người hừng hực một sinh khí sung mãn mới mẻ, những tế bào choàng thức như thể tất cả vừa khoác lên mình một manh áo mới. Và tất cả mọi người đều tìm đến để chúc phúc cho ông bà, cha mẹ đã được trời đất ban thêm một tuổi, con người lớn thì rút gói lì xì ra cho con cháu, mừng con cháu cũng có thêm một tuổi, thêm một sức sống mới, và thêm một trí khôn trưởng thành mới…
Như vậy chào đón năm mới, không chỉ là một sự kiện gia đình hay xã hội, mà đó là sự kiện của vũ trụ, chào đón một vòng quay mới của tạo hóa, một vòng quay như thể hệ điều khiển sẽ dẫn dắt vạn vật và con người bước vào một chu kỳ mới. Người Việt dựng những cây nêu, hoặc mang hoa quả vào đền chùa là để kính chào những thế lực thiêng liêng và trời đất, đó là cái gốc lập trình cho vũ trụ cũng như mọi người.
Nhìn nước phải thấy nguồn, giống như triết gia Aristote viết:

Càng học ít càng buồn
Dù uống nước trong chẳng thấy được nguồn

Người Việt xa xưa tuy học chưa nhiều, đa số còn là tiểu nông, nhưng người ta vẫn nhận biết nguồn gốc của mình: trước hết là trời – đất, còn gọi là “con tạo xoay vần,” là máy cái tạo ra con người, cũng như xã hội loài người. Người Việt nói “cha mẹ sinh con, trời sinh tính”. Như vậy có nghĩa là, dù cho cha mẹ có sinh con cái, thì đó chỉ là da thịt. Còn bản tính của con người, mã gien của linh hồn, là cái được lập trình để điều khiển thân xác, phải là của Đấng tạo hóa. Ví dụ đơn giản, con người như chiếc đài kia, nhưng nó thu được âm thanh nào là do có trạm thu phát máy cái đặt tại trung tâm, còn tự thân chiếc đài, nó chẳng thể phát ra bất cứ bài hát nào. Tạo hóa là trung tâm thu phát kênh thông tin linh hồn. Còn con người chỉ là chiếc đài thôi. Mới đây, các nhà khoa học có một phát hiện rằng: mã gien của con người mang dự báo về cuộc đời sinh – tử của nó, mã gien đó rõ ràng được lập trình trước. Và hiện nay, số liệu mà các nhà khoa học, dù chỉ mới manh nha phát hiện đã có độ chính xác hơn 77%.
Sau máy chủ là đến các máy trung, người Việt rất coi trọng bàn thờ tổ tiên ông bà trong ngày tết. Vì tâm linh của người Việt chú mục vào “bái vật giáo”, nên chủ yếu thờ cúng bằng lễ vật. Người Việt dâng tất cả những gì ngon nhất, quí nhất, đẹp nhất lên bàn thờ để thờ cúng tổ tiên ông bà. Và cả xã hội có một phương ngôn rất “quyết tâm chính trị” rằng : “Đói quanh năm, no ba ngày tết”. Điều này không chỉ có nghĩa, ba ngày tết được no, mà là dù đói quanh năm cũng không thể nghèo hèn và cẩu thả nhịn đói qua ngày đến mức không có lễ vật dâng lên bàn thờ cho tổ tiên. Dâng lên bàn thờ để cúng bái giá trị dâng hiến siêu hình, còn phẩm vật vẫn còn lại, ông bà ăn hương hoa, còn con cháu được ăn thực phẩm thật.
Tết là một truyền thống trọng đại có từ ngàn đời, giờ bỗng chốc chúng ta muốn cải cách nó ư? Cải cách có nghĩa là không tôn trọng tổ tiên ông bà? Điều này chúng ta sẽ có một câu trả lời thật rõ ràng, chẳng chút nào vướng bận băn khoăn cả, rằng: dù chúng ta có cải cách lối ăn tết thì bàn thờ tổ tiên ông bà vẫn còn đó, chúng ta vẫn hương khói hoa quả như xưa, thì có gì gọi là lãng quên ông bà hay truyền thống?!
Vậy thì lý do cải cách là gì? Xã hội ta là xã hội tiểu nông và tam nông, ngay đến bây giờ chúng ta vẫn còn hơn 80% làm nông nghiệp. Vì thế trong nhiều thế kỷ nông nghiệp, mang nặng đầu óc tiểu nông, chúng ta đã hình thành lên những truyền thống thâm căn cố đế tiểu nông. Đó là những truyền thống được sinh ra và gìn giữ trong nghèo nàn và lạc hậu. Giờ đây, khẩu hiệu của chúng ta là xây dựng xã hội: công bằng, bác ái, dân chủ, tự do, bình đẳng, tiên tiến, văn minh. Chẳng lẽ chúng ta lại không phải xây dựng những nét văn hóa mới, cũng như những truyền thống mới? Văn hóa và truyền thống không có sẵn mà nó được kế thừa xây dựng mỗi ngày. Chẳng hạn, ngày xưa làm gì có xe đạp, nhưng ngày nay có xe đạp nên chúng ta hình thành văn hóa đi xe đạp. Những cô thôn nữ quê mùa ngày nay còn phóng xe máy đi chợ, họ hình thành văn hóa đi xe máy, thử hỏi bà và mẹ họ ngày trước làm sao đã có văn hóa đi xe máy? Rồi đang có rất nhiều cô gái lái ô tô, chính họ cũng đang hình thành văn hóa lái xe mà ngày trước chưa từng có.

Không dám nhảy vọt khỏi truyền thống chúng ta sẽ nghèo nàn, điều đó không chỉ đúng với Việt Nam hay các dân tộc tam nông mà còn đúng trên bình diện toàn thế giới. Tại sao? Quá khứ của cả thế giới này trước đây hơn một thế kỷ là nghèo nàn và lạc hậu. Cho dù từ phương Tây có giầu có về chăn nuôi hơn cho đến những vùng đông dân lam lũ ở phương Đông, thì đâu đâu cũng lạc hậu với chiếc xe bò, xe trâu hay xe ngựa, của cải có thể nhỉnh hơn nhau đôi chút, nhưng nói chung là nghèo, nghèo phổ quát và nghèo toàn thể, chỉ trừ mấy quan lớn, địa chủ hay quí tộc ăn trên ngồi chốc, còn lại đại đa số là nghèo. Nghèo mạt hạng, nghèo không có cái gì để cho vào mồm, nghèo không có cái mặc đến độ khố rách áo ôm. Nghèo dến mức trong vài bài ca mới của chúng ta vẫn thấy hiện lên cảnh “áo anh rách vai, quần tôi có hai miếng vá” .
Cô thôn nữ ngày xưa có văn hóa đội nón quảy gánh. Nhưng cô thôn nữ ngày nay đội mũ bảo hiểm phóng xe máy. Tốc độc khác nhau là : đi bộ – 5km, còn đi xe máy 50 km. Thật một trời một vực! Đưa ra hình ảnh cô thôn nữ, để chúng ta dễ hiểu và tất yếu thấy rằng: văn hóa chắc chắn phải có thay đổi, thay đổi một cách bắt buộc. Xưa kia chúng ta có văn hóa tiểu nông, thì ngày nay muốn xây dựng xã hội công nghiệp hiện đại, không thể không xây dựng nền văn hóa hiện đại mới! Hãy xem, những công nhân đứng máy dây chuyền, ngay cả cô đóng gói hoa quả thôi có khác cô gói quà sáng ngày xưa một trời một vực không? Cùng là thợ xây, ngày xưa bắc giàn giáo cao hơn một với, còn anh công nhân ngày nay đứng trên giàn giáo vài chục tầng, độ khó khác nhau thế nào?
Cải cách lối ăn tết cổ truyền thiêng liêng, thật khó làm sao! Nhưng càng khó thì ý nghĩa cải cách của nó càng cấp tiến! Nhưng dù chúng ta có nghĩ ra và tiến hành cải cách đó thì Nhật Bản cũng đã nghĩ ra và cải cách trước đây từ nhiều năm. Nhật Bản thay đổi bằng hiến pháp, qui định đổi ăn tết Âm lịch sang ăn tết Dương lịch. Họ đưa ra lý do: Sau tết dương lịch, là quí một, là đà vận động của cả nền kinh tế trong một năm trời. “Đầu xuôi đuôi lọt”, nếu quí một bứt phá làm ăn tốt, đưa mọi thứ vào qui củ, vào đà chạy nhanh dần đều, máy trơn dầu, sẽ làm cho sản xuất cả năm trôi chảy thuận buồm xuôi gió. Trái lại, nếu nghỉ tết dương lịch theo Tây, rồi sau đó lại ăn tết âm lịch, coi như cả quí một linh sình ăn tết, ăn tết xong ngoảnh đi ngoảnh lại, quí một vèo qua, thế mà chưa vận hành được gì cho năm mới cả. Trong khi người châu Á đang mải ăn tết, thì người châu Âu đã qua đà khởi động của quí một, đang tăng tốc rầm rầm sang quí hai. Sản xuất thời đại công nghiệp phải mang tính cạnh tranh cao, trong khi người châu Âu đã lao sang quí hai mà ta còn đì đẹt quí một, thử hỏi có phải ta đã thua kém họ, cứ đành thua kém mãi sao. Vậy thì, Nhật Bản phải quyết tâm ăn tết như Tây, rồi sau đó lao vào sản xuất “đồng tốc” như Tây, có thế mới có thể cạnh tranh, đuổi ngang, đuổi kịp, rồi vượt lên. Mỗi năm, người Nhật cũng đón chào các con giáp tí, sửu, dần mão…nhưng họ đón trước giao thừa dương lịch. Coi con giáp âm lịch như biểu tượng của cả năm dương lịch và âm lịch vậy.

Vấn đề của Việt nam và các nước Á Đông cũng giống Nhật Bản vậy. Những nước ăn tết âm lịch sẽ găp phải sự so le về kế hoạch sản xuất theo quí , theo năm, ngày nay là nền kinh tế hội nhập toàn cầu, chúng ta không thể xem nhẹ và đứng ngoài cuộc chơi chung này. Riêng Việt Nam chúng ta có phong tục “tháng giêng là tháng ăn chơi/ tháng hai chơi hội tháng ba chơi đình”, chơi nhiều thế thì chúng ta đã nghèo càng vĩnh viễn nghèo. Ngày nay, có một bộ phận không nhỏ dường như đang hình thành hoặc bứt phá truyền thống cũ để làm nên sở thích mới. Cho dù ngày tết là ngày tụ tập về quê cha đất tổ, gia đình xum họp như vậy, nhưng nhiều người có điều kiện kinh tế, đã về thăm gia đình trước, rồi họ đăng ký các tua du lịch đi nước ngoài hoặc trong nước, để ăn tết theo lối mới, thư giãn, nghỉ ngơi, nhẹ nhàng, chứ không phải lúc nào cũng chìm đắm trong các sinh hoạt chào hỏi lễ tết kiểu ngày xưa.
Để giầu có hơn, “tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ”, có lẽ chúng ta cũng nên nghĩ đến một tư duy ăn tết mới, chơi ít hơn và làm nhiều hơn. Trước mắt nếu không cải cách được toàn phần như Nhật Bản, thì chúng ta cũng nên hoán cải mạnh mẽ nhiều tập tục cầu kỳ, nặng nề, tốn kém của ngày xưa. Nhân dịp xuân về, chúc cho mọi người và mọi nhà ăn một cái tết trong tinh thần văn minh tiến bộ mới!

______________________________________________________

Posted in Chuyện lễ hội, Chuyện phong tục, Thuần phong mĩ tục | Thẻ: , , | Leave a Comment »

Ấn đền Trần có chữ bị lỗi hay không: Đợi mở ấn

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Ba 15, 2010

Trần Thanh – Minh Đức

TP – Vì việc mở hộp gỗ xem ấn phải qua nhiều nghi thức, rốt cục chưa ai biết bốn chữ Hán dưới ấn có đúng là Tích phúc vô cương (tích phúc vô bờ bến) hay không. Trong khi đó báo Tiền phong Cuối tuần số 10 vừa cho biết, rất nhiều bản ấn ban ra lại mang chữ Tích phúc vô cường (tích phúc không mạnh).

Trong cuộc trao đổi sáng 12-3 tại Nam Định, ông Nguyễn Xuân Hoạt – Trưởng BQL di tích đền Trần và chùa tháp – TP Nam Định cho PV Tiền Phong biết, ấn đền Trần được bảo quản và trông giữ nghiêm ngặt.
Thủ từ và các cụ ở đền cho ấn vào một hộp gỗ to đặt tại hậu cung của đền Cố Trạch nơi đặt bài vị của Trần Hưng Đạo cùng gia đình và gia tướng của ông.

Theo trí nhớ của ông Hoạt, khoảng năm 2004, ấn đền Trần bị rơi rồi thất lạc trong một thời gian ngắn, sau đó lại được tìm thấy cách vị trí đặt hộp gỗ không xa.

Sau khi đọc bài trên Tiền Phong Cuối tuần số 10, đề cập tình trạng nhiều bản ấn đền Trần hóa ra ban phúc không mạnh, ông Hoạt giở ví ra xem lại bản ấn mà ông được phát.

Dù không đồng ý cho PV chụp ảnh nhưng, theo quan sát bằng mắt thường, chúng tôi nhận thấy bản ấn của ông Hoạt rất rõ ràng, và phía dưới bốn chữ Trần miếu tự điển cũng không phải là chữ tích phúc vô cương, vì chữ cương vẫn bị thiếu bộ thổ.

“Năm nào tôi cũng được phát tại đền, do đó không thể là ấn giả được” – lời ông Hoạt.

Khi chúng tôi đặt vấn đề xem ấn, Trưởng BQL di tích đền Trần nói, muốn đưa ấn ra khỏi hộp phải được sự đồng ý của thủ từ và các cụ trông coi đền, sau đó phải thực hiện rất nhiều nghi thức, nghi lễ phức tạp dưới sự chứng kiến của chính quyền, đại diện nhân dân. Do đó, không thể muốn là được mục sở thị ấn đền Trần ngay lập tức.

Liên lạc với ông Nguyễn Xuân Năm – Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch Nam Định, người được ông Nguyễn Xuân Hoạt ca ngợi là nghiên cứu rất kỹ về ấn đền Trần, nhưng ông Năm hai lần từ chối cung cấp thông tin cho PV.

Ấn thời Trần ở nơi khác

” Chúng tôi đều biết ấn đền Trần phải là bốn chữ Tích phúc vô cương, dù tôi cũng chưa bao giờ nhìn cái ấn ở cự ly gần.
Còn nếu có chuyện này, thì đó là thông tin rất nhạy cảm với Nam Định.” – Bà Trần Thị Hà nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định.

Trao đổi với PV Tiền Phong qua điện thoại, PGS.TS Tống Trung Tín – Viện trưởng Khảo cổ học VN, cho biết vừa qua ông có dự hội thảo về ấn Trần triều quốc bảo và tận mắt chứng kiến nó. Nhưng với ấn Trần miếu tự điển thì ông chưa thấy.

Theo TS Tín, ấn Trần triều quốc bảo có niên đại khoảng 200 năm, cổ hơn ấn Trần miếu tự điển. “Cả hai chiếc ấn đó đều không phải sản phẩm của thời Trần, mà do đời sau làm lại” – ông Tín nói – “Còn ấn của thời Trần ở nơi khác”.

Ông Nguyễn Xuân Hoạt cung cấp thông tin, những bản ấn ngoài luồng (do dân tự làm) mấy năm gần đây giảm nhiều. Người ta có thể chỉ in lại bản ấn từ vải sang giấy rồi bán, chứ không tự làm ra triện giả để đóng vào vải, giấy.

Ông Nguyễn Xuân Hoạt – trưởng BQL, hứa hẹn với PV Tiền Phong sẽ tổ chức một cuộc gặp với nhiều chuyên gia từng và đang nghiên cứu ấn đền Trần cùng PV Tiền Phong trong hai – ba tuần tới để có kết luận cuối cùng.

Ông Nguyễn Xuân Hoạt nói, ban tổ chức đóng ấn từ 23 giờ 30 ngày 14 Giêng (âm lịch) đến 4 giờ 25 ngày 15 Giêng. Số lượng ấn được đóng mùa lễ hội năm nay khoảng 12 vạn. Như vậy, mỗi phút Ban tổ chức phải ấn được 400 tờ!

__________________________________________________

Posted in Chuyện phong tục | Thẻ: , , | Leave a Comment »

Nhiều bản ấn Đền Trần hóa ra ‘ban phúc không mạnh’

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Ba 12, 2010

Trường Phong

TP – Những năm gần đây, lễ khai ấn Đền Trần đã trở thành một hoạt động văn hóa tâm linh đặc biệt, thu hút sự quan tâm của nhiều tầng lớp nhân dân.

Hy vọng không phải ấn của Đền Trần đóng !

Thay vì “Tích phúc vô cương”, nghĩa là “ban phúc vô bờ”, thì giờ đây, ấn lại khắc bốn chữ “Tích phúc vô cường?”, nghĩa là “Ban phúc không mạnh”.

Chẳng lẽ quả ấn mà nhiều người cho là linh thiêng, tâm thành đến Đền Trần làm lễ xin về với bao niềm kì vọng lại có lỗi khiến chỉ còn là quả ấn “Ban phúc không mạnh” thôi sao?

Chúng tôi hy vọng rằng những bản ấn có sai sót mà chúng tôi xem là thứ thau lẫn trong vàng, do một quả ấn không phải của Đền Trần đóng.

Vào dịp này, hàng vạn người không quản ngại đường đất xa xôi, thức thâu đêm suốt sáng, có mặt tại Đền Trần (Nam Định) để xin ấn. Nào quan, nào dân, xe lớn xe nhỏ nối đuôi thành hàng dài, cảnh ùn tắc, thậm chí là giẫm đạp lên nhau đã xuất hiện trong một số thời điểm.

Những người đi xin ấn thảy đều tâm niệm rằng đây là “bảo ấn” (ấn báu), “quốc ấn vua ban”; có bản in từ ấn này sẽ được các đấng anh linh phù trợ cho thuận lợi trên quan lộ, làm ăn phát đạt, mãi hưởng phúc lành.

Một vị cao niên tại Đền Trần cho biết, trong dịp khai ấn đầu năm, có rất nhiều vạn bản ấn được đóng sẵn để phục vụ nhân dân thập phương, sao cho nhân dân về lễ Đền Trần, ai ai cũng có tấm ấn “vua ban”.
Sự thực là rất nhiều người đã xin được bản ấn tại Đền Trần, nhưng dường như rất ít người để ý tìm hiểu về bản ấn mà họ đã xin được.

Tuy nhiên, mặc dù không dám nói là tất cả các bản in quả ấn có tiếng linh thiêng là có vấn đề, nhưng chắc chắn có nhiều bản in trong đó thể hiện quả ấn dùng được đóng có nhiều khiếm khuyết và sai sót. Kèm theo bài là ảnh chụp bản in quả ấn mà nhiều người đã xin được từ Đền Trần.

Quan sát bản in quả ấn, dễ nhận thấy đây hiển nhiên chỉ là quả ấn mới làm, không phải là thứ “quốc ấn” trân quý như người ta lầm tưởng. Bỏ qua sự non nớt về nghệ thuật khắc ấn, chỉ nói về chữ khắc trên ấn đã thấy nhiều điều bất ổn. Quả ấn khắc bốn chữ lớn: “Trần miếu tự điển”, nghĩa là “điển lễ tế tự ở miếu nhà Trần”.

Bốn chữ này được khắc theo lối chữ “khải”, chữ khắc nổi (trong nghệ thuật khắc ấn, kiểu khắc này gọi là “dương văn” hay “chu văn”). Riêng chữ “tự”, nửa “khải”, nửa “tiểu triện”. Người sành chữ, nhìn sơ qua có thể biết bốn chữ trên vốn lấy từ phông chữ vi tính mà ra.

Xưa, khắc ấn được coi là một bộ môn nghệ thuật. Ấn chương cổ tuyệt đại bộ phận được khắc theo lối chữ “triện” (cho nên ấn, và cả việc đóng ấn còn được gọi là “triện”).

Lối chữ “triện” được đưa vào ấn chương, khiến quả ấn thêm cổ kính, đẹp về đường nét, thêm vào đó, người khắc ấn sẽ dùng kĩ thuật khắc ấn cùng cảm quan nghệ thuật của mình để tạo ấn, sao cho sản phẩm được tạo tác đảm bảo hai tiêu chí quan trọng, đó là tính thẩm mĩ và tính độc bản.

Tiền thân của ấn chương ở nước ta (theo Nguyễn Công Việt: Ấn chương Việt Nam từ thế kỉ XV đến cuối thế kỉ XIX) có thể thấy qua các con dấu có hoa văn niên đại khoảng thế kỉ XV-XVI tr.CN tìm thấy tại Hoa Lộc – Thanh Hóa năm 1974.

Cũng tại Thanh Hóa, các nhà khảo cổ đã phát hiện được 6 chiếc ấn nhỏ trong một ngôi mộ cổ, được đúc khoảng cuối thời Tây Hán đến đầu thời Đông Hán (tương đương với thời An Dương Vương, từ 257-147tr.CN), được coi là “chứng tích của ấn chương xuất hiện tại Việt Nam”. Riêng ấn chương thời Trần, hiện chí ít vẫn còn quả ấn “Bình Tường Thổ châu chi ấn”, khắc năm Đại Trị thứ 5 (1362).
Việc sử dụng ấn chương tại Việt Nam nếu chỉ tính đến hết thời Nguyễn, sơ bộ đã có lịch sử hơn hai nghìn năm.

Tất nhiên, việc sử dụng ấn chương không thể tách rời nghệ thuật chế tác ấn. Xem thế đủ biết, về mặt ấn chương, nước ta cũng là một nước có bề dày truyền thống.

Trên thế giới ấn chương được sử dụng rộng rãi, do đó đã có hẳn môn Ấn chương học (Sigillographie hoặc Sphragistique) chuyên nghiên cứu về hệ thống ấn chương qua các đời. Tại nước ta cũng có chuyên gia về ấn chương học, có công trình nghiên cứu về ấn chương đã xuất bản.

Đền Trần là một ngôi đền cổ, nổi tiếng là linh thiêng thì lẽ ra quả ấn nhân danh Đền Trần cũng phải đạt những tiêu chí cần có của một quả ấn bình thường.

Nếu muốn tạo tác một quả ấn riêng cho Đền Trần ta có thể tham khảo quả ấn “Bình Tường Thổ châu chi ấn” nói trên, cùng nhiều mẫu ấn cổ khác, đồng thời tham khảo thêm ý kiến của các chuyên gia về ấn chương và các nghệ nhân khắc ấn.

Còn như việc dùng mẫu chữ “khải” vi tính để khắc ấn phục vụ ngôi đền thiêng này (với kĩ thuật chế tác quá non kém) thì thật là một việc rất không nên.

Chưa dừng lại ở đó, cạnh dưới của quả ấn từ Đền Trần còn khắc thêm 4 chữ, “nghe nói” đó là bốn chữ “Tích phúc vô cương? ”. Xem vào bản in quả ấn mà nhiều người đã xin tại Đền Trần, 4 chữ này khắc chìm (trong nghệ thuật khắc ấn, kiểu khắc này gọi là “âm văn” hay “bạch văn”); khi nhìn kĩ, không rõ vì lí do gì, người ta đã khắc thiếu bộ “thổ” trong chữ “cương khiến chữ “cương”, biến thành chữ “cường” (nghĩa là “mạnh mẽ”).

Thay vì “Tích phúc vô cương”, nghĩa là “ban phúc vô bờ”, thì giờ đây, ấn lại khắc bốn chữ “Tích phúc vô cường?”, nghĩa là “Ban phúc không mạnh”.

Chẳng lẽ quả ấn mà nhiều người cho là linh thiêng, tâm thành đến Đền Trần làm lễ xin về với bao niềm kì vọng lại có lỗi khiến chỉ còn là quả ấn “Ban phúc không mạnh” thôi sao? Chúng tôi hy vọng rằng những bản ấn có sai sót mà chúng tôi xem là thứ thau lẫn trong vàng, do một quả ấn không phải của Đền Trần đóng.

_______________________________________________________

Posted in Chuyện lễ hội, Chuyện phong tục | Thẻ: , , | Leave a Comment »

Lời ru buồn sau những đêm tình ‘đi sim’

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Ba 8, 2010

Tá Linh

Trong thanh âm của cơn mưa chiều nơi đại ngàn làm con đường mòn dẫn vào xã Tà Rụt (huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) thêm heo hút. Từ phía bên kia vách núi, trong căn nhà sàn bạc màu thời gian, tiếng người mẹ trẻ ru con nghe não nề gan ruột. Sau cuộc chung đụng của những đêm tình “đi sim” là sự khổ đau của người mẹ, người vợ và những đứa con vô thừa nhận…

Nỗi buồn từ chiếc lá A năng

Tục “đi sim” là một truyền thống đẹp của tộc người Vân Kiều, Pa Cô sinh sống trải theo chiều dài của dãy Trường Sơn. Xưa kia, trai gái thường “đi sim” trong những đêm lễ hội như lễ Ruh Boh được tổ chức vào mùa rẫy (thường diễn ra tại nương rẫy của bản) hay lễ mừng lúa mới.

Ban đầu vào lễ Ruh Boh, già bản đọc lời kính cáo với thần sứ Kniéq vì sự ồn ào, khuấy động của dân bản trong suốt thời gian canh rẫy. Sau khi già bản kính cáo với thần sứ Kniéq, việc giữ rẫy được giao lại cho những thiếu nữ của bản ở căn chòi dựng tạm trên rẫy.

Từ đây, biết có gái đẹp ở lại giữ rẫy, con trai các bản lân la tìm đến chòi giữ rẫy để cùng con gái trong bản vào “đêm sim”. Có hàng vạn những đêm tình “đi sim” diễn ra như thế và nó đã trở thành một nét văn hoá của tộc người Vân Kiều, Pa Cô.

Truyền thống “đi sim” nay đã “biến tướng” đi nhiều, song theo già làng Hồ Nam (thôn Ka Hẹp, xã Tà Rụt) thì do người Vân Kiều, Pa Cô biết sử dụng một thứ lá thuốc bí truyền có tên là A năng có thể giúp trai gái “kế hoạch hoá” sau những cuộc chung đụng trong đêm tình “đi sim”.

Khi trai, gái bản hát đối đáp nhau qua điệu Xà Nớt: “Muốn có em về dệt cửi ở chân cầu thang/ Muốn có em như cái chân khung cửi/ Muốn có em mặc váy bên bếp lửa ở sàn” họ dẫn nhau lên rẫy với căn chòi đã dựng sẵn. Khi “tâm sự” với nhau, chỉ cần người con gái bỏ chiếc lá mang tên A năng bên hông mình hay trong túi áo là có thể… tránh thai(?!).

Hiệu quả của chiếc lá bí truyền A năng cho đến nay vẫn là một dấu chấm hỏi lớn, song theo những già làng, trưởng bản kể lại thì xưa kia với chiếc lá này, tộc người Vân Kiều, Pa Cô có thể giữ được truyền thống “đi sim” mà không sợ những hệ lụy có thể xảy ra với lớp người tuổi hoa niên trong bản.

Cũng theo các già làng “nhận diện” được chiếc “lá tránh thai” chỉ có những người lớn tuổi trong bản. Thường khi “đi sim”, nếu được bố mẹ đồng ý, người con gái sẽ được gia đình “trang bị” cho chiếc lá A năng làm vật bất ly thân khi bước vào đêm tình “đi sim”. Kết thúc những đêm tình “đi sim”, nếu thấy hợp nhau thì chàng trai về giục bố mẹ mang lễ vật sang nhà gái làm lễ “choõ van” (lễ “bỏ của” chuẩn bị cưới của người Vân Kiều, Pa Cô)…

“Đi sim” thời… hiện đại

Tục “đi sim” thời… hiện đại như cơn lốc cuốn về phía đại ngàn. Trai gái không còn tìm lên rẫy để “đi sim” vào các lễ hội và cũng không còn “nhớ” đến chiếc lá A năng thần kỳ kia nữa. Họ tìm hiểu nhau chóng vánh sau một vài phút trò chuyện rồi dắt nhau ra quán cà phê, quán nhậu bên đường mòn.

Sau khi tìm được “đối tác” họ không trở về “nhà sim” cộng đồng như truyền thống mà đưa nhau lên rẫy, xuống sông, chỗ vắng người để “tự tình”. Với những đêm tình chớp nhoáng, không ít những lời ru buồn của những thiếu nữ khi phải một thân một mình nuôi con còn chàng trai thì “quất ngựa truy phong” về phía núi…

Trời bắt đầu chập choạng tối, chúng tôi có mặt ở tuyến đường mòn Hồ Chí Minh – đoạn đi qua trung tâm xã Tà Rụt. Từ trong các hẻm, những chàng thanh niên “choai choai” với đầu tóc hai màu, quần jeans áo bó sát người tụ tập ngay đầu bản, ngồi phì phèo thuốc lá. Chỉ lát sau, từ trong các căn nhà sàn, những tốp thiếu nữ với chiếc váy truyền thống của người Vân Kiều, Pa Cô bước ra. Họ nhanh chóng làm quen, rồi đùa giỡn với nhau qua vài câu nói.

Những quán nhậu, quán cà phê mọc lên như “nấm sau mưa” ở trung tâm xã là điểm hẹn lý tưởng cho những cặp đôi tình tự. Tại đây, chúng tôi gặp anh Hồ Văm, một chàng trai ở tận bản 2, xã A Bung, cũng theo đám trai làng ra đây “đi sim”.

Văm cho biết: “Bữa nay trai gái 13-14 tuổi là biết đi “sim” rồi. Họ không còn đến nhà sim truyền thống nữa. Lễ hội giữ rẫy một năm chỉ có một lần thôi, “đợi” đến lúc đó trai bản mới có con gái mà “đi sim” thì chán lắm! Thanh niên tụi em bữa nay chỉ thích làm quen trong quán cà phê rồi rủ nhau xuống suối, lên đồi mà “sim” thôi”.

Thanh niên bản mình có còn biết hát Xà Nớt không?- tôi hỏi. Văm xua tay: “Ui, cái đó thì chịu rồi. Bữa nay không cần đi hát vẫn “sim” được con gái mà!”. Chưa dứt câu, Văm đã “lặn” mình vào trong đám trai bản…

Trời chuyển về khuya, tiếng chó cắn ma cứ thưa dần theo bóng dáng của đám trai bản. Nhóm con trai tụ tập hồi nãy đã tản đi khi tìm được “đối tác” thích hợp bắt đầu một “đêm sim”.

“Đi sim thời… hiện đại đã làm nạn tảo hôn diễn ra khá phổ biến ở những bản làng heo hút vùng cao sát biên giới và không ít những trường hợp kết hôn khi tuổi còn rất nhỏ”- Anh Kray Sức, Cán bộ văn hoá xã Tà Rụt nói với chúng tôi khi nhắc đến tục “đi sim”. Kray Sức cho biết thêm: “Mặc dù chính quyền xã đã có nhiều biện pháp ngăn chặn tình trạng trên nhưng xem ra không mấy hiệu quả. Trai gái sau khi “đi sim” rồi lén lút cưới nhau hoặc gia đình khai thêm tuổi để được cưới. Nạn tảo hôn không chỉ ảnh hưởng đến sức khoẻ sinh sản mà còn đẩy những hộ gia đình đến cảnh túng quẫn nghèo đói!”.

Lời ru buồn sau núi

Trong căn nhà sàn xiêu vẹo nằm chênh vênh bên ngọn đồi ở thôn Tà Rụt 2 (xã Tà Rụt, huyện Đakrông), chị Hồ Thị Nôi đang ngồi tách vỏ sắn cùng bé Hồ Văn Nam. Sáng nay chị không lên rẫy vì bé Nam bị sốt ly bì. Thấy chúng tôi, chị mệt mỏi bước xuống bậc thang nhà sàn chào khách. Bé Nam nay đã được 2 tuổi cũng là thời gian mà người tình của chị rời bỏ mẹ con chị khi biết tin chị mang trong mình giọt máu của anh ta.

Nhắc đến nỗi đau bị phụ tình, những giọt nước mắt chực trào dâng, chị kể: “Hồi đó mới nậy (lớn) miềng (mình) dại quá nên tin lời hắn. Hắn bảo hắn yêu miềng, đêm nào cũng dẫn miềng ra suối nói chuyện rồi lên rẫy đi “sim” suốt đêm cho đến sáng mới về nhà. Lúc đi miềng giấu không cho bố mẹ biết, đến khi miềng có thai thì hắn không nói gì chỉ lặng lẽ bỏ đi. Hai năm nay miềng lên rẫy trỉa ngô, sắn nuôi con chứ nhất thiết không đi tìm hắn nữa”.

Trong câu chuyện buồn về đời chị, chúng tôi thử gặng hỏi về “tung tích” của cha đứa bé, chị lắc đầu nguầy nguậy: “Không nói mô, nói mần chi, hắn đã bỏ đi rồi thì thôi. Miềng muốn được sống yên ổn để nuôi con, không muốn làm phiền bố mẹ vì bố mẹ đã xấu hổ, tủi nhục lắm rồi”. Sau khi người tình bỏ ra đi, đêm nào chị Nôi cũng ôm con ngồi khóc, cha mẹ thương, dựng cho căn chòi trên ngọn đồi heo hút nơi thôn Tà Rụt 2.

Hằng ngày, chị Nôi bỏ con trong A chói địu lên rẫy. Một nắng hai sương, mẹ con cơm cháo qua ngày. Chị tâm sự: “Miềng khổ cũng đã quen rồi. Chỉ tội cu Nam lúc mô cũng bi bô hỏi bố nó đâu…”, nói đến đây, những giọt nước mắt chảy trào rồi khô quắt trên gương mặt khắc khổ của người thiếu phụ.

Ở nơi bản làng heo hút này, những cuộc tình chớp nhoáng như cơn lũ rừng cuốn qua, để lại cho bao phận người nơi đây tận nỗi cùng cực.

Tìm đến thôn KaHẹp, xã Tà Rụt chúng tôi gặp chị Hồ Thị A Rá cùng bé Hồ Thị Xuân. Bé Xuân năm nay 3 tuổi là kết quả của đêm tình “đi sim” giữa chị A Rá và người tình cùng bản.

Trong buổi chiều hoang hoải của núi rừng, chị kể cho chúng tôi nghe về chuyện tình của đời chị. Những năm trước, chị Rá là thiếu nữ đẹp nhất thôn Ka Hẹp thời đó. Hằng đêm, bao nhiêu trai bản đứng rặt dưới chân cầu thang nhà sàn. Trong đám trai bản ở làng bên có người con trai đánh đàn A ben (một nhạc cụ truyền thống của người Pa Cô) và hát điệu Xà Nớt rất hay: “Từ thuở núi rừng còn hoang vu chưa có bóng người/Tôi chưa gặp được em/Bây giờ gặp được em rồi/Tôi thấy yêu em và muốn cưới em về làm vợ/Sau này sướng khổ có nhau…”.

Hằng đêm bên vách nhà sàn, tiếng hát cứ réo rắt, mời gọi. Sau 2 tháng trời “tìm hiểu” qua những đêm tình đi sim, đám trai bản dần dạt đi cả. Chị kể: “Tưởng hắn chân tình nên miềng tin lắm. Hắn bảo hắn yêu miềng, đi sim xong là cưới. Miềng tin hắn nên khước từ bao lời đề nghị của đám trai bản khác. Thế mà giờ hắn bỏ đi khỏi bản biền biệt…”.

Chị Hồ Thị Cam, Chủ tịch Hội phụ nữ huyện Đakrông cho hay: “Những năm gần đây, tục đi sim đã “biến tướng” khác xưa nhiều. Do ảnh hưởng của những luồng văn hoá xấu từ bên ngoài du nhập vào, như ở xã Tà Rụt còn nhiều trường hợp trẻ em sinh ra không được người cha thừa nhận. Trong số 19 em có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn cần được trợ giúp thì có đến 9 em có cha không thừa nhận hoặc bị bỏ rơi. Những hộ gia đình này hiện nay có cuộc sống rất khó khăn, nguy cơ đối diện với thiếu đói”

______________________________________________________________

Posted in Chuyện phong tục, Phong tục Vân Kiều | Thẻ: , , , , | Leave a Comment »

Bánh thiêng dâng Thần Nước của người Khmer

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Hai 26, 2010

SGTT – Hồi nhỏ có một thời gian dài nhà tôi tản cư qua xóm Cả Vĩnh thuộc xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu ngày nay. Đó là xóm người Khmer Nam bộ sống chung và chiếm số đông so với người Việt. Xóm nằm trên một con đường nhỏ và lọt thỏm giữa một cánh đồng rộng chạy mút tới chân trời. Ngoài mấy cái quán cóc lèo tèo thì dân ở đây đến chín mươi chín phần trăm làm nghề trồng lúa sinh sống.

Sáng thức dậy là cả xóm rộn ràng không khí mùa vụ, người lớn thì đi nhổ mạ cấy lúa hay đi gặt, trẻ con lùa trâu đi cày hay ra đồng cỏ. Nhìn ra đồng ở đâu cũng thấy hai thứ, đó là lúa và trâu. Xóm rất nghèo nhưng vui lắm. Người Kinh và người Khmer ở đây chẳng những là láng giềng thân thuộc mà còn ảnh hưởng cả huyết thống và tập quán tín ngưỡng. Hễ tết Việt thì người Khmer cũng gói bánh tét, cũng vui như hội và khi lễ lộc của người Khmer thì người Việt cũng nô nức đón chào. Tôi cảm thấy người ở đây hạnh phúc vì họ thừa hưởng văn hoá của cả hai dân tộc. Hồi đó trẻ nhỏ chúng tôi thích nhất là tết cổ truyền người Việt và lễ Oóc Om Bóc của người Khmer, hay gọi nôm na bằng tiếng Việt là lễ đút cốm dẹp.

Từ ngàn xưa, người Khmer Nam bộ chuyên trồng lúa nước. Thế nên họ cảm thấy công việc mùa vụ và cuộc sống hàng ngày đều cần đến nước, lệ thuộc vào nước. Nước có ảnh hưởng quyết định đến số phận của họ. Thế nên họ xem trọng nước, tôn thờ vị thần nước có tên gọi là Preas Kông Kia. Năm nào trúng mùa, không có hạn hán hay giông bão là năm Thần Nước ban phúc, năm nào thất mùa rồi giông bão là năm Thần Nước nổi giận. Người Khmer còn quan niệm là mặt trăng có sức hút, làm nên nước lớn nước ròng, nước nhiều nước ít. Thế cho nên Oóc Om bóc hay lễ đút cốm dẹp còn có một phần là lễ cúng trăng, và đại lễ này còn được gọi là lễ “đưa nước rước trăng”.

Lễ Oóc Om Bóc diễn ra đúng ngày rằm tháng mười, đó là tháng lúa chín, sắp kết thúc mùa vụ (hồi xưa một vụ lúa kéo dài đến tháng mười âm lịch). Và cũng là ngày trăng sáng nhất trong năm. Trăng sáng đến huyền hoặc, trải dài khắp đồng ruộng. Hương lúa chín nồng đượm ngập ngụa trời đất, báo hiệu với xóm làng rằng mùa no ấm đã về. Đất trời vui, mùa vụ vui, lễ với các hoạt động rất vui nên làng xóm tưng bừng. Ngoài việc đi chùa, đi xem đua ghe ngo thì việc của tất cả gia đình phải làm là dọn lễ vật ra giữa trời mà cúng trăng hay cúng Thần Nước vào ngày rằm tháng mười. Lễ vật thì đủ thứ: nhang đèn, hoa quả nhưng có một thứ không thể thiếu đó là món cốm dẹp. Cốm dẹp làm từ lúa nước, theo quan niệm từ ngàn xưa là dâng lên Thần Nước sản phẩm chính của mùa vụ để tỏ tấm lòng thành của người nông dân nhờ nước mà sinh sống. Trước đó hai, ba ngày, cả thôn sóc ra đồng chọn những bông lúa nếp oằn hạt và dài nhất rồi đem về nhà làm cốm. Trong những đêm trăng sáng trai gái làng dùng cối như cối giã gạo quết cắc… cum… nghe rất vui tai, giống như tết cổ truyền của người Việt ngày xưa quết bánh phồng. Họ vừa quết cốm vừa hò hát những điệu à dây trữ tình. Quết xong thì rủ nhau múa lâm thol bên ánh lửa rơm bập bùng trong khí trời mát mẻ của ngọn gió chướng sòng.

Để làm cốm dẹp, đầu tiên người ta đốt rơm hơ cho lúa mềm đi rồi bỏ vào cối quết cho đến khi vỏ lúa tróc ra, hạt gạo dẹp và trở nên dẻo hơn. Sau đó thì sàng, quạt cho bay hết lớp vỏ lúa để còn lại sản phẩm cốm dẹp. Rồi người ta cho đường cát và dừa nạo vào và thế là chiếc bánh cốm dẹp làm xong. Đây là một loại bánh cốm truyền thống ngàn năm của người Khmer Nam bộ, ngày nay đã trở thành món đặc sản của người Khmer, không thể thiếu được trong các đại lễ cổ truyền. Cốm dẹp ăn rất ngon, vừa có mùi thơm của hương vị lúa mới vừa dẻo vừa ngọt và béo của đường, nếp, dừa cộng lại. Người xưa thường nói ăn cốm dẹp “bắt ngây”, ý nói ăn hoài không muốn thôi. Trai gái làng mang theo để cùng ăn hoặc tặng cho nhau trong những đêm hẹn hò. Đây là quà tặng đầy ý nghĩa của người Khmer cho những bà con người Việt có quan hệ bạn bè, họ hàng.
Và trên hết đó là một loại bánh dùng để dâng cho Thần Nước và sau đó dùng đi chúc phúc cho trẻ con. Đêm rằm tháng mười, nhà nào cũng đặt một bàn hương án giữa trời, có người dùng cây đóng thành cái giàn cao, có người thì trải đệm dưới đất rồi thắp nhang đèn lên, bày lủ khủ hoa quả, nhưng trong đó đặc biệt phải có món cốm dẹp, bất luận kẻ giàu sang hay người nghèo khó. Cúng bái xong, người ta tập hợp toàn gia đình để ăn cỗ cúng và món khai vị đầu tiên cũng là cốm dẹp. Người đầu tiên được ăn là trẻ con chớ không phải người già. Người Khmer quan niệm rằng, họ dâng lên thần thánh những gì tốt đẹp nhất của mùa vụ thì khi ăn những cúng phẩm đó thánh thần sẽ ban phúc cho họ. Thế là người già nhất của gia đình cho vào trong tay một nhúm cốm dẹp rồi đút vào miệng trẻ em, bắt đầu từ đứa nhỏ nhất. Và họ cho rằng đó là cử chỉ chúc phúc, vào thời khắc đó mà đứa trẻ ước gì thì sẽ được thần thánh cho cái ấy. Có đứa ước lớn lên sẽ có nhiều vàng bạc châu báu, có đứa ước lớn lên thì trí dũng hơn người… Nói một cách khác, cốm dẹp là loại bánh thiêng của người Khmer Nam bộ.

___________________________________________________

Posted in Chuyện phong tục, Phong tục Khơme | Thẻ: | Leave a Comment »

Xuân về, nói chuyện lân

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Hai 21, 2010

Nguyễn Đình

Theo chân những người Hoa du nhập vào Sài Gòn, bộ môn nghệ thuật múa lân nay ngày càng phát triển. Tết đến cũng là lúc những “lò” lân rộn ràng cho mùa biểu diễn, với niềm tin mang lại điềm lành, điềm may mắn, tài lộc, hạnh phúc cho gia chủ.

Các lò lân xưa vùng Sài Gòn – Chợ Lớn khi ra đời đều được sự đỡ đầu của các bang hội, những nhóm đồng hương người Hoa Phước Kiến, Hải Nam, Quảng Đông, Hẹ… nhằm phục vụ biểu diễn nhân các dịp lễ hội trọng đại của bang phái. Thời ấy, các vận động viên múa lân đều là những võ sinh của các môn phái như Bạch Mi, Thái Lý Phật, Châu Gia, Hồng Gia Quyền… và múa lân của ngày xưa chính là sự kết hợp hài hòa của võ học với các động tác di chuyển để trở thành môn nghệ thuật biểu diễn đầy bản sắc.

Theo quan niệm của người Hoa, lân được xem là linh thú, tượng trưng cho sự oai võ, hùng mạnh, đem lại sự may mắn, điềm lành. Trong “thế giới kỳ lân”, mỗi màu sắc của lân tượng trưng cho từng nhân vật được phong là ngũ hổ tướng gồm Lưu Bị, Quan Công, Trương Phi, Triệu Tử Long và Huỳnh Trung. Xét trong đẳng cấp ngũ hỗ tướng, lân oai vệ nhất tượng trưng cho Lưu Bị, đây được xem là lân vương, trên mình lân phải có đủ 7 màu sắc, riêng mặt lân phải có đủ tứ linh (long, lân, quy, phụng). Cũng có thuyết nói rằng lân phân cấp theo ba màu chủ đạo tượng trưng cho ba vị tướng với thứ tự: Lưu Bị (trắng), Quan Công (đỏ), và Trương Phi (đen).

Trong biểu diễn, Lân phải thể hiện được đủ 10 động tác biểu đạt cảm xúc mới là lân thành nghề, những động tác gồm hỉ, nộ, ái, ố, động tĩnh, kinh, nghi, thuỵ, tỉnh, kết hợp cùng nhịp trống rộn ràng đã đẩy nghệ thuật múa lân lên đỉnh cao mới. Ngày nay, các vận động viên múa lân không nhất thiết phải là những võ sinh của các võ đường nữa, mà chỉ cần có niềm đam mê, yêu nghề, kết hợp cùng công phu luyện tập suốt năm ròng là có thể biểu diễn.

Mỗi lò lân đều có nhưng kỹ pháp riêng để thể hiện sự đặc sắc, lôi cuốn, hấp dẫn cho gia chủ, và cũng là khẳng định thương hiệu của mình. Những bài biểu diễn quen thuộc như: ngọc kỳ lân xuất động, lân hí Địa, tứ quý lân (bốn lân màu sắc khác nhau tượng trưng cho bốn mùa trong năm làm ăn phát tài), lân ăn dừa nhả lộc, trúc thanh (lân leo lên ngọn trúc hái lộc), lân lên mai hoa thung…

Bài biểu diễn lân lên mai hoa thung ngày nay đã trở thành một tiết mục đặc sắc của các “lò” lân, với việc thể hiện hình tượng lân vượt núi non trùng điệp, băng mình trên những trụ sắt xếp liền kề với độ cao thấp, dài ngắn khác nhau tuỳ vào công phu của từng vận động viên biểu diễn. Tiết mục này phải có sự kết hợp nhuần nhuyễn của hai vận động viên trên giàn thung, hòa cùng nhịp trống thật ăn ý trong từng động tác. Bài biểu diễn này được xem là đỉnh cao trong nghệ thuật múa lân, các “lò” lân khi tham gia hội thi lân – sư – rồng cấp quốc tế cũng đều phải trải qua bài biểu diễn đặc sắc này. Bên cạnh đó, những bài biểu diễn được biến thể từ lân như: lân hí cầu, lân đi cà kheo, múa sư… kết hợp thêm các động tác tạp kỹ, thể dục dụng cụ, biểu diễn nội công… càng tăng thêm tính hấp dẫn cho nghệ thuật múa lân, thu hút đông đảo người xem trong dịp xuân về.

__________________________________________________

Posted in Chuyện phong tục | Thẻ: | Leave a Comment »

Thắp đèn, thức cùng phiên chợ Viềng âm dương

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Hai 21, 2010

Cụ Nguyễn Văn Kỉnh, người làng Kim Thái móm mém cười khi đột nhiên có khách hỏi về những tên gọi khác của phiên chợ Viềng phố Phủ. Cụ bảo, ngoài tên chính danh, phiên chợ ấy còn được người dân bản xứ gọi bằng nhiều cách như: Chợ người âm, chợ tiên du, chợ Hổ….

Phiên chợ cõi âm

Nói về lai lịch cái tên chợ người âm, cụ Kỉnh cho biết: “Chợ Viềng trước kia đông nhất là vào buổi nửa đêm tảng sáng. Khi ấy còn chưa có đèn điện như bây giờ. Người bán phải soi hàng bằng đèn dầu hay đèn măng xông. Khách mua cũng phải ‘lọ mọ’ trong thứ ánh sáng leo lét ấy mà chọn đồ.”

Đứng từ trên đỉnh ngọn núi Ngăm gần đó nhìn xuống, cả phiên chợ chỉ là một dải những đốm lửa chập chờn lúc mờ, lúc rạng. Từ đó, người dân đã vui miệng gán cho chợ Viềng cái danh phiên chợ của người âm.

“Ấy vậy mà ngày càng có nhiều khách thập phương muốn hóa thành người âm, hưởng không khí âm và mua được một vài món đồ từ phiên chợ âm ấy,” cụ Kỉnh hóm hỉnh bảo.

Ngay từ 4 giờ chiều ngày mùng 7, từ khắp các ngả đường dẫn vào chợ, xe cộ đã rầm rập kéo về. Kẻ Thanh Hóa, Ninh Bình người Thái Bình, Hà Nội… Chỉ trong chốc lát, chợ đã nêm kín người.

Chen chúc trong đám đông ồn ã, anh Nguyễn Văn Thưởng (Thanh Hóa) cho hay: “Chợ Viềng mỗi năm chỉ có một phiên, nên dù xa nhưng tôi vẫn phải về cầu may cho cả năm”.

Thậm chí, xen lẫn trong rừng xe xếp la liệt trên các bãi xung quanh chợ còn có cả những xe đến từ Lai Châu, Điện Biên, Yên Bái.

Cho đến khoảng 9 giờ tối, những ngả đường chính dẫn vào chợ đã rơi vào tình trạng “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Để được làm người âm trong phiên chợ Viềng, nhiều người đã cởi cả giày để lội qua ruộng hay thuê cánh xe ôm dẫn vào qua các đường làng nhỏ hẹp.

Càng về khuya, chợ càng náo nhiệt. Những người bán cây từ tận Nam Điền, Mỹ Lộc (Nam Định) ngồi co ro sau rừng cây, vườn cây nhỏ xíu của mình. Mỗi khi có khách, họ vội vã rọi ánh đèn pin loang loáng cho khách lạ “ngắm” cây và ngã giá.

Đây đó thưa thớt xuất hiện những cây đèn măng xông, đèn dầu… cũ kỹ leo lét cháy bên những ván cờ thế dang dở hay một phản thịt bò còn nguyên con. Người vào chợ, mặc kệ đủ thứ tiếng ồn ào, mặc kệ kẻ đẩy, người chen, cứ theo thứ ánh sáng yếu ớt ấy mà đi tìm những món đồ mình tâm đắc.

Một điều trùng hợp khá thú vị khác là chợ Viềng Phủ năm Canh Dần lại được mở trên khu vực đất của một chợ quê cũng mang tên Hổ, chợ Dần. Điều này càng khiến cho du khách kéo về chợ đông hơn.

Náo nức thức trắng đêm dù mua hàng giả

Nửa đêm, chợ bước vào giờ cao điểm. Khu vực bán cây và nông cụ cũng trở nên đông đúc hơn bao giờ hết. Lúc này, cả người mua và người bán đều phải lọ mọ chọn hàng, ngã giá và trao đổi dưới ánh đèn pin loang loáng sáng.

Những sạp cây mới hồi chiều còn bị chê thế xấu, lá héo… đến giờ đã nườm nượp người ra vào. Trong ánh sáng mờ tỏ, khách đã dễ tính đi nhiều và chủ yếu chỉ còn chọn hàng theo cảm tính.

Chỉ tay vào một gốc sung già lúc lỉu quả được chủ sạp ngã giá 500.000 đồng, anh Lâm, người làng cây cảnh Nam Điền cho hay: Hầu hết quả anh nhìn thấy đều là được gắn vào thân bằng keo 502.

“Loại sung cảnh này khi vận chuyển, quả rất dễ rụng. Người bán dùng keo đính lại quả, sau đó phủ lên trên một lớp mùn cưa ẩm. Khách hàng sẽ không thể nhận ra được điều này nếu không phải là người trong nghề,” anh Lâm nói.

Để chắc ăn, nhiều người đã chọn mua những loại cây bình thường như: chanh, bưởi, trúc… với giá chỉ trên dưới 50.000 đồng.

Thậm chí, ngay cả những đồ gốm sứ bình thường, nhưng khi đã vào đến chợ, ngay lập tức cũng được người bán thổi giá lên rất cao. Một cặp ang da lươn bình thường có tuổi đời chỉ vài năm được người chủ hàng nọ chào bán là ang cổ của… Tàu với giá 2 triệu đồng. Cặp bình men rạn cao với những cái tên mỹ miều như Song Phúc, Song Môn… cũng được treo giá trên 5 triệu đồng.

Đắt đỏ là vậy, nhưng khách vẫn cứ đông. Và nếu khéo mặc cả, cặp ang nọ có thể được trao tay với chỉ… vài trăm ngàn.

“Thật hay giả không quan trọng, tôi chỉ cần có được một món đồ ưa thích để lấy may cho cả năm,” một người mua khẳng định.

Đặc biệt nhất, đến với chợ Viềng, khách sẽ có cơ hội được thấy người dân bản xứ mổ trâu, bò ngay bên hông những ngôi nhà. Thịt xẻ ra vẫn còn nóng hổi mùi rơm thui được bày kín những phản, những sạp quanh khu vực chợ. Có người chơi sang, bày bò nguyên con, “ngạo nghễ” nhe răng… cười cùng du khách. Người tới chợ xúm lại hỏi mua, sờ đầu và… chụp ảnh.

Nhìn phiên chợ ngày càng huyên náo hơn, cụ Kỉnh bảo: Dù chợ Viềng đã đổi thay nhiều, thật giả lẫn lộn nhưng cái quý là vẫn thu hút được du khách. Và khách, họ vẫn cứ rất hài lòng vì đã được một lần hóa thân vào phiên chợ âm dương hiếm hoi của xứ Bắc.

Theo Sơn Bách – Nguyễn Hà
___________________________________________

Posted in Chuyện phong tục | Thẻ: | Leave a Comment »

Đi chợ Chuộng… đánh nhau cầu may

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Hai 19, 2010

Công Sơn – Hải Trung Kim

“Bỏ con, bỏ cháu, không bỏ mồng sáu chợ Chuộng”, cứ đến mồng 6 Tết hàng năm, người già, trẻ nhỏ lại nô nức kéo về chợ Chuộng để đánh nhau, cầu cho một năm mới khỏe mạnh, phát tài.

Choảng nhau bằng cà chua, trứng thối và… kiếm

Nằm ven bên con sông Hoàng, thuộc địa phận đội 5, xã Đông Hoàng (huyện Đông Sơn, Thanh Hóa), từ 5h sáng mồng 6 Tết, chợ Chuộng đã tấp nập người ra vào, càng về trưa lại càng đông. Đến chợ để thưởng thức các món bánh, bát phở hay mua một vài món đồ chơi dân gian, họ cho rằng như thế để lấy may mắn.

Các cụ cao niên kể rằng, ngày xưa, vào thời Lê Lợi có một vị tướng đánh giặc chạy ngang qua làng này thì bị kẻ địch vây bắt. Để tránh bị địch phát hiện, vị tướng đã huy động nhân dân quanh vùng đó họp chợ để che mắt quân thù. Vũ khí được giấu trong những gánh hàng.

Quân địch tưởng đó chỉ là một phiên chợ quê bình thường, mất cảnh giác nên khi vị tướng phát lệnh, dân làng bất ngờ tấn công khiến quân địch không kịp trở tay. Để tưởng nhớ chiến công đó, cứ đến ngày mồng 6 Tết là người dân quanh vùng lại tụ tập họp chợ.

Tuy nhiên, những năm gần đây, chợ Chuộng dần trở thành nơi để thanh niên làng này với làng khác giải quyết ân oán, thù hằn. Du khách đến chợ Chuộng phần nhiều để ăn chơi, đánh bạc và đánh nhau, hoạt động mua bán thì ít, cầu may đổ rủi thì nhiều.

Đặc biệt người đến chợ Chuộng dù là không quen biết, nhưng hễ gặp nhau là họ… choảng nhau bằng cà chua, táo, trứng thối. Những trận “mưa cà chua” túi bụi vào một nhóm con gái nào đó, hoặc ngược lại. Họ cho rằng đó là cách “tỏ tình” với nhau hay trao niềm may mắn cho nhau khi đi chợ Chuộng.

Năm nào tại chợ Chuộng cũng có những trận đánh nhau lớn. Người đến phiên chợ mua bán may rủi ngày một đông thì các vụ đánh nhau ngày càng nhiều.

Cứ tầm giữa phiên chợ thì cảnh các toán thanh niên làng này với làng khác cầm dao, kiếm rượt đuổi nhau làm náo loạn cả chợ. Nhiều cuộc tỉ thí, đâm chém công khai gây thương tích khiến nhiều người dân sợ hãi bỏ về. Có năm đã xảy ra án mạng sau những vụ cuộc giải quyết ân oán.

Cách đánh nhau ở chợ Chuộng cũng “rất chợ”, có nghĩa là không theo một quy định nào cả. Không phải vì hiềm khích, thù oán với nhau, mà họ đánh nhau vì muôn ngàn lí do kháu nhau.

Theo quan niệm của người dân địa phương, năm nào chợ Chuộng đánh nhau không to thì năm đó dân làng làm ăn kém may mắn.

Giải quyết ân oán từ năm này qua năm khác

Chợ Chuộng năm nay có khoảng hơn 2.000 người đổ về từ các huyện Đông Sơn, Triệu Sơn và Thiệu Hóa.

Chính quyền địa phương nơi đây đã huy động hết lực lượng để đảm bảo an ninh, trật tự cho phiên chợ. Dù vậy, họ vẫn không thể giải quyết xuể.

Anh Lê Văn Thường – cán bộ công an xã Thiệu Lý cho biết: “Chúng tôi đã huy động tất cả lực lượng để trấn áp, bảo vệ phiên chợ. Mặc dù đã kiểm soát hết sức chặt chẽ nhưng có quá nhiều vụ ẩu đả quá chớn liên tiếp nhau nên không sao ngăn được”.

Đang trò chuyện với chúng tôi, anh Thường phải cùng lực lượng công an chạy ra nơi đám đông phía ven đê giải quyết vụ đánh lộn. Một tốp thanh niên khoảng 8-9 người dùng dao, phớ đuổi hai thanh niên khác chém liên tục vào lưng khiến hai anh phải nhảy xuống sông thoát thân. Đám thanh niên định dùng gạch, đá ném tiếp nhưng lực lượng công an và dân quân đến can thiệp nên đám thanh niên mới bỏ chạy.

Ngay sau đó, ở phía cuối góc chợ lại xảy ra vụ ẩu đả mới. Nhóm thanh niên khác cướp dao của người bán thức ăn gia súc rượt đuổi đối phương nhưng rất may lực lượng công an địa phương có mặt kịp thời nên chưa xảy ra sự việc đáng tiếc.

Tan chợ, chúng tôi lại chứng kiến một toán thanh niên xã Đông Hoàng đưa một người bạn trong nhóm bị thương tích nặng ra về. Mấy anh thanh niên bực tức hét toáng lên: “Năm nay bị đòn nặng quá, đợi đến phiên chợ Chuộng năm sau ông cho bọn mày biết tay…”.

__________________________________________________

Posted in Chuyện phong tục | Thẻ: | Leave a Comment »

Nhộn nhịp chợ bò đầu xuân

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Hai 19, 2010

Trường Long

Từ sáng sớm tinh mơ, những chú bò, bê đã được người dân đưa đi họp chợ. Phiên chợ khai xuân cũng tấp nập khác thường.

Từ hàng chục năm nay, cứ đến mùng 6 tết, người dân các huyện Thanh Chương, Nam Đàn, Đô Lương (Nghệ An) lại tìm đến chợ bò ở xã Thanh Dương (huyện Thanh Chương) để họp phiên đầu năm.

Trên một gò đất cao giữa làng, hàng trăm chú bò, bê con được người dân mang đến chờ định giá. Khoảng 7h sáng, các lái buôn và những người muốn mua bò cũng bắt đầu tìm đến chợ. Là phiên chợ khai xuân, khách đến chợ chủ yếu là chọn bò giống để chuẩn bị cho vụ mùa sắp tới, còn lái bò thì đến đây với hi vọng đầu năm mở hàng thành công.

Sau những lời chào hỏi sức khỏe gia đình đầu năm mới, cả người mua lẫn kẻ bán đều chỉ chú trọng vào việc xem xét “tướng tá”, “xoáy đồ” và định giá từng chú bò.

Anh Nam, một khách mua bò đến từ huyện Nam Đàn vừa xem xét tỉ mỉ chú bê con vừa cười nói vui vẻ: “Phiên chợ đầu năm nên phải chọn mở hàng những con thật ưng ý, to khỏe, béo tốt để vừa bán được giá vừa tạo khí thế mới cho cả một năm làm ăn mới”.

Anh Nam vừa dứt lời, cả góc chợ đều hướng về một nông dân khác của huyện Thanh Chương đang vừa dắt chú bê vào chợ vừa khoe: “Con này mới nuôi được 5 tháng, nay cần tiền bán để ra tết gửi cho con đi học. Dáng dấp to khỏe, xoáy đồ miễn chê, đầu xuân bán rẻ ai muốn mua thì mua đến xem…”

Bên cạnh những người dân có bò dắt đi bán thì đội ngũ lái buôn là nhân tố làm nên sự nhộn nhịp của phiên chợ này. Để chuẩn bị cho phiên chợ khai xuân, từ cuối năm trước, anh Minh, một lái buôn ở huyện Thanh Chương đã cố gắng gom những chú bò đẹp nhất từ các vùng, đến sáng mùng 6 tết, những chú bò ấy là tâm điểm của cả khu chợ, được rất nhiều khách quan tâm và thường bán được giá cao.

Để nhanh chóng bán được hàng cũng như mua được những chú bò, bê mà mình ưng ý cả người bán lẫn kẻ mua đều nhờ đến một đội ngũ những tay “cò bò”. Những người này có nhiệm vụ xem xét, định giá cho phù hợp, sau khi thương vụ hoàn thành, họ sẽ được nhận tiền thưởng từ cả hai phía.

Sau khi giao dịch thành công, người bán và kẻ mua sẽ cùng nhau đến một chiếc bàn nhỏ ở phía góc chợ, nơi đó đã có cán bộ địa phương sẵn sàng làm thủ tục “sang tên đổi chủ”.

Phiên chợ khai xuân Canh Dần này được coi là khá suôn sẻ với cả người bán lẫn kẻ mua, chỉ trong mấy tiếng đồng hồ buổi sáng, hàng chục chú bò, bê con khỏe, đẹp được giao dịch thành công, những tay “cò bò” cũng vì thế mà hi vọng vào một mùa làm ăn thắng lợi.

Đến gần trưa, chợ vãn, những người mua, bán được hàng lại chào nhau ý ới, chúc nhau năm mới làm ăn phát tài, những người không bán được cũng vui vẻ dắt bò về, hẹn đến phiên chợ sau…

_______________________________________________________

Posted in Chuyện phong tục | Thẻ: | Leave a Comment »