NGÔN NGỮ & VĂN HÓA

CHÚC MỪNG NĂM MỚI

Archive for the ‘Chuyện lịch sử’ Category

Trận hải chiến Gạc Ma: Những ngôi mộ gió

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Bảy 28, 2011

TP – Ít ai biết Nghĩa trang liệt sĩ thành phố Đà Nẵng hiện có 6 trong số 7 ngôi mộ gió của những liệt sĩ Trường Sa hy sinh năm 1988 khi bảo vệ đảo chìm Gạc Ma. Có người mẹ già cứ đến ngày giỗ chung 14-3 lại mặc lên mình chiếc áo hải quân ngày nào của con để lên thăm mộ.

Linh thiêng mộ gió

Những ngôi mộ đều tăm tắp ốp đá granito nơi nghĩa trang thành phố sáng bừng trong nắng gió. Dưới gốc cây lớn nhất nghĩa trang sau lưng tượng đài có một chùm ngôi mộ quây quần, mà nếu không đọc tên liệt sĩ và ngày hy sinh, sẽ không biết đó là mộ gió của những người lính hải quân ngã xuống đảo chìm Gạc Ma – Trường Sa 23 năm về trước.
Ngay người quản trang Phan Văn Nuôi cũng tỏ ra hơi bất ngờ về chuyện ấy, khi tôi cùng ông ra thăm mộ. Đã có những vòng hoa tươi của nhiều cơ quan doanh nghiệp, có lẽ đoàn viếng từ lúc sáng.
Ra đảo nhỏ Lý Sơn (Quảng Ngãi), từng gặp hàng trăm mộ gió của những người lính Hoàng Sa từ hàng trăm năm trước. Giờ là mộ gió Trường Sa. Sáu dòng tên: Phan Văn Sự, Trương Quốc Hùng, Lê Văn Xanh, Trần Tài, Nguyễn Hữu Lộc, Phan Văn Lợi, khác nhau năm sinh tháng đẻ, nhưng cùng là người Đà Nẵng, cùng hy sinh một ngày 14-3-1988. Và cùng để lại xương thịt nơi biển khơi.
Nhớ câu chuyện lúc sáng với mẹ Huỳnh Thị Kế (80 tuổi) trong ngôi nhà thấp bé, đồ đạc tuềnh toàng khuất sâu trong con hẻm nhỏ đường Núi Thành (phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu). Con mẹ, liệt sĩ Nguyễn Phú Đoàn, lúc trước cũng được thành phố lập mộ gió tại đây, là ngôi mộ thứ 7. Nhưng sau rồi vợ chồng tuổi già đau yếu, neo đơn, mẹ xin di dời con trai về quê nhà nơi nghĩa trang liệt sĩ phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn) để gần bớt một đỗi đường.
Mộ gió, di dời thì vẫn chỉ là mộ gió. Nhưng dù chỉ là nắm đất mang từ nơi này đến nơi khác, vẫn chất chứa trong đó phần tâm linh – sợi dây liên lạc giữa người đã khuất và người còn sống. Trong số 7 liệt sĩ Trường Sa lập mộ gió nơi đây, chỉ duy nhất gia đình liệt sĩ Lê Văn Xanh nặn hình nhân thế xác. Ông Lê Văn Xuân (ở đường Nguyễn Thành Ý, phường Hòa Cường Nam), cha liệt sĩ Xanh, bùi ngùi: Cháu nó là con đầu trong 8 anh em, đàn giỏi, hát hay, tính tình sôi nổi. Không biết có quá tâm linh không, nhưng có những chuyện không thể không nghĩ.
Mấy năm sau ngày Xanh hy sinh, thì em gái út sinh năm 1983 cũng chết đuối ở sông Đò Xu gần nhà cũ. Nhiều người bảo Xanh thấy đứa em gái mình thương yêu nhất nhà, lại bị bệnh về thần kinh rất khổ tâm, nên đã về dẫn em đi, giờ hai anh em đang vui đùa bên nhau. Hay như người yêu, mấy năm sau ngày Xanh hy sinh đã đi lấy chồng. Nhưng cuộc hôn nhân không thành, cô ấy, nghe nói, đã lên chùa …
Hằng năm, cứ đến ngày giỗ chung 14-3 (26 tháng giêng âm lịch), ngày kỷ niệm Thương binh liệt sĩ 27-7, và dịp tảo mộ, những người cha mẹ già lại gặp nhau bên mộ gió linh thiêng của những đứa con.

Mẹ vẫn mặc tấm áo của con

Riêng với mẹ Lê Thị Muộn (ở đường Hàn Thuyên, phường Hòa Cường Bắc), mẹ liệt sĩ Phan Văn Sự, thì ngày 14-3 cũng chính là ngày giỗ của chồng, ông Phan Văn Bé. Mẹ kể: 5 giờ sáng ngày hôm ấy, nghe tin trên đài báo tin đảo của ta bị tấn công, nhiều chiến sĩ hy sinh. Ông Bé lúc ấy đang ốm nặng, linh cảm về chuyện chẳng lành xảy đến với con trai khiến ông lịm đi. Đến 3 giờ chiều ông mất.
Đến nhà khi mẹ vừa đi dự gặp mặt ngày thương binh liệt sĩ ở quận Hải Châu về. Mẹ kể không hiểu sao từ đầu tháng 7 này, mẹ bỗng khỏe ra, đi lại được nhiều. Chứ thường ngày cái tuổi 80 khiến mẹ đau yếu, khó nhúc nhắc chân tay. Nhắc đến kỷ vật, mẹ lấy ra cái áo khoác bằng vải kaki trắng cổ khoét tròn trông lạ mắt.
Thì ra sau ngày Sự hy sinh, đồng đội gửi về bộ quân phục hải quân, mẹ đã tự tay tháo ra may lại thành cái áo khoác cho mình để mặc mỗi khi lên mộ thăm con, và những dịp gặp mặt 27-7 hàng năm. Còn cổ áo và viền tay sọc ngang kiểu hải quân thì mẹ cất kỹ trong tủ. Rồi như mọi lần, mẹ lặng lẽ mặc hơi ấm của đứa con lên người, đôi tay run run cài từng hột nút.
Mẹ kể, mấy năm trước đơn vị cũ của con tìm về gia đình lấy mẫu máu và ADN của người trong gia đình. Bởi trước đó tìm được một số xương cốt quanh khu vực anh em hy sinh. Nhưng sau đó không có hồi âm, cũng có nghĩa không phải di thể của những liệt sĩ Đà Nẵng, của con mẹ. Để rồi những ngôi mộ gió vẫn nguyên vẹn là những ngôi mộ gió.
Trưa, ghé thăm nhà mẹ Huỳnh Thị Kế, khi mẹ đang xúc cơm cho chồng bị tai biến. Ngồi một lúc, mẹ lặng lẽ ra thắp nhang nơi ban thờ ngoài sân. “Con ơi, Đoàn ơi! Sáng nay quận mời mẹ lên gặp mặt để nhớ tới con. Nhiều người hỏi thăm con. Mẹ cũng soạn sửa rồi, ngày mai mẹ về mộ thăm con…”. Người mẹ tuổi 80 đầu tóc bạc phơ, gương mặt trầm mặc lầm rầm nói chuyện hồi lâu với đứa con trai.
Hỏi mẹ sao thờ con trai ở ngoài sân, mẹ bảo: “Cái chết của nó thiêng liêng lắm, trở thành “nhân thần” rồi, mẹ nghe người ta nói vậy, và bày cho mẹ thờ ngoài này”. Thời gian dằng dặc, chiếc áo hải quân ngấm biển mặn Trường Sa đồng đội con mẹ gửi về, nay đã mục nát. Trong căn nhà cũ kỹ, mẹ cũng chẳng còn chút gì di vật của con, ngoài tấm ảnh để thờ.
Qua di ảnh, chàng trai Nguyễn Phú Đoàn trẻ trung, mạnh mẽ trong quân phục hải quân. Mẹ bảo ảnh gốc nó có đeo súng, nhưng ảnh cũng bị nhòe mờ, mẹ đưa thợ ảnh sửa lại, chỉ giữ lại được khuôn mặt, còn khẩu súng thì không. Giờ đây, mẹ chỉ còn biết giữ hình ảnh con trong tâm tưởng.

Ông Lê Văn Xuân chỉ giữ lại được tấm yếm hải quân của con trai Lê Văn Xanh, nay cũng đã mục rách nhiều chỗ do ngấm nước biển. Có mấy lá thư ngày ấy Xanh gửi về nhà, thì bên quân khu vừa mượn về để quay phim tư liệu. Ông bảo, sáng mai, ngày 27-7, ủy ban phường Hòa Cường Nam tổ chức xe đưa ông và thân nhân các liệt sĩ tại địa phương lên Nghĩa trang liệt sĩ thành phố để dự lễ tưởng niệm.
Xung quanh những ngôi mộ gió Trường Sa nơi đồi núi Hòa Khương (huyện Hòa Vang), lại là cuộc gặp lại của những người cha, người mẹ tuổi tác đã run rẩy với thời gian. Lại là những lời thầm thì, những giọt nước mắt, những câu chuyện mới về làng xóm, bạn bè với những đứa con mà xác thân đã gửi lại nơi trùng xa biển đảo quê hương…

theo Trần Tuấn
____________________________________________________________

Posted in Chuyện lịch sử, Chuyện đất nước, Việt Nam và thế giới | Thẻ: , , | Leave a Comment »

Trận hải chiến Hoàng Sa năm 1974

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Bảy 7, 2011

Sau khi quân Pháp rút khỏi Đông Dương, theo Hiệp định Genève 1954, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) đảm nhiệm chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa cho đến khi Trung Quốc xâm chiếm bằng vũ lực ngày 19-1-1974. Trận hải chiến bảo vệ quần đảo Hoàng Sa năm 1974 của Hải quân VNCH là một bằng chứng lịch sử rõ ràng cho thấy Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế khi sử dụng vũ lực để cưỡng chiếm Hoàng Sa từ tay VNCH đang thực thi chủ quyền lâu đời của Việt Nam theo luật pháp quốc tế và việc liên tục thực thi chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này là một hiển nhiên trong lịch sử.

Trên thực tế khi ra tiếp quản quần đảo Hoàng Sa tháng 4-1956 từ quân đội Pháp, Hải quân VNCH phát hiện Trung Quốc đã bí mật chiếm đóng trái phép các đảo phía đông của quần đảo này. Kể từ đó cho đến khi diễn ra trận hải chiến 1974, vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam không còn bình yên truớc những diễn biến làm phức tạp tình hình từ phía Trung Quốc. Từ năm 1956, Hải quân VNCH đã phát hiện ngư dân Trung Quốc nhiều lần xâm nhập trái phép các đảo phía đông quần đảo Hoàng Sa do chính quyền VNCH quản lý. Hiệp định Paris được ký kết ngày 27-1-1973, chấm dứt mọi sự can thiệp quân sự của Hoa Kỳ tại Việt Nam. Hạm đội 7- Thái Bình Dương của Hoa Kỳ cũng rút quân và các thiết bị ra khỏi vùng quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Kể từ đó, các hoạt động xâm nhập trái phép của Trung Quốc lên các đảo trong quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam ngày càng gia tăng.

Để mở đầu cho kế hoạch gây chiến và đánh chiếm, ngày 11-1-1974 Trung Quốc đột ngột ra Tuyên bố phản đối việc chính quyền VNCH 4 tháng trước điều chỉnh sáp nhập quần đảo Trường Sa vào xã Phước Hải, quận Đất Đỏ, tỉnh Phước Tuy của Việt Nam và nhắc lại yêu sách vô lý của họ về chủ quyền trên toàn bộ các đảo và quần đảo ở Biển Đông, trong đó có Hoàng Sa và Trường Sa (Trung Quốc gọi là Tây Sa và Nam Sa). Ngay lập tức, ngày 12-1-1974, Ngoại trưởng Vương Văn Bắc của chính quyền VNCH ra Tuyên bố bác bỏ yêu sách vô lý của Trung Quốc về chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ngày 16-1-1974, chính quyền VNCH tiếp tục ra Tuyên bố với những bằng chứng rõ ràng về pháp lý, địa lý, lịch sử minh chứng chủ quyền lâu dài và liên tục của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Cũng trong ngày 16-1-1974, tuần dương hạm Lý Thường Kiệt (HQ-16) khi đưa một phái đoàn ra quần đảo Hoàng Sa để khảo sát xây dựng sân bay thì phát hiện hai chiến hạm của Trung Quốc gần đảo Cam Tuyền và quân Trung Quốc đã chiếm đóng trái phép, cắm cờ Trung Quốc tại các đảo Quang Hòa, Duy Mộng, Vĩnh Lạc… Nhận được tin báo khẩn cấp, Bộ Tư lệnh Hải quân VNCH điều thêm chiến hạm ra quần đảo Hoàng Sa để ngăn chặn các hoạt động xâm phạm chủ quyền Việt Nam trên vùng biển này của tàu chiến Trung Quốc với thái độ ôn hòa, kiềm chế. Cùng lúc đó, Trung Quốc cũng đã điều động một lực lượng tàu chiến hùng hậu tiến về phía quần đảo Hoàng Sa, trong đó có nhiều tàu đánh cá vũ trang và đổ bộ lên một số đảo trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam để cắm cờ. Một số tàu cá vũ trang của Trung Quốc còn bám theo các chiến hạm của Hải quân VNCH đang trên đường ra Hoàng Sa, cản trở hành trình của các tàu Việt Nam bằng những hành động khiêu khích.

Ngày 17-1-1974, khu trục hạm Trần Khánh Dư (HQ-4) đổ bộ một toán biệt hải lên đảo Vĩnh Lạc để nhổ cờ Trung Quốc. Toán đổ bộ còn phát hiện một số ngôi mộ giả mới đắp không hề có xương cốt với những tấm bia gỗ ghi chữ Trung Quốc với ngày sinh và ngày chết hàng mấy chục năm về trước. Theo các nhân chứng, đêm 17 rạng sáng ngày 18-1-1974 là một đêm cực kỳ căng thẳng. Trung Quốc tăng cường lực lượng và cố tình gia tăng sự khiêu khích, các chiến hạm của họ bắt đầu tiến sâu vào vùng biển quần đảo Hoàng Sa. Các tàu chiến của Hải quân VNCH liên tục ra tín hiệu cảnh báo: “Đây là lãnh hải Việt Nam, yêu cầu các ông hãy rời khỏi đây ngay”. Phía Trung Quốc cũng ra sức đáp trả và cho rằng quần đảo Hoàng Sa là “lãnh hải” của Trung Quốc, họ lì lợm không rút lui theo yêu cầu và cảnh báo ôn hòa từ phía Việt Nam. Ngày 18-1-1974, chiến hạm HQ-4 tiến về phía đảo Cam Tuyền, đổ bộ một toán biệt hải lên đảo lúc 8 giờ sáng. Sau khi hạ cờ Trung Quốc, toán đổ bộ phát hiện những ngôi mộ giả do phía Trung Quốc mới đắp giống như trên đảo Vĩnh Lạc hôm trước. Đến 11giờ cùng ngày, nhận được tin báo có hai tàu đánh cá vũ trang của Trung Quốc đang xâm nhập trái phép và tiến về quần đảo Hoàng Sa, các tàu HQ-4 và HQ-16 của Hải quân VNCH ra ngăn chặn, dùng tín hiệu cảnh cáo và yêu cầu các tàu xâm nhập trái phép ngay lập tức phải rút ra khỏi vùng biển Việt Nam. Nhưng hai tàu cá vũ trang của Trung Quốc không chấp hành hiệu lệnh và cố tình khiêu khích, gây hấn. Tàu HQ-4 tiến thẳng đến gần một tàu cá Trung Quốc, nhìn thấy rõ thủy thủ đoàn trên tàu mặc đồng phục xanh dương đậm, có trang bị 2 súng đại liên và rất nhiều súng tiểu liên cá nhân. Tàu HQ-4 quyết định áp sát mạn tàu đánh cá vũ trang của Trung Quốc để xua đuổi và dùng loa phóng thanh hết cỡ yêu cầu họ ngay lập tức rút khỏi vùng biển Việt Nam. Phía Trung Quốc cũng ra sức đáp trả bằng những lời lẽ khiêu khích và gây hấn. Thấy không tác dụng, tàu HQ-4 dùng mũi ủi vào tàu Trung Quốc. Trước thái độ cương quyết của Hải quân VNCH họ vội vàng tháo lui. Chiến hạm HQ-16 cũng quyết liệt tham gia xua đuổi tiếp các tàu cá vũ trang còn lại của Trung Quốc trong khu vực này. Buổi chiều cùng ngày, 3 chiến hạm của VNCH bao gồm tuần dương hạm Lý Thường Kiệt (HQ-16), khu trục hạm Trần Khánh Dư (HQ-4), tuần dương hạm Trần Bình Trọng (HQ-5) được lệnh sắp đội hình hàng dọc tiến về đảo Duy Mộng. Khoảng 16giờ cùng ngày, có hai tàu chiến của Trung Quốc tiến ra khiêu khích, cắt đường ngang mũi các tàu HQ-4 và HQ-16. Do đội hình bị chia cắt, tàu của VNCH không thể tiến lên được, khoảng cách của hai bên rất gần nhau, các khẩu đại bác trong tư thế sẵn sàng chiến đấu nhưng các tàu của VNCH được lệnh phải hết sức kiềm chế và phải cố gắng hết sức để thuyết phục phía Trung Quốc lui quân.

Đêm 18 rạng sáng 19-1-1974, tàu chiến và tàu đánh cá Trung Quốc vẫn tiếp tục gia tăng khiêu khích và ngày càng tiến đến gần quần đảo Hoàng Sa. Tàu HQ-4 phải dùng còi hơi thật to và đèn hồ quang thật sáng trên nóc đài chỉ huy rọi thẳng vào đội hình tàu Trung Quốc. Đến nửa đêm, hộ tống hạm Nhật Tảo (HQ-10) trong khi đang bị hỏng một máy chính chưa kịp sửa chữa, đã nhận lệnh ra Hoàng Sa tham gia đội hình chiến đấu. Khoảng 6 giờ sáng ngày 19-1-1974, Tàu HQ-4 đã tiến sát đảo Quang Hòa và trung đội biệt hải được lệnh đổ bộ khẩn cấp lên đảo. Theo ông Lữ Công Bảy, nguyên là thượng sỹ giám lộ có mặt trên chiến hạm HQ-4 trong trận hải chiến 1974, từ đài chỉ huy bằng ống nhòm, tàu HQ-4 đã phát hiện doanh trại mới toanh, có cột cờ Trung Quốc (trước đó hơn một tháng tàu HQ-4 có dịp khảo sát đảo này không hề thấy), như vậy Trung Quốc đã bí mật chiếm đảo mới đây. Đài chỉ huy đồng thời phát hiện một tàu Trung Quốc đang đổ bộ một đội quân rất đông lên phía bắc đảo, những chiếc tàu đánh cá vũ trang của Trung Quốc liên tục đổ người ào ạt lên các đảo của Việt Nam. Và họ đã nổ súng trước. Vào lúc 8 giờ 30 phút, một loạt đại liên và cối 82 của Trung Quốc đã bắn vào đội hình người nhái Việt Nam làm hai binh sỹ tử vong và hai bị thương. Nhưng chỉ huy phía Việt Nam vẫn không thể ra lệnh cho các tàu nổ súng vì đội hình người nhái Việt Nam đang ở vị trí cực kỳ nguy hiểm. Cùng lúc đó, xuất hiện hai chiếc tàu Kronstadt của Trung Quốc mang số hiệu 274 và 271 sơn màu xám đen, trang bị đại bác 100 ly và nhiều đại bác 37 ly ngay bên cạnh tàu HQ-4. Các họng súng đại bác của tàu Trung Quốc đều đang chĩa thẳng vào tàu HQ-4. Các tín hiệu bằng đèn cực kỳ khiêu khích của tàu Trung Quốc liên tục được chuyển tới tàu HQ-4. Khoảng 10 giờ, hai trục lôi hạm Trung Quốc mang số 389 và 396 bắt đầu tách khỏi hai chiếc 274 và 271, chạy song song gần nhau và bất chợt cùng quay mũi trực chỉ HQ-10. Vẫn chưa có lệnh khai hỏa từ phía VNCH. Các tàu chiến của Trung Quốc từ từ tiến gần đội hình của VNCH, còn cách tàu HQ-10 chỉ khoảng 200 mét, tình hình hết sức căng thẳng. Khoảng 10 giờ 25 phút, bốn chiến hạm của Hải quân VNCH được lệnh nổ súng để tự vệ trước sự gia tăng gây hấn, khiêu khích và xâm chiếm trái phép ngày càng quyết liệt hơn của Trung Quốc. Những phát đạn đầu tiên của HQ-10 trúng ngay vào chiếc 389 của Trung Quốc làm nó bốc cháy, cùng lúc tàu HQ-16 cũng bắn thẳng vào chiếc 386 làm cho đài chỉ huy bị trúng đạn, hỏng hệ thống điều khiển bánh lái khiến nó cứ xoay vòng. Đang chiếm ưu thế, bất chợt khẩu 76,2 ly trên tàu HQ-10 bị trục trặc, thêm vào đó HQ-10 chỉ còn một máy chính nên xoay trở rất chậm trở thành mục tiêu dễ dàng của đối phương. Lợi dụng sự bất lợi đó, chiếc 389 đã tấn công tới tấp và HQ-10 trúng đạn. Không bỏ lỡ cơ hội, chiếc 389 của Trung Quốc tiến đến gần phía sau lái của HQ-10, nhưng bị các binh sỹ trên tàu HQ-10 chống trả dữ dội và điều khiển tàu đâm vào phần sau lái của chiếc 389, khiến chiếc này hư hỏng nặng và bị loại khỏi vòng chiến. Đây cũng là lý do khiến chiếc 396 phải ngưng chiến đấu với tàu HQ-16 để cấp tốc ứng cứu chiếc 389 và đưa chiếc này ủi lên bãi san hô để tránh bị chìm xuống biển. Tình trạng của tàu HQ-10 lúc này rất bi đát, hơn 70% chiến sỹ đã tử trận kể cả hạm trưởng. Các tàu Trung Quốc phản kích dữ đội. Cùng lúc đó Trung Quốc tung xuống một lực lượng rất mạnh từ đảo Phú Lâm ở gần đó và từ căn cứ ở đảo Hải Nam. Các chiến sỹ còn trụ lại trên tàu HQ-10 đang bốc cháy vẫn tiếp tục nổ súng vào các tàu Trung Quốc, thu hút hỏa lực cho các đồng đội khác rút lui cho đến khi chìm hẳn xuống lòng Biển Đông của Tổ quốc. Sau khoảng hơn 45 phút giao chiến, theo tài liệu của Trung Quốc có các tàu của Trung Quốc mang số hiệu 274, 271, 389, 391 trúng đạn hư hỏng nặng; 281, 282 và 402, 407 hư hại trung bình. Theo tài liệu của VNCH, hộ tống hạm Nhật Tảo (HQ-10) trúng đạn bị chìm, HQ-16 bị hư hại nặng, HQ-4 và HQ-5 bị hư hại nhẹ. VNCH có hơn 50 binh sỹ tử trận. Trung Quốc bắt giữ 48 binh sỹ VNCH và một người Mỹ, sau đó trao trả cho Việt Nam và Hoa Kỳ tại Hồng Kông.

Ngay sau khi Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đoạt quần đảo Hoàng Sa, chính quyền VNCH liên tục phát ra nhiều Tuyên bố phản đối hành động “xâm lăng trắng trợn bằng quân sự” này của Trung Quốc và tái khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo này. Trong khi đó, ngày 26-1-1974, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (CMLTCHMNVN) cũng ra Tuyên bố phản đối hành động xâm chiếm Hoàng Sa của Trung Quốc và công bố lập trường “về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam”. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Chính phủ CMLTCHMNVN cũng đã nhiều lần tuyên bố khẳng định Hoàng Sa là của Việt Nam. Ngày 5-6-1976, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Chính phủ CMLTCHMNVN đã lên tiếng bác bỏ các thông tin xuyên tạc về Hoàng Sa và Trường Sa và khẳng định hai quần đảo này là thuộc chủ quyền Việt Nam, từ trước đến nay luôn do người Việt Nam quản lý.

theo Nhóm PV Biển Đông (báo Đại đoàn kết)
__________________________________________________________

Posted in Chuyện lịch sử, Chuyện đất nước, Việt Nam và thế giới | Thẻ: , , | Leave a Comment »

Kịch liệt phản đối chiếu phim Lý Công Uẩn, vì sao?

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Sáu 8, 2011

TP – Tin VTV dự định phát sóng bộ phim dài tập Lý Công Uẩn- đường tới thành Thăng Long từ 30-6 đang gây xôn xao dư luận. Cũng có ý kiến cho rằng cần chiếu rộng rãi, mới biết hay dở, để có cơ sở khen chê. Rộng đường dư luận, Tiền Phong đưa ý kiến của GS sử học Lê Văn Lan, người đã có dịp xem phim này.

Thưa GS, vì sao ông phản đối việc phát sóng rộng rãi bộ phim “Lý Công Uẩn – Đường tới thành Thăng Long” thời điểm này?

Không chỉ thời điểm này. Nhưng càng trong thời điểm này, thì càng rõ một vấn đề cơ bản qua các thời điểm là: Thực tế không như công văn của Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch (VHTTDL) gửi Đài TH Việt Nam ngày 15-3-2011 cho rằng “phim này chuyển tải cho người xem biết và tự hào về một giai đoạn lịch sử của nước ta”. Qua tất cả các thời điểm, tôi đều không thể tự hào về cách người ta đưa giai đoạn lịch sử của nước ta lên phim như thế này.

Được biết tên của giáo sư có trong danh sách cố vấn cho bộ phim mà chưa được phép của ông?

Ở lần xem thứ nhất, khi thấy tên tôi trên giê-nê-ríc, đề là cố vấn lịch sử, tôi đã trực tiếp phản đối với ông Trịnh Thanh Sơn, Giám đốc hãng Trường Thành, đơn vị sản xuất phim này. Đồng thời tôi viết hai bài báo nói rõ chuyện đó, rằng tôi có được biết phim làm lúc nào và làm ở đâu để mà nhận việc cố vấn.

Thưa, vậy đến nay tên của giáo sư có còn trên giê-nê-ric?

Họ vẫn đề tên tôi với tư cách Người tu chỉnh kịch bản. Đáng tiếc, những điều tôi đề nghị tu chỉnh thì họ không tiếp thu.

Giáo sư có thể giải thích rõ vì sao không nên chiếu bộ phim này?

Thứ nhất, sự thật không như công văn của Bộ VHTTDL đã viết: “Về cơ bản, tinh thần lịch sử trong phim được tôn trọng”. Xin nêu ví dụ: Cuộc kháng chiến của dân tộc ta chống quân Tống xâm lược lần thứ nhất (980 – 981) là niềm tự hào của tất cả những người Việt chân chính, nhưng phim lại chỉ nói về cuộc kháng chiến này dưới dạng một trận đánh ở một ngọn núi ất ơ nào đó tên là núi Chu Tước. Ở lần xem phim thứ nhất, tôi xem thấy trận đánh này diễn ra cảnh Thiền sư Vạn Hạnh khuyên và trao cẩm nang cho anh hùng dân tộc Lê Hoàn, nói rằng: “Không cần đánh! Giặc sẽ tự tan”. Và trên phim, vai Lê Hoàn còn ra lệnh: “Kẻ nào bàn đánh, chém!”.
Đến lần xem phim thứ hai và thứ ba (tức là lần duyệt cuối), sau ý kiến phản đối kịch liệt của tôi, họ đã sửa lại nhưng vẫn kéo toàn bộ cuộc kháng chiến oanh liệt của dân tộc thời đó vẫn vào trận núi Chu Tước ất ơ ấy. Lại còn cho ông Vạn Hạnh đón đường hành quân ra trận của ông Lê Hoàn và khuyên: “Chớ sát sinh nhiều”. Vai diễn Lê Hoàn thì thể hiện sự băn khoăn về lời khuyên trận mạc này.
Nói chung, tinh thần và cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc ta oanh liệt là thế, nhưng Đường tới thành Thăng Long thể hiện rất mờ nhạt, chủ yếu là đấu đá, sát phạt nội bộ, chém giết, được tô đậm bằng những trường đoạn rất rùng rợn. Có nhân vật Hạng Lang sau khi đánh nhau với anh ruột là Đinh Liễn, đã chết với những mũi chông cắm xuyên từ gáy sang bên mặt, rất rùng rợn.

Lê Hoàn- nhân vật lịch sử chính của giai đoạn này thể hiện như thế nào trong phim, thưa giáo sư?

Mọi người Việt Nam chân chính đều hiểu và tôn vinh Lê Hoàn là anh hùng dân tộc. Hơn nữa, đây là nhà thủy lợi đầu tiên với việc đào kênh nhà Lê, bây giờ còn sử dụng. Trong phim, Lê Hoàn hiện ra như một ông vua có lối sống xa xỉ, chỉ biết bắt dân xây dựng vườn ngự uyển, không cần biết đến những lời can gián, thậm chí còn trừng phạt Lý Công Uẩn vì dám ngăn vua xây dựng những công trình phục vụ cho việc ăn chơi xa hoa.
Lê Hoàn còn hiện ra như một ông vua nhu nhược, đi kinh lý thì để cho giặc cỏ bắt được. Rồi sa thải các trung thần. Tóm lại, một ông vua không đúng như lịch sử đã ghi chép và các nhà sử học xưa nay đã nhận định và tôn vinh.

Còn những nhân vật lịch sử khác? Thái hậu Dương Vân Nga chẳng hạn?

Tôi và một số nhà nghiên cứu đang được dòng tộc họ Dương mời làm hội thảo khoa học về các nhân vật họ Dương trong lịch sử. Tôi sợ rằng dòng tộc họ Dương sẽ có thái độ phản kháng dữ dội khi phim này được chiếu trên sóng truyền hình quốc gia với hình tượng Dương Vân Nga ủy mị, sướt mướt, treo cổ tự tử khi được Lê Hoàn tỏ tình. Trong khi chính sử chép bà là người thông tuệ sắc sảo và quyết đoán trong những tình huống cam go.
Chi hậu Đào Cam Mộc hiện lên trong phim, từ đầu chí cuối là một ông tướng võ biền, cha của một ông tướng trẻ khác, cũng chỉ suốt ngày đòi thách đấu với Lý Công Uẩn. Khi được giao việc hộ vệ Lê Đại Hành tuần du thì lại ngơ ngẩn, sơ suất, để cho vua của mình bị giặc cỏ bắt sống. Trong khi đó, mọi người đều biết Đào Cam Mộc là quan Chi hậu, tức là người quản mọi việc trong nội cung, và quan văn.
Tóm lại, những nhân vật lịch sử trong phim đều bị bóp méo làm cho sai lệch đi. Điều này rất nguy hiểm, không chỉ vì nó là xuyên tạc lịch sử trong một tác phẩm nghệ thuật mà hơn thế, qua đây, việc giáo dục truyền thống anh hùng của dân tộc đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Các sự kiện lịch sử quan trọng trong giai đoạn này thì sao?

Một sự kiện quan trọng bậc nhất là Thái tổ Lý Công Uẩn lên ngôi. Phim này không chỉ gọi lên ngôi là “đăng cơ” (từ của phim Trung Quốc hoàn toàn). Rành rành sử viết Lý Công Uẩn lên ngôi ở Hoa Lư, được triều đình đồng thuận, nhưng trên phim thì Lý Công Uẩn lên ngôi ở một ngôi chùa Trung Quốc!

Trang phục của phim là đề tài được bàn luận nhiều. Cụ thể trang phục của Lý Công Uẩn ra sao?

Không chỉ trang phục của nhà vua mà của văn võ bá quan và trăm họ đều rất Trung Quốc. Rồi thì cảnh chùa chiền, cung điện, nhà cửa, ngựa xe, binh khí cũng đều rất Trung Quốc.

Tóm lại đó là những cảnh trên phim, ở lần duyệt cuối cùng phải không ạ? Và khán giả sẽ được xem đúng như thế?

Vâng! Đúng thế. Chính vì thế tôi mới kiên quyết phản đối việc chiếu bộ phim này ở các rạp và trên sóng truyền hình quốc gia cũng như các đài địa phương. Tôi tin chắc rằng mọi người cũng như tôi, không thể “tự hào” về mình và tổ tiên của mình, ở một giai đoạn lịch sử quan trọng mà lại được làm “rất Trung Quốc” như thế này.

theo Nguyễn Xuân Diện
(đầu đề do chúng tôi đặt)
_______________________________________________________

Posted in Chuyện lịch sử, Hà Nội nghìn năm, Điện ảnh | Thẻ: , , | Leave a Comment »

Những vụ tập kích bằng trực thăng của đặc nhiệm Mỹ

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Năm 11, 2011

Vụ đặc nhiệm Mỹ, Navy Seals hạ sát ông Osama Bin Laden ở Abbottabad đã gợi lại một số cuộc tập kích thành bại khác nhau bằng trực thăng trước đó của Hoa Kỳ vào lãnh thổ nước khác, gồm cả cuộc tập kích Sơn Tây năm 1970 và vụ Iran năm 1980.

Điều được một số nhà quan sát nêu ra là cả hai cuộc tập kích ở Pakistan vừa qua, và Bắc Việt Nam đều được coi là thắng lợi dù cả hai lần, Hoa Kỳ phải để lại một trực thăng tại hiện trường vì những lý do khác nhau.

Vụ tập kích Sơn Tây

Dù giới quân sự Mỹ nói họ “thường xuyên có các cuộc đột nhập và giải cứu” trên lãnh thổ Bắc Việt Nam thời chiến, nhưng vụ Sơn Tây, xảy ra ở nơi cách Hà Nội chưa tới 50 cây số, là cuộc tập kích táo bạo nhất của Hoa Kỳ người ta biết đến trong Chiến tranh Việt Nam.

Một đơn đặc nhiệm Hoa Kỳ đã bay từ căn cứ tại Thái Lan đêm 20/11 vào Sơn Tây nhằm giải cứu chừng các tù binh là phi công Mỹ mà Hoa Kỳ tin là bị cầm giữ tại đây.

Nhưng khi họ xuống đến nơi sáng ngày 21/11/1970 thì không còn tù binh nào cả và trại Sơn Tây đã bị bỏ trống từ tháng 7 năm đó.

Các tài liệu và sách vở sau này của Hà Nội có xu hướng cho rằng đây là một thất bại của Hoa Kỳ.

“Đây là một kế hoạch được Mỹ chuẩn bị hết sức công phu, tốn kém, với sự tham gia của rất nhiều các quan chức chóp bu trong bộ máy chiến tranh khổng lồ của một cường quốc quân sự hồi đó: Bộ trưởng Quốc phòng Melvin Laird, Bộ trưởng Ngoại giao William Rogers, Cố vấn an ninh quốc gia Henry Kissinger, Giám đốc Cục tình báo CIA Richard Helms”.

Họ cũng viết rằng đích thân Tổng thống Mỹ đương nhiệm Richard Nixon đã phê chuẩn cho kế hoạch này.

Một cuốn sách ra năm 2000 của Đặng Vương Hưng còn nói “kế hoạch về Vụ tập kích cứu phi công Mỹ bị giam giữ ở Sơn Tây nói trên đã nằm trong số những hồ sơ lưu trữ tuyệt mật của quân đội Mỹ”.

Đúng là kế hoạch lên từ 1967 được giữ tuyệt mật nhưng sau cuộc tập kích Sơn Tây, chính giới Hoa Kỳ đã có nhiều cuộc điều tra, chất vấn tìm hiểu vụ việc và các tài liệu này sau đó được công bố rộng rãi.

Các binh sĩ tham gia cuộc tập kích sau này lập ra hội “Son Tây Raiders” và kể cho báo chí nhiều điều.

Họ được thưởng các huân huy chương Thập tự Ưu tú, Thập tự Không quân và Sao Bạc của quân đội Mỹ.

Cuốn sách “The Raid” của Benjamin F.Schemmer (đã được dịch và phát hành tại Việt Nam) sử dụng nhiều chi tiết từ những lời kể này.

Các hồ sơ phía Mỹ cũng ghi nhận một cái nhìn hơi khác Hà Nội về thành bại của vụ Sơn Tây.
Dù bị chất vấn xoay quanh lý do tin tình báo không được cập nhật, nhìn chung giới quân sự Hoa Kỳ tin rằng cuộc tập kích vào trại tù Sơn Tây là một “thắng lợi chiến thuật”, vì việc thực hiện gần như hoàn hảo.

[TRÍCH SÁCH CỦA B.F.SCHEMMER:
Chiếc trực thăng đổ nhào xuống ngay trong doanh trại Sơn Tây dữ dội quá, dữ dội hơn là Dick Meadows đã tưởng…Phi công H.Kalen suýt nữa không điều khiển chiếc trực thăng vào giây phút cuối, khi bay sát ngọn cây và bị vướng vào dây phơi quần áo mắc qua sân trại, như là sân bóng chuyền. Viên phi công phụ của Kalen là Herb Zehnder còn nhớ rõ có một cây cao tới 150 bộ. Cây này bị cắt phăng ra như một cọng cỏ…Cả chiếc trực thăng lồng lộn dữ dội và nghiêng về bên phải từ 30 đến 40 độ, rồi đổ ào xuống đất.

Sự va chạm quá nặng làm cho một bình chữa cháy bị tung ra và đập vào chân viên kỹ sư cơ khí của Kalen là Leroy Wright làm cho anh ta vỡ cổ chân. Trong khi đó thì trung uý George Petrie một sĩ quan mũ nồi xanh 31 tuổi, tóc vàng, cũng bị hất tung ra khỏi trực thăng.
Dick Meadows vùng ngay dậy và chạy thoát ra cửa sau đuôi trực thăng, tay bấm vào loa phóng thanh…chạy thoát ra khỏi trực thăng vào khoảng 15 yard thì Meadows quỳ xuống, bám vào chốt loa và hít hơi lấy sức. Ông ta bắt đầu phát thanh với giọng bình tĩnh: “Chúng tôi là người Mỹ, xin các anh cúi xuống. Chúng tôi là người Mỹ. Đây là một cuộc giải cứu. Chúng tôi đến đây để cứu các anh ra khỏi chỗ này. Yêu cầu tất cả cúi xuống, nằm xuống sàn nhà. Chúng tôi sẽ vào phòng giam của các anh trong vài phút nữa”.

Tiếng nói của ông ta vang vọng khắp nơi trong doanh trại.

Nhưng không có tiếng trả lời.]

Tác động tuyên truyền

So với Sơn Tây hay vụ đột nhập vào Iran, thì tại Abbottabad, Hoa Kỳ thắng lợi cả về chiến thuật và chiến lược vì phía Mỹ không hề hấn gì (chỉ một biệt kích Mỹ bị trẹo chân), và giết được Osama Bin Laden, nhưng về ngoại giao với Pakistan thì chưa rõ hệ quả và hậu quả vụ đột nhập ra sao.

Về mặt ngoại giao và thế mạnh truyền thông, ban đầu dư luận Mỹ tin rằng vụ Abbottabad là một cú ghi điểm lớn cho Tổng thống Barack Obama.

Nhưng sau khi ông Osama Bin Laden đã chết và bị thủy táng ngoài biển, cùng với việc công bố nhiều bức hình khác nhau về cuộc sống của ông ta trong khu nhà ở Pakistan, có những ý kiến nay coi vụ việc không có lợi cho Tòa Bạch Ốc.

Sau vụ Abu Ghraib, quân đội Mỹ cũng chú ý kỹ hơn về tác động “phản cảm” của hình ảnh chụp riêng tư với kẻ thù, dù là kẻ thù sống hay chết và đội Navy Seals đã không được phép chụp hình hay quay video riêng với xác của ông Osama Bin Laden mà họ chở bằng trực thăng bay về Afghanistan.

Việc kiểm soát các hình ảnh sau đó về vụ tập kích Abbottabad cũng và video về ông Bin Laden cũng được điều phối kỹ nhằm ngăn ngừa tình trạng phản tác dụng.

Nhưng theo bình luận của Peter Roff trên trang US News hôm 7/5 thì vì hạ sát ông Osama Bin Laden nhanh quá thay vì đem ra xử, Tổng thống Obama đã “biến Osama thành một người tử đạo” hơn là con người thực của ông ta.

Ngoài ra, dư luận Mỹ dù tin tổng thống, vẫn muốn được thấy bức hình hay đoạn video nào đó chứng minh Osama Bin Laden thực sự đã chết.

Việc Tòa Bạch Ốc không công bố các hình ảnh này đang đặt ra nhiều câu hỏi về cách họ xử lý truyền thông sau vụ Abbottabad.

Dù vậy, chiến dịch giết Osama Bin Laden cũng còn tốt đẹp hơn hẳn cuộc tập kích của Hoa Kỳ vào Iran để giải cứu con tin người Mỹ năm 1980.

Chiến dịch Móng Ó ̣(Eagle Claw) tháng 4/1980 với tám trực thăng RH-53D bay vào sa mạc phía Đông Iran đã không đem lại kết quả.

Bão cát, liên lạc bị đứt và lỗi kỹ thuật đã làm xảy ra tai nạn (trực thăng đâm vào phi cơ C-130) khiến phía Hoa Kỳ bị thiệt hại tám quân nhân, một số khác bị thương và sứ vụ của họ phải bỏ.
Một cuộc cấp cứu sau đó, vào tháng 10 cùng năm cũng thất bại ngay ở bước chuẩn bị với một phi cơ đâm xuống căn cứ vì hỏa tiễn bắn ra sớm quá.

Hậu quả chính trị và khủng hoảng về tuyên truyền cho Hoa Kỳ và riêng Tổng thống Jimmy Carter khi đó là rất lớn.

Lãnh tụ Hồi giáo Iran, Giáo chủ Khomeini nổi tiếng như cồn tại Trung Đông và uy tín của Hoa Kỳ tụt dốc.

Nay nhìn lại, mỗi cuộc tập kích là một dấu ấn cho từng vị tổng thống Mỹ.

Ông Richard Nixon được nói đến với cuộc tập kích Sơn Tây, ông Jimmy Carter với vụ Iran và ông Barack Obama đã, đang và sẽ còn được bình luận qua lăng kính vụ Abbottabad.

(Theo BBC)
__________________________________________________

Posted in Chuyện lịch sử, Quốc phòng các nước, Việt Nam và thế giới | Thẻ: , , | Leave a Comment »

Lý Ban – người Việt trong cuộc Vạn lý Trường chinh

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Năm 8, 2011

– Lý Ban (1912-1981) – nguyên Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khóa III (1960-1976), Thứ trưởng Bộ Ngoại thương, Bí thư Đảng đoàn Ngoại thương (1959-1978) – vừa được Nhà nước truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh.

<strong Lý Ban và Phạm Văn Đồng

Ông tên thật là Bùi Công Quan, sinh 1912 tại Bến Lức, Cần Đước, tỉnh Chợ Lớn (nay là Long An), trong một gia đình đại điền chủ có hàng ngàn công đất “thẳng cánh cò bay”.

Đến tuổi đi học, Quan được gửi lên Sài Gòn. Năm 1927 khi học tại trường Trung học Cây Gõ, anh được ông thầy Phạm Văn Đồng giác ngộ rồi tham gia tuyên truyền cách mạng trong học sinh, thanh niên người Việt và người Hoa. Từ đây, Quan tham gia Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội. Năm 1930 được kết nạp vào An Nam cộng sản Đảng.

Cuối 1931, sau hai lần bị mật thám Pháp bắt, vì không có chứng cứ nên anh bị đưa về quê quản thúc. Giữa 1932, Quan trốn lên Sài Gòn bắt liên lạc với Đảng nhưng không thành. Ở lại rất nguy hiểm, thông qua những người bạn Hoa kiều ở Chợ Lớn, anh xuống một chiếc tầu buôn lánh nạn sang Hồng Kông.

“Đệ tử” của Nguyễn Sơn-Hồng Thủy

Tại thành phố Sán Đầu, Quan bắt liên lạc được với tổ chức. Đầu 1934 được giới thiệu vào học Trường Đảng Khu căn cứ Thụy Kim (tỉnh Giang Tây) với cái tên Lý Ban.

Tại đây, Lý Ban gặp ông thầy người Việt tên Nguyễn Sơn. Thầy Sơn vốn là bạn học của thầy Phạm Văn Đồng tại Quảng Châu năm 1926, nay được biết Lý Ban là học trò của ông thầy họ Phạm thì quan hệ càng thân thiết.

Nguyễn Sơn giới thiệu Lý Ban với các thầy từng là giáo viên Trường Quân sự Hoàng Phố, nay là cán bộ cao cấp của Đảng Cộng sản Trung Quốc: Chu Ân Lai, Lý Phú Xuân, Đổng Tất Võ, Diệp Kiếm Anh… Giữa 1934, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Tháng 10 năm 1934, Tưởng Giới Thạch huy động 1 triệu quân tấn công Khu căn cứ Thuỵ Kim. Để bảo toàn lực lượng, Hồng quân Công Nông phá vòng vây, tổ chức Vạn lý Trường chinh rút lên Tây Bắc, xây dựng căn cứ.

Nguyễn Sơn và Lý Ban – 2 trong số ít chiến sĩ quốc tế – tham gia cuộc hành quân gian khổ này. Rời Thuỵ Kim được ít ngày, bị ốm nặng dọc đường ông phải nằm lại. Khi khỏi bệnh, mất liên lạc, ông lội bộ hàng nghìn cây số, vượt vòng vây, trở về Quảng Đông.

Trong năm 1935, ông bám dân, vận động quần chúng khôi phục hệ thống cơ sở cách mạng tại Mai Châu, Triều Châu, Sán Đầu. Đầu năm 1937, cuộc kháng chiến chống Nhật bùng nổ, ông được bầu làm tỉnh uỷ viên Liên tỉnh uỷ Phúc Kiến-Quảng Đông-Giang Tây.

Suốt 8 năm kháng Nhật, ông là một cán bộ lãnh đạo có năng lực được nhân dân Trung Quốc tin yêu. Thời gian này, ông cưới vợ người Hoa tên là Ôn Bích Trân. Bà Ôn là đảng viên Cộng sản Trung Quốc năm 1937.

“Phái viên cao cấp của Đảng”

Từ năm 1942, Bác Hồ có thỏa thuận với bn xin một số cán bộ người Việt đang hoạt động ở Trung Quốc về nước. Lý Ban và Nguyễn Sơn có tên trong danh sách.

Cuối năm 1945, ông đưa gia đình trở về. Lý Ban công tác tại cơ quan Trung ương Đảng do đồng chí Trường Chinh phụ trách. Vì đã có kinh nghiệm hoạt động, ông được giao tổ chức Hoa kiều Vụ và biên soạn tài liệu công tác chính trị trong quân đội, sổ tay chính trị viên v.v…

Đến năm 1948, Lý Ban được cử làm Cục phó Chính trị cục Quân đội quốc gia (Cục trưởng là ông Văn Tiến Dũng), đồng thời phụ trách việc liên lạc với Đảng Cộng sản Trung Quốc qua hệ thống vô tuyến điện.

Đầu năm 1949, khi cách mạng Trung Quốc sắp thành công, Trung ương giao cho ông nhiệm vụ “phái viên cao cấp” sang Trung Quốc, tới Bắc Kinh gặp các đồng chí lãnh đạo Trung Quốc, đề nghị giúp cuộc kháng chiến của nhân dân ta.

Bác thảo mật thư gửi vợ chồng Chu Ân Lai và giao tận tay Lý Ban. Vượt vòng vây của giặc Pháp tới Móng Cái, sang Đông Hưng (Quảng Đông), vượt qua bao đồn bốt của quân Tưởng, đến tháng 8-1949, ông đến Bắc Kinh. Bức thư được trao tận tay cho ông Chu Ân Lai.

Người lo hậu cần trong lúc cam go

Hòa bình lập lại trên Miền Bắc, ông công tác tại Bộ Công thương và trực tiếp xây dựng ngành Hải quan và Ngân hàng nhà nước.

Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ của ta bước vào giai đoạn ác liệt thì trong phe XHCN, nhất là Liên Xô và Trung Quốc, có những bất đồng dẫn đến mâu thuẫn, ảnh hưởng đến sự ủng hộ quốc tế đối với Việt Nam.

Với chủ trương giữ vững đoàn kết với các đảng anh em, tranh thủ một cách hiệu quả sự giúp đỡ quốc tế, ông được giao nhiệm vụ xây dựng các hiệp định hợp tác kinh tế hàng năm giữa hai nước Việt-Trung.

Ông thường xuyên làm việc với Tổng tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần Đinh Đức Thiện, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Trần Sâm để nắm vững nhu cầu của quân đội, cũng như các đồng chí Phạm Hùng, Hoàng Văn Thái để nắm bắt nhu cầu chiến trường miền Nam. Các yêu cầu của quân đội và chiến trường luôn được ưu tiên trong các hiệp định kinh tế Việt-Trung.

Từ những ngày đầu đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, ông liên hệ với bạn cho đặt bộ phận tiếp nhận viện trợ theo đường sắt liên vận tại Bằng Tường. Bộ phận này hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc. Ngay cả khi cảng Hải Phòng bị phong tỏa nhưng khối lượng lớn hàng hoá vẫn được vận chuyển vào Việt Nam, chi viện hiệu quả cho chiến trường.

Mỗi lần Phó thủ tướng Lê Thanh Nghị dẫn đầu đi đàm phán các hiệp định kinh tế, ông luôn có mặt. Mối quan hệ thân tình của ông trong những năm tháng hoạt động ở Trung Quốc có tác dụng trong những lần đàm phán.

Từng nghe các đồng chí được cử đi phiên dịch cho đoàn Chính phủ kể lại: “Với chủ trương tận dụng tối đa sự giúp đỡ của bạn mà đoàn đàm phán đã xin thêm được nhiều khoản viện trợ, từ hàng chục nghìn chiếc mũ cối, hàng vạn ba-lô đến vài nghìn chiếc xe đạp Vĩnh Cửu, Phượng Hoàng dùng làm xe thồ; thậm chí xin thêm cả số lượng xe ôtô vận tải.

Lần đó Bạn đồng ý viện trợ cho 2000 xe vận tải ba cầu Giải Phóng nhưng ta đề nghị xin thêm số phụ tùng thay thế với lí luận: điều kiện chiến tranh ở Việt Nam rất ác liệt, trên đường vận chuyển xe sẽ bị trúng bom mìn, nếu không có phụ tùng thay thế thì chỉ vứt xó, sử dụng viện trợ không hiệu quả. Bạn đã trả lời: Không thể sản xuất kịp số phụ tùng thay thế cho 2000 xe.

Sau khi bàn bạc với đồng chí Lý Ban, Đại sứ Trần Tử Bình đưa yêu cầu: “Vậy các đồng chí viện trợ cho chúng tôi thêm 1000 xe nữa, nếu khó khăn thì có thể cấn trừ vào khoản khác. Khi cần chúng tôi có thể lấy phụ tùng của xe chưa sử dụng thay vào xe hỏng hóc”. Bằng quan hệ và cách thuyết phục khéo léo mà đề nghị này được chấp nhận…”.

Sau đó, ông cùng với các đồng chí Đinh Đức Thiện, Phan Trọng Tuệ, Đặng Tính tham gia chỉ đạo khảo sát địa hình từ Lạng Sơn vào tận Quảng Bình (sau này tới Đường 559), xây dựng dự án lắp đặt hệ thống ống dẫn, các trạm bơm dã chiến và một tổng kho xăng dầu tại Bằng Tường.

Hệ thống cung cấp xăng dầu này đã tiết kiệm được nhiều công sức và xương máu chiến sĩ, đồng bào, phục vụ các binh đoàn xe tăng, xe cơ giới trong các chiến dịch và góp phần vào thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh.

Sau khi đất nước thống nhất, ông tham gia xây dựng ngành ngoại thương cho các tỉnh, thành Miền Nam cho đến khi nghỉ hưu. Ông mất năm 1981, tại TP Hồ Chí Minh, thọ 70 tuổi.

theo Trần Kiến Quốc
____________________________________________________

Posted in Chuyện lịch sử | Thẻ: , , | Leave a Comment »

Kho báu của ai?

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Năm 3, 2011

Những ngày ở mảnh đất linh thiêng Ngọc Phụng, chúng tôi đã được nghe, chứng kiến nhiều câu chuyện tưởng chừng hư mà thực. Nhiều người còn rỉ tai chúng tôi rằng, nơi đây còn là nơi chứa đựng kho báu của nghĩa quân Lam Sơn năm xưa. Bằng chứng là người dân nơi đây đã nhặt được cả yến vàng lá…

Gánh vàng về vườn mía

Đất và người nơi đây vốn ẩn chứa nhiều điều bí ẩn, nhưng chuyện những năm trước đây người dân nơi đã nhặt được cả yến vàng lá không phải là chuyện đồn thổi nữa mà là chuyện từng xảy ra. Ông Nguyễn Thanh Lâm, phó chủ tịch UBND xã Ngọc Phụng xác nhận: Xã chúng tôi có một con đập xây lên để trữ nước phục vụ sản xuất cho bà con trong xã. Năm 1972, con đập đó bị vỡ, tỉnh đã điều động máy xúc máy ủi để về đắp đập, làm đê sớm khắc phục sự cố đó. Những chiếc máy xúc, máy ủi làm việc suốt ngày đêm không nghỉ. Khi múc đất lên để đắp đập, nhiều người dân phát hiện thấy có than và vôi lẫn trong đất nên đã ra lấy về để chăm bón cho cây trồng.

Ông Lâm nhớ lại thời điểm đó gia đình nhà ông Trịnh Đình Phi (thôn Phụng Dưỡng, Ngọc Phụng) lấy nhiều than củi và vôi về nhà mình nhất. Gia đình ông Phi lúc đó trồng 3 sào cây mía đỏ nhưng bị mối và kiến phá hoại nên thấy nhiều than củi và vôi, ông liền huy động cả vợ và 3 đứa con ra gánh đất về để đổ vào các vạt mía nhà mình. Gia đình ông gánh từ sáng sớm đến tận trưa mới nghỉ. Thời tiết năm đó cũng vào mùa hè nắng nóng, buổi trưa khi mọi người ăn cơm nghỉ ngơi xong thì tình cờ nhìn thấy ở vạt mía nhà mình có vật lạ phát sáng. Mọi người ùa ra xem thử thấy nó rất óng ánh, nhưng lúc đó không ai biết đó là vàng hay vật gì. Bới đất lên thì nhìn thấy những miếng vàng lá lóng lánh.

Lúc đó, ông Lâm cũng mới khoảng 12 tuổi nên cũng chưa biết vàng là gì cả. Ông đã nhìn thấy có người nhặt được cả một chiếc đai thắt lưng toàn bằng vàng. Một lá trầu, một quả cau bằng vàng. Ông Lâm nhớ rằng, lúc đó có bà Lê Thị Nhì trong xóm, khi nhặt lá vàng lên còn không biết đó có phải là vàng không nữa nên khi người khác xin bà đã cho họ, sau này bà mới biết họ bán lá vàng đó đi được hơn trăm triệu đồng.

Sau thông tin kho báu dưới lòng đất được múc lên bờ, nhiều người dân trong vùng đã đổ dồn về khu vườn nhà ông Phi để đào bới những khối đất lên với hy vọng sẽ tìm được những lá vàng. Họ lục tung đám đất khiến cho những thửa mía nhà ông Phi tan hoang. Sau đó thì công an huyện đã vào cuộc và bao vây khu vực mà mọi người đã nhặt được vàng. Không biết họ đã kiểm tra và thu được bao nhiêu vàng nữa.

[“Chúng tôi không được tận mắt chứng kiến những báu vật mà người dân đã nhặt được.
Nhưng nếu như được nhìn thấy chiếc dây đai bằng vàng, quả cau, lá trầu thì chúng tôi có thể xác định niên đại và được sử dụng ở thời nào. Những báu vật mà người dân nhặt được có thể từng thuộc sở hữu của hoàng hậu, công chúa, thái phi hoặc của một dòng họ vua chúa, quan quân trong triều của thời kỳ lịch sử nhất định. Tục lệ tùy táng các đồ vật khi có người chết được thịnh hành nhất ở thời nhà Lê Sơ, Lê Trịnh”.
TS sử học Phạm Văn Tuấn (trưởng ban Ban Quản lý Di tích lịch sử tỉnh Thanh Hóa)]

Khu lăng mộ của vua chúa?

Khi những vật quý giá được đào lên nhiều cụ cao niên trong làng nhận định đây khả năng là mộ của vua chúa xưa kia. Ngôi mộ được khai quật có thể là của một chúa là nữ giới, bởi trong đó có dây đai bằng vàng, có lá trầu, quả cau vốn là những đồ vật gắn liền với đời sống của họ. Khi họ mất đi thường là chôn theo với những đồ vật đó.

Giải thích về những vật báu được tìm thấy, ông Lâm nói rằng cũng không loại trừ khả năng nghĩa quân Lam Sơn xưa kia, khi đã đập tan được bọn quan tham, trọc phú ở các vùng nên đã thu về nhiều của cải, vàng bạc châu báu. Họ đã chôn cất những đồ đạc có giá trị xuống lòng đất. Những thứ mà người dân đã nhặt được chỉ là một phần nhỏ trong kho báu của nghĩa quân Lam Sơn thôi. Có thể kho báu còn nhiều hơn thế nữa vẫn ẩn còn trong lòng đất. Anh Phạm Văn Đồng dẫn chúng tôi đến thăm ngôi đền Mẹ, trước đây được người dân trong vùng đến khấn bái, cầu mong mưa thuận gió hòa, cây cối được mùa. Nhưng giờ ngôi đền này chỉ là một ngôi nhà tan hoang, dột nát. Anh Đồng nói rằng, cách đây mấy năm về trước những kẻ xấu đã giả vờ làm những người bị thần kinh đến chùa khấn bái, đêm bọn chúng đã đào bới lấy đi ở ngôi đền này chiếc ấn bằng vàng mang đi. Theo anh Đồng thì bọn chúng đã có bản đồ từ trước nên mới có thể xác định vị trí chôn cất vàng ở đây. Từ đó, ngôi đền này trở nên hoang vắng.

Cho đến nay, nhiều người dân cho rằng, nơi đây có thể vẫn còn nhiều vàng bạc và châu báu. Chỉ tính riêng chiếc hố mà máy xúc đất phát hiện ra vàng và một số vật báu khác, ông Lâm chỉ ước tính tất thảy chỗ đó cũng phải lên đến cả yến vàng lá.

[“Hiện nay chưa có sử sách và nghiên cứu lịch sử nào nói về số lượng vàng của người dân nơi đây nhặt được là của nghĩa quân Lam Sơn năm xưa. Theo nhận định trước đây vùng đất Thường Xuân có nhiều người được xem là khai quốc công thần triều Lê. Ở khu vực Ngọc Lặc, Lang Chánh và ở nơi đây sau cuộc chiến thắng lợi thì quan quân đã thu được nhiều chiến lợi phẩm trong đó có vàng bạc và châu báu. Có thể số vàng của người dân nhặt được là của cải của quan quân triều Lê trước đây”.
Nhà nghiên cứu lịch sử Phạm Tấn (nguyên phó giám đốc Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa)]

Theo Đức Việt
_________________________________________________________

Posted in Chuyện lịch sử | Thẻ: , , | Leave a Comment »

Nhà văn Chu Lai: “Cái gì đã qua thì cho qua”

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Tư 30, 2011

Đăng Ninh

Nhân dịp kỷ niệm 36 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30-4), Bay Vút đã có cuộc phỏng vấn nhà văn Chu Lai, một cây bút quân đội đã có nhiều tác phẩm văn học viết về chiến tranh và những người lính trong chiến trận, về vấn đề hòa giải dân tộc.

Bay Vút: Thưa ông, khi còn là một người lính tham gia chiến trận, ông có cái nhìn như thế nào về những người lính Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) khi đó?

Chu Lai: “Đó là một cái nhìn hai chiều. Chiều thứ nhất nằm trong quy luật chiến tranh một mất một còn, tức là theo bản năng tự vệ, nếu tôi không diệt anh thì anh sẽ diệt tôi. Chiều thứ hai thường xảy ra hơn, đó là chúng ta đều là con người, cũng buồn vui, cũng tâm trạng, cũng mang những nỗi niềm trăn trở, khắc khoải như nhau Tình thế buộc chúng ta phải nằm trong thế đối địch nhưng tự trong thâm tâm vẫn là người trong một nhà, máu đỏ da vàng, cầm súng nã đạn vào ngực nhau cũng thấy khổ tâm lắm.Ví dụ như tôi là lính đặc công nên đã có nhiều đêm bò rào, nằm ngay dưới chân đối phương, nghe họ nói, họ ca vọng cổ, họ nhắc về vợ con, mà chỉ muốn đứng dậy vỗ vào vai họ và nói rằng: Thôi, nện nhau vậy đủ rồi, giờ ra quán làm một tô hủ tiếu cho ấm bụng đi, đói lắm rồi. Thế nhưng, chiến tranh mà”.

Bay Vút: Và đến bây giờ, ở ngoài đời thực lẫn trong cái nhìn văn học, hình ảnh đó có gì thay đổi không, thưa ông?

Chu Lai : “Không, vẫn một chiều cảm thông như thế, thậm chí còn cảm thông sâu sắc hơn. Tôi thường nói: Không ai dễ bỏ qua chuyện cũ hơn những thằng lính đã từng nện vào mặt nhau và khi bỏ qua rồi coi như hòa để sau đó tập trung đầu óc vào chuyện làm ăn.Thực chất, chiến tranh dù với bên này hay bên kia đều là bi kịch, là mất mát. Vì vậy, khi chiến tranh qua rồi, nhắc lại mãi làm gì. Cuộc sống trường tồn mới là tất cả. Cho nên trước những người lính bên đối lập dù lúc này đang ở trong nước hay đã di cư sang nước khác, tự trong thâm tâm tôi không thấy có một điều gì lấn cấn hay xa cách cả. Thậm chí có những người, bằng tư cách của họ, tôi còn tri ân hơn cả những người bạn bình thường bởi đã có cùng nhau những ngày nhọc nhằn và bôn ba trên xa trường”.

Bay Vút: Có ý kiến cho rằng vấn đề hận thù dân tộc vẫn còn đó âm ỉ trong lòng nhiều người. Ông có nghĩ rằng chỉ khi nào thế hệ của những người trực tiếp tham gia chiến trận ‘nằm xuống’ thì vấn đề hận thù dân tộc mới được giải quyết hết không?

Chu Lai: “Không, sao lại muộn thế? Vấn đề đó phải được giải quyết ngay từ bây giờ, giải quyết ngay sau khi không còn cầm súng. Tại sao lại thù hận khi chuyện đó chỉ là một khoảng rất ngắn trong lịch sử mà tình thương yêu đùm bọc, tình nghĩa đồng bào, tính cốt nhục là trường tồn mãi mãi. Hết chiến tranh, tức là hết biện pháp tình thế rồi mà vẫn còn khư khư ôm lấy điều cũ rích, trái quy luật, ngược lại ý tưởng ông cha, là một hiểm họa khôn lường và cũng ngược lại với bản tính nhân ái của người Việt Nam. Chính cái nhân tình đó đã tạo nên sức mạnh tinh thần to lớn để dân tộc Việt Nam vượt qua hết những chặng đường giông gió này đến chặng đường bão tố khác”.

Bay Vút: Chúng ta vẫn thường nghe câu “lịch sử thuộc về những người chiến thắng”. Tuy nhiên, những kiểu rao giảng hiện nay đối với thế hệ trẻ, đặc biệt là trên các phương tiện truyền thông dễ làm cho người ta có cảm giác những người lính Việt Nam Cộng Hòa là những người vô cùng độc ác. Trong sách giáo khoa lẫn truyền thông đều gọi họ bằng những cái tên như “hắn”, “bọn”, “tên”. Theo ông thì làm sao để thay đổi được điều này?

Chu Lai: “Lịch sử thuộc về tất cả chứ không thuộc về bên nào. Ngay khái niệm chiến thắng cũng chỉ nên gọi trong trường hợp chống ngoại xâm. Như thời Trịnh Nguyễn phân tranh, ai thắng ai bại hay chỉ còn là nối đau trăm năm không muốn nhắc tới. Chính thế, phải nhìn nhận người một thời phía bên kia, dù họ không thắng, chỉ là một sai lầm về địa dư chí, địa chính trị và ý thức hệ. Non sông liền giải rồi, cả nước chỉ có một chủ thuyết đi lên hạnh phúc ấm no, nếu ai đó, cơ quan truyền thông nào đó còn cực đoan gọi họ bằng những cái tên hắn, nó, bọn… thì chính họ đã tạo nên một vết hằn thâm thù vẫn còn chưa lên da non trong lòng dân tộc. Còn tôi, ngay trong văn học, tôi chưa bao giờ miệt thị người phía bên kia bằng cách gọi và bằng cả những kiểu miêu tả võ đoán xấu xa, thô bạo, độc ác thậm chí nhân vật của tôi còn cả những tướng Sài gòn về một mặt nào đó, trí tuệ, tâm hồn, phong cách còn dễ chịu hơn người bên này. Họ thua vì chủ thuyết và con đường đi”.

Bay Vút: Những năm gần đây có vẻ như hai bên đều muốn hòa giải, kể cả chính quyền. Nhưng tất cả mới chỉ dừng lại ở việc đứng ở xa cười xã giao chứ chưa thấy bên nào tiến tới bắt tay nhau. Theo ông, đâu là nguyên do của vấn đề này? Và nếu để làm được việc này thì chúng ta nên bắt đầu từ đâu và làm như thế nào?

Chu Lai: “Tôi đã từng dùng một hình ảnh trong tác phẩm điện ảnh: Bà mẹ liệt sĩ vào thành cổ Quảng Trị thắp hương cho đứa con độc nhất của mình đã lặng lẽ thắp hương cho cả kẻ đã giết con mình, khiến cho bà mẹ kia quỳ xuống nghẹn ngào.
Câu thơ nổi tiếng của một chiến sĩ thành cổ còn sống: “Đò xuôi thạch Hãn xin chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm” không hiểu người lính ấy có biết không, dưới đáy con sông ấy có cả xác người bên này và cả người bên kia? Cho nên, vào những ngày kỷ niệm chiến thắng, người tổ chức nên có những câu nói, những hành động chia sẻ, những sự thăm hỏi cả những người bên kia đã ngã xuống bởi họ cũng có cha mẹ, vợ con. Chẳng lẽ cứ mỗi lần bên này reo vang thì bên kia ngậm ngùi cúi đầu hổ nhục?”

Bay Vút: Một nhà quân sự đã từng nói: Đỉnh cao của xung đột là thỏa hiệp. Tuy vấn đề mâu thuẫn dân tộc ở Việt Nam không có cao trào và nóng bỏng như ở các nước Hồi Giáo nhưng nó âm ỉ trong thâm tâm nhiều người, dẫn đến cách đối xử đôi khi vẫn chưa thực sự được ‘thoải mái’. Vậy trong chuyện này đâu là thái độ hợp lý và nhân văn, thưa ông?

Chu Lai: “Âm ỉ ư? Tôi không tin. Người Việt mình đôn hậu lắm. Ngay đến cả phi công Mỹ, lính Mỹ gây nhiều khổ đau là thế nhưng khi họ trở lại vẫn được sự nhìn nhận, đón tiếp chân tình từ các bà mẹ thì huống chi là người Việt mình với nhau. Tất nhiên vẫn có những hận thù, những ám ảnh khó gỡ nhưng cùng với thời gian và dòng chảy cuộc sống, nhất định mọi sự sẽ qua và có lẽ cho đến bây giờ đã qua nhiều lắm. Cũng như con em những người vào diện HO đang sống ở hải ngoại, họ đâu còn khái niệm gì về chiến tranh bên này bên nọ. Họ chỉ mong làm ăn yên ổn và thỉnh thoảng được trở về thăm quê mẹ. Và thái độ duy nhất lúc này là cái gì đã qua thì cho qua, cùng nhau bắt tay xiết cánh đưa dân tộc lên một đỉnh cao mới, đó chính là hòa hợp. Thái độ này không chỉ nằm trong sâu thẳm trái tim người trong cuộc mà còn phải nằm ở tư duy, tầm nhìn của các cấp lãnh đạo và nằm cả ở những người một thời là phía bên kia”.

Bay Vút: Vâng, xin cám ơn Ông.

________________________________________

Posted in Chính trị Việt Nam, Chuyện lịch sử, Chuyện đất nước | Thẻ: , , | Leave a Comment »

Ký ức chiến tranh: Cụm Tình báo A20 – H67

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Tư 29, 2011

Trong những chiến công lớn của Cụm Tình báo A20 – H67 và tổ chức cách mạng, dấu ấn của cụm trưởng Sáu Trí được khắc ghi đậm nét.

Cụm trưởng Cụm Tình báo A20 Sáu Trí tên thật là Nguyễn Văn Khiêm, bí danh Phạm Duy Hoàng và Nguyễn Đức Trí, sinh năm 1925, tại Gò Công – Tiền Giang, là anh họ đồng thời cũng là người dẫn dắt điệp viên Nguyễn Văn Lễ (Ba Lễ, mật danh H3) gia nhập Cụm A20.

Trong Cách mạng Tháng Tám 1945, Sáu Trí là một trong những thành viên của Đội Thanh niên Tiền phong tham gia cướp chính quyền. Cách mạng thành công, Sáu Trí gia nhập ngành quân báo với bí danh Phạm Duy Hoàng, sau đó chuyển địa bàn hoạt động về Sài Gòn và miền Đông Nam Bộ, được phân công giữ chức Trưởng chi Quân báo Đặc khu Sài Gòn – Chợ Lớn.

Một năm trước khi thực dân Pháp thua trận tại Điện Biên Phủ (1954), ông bí mật vào nội đô Sài Gòn, xin vào làm việc tại Nha Công an Nam phần của chính quyền thân Pháp, thu thập nhiều thông tin tình báo quan trọng phục vụ cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ cho đến ngày thắng lợi.

Năm 1954, Hiệp định Genève được ký kết. Ngô Đình Diệm trở về miền Nam và thành lập chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Tình thế thay đổi, ông Sáu Trí tiếp tục ở lại miền Nam và chuyển sang làm sĩ quan ở Tổng nha Cảnh sát của chính quyền Ngô Đình Diệm cho đến ngày bị lộ vào cuối năm 1962.

Vào thời điểm ông bị mật vụ chính quyền Sài Gòn theo dõi gắt gao, buộc phải rút vào chiến khu cũng là lúc Cụm A20 được thành lập tại mật khu Bời Lời (Tây Ninh). Với kinh nghiệm hoạt động quân báo thời chống Pháp, đã được thử lửa qua nhiều tình huống thực tế kịch tính, ông Sáu Trí được Phòng Tình báo miền (J22) tin tưởng giao trọng trách làm cụm trưởng Cụm A20.

Qua những chuyến đi về giữa mật khu Bời Lời – căn cứ địa A20 – nội đô Sài Gòn những năm 1962 – 1965, ông Sáu Trí đã xây dựng nhiều cơ sở nội tuyến ngay trong lòng bộ máy chính quyền Việt Nam Cộng hòa, góp phần giúp A20 hoạt động hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của tổ chức cách mạng. Thời gian này, ông lấy bí danh Nguyễn Đức Trí (bí danh này được giữ cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng).

Tháng 11-1965, ông Sáu Trí được rút về làm Phó Phòng Quân báo Bộ Tổng Tham mưu miền (B2), bộ phận điệp báo của J22. Về sau, ông được cử giữ chức Trưởng Phòng J22, trở thành một trong những nhà chỉ huy tình báo hàng đầu tại miền Nam. Nhiều năm liền, Sáu Trí đã xây dựng, củng cố và chỉ đạo hoạt động tốt các mạng lưới tình báo chiến lược, thu nhận và phân tích tin tức tình báo, phục vụ đắc lực các hoạt động quân sự của quân giải phóng trên chiến trường miền Nam.

Cuối tháng 11-1973, tại chiến khu Lộc Ninh (nay thuộc tỉnh Bình Phước), Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh miền Nguyễn Minh Châu (Năm Ngà) tổ chức gặp mặt chia tay 20 sĩ quan cấp tá lên đường ra Bắc học tập, chuẩn bị cho kế hoạch đánh lớn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Hai sĩ quan của J22 được cử đi học đợt này là thượng tá Nguyễn Văn Khiêm (Sáu Trí) – thủ trưởng và trung tá Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang) – Phó Chính ủy J22. Sáu Trí vào Học viện Quân sự, Tư Cang vào Học viện Chính trị và bắt đầu khóa học 2 năm.

Giữa lúc đó, tình hình chiến trường miền Nam diễn biến ngày càng phức tạp. Bước sang tháng 3-1975, chiến dịch Tây Nguyên nổ ra và không lâu sau đó là chiến dịch Huế – Đà Nẵng kết thúc thắng lợi, quân ta nhanh chóng giải phóng một vùng trung du và duyên hải miền Trung rộng lớn. Tất cả các cánh quân đều hướng về Sài Gòn trong thời cơ lịch sử ngàn năm có một.

Trước tình hình đó, Bộ Chính trị hạ quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước trong năm 1975. Số cán bộ B2 ra miền Bắc học tập từ cuối năm 1973 được điều động quay trở lại chiến trường miền Nam. Ông Sáu Trí được lệnh lập tức vào nội đô Sài Gòn, nắm bắt các cơ sở điệp báo cấp cao. Ông Tư Cang xuống Củ Chi, gia nhập Lữ đoàn Đặc công Biệt động 316 trong vai trò chính ủy.

Cũng trong thời gian vào nội thành làm công tác đặc biệt trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, trưa 28-4, tại nhà H3, thình lình kỹ sư Tô Văn Cang và kỹ sư Lê Văn Giàu (những cơ sở cách mạng) đến xin được gặp mặt thủ trưởng Sáu Trí. Nguyên do là nội các Dương Văn Minh trong cơn lúng túng muốn thông qua 2 kỹ sư này để tìm gặp đại diện của Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam để thương lượng.

Ông Sáu Trí đề nghị Tổng thống Dương Văn Minh chấp nhận đầu hàng ngay và đầu hàng vô điều kiện. Ngày 30-4-1975, ông Sáu Trí và điệp viên Ba Lễ cùng một số đồng đội đến Dinh Độc Lập để chứng kiến sự đầu hàng của chính quyền Tổng thống Dương Văn Minh…

Những ngày đầu sau giải phóng, ông Sáu Trí được cử làm Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Quân quản TP Sài Gòn, sau đó ông được phong quân hàm Thiếu tướng Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Trở lại căn cứ Lộc Ninh ngày 17-4-1975, ông Sáu Trí được cấp trên phân công nhiệm vụ đặc biệt, đó là phục vụ chiến dịch giải phóng Sài Gòn. Lúc bấy giờ, điệp viên H3, lưới A20-H67 (H67 là tên mới của A20 kể từ năm 1970) đã xây dựng được một cơ sở mới là đại tá Lộc – thành viên Đảng Tân Đại Việt, người được chính quyền Nguyễn Văn Thiệu giao nhiệm vụ thành lập và chỉ huy một liên đoàn biệt động quân, tăng cường tuyến phòng thủ Sài Gòn. Nhiệm vụ của Sáu Trí là vận động đại tá Lộc làm binh biến tại chỗ, hỗ trợ các cánh quân cách mạng tiến vào giải phóng Sài Gòn.

Sau khi vào thành để tìm hiểu thông tin về đại tá Lộc qua điệp viên H3, Sáu Trí trở về căn cứ. Sau cuộc họp khẩn cấp trong đêm 25-4, ông được lệnh quay trở lại Sài Gòn ngay, ở tại nhà H3 và bắt đầu tiếp xúc với những điệp viên trong các lưới tình báo nội đô. Kết quả, ngày 30-4, khi 5 cánh quân của quân giải phóng tiến vào Sài Gòn, liên đoàn biệt động quân do đại tá Lộc chỉ huy hoàn toàn bị vô hiệu hóa.

Theo đạo diễn Lê Phong Lan
__________________________________________________________

Posted in Chuyện lịch sử | Thẻ: , , | Leave a Comment »

Chuyện chưa kể về ‘nhà thầu khoán’ Biệt động Sài Gòn

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Tư 28, 2011

Nhà thầu khoán Mai Hồng Quế, Năm USOM, Năm Lai là những tên gọi khác của ông Trần Văn Lai. Cuộc đời của ông, chiến công của ông và các đồng đội chính là chất liệu để xây dựng bộ phim Biệt động Sài Gòn nổi tiếng.

1. Hai người vợ cùng chí hướng

Từ một nông dân trở thành nhà thầu khoán lớn, được cấp thẻ tự do ra vào phủ tổng thống ngụy, chuyên tiếp xúc, giao dịch với nhiều nhân vật cỡ bự của chính quyền Sài Gòn lúc bấy giờ.
“Bố tôi sinh năm 1920 trong một gia đình nông dân nghèo ở huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. 13 tuổi, bố phải đi ở đợ cho một ông chủ người Pháp. Một lần, bức xúc vì bị vợ chủ ức hiếp, bố tôi đánh trả rồi trốn lên Hà Nội, sống nhờ sự cưu mang của các phu xe tay cùng quê”, anh Trần Kiến Xương (tự Bình), con thứ 3 của ông Trần Văn Lai (Năm Lai), hiện là kiểm sát viên Viện Kiểm sát TP.HCM, mở đầu câu chuyện với chúng tôi như thế.

Những “lá bùa hộ mệnh”

Do biết chút ít tiếng tây “bồi”, Lai lại được giới thiệu làm “thằng nhỏ” cho một chủ người Pháp khác. Khi về nước, người chủ này “sang tay” Lai làm nghề tiêm thuốc phiện cho Phạm Gia Nùng, Án sát tỉnh Bắc Ninh. Vốn khéo tay lại nhanh nhẹn, Lai được quan án sát yêu quý. Trong lần ăn mừng được lên chức Bố chánh tỉnh Bắc Ninh, Nùng giới thiệu với các quan khách tây, ta đến dự Lai là cháu gọi vợ bé của Nùng bằng cô ruột. Đây là cơ hội tốt cho Lai hợp thức hóa lý lịch trong suốt quãng đời hoạt động bí mật giữa lòng địch sau này. “Họ hàng” của ông giờ đây toàn những quan thượng thư, án sát… Làm cho gia đình Nùng ít lâu, ông Năm Lai bỏ đi, theo những tốp thợ chuyên trang trí nội thất học nghề, sau đó ông bỏ trốn vào miền Nam đi làm phu cao su ở Dầu Tiếng, Thủ Dầu Một. Được giác ngộ cách mạng, ông tham gia đơn vị tự vệ Quyết tử 950, tiền thân của Bộ đội đặc công và biệt động Sài Gòn sau này.
Cũng nhờ khéo tay, ông Năm Lai được tham gia tốp thợ sửa chữa ngai vàng cho vua cha của ông Hoàng Xi-ha-núc (Quốc Vương Cao Miên nay là Campuchia). Ngoài tiền thưởng hậu hĩnh, mỗi người thợ còn được cấp một chứng chỉ có quyền nhập cảnh Campuchia bất cứ lúc nào mà không cần xin phép. Đây cũng chính là một “tấm bùa hộ mệnh” trong quãng đời hoạt động bí mật của ông.

Nhà thầu khoán lớn

Để hợp thức hóa cho hoạt động công khai, ông Năm Lai được tổ chức bố trí vào hoạt động tại nội thành, lấy vợ là bà Phạm Thị Phan Chính (Pham Thị Chinh), đảng viên Đảng Cộng sản, kết nạp năm 1947, cháu ruột chủ tiệm vàng Phú Xuân nổi tiếng Sài Gòn khi đó. Cuộc gặp đầu tiên với “người vợ” mà ông Năm Lai chưa từng biết mặt, được tổ chức bố trí ngay tại… Ty Cảnh sát Ngụy, tỉnh Long An. Sau này, ông Phú Xuân đã giới thiệu người cháu rể với Trung tá Huỳnh Giá, Trưởng phòng Nội dịch Phủ tổng thống Ngụy. Với lý lịch họ hàng toàn quan thượng thư, án sát, kèm theo tấm chứng chỉ do ông Hoàng Xi-ha-nuc cấp, cộng với tay nghề tài hoa, ông Năm Lai dễ dàng chiếm được cảm tình của Huỳnh Giá và trở thành nhà thầu khoán, biệt danh Mai Hồng Quế, chuyên trang trí nội thất cho phủ tổng thống Ngụy.
“Bố tôi chọn tên Mai Hồng Quế là đặc trưng của ba miền đất nước. Hoa Mai của miền Nam; Hồng là màu của Hoa Đào miền Bắc. Còn Quế là cây đặc trưng của miền Trung”. Anh Xương (tự Bình), giải thích. Và cuộc đời của ông Năm Lai từ đây bước sang trang mới. Từ một nông dân trở thành nhà thầu khoán lớn, được cấp thẻ tự do ra vào phủ tổng thống Ngụy, chuyên tiếp xúc, giao dịch với nhiều nhân vật cỡ bự của chính quyền Sài Gòn. Một thời gian sau, phát hiện người cháu rể có liện hệ với “Việt Cộng”, ông Phú Xuân cho vợ chồng ông Năm Lai ra ở riêng để tránh những phiền phức có thể xảy ra. Có tay nghề, có vốn, lại có quan hệ, vợ chồng ông Năm Lai làm ăn phát đạt, sắm nhiều nhà cửa, mua một lúc hai ô-tô, mỗi chiếc trị giá khoảng vài trăm cây vàng thời đó.

Sự hi sinh thầm lặng

Đầu năm 1964, sau khi đảo chính anh em Diệm, Nhu, chính quyền Ngụy có chủ trương tha bổng một số tù nhân chính trị với điều kiện người được thả phải có người bảo lãnh. Tổ chức phân công cho bà Chinh bảo lãnh cho hai cán bộ cách mạng là Phạm Quốc Sắc và Phan Trọng Bình. Khi hai người được trả tự do, tổ chức đã bố trí đưa ra vùng giải phóng. Cả hai sau này đều trở thành những cán bộ cao cấp của Đảng. Thấy hai người mất tích, bọn địch đã bắt bà Chinh tra hỏi nhiều lần. Bà Chinh chỉ một mực khai báo: “Trước khi mất, mẹ tôi có dặn phải đi tìm hai người anh họ tên Phạm Quốc Sắc và Phan Trọng Bình (bà Chinh họ Phạm, tên lót là Phan). Tôi chỉ biết bảo lãnh cho hai anh về, còn tư tưởng, hoạt động của họ thế nào, tôi không biết” (bà Chinh bị tra tấn rất dã man, bà ốm nặng và cuối năm 1964 thì mất). Để bịt kín “lỗ hổng” có thể xảy ra, ông Năm Lai phải lo lót nhiều tiền bạc, cộng với sự lộn xộn, bất ổn liên tiếp của chính quyền Ngụy khi đó, mọi sự dần đi vào quên lãng. Riêng ông mang nặng nỗi đau. Mãi đến năm 1984 bà Chinh mới được công nhận là liệt sĩ.
Cơ sở của ông Năm Lai có nhiều công nhân chuyên may vật dụng trang trí nội thất, trong đó có một người tên Đặng Thị Thiệp (Đặng Thị Tuyết Mai), tuổi ngoài 20, khá xinh đẹp, quê Quảng Ngãi, thường hay chăm sóc ông. Thi thoảng, những lúc chỉ có hai người, cô Thiệp còn kín đáo cho “ông chủ” biết bố mình là đảng viên Đảng Cộng sản từ năm 1930, gia đình nhiều anh em đi tập kết miền Bắc. Ông Năm Lai dự định sẽ giác ngộ và hướng cô Thiệp theo cách mạng, nhưng ông đâu có ngờ…
Gặp chúng tôi mới đây, bà Thiệp (năm nay 71 tuổi) nhưng vẫn rất nhanh nhẹn và giữ được nét đẹp của tuổi thanh xuân, vui vẻ kể: Năm 1964, bà được tổ chức dự định đưa ra miền Bắc đi học, nhưng kẹt đường nên không đi được. Tổ chức đưa bà về Sài Gòn và bố trí vào làm tại cơ sở của ông Năm Lai. “Sau này tôi mới biết, khi chị Chinh mất, tổ chức muốn tôi lấy ông Năm Lai làm chồng để tiếp nối sự nghiệp. Mà thời gian gần gũi, tôi cũng yêu ông thật, bởi ông chịu thương, chịu khó, thông minh lại hiền lành”, bà Thiệp cười. Cuối năm 1965, ông bà chính thức trở thành vợ chồng… chui. Vì với bên ngoài, bà chỉ được đóng vai nhân tình, vợ bé của “nhà thầu khoán”. Đây cũng là một sự hi sinh thầm lặng của bà. Từ đây, ông Năm Lai lại có thêm một người vợ cùng chí hướng.

2. Biệt động Sài Gòn kể chuyện đánh Dinh Độc Lập

Cuối năm 1965, theo yêu cầu của cấp trên, ông Năm Lai đã bán hai biệt thự số 6, 8 đường Tự Đức (nay là đường Nguyễn Thị Huỳnh, quận Phú Nhuận, TP HCM) để mua 3 căn nhà 287/68-70-72 đường Phan Đình Phùng (nay là Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, TP HCM). Tại đây, ông Năm đã bí mật đào hầm ngầm, thiết kế hầm nổi trên trần nhà để cất giấu vũ khí và làm nơi ẩn nấp cho cán bộ khi hoạt động nội thành. Ông Năm Lai đã dùng xe của mình 3 lần chở trên 2 tấn vũ khí gồm B.40, B.41, lựu đạn, súng AK, thuốc nổ TNT… về và một mình đưa xuống hầm ngầm cất giấu.

Tự hủy hoại mình để được đi đánh giặc

Ông Phan Văn Hôn (Bảy Hôn), nguyên là chiến sĩ Biệt động Sài Gòn (BĐSG), năm nay 67 tuổi, nhớ lại: Trước Tết Mậu Thân, một hôm, ông Trần Hải Phụng, nguyên Tư lệnh Quân khu Sài Gòn – Gia Định, tập hợp chúng tôi lại và thông báo, đại ý: “Nuôi quân 3 năm, sử dụng một giờ. Giờ phút quan trọng đã đến, ai còn chần chừ, bước lại phía sau”. Cả hàng quân im phăng phắc. Không một ai lùi lại. Tất cả chỉ mong đến giờ được ra trận. Mùng Một Tết, hàng trăm chiến sĩ BĐSG bằng nhiều cách khác nhau đã từ ngoại thành vào nội đô. Tại cơ sở đường Trần Quý Cáp, chiều mùng một, đã có 15 chiến sĩ tập trung về đây.
Bà Vũ Minh Nghĩa (Chín Nghĩa, năm nay 67 tuổi, nữ chiến sĩ BĐSG duy nhất tham gia đánh Dinh Độc Lập Tết Mậu Thân 1968), kể: gần đến ngày ra trận, để tăng cường lực lượng, tổ chức phân công cho một nữ cơ sở đang có bầu sắp tới ngày sinh đến trại giam Bến Lức (tỉnh Long An) xin cho đồng chí Nguyễn Văn Hai (Hai Thanh, đang bị giữ tại đây vì trốn quân dịch), về lo cho vợ sinh nở. Trong lúc gặp gỡ, cơ sở đã truyền đạt mệnh lệnh và hẹn ngày, giờ, địa điểm tập trung. Trở lại phòng giam, ông Hai Thanh đã tìm một thanh kẽm nhỏ tự đâm vào mắt mình, máu tuôn xối xả, trưởng trại phải cho ông về Sài Gòn cấp cứu. Băng bó xong, ông Hai Thanh trốn ngay về cơ sở trên đường Phan Đình Phùng để cùng đồng đội trong Đội 5 BĐSG đi đánh giặc.

Trận chiến bi hùng

Theo kế hoạch, đúng 2 giờ mùng 2 Tết Mậu Thân, các đội BĐSG sẽ đồng loạt nổ súng tấn công một số mục tiêu Dinh Dộc Lập, Tòa Đại sứ Mỹ (nay là Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP HCM), Đài Phát thanh Sài Gòn (nay là Đài Tiếng nói Nhân dân TP HCM…). Gần đến giờ G., chỉ huy trưởng Tô Hoài Thanh (Ba Thanh), mới phổ biến mục tiêu tấn công của Đội 5 BĐSG là Dinh Độc Lập và phải giữ trận địa 15 – 30 phút sẽ có quân chi viện. Ông Bảy Hôn, nhớ lại: Khoảng 1h30, chúng tôi lên 3 chiếc xe ô tô chở vũ khí (trong đó có hai xe của ông Năm Lai).
Ông Ba Thanh phân công ông Năm Lai đến mục tiêu rồi phải về ngay để điều phối vũ khí cho các nơi khác. Đoàn xe theo đường Trần Quý Cáp (nay là đường Võ Văn Tần) rẽ ra đường Lê Văn Duyệt (nay là Cách mạng Tháng Tám), rồi theo đường Nguyễn Du tiến đến cổng sau Dinh Độc Lập (gần ngã tư Nguyễn Du – Huyền Trân Công Chúa). Khi đoàn xe vào đường Nguyễn Du, những ụ gác của địch ở đây nhốn nháo đề phòng. Chiếc xe đi đầu đã tiêu diệt ụ gác đầu tiên rồi nhanh chóng phóng đến cổng sau Dinh Độc Lập để một người lao vào đặt khối thuốc nổ phá cổng. Nhưng khối thuốc không nổ. 5 chiến sĩ công kênh trèo qua tường rào, tấn công vào trong dinh.
Lực lượng phòng vệ của địch sau phút hoảng loạn đã bắn trả dữ dội, 5 người hi sinh tại chỗ. Bên ngoài, 3 xe của quân Mỹ chạy đến tiếp viện bị các chiến sĩ BĐSG tiêu diệt. Nhưng tình hình mỗi lúc một gay go. Quân Đại Hàn đóng tại Trường Quốc gia Âm nhạc (Nhạc viện TP.HCM ngày nay) bắn sang sát sạt. Thêm 2 người hi sinh, 4 người bị thương. “Lúc này tôi cũng đã bị thương vào bụng, máu ướt đẫm áo. Tôi đỡ anh Ba Thanh bị trúng đạn vào ngực trên tay mình. Trước khi nhắm mắt, anh Ba Thanh căn dặn chúng tôi phải giữ vững trận địa, không được rút, chờ quân chi viện. Chính mệnh lệnh này nên chúng tôi không rút quân ngay trong đêm đó”, bà Chín Nghĩa bồi hồi nhớ lại.

Thoát chết trong gang tấc

Gần sáng, không thấy quân chi viện, 8 chiến sĩ còn lại rút vào một cao ốc đang xây dở cạnh đó (nay là trụ sở của Công ty Thép Miền Nam). Suốt một ngày vừa đói, vừa khát, nhưng 8 chiến sĩ vẫn chống trả quyết liệt, đẩy lùi nhiều đợt tiến công của kẻ thù. Tại đây, chiến sĩ Lê Tấn Quốc đã hi sinh. Gần sáng mùng 3 Tết, lợi dụng những lỗ hổng trên tường do đạn địch bắn, 7 người dìu nhau, leo trèo vượt qua mấy nhà khác, rồi trổ mái ngói xuống một gia đình trên đường Thủ Khoa Huân. Đến sáng, quân địch truy theo dấu máu phát hiện, đổ quân bao vây. Còn quả lựu đạn cuối cùng, một người rút chốt tung ra, nhưng không nổ. Địch xông vào bắt 7 người.
Giam 7 người ít lâu, một hôm chính quyền Ngụy đem họ đi thủ tiêu. “Chúng bịt mắt chở chúng tôi đến một nơi nào đó rồi lôi xuống rồi lên lên đạn lách cách. Lúc này, chúng tôi nghĩ sẽ hi sinh. Đột nhiên im lặng khá lâu. Rồi một tên nói to “Số chúng mày hên quá nên chưa chết!”. Chúng tôi được chở về trại giam. Sau này nghe kể lại, khi chính quyền Ngụy rêu rao sẽ tử hình tất cả BĐSG tấn công Dinh Độc Lập, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã phát đi tuyên bố, nếu chính quyền Ngụy bắn những BĐSG trên, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam sẽ xử tử hình một số sĩ quan cao cấp của địch. Có lẽ vì thế chúng không dám bắn chúng tôi”, ông Bảy Hôn và bà Chín Nghĩa, xúc động kể.
Khi Hiệp định Paris được ký kết, 7 người được trở về. Phần ông Năm Lai, khi đến Dinh Độc Lập, có tham gia chiến đấu rồi phải trở về ngay theo mệnh lệnh của ông Ba Thanh. Biết chắc mình sẽ bị lộ, ông Năm Lai trốn về quê vợ. Đến năm 1972, ông Năm Lai bị bắt tại Quảng Ngãi. Nhưng do ông sử dụng căn cước giả và giả điên quá khéo, địch phải thả ông ra.

3. Những ước nguyện cần sớm giải quyết

Từ hai chiếc xe chở vũ khí để lại hiện trường, kẻ địch đã biết “nhà thầu khoán” chính là một BĐSG tham gia tấn công Dinh Độc Lập đồng thời phát hiện ra hầm ngầm chứa vũ khí tại 270/70 Trần Quý Cáp.

Cuộc sống khó khăn

Bà Đặng Thị Thiệp, vợ ông Năm Lai, kể: Chính quyền cũ treo giải thưởng 2 triệu đồng (tương đương 2.000 cây vàng khi đó) cho ai bắt được Năm Lai. Khi đến khám nhà 287/70 Phan Đình Phùng, chúng xổ một tràng đại liên vào cửa. Hiện cửa sắt của ngôi nhà vẫn còn 55 vết thủng do đạn bắn. Sau đó, chúng tịch thu toàn bộ tài sản của ông Năm Lai, đem bán đấu giá. Riêng ngôi nhà trên đường Võ Duy Nguy (nay là số nhà 720 Nguyễn Kiệm, phường 4, quận Phú Nhuận) do ông Năm Lai không đăng ký tên mình nên kẻ địch không phát hiện. Chính vì thế, tôi và các con vẫn sống ở đây cho đến sau giải phóng miền Nam.
Đất nước thống nhất, ông Năm Lai về công tác tại Ban Tổng kết chiến tranh Bộ Tư lệnh TP HCM. Biết ông là sĩ quan quân đội, một số gia đình còn nợ tiền trước giải phóng đem đến trả, nhưng ông không nhận. Mấy ngôi nhà của ông bị chính quyền cũ tịch thu, phát mãi, ông cũng không xin lại. Riêng ngôi nhà 287/70 Nguyễn Đình Chiểu, nhà nước thu lại giao cho ông quản lý. Đồng lương sĩ quan cấp úy của ông khi đó quá ít ỏi để có thể nuôi được vợ và 6 người con đang tuổi ăn học. Cuộc sống của gia đình dồn hết lên vai bà Thiệp.
Bà bươn chải, nuôi heo, nuôi gà, buôn bán đủ thứ, coi xe ngoài chợ để mưu sinh. Đến năm 1980, khi di dời hài cốt của bà Chinh từ Nghĩa trang Bắc Việt (khu vực rạp hát Tân Son Nhất, quận Tân Bình ngày nay) về Nghĩa trang thành phố ở quận Thủ Đức, ông Năm Lai đã phải bơm vá xe ngoài đường vào buổi tối để có tiền xây mộ cho người vợ đầu. Đến khi khó khăn quá, ông đành rứt ruột bán ngôi nhà 720 Nguyễn Kiệm (nơi đây cũng có hầm ngầm và ông Năm Lai đã từng đưa cấp trên về sống ở đây trong những ngày đi kiểm tra thực địa phục vụ trận tấn công năm 1968) lấy tiền sinh sống. Còn gia đình ông dọn về căn nhà được nhà nước cấp (số 85 đường Nguyễn Hữu Cầu, quận1, nguyên là bót cảnh sát của chế độ cũ) sinh sống.

Những khung ảnh chỉ có tên

Năm 1988, Bộ Văn Hóa quyết định công nhận căn nhà 287/70 Nguyễn Đình Chiểu, phường 5, quận 3, TP HCM là Di tích Lịch sử – Văn hóa cấp quốc gia. Hầm ngầm của ngôi nhà nay đã được tu bổ, nhưng vẫn giữ được khá nguyên vẹn hiện trạng, lỗ thông hơi nối với cột nhà rỗng ruột được ông Năm Lai thiết kế khi xây dựng từ năm 1966. Dưới hầm trưng bày một số súng, lựu đạn mô phỏng số vũ khí đã được ông Năm Lai mang về cất giấu tại đây. Tầng trệt (tầng 1) trưng bày một số hình ảnh của ông Năm Lai và đồng đội, tư liệu của chính quyền Ngụy viết về trận đánh Mậu Thân 1968 và bộ ván gỗ với vũ khí được cất giấu phía trong.
Vị trí trang trọng nhất trên lầu 1 (tầng 2) được giành làm nơi thờ cúng các liệt sĩ đã tập trung ở đây để đi đánh Dinh Độc Lập Tết Mậu Thân 1968. Điều xót xa, trong số 8 liệt sĩ đã hi sinh, chỉ duy nhất liệt sĩ Lê Tấn Quốc có ảnh. 7 người còn lại, khung ảnh chỉ có duy nhất một dòng chữ ghi tên. Gặp chúng tôi khi đến đây thắp hương đồng đội, bà Chín Nghĩa, mắt ngân ngấn lệ giải thích: “Vì lý do bí mật khi đó, chúng tôi chỉ biết tên hoạt động của nhau chứ không phải tên thật, cũng chẳng ai nghĩ đến chụp ảnh. Đến giờ, do chẳng biết tên thật, quê quán của các anh ở đâu, nên nhiều người chưa được công nhận liệt sĩ. Thôi thì các anh từ đây đi đánh giặc, hi sinh, thì mong các anh lấy nơi đây làm nhà mình”.
Phải chăng, cũng vì thế, những năm cuối đời, ông Năm Lai không ở với vợ con mà về đây sống một mình, sống với những đồng đội đến nay vẫn chưa tìm được tông tích gia đình. Năm 2002, sau 6 lần mổ vì căn bệnh ung thư ruột, hậu quả của những lần bị địch tra tấn bằng cách đổ nước vôi, nước xà phòng vào bụng, ông Năm Lai mất.

Ước mơ về một tấm bia tưởng niệm

Có được những kỷ vật, tư liệu, hình ảnh đang trưng bày trong Di tích lịch sử 287/70 Nguyễn Đình Chiểu hôm nay, không thể không nhắc tới công lao của anh Trần Kiến Xương (tự Bình). Từ nhiều năm qua, bằng nỗ lực, kinh phí của gia đình, anh đã sưu tầm được rất nhiều hiện vật, tư liệu để trưng bày. Nhưng điều đáng buồn, vì diện tích quá khiêm tốn (bề ngang căn nhà chỉ chưa đầy 2m), thêm nữa ngay trước cửa di tích này, tình trạng lấn chiếm lòng đường để làm nơi buôn bán đã làm cho nhiều người không thể nhận ra nơi đây là Di tích lịch sử – Văn hóa quốc gia (trong cuốn sổ lưu niệm, nhiều người cũng ghi lại như thế).
“Tôi chỉ mong chính quyền TP HCM sớm hoán đổi nhà khác cho chủ hộ hai gia đình bên cạnh (287/68, 287/72), trả lại nguyên trạng như khi bố tôi mua nhà này. Khi đó, gia đình tôi sẽ mở rộng di tích lịch sử, trưng bày thêm hiện vật, làm nơi thờ cúng ba tôi và các đồng đội đã hi sinh mà chưa tìm được quê quán”, anh Bình nói.
Trong số 16 chiến sĩ BĐSG đánh Dinh Độc Lập Tết Mậu thân 1968, có đến 8 người đã hi sinh, thêm 3 người mất vì tuổi già, bệnh tật. Hai liệt sĩ đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang là Chỉ huy trưởng Ba Thanh và chiến sĩ Lê Tấn Quốc. Hai người đang được đề nghị phong tặng và truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang là bà Chín Nghĩa và ông Trần Văn Lai.
Tâm sự với chúng tôi, cả bà Chín Nghĩa và ông Bảy Hôn, đều có chung suy nghĩ: “Tại Tòa Đại sứ Mỹ và Đài Phát thanh Sài Gòn cũ (nay là Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM và Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM) đã có Bia tưởng niệm ghi công của các chiến sĩ BĐSG. Mong nhà nước sớm xây dựng Bia tưởng niệm chiến sĩ BĐSG tại cổng sau Dinh Độc Lập (nay là Hội trường Thống Nhất) trên đường Nguyễn Du để ghi nhận công lao của các đồng đội chúng tôi và giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ”. Mong sao, nguyện vọng chính đáng sớm thành sự thật.

__________________________________________

Posted in Chuyện lịch sử | Thẻ: , , | Leave a Comment »

Chuyện dã sử hay sự thật?

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Tư 27, 2011

– Xưa nay, tại Hoa Lư, vào ngày giỗ Đinh Tiên Hoàng, khi mổ trâu, bò, dê, lợn làm lễ cúng, tất cả lòng đều bỏ đi, không dùng làm cỗ. Đó là tục kị nhắc đến món lòng tẩm thuốc độc đã làm hại vua.

Đinh Tiên Hoàng bị giết hại thế nào?

Sau khi dẹp được “loạn 12 sứ quân”, Đinh Tiên Hoàng, người động Hoa Lư, châu Đại Hoàng (nay là Hoa Lư, Ninh Bình), lên ngôi hoàng đế, lập ra nhà Đinh.

Vào một đêm mùa đông của tháng 10 năm Kỷ Mão (979) Đinh Tiên Hoàng sau yến tiệc, say rượu nằm ngủ ngay giữa sân cung đình. Một viên quan hầu cận là Đỗ Thích vốn nuôi sẵn ý đồ thoán đoạt đã lẻn vào giết chết ông. Sử sách không cho biết rõ Đỗ Thích giết hại vua như thế nào mà chỉ chép ngắn gọn rằng: “Mùa đông, tháng 10, Chi hậu nội nhân là Đỗ Thích giết vua ở sân cung đình… Nhân vua ăn yến ban đêm, say nằm ở trong sân, Thích bèn giết, lại giết cả Nam Việt vương Liễn” (Đại Việt sử ký toàn thư).

Theo dã sử và giai thoại ở Hoa Lư thì Đinh Tiên Hoàng bị đầu độc, trước đây Đỗ Thích xuất thân thấp hèn nhưng vì có công cứu vua thoát nạn trong một trận đánh thời dẹp loạn 12 sứ quân nên sau khi nên ngôi, Đinh Tiên Hoàng đã cho Đỗ Thích làm Chi hậu nội nhân lo việc phục vụ ăn nghỉ của vua. Vì biết Đinh Tiên Hoàng sinh thời thích ăn lòng lợn nên khi cho rằng thời cơ cướp ngôi đã đến, Đỗ Thích dâng lên vua một đĩa lòng lợn rất ngon có tẩm thuốc độc cực mạnh, vua ăn xong trúng độc mà mất. Chính vì câu chuyện này mà từ đó đến ngày nay, tại Hoa Lư, vào ngày giỗ Đinh Tiên Hoàng, khi mổ trâu, bò, dê, lợn làm lễ cúng, tất cả lòng đều bỏ đi, không dùng làm cỗ. Đó là tục kị nhắc đến món lòng tẩm thuốc độc đã làm hại vua.

Tên tục của một số vị vua

Theo quan niệm dân gian, tên tục là tên do cha mẹ đặt lúc mới sinh, chỉ gọi lúc còn bé, thường dùng từ Nôm xấu xí, tuy nhiên cũng có tên không phải là quá xấu. Sử liệu, dã sử cũng cho biết tên tục của một số vị vua nước ta.

Ví như Mai Hắc Đế tên hồi nhỏ là Phượng (một loài chim), vua Trần Thái Tông xuất thân từ gia đình làm nghề chài lưới nên có tên tục là Lành Canh (một loài cá), Lê Chiêu Tông có tên tục là Huệ (một loài hoa).

Khi sinh vua Lê Hy Tông, mẹ ông bị ghẻ lạnh. Bà phải về quê ngoại sống như dân thường, phải mò cua, bắt ốc, hến để kiếm sống và đã đặt tên con là Cáp (nghĩa là con hến), khi lên làm vua, Lê Duy Cáp mới đổi tên là Lê Duy Hiệp. Vua Quang Trung hồi nhỏ tên là Thơm (nghĩa là mùi hương) còn đối thủ của ông sau này lập ra nhà Nguyễn là vua Gia Long có tên tục là Noãn (trứng). Hoàng tộc nhà Nguyễn có lệ gọi cả con trai, con gái đều là mụ (mệ) cho dễ nuôi vì thế các vua hồi nhỏ đều có tên tục, như vua Dục Đức lúc nhỏ được gọi là mệ Tríu, vua Hiệp Hòa là mệ Mến, vua Bảo Đại là mệ Vững…

Vua lấy nô tỳ làm vợ:

Những người được chọn làm vợ vua hầu hết đều xuất thân từ gia đình cao quý, con cháu quan lại, một số người từ tầng lớp dân thường do may mắn mà một bước lên bậc phi tần, vương hậu. Tuy nhiên vì những cơ duyên đặc biệt có phụ nữ ở thân phận nô tỳ, địa vị thấp hèn nhất trong xã hội nhưng lại trở thành vợ vua. Người thứ nhất là bà Nguyễn Thị Cẩn, vợ vua Lê Hiến Tông, bà quê ở Đông Ngàn (nay thuộc Bắc Ninh) vốn mồ côi, nghèo khổ phải đi làm người ở, sau bị bắt làm nô tỳ phục dịch trong cung, vì có sắc đẹp mà bà được vua Lê Hiến Tông lấy làm vợ, phong làm phi, bà chính là mẹ đẻ của vua Lê Uy Mục.

Người thứ hai là một bà phi họ Lê (không rõ tên), quê ở xã Sa Lung, châu Minh Linh (nay là huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị) vì gia đình mắc tội, bị bắt làm nô tỳ nhưng xinh đẹp, rất thông minh nên được Lê Uy Mục đón vào cung phong làm phi. Sách Đại Việt thông sử cho biết bà “hầu như độc chiếm tình yêu của vua”.

Chuyện cha con vua Lê Hiến Tông, Lê Uy Mục đều lấy nô tỳ làm vợ thật là chuyện lạ hiếm thấy trong lịch sử Việt Nam.

Vua Minh Mạng hai lần bị người phương Tây ám sát

Là vị vua thứ 2 của nhà Nguyễn, khác với cha mình là vua Gia Long, Minh Mạng không mấy thiện cảm với người phương Tây do nghi ngại sự nhòm ngó với ý đồ xâm lược, bên cạnh đó những việc buôn bán thuốc phiện, truyền đạo Thiên chúa của người Tây càng khiến chính sách của vua với những người tóc vàng, mắt xanh gay gắt hơn.

Có lẽ vì thái độ này, đặc biệt là chủ trương cấm đạo của vua mà Minh Mạng trở thành đối tượng cần “loại trừ” của người phương Tây; không rõ có bao nhiêu âm mưu hãm hại vua, nhưng trong sách Quốc sử di biên cho biết một đại thần là Hà Tông Quyền đã 2 lần cứu ông thoát chết: “Lúc bấy giờ khách buôn Tây dương dâng áo gấm, giá đáng nghìn vàng. Quyền tâu nói rằng của lạ ngoại quốc không nên vội tin, xin cho tên tử tù hãy mặc thứ áo ấy. Khi tên tù mặc áo ấy, cài cúc vừa xong thì hỏa phát, áo cháy, tên tù bị chết cháy. Vua kinh hãi quá ban khen Quyền. Sau, lại có người nước Hoa Lang (Hà Lan) dâng một đôi cây sáp lớn vẽ tứ linh. Quyền tâu xin cắt ngang một cây ra, thấy có chứa đạn súng và thuốc hỏa mù. Vua càng lấy làm lạ về tài thực của Quyền”.

theo Lê Thái Dũng
_________________________________________________

Posted in Chuyện lịch sử | Thẻ: , , , | Leave a Comment »