NGÔN NGỮ & VĂN HÓA

CHÚC MỪNG NĂM MỚI

Archive for the ‘Chuyện đời sống’ Category

Người nghèo không thể mua nhà thu nhập thấp

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Tám 18, 2011

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, nếu chỉ trông vào lương, người nghèo đừng nghĩ đến nhà thu nhập thấp, vì “lương cỡ Bộ trưởng cũng phải 40 năm mới đủ tiền mua”.

Tại hội thảo Tác động của thị trường bất động sản lên thị trường tài chính Việt Nam, những khuyến nghị chính sách tổ chức ngày 18/8, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam khẳng định, với giá cả nhà và mức lương như hiện nay, người nghèo không thể mua được nhà thu nhập thấp.

Một bác sĩ trưởng khoa từng tâm sự với ông Nam lương nuôi thân không đủ, chưa dám nghĩ đến chuyện mua ôtô, lại càng không dám mơ đến việc mua nhà.

Cũng theo ông Nam, để giải bài toán nhà thu nhập thấp, Nhà nước và doanh nghiệp cần có giải pháp kéo giá nhà xuống, bằng cách ưu đãi chính sách, điều chỉnh quy mô và độ hoàn thiện của căn nhà ở mức hợp lý, đồng thời phải nâng dần thu nhập, mức sống của người dân.

Theo lãnh đạo Bộ, đặt bài toán cho ngành xây dựng là phải làm nhà để người có mức lương 2 triệu đồng mua được nhà là điều không thể. “Nếu chỉ trông chờ vào đồng lương, đừng nghĩ đến chuyện mua nhà. Cỡ như Bộ trưởng, chúng tôi tính còn 40 năm mới mua được”, ông Nam thẳng thắn.

Nguồn cơn khiến ông Nam phải phát biểu như vậy là gần đây dư luận bức xúc giá nhà thu nhập thấp quá cao so với khả năng chi trả của lao động nghèo. Thậm chí có người tính toán với thu nhập dưới 5 triệu một tháng, họ phải nhịn ăn, nhịn uống, nhịn mặc ròng rã 15 năm mới mua được nhà.

Trên thực tế, các dự án ở Hà Nội hiện nay như Đặng Xá, Kiến Hưng, Ngô Thì Nhậm, Sài Đồng dao động ở mức gần 10 triệu đến 13,27 triệu đồng mỗi m2. Mức giá này thấp bằng nửa giá chung cư bình dân trên thị trường, song vẫn quá khả năng chi trả của nhiều người thuộc diện nghèo chỉ biết trông vào đồng lương. Vì thế mà có những người sau tháng ngày ròng rã chờ vận may nhưng đến khi trúng suất mua lại đành từ chối vì không kham nổi. Ở dự án Sài Đồng, nhiều trường hợp đã từ chối ký hồ sơ, trả lại nhà.

Ông Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban giám sát Tài chính Quốc gia, cho hay, Việt Nam có tốc độ tăng dân nhập cư nhanh, trong đó, việc cấp phép, thủ tục đất đai không minh bạch, gây rủi ro rất lớn với bất động sản. Giá bất động sản thường tăng gấp 3-4 lần so với thu nhập bình quân đầu người dẫn đến người nghèo ngày càng ít cơ hội tiếp xúc với nhà ở. Ông Nghĩa đưa ra minh họa, nhà ổ chuột đang tăng nhanh, ngoài bờ đê Sông Hồng, có tới hàng vạn ngôi nhà không có chút tiện nghi, trong khi đó, giá nhà đất lại tăng cao chóng mặt.

Do đó, theo ông Nghĩa, để giải quyết nhu cầu nhà ở, nhà giá rẻ cần được khuyến khích xây dựng. Tuy nhiên, phi lý ở chỗ, doanh nghiệp Việt Nam vẫn đua xây nhà diện tích lớn, thiết bị bóng lộn. “Trong khi Trung Quốc chỉ làm 40-50 m2 thì Việt Nam làm đến 70 m2. Nhà dành cho người thu nhập thấp nhưng bên trong tiện nghi, bóng lộn, giá cao ngất, tôi e rằng, không có người nghèo nào mua được”, ông Nghĩa lo ngại.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam thẳng thắn nhận định, thực tế, các sản phẩm nhà thu nhập thấp đến với người dân đang “có vấn đề”. Mặc dù nhà bán cho người nghèo nhưng tiến độ đóng tiền dồn dập, giá cả chót vót, lên đến 13,27 triệu đồng mỗi m2 khiến người dân không thể tiếp cận được. Với đồng lương ít ỏi, người dân không đủ tiền mua nhà và họ không thể vay ngân hàng với lãi suất cao ngất ngưởng như hiện nay.
“Suất đầu tư của Bộ Xây dựng quy định chỉ khoảng 8 triệu mỗi m2 nhưng nhà thu nhập thấp lên tới hơn 13 triệu đồng. Tôi cho rằng, cần làm chặt hơn vấn đề hậu kiểm”, ông Minh kiến nghị.

Lý giải về giá nhà thu nhập thấp bị đẩy cao, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng, thực tế, các ưu đãi cho doanh nghiệp chưa nhiều. Nhà nước hỗ trợ tiền sử dụng đất và cho phép doanh nghiệp tăng mật độ xây dựng và mật độ sử dụng đất. Còn lại các ưu đãi về thuế mới chỉ áp dụng trong năm 2009, khi chưa có dự án nhà thu nhập thấp nào được triển khai và doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn vay từ ngân hàng phát triển Việt Nam.

Theo Thứ trưởng Nam, mặc dù được miễn tiền sử dụng đất, doanh nghiệp vẫn phải đền bù giải phóng mặt bằng dẫn đến giá nhà bị đẩy cao. Giá nhà thu nhập thấp càng gần trung tâm càng đắt là điều dễ hiểu. Lãnh đạo Bộ khẳng định, giá nhà thu nhập thấp Sài Đông, Đặng Xá đều đã được UBND thành phố kiểm tra “ra tấm ra món” và doanh nghiệp chỉ được lãi tối đa 10%. “Tiền đền bù cao, hạ tầng đắt, mức độ hoàn thiện tốt thì giá sẽ đắt hơn. Nếu người dân mua 6,7 triệu đồng thì phải ra xa, đơn cử Thanh Hóa chỉ bán 6,9 triệu đồng mỗi m2”, ông Nam khẳng định.

Ngoài ra, theo lãnh đạo Bộ Xây dựng, một trong những lý do khiến giá nhà bị đẩy cao là doanh nghiệp chuộng nhà to. Quy định cho phép nhà có diện tích từ 30 đến 70 m2, thì doanh nghiệp làm hết mức tối đa cho phép, mỗi nhà lên đến 58-70 m2. Theo Thứ trưởng Nam, doanh nghiệp cần định vị lại chiến lược kinh doanh cũng như nhu cầu của người dân. Ông Nam dẫn chứng, có vị đại biểu Quốc hội ở nhà có 6 m2, do đó, căn hộ rộng 30 m2, sạch sẽ khép kín là điều mơ ước với nhiều người. “Tôi khuyến nghị doanh nghiệp chỉ nên làm nhà nhỏ, diện tích 30 m2 thì mỗi căn hộ chỉ khoảng 300 triệu đồng. Như thế người dân sẽ dễ tiếp cận hơn”, ông Nam khuyên.

theo Song Linh- Hoàng Lan
________________________________________________________________

Posted in Chuyện xã hội, Chuyện đời sống, Kinh tế | Thẻ: , , | Leave a Comment »

6 tháng đầu năm: Những vấn đề nổi cộm

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Tám 18, 2011

Nhiều lao động Trung Quốc không phép, tình trạng mất việc nhiều do doanh nghiệp khó khăn, đình công gia tăng… là những vấn đề nổi cộm được nêu ra tại hội nghị tổng kết 6 tháng đầu năm của Bộ Lao động thương binh và xã hội diễn ra sáng 15/8 tại Bà Rịa – Vũng Tàu.

Không nắm được số lao động Trung Quốc

Thời gian qua, tại Cà Mau và một số tỉnh thành đã xảy ra tình trạng nhiều lao động Trung Quốc làm việc nhưng không có giấy phép lao động. Theo báo cáo của sở LĐTBXH tỉnh Cà Mau, lao động Trung Quốc của tỉnh này tập trung nhiều ở Cụm công nghiệp khí, điện, đạm Cà Mau với khoảng 1.728 lao động Trung Quốc, trong đó có 686 lao động được cấp phép, 440 lao động có thời gian làm việc dưới ba tháng chưa cấp phép và 607 lao động chưa cấp phép.

Theo bà Chung Ngọc Nhãn, giám đốc LĐTBXH tỉnh Cà Mau, nguyên nhân trực tiếp là do Ban quản lý dự án và nhà thầu Trung Quốc đưa lao động đến làm việc nhưng chưa báo cáo cụ thể, nên cơ quan quản lý lao động không thể nắm cụ thể!

Phát biểu tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ mối lo ngại, vì Cà Mau là nơi tận cùng đất nước, thuộc vùng sâu, vùng xa mà đã xuất hiện lao động không phép, nên phải quan tâm hơn nữa đến vấn đề này. Còn ông Nguyễn Thanh Hòa, thứ trưởng bộ LĐTBXH, cho rằng trách nhiệm này thuộc về các nhà thầu và nhà đầu tư.

Mất việc làm và đình công diễn biến phức tạp

Theo bà Nguyễn Thị Kim Ngân, nguyên bộ trưởng bộ Lao động thương binh và xã hội, phó chủ tịch Quốc hội thì sắp tới việc làm trong nước có thể sẽ gặp nhiều khó khăn. Việc doanh nghiệp thu hẹp sản xuất hoặc đóng cửa sẽ khiến người lao động phải mất việc.

Theo báo cáo của Tổng cục thống kê, 6 tháng đầu năm cả nước có khoảng 30% doanh nghiệp vừa và nhỏ phải đóng cửa. Trong tình hình kinh tế hiện nay, có thể sẽ vẫn còn nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ chịu chung số phận. Việc cắt giảm đầu tư công cũng là một nhân tố làm ảnh hưởng đến vấn đề việc làm nên những tháng cuối năm 2011 nên giải quyết việc làm là một trong những nhiệm vụ phải tập trung quyết liệt của ngành lao động trong thời gian sắp tới.

Cùng với mục tiêu giải quyết việc làm thì việc giải quyết tranh chấp lao động cũng là một vấn đề mà ngành lao động đặc biệt quan tâm. Theo báo cáo của bộ Lao động thương binh xã hội, 6 tháng đầu năm, tranh chấp lao động và đình công diễn biến phức tạp. Tính đến 30.6 cả nước đã xảy ra 440 cuộc đình công, tăng 18 vụ so với cả năm 2010, trong đó nhiều nhất là Đồng Nai với 104 cuộc, Bình Dương 102 cuộc, TP.HCM 84 cuộc. Các vụ đình công vẫn xảy ra nhiều ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Ông Lê Thành Tâm, giám đốc sở Lao động thương binh xã hội TP. Hồ Chí Minh cho biết đây cũng là vấn đề khó khăn của thành phố. Tính hết tháng 7, thành phố đã xảy ra 150 vụ đình công, gấp hơn 2 lần số vụ đình công của cả năm 2010. Nguyên nhân chủ yếu là do vấn đề tiền lương, tăng ca, bữa ăn, môi trường làm việc. Theo ông Tâm, việc điều chỉnh lương tối thiểu sắp tới sẽ làm tình hình tranh chấp lao động diễn biến phức tạp, do xung đột của những người đã nhận lương trên mức tối thiểu nên không được điều chỉnh nữa.

Để giải quyết tình hình này, bộ trưởng Phạm Thị Hải Truyền cho biết Bộ đã đề ra những giải pháp từ nay đến cuối năm 2011 như tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện các chính sách, chế độ về tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, điều kiện lao động, điều chỉnh lương tối thiểu trong doanh nghiệp từ 1.10.2011, giải quyết kịp thời các tranh chấp lao động nhằm giảm thiểu các vụ đình công, lãn công của người lao động…

Theo Hà Dịu
_______________________________________________________–

Posted in Chuyện pháp luật, Chuyện đất nước, Chuyện đời sống, Kinh tế | Thẻ: , , | Leave a Comment »

Người Trung Quốc buồn vì Mỹ ‘mất giá’

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Tám 10, 2011

Không chỉ người Mỹ bị sốc khi Mỹ bị hạ bậc đánh giá tín dụng, nhiều người Trung Quốc cũng chung cảm xúc tương tự. Họ đang hướng sự chỉ trích vào chính phủ Trung Quốc.

Việc cơ quan xếp hạng tín dụng Standard & Poor hạ bậc khiến Mỹ mất danh hiệu vàng AAA lần đầu tiên trong lịch sử đã gây ra cơn hoảng sợ trên khắp các thị trường hàng hóa, chứng khoán, tiền tệ không chỉ ở nước Mỹ mà còn trên khắp thế giới.
Các trang web của Trung Quốc cuối tuần qua tràn ngập những lời chỉ trích về công tác quản lý của Bắc Kinh đối với dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc – một chủ đề trước đây rất ít thu hút công chúng. Sự háo hức của người dân, muốn đóng góp vào câu chuyện phát triển kinh tế thần kỳ ở Trung Quốc với vai trò là người tiêu dùng, đã bị dập tắt bởi các chính sách tài khóa và tiền tệ.
Thị trường chứng khoán của Trung Quốc hôm qua sụt giảm mạnh do các nhà đầu tư lo ngại rằng những sự kiện gần đây ở Mỹ và châu Âu sẽ làm suy giảm khả năng xuất khẩu của Trung Quốc. Thị trường chứng khoán Thượng Hải giảm 3,78% và đây là mức giảm sâu thứ ba ở châu Á hôm qua, chỉ sau Đài Loan và Hàn Quốc.
“Xếp hạng tín dụng của Mỹ bị hạ xuống một bậc, tại sao chúng ta phải trở thành nạn nhân lớn nhất?”, một cá nhân viết trên mạng xã hội Sina Weibo rất phổ biến ở Trung Quốc. “Trung Quốc luôn cúi đầu trước Mỹ. Khi nào thì Trung Quốc mới ngẩng đầu lên được và gạt sang một bên sự lo ngại triền miên trước các phản ứng từ Mỹ!”.
Nhiều bài viết trên mạng Internet cũng mang hơi hướng chủ nghĩa dân tộc tương tự và thắc mắc rằng về việc chính phủ đầu tư đến một nửa trong tổng dự trữ trị giá 3,2 nghìn tỷ USD để mua trái phiếu chính phủ Mỹ. Mức này vượt xa con số của các nền kinh tế khác trên thế giới.
Một trong những lời chỉ trích gay gắt nhất xuất hiện trên mạng, sau đó biến mất ngay, có nội dung: “”Những nhà hoạch định chiến lược của Trung Quốc muốn người khác tiêu tiền của người dân hơn là để người dân tự tiêu tiền của mình”. Tuy nhiên những người chỉ trích hầu như chỉ bày tỏ nỗi bực bội vì lòng tự tôn bị tổn thương, chứ không đưa ra được giải pháp thay thế nào.
Dù những người viết chỉ trích trên mạng Trung Quốc có nhận ra hay không, nhưng có một thực tế là Trung Quốc có rất ít lựa chọn ngoài việc chi ra hàng chục tỷ USD mỗi tháng để duy trì tỷ giá thấp và bảo vệ bộ máy xuất khẩu. Mà Bộ Tài chính Mỹ thì chẳng có nhiều công cụ khác ngoài trái phiếu để có thể hấp thu nguồn dự trữ ngoại tệ khổng lồ của Trung Quốc.
Tuy nhiên bộ máy lãnh đạo Trung Quốc không muốn bị công chúng cho là đã dung dưỡng hay ủng hộ các chính sách tài chính của Mỹ. Điều đó giải thích vì sao gần đây báo chí chính thống của Trung Quốc đã chỉ trích Mỹ là “nghiện vay nợ”, và đăng nhiều bài chỉ trích kịch liệt. Trong khi đó ngân hàng trung ương cũng như các định chế tài chính Trung Quốc chưa hề lên tiếng gì về sự tụt hạng tín nhiệm của Mỹ.
Ngân hàng trung ương Trung Quốc sáng hôm qua đã cho đồng nhân dân tệ tăng 0,23% so với đồng USD vào sáng hôm qua khi ấn định tỷ giá hàng ngày. Mỹ từ lâu đã ép Bắc Kinh phải tăng giá đồng nhân dân tệ. Mức tỷ giá mới, 6.435 nhân dân tệ so với đồng USD, là bước nhảy vọt lớn nhất trong một ngày kể từ tháng 11 năm ngoái.
Tuy nhiên đồng nhân dân tệ chỉ tăng 2,5% so với đồng USD vào năm nay. Các nhà kinh tế ở Bắc Kinh và phương Tây hoài nghi về khả năng lãnh đạo Trung Quốc sẵn sàng chấp nhận một sự tăng vọt của giá trị đồng nhân dân tệ. Việc chi ra đủ nhân dân tệ để nhiều đôla như thế đã đẩy ngân hàng trung ương vào thế đi ngược với người tiêu dùng và các nhà kinh doanh có ý định phát triển kinh tế trong nước.
Một chính sách được ngân hàng trung ương thực hiện là nhanh chóng tăng lượng cung tiền tệ cho Trung Quốc. Tăng cung dẫn đến lạm phát nhanh chóng trong giá nhà đất và bắt đầu ảnh hưởng lên hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng. Cơ quan Thống kê quốc gia cho biết giá cả trong tháng 7 tăng 6,5% so với năm ngoái.
Một chính sách khác của ngân hàng trung ương nước này là yêu cầu các ngân hàng thương mại tăng dự trữ bắt buộc, thay vì cho doanh nghiệp vay tiền để làm ăn. Hiện các ngân hàng thương mại Trung Quốc phải để 20% tài sản của mình tại ngân hàng trung ương, tất nhiên là không có lãi. Điều này cho phép ngân hàng trung ương có tiền giá rẻ để phục vụ việc dự trữ ngoại tệ, nhưng đồng thời khiến các doanh nghiệp vừa và nhỏ khát tiền.
Một blogger cuối tuần qua đã kết luận về sự thất vọng của anh ta như sau: “Người dân Trung Quốc đang làm việc rất chăm chỉ, ngày này sang ngày khác, môi trường kinh tế rất thuận lợi, nhưng đời sống của người dân không tuyệt vời như thế – hóa ra vì chính phủ đang thắt lưng buộc bụng người dân để cho Mỹ vay tiền”.

Anh Ngọc (theo The New York Times)
____________________________________________________________

Posted in Chuyện đời sống, Kinh tế | Thẻ: , , | Leave a Comment »

Chuyến đi biển bầm giập của thuyền trưởng Nguyễn Thừa

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Bảy 18, 2011

Phạm Anh

SGTT.VN – “Chắc tại tui lỳ nên mới bị nó đánh…”. Mở đầu câu chuyện, thuyền trưởng Nguyễn Thừa, sinh 1973 ở xã Phổ Quang, huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi cười méo cả miệng khi kể cho chúng tôi nghe câu chuyện con tàu QNg 98 868 TS có mười lao động khi hành nghề trên vùng biển Hoàng Sa bị người Trung Quốc trấn lột tài sản và đánh đập vào đầu tháng 7 vừa qua.

Anh Thừa kể, tàu QNg 98 868 TS xuất phát từ cảng Đà Nẵng vào ngày 16.6 và ra thẳng vùng biển Hoàng Sa.

Gặp tàu Trung Quốc

Không ngờ, mới ra biển được hai ngày, cách bờ chừng hơn 100 hải lý, tàu QNg 98 868 TS vừa thả lưới xong thì hai chiếc tàu màu trắng mang cờ Trung Quốc lù lù chạy đến chắn ngang mũi tàu cá QNg 98 868 TS. “Nhìn vào tui đoán đó là tàu thăm dò địa chấn của Trung Quốc. Mấy người trên tàu Trung Quốc ra hiệu bảo kéo lưới lên và đi vào bờ. Bọn tui đành làm theo”, thuyền trưởng Thừa nói.
Không chấp nhận nằm bờ khi đó là biển của mình, nên hôm sau, anh Thừa cho tàu ra khơi. Tuy nhiên, vừa “tránh vỏ dưa thì gặp vỏ dừa”, ngày 22.6, khi cách bờ biển Đà Nẵng khoảng 130 hải lý, tàu của anh Thừa lại bị hai con tàu có màu xám trắng của Trung Quốc chặn đầu, bắt quay gấp vào bờ. Bị hai tàu Trung Quốc xua về, tàu của anh Thừa đành đánh bắt ở vùng biển cách Đà Nẵng chừng 80 hải lý được bốn đêm. Sau đó, mười ngư dân bàn nhau: “Phải tiến ra Hoàng Sa thôi vì ở đây không có nhiều cá!” Theo thuyền trưởng Thừa, vào sáng ngày 26.6, tàu cá của anh lại trực chỉ Hoàng Sa. Tại đây, cả tàu làm hùng hục, ngày nghỉ đêm làm, các hầm chứa cá ngày càng đầy lên.
Đến ngày 5.7, máy trưởng Nguyễn Hương (sinh 1967) nói, hôm đó, sau một đêm đánh bắt, chín lao động trên tàu QNg 98 868 TS tranh thủ ngủ trưa. Mới thiu thiu ngủ thì nghe tiếng một con tàu chạy rất gần. Bật dậy như lò xo, thuyền trưởng Thừa nói to: “Không kịp nữa rồi…” Lúc đó, phía trước là một chiếc bo bo chở khoảng mười người mặc áo xanh, tay cầm súng tiểu liên và dùi cui điện đang lao thẳng vào tàu cá QNg 98 868 TS. Sau chiếc bo bo là con tàu màu xám trắng to lớn mang số hiệu 44061. “Đây chắc là tàu cảnh sát biển. Lúc đó, tui chỉ biết la lên trong bộ đàm thông báo cho khoảng chục con tàu cá của Việt Nam đang đánh bắt xung quanh là tàu cảnh sát biển của Trung Quốc xuất hiện, hãy chạy đi, rồi tôi bẻ vô lăng chạy vòng tròn, cố tình không cho chiếc bo bo kia áp sát”, anh Thừa kể.

Đánh người, cướp cá

“Sau đó, một người Trung Quốc mặc đồ lính cầm súng đứng trên bo bo, còn khoảng mười người nhảy lên tàu cá, tay cầm súng tiểu liên, dùi cui điện, máy quay phim”, anh Thừa nhớ lại. “Tui vừa bước ra khỏi ghế cầm lái, hai người Trung Quốc đã nhào vào đánh. Tui đưa tay vừa đỡ, vừa né đòn của mấy thằng lính to con. Trong lúc né tránh, tui bị tụi nó gí dùi cui điện châm sau lưng, nên tui văng xuống biển. Sau đó, bọn họ đưa dây kéo lên…” Không chỉ thuyền trưởng bị đánh, những ngư dân còn lại trên tàu cũng bị mấy người Trung Quốc đánh tới tấp bằng dùi cui, bằng tay chân và báng súng. Sau đó, họ mang két, thùng, giỏ ở trên tàu 44 061 qua, rồi ra lệnh cho năm lao động trên tàu QNg 98 868 TS vào các hầm cá để xúc cá cho vào giỏ, két chở sang tàu 44 061. Sau một tiếng khống chế, tàu Trung Quốc đã cướp đi hơn một tấn cá và bốn tạ mực khô trên tàu QNg 98 868 TS.
Theo thuyền trưởng Thừa, đây là lần thứ hai trong năm, tàu cá của anh gặp cảnh ngộ này. Lần trước là vào đầu năm 2011, khi đánh bắt trên quần đảo Hoàng Sa, thì trên biển có áp thấp nhiệt đới. Tàu của anh Thừa và 19 tàu khác vào đảo Hoàng Sa núp gió, thì bị Trung Quốc trấn lột mỗi tàu từ 3 – 4 tạ cá.

Trao đổi với chúng tôi, chủ tịch UBND xã Phổ Quang, huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) Nguyễn Anh Tuấn cho biết, không riêng gì trường hợp anh Thừa, một năm qua, đã có năm con tàu cá của ngư dân trong xã bị các tàu Trung Quốc trấn lột tài sản trên biển kiểu này. Ông Trần Em, phó chủ tịch UBND huyện Đức Phổ cho biết, huyện có nghe thông tin vụ tàu anh Nguyễn Thừa, tuy nhiên, sự việc như thế nào thì huyện còn đang xác minh từ đồn Biên phòng 300 đóng trên địa bàn.

_________________________________________

Posted in Chính trị Việt Nam, Chuyện đất nước, Chuyện đời sống, Kinh tế, Việt Nam và thế giới | Thẻ: , , | Leave a Comment »

Kinh doanh bằng sự độc ác

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Bảy 16, 2011

Người sản xuất sử dụng tràn lan phụ gia thực phẩm, nông dân lạm dụng hoá chất bảo vệ thực vật, thuốc tăng trọng, thuốc kích thích tăng trưởng… Tất cả những điều đó đã khiến cho thị trường thực phẩm của ta vô cùng hỗn loạn. Đó là tâm sự của PGS.TS Phan Thị Sửu, giám đốc Trung tâm Kỹ thuật An toàn vệ sinh thực phẩm.

Chúng ta đang tự đầu độc cả giống nòi

Đã có luật về an toàn thực phẩm, công việc của bà chắc đỡ vất vả hơn?

Luật ra rồi, nhưng không phải ai cũng biết. Công việc của chúng tôi còn bận hơn vì phải truyền thông nhiều nữa, để phổ biến kiến thức. Không phải ai cầm quyển luật như thế này cũng đọc được đâu. Vì vậy, mình phải lọc ra những điều thiết yếu nhất về quyền lợi và trách nhiệm để mọi người dễ đọc, dễ nhớ, dễ hiểu.

Tôi cứ nghĩ có luật rồi thì cứ thế mà làm, ai vi phạm thì phạt?

Nhiều cái phạt nhẹ quá không đủ sức răn đe. Ví dụ, trong Nghị định về xử phạt, có những điều như sử dụng chất phụ gia không có trong danh mục mà cũng chỉ bị phạt 7 – 10 triệu đồng thì còn quá nhẹ. Cho nên phải tuyên truyền cho doanh nghiệp để họ có kiến thức về an toàn thực phẩm và có lương tâm để đừng vì lợi nhuận mà bỏ những chất độc hại vào thực phẩm.

Vậy là vẫn phải trông đợi vào lương tâm của nhà sản xuất?

Đó vẫn là hướng chính. Phải tuyên truyền để người sản xuất không nên quá vì lợi nhuận mà quên lợi ích của người tiêu dùng. Có ý kiến cho rằng cần phải giáo dục về cả tâm linh nữa. Tức là phải nghĩ đến luật nhân quả, đừng có độc ác đến mức cho cả những chất độc hại vào thực phẩm.

Ai đời, thịt lợn ôi dùng hóa chất tẩy mùi đi để bán cho người tiêu dùng. Ai đời, trồng luống rau riêng để ăn, còn tưới các hoá chất vào những luống rau khác để bán. Như vậy là không có lương tâm và quá ác độc. Vì thiếu kiến thức và chạy theo lợi nhuận mà người sản xuất thì dùng hoá chất tuỳ tiện, còn người tiêu dùng thì vô tư sử dụng. Chúng ta đang tự đầu độc cả giống nòi của chính mình.

Nhưng với nhà sản xuất, kinh doanh thì lợi nhuận là trên hết?

Điều đó đúng. Nhưng xây dựng uy tín cũng là vì lợi ích lâu dài của chính doanh nghiệp. Những doanh nghiệp làm ăn chân chính luôn phải nghĩ đến sức khoẻ của người tiêu dùng bởi đó cũng là bảo vệ chính quyền lợi, uy tín, thương hiệu của chính họ.

Xử phạt nhiều cũng không ăn thua

Làm công việc này nhiều, chắc bà không dám mua hàng ở các chợ cóc?

Tôi vẫn mua ở chợ cóc, nhưng phải chọn. Ví dụ, thịt lợn thì mua hàng có lẫn mỡ, thịt phải chắc, dẻo, đỏ, nếu thấy thớ to, nhiều nước, siêu nạc thì không mua. Rau cũng chỉ mua những loại có màu sắc tự nhiên, cứng cáp. Không mua loại quá mượt mà, xanh bóng, là những loại được phun thuốc bảo vệ thực vật dạng nhũ dầu chưa đủ thời gian cách ly. Tôi không bao giờ mua các sản phẩm thực phẩm bao gói không có nhãn mác rõ ràng, không có địa chỉ.

Vậy mà họ vẫn bán được những sản phẩm này chứng tỏ vẫn có người mua?

Người mua trở thành người bị hại là tâm lý tham rẻ. Người tiêu dùng chưa biết bảo vệ mình. Đừng chờ lá chắn nào mà phải học tập kiến thức để trở thành người tiêu dùng thông thái, biết lựa chọn thực phẩm an toàn. Ví dụ, mua nước mắm, nên chọn loại trong thành phần chỉ có cá và muối, vì đó là nước mắm truyền thống. Còn nếu thêm nhiều chất bảo quản, hương liệu, màu, chất điều vị, đấy là nước mắm pha công nghiệp. Nếu có kiến thức, người tiêu dùng sẽ biết lựa chọn sản phẩm nào là tốt và khiến doanh nghiệp phải sản xuất ra các loại thực phẩm an toàn hơn, chất lượng hơn.

Như thế là trách nhiệm lại đổ lên đầu người tiêu dùng rồi, vậy vai trò của nhà quản lý đâu, thưa bà?

Nhà quản lý luôn muốn làm tốt chức năng của mình. Doanh nghiệp thì chạy theo lợi nhuận. Người tiêu dùng thì kiến thức về an toàn thực phẩm còn hạn chế. Muốn giải quyết tốt thì trách nhiệm phải ở cả 3 bên. Không chỉ riêng người tiêu dùng hay nhà quản lý phải thực hiện. Người tiêu dùng sẽ trực tiếp chịu hậu quả khi sử dụng thực phẩm không an toàn. Vì thế, tôi muốn nhấn mạnh rằng người tiêu dùng cũng cần có kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm để bảo vệ chính sức khỏe của bản thân và gia đình mình.

Phải công nhận là người tiêu dùng nước ta liều thật. Ví dụ như món tiết canh, đã bao nhiêu người bị bệnh phải đi cấp cứu như thế mà họ vẫn ăn.

Thực ra nếu làm bảo đảm, con lợn khoẻ mạnh, giết mổ đảm bảo vệ sinh thì ăn cũng không việc gì. Như các nước họ vẫn ăn gỏi cá nhiều lắm, nhưng đó là do môi trường nuôi cá bảo đảm vệ sinh. Còn ở mình điều kiện vệ sinh như thế này, môi trường nuôi trồng, giết mổ như thế, khi bán lại bày bẩn như thế này thì tốt nhất là không nên ăn.

Đấy là do trước đây ta chưa có luật nên họ mới làm bừa bãi thế?

Chưa có luật nhưng cũng có các quy định, nhưng người ta vẫn làm thế. Có nước nào mà lại thấy hình ảnh con lợn sau khi mổ, xẻ đôi ra rồi chở bằng xe máy chạy khắp nơi, trông vừa mất mỹ quan vừa mất vệ sinh. Ở các nước, người ta phải bỏ vào thùng lạnh rồi mới chở đi. Mình cũng xử phạt nhiều nhưng không ăn thua, do ý thức của người dân chưa cao.

Tivi cũng là thủ phạm

Bà nghĩ thế nào về việc dù có tuyên truyền thế nào cũng không thể bằng việc quảng cáo?

Người tiêu dùng hay chọn sản phẩm theo quảng cáo, nhất là trên ti vi, ngày nào cũng xem. Nhiều người bức xúc chuyện quảng cáo lắm. Vì có cáo thổi phồng, nói quá lên giá trị của sản phẩm, người tiêu dùng có cảm giác như đã bị lừa. Hiện cũng đã có quy định về quảng cáo, nếu quảng cáo sai sự thật sẽ bị phạt nhiều lắm. Nhưng họ cũng có nhiều cách để lách luật. Nhà nước cần phải thắt chặt hơn nữa việc quảng cáo các sản phẩm thực phẩm quá mức làm người tiêu dùng hiểu lầm.

theo Nhật Minh (Bee.net.vn)
(đầu đề do chúng tôi đặt)
________________________________________________________

Posted in Chuyện môi trường, Chuyện pháp luật, Chuyện xã hội, Chuyện đất nước, Chuyện đời sống, Giáo dục Việt Nam, Kinh tế | Thẻ: , , | Leave a Comment »

Đồng bằng Nam Bộ: Nhà nông thua thiệt đủ đường

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Bảy 14, 2011

Nếu nông nghiệp là tấm gương phản chiếu xã hội, sẽ cho thấy Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là một khu vực trì trệ và bị tổn thương. Cùng được thừa hưởng những giá trị của Đổi Mới song với những gì diễn ra ở khu vực này trong chừng mực cho thấy nông dân chưa bắt kịp tiến trình này, nếu không muốn nói là đi sau các thành phần khác với khoảng cách khá xa.

Chuyên viên kinh tế Nguyễn Văn Sơn thuộc Trung tâm nghiên cứu Phát triển ĐBSCL – người gắn bó với miền Tây trước và sau năm 1975 cho rằng, vùng này hiện đang tồn tại nhiều nghịch lý: là nơi sản xuất hàng hoá phát triển nhất nhưng tỷ lệ người nghèo, trẻ em thất học cũng nhiều nhất; là nơi đóng góp 90% lượng gạo và 60% kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản cả nước nhưng cũng là nơi có tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng cao nhất; nông dân tích luỹ thấp và tỷ lệ hộ dân sống nhà tạm bợ cũng đứng hàng nhất nước… “Họ nghèo lắm, dù có chút may mắn là không bị đói”, ông Sơn quả quyết.

Thu nhập 0,3 USD/ngày

Ông Năm Sáng sinh ra và lớn lên ở ĐBSCL, cánh đồng 1ha lúa của gia đình ông ở ven xã Định Mỹ, huyện Thoại Sơn (An Giang) thuộc Tứ giác Long Xuyên- một trong hai trung tâm lúa gạo bậc nhất Việt Nam. Từ lâu đời vùng đất này chuyên trồng lúa hàng hoá phục vụ cho xuất khẩu. Nhưng gia đình ông và phần đông người hàng xóm luôn ở gần sát chuẩn nghèo. Bình thường thì không sao, nhưng chỉ cần một biến động nhỏ là nhanh chóng rơi vào diện nghèo.
“Ông nội khi còn sống cứ mong mỏi làm sao dành dụm được chút tiền cất cái nhà ngói làm chỗ cúng ông bà cho đàng hoàng. Chắt chiu cho đến lúc chết ông vẫn chưa làm được. Hết đời cha, giờ tới tôi, ngoài 60 rồi vẫn chưa thực hiện được di nguyện của ông. Tiền cho tụi nhỏ học hành, trả nợ vay ngân hàng không đủ nói chi đến chuyện cất nhà”, ông Năm Sáng miệng nói, tay chỉ vào căn nhà lợp lá, tuyềnh toàng tạm bợ cạnh đó.
Số liệu được nói đến nhiều nhất trong dư luận là, thu nhập GDP trên đầu người của ĐBSCL chỉ bằng khoảng 2/3 mức trung bình của cả nước; Còn về tiêu dùng – được coi là một thước đo chính xác hơn cho mức độ nghèo đói thì mức tiêu dùng trên đầu người của người dân ở ĐBSCL hiện nay thấp hơn mức bình quân của cả nước khoảng 10% (290.000 so với 316.000); không những thế, lại có tốc độ tăng trưởng trong giai đoạn 1993-2003 chỉ bằng 2/3 tốc độ tăng trưởng trung bình của cả nước (63% so với 96%). Điều này có nghĩa là chênh lệch về mức sống của người dân ở ĐBSCL so với các vùng khác không những không được thu hẹp, mà còn liên tục bị nới rộng. Không ít xã đang có tỷ lệ hộ nghèo lên tới 18% -20%. Nếu tính theo tiêu chí mục tiêu thiên niên kỷ, số hộ dân còn nghèo dưới mức 1 USD/người/ngày có thể ước tính khoảng 50%.
Thực tế này khiến những người như ông Sơn suy nghĩ mãi. “Thu nhập cỡ 200.000 đồng/người/tháng, tức 2,4 triệu đồng/người/năm, tương đương khoảng 150 USD/người/năm theo giá năm 1994; giảm xuống còn 120 USD/người/năm theo giá 2009, tức khoảng 0,3 USD/người/ngày không hiểu nông dân xoay sở cuộc sống thường nhật thế nào?”, ông Sơn băn khoăn.

Thua thiệt đủ đường

Cuối tháng sáu, các cánh đồng ở miền Tây vào mùa thu hoạch rộ. Nhà nông mặc dù hài lòng vì vụ này được mùa, nhưng vẫn héo hắt ruột gan vì cũng như những vụ trước, họ bán lúa với giá không như mong muốn. “Đầu vụ đang được giá, nhưng giữa vụ đột nhiên giá rớt cái rụp”, một người nông dân cho biết.
Sau một hồi mặc cả kịch liệt ngay trên thửa ruộng của mình, lão nông Bảy Dự (ấp 4, xã Láng Biển, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp) dù không hài lòng nhưng vẫn phải chấp nhận bán 4.800 đồng/kg lúa ướt.
Nhìn sang các thửa ruộng gần đó, nơi những người nông dân và thương lái đang căng thẳng trả giá bán – mua, ông quả quyết, những người hàng xóm sẽ sớm phải chấp nhận mức giá các thương lái đưa ra. Giống như ông, họ không còn lựa chọn nào khác vì “không bán, thu hoạch về biết cất trữ vào đâu?”.
“Mấy năm gần đây đều trúng mùa, Mỗi vụ, 2,5ha ruộng thu được cỡ 115 triệu đồng, trừ đi các khoản nợ mua giống má, phân bón, thuốc trừ sâu, còn lại khoảng 70 triệu. Làm để có dư thì khó lắm, làm chỉ đủ gói ghém cuộc sống trong một năm đó thôi, nợ ngân hàng vẫn còn đó. Làm hoài mà vẫn cực”, ông Dự nhẩm tính.
Lão nông này cho biết thêm, “vật giá tất cả đều tăng, giá lúa cũng tăng so với năm rồi và các năm trước, nhưng tôi thấy thu nhập của mình vẫn vậy. Bán lúa được nhiều tiền hơn nhưng khi mua lại các thứ cũng cao hơn. Cụ thể phân bón tăng khoảng gần 30%, có một số loại phân tăng trên 30%, thuốc sâu thuốc bảo vệ thực vật cũng tăng từ 20% đến 30%. Cuộc sống bây giờ khó khăn vật giá cái gì cũng lên hết kể cả con cái đi học, tiền học phí tiền mua sách, tất cả mọi thứ đều tăng, trừ thu nhập.”
Những khó khăn của bác Bảy Dự cũng là khó khăn chung của phần đông nông dân trồng lúa ở ĐBSCL- những người trực tiếp làm ra sản phẩm, nhưng lại không được tự quyết định giá của sản phẩm của mình. Do không có điều kiện, họ chấp nhận bán hàng với giá rẻ mạt để có tiền thanh toán các khoản vay từ đầu mùa vụ các mặt hàng thiết yếu như phân bón, thuốc trừ sâu, tiền công mướn… kẻo “càng để lâu, càng gánh không nổi lãi”.
Theo Giáo sư nông học Võ Tòng Xuân, “người trồng lúa nghèo triền miên vì làm nông nghiệp không có vốn, nông dân phải vay tiền mua. Sau mỗi vụ gặt, nông dân chen chúc ở ngân hàng nông nghiệp để trả nợ. Xong nợ cũ lại vay mới để đầu tư làm vụ kế tiếp. Có tới 95% nông dân phải vay ngân hàng để sản xuất theo kiểu ăn trước trả sau”.
Khi được đề nghị lý giải về việc cái nghèo đeo bám dai dẳng nông dân miền Tây, Ông Xuân nói thế này: Thực tế là người nông dân của ta từ chỗ chuyên sản xuất lúa gạo theo kiểu “tự cấp, tự túc”, thì sau đó đã chuyển sang sản xuất theo kiểu hàng hoá, người nông dân bước vào thị trường. Nhưng khi bước vào thị trường thì họ luôn là người lép vế, đặc biệt là nông dân nghèo. Chẳng hạn lấy phân bón, thuốc trừ sâu trên thị trường là hai trăm, doanh nghiệp bán lại cho nông dân hai giá hai trăm rưỡi. Đôi khi có những người còn mua phải phân bón và thuốc trừ sâu giả. Thế là nông dân đã nghèo lại càng nghèo cùng cực hơn”.
Cũng vì lẽ đó, nhà báo Lê Thanh Nguyên mới đúc kết rằng, trong các thành phần kinh tế, nông nghiệp phát triển chậm hơn so với công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Thu nhập thấp nên người nông dân cải thiện cuộc sống chậm hơn. Thị trường nông sản của ta chủ yếu dựa vào quan hệ nông dân – doanh nghiệp. Doanh nghiệp giữ vai trò độc quyền về chế biến và lưu thông, còn nông dân không có quyền mặc cả và vì thế hay bị ép giá. Trong khi đó, giá đầu vào của sản xuất nông nghiệp không ngừng tăng.
“Bị định giá nên thường phải gánh phần thua thiệt trong khi chi phí ngày càng tăng mà lợi ích thì ngày càng giảm, đầu vào tăng nhiều, còn đầu ra chỉ tăng chút ít. Tình hình kinh tế khó khăn gần đây càng góp phần làm cho cuộc sống của nông dân ĐBSCL thêm khó khăn, bản thân họ hầu như không được hưởng lời khi thị trường thuận lợi và luôn phải chịu lỗ khi nông sản bị mất giá”, ông Nguyên nói.
Trong một cuộc hội thảo mới đây, chính thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng cũng thừa nhận: “những thành tích mà Việt Nam có được trong xuất khẩu gạo là có thật nhưng chúng ta không khỏi day dứt vì nông dân là những người nghèo, những vùng chuyên canh trồng lúa là những vùng kém phát triển”.
Đúng là giá lúa gạo qua các năm có tăng nhưng vẫn không theo kịp giá chi phí đầu vào. Năm ngoái, giá thu mua lúa tăng 15%-20% nhưng vật tư nông nghiệp như phân bón, thuốc trừ sâu tăng tới 30%. Thêm vào đó, diện tích trồng lúa của các hộ gia đình quá nhỏ, manh mún (trung bình 0,3-0,8ha) nên dù tỉ suất lợi nhuận từ trồng lúa có cao đến mấy thì tổng lợi nhuận thu được chẳng đáng là bao.
Thực tế này khiến nhiều người có cảm giác nông dân lâu nay chưa được quan tâm, họ lép vế và phải chấp nhận thua thiệt mọi bề. Chính điều đó khiến họ mắc kẹt mãi trong cái nghèo dù cuộc Đổi Mới dưới sự khởi xướng của Đảng đã đi qua 25 năm.

theo THU HÀ
—————————————————————-
* Chú thích: Bài viết sử dụng các số liệu được cung cấp tại các hội thảo khoa học về ĐB.SCL

____________________________________________________________

Posted in Chuyện đất nước, Chuyện đời sống, Kinh tế | Thẻ: , , | Leave a Comment »

Trung Quốc gom hàng, thực phẩm trong nước khan hiếm và tăng giá

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Sáu 14, 2011

SGTT.VN – Nhiều loại thực phẩm như trứng, thịt, đường, củ quả đang được gom mạnh bán sang Trung Quốc. Đây được cho là nguyên nhân khiến các mặt hàng này tăng giá.

Thu mua cả vịt đẻ

Theo phản ánh của tiểu thương, suốt một tuần qua, dù ngày nào giá trứng cũng tăng bốn, năm chục đồng/trứng nhưng tiểu thương phản ánh rất khó mua do nguồn cung khan hiếm. Hai doanh nghiệp cung cấp trứng với số lượng hàng triệu quả cho thị trường TP.HCM là công ty Ba Huân và công ty Vĩnh Thành Đạt cho biết sản lượng trứng thu mua hàng ngày từ đồng bằng sông Cửu Long sụt giảm 30 – 40%. Ông Trương Chí Thiện, giám đốc công ty Vĩnh Thành Đạt nói: “Giá tăng mỗi ngày mà tìm mua không có hàng”.

Theo một số nguồn tin từ Vĩnh Long và Cần Thơ, một số doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh thu mua trứng vịt tươi làm trứng muối xuất khẩu qua thị trường Hong Kong, Trung Quốc. Trung tâm Thú y vùng VII, nơi cấp giấy chứng nhận kiểm dịch không nói chính xác số lượng, nhưng khẳng định rằng, thời gian gần đây một số doanh nghiệp như Vĩnh Nghiệp (Vĩnh Long), Nguyễn Phan (Cần Thơ) xuất khẩu khá nhiều trứng muối.

“Mùa trung thu ở Trung Quốc trùng với Việt Nam, nhu cầu sử dụng trứng muối làm nhân bánh khá lớn nên doanh nghiệp Trung Quốc sang Việt Nam giành mua”, bà Ba Huân, giám đốc công ty Ba Huân nói.

Theo ông Đinh Văn Thế, chi cục trưởng chi cục Thú y tỉnh Long An, một số lò giết mổ ở Long An còn thu gom cả vịt đẻ (loại thải) về giết mổ sau đó cấp đông, đóng container chở ra cửa khẩu giao theo đơn đặt hàng của một số đầu mối Trung Quốc.

“Cách nay mấy hôm chúng tôi đi kiểm tra thì mới phát hiện nhiều lò mổ còn đang tập kết container lạnh. Chủ lò cho biết chuẩn bị sẵn để khi nào thương nhân Trung Quốc cần đặt hàng thì mua vịt giết mổ cấp đông bán cho họ”, ông Thế nói.

Theo bà Ba Huân, hiện nay ở khu vực huyện Cái Bè cũng có một lò mổ chuyên thu gom vịt để giết mổ bán cho thương nhân Trung Quốc.

“Hồi đầu năm nay, một con vịt đẻ loại thải giá chưa tới 50.000 đồng, nhưng nay, do Trung Quốc vào thu gom, giá đẩy lên 110.000 – 120.000 đồng”, bà Ba Huân nói. Theo bà, trong lúc kinh tế khó khăn, vịt đẻ bỗng dưng có giá nên nhiều khả năng có chủ trại đem bán bớt lấy tiền trang trải dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn trứng.

Giá thịt heo lập kỷ lục

Chủ nhật (12.6), tại chợ Bàn Cờ, quận 3 giá thịt ba rọi rút sườn là 130.000 đồng/kg, tăng 12.000 đồng so một tuần trước. Nếu loại trừ giá thịt heo tăng ngắn hạn do biến động cung cầu vào dịp tết thì đây là mức giá kỷ lục tính từ đầu năm đến nay.

Một số đầu mối thu gom heo ở khu vực miền Đông Nam bộ nói sau hơn hai tháng ngừng mua, vài tuần gần đây thị trường Trung Quốc lại rục rịch mua heo mỡ trở lại. Mặc dù cục Thú y khẳng định kiểm soát được tình trạng heo chạy ra cửa khẩu, nhưng với việc chênh lệch ít nhất là 10.000 đồng mỗi ký heo hơi – theo giới thương lái, thì rất khó kiểm soát hết tình trạng thu gom heo xuất sang Trung Quốc.

Dừa, đường… cũng tăng giá

Nhiều loại củ, quả, hạt khác cũng tăng giá. Như dừa khô vào thời điểm sản xuất bánh mứt giáp tết 110.000 đồng/chục, nay đã lên đến 165.000 đồng/chục. Một số đầu mối thu gom dừa phục vụ chế biến bánh kẹo cho hay, nguồn cung dừa về thành phố ít đi do mặt hàng này vẫn bị gom bán sang Trung Quốc. Bà Hoàng Thị Tâm Ái, chủ công ty sản xuất thực phẩm Trí Đức cho biết: giá dừa tăng quá cao, sản lượng lại thiếu hụt, nên nhiều cơ sở sản xuất thực phẩm đã chọn cách giảm lượng nước cốt dừa, thay vị béo trong chế biến bằng dầu mỡ hoặc bột béo…

Tương tự là mặt hàng đường. Trong cuộc họp cuối tuần qua, hiệp hội Mía đường Việt Nam tiếp tục cảnh báo tình trạng chênh lệch giữa giá đường nội địa so với giá ở Trung Quốc khá lớn, nên nhiều nhà thương mại thu gom chở ra cửa khẩu xuất tiểu ngạch.

Theo ông Nguyễn Thành Long, chủ tịch hiệp hội Mía đường Việt Nam, giá đường bán lẻ tại Trung Quốc hiện nay khoảng 30.000 đồng/kg, cao hơn 10.000 – 12.000 đồng so với tại Việt Nam, nên một số nhà máy ở miền Trung, miền Bắc đang bán ra lượng đường khá lớn cho các nhà thương mại đem xuất sang Trung Quốc. Mặc dù chưa thống kê số lượng đường xuất tiểu ngạch, nhưng hiệp hội Mía đường đã phải tính đến giải pháp nếu thị trường tăng giá đột biến lên 20.000 đồng/kg sẽ đề xuất bộ Công thương cho nhập khẩu.

Hoàng Bảy – Bích Thuỷ
_________________________________________________________________

Posted in Chuyện đất nước, Chuyện đời sống, Kinh tế | Thẻ: , , | Leave a Comment »

Nhà thu nhập thấp: đắt gấp đôi khu vực

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Sáu 7, 2011

Ông Nguyễn Trường Tiến, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam cho biết, có doanh nghiệp từng đề xuất, nếu được miễn tiền đất, chi phí xây dựng nhà dành cho người thu nhập thấp chỉ hơn 5 triệu đồng/m2.

– Một số nhà đầu tư nhà thu nhập thấp ở Hà Nội đề xuất mức giá 11,6 triệu đồng/m2, theo ông mức này cao hay thấp?

Giá nhà thu nhập thấp tại Việt Nam hiện đắt gần gấp đôi các nước xung quanh. Có thực trạng này bởi giá xây dựng nhà ở trong nước hiện phụ thuộc quá nhiều yếu tố và không trung thực. Ở Hà Nội, nhà ở thu nhập thấp được ra giá 11,6 triệu đồng/m2, tương đương 560 USD, trong khi tôi biết một tập đoàn liên danh giữa Đức và Malaysia sang Việt Nam đang chào công nghệ làm nhà 20 tầng với giá 250 USD/m2, có chất lượng tương đương loại nhà thu nhập thấp mà Việt Nam đang làm. Theo tôi, chi phí xây dựng nhà ở dành cho người thu nhập chỉ hơn 5 triệu đồng/m2 là hợp lý. Tất nhiên là chưa tính chi phí cho GPMB và nền địa chất phải tương đối tốt.

– Chính vì giá cao nên có trường hợp người mua khi đóng tiền tới đợt 2 đã than phiền hết tiền, phải đi vay để trả cho doanh nghiệp?

Để xảy ra những tình cảnh đáng buồn này bởi gốc rễ vẫn là vấn đề luật pháp. Chính sách không rõ ràng thì chuyện như vậy đương nhiên sẽ xảy ra. Từ tiêu chuẩn thiết kế, cơ chế chính sách đến tìm kiếm nguồn vốn hay công nghệ để giảm giá thành… đều thuộc trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước.

Đáng tiếc, chúng ta không có bước tiến nào đáng kể trong áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ để giảm giá nhà. Cùng với đó, chất lượng nguồn nhân lực đang quản lý và xây dựng nhà ở đang khủng hoảng nên tất yếu sẽ ảnh hưởng đến giá nhà. Trách nhiệm này đầu tiên thuộc về Bộ Xây dựng. Chúng ta dường như đang thả nổi vấn đề nhà ở và quẳng toàn bộ gánh lo cho người dân.

– Nói như vậy thì giá nhà cao một phần do quản lý yếu kém?

Bộ Xây dựng vừa trình Chiến lược Quốc gia về nhà ở nhưng đáng tiếc là không có bóng dáng của vai trò khoa học kỹ thuật và công nghệ thì làm sao có được giá thành rẻ. Cách đây hàng chục năm, chúng tôi đã xây dựng nhà ở giá rẻ cho người dân Đồng bằng sông Cửu Long. Thực tế chứng minh chúng tôi rất thành công, song mô hình đó rồi cũng bỏ xó, không nhân rộng ra được.

– Có ý kiến cho rằng, giá nhà cao bởi thiếu khuôn mẫu tiêu chuẩn khiến mỗi doanh nghiệp phải tự mò mẫm đã làm “đội” giá thành?

Chúng ta chưa có tiêu chuẩn hóa xây nhà ở dành cho người thu nhập thấp dù không khó để có những thiết kế chuẩn tối ưu cho dạng nhà này. Tôi đã đi xem một vài dự án làm nhà thu nhập thấp thì thấy hiện nay có quá nhiều chủ đầu tư có trình độ và năng lực quản lý rất khác nhau, khả năng tài chính và đặc biệt là các mối quan hệ cũng khác. Từ đó, “đẻ” ra các tòa nhà có thiết kế khác nhau. Cái gì cũng phải chi phí mà không tận dụng được mô hình sẵn có khiến doanh nghiệp không hạ được giá thành.

– Hà Nội giá 11,6 triệu đồng/m2, TP Hồ Chí Minh 8,5 – 10 triệu đồng, Đà Nẵng lại chỉ có 5,2 triệu đồng, vì sao có sự chênh lệch lớn trong khi mặt bằng chính sách là như nhau?

Mức giá nhà thu nhập thấp ở các địa phương đầu vào tương đương và chính sách ưu đãi được thụ hưởng như nhau. Không thể nói đất đắt hay rẻ bởi các dự án này phần lớn đều xây dựng trên đất “sạch”. Nếu chênh lệch xa như vậy thì phải chăng kỹ sư, doanh nghiệp ở Đà Nẵng có trình độ quản lý và biết áp dụng nhiều công nghệ mới hơn các địa phường khác. Tôi cho rằng, phía sau sự chênh lệch giá này là do Đà Nẵng sử dụng đội ngũ tư vấn thiết kế và áp dụng công nghệ tốt. Bởi chất lượng và giá thành của tòa nhà phụ thuộc rất lớn vào tư vấn thiết kế, giám sát và công nghệ, vật liệu…

– Mô hình phát triển nhà giá rẻ hiện nay khó có thể cho ra sản phẩm có giá thấp hơn mặt bằng hiện tại?

Chúng tôi đã nhiều lần đề xuất cho thực hiện một chương trình cấp quốc gia làm nhà ở thí điểm tại 5 địa điểm tiêu biểu trên cả nước, có thể là nhà ở cho công nhân, cho cán bộ, viên chức, sinh viên… Khác với việc để doanh nghiệp tự loay hoay như hiện nay, Nhà nước chỉ giao đầu bài xây dựng nhà theo yêu cầu của số đông người dân, với một mức giá cụ thể như 8-9 hay 10 triệu đồng/m2.

Các dự án phải được cấp đất “sạch” và được hội đồng đánh giá chất lượng đánh giá nghiệm thu. Doanh nghiệp cứ xây, Nhà nước đảm bảo đầu ra bằng cách mua lại và bán cho các hộ dân. Như vậy, sẽ làm tăng tính cạnh tranh, nếu doanh nghiệp áp dụng khoa học, công nghệ, vật liệu mới và quản lý tốt thì giá thành giảm, có lãi nhiều và ngược lại.

(Theo An ninh thế giới)
______________________________________________________________________

Posted in Chuyện xã hội, Chuyện đất nước, Chuyện đời sống, Kinh tế | Thẻ: , , | Leave a Comment »

Người Việt làm thuê ở Trung Quốc

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Năm 18, 2011

Theo TP, từ đầu năm 2011 đến nay, Công an tỉnh Lạng Sơn tiếp nhận gần 500 người xuất cảnh trái phép bị lực lượng chức năng Trung Quốc trao trả. Đa số là nông dân, muốn kiếm tiền nơi đất khách, nhưng rốt cuộc trở về trắng tay.

Trở về thành con nợ

Trở về nhà được gần một tuần, Hoàng Thị Xam, 17 tuổi, dân tộc Nùng, trú tại làng Nà Sla, Thạch Đạn, huyện Cao Lộc vẫn không muốn ra khỏi nhà. Cô ngượng với bạn bè, người thân vì bây giờ, cô không có một xu dính túi, số tiền nợ trước khi xuất cảnh sang Trung Quốc vẫn đeo đẳng.

Nhà Xam nghèo, ruộng nương ít, tháng trước có người rủ sang bên kia biên giới làm việc lương cao. Vừa đến Bằng Tường (Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây), cô bị những người mặc sắc phục ập đến, mang về trụ sở. Sau một thời gian dài bị thẩm vấn, giam cầm, lao động công ích trong các trang trại có người canh gác nghiêm ngặt, Xam bị trao trả về Việt Nam vì tội nhập cảnh trái phép.

Mánh khóe quỵt lương

Vi Văn Hưng (SN 1992), trú tại thôn Còn Háng, xã Bảo Lâm, Cao Lộc cùng 48 thanh niên trong xã được một đầu nậu dẫn đường đến một chợ lao động sát biên giới Việt – Trung. Các ông chủ người Trung Quốc đến kiểm tra sức khỏe, thỏa thuận việc làm.

Hưng được một người to béo, mắt híp nhận vào làm việc tại nhà máy bóng điện Hồng Quang, tỉnh Hồ Nam với lời hứa được trả lương từ 1.000 đến 1.500 nhân dân tệ/tháng. Lao động liên tục từ 10 đến 12 giờ mỗi ngày, sinh hoạt kham khổ gần 2 tháng nhưng không được nhận lương.

Vào một buổi chiều, đám công nhân chuẩn bị về nghỉ, bỗng nhiên ông chủ chạy đến, bảo: “Chạy đi! Công an đến bắt người”. Hưng hốt hoảng chạy lên mé rừng, tìm đường về quê. Hưng hiểu, đó là mánh khóe của ông chủ nước ngoài, nhằm quỵt lương công nhân.

Nếu lực lượng chức năng nước sở tại bắt được, không những toi công, còn bị tra khảo, tịch thu đồ trang sức, của cải mang theo người. Trong số 48 người trong làng cùng đi, nhiều người không trốn được, hiện nay không rõ phiêu bạt nơi nào, Hưng nói.

Trở thành gái điếm

Hoàng Thị T. (trú tại huyện Lộc Bình) nghe theo một người lạ mặt, vượt biên sang Ái Điểm để chặt mía thuê. Sau hai ngày phồng rộp chân tay vì lao động cực nhọc, cô bị ông chủ bắt ép vào phòng riêng, giở trò đồi bại. Hôm sau, có những người đàn ông to béo đến xem mặt, bắt đi sâu vào một thị trấn nhỏ. Tại đây, cô bị ép làm gái bán hoa. Một hôm, do có sự xô xát của khách làng chơi với bảo kê, T trốn thoát về Việt Nam.

Những “con thiêu thân”

Theo số liệu của các ngành chức năng Việt Nam, hiện có khoảng 4.000 công dân, chủ yếu là người lao động tỉnh Lạng Sơn, sang bên kia biên giới tìm việc. Mặc dù đã có những bài học, rủi ro, song số người xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê không giảm, có chiều hướng gia tăng.

Ông Vi Văn Dũng, Bí thư xã Tú Đoạn, huyện Lộc Bình, cho biết: Vào thời điểm giáp hạt, khô hạn, hầu hết ruộng đồng đều bị bỏ không, người dân không có nghề phụ, tiện chân sang bên kia biên giới, mong kiếm ít tiền về trang trải trong cuộc sống.

Vào tháng ba, các thôn bản giáp biên thiếu vắng người trong tuổi lao động. Nhiều người cố tình vượt biên, chấp nhận sự rủi ro, thậm chí có người vừa được trao trả về Việt Nam vài ngày lại tiếp tục khăn gói quay trở lại Trung Quốc.

Anh Lý Văn Khánh ở thôn Phai Sen, xã Tú Đoạn hai lần bị bắt, giam giữ tại Trung Quốc. Sau khi được trao trả về, đến lúc nông nhàn, anh lại cùng vợ sang Trung Quốc làm thuê, để lại 3 con nhỏ cho ông bà nội trông giúp.

Theo đánh giá của các ngành chức năng tỉnh Lạng Sơn, tại địa bàn sát biên giới xuất hiện một số người Việt Nam bắt tay với một số công dân Trung Quốc vận động, tài trợ tiền, hướng dẫn người dân làm thủ tục hộ chiếu và thị thực xuất cảnh du lịch, sau đó đi sâu vào nội địa Trung Quốc để lao động làm thuê.

Để ngăn chặn tình trạng vi phạm pháp luật về xuất nhập cảnh sang Trung Quốc lao động trái phép, Công an Lạng Sơn đã tổ chức tuyên truyền, vận động, đồng thời cảnh báo về những rủi ro trong quá trình lao động trái phép ở nước ngoài.

Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, tăng thời gian tiếp công dân, tổ chức làm thêm ngày thứ bảy để đáp ứng nhu cầu làm thủ tục cho dân. Các cấp chính quyền có hình thức tuyên truyền phong phú, thu hút được sự chú ý của nhân dân. Các cuộc họp dân ở thôn, bản có sự hiện diện của người từng xuất cảnh sang Trung Quốc, từ đó có những cái nhìn toàn diện, khách quan về vấn đề.

Đối với những trường hợp vi phạm, sẽ bị phạt từ 2 đến 5 triệu đồng. Trường hợp bị cơ quan chức năng nước bạn phát hiện, bắt giữ thì sẽ phải chấp hành các hình phạt của nước sở tại, phải lao động công ích trước khi được trao trả về Việt Nam.

theo Duy Chiến – Nguyệt My
______________________________________________

Posted in Chuyện pháp luật, Chuyện xã hội, Chuyện đời sống, Kinh tế | Thẻ: , , | Leave a Comment »

Nô lệ lao động – Không có giải pháp?

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Năm 9, 2011

Tin cảnh sát Nga cho biết hôm thứ Năm (5/5) cho biết: Cảnh sát Nga đã bắt giữ khoảng 500 người Việt Nam nhập cư bất hợp pháp tại làng Malakhovka, ngoại ô Matxccơva. Cuộc truy quét do Cơ quan Di trú Liên bang, An ninh Liên bang và Bộ Nội vụ phối hợp thực hiện.

Nạn nhập cư bất hợp pháp

Theo Novosti, Cảnh sát đã bắt và tạm giam khoảng 600 công dân Việt Nam không có giấy tờ tùy thân. Tuy nhiên, bản tin sau đó của Interfax đưa ra số người bị bắt là 510.

Những người này đang làm việc tại một xưởng may áo khoác và áo jacket, đang sống với gia đình của họ tại xưởng may nơi làm việc.

Thư ký báo chí Zalina Kornilova của Cơ quan Di trú Liên bang nói với Interfax rằng không ai có giấy tờ và cũng không nói được tiếng Nga.

Trong số người này có cả những phụ nữ đang mang thai, trong điều kiện sống mà theo bà Zalina Kornilova là “hoàn toàn mất vệ sinh, vi phạm nghiêm trọng quy định an toàn phòng cháy chữa cháy”.

Chính quyền đang điều tra để xác minh ai đã lập ra xưởng may.

Dược biết, Nga đang phải đấu tranh để cắt dòng người lao động nhập cư bất hợp pháp, hầu hết là những người đi du lịch đến Matxccơva và những thành phố lớn khác của Nga là từ các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ. Khoảng 10 phần trăm lực lượng lao động của Nga được cho là đến từ nước ngoài.

Tháng trước, cảnh sát Matxccơva phát hiện một “thành phố ngầm” với hơn 100 người nhập cư bất hợp pháp từ Trung Á sản xuất phụ tùng máy may.

Thị trưởng Matxccơva, Sergei Sobyanin, ước tính rằng có khoảng hai triệu người nhập cư bất hợp pháp đang sống tại Matxccơva , trong khi Cơ quan Di trú Liên bang cho rằng chỉ có 340.000 người nhập cư ở thủ đô, với khoảng 155.000 người trong số đó không đăng ký.

Nộp phạt để được thả

Ngày 6/5, nhiều người đã được thả sau khi chấp nhận nộp phạt.

Những người bị bắt đều không có giấy tờ hợp lệ. Chuyện những người Việt làm việc bất hợp pháp tại Nga bị bắt xảy ra rất thường xuyên trong những năm gần đây, tuy nhiên, vụ ngày 5/5 gây nhiều chú ý vì số lượng người bị bắt giữ rất lớn.

Theo một nữ nhân chứng vừa được thả vào khoảng hai giờ sáng ngày 6/5, sau khi chủ doanh nghiệp chấp nhận nộp tiền « phạt » thì khủng khiếp nhất là đợt bắt bớ này. Đầu tiên họ vào, họ kiểm tra, họ lôi tất cả ra, họ tịch thu điện thoại, rồi họ không trả. Điện thoại đắt tiền cũng như điện thoại không đắt tiền họ cũng thu. Đến chiều tối, họ cho về các xưởng. Nhưng họ không cho ăn, cũng không cho ra ngoài, không cho nấu nướng, cũng không cho đi toa-lét. Có người không nhịn được, phải đi toa-lét ngay tại trong phòng. Bắt được là nó đánh.
Một số người lo sợ bị vào trại, bị vào tù, người ta vượt tường ra. Có người rơi xuống ngã gẫy chân, sai khớp, hầu hết chân tay đều xây xướt hết. Nếu mà bắt được thì nó đánh ác lắm.

Chị ta nói: Cảnh sát lăn tay, rồi chụp ảnh, rồi nó cho lên truyền hình. Nó phát đồ ăn rồi nó chụp ảnh. Từ Tết đến giờ, sang tháng Tư, tháng Năm, chúng tôi chạy tổng cộng là bốn lần rồi. Chủ cũng không còn vực được lên nữa. Chúng tôi cũng cứ sống vạ vật. Hiện nay, tôi phải ra chợ để tin bạn bè, mỗi người giúp đỡ cho một tý. Thậm chí tôi chạy, chẳng còn quần áo, hộ chiếu tôi cũng bị mất luôn. Hầu như tất cả chúng tôi đều bị mất, không phải chỉ mình tôi.
Lúc hai giờ rưỡi sáng nay, chủ đến chuộc cho tôi về. Hôm nay, tôi ra chợ để đi tìm việc làm khác.

Chúng tôi thuê ở địa điểm này, chủ mặt bằng bảo chúng tôi là, đã « bảo kê » công an địa phương tốt rồi. Chúng tôi là những công nhân đến làm, chúng tôi cũng hỏi chủ rằng, nếu chỗ này an ninh có an toàn thì công nhân chúng tôi mới đến. Cũng có chủ làm được một năm, cũng có chủ làm được năm rưỡi, hai năm, đấy là mấy năm trước là được như thế.
Chúng tôi bảo, cứ nuôi béo rồi chúng nó lại thịt. Tức là đến làm được ít tháng, cho mình hồi hồi vốn, song rồi nó lại gọi quan trên đến, nó thu xong tiền, rồi … Hầu như đến mặt bằng nào cũng vậy, được ba bốn tháng là đóng. Đấy là hai năm trước. Còn từ hai năm nay, cứ đến mặt bằng này được một vài tháng, tháng đầu phải bỏ vốn ra để làm nhà, làm xưởng, máy móc. Chủ mặt bằng bảo: thuê tốt, công an tốt, yên tâm! Làm được hai tháng, ba tháng, thế là tự nhiên các « ban bệ » lại đến, thế là tự nhiên chúng tôi lại mất trắng.
Người được bảo kê cũng là công an. Thường là ở bên này, các chủ mặt bằng cho thuê đều có vai, có vế, có chức vụ. Cứ được vài tháng, nó lại bảo đây không phải là công an địa phương, mà do Ô-môn (cảnh sát đặc nhiệm), OVIR (tên cũ của Cục phụ trách visa) – sở Ngoại kiều đến, vì vậy nó không kịp báo cho mình. Cũng có lúc nó tăng (giá) lên vào tháng thứ ba, tháng thứ tư. Nếu chúng tôi không chấp nhập lên giá, vài ngày sau là sở Ngoại kiều đến, là công an Kinh tế đến bắt luôn.

Bây giờ còn xưởng khác. Xưởng khác không ra được. Chỉ có mua vé về nước thôi. Tôi có mấy người bạn. Họ về từ ngày 25 tháng trước rồi. Cứ về là coi như trục xuất luôn. Nếu chủ mà không xuống tiền, thì nó hành công nhân, bắt cho về.

Các chủ xưởng cũng như công nhân, đã chót bán nhà, bán cửa ở Việt Nam sang rồi. Cứ thua keo này, lại bày keo khác, cứ cố. Xấu hổ với bà con, chẳng nhẽ « mang chuông đi đấm nước người », đi rồi chẳng lẽ về tay không. Người ta ở nhà làm ăn ầm ầm. Người ta cứ tuần tự vi tiến, trăng đến rằm, trăng tròn, là người ta tiến được. Nhưng mình cứ cố gắng theo, bây giờ về xấu hổ với bà con hàng xóm, với họ hàng, cho nên biết là bắt bớ vẫn cứ phải sống chui, sống lủi, như vậy. Thân của những người tha phương cầu thực là thế đấy chú ạ. Chứ còn bây giờ, bạn bè tôi những người nào bị trục xuất thì về hết, nếu không thì sống chui lủi, sống vườn rau, lao động rất khổ sở.

Nhân chứng trên kết luận:Cũng nói thật với chú là chỉ mong sao đủ tiền để về thôi chú ạ!

Nô lệ lao động?

“Nô lệ lao động” là cụm từ đã được sử dụng để nói về tình trạng của hàng ngàn lao động Việt Nam ở các cơ sở lao động không hợp pháp tại Liên bang Nga, trong một văn bản của Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga gửi tới một loạt cơ quan chức năng trong nước.

Tại thời điểm hiện nay, “câu chuyện” những lao động Việt Nam bị bóc lột thậm tệ tại Liên bang Nga vẫn còn nguyên tính thời sự, cho dù văn bản trên được phát hành từ năm 2008.

Trong văn bản từ 3 năm trước, Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga cho biết, khi nước Nga thắt chặt việc đánh thuế các mặt hàng nhập khẩu từ cường quốc về hàng dệt may với giá rẻ như Trung Quốc thì hàng loạt các xí nghiệp may đã ra đời, nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu của người tiêu dùng, nhất là những người tiêu dùng có thu nhập thấp trên thị trường Nga. Trong bối cảnh này, đã ra đời những xí nghiệp may “đen” với quy mô từ vài chục máy đến hàng trăm máy.

Theo số liệu của các cơ quan bảo vệ pháp luật Nga thì lúc đó quanh vùng ngoại ô thủ đô Matxccơva có khoảng hơn 500 xí nghiệp may như vậy, với số lượng công nhân lên đến 20.000 người, mà đa số là được đưa từ Việt Nam sang.

“Người lao động đã bị bóc lột một cách thậm tệ, bị nhốt dưới khu vực ngầm cách biệt với thế giới bên ngoài, bị thu hoàn toàn giấy tờ tùy thân, không được liên lạc với bên ngoài”, văn bản nêu rõ.

Cũng theo thông tin mà Đại sứ quán có được thì người lao động buộc phải làm việc từ 12-14 tiếng trong một ngày mà không có ngày nghỉ. Họ được hứa là sẽ trả lương cao nhưng có nơi, theo công nhân tố cáo đã hàng năm công nhân không được nhận lương vì chủ xưởng đã trừ hết khoản này đến khoản khác.

Thậm chí, nhiều chủ xưởng sau hàng năm bóc lột sức lao động của hàng trăm công nhân thì đã bỏ trốn và trước khi bỏ trốn đã báo cho công an sở tại đến bắt những người lao động không hợp pháp.

Văn bản của Đại sứ quán Việt Nam tại Nga cũng nhấn mạnh: cuộc sống của những người lao động tại các xưởng may nói trên quả là đáng báo động. Ở nhiều nơi, khoảng 50-60 người sống trong một căn phòng tập thể, giường tầng, các đôi nam nữ được ngăn cách bởi những tấm vải che với diện tích chỉ vài m2…

Cầu cứu giải thoát

Nhận định được Đại sứ quán đưa ra là “tình trạng những công nhân Việt Nam lao động trái phép tại Nga ngày càng tăng”. Trên thực tế, nhiều cuộc điện thoại đã được gọi về các phòng ban của Đại sứ quán để cầu cứu, giải thoát vì cuộc sống quá bức bách. Nhưng ngay cả đến Đại sứ quán Việt Nam và các cơ quan bảo vệ pháp luật của Nga cũng đành bó tay vì tất cả những người gọi đến đều không biết mình đang ở đâu. Bởi họ không biết tiếng Nga và bị giam biệt lập với thế giới bên ngoài.

Bên cạnh đó, những cơ quan thông tin đại chúng Nga đã nhiều lần đưa tin bằng hình ảnh chỗ làm việc, nơi sinh sống của lao động Việt Nam tại các xí nghiệp may “đen” này, đã làm cho nhân dân địa phương vốn đã không có thiện cảm với người lao động châu Á, có cái nhìn phiến diện với những người lao động Việt Nam.

Câu chuyện về hàng chục nghìn lao động Việt Nam đang bị bóc lột thậm tệ, dẫu bắt đầu từ 3 năm trước, vẫn khiến các vị đại biểu Quốc hội trong đoàn công tác của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đến Liên bang Nga vào giữa tháng Tư vừa qua không khỏi bất ngờ.

“Những hiện tượng như bắt lao động theo hình thức khổ sai 12-14 tiếng một ngày, không trả lương, không cho tiếp xúc với bên ngoài và khi có biến động thì sẵn sàng bỏ công nhân chạy trốn pháp luật, để lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng cho những người lao động không biết mình đang ở đâu, không giấy tờ tùy thân và cũng không có khả năng tài chính để mua vé trở về Việt Nam” – báo cáo của đại sứ quan Việt Nam ở Nga viết.

Các cơ quan chức năng làm gì?

Báo cáo của Ban công tác cộng đồng – Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga đề ngày 15/11/2010 còn cho biết, trong năm 2010, do thay đổi chính sách của hàng rào thuế quan, các xưởng may không hợp pháp ngày càng làm ăn phát đạt, vì vậy số lượng các xí nghiệp may này ngày càng tăng.

Và con số những xí nghiệp may “đen” câu kết với những phần tử biến chất trong bộ máy chính quyền địa phương lừa gạt người lao động từ trong nước sang ngày càng nhiều.

Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, hội đàm giữa các nhà doanh nghiệp, giữa các nhà sản xuất kể cả những cuộc gặp với những chủ xí nghiệp sản xuất không hợp pháp, để tìm cách tháo gỡ khó khăn, tìm phương thức làm ăn hợp pháp, hạn chế đến mức thấp nhất những rủi ro cho bà con ta trong kinh doanh và trong sản xuất.

Tuy nhiên, dường như những việc đó không mang lại kết quả mang tính định lượng hơn.

Trong khi đó, ghi nhận từ chuyến công tác vừa qua, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền cho rằng, thực trạng “khổ sai” của hàng chục ngàn lao động Việt Nam dường như vẫn chưa được cải thiện.

Không chỉ là thông tin thu thập được, mà cả những cảm nhận chân thực hơn từ chuyến đi đã khiến ông Hiền hơn một lần nhấn mạnh cảm giác “đau lòng” khi nói về thực trạng này.

Bởi, chính ngay khi đoàn công tác đặt chân đến Nga cũng là lúc một số phương tiện truyền thông đưa tin 4 người Việt Nam đã thiệt mạng khi một kho chứa vải bị cháy, vì họ không thể thoát thân trong tình cảnh bị chủ nhốt.

Và, ngay tại sân bay quốc tế Domodedovo, trước khi về Việt Nam, đoàn cũng đã tình cờ gặp một số người lao động vừa may mắn thoát ra được khỏi những xưởng may đen với ký ức hãi hùng.

Trên suốt chuyến bay trở lại Việt Nam, câu chuyện giữa Chủ nhiệm Hiền và các thành viên trong đoàn đã không “thoát” được nỗi ám ảnh về sự cơ cực mà hàng nghìn công nhân Việt Nam đã và đang phải trải qua.

Vì, số phận của mỗi lao động không chỉ liên quan mật thiết đến hình ảnh của đất nước mà còn gắn chặt với cuộc sống của gia đình và người thân của họ. Sự “mất tích” của họ cũng đồng nghĩa với sự bất ổn của hàng nghìn gia đình nghèo, vốn đã rất nhiều khó khăn.

Suốt hành trình trở về, một câu hỏi cứ trở đi trở lại với nhiều thành viên trong đoàn công tác là “có thể giải quyết căn cơ tình trạng này được hay không?”.

Trao đổi với VnEconomy, Chủ nhiệm Hiền nói rằng, theo quan điểm của ông thì hoàn toàn có thể làm được, nếu có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng Việt Nam với Đại sứ quán Việt Nam tại Nga và các cơ quan chức năng của nước sở tại. Song sự chủ động, quyết liệt phải từ chính các cơ quan trong nước.

Ông Hiền cũng cho biết, sau chuyến công tác trở về, ông đã gặp và trao đổi với một vị thứ trưởng Bộ Ngoại giao về thực trạng và giải pháp để giải quyết tận gốc vấn đề lao động Việt Nam tại Nga.

Tới đây, lãnh đạo Ủy ban Kinh tế cũng dự định sẽ làm việc với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội để trao đổi sâu hơn về vấn đề nói trên.

Tuy nhiên, theo một nguồn tin từ Ủy ban, đến thời điểm hiện tại, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng chỉ nắm được số lao động đi làm việc theo hợp đồng ở châu Âu, còn riêng ở Nga là bao nhiêu thì không có số liệu cụ thể.

Là thành viên trong đoàn công tác của Ủy ban Kinh tế, ông Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Tp.HCM cũng cho biết: “Nghe những cán bộ có trách nhiệm ở Đại sứ quán Việt Nam tại Moskva nói về tình cảnh người lao động Việt tại các “xí nghiệp đen” thật quá đỗi đau lòng”.

Vị đại biểu của dân này đã đặt câu hỏi về trách nhiệm của các đơn vị trong nước tuyển và xuất khẩu lao động sang Nga, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước để người lao động bị “bán” cho các xí nghiệp “đen” khi đến nước Nga, đẩy người lao động Việt Nam, đa số là những thanh niên nghèo khổ ở nông thôn, lâm vào tình cảnh này.

Ông Lịch đề nghị, với quyền hạn được trao, các ủy ban liên quan của Quốc hội có thể tổ chức phiên “điều trần” xung quanh vấn đề lao động Việt tại Nga để qua đó làm rõ hơn thực trạng cũng như giải pháp giải quyết căn cơ vấn đề đã kéo dài nhiều năm và đang trở nên trầm trọng này.

(tổng hợp)
___________________________________________________

Posted in chuyện khó tin, Chuyện pháp luật, Chuyện xã hội, Chuyện đất nước, Chuyện đời sống, Kinh tế, Người Việt hải ngoại, Tin tức nổi bật | Thẻ: , , | Leave a Comment »