NGÔN NGỮ & VĂN HÓA

CHÚC MỪNG NĂM MỚI

Ngôn ngữ

Peơruýtxơ là xứ mô?

Lê Đình Tư
(Bài đã đăng trên tạp chí Tri thức trẻ)

Người Việt tứ xứ gặp nhau thường có thói quen nhại tiếng nhau hay trêu chọc nhau về cách sử dụng địa phương của các từ ngữ tiếng Việt. Ấy là do mỗi vùng, miền có những cách phát âm khác nhau, có những từ ngữ khác nhau và đặc biệt là có cách sử dụng khác nhau những từ ngữ phổ thông. Một ví dụ điển hình là trường hợp cào cào và châu chấu. Con châu chấu trong tiếng phổ thông là “Bọ cánh thẳng đầu tròn, thân mập, màu nâu và vàng, nhảy giỏi, ăn hại lúa” nhưng đối với các địa phương từ Bắc Trung Bộ trở vào thì đó lại là con cào cào. Còn châu chấu ở những địa phương đó phải là loại “Bọ cánh thẳng đầu nhọn, mình dài, nhảy giỏi, ăn hại lá lúa, lá ngô…” mà trong tiếng phổ thông thì lại là con cào cào. Do đó, khi người Bắc nói nạn châu chấu thì trong Nam phải nói là nạn cào cào và ngược lại. Thế mới có chuyện, khi trên vô tuyến truyền hình Trung uơng nói về nạn cào cào ở Đồng bằng Cửu Long thì người Bắc cứ nghĩ về những con bọ cánh thẳng nhọn đầu mà mỗi khi đi gặt hay đi làm cỏ lúa các bà mẹ thường bắt về cho trẻ con nướng lên, ăn vừa bùi vừa thơm. Giá ở miền Bắc mà có nạn cào cào thì hay biết mấy, có lẽ sẽ có nhiều nhà hàng đặc sản mọc lên. Ấy thế nhưng, người các địa phương từ khu Bốn cũ trở vào mà nghe nói đến việc ăn cào cào thì có lẽ họ sẽ bị lộn mửa. Ở đó, người ta chỉ biết ăn châu chấu thôi. Châu chấu ăn được nên hiếm lắm, thỉnh thoảng mới bắt được vài con. Hay như trường hợp con tép, con tôm cũng vậy. Con tép có nơi thì dùng để chỉ con cá nhỏ, có nơi lại dùng để chỉ con tôm nhỏ. Thế là nảy sinh những cuộc cãi cọ nhau, và “Chửi cha không bằng pha tiếng”, những cuộc tranh cãi tưởng chừng vô thưởng vô phạt về con tôm con tép ấy đôi khi lại dẫn đến những mâu thuẫn nghiêm trọng, vượt lên trên khuôn khổ của những cuộc tranh luận thuần túy ngôn ngữ và có thể mang lại những hậu quả khôn lường.
Mấy năm trước, tôi có dịp làm quen với một tiến sĩ y tế cộng đồng người miền Trung. Trong một văn bản tập huấn về KHHGĐ, dịch giả người miền Bắc đã dùng từ bánh rau thay vì bánh nhau (nhau bà đẻ). Mặc dù dịch giả đã “chua” thêm từ bánh nhau trong dấu ngoặc đơn, nhưng vị tiến sĩ nọ vẫn không chịu, và dứt khoát đòi chỉ được dùng từ banh nhau và bỏ hoàn toàn từ bánh rau, với lí lẽ rằng người miền Trung sẽ không ai nhịn được cười nếu vẫn để từ đó trong văn bản. Là một người hiệu đính, tôi thấy cách làm như dịch giả nọ là rất ổn, vì cứ tùy theo từng địa phương mà sử dụng dạng này hay dạng kia của từ, chẳng chết ai cả. Thế nhưng, cái từ nhỏ nhoi đó lại trở thành lí do để vị tiến sĩ đó bật lên một nhận xét động trời: “Đó là sự bá quyền của tiếng Bắc.” Một nhận xét có thể nói là rất chính trị, bật lên từ một cái góc tâm linh sâu thẳm nào đó trong con người của vị tiến sĩ. Song, nếu vị tiến sĩ đó biết được rằng, “nhau” hay “rau” thì cũng rứa cả, cùng sinh ra từ một gốc, thì chắc cũng chẳng có chuyện to tát như vậy. Ở thời kì cách đây khoảng trên một nghìn năm, người Việt chưa có cách phát âm khác nhau của những từ như dức, diếc, dăn deo, dăn dúm. Về sau, cái âm ‘d’ đó mới được tách ra làm hai là ‘d’ và ‘nh’, thành thử, bên cạnh dức đầu có thêm nhức đầu, diếc móc có thêm nhiếc móc, dăn deo có thêm nhăn nheo, dăn dúm có thêm nhăn nhúm. Một số địa phương lại có cách phát âm ‘d’ thành ‘r’, cho nên hiện nay mới tồn tại đến ba cách phát âm của cùng một từ, ví dụ: dức đầu/rức đầu/nhức đầu; dổ mạ/rổ mạ/nhổ mạ; dăn deo/răn reo/nhăn nheo; dòm ngó/ròm ngó/nhòm ngó. Một vài năm trước, đi trên đường phố Hà Nội, thỉnh thoảng chúng ta vẫn bắt gặp những biển quảng cáo: ”Ruộm hấp” mà có nhiều người ngoại tỉnh thắc mắc: „Ruộm” nghĩa là gì? Đó chẳng qua là nhuộm mà thôi. Vậy nên, nói là “nơi chôn rau cắt rốn” hay “nơi chôn nhau cắt rốn” thì cũng đều là nói về nơi chôn cái rau (cái nhau) và cắt cái cuống rốn của con người ta sau khi cất tiếng chào đời, tức là nơi quê cha đất tổ, chứ không ai nghĩ rau ở đây là rau ăn cả. Đó chẳng qua chỉ là sự biến đổi ngữ âm rất bình thường trong ngôn ngữ, hoàn toàn chẳng có sự áp đặt của ai, chẳng có sự “bá quyền” của một phương ngữ nào cả.
Như vậy, các cuộc cãi cọ xuất phát từ những khác biệt phương ngữ ở ta có liên quan đến một vấn đề rất nghiêm túc: vấn đề chuẩn hóa tiếng Việt. Nếu có sự chuẩn hóa để toàn xã hội chấp nhận một hình thức từ chung cho mọi miền đất nước thì vấn đề sẽ được giải quyết ổn thỏa.
Tuy nhiên, nếu như những sự biến đổi ngữ âm hay biến đổi ngữ nghĩa, như trong một vài ví dụ đã nêu ở trên, là hiện tượng khách quan, có vẻ “vô thưởng vô phạt”, thì thời gian gần đây, chúng ta đang chứng kiến những sự thay đổi rất chủ quan của tiếng Việt, và nếu không có biện pháp khắc phục thì hậu quả sẽ rất tai hại.
Một lần, trong một buổi tiếp chuyện các bậc cao niên trong làng đến chơi, có bác đột nhiên hỏi tôi:
– Này anh giáo, chứ cái xứ Peơruýtxơ là xứ mô, hầy?
– Thưa bác, bác có thể nhắc lại cho rõ được không ạ? Tôi tưởng mình nghe nhầm nên hỏi lại.
– Cái xứ Pe – ơ – ruýt – xơ là xứ mô? Bác nông dân nhắc lại một cách rành rẽ từng âm tiết.
Thế là rõ. Bác nông dân không thể nhầm được. Nhưng tôi thì tôi chịu. Tôi không thể nhớ ra đó là xứ nào. Tôi đành chữa ngượng:
– Bác tính, đời sống đắt đỏ, ai cũng phải bươn trải kiếm thêm nên có ít thời gian theo dõi những thay đổi tên vùng, tên đất trên thế giới. Cháu sẽ về tra cứu và trả lời cho bác sau.
Nhưng tôi cảm thấy đó là sự nhục nhã. Sau này, tìm hiểu mãi, tôi mới biết cái xứ Peơruýtxơ té ra là cách phát âm tiếng Anh của từ Paris, thủ đô của nước Pháp, mà các cụ ngày xưa vẫn gọi là Ba Lê còn ngày nay được gọi chính thức là Pari. Thế là tôi được giải thoát khỏi sự đau khổ. Nhưng tôi cứ suy nghĩ mãi về cái cách phát âm hết sức chủ quan của cá nhân các phát thanh viên nước ta. Dường như họ không cần biết là một tên gọi đã được định hình từ bao nhiêu năm nay, đã được xã hội chấp nhận và sử dụng rộng rãi trong tiếng phổ thông thì phải phát âm cho đúng với chuẩn mực chung, chứ không phải là người biết tiếng Anh thì phát âm theo kiểu tiếng Anh, người biết tiếng Pháp thì phát âm theo kiểu tiếng Pháp… Nhưng điều đó đang diễn ra rất phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng của ta. Quả vậy, nếu chịu khó để ý đến các địa danh đọc trên các phương tiện thông tin đại chúng, ta có thể dễ dàng nhận thấy rằng, tên gọi nước ngoài được người ta đọc hết sức tùy tiện. Thủ đô Luân Đôn của nước Ạnh cứ được phát âm là Lân Đần, thủ đô của nước Nga lúc thì phát âm là Mátxcơva, lúc thì phát âm là Mốtxcâu, lúc lại phát âm là Mốtxcơva; nước Ítxraen có người cứ đọc thành Ítx roa-oeo. Ngay như thủ đô của nước Lào, người này thì đọc là Viên Chăn, người khác lại đọc là Viêng Chăn. Hay như nước Xinhgapo cạnh ta, có lúc được đọc là Xinhgapua, có lúc lại đọc thành Xanhgapo. Rồi WTO, người thì đọc là ‘vê kép tê ô’, người thì lại đọc là ‘vê đúp tê ô’, người khác lại đọc là ‘đáp liu ti ô’, ‘đáp bờ liu ti âu‘, vê tê ô’ … Và sự tùy tiện đó dường như cũng chẳng có ai thấy cần phái chỉnh sửa, phê phán. Có lẽ sẽ có người lí sự: Chấp gì mấy ông nhà quê tối tăm đó. Dân có học, chắc chẳng ai có khó khăn gì trong việc này. Song, sự thật thì không phải như vậy. Chỉ xin nêu một ví dụ: Hiện nay, phần lớn các nhà trí thức của ta không biết viết tên nước Xinhgapo thế nào cho đúng. Điều đó có lẽ cũng chẳng có gì là lạ vì trên báo chí, người ta cũng viết rất lung tung: lúc thì viết là Xingapo, lúc thì viết là Singapo, lúc khác thì lại là Singapore hoặc Xinhgapo. Nhưng vấn đề là viết như thế nào là đúng? Viết theo âm của tiếng nào? Chưa ai có đủ thẩm quyền để trả lời được câu hỏi này. Như vậy là, chẳng cứ gì các bác nhà quê ít học mà ngay cả các nhà trí thức của ta cũng không biết viết và đọc thế nào cho chuẩn. Đó thực sự là một điều kinh khủng đối với một ngôn ngữ. Và tình hình này đang làm cho thế hệ trẻ hiện nay không biết dựa vào đâu để viết/đọc cho đúng,. Hậu quả tất nhiên sẽ là: họ cũng lại nhiễm phải cái thói tùy tiện của các thế hệ đi trước.
Nhưng đâu chỉ có chuyện đọc và viết. Sự tùy tiện còn biểu hiện trong cách sử dụng từ ngữ. Một ví dụ: Từ “quốc tế” đang được lạm dụng quá đáng. Vốn là một tính từ dùng để chỉ những gì thuộc về quan hệ giữa các nước trên thế giới (tiếng Anh: international có nghĩa là có tính chất liên quốc gia/dân tộc hay có tính chất toàn thế giới), từ này đang được sử dụng với nghĩa tương đương với từ “thế giới”. Vì vậy, thay vì nói “Tin thế giới” người ta hay dùng “Tin quốc tế”, một cách nói khá tối nghĩa, vì nếu giải thích theo một cách khác thì ‘tin quốc tế‘ là tin tức về quan hệ giữa các nước, hoặc là tin tức toàn thế giới, nhưng phải hiểu là quốc tế/thế giới đó không bao gồm Việt Nam, vì luôn luôn có sự đối lập giữa “Tin quốc tế” và “Tin trong nước”. Như vậy, “Tin quốc tế” đúng ra phải nói là “Tin nước ngoài” vì nó không bao gồm “tin trong nước”, và không có lí gì chúng ta lại tự coi mình không phải là một phần của “quốc tế”. Sự lộn xộn về khái niệm đó được lặp đi lặp lại ở rất nhiều trường hợp khác.Ví dụ: Đáng lẽ phải nói “cầu thủ nước ngoài” thì người ta lại nói “cầu thủ quốc tế”, khiến cho ý nghĩa trở nên rất mơ hồ, vì làm gì có cầu thủ nào gọi là cầu thủ quốc tế! Chỉ có cầu thủ của nước này hay nước kia, hoặc cầu thủ nước ngoài chơi cho một đội của một nước nào đó mà thôi. Đương nhiên, sẽ có người lí luận rằng: Viết thế nào cũng được, miễn là hiểu đúng là được rồi. Chẳng hạn, khi nói một cầu thủ tầm cỡ quốc tế mà hiểu là cầu thủ tầm cỡ thế giới thì cũng chẳng chết ai. Nhưng nếu vậy thì “cầu thủ tầm cỡ khu vực” sẽ phải hiểu là cầu thủ không có tính chất quốc tế. Cho nên, những khái niệm như “đẳng cấp quốc tế”, “bằng cấp quốc tế” “tiêu chuẩn quốc tế”, “quốc tế công nhận”… mà chúng ta đang dùng nhan nhản trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng như trong giao tiếp hàng ngày, thực ra là những khái niệm rất mơ hồ, có khi tạo ra những cách nói vô nghĩa. Do vậy, các từ ngữ đó cần phải được cân nhắc cẩn thận trước khi sử dụng. Bởi vì sự mơ hồ trong cách hiểu ý nghĩa của các từ sẽ tạo ra những cái vòng luẩn quẩn và bế tắc.
Khái niệm (hay ý nghĩa) gắn với từ là một cái gì đó rất khó nắm bắt. Nó liên quan đến toàn bộ hệ thống ngôn ngữ. Do đó, cần phải có kiến thức rất sâu và rộng về ngôn ngữ mới có thể xác định nó một cách chính xác. Việc hiểu chính xác ý nghĩa của các từ đã khó, nhưng việc cải tiến nó hay cách tân nó càng khó hơn. Một từ, nếu bị sử dụng sai lệch, sẽ làm cho hệ thống ngôn ngữ bị xáo trộn, dẫn đến những cách nói, cách hiểu không rõ ràng, mang tính đại khái và rất chủ quan, chẳng giống ai. Gần đây, chẳng hạn, người ta đã phát triển khá nhiều loại bệnh viện trên cơ sở hiểu biết mơ hồ về khái niệm (ý nghĩa) mà từ bệnh viện biểu thị. Ở Thành phố HCM, người ta đã mở bệnh viện máy vi tính, còn ở Hà Nội thì có bệnh viện xe máy. Thoạt nghe thì dường như không có gì đáng nói cả, vì ai cũng hiểu là người ta muốn nói tới xưởng sửa chữa máy vi tính, hay xưởng sửa chữa xe máy. Nhưng đó chỉ là sự liên tưởng có tính chủ quan, sự “đoán mò” kiểu như khi ta nghe một từ tiếng lóng, hay thậm chí một câu thơ có nghĩa nước đôi chẳng hạn, chứ không phải là căn cứ vào ý nghĩa thực sự của từ. Nếu nói về ý nghĩa thực sự của từ thì đương nhiên, ta không thể phát triển một loại bệnh viện gọi là bệnh viện chó. Nhưng điều đó vẫn cứ đang xảy ra. Dường như người ta quên mất (hay không biết) rằng bệnh viện chỉ là nơi khám và chữa bệnh cho người. Khi cần xác định thêm tính chất chuyên môn của bệnh viện, người ta thêm các từ đi kèm như: bệnh viện phụ sản, bệnh viên lao, bệnh viện K, bệnh viện nhi…. Xét trong hệ thống đó, bệnh viện chó không biết nên hiểu là bệnh viện chữa một loại bệnh có tên gọi là chó, hay đây là bệnh viện chữa bệnh không tốt mà người ta chửi là bệnh viện chó. Hơn nữa, bệnh viện là một cơ sở y tế, chứ không phải là cơ sở cơ khí, điện tử hay thú y. Không chỉ có tiếng ta mà các thứ tiếng khác cũng đều như vậy. Chỉ có điều, ở các nước khác, người ta nắm rất rõ cái khái niệm mà từ bệnh viện biểu thị, nên người ta không cho phép khai triển những “sáng kiến” ngôn ngữ kiểu này như ở ta. Cho nên, người ta không có các bệnh viện máy vi tính, bệnh viện xe máy, hay bệnh viện chó. Vậy, tại sao chúng ta không nói xưởng sửa chữa máy vi tính, xuởng sửa chữa xe máy, hay trạm thú y như từ trước tới nay vẫn dùng? Các tên gọi mới “bắt mắt” hơn, hay “hoành tráng” hơn chăng? Điều chắc chắn là: những tên gọi đó không rõ ràng. Mà tên gọi đã không trong sáng thì chất lượng cũng rất đáng ngờ. Còn nếu các tác giả của những tên gọi đó muốn làm một cuộc cách mạng trong tiếng Việt thì có lẽ cũng nên kiểm tra lại xem mình hiểu hệ thống tiếng Việt tới mức nào. Bởi vì, với những sáng kiến tùy tiện kiểu như trên, rồi đây con cháu chúng ta có thể sẽ có sáng kiến ngược lại: gọi bệnh viện là xưởng chữa bệnh cho người. Và khi ấy, các bệnh nhân thay vì xuất viện, sẽ xuất xưởng, để cho các máy móc và thú vật xuất viện. Và trong xu thế hội nhập hiện nay, người nước ngoài đến Việt Nam sẽ vô cùng ngơ ngác, vì ở thế kỉ 21 này, người Việt vẫn chưa phân biệt được sự khác nhau giữa người, vật và động vật, giữa y tế, cơ khí, điện tử và thú y. Hơn thế nữa, rồi đây các trường học ở nước ta sẽ phải xây dựng lại mục tiêu đào tạo: trường đại học bách khoa sẽ đào tạo các bác sĩ cho máy vi tính, ô tô, xe máy, tủ lạnh … còn trường đại học y khoa sẽ đào tạo kĩ sư chữa bệnh cho người.
Sự mơ hồ trong việc sử dụng các khái niệm (tức là ý nghĩa của từ) không chỉ liên quan đến hiệu quả giao tiếp ngôn ngữ. Nó có thể đưa đến những sai lầm tai hại trong những hoạt động khác. Một ví dụ điển hình là từ khuyến học. Ở thời kì mà phần lớn dân số nước ta mù chữ thì khuyến học là một phong trào hết sức cần thiết và đã được phát động đúng lúc. Khái niệm khuyến học khi ấy đã được hiểu chính xác, và vì thế, việc khuyến học đã góp phần tích cực cho công cuộc chấn hưng dân tộc: xóa nạn mù chữ và nâng cao trình độ dân trí cho xã hội ta. Song, ở giai đọan hiện nay, khi mà xã hội chúng ta đang đấu tranh quyết liệt với nạn dạy thêm, học thêm tràn lan thì việc khuyến học trở thành một việc làm đi ngược với chủ trương đó. Chưa “khuyến” mà con cháu chúng ta đang phải học ngày 3-4 ca, vậy nếu “khuyến” nữa thì không biết các cháu còn phải học thêm những ca nào nữa đây? Cho nên, vì hiểu không đúng khái niệm, các hội khuyến học hiện nay ở ta chỉ làm mỗi một việc, đó là tặng thưởng tiền hoặc hiện vật cho các cháu học giỏi, còn việc các cháu có vì những phần thưởng đó mà học chăm chỉ hơn không thì chẳng ai dám chắc. Chẳng có cháu nào lại nghĩ là mình phải học cho giỏi để được nhận phần thưởng của các hội khuyến học. Các cháu học ngày học đêm là vì muốn lọt được vào cái cổng đại học bé tí của các trường đại học, chứ không phải là do khuyến học. Cho nên, nhiều khi, hội khuyến học chỉ được mở ra để khuếch trương thành tích học tập của con cháu nhằm làm vẻ vang cho các gia đình, dòng họ hay làng xã… Không có nước nào mà nhà nhà khuyến học, làng làng khuyến học, xã xã khuyến học như ở ta. Thế thì làm sao mà chống được nạn học thêm và dạy thêm!
Thật quả đúng là “Cái sảy nảy cái ung”. Cứ cái đà này thì không biết tiếng Việt của chúng ta sẽ đi về đâu. Liệu vài chục năm nữa nó có trở thành một thứ ngôn ngữ pha tạp, hổ lốn, lộn xộn như nhiều người đang lo ngại hay không? Ở nhiều nước, người ta thiết lập những cơ quan chuyên trách để kiểm soát chặt chẽ sự phát triển của tiếng mẹ đẻ. Một cơ quan như vậy, thiết nghĩ, cũng rất cần thiết ở nước ta, để làm sao cho dân ta không đến nỗi phải hỏi nhau: Pari là xứ nào?

_______________________________________________

Bình luận về bài viết này