NGÔN NGỮ & VĂN HÓA

CHÚC MỪNG NĂM MỚI

Archive for the ‘Chuyện triết học’ Category

Vì sao Khổng Tử phải rời Thiên An Môn?

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Năm 17, 2011

Hai tháng sau lễ khánh thành tượng đài Khổng Tử trên quảng trường Thiên An Môn (Trung Quốc), nơi từ năm 1949 tới nay chỉ có duy nhất bức ảnh khổ lớn Chủ tịch Mao Trạch Đông “độc quyền” ngự trị, pho tượng nói trên đã “biến mất”.

Viện bảo tàng Quốc gia Trung Quốc không cho biết lý do của sự việc động trời này nhưng trang mạng sina.com.cn tiết lộ: hôm 21-4, pho tượng đã được dời vào khu vườn tượng bên trong Viện Bảo tàng. Vuông đất xây bệ đặt tượng Khổng Tử nay được bọc một hàng rào tôn màu xanh.

Tin của website ifeng.com cho biết: cán bộ phụ trách hữu quan của Viện bảo tàng Quốc gia giải thích, theo thiết kế tổng thể cải tạo Viện bảo tàng, tại khu sân phía Tây bên trong khuôn viên Viện bảo tàng có lập Vườn điêu khắc dùng làm nơi đặt tượng các danh nhân văn hoá Trung Quốc. Do việc xây dựng khu sân chưa hoàn tất nên bức tượng đầu tiên làm xong (là tượng Khổng Tử) phải “tạm đặt” trên quảng trường chỗ bên ngoài cổng phía Bắc Viện bảo tàng.
Cách giải thích này thật khó tin, bởi lẽ lễ khánh thành pho tượng đồng đen đồ sộ cao 9,5 m (cả bệ), nặng 17 tấn này được Viện bảo tàng Quốc gia long trọng tổ chức hôm 11-1. Sau đó không ít học giả lớn tiếng ca ngợi sự kiện này, coi đây là một mốc lịch sử trên con đường phục hồi nền văn hóa truyền thống Trung Hoa.

Dù không nói ra nhưng ai cũng thừa hiểu tượng Khổng Tử phải dời đi vì việc dựng tượng ngài trên quảng trường Thiên An Môn bị đông đảo dân chúng, nhất là dân mạng, phản đối kịch liệt.
Người Trung Quốc rất coi trọng Khổng Tử, nhà văn hóa vĩ đại của họ, nhưng học thuyết của cụ – còn gọi là Nho giáo – thì bị họ đối xử hoàn toàn khác.

Từ ngày văn minh phương Tây tràn vào Trung Quốc, Nho giáo bị các nhà trí thức tân tiến nước này lên án là nhân tố cản trở tiến bộ lịch sử. Suốt trăm năm qua, nó bị chính người Trung Quốc đả phá tơi bời, tưởng như đã chết hẳn.

Sau khi nước này thi hành cải cách mở cửa, dưới sự khuyến khích không ra mặt của chính quyền, Nho giáo mới bắt đầu được dần dần phục hồi, có lúc trở thành cơn sốt. Phái ủng hộ cho rằng việc phục hồi Nho giáo có lợi cho công cuộc xây dựng xã hội hài hòa, chống lại tình trạng sa sút đạo đức hiện nay, tăng thêm sức mạnh mềm cho quốc gia.

Nhưng giới học giả phái Mác-xít và giới học giả phái tự do mạnh mẽ phản đối trào lưu nói trên, coi đó là bước thụt lùi về tư tưởng, vì họ cho rằng Nho giáo đi ngược lại chủ nghĩa xã hội và tư tưởng dân chủ tự do, ngược với trào lưu tiến bộ của loài người.

Vì vậy, việc dựng tượng Khổng Tử trên quảng trường Thiên An Môn đã lập tức gây ra tranh cãi, thậm chí rất gay gắt. Mạng Nhân dân tổ chức điều tra dư luận, kết quả cho thấy, phái tán thành có 455 phiếu, phái phản đối có 10.375 phiếu, phái trung lập 491 phiếu, chứng tỏ đa số không tán thành dựng tượng tại nơi thiêng liêng này.

Theo Huy Đường
(Tia sáng)
_________________________________________________

Posted in Chính trị thế giới, Chuyện triết học, Chuyện xã hội, Triết học | Thẻ: , , | Leave a Comment »

Tướng Trung Quốc bàn về niềm tin và đạo đức

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Tám 20, 2010

Lưu Á Châu (Liu Ya-zhou, Trung Quốc)

Có một câu chí lý thế này: Hay bàn luận về khuyết điểm của người khác thì anh là kẻ đạo đức thấp kém. Hay bàn luận về khuyết điểm của nhân loại thì anh là một nhà tư tưởng.

Lưu Á Châu sinh năm 1952, là con rể cố Chủ tịch nước Trung Quốc Lý Tiên Niệm, có thời là Phó Chính uỷ bộ đội không quân Trung Quốc, nay là Chính uỷ Trường đại học Quốc phòng Trung Quốc, từng là giáo sư thỉnh giảng của ĐH Stanford Mỹ. Ông đồng thời là một nhà văn có tiếng, chủ nhân một số giải thưởng văn học. Các bài viết của ông ngôn từ mạnh dạn, quan điểm mới mẻ (nhất là quan điểm đối với Mỹ), lập luận sắc bén của ông được dư luận rất quan tâm.
Dưới đây là phần lược dịch bài nói ngày 11/9/2002 của ông – Trung tướng không quân Lưu Á Châu, lúc đó là Chính uỷ bộ đội không quân Quân khu Thành Đô Trung Quốc, trước các cán bộ quân đội cấp tiểu đoàn trở lên tại căn cứ không quân Côn Minh, Vân Nam.

Người phê phán văn hoá Trung Hoa

Trong quá khứ, tôi trước tiên là người kế thừa văn hoá Trung Hoa, sau đó mới là người phê phán văn hoá Trung Hoa. Hiện nay tôi trước tiên là người phê phán văn hoá Trung Hoa sau đó mới là người kế thừa.
Lịch sử phương Tây là một bộ sử sửa cái xấu, cái sai thành cái tốt, cái đúng. Lịch sử Trung Quốc thì là một bộ sử sửa cái tốt cái đúng thành cái xấu cái sai. Thời cổ, phương Tây cái gì cũng cấm, chỉ có điều không cấm bản năng con người. Trung Quốc cái gì cũng không cấm, riêng bản năng thì cấm.
Người phương Tây dám thể hiện bản thân, tức thể hiện tư tưởng mình và còn dám phô bầy thân xác loã lồ của mình. Trung Quốc chỉ biết mặc quần áo, mặc quần áo cho tư tưởng. Mặc bao giờ cũng dễ hơn cởi. Phương Tây đả kích mặt đen tối của mình, cho nên tìm được ánh sáng, tư tưởng của họ đang bay bổng. Chúng ta ca ngợi sự sáng sủa của mình, kết quả đem lại bóng tối nghìn năm.
Trung Quốc không có nhà tư tưởng, chỉ có nhà mưu lược. Hegel từng nói: “Trung Quốc không có triết học.” Tôi cho rằng mấy nghìn năm nay Trung Quốc chưa sản sinh được nhà tư tưởng nào. Nhà tư tưởng tôi nói là những người như Hegel, Socrates, Plato, những nhà tư tưởng ấy có cống hiến to lớn đối với tiến trình văn minh nhân loại. Lão Đan [tức Lão Tử – ND], bạn nói ông ấy là nhà tư tưởng phải không?
Chỉ dựa vào “Đạo đức kinh” 5000 chữ mà có thể làm nhà tư tưởng ư? Đấy là chưa nói “Đạo đức kinh” của ông có vấn đề.
Khổng Tử có thể coi là nhà tư tưởng chăng? Thế hệ chúng ta xem xét ông thế nào? Tác phẩm của ông bị xem xét ra sao? Tác phẩm của ông chưa từng cung cấp cho nội tâm người Trung Quốc một hệ thống giá trị có thể đối kháng quyền lực thế tục. Cái mà ông cung cấp là tất cả xoay xung quanh quyền lực.
Nếu Nho học là một tôn giáo thì đó là một tôn giáo rởm; nếu là tín ngưỡng thì là tín ngưỡng rởm; nếu là triết học thì đó là triết học của xã hội quan trường hoá. Xét trên ý nghĩa này thì Nho học có tội với người Trung Quốc.
Trung Quốc không thể có nhà tư tưởng, chỉ có nhà mưu lược. Xã hội Trung Quốc là xã hội binh pháp, dân tộc ta chỉ tôn sùng nhà mưu lược. Một Gia Cát Lượng chẳng mấy thành công về sự nghiệp lại được người ta kỷ niệm nhiều lần. Ông ấy bụng dạ kém khoáng đạt, cách dùng người cũng chưa thích hợp.
Có tư liệu cho thấy ông ta còn là kẻ lộng quyền. Nhưng chính con người như thế lại được nâng lên tầm cao phát sợ. Đây cũng là một phác hoạ tâm hồn dân tộc ta. Dưới hình thái xã hội như thế có ba loại hành vi thịnh hành ở Trung Quốc.

Ba loại hành vi thịnh hành tại Trung Quốc

1.Thuật nguỵ biện. Con trai tôi năm nay thi vào khoa báo chí một trường đại học. Khoa này là một trong những khoa báo chí tốt nhất Trung Quốc. Tôi bảo nó: Đưa giáo trình cho bố xem. Đọc xong tôi bảo thứ này không đáng đọc. Trong giáo trình có một suy đoán như sau: Trung Quốc phát minh ra thuốc nổ; thuốc nổ truyền tới châu Âu đã phá tan dinh luỹ phong kiến Trung thế kỷ của châu Âu. Thật nực cười. Thuốc nổ anh phát minh ra phá tan dinh luỹ phong kiến của người ta, thế sao dinh luỹ của chính anh lại không bị phá vỡ? Ngược lại còn vững chắc hơn?
Tại Đại học Quốc phòng Trung Quốc, khi thảo luận vấn đề Đài Loan có một quan điểm được nhiều người tán đồng như sau: Đài Loan như một cái ổ khoá. Nếu không giải quyết được vấn đề Đài Loan thì ổ khoá ấy sẽ khoá chặt cánh cổng lớn của Trung Quốc, Trung Quốc sẽ không có lối ra biển cả. Đó là sự nguỵ biện. Tây Ban Nha sau khi trở thành cường quốc biển, đâu có thể ngăn cản anh hàng xóm Bồ Đào Nha cũng trở thành cường quốc biển. Eo biển Dover của Pháp cách nước Anh có 28 hải lý, Anh Quốc có thể ngăn cản Pháp trở thành cường quốc biển không?
Trung Quốc mất biển, chủ yếu là do tầng lớp thống trị Trung Quốc nhiều đời chưa có quan điểm Quyền lực biển.
Có lẽ mọi người chưa chú ý tới chuyện một số hội Phật Giáo, Đạo giáo thường đứng ra chủ trì việc phê phán một số đoàn thể mê tín phong kiến, các vị đạo trưởng ung dung nói năng, phê phán người ta là mê tín phong kiến. Tôi muốn cười thầm nhưng lại không nhịn được cười thành tiếng. Bảo người ta là mê tín phong kiến, lẽ nào ông là duy vật chăng? Chẳng phải cũng là mê tín đó sao?
2. Đối ngoại lôi kéo vỗ về, đối nội tàn nhẫn. Văn minh châu Âu và văn minh Trung Quốc hầu như đồng thời cất bước nhưng châu Âu hình thành nhiều quốc gia nhỏ, Trung Quốc hình thành một đại đế quốc thống nhất. Nói tới chuyện này chúng ta thường hí hửng phấn khởi. Thực ra châu Âu hình thành nhiều quốc gia như thế chính là một dạng thể hiện tư tưởng tự do của họ. Tuy hình thành nhiều quốc gia như vậy nhưng bao nhiêu thứ có liên quan đến văn minh nhân loại chính là sinh ra từ các tiểu quốc chia tách ra ấy.
Còn chúng ta đã làm được gì cho văn minh thế giới? Có thể khẳng định, thống nhất giang sơn có mối quan hệ tất nhiên nào đó với tư tưởng thống nhất. Xã hội mưu lược là xã hội hướng nội.
Tôi từng nghiên cứu kỹ sự khác biệt giữa Trung Quốc với Mỹ. Trên mặt công việc quốc tế, về cơ bản Trung Quốc mềm mỏng, còn trên mặt công việc trong nước thì cứng rắn. Nước Mỹ ngược lại, họ rắn trên mặt công việc quốc tế, mềm trên mặt công việc trong nước. Chẳng còn nhớ trong một cuốn sách nào đấy tôi có đề cập vấn đề này, có lẽ là cuốn Đánh giá nguy hiểm tác chiến với Đài Loan, và kết luận: Chuyện này là do sự khác biệt văn hoá quyết định.
Văn hoá Trung Quốc có tính khép kín, kín đáo, hướng nội. Văn hoá Mỹ thì cởi mở, hướng ngoại. Tư tưởng đại nhất thống cũng là tư tưởng kiểu hướng nội. Điều đó giải thích vì sao trước bọn xâm lược nước ngoài thì chúng ta là bầy cừu, trước đồng bào mình thì chúng ta là lang sói. Ngót trăm lính Nhật là đủ để áp giải 50 nghìn tù bình quân Quốc Dân Đảng đến Yến Tử Cơ [một địa danh thuộc tỉnh Giang Tô – ND] xử bắn. Chưa nói đến chống lại, các tù binh này chẳng có cả tới dũng khí bỏ chạy nữa kia.
3. Hành vi thô bỉ. Sự thô bỉ về tinh thần ắt đem lại sự thô bỉ trong hành vi. Sự cao quý tinh thần ắt sẽ đem lại sự cao quý trong hành vi. Khoảng hai chục năm trước khu phố nhà tôi có xảy ra chuyện như sau: Một đôi vợ chồng li dị, ông chồng dẫn cô bồ mới về nhà, hai vợ chồng cãi nhau. Bà vợ chạy lên gác trên muốn nhảy lầu. Rất nhiều người xúm lại xem. Có kẻ vì hí hửng khi thấy người khác gặp tai nạn mà hét to: “Nhảy đi, nhảy đi!” Về sau cảnh sát đến cứu được bà kia xuống, những người xem thậm chí còn cảm thấy tiếc rẻ.
Tôi thở dài một cái rồi về nhà, mở ti-vi xem. Đúng lúc ấy trên ti-vi đang chiếu bộ phim kể về một chuyện có thật xảy ra ở châu Âu. Chuyện như sau: Một nước nào đó, nhớ mang máng là Hungary thì phải, 70 năm trước có một anh thợ mỏ trẻ sắp cưới vợ. Trong lần cuối cùng xuống giếng mỏ trước ngày cưới thì mỏ xảy ra sụt lở, anh thợ kia mãi mãi không thể trở về. Cô dâu không thể tin rằng người yêu của mình có thể bỏ cô mà đi, cứ thế đằng đẵng chờ 70 năm trời.
Cách đây ít lâu người ta sửa lại hầm mỏ, phát hiện thấy trong vũng nước đọng ở chỗ sâu có một xác người. Đó chính là chàng rể- thợ mỏ nọ bị vùi dưới giếng 70 năm trước. Vì dưới ấy không có không khí, xác lại ngâm trong nước có khoáng chất nên người ấy trông vẫn trẻ như lúc chết. Cô dâu thì đã là bà lão tóc bạc phơ.
Bà cụ ôm lấy người yêu khóc nức nở. Bà quyết định tiếp tục làm lễ cưới của họ. Cảnh này thật quá xúc động: Cô dâu 80 tuổi mặc áo cưới trang trọng một màu trắng như tuyết. Tóc cũng trắng như tuyết. Người yêu của bà thì vẫn trẻ như xưa, mắt nhắm nghiền nằm trên cỗ xe ngựa. Hôn lễ và tang lễ đồng thời tiến hành. Bao nhiêu người rơi lệ.

Vụ 11/9 thử thách trình độ đạo đức quốc dân

Vụ 11/ 9 năm ngoái là sự việc có thể khảo nghiệm trình độ đạo đức của dân tộc ta nhất. Hôm nay [tức 11/09/2002 – ND] vừa đúng tròn một năm sự kiện ấy. Vụ 11/ 9 tuy không thể thay đổi thế giới nhưng đã thay đổi nước Mỹ. Đồng thời, thế giới sau ngày ấy rất khó trở lại trước sự kiện này.
Khi xảy ra vụ 11/9, ít nhất trong một quãng thời gian sau đó nước ta bị bao phủ bởi một bầu không khí không lành mạnh. Tối hôm 12/9, có người bạn gọi điện thoại cho tôi nói sinh viên ĐH Bắc Kinh và ĐH Thanh Hoa đang khua chiêng gõ trống. Tôi bảo đội tuyển bóng đá quốc gia Trung Quốc còn chưa lọt vào vòng sau kia mà, phải đến mồng 7/10 đội Trung Quốc mới đấu trận cuối cùng với đội Liên hiệp Vương quốc A Rập, nếu thắng thì sẽ lọt vào danh sách dự World Cup. Một lúc sau mới biết thì ra sinh viên Trung Quốc đang chúc mừng việc toà tháp đôi Mỹ bị đánh sập.
Báo chí nước ngoài đưa tin: Hồi ấy có một đoàn nhà báo Trung Quốc đang ở thăm Mỹ, khi thấy hình ảnh toà nhà Trung tâm Thương mại thế giới bị đánh phá, các thành viên đoàn nhà báo này bất giác vỗ tay. Đây là một dạng ngấm văn hoá; điều đó không thể trách họ, bọn họ đã không thể kiềm chế được bản thân.
Kết quả họ bị [chính phủ Mỹ – ND] tuyên bố là những người mãi mãi không được hoan nghênh. Hồi ấy tôi đang ở Không quân Bắc Kinh [1], mấy hôm ấy đều có người ở bộ đội đến thăm, gặp ai tôi cũng hỏi quan điểm của họ đối với vụ 11/9. Tất cả đều trả lời: Đánh bom hay lắm.
Sau này tôi nói đây là một tình trạng rất đáng buồn. Nếu những người ấy yêu mến Trung Quốc, thế thì có cứu được Trung Quốc hay không? Về giới truyền thông thì càng chẳng nên nhắc tới. Ở Trung Quốc, nơi không có tin tức nhất là trên báo chí.
Năm 1997 công nương Diana chết vì tai nạn giao thông. Cho dù Diana là người thế nào, hoàng gia Anh Quốc ra sao thì ít nhất bà ấy cũng có giá trị tin tức. Các tờ báo lớn trên thế giới đều đăng tin này trên trang nhất, riêng báo chí Trung Quốc không đăng tin ấy. Hôm đó tin tức đầu bảng của các tờ báo lớn ở Bắc Kinh là “Các trường trung, tiểu học Bắc Kinh hôm nay khai giảng”. Tin này chẳng khác gì tin “Người Bắc Kinh hôm nay ăn sáng rồi”, chỉ có cái giá trị [thông tin – ND] ấy thôi.
Tối hôm 11/9 tôi ngồi xem chương trình “Tiêu điểm phỏng vấn” trên ti-vi. Tôi muốn xem xem “những cái miệng lưỡi của đất nước” đánh giá tiêu điểm vụ 11/9 như thế nào. Kết quả chương trình “Tiêu điểm phỏng vấn” hôm ấy có nội dung là nói về việc các chi bộ ở nông thôn tăng cường xây dựng chi bộ gì gì đó. Bạn muốn xem cái gì thì không có cái ấy. Cái bạn không muốn nghe thì người ta cứ nói cho mà nghe. Dĩ nhiên, những cái miệng lưỡi của quốc gia thì vô tội.
Văn hoá truyền thống ảnh hưởng tới quan niệm đạo đức
Năm 1999 Mỹ tấn công Nam Tư. Trung Quốc đứng ra phản đối. Cái giá của lần ấy là Đại sứ quán Trung Quốc tại Nam Tư bị bắn phá. Suýt nữa thì Trung Quốc lại đứng ra lần nữa. Đoàn tàu văn hoá này của chúng ta có quán tính lớn, chở chúng ta, những kẻ có khiếm khuyết đạo đức, phóng như bay tới điểm chót.
Hồi ấy có người còn đề xuất nhân dịp này tấn công Đài Loan, ra tay một lần là xong. Có thể thông cảm với nỗi lòng của các bạn ấy, nhưng bấy giờ quả thật không phải là thời cơ thích hợp. Hồi ấy tôi nghĩ, vụ 11/9 chết bao nhiêu người, đều là người vô tội. Cái mất đi là sinh mạng con người, thứ tôn nghiêm nhất trên thế giới. Những sinh mạng ấy không có liên quan với chính phủ Mỹ. Chúng ta dùng thái độ như vậy đối xử với người ta, nhưng người ta không dùng thái độ như vậy đối xử với ta.
Thảm án Dover hình thành sự đối chiếu rõ rệt với việc này. Năm 2000, một đoàn người Phúc Kiến vượt biên trái phép ngồi trong xe thùng bịt kín cập cảng Dover lên đất Anh Quốc. Vì ngồi mấy chục giờ trong thùng xe thiếu không khí, tất cả đều chết ngạt [2], chỉ có 2 người sống sót.
Khi vụ này bị phanh phui, không một quan chức nào của Đại sứ quán Trung Quốc xuất đầu lộ diện. Cuối cùng dân chúng Anh Quốc vùng Dover tự phát làm lễ truy điệu và lễ thắp nến tưởng niệm những người đã chết.
Rất nhiều trẻ em tham dự, chúng cầm trong tay những thứ đồ chơi chế tạo tại Trung Quốc. Nhân đây xin nói thêm, hiện nay 90% đồ chơi trên thế giới là Made in China. Nhà báo hỏi lũ trẻ: Tại sao các cháu dự lễ truy điệu? Bọn trẻ nói: Họ cũng là người cả mà; các thứ đồ chơi trong tay chúng cháu cầm đây có thể là do những người trong số họ sản xuất.
Không một người Trung Quốc nào có mặt trong buổi lễ truy điệu ấy. Thế nào là văn minh, thế nào là không văn minh? Tôi đang suy nghĩ.

Thờ ơ, coi nhẹ sinh mạng con người thật đáng sợ

Thật là đáng sợ khi người ta ca ngợi khủng bố. Trung Quốc thoát thai từ nền văn hoá giáo dục Trung Quốc, trước hết thờ ơ coi khinh sinh mạng của chính mình, từ đó mới có thái độ coi tính mạng của người khác, nước khác như trò trẻ con. Bản thân không có quyền lực quý trọng sinh mạng mình, cũng không cho người khác có cái quyền ấy. Tâm trạng “khán giả” năm xưa từng bị Lỗ Tấn hồi trẻ phê phán chính là được tôi luyện như vậy đấy.
Người Trung Quốc xem cảnh giết người khác, không ai không vui mừng phấn khởi. Giai cấp thống trị cố ý đem người ta ra giết tại nơi đông người. Kẻ bị thống trị thì hưởng thụ tại nơi đông người cái cảm giác khoái trá của kẻ thống trị. Nhất là khi xử tử bằng kiểu tùng xẻo, kéo dài ba ngày, người xem đông nghìn nghịt. Cả đến những chủ sạp hàng nhỏ cũng bày hàng ra bán tại đấy. Đao phủ còn bán bánh màn thầu dính máu.
Trung Quốc ngày nay không có tục tùng xẻo nữa. Nhưng xử án tại nơi đông người cũng là sự mở rộng tập quán đó. Người nước ta năm nào đi xem giết Lục Quân Tử Đàm Tự Đồng [3] như đi trẩy hội. Với những người như thế, trong cuộc chiến tranh Giáp Ngọ [4] ta sao mà không mất Đài Loan. Con cháu họ, tức chúng ta, nếu lại như họ thì làm sao mà giải phóng được Đài Loan.
Khi có kẻ xấu hành hung trên xe buýt, những người đi xe đều im thin thít. Dựa vào những con người ấy đi giải phóng Đài Loan ư? Dựa vào họ để thực hiện 4 hiện đại hoá ư? Bạn thực hiện 4 hiện đại hoá rồi thì có lợi gì nhỉ?
Sáng nay khi tập thể dục tôi tranh thủ xem truyền hình, chương trình quảng cáo “Tin tức buổi sáng”, sản phẩm nào bán chạy nhất? Đó là cửa chống trộm. Đây là nỗi buồn của một dân tộc. Bạn xem đấy, nhà chúng ta ở chẳng khác gì cái cũi. Tại Thành Đô, tôi ở căn nhà mấy vị chính uỷ không quân tiền nhiệm từng ở. Tôi vào xem, ôi chao, như vào nhà giam ấy. Cửa sổ, ban công đều bao bọc bằng hàng rào chấn song chống trộm. Tôi bảo dỡ bỏ hết.
Hôm nọ đọc một cuốn sách có tên “Trung Quốc có thể nói Không”. Tôi bảo, anh có thể nói Không, nhưng anh đứng sau cánh cửa chống trộm mà nói Không; đó chẳng phải là dũng sĩ mà là kẻ hèn nhát. Kiều Lương [5] nói chí lý: [Đó là] “Những người yêu nước khi gặp bọn trộm cướp mà còn lánh mặt nhưng lại dũng cảm dõng dạc nói Không với một cường quốc ở xa tít mù!”
Cần nhìn nhận nước Mỹ một cách khách quan toàn diện. Nước Mỹ là một quốc gia như thế nào? Nhớ lại hồi trẻ từng nghe một câu nói hình dung thành phố New York: Cái tốt nhất trên thế giới và cái xấu nhất trên thế giới cộng lại với nhau thì là New York. Dùng câu ấy để hình dung nước Mỹ ngày nay có thích hợp hay không?
Thế hệ quân nhân chúng ta, những quân nhân đảm nhận niềm hy vọng tương lai của tổ quốc, vừa không nên làm “phái thân Mỹ”, cũng chẳng thể làm “phái chống Mỹ” một cách đơn giản, mà nên làm “phái hiểu Mỹ” chín chắn.
Hiểu kẻ địch thì mới chiến thắng được kẻ địch. Đánh giá thấp đối thủ tức là đánh giá thấp chính mình. Thác Bạt Đạo [6] đổi tên nước của Nhu Nhiên thành “Nhu Nhu”, ý là sâu bọ, nhưng chính ông lại bị con sâu ấy đánh bại. Thế thì ông chẳng bằng con sâu nữa kia.
Mỹ không muốn Trung Quốc hùng mạnh, hoàn toàn cũng như Trung Quốc không muốn Mỹ xưng bá. Mối quan hệ Trung Quốc- Mỹ có xung đột nhưng cũng có lợi ích chung nhất định. Làm thế nào hoá giải xung đột, phát triển lợi ích chung là việc các nhà ngoại giao Trung Quốc hiện nay nên cố gắng làm.
Trung Quốc muốn phát triển thì không thể cắt đứt sự đi lại với thế giới. Thế giới hiện nay là đơn cực, chỉ khi nào Mỹ suy sụp thì mới có thể xuất hiện thế giới đa cực. Chúng ta vừa không thể cắt quan hệ với Mỹ lại vừa không thể có quá nhiều kỳ vọng về Mỹ. Hiện nay mà đối kháng với Mỹ thì chưa phải là thời cơ thích hợp nhất. Lợi ích quốc gia nên mãi mãi là chuẩn tắc cao nhất cho hành động của chúng ta. Chúng ta cần nhẫn nại; nhẫn nại không phải là mềm yếu, chỉ có khuất phục mới là mềm yếu.

Đấu tranh ngoại giao càng cần đấu trí

Dĩ nhiên Mỹ không từ bỏ dã tâm diệt chủ nghĩa xã hội. Dĩ nhiên Mỹ không muốn Trung Quốc trỗi dậy, không muốn kinh tế Trung Quốc phát triển đi lên. Nhưng cần nhớ cho kỹ: Khi đấu tranh với đối thủ, nhất định phải làm cho đối thủ của anh nhìn thấy cái tình hình họ không muốn thấy nhất.
Người Mỹ muốn người Trung Quốc đánh nội chiến; chúng ta quả thật đánh nội chiến rồi. Họ không rúc trong chăn mà cười đến nôn ruột thì mới lạ chứ. Dĩ nhiên nhất mực “Nằm gai nếm mật, thao quang dưỡng hối [vờ ngu giả dại/ giấu tài – ND]” cũng không được.
Là một nước lớn, Trung Quốc có thể làm theo cách như một võ hiệp thời xưa ẩn vào núi sâu khổ luyện võ công, chờ khi võ nghệ cao cường rồi tái xuất quyết thắng kẻ địch chăng? Với số dân và tài nguyên của Trung Quốc, đặc biệt là với nền văn hoá của mình, Trung Quốc không thể lớn mạnh như nước Mỹ được, huống chi Mỹ cũng chẳng dừng lại không tiến lên.
Vẫn là Mao Trạch Đông nói chí lý: “Đánh vẫn cứ phải đánh, đàm [đàm phán – ND] vẫn cứ phải đàm, hoà vẫn cứ phải hoà.” Con người cần khôn ngoan tài trí, đấu tranh ngoại giao lại càng cần khôn ngoan. Phải dắt mũi người ta mà đi chứ đừng bị người ta dắt.
Khơ-rut-xôp là một tay khôn ngoan. Tôi xin kể cho các bạn nghe chuyện này: Tại một đại hội nọ [ý nói Đại hội XX đảng Cộng sản Liên Xô – ND], Khơ-rut-xôp ra sức vạch trần và phê phán chế độ chính trị tàn bạo của Stalin. Có người chuyển lên một mẩu giấy chất vấn Khơ-rut-xôp: Bản thân Khơ-rut-xôp cũng là một thành viên trong tập đoàn quyền lực nòng cốt khi Stalin nắm chính quyền.
Vì sao hồi ấy ông không đứng lên chống lại sự độc đoán của Stalin? Khơ-rut-xôp cao giọng đọc nội dung mẩu giấy kia rồi lớn tiếng nói với mọi người: Đây là mẩu giấy của ai thế? Xin người đó đứng ra! Đứng ra nào! … Bên dưới nhốn nháo một lúc nhưng chẳng thấy ai đứng ra cả.
Khơ-rut-xôp nói: Mọi người xem đấy, chúng ta hiện nay dân chủ như thế này, trong tình hình chẳng có gì phải sợ hãi mà ngay cả đồng chí viết mẩu giấy này cũng không dám đứng ra. Vậy hãy nghĩ xem, trong bầu không khí dưới thời Stalin thống trị ấy có người nào dám đứng ra cãi lại Stalin không? Cả hội trường vỗ tay.
Chúng ta đấu tranh với Mỹ nên có sự khôn ngoan ấy của Khơ-rut-xôp. Khi cần thao quang dưỡng hối thì thao quang dưỡng hối đến tận nhà. Như một câu đồng chí Đặng Tiểu Bình năm nào nói với Thủ tướng Canada Trudeau (đại ý): Cái Thao quang dưỡng hối chúng tôi nói bao gồm cả việc không cần giữ thể diện cũng nhất định phải giữ mối quan hệ với quốc gia phát triển nhất trên thế giới. Ý của đồng chí Đặng Tiểu Bình là Trung Quốc nhất định phải bước cùng nhịp với văn minh thế giới, không thể xa rời nền văn minh thế giới.

Không có lý do căm ghét Mỹ

Trong sự kiện 11/9, trừ một số quốc gia cá biệt, một bộ phận dân chúng Trung Quốc (chứ không phải là chính phủ) đã tỏ ra mình ở cách nền văn minh dòng chính của thế giới một khoảng cách xa nhất.
Khi cần đấu tranh thì một tấc cũng không nhường. “Sùng bái Mỹ” là không đúng, “Thân Mỹ” không đúng, “Ghét Mỹ” cũng không đúng. Chính phủ và chính khách Mỹ vừa giống dân chúng Mỹ lại vừa không giống. Bạn cần phải có trí tuệ cao để phân biệt họ.
Trong quá khứ, vì để giúp Trung Quốc thoát khỏi ách thống trị thực dân mà Mỹ đánh bại Nhật, họ có cống hiến lớn đối với tiến bộ văn minh của xã hội Trung Quốc. Hai nước Trung Quốc- Mỹ không có xung đột lợi ích căn bản. Ngày nay, do lợi ích của Mỹ rải khắp toàn cầu nên 2 nước có xung đột. Nhưng chúng ta vẫn phải dùng tấm lòng đạo đức để bình xét sự vật chứ không thể kích động. Tôi từng nói rằng đối với Nhật, một nước từng tàn sát mấy chục triệu đồng bào ta, mà chúng ta thường xuyên nói 2 nước “phải đời đời kiếp kiếp hữu hảo với nhau”. Thế thì chúng ta có lý do nào để căm ghét nhân dân Mỹ từng giúp ta đánh bại Nhật?

Những cái đáng sợ của Mỹ

Đâu là chỗ thực sự đáng sợ của nước Mỹ? Tuy rằng Mỹ có quân đội mạnh nhất thế giới, khoa học kỹ thuật tiên tiến nhất thế giới, nhưng tôi cho rằng những cái đó không đáng sợ. Nghe nói máy bay tàng hình của Mỹ thường xuyên ra vào bầu trời Trung Quốc rất thoải mái, nhưng điều ấy chẳng có gì đáng sợ cả. Cái đáng sợ của họ không phải là những thứ ấy.
Năm 1972, tôi học ở Đại học Vũ Hán, lên lớp giờ chính trị. Một thầy giáo khoa chính trị nói: “Nước Mỹ là đại diện của các nước tư bản mục nát, suy tàn, đã sắp xuống mồ, hết hơi rồi.” Tôi, một sinh viên công nông binh mặc bộ quân phục, đứng ngay lên phản bác: “Thưa thày, em cảm thấy thầy nói không đúng ạ. Tuy rằng nước Mỹ không giống Trung Quốc là mặt trời nhô lên lúc 8- 9 giờ sáng, nhưng Mỹ cũng chẳng phải là mặt trời đang lặn gì gì đó, mà là mặt trời lúc giữa trưa ạ.”
Thầy giáo bực mình, tái mét mặt ấp úng nói: “Cái cậu học sinh này, sao dám nói thế hả!” Ông ấy không hỏi tôi tại sao lại nói thế, mà dùng một chữ “dám”. Lúc đó tôi thấy hết tâm trạng của ông.
Chính là cái nước tư bản mục ruỗng suy tàn ấy vào thập niên 90 thế kỷ trước đã lãnh đạo cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật mới nhất trên thế giới. Tôi tốt nghiệp đại học đúng vào lúc bắt đầu cải cách mở cửa. Tôi lại có một quan điểm: Nước Mỹ là quốc gia do hàng chục triệu con người không yêu tổ quốc mình hợp thành, nhưng họ đều rất yêu nước Mỹ. Hồi ấy rất nhiều người lãnh đạo vừa chửi Mỹ vừa gửi con cái mình sang Mỹ. Một sự tương phản lớn!
Nói một thôi một hồi rồi, vậy thì cái đáng sợ của Mỹ là ở đâu? Tôi cảm thấy có ba điểm.
Điểm thứ nhất, không thể coi thường cơ chế tinh anh của Mỹ. Chế độ cán bộ, chế độ tranh cử của Mỹ có thể bảo đảm những người quyết sách đều là tinh anh. Bi kịch của Trung Quốc chúng ta, lớn đến nhà nước, nhỏ tới từng đơn vị, phần lớn tình hình là người có tư tưởng thì không quyết sách, người quyết sách thì không có tư tưởng. Có đầu óc thì không có cương vị, có cương vị thì không có đầu óc.
Nước Mỹ ngược hẳn lại, cơ chế hình tháp của họ đưa được những người tinh anh lên. Nhờ thế, 1 là họ không mắc sai lầm; 2 là họ ít mắc sai lầm; 3 là mắc sai lầm thì có thể nhanh chóng sửa sai. Chúng ta thì mắc sai lầm, thường xuyên mắc sai lầm, mắc sai lầm rồi thì rất khó sửa sai.
Mỹ dùng một hòn đảo Đài Loan nhỏ xíu để kiềm chế Trung Quốc chẵn nửa thế kỷ. Nước cờ này họ đi thật linh hoạt, thật thần kỳ. Một Đài Loan làm thay đổi hẳn sinh thái chính trị quốc tế. Điều tôi lo ngại nhất là bộ khung chiến lược phát triển Trung Quốc trong thế kỷ mới sẽ vì vấn đề Đài Loan mà biến dạng. Ngày nay, đối với các dân tộc có thế mạnh thì tính quan trọng của lãnh thổ đã giảm nhiều, đã chuyển từ tìm kiếm lãnh thổ sang tìm kiếm thế mạnh của quốc gia.
Người Mỹ không có yêu cầu lãnh thổ đối với bất cứ quốc gia nào. Nước Mỹ không quan tâm lãnh thổ, toàn bộ những gì họ làm trong thế kỷ XX đều là để tạo thế. Tạo thế là gì? Ngoài sự lớn mạnh về kinh tế thì là lòng dân chứ còn gì nữa! Có lòng dân thì quốc gia có lực ngưng tụ, lãnh thổ mất rồi sẽ có thể lấy lại. Không có lòng dân thì khẳng định đất đai anh sở hữu sẽ bị mất. Có nhà lãnh đạo quốc gia chỉ nhìn một bước. Nước Mỹ hành sự thường nhìn 10 bước. Vì thế cho nên mỗi sự kiện lớn toàn cầu xảy ra sau ngày Thế chiến II chấm dứt đều góp phần làm tăng cường địa vị nước Mỹ. Nếu chúng ta bị họ dắt mũi thì có thể sẽ mất hết mọi con bài chiến lược.
Tôi nhiều lần nói là trung tâm chiến lược của Mỹ sẽ không chuyển sang châu Á đâu, song điều đó không có nghĩa là Mỹ không bao vây Trung Quốc. Rất nhiều bạn chỉ thấy Mỹ bao vây Trung Quốc về quân sự, cũng như rất nhiều người chỉ thấy khoảng cách chênh lệch về KHKT và trang bị vũ khí giữa 2 nước mà chưa nhìn thấy sự mất cân đối nghiêm trọng hơn sự lạc hậu về trang bị trên mặt chiến lược lớn, nhất là trên tầng nấc ngoại giao.
Sau vụ 11/9, Mỹ nhanh chóng chiếm Afghanistan trong vòng 2 tháng, từ phía Tây bao vây Trung Quốc. Sức ép quân sự của Nhật, Đài Loan, Ấn Độ cũng chẳng bớt đi. Xem ra chúng ta giành được từ vụ 11/9 một số lợi ích trước mắt, song các lợi ích đó không quá 1- 2 năm có thể biến mất. Tôi cho rằng bao vây chiến lược đối với Trung Quốc là một kiểu khác, không phải là quân sự mà là siêu việt quân sự.
Bạn xem đấy, mấy năm gần đây các nước xung quanh Trung Quốc tới tấp thay đổi chế độ xã hội, biến thành cái gọi là quốc gia “dân chủ”. Nga, Mông Cổ thay đổi rồi, Kazakhstan thay đổi rồi. Cộng thêm các nước trước đây như Hàn Quốc, Phillippines, Indonesia, lại cộng thêm vùng Đài Loan. Đối với Trung Quốc, sự đe doạ này còn ghê gớm hơn đe doạ quân sự. Đe doạ quân sự có thể là hiệu ứng ngắn hạn, còn việc bị cái gọi là các quốc gia “dân chủ” bao vây là hiệu ứng dài hạn.
Điểm thứ hai, sự độ lượng và khoan dung của nước Mỹ. Bạn nên sang châu Âu, sau đó sang Mỹ, bạn sẽ thấy một sự khác biệt lớn: Sáng sớm, các đường phố lớn ở châu Âu chẳng có người nào cả, còn tại Mỹ sáng sớm các phố lớn ngõ nhỏ đều có rất nhiều người tập thể dục, thậm chí cả ngày như thế. Tôi có một câu nói: Tập thể dục là một phẩm chất, tập thể dục đại diện cho một kiểu văn hoá khí thế hừng hực đi lên. Một quốc gia có sức sống hay không, chỉ cần xem có bao nhiêu người tập thể dục là biết.
Người Mỹ có thể lấy quốc kỳ làm quần lót để mặc. Hồi ở Mỹ tôi có mua một chiếc quần cộc cờ sao vạch. Tôi thường xuyên mặc chiếc quần ấy. Tôi mặc nó là để khinh miệt nó, là để trút giận, là một dạng trút sự bực bội và thoả mãn về tâm lý. Người Mỹ mặc nó là sự trêu chọc bỡn cợt, bản chất khác. Người Mỹ có thể đốt quốc kỳ nước mình ngoài phố. Đới Húc [7] nói: Nếu một quốc gia có thể đốt cả quốc kỳ của mình thì anh còn có lý do nào đi đốt quốc gia ấy nữa?
Điểm thứ ba, sức mạnh vĩ đại về tinh thần và đạo đức. Đây là điều đáng sợ nhất. Vụ 11/9 là một tai nạn. Khi tai hoạ ập đến, thể xác ngã xuống trước tiên, nhưng linh hồn vẫn đứng. Có dân tộc khi gặp tai nạn thể xác chưa ngã mà linh hồn đã đầu hàng.
Trong vụ 11/9 có xảy ra 3 sự việc đều có thể để chúng ta qua đó nhìn thấy sức mạnh của người Mỹ. Việc thứ nhất, sau khi phần trên toà nhà Thương mại thế giới bị máy bay đâm vào, lửa cháy đùng đùng, tình thế ngàn cân treo sợi tóc. Khi mọi người ở tầng trên qua cửa thoát hiểm chạy xuống phía dưới, tình hình không rối loạn lắm.
Người ta đi xuống, lính cứu hoả xông lên trên. Họ nhường lối đi cho nhau mà không đâm vào nhau. Khi thấy có đàn bà, trẻ con hoặc người mù tới, mọi người tự động nhường lối đi để họ đi trước. Thậm chí còn nhường đường cho cả một chú chó cảnh. Một dân tộc tinh thần không cứng cáp tới mức nhất định thì dứt khoát không thể có hành vi như vậy. Đứng trước cái chết vẫn bình tĩnh như không, e rằng không phải là thánh nhân thì cũng gần với thánh nhân.
Việc thứ hai, hôm sau ngày 11/9, cả thế giới biết vụ này do bọn khủng bố người A Rập gây ra. Rất nhiều cửa hàng, tiệm ăn của người A Rập bị những người Mỹ tức giận đập phá. Một số thương nhân người A Rập cũng bị tấn công. Vào lúc đó có khá nhiều người Mỹ tự phát tổ chức đến đứng gác trước các cửa hiệu, tiệm ăn của người A Rập hoặc đến các khu người A Rập ở để tuần tra nhằm ngăn chặn xảy ra bi kịch tiếp theo.
Đó là một tinh thần thế nào nhỉ. Chúng ta thì từ xưa đã có truyền thống trả thù. Thành Đô nơi tôi ở, ngày xưa Đặng Ngải [8] sau khi chiếm được Thành Đô, con trai của Bàng Đức [9] giết sạch giá trẻ gái trai gia đình Quan Vũ. Trả thù đẫm máu, lịch sử loang lổ vết máu không bao giờ hết.
Việc thứ ba, chiếc máy bay Boeing 767 bị rơi ở Pennsylvania vốn dĩ bị không tặc dùng để đâm vào Nhà Trắng. Sau đấy hành khách trên máy bay vật lộn với bọn khủng bố nên mới làm máy bay rơi. Vì lúc ấy họ đã biết tin toà nhà Thương mại thế giới và Lầu Năm Góc bị máy bay đâm vào nên họ quyết định không thể không hành động, phải đấu tranh sống chết với bọn khủng bố.
Cho dù trong tình hình ấy họ còn làm một chuyện thế này: Quyết định biểu quyết thông qua có nên chiến đấu với bọn khủng bố hay không. Trong giờ phút quan hệ tới sự sống chết ấy, họ cũng không cưỡng chế ý chí của mình lên người khác. Sau khi toàn thể mọi người đồng ý, họ mới đánh bọn không tặc. Dân chủ là gì; đây tức là dân chủ. Ý tưởng dân chủ đã thấm vào sinh mạng của họ, vào trong máu, trong xương cốt. Một dân tộc như thế mà không hưng thịnh thì ai hưng thịnh. Một dân tộc như thế không thống trị thế giới thì ai có thể thống trị thế giới.
Nên tham khảo kinh nghiệm thành công của Mỹ
Tôi thường có ý nghĩ quái lạ như thế này: Những vũ khí đỉnh cao nhất, KHKT tối tân và lực lượng vũ trang mạnh nhất trên thế giới nếu nằm trong tay những người như thế là rất thích hợp. Bao giờ cũng hơn nằm trong tay người Nhật, người Libya, người Iraq chứ? Cho là nằm trong tay chúng ta thì chúng ta có thể làm gì, điều đó cũng chưa thể biết. Nước Mỹ, quốc gia này có rất nhiều kinh nghiệm thành công, đáng để chúng ta tham khảo học tập. Sau vụ 11/9, Mỹ không thành lập Uỷ ban 11/9, không lập Bộ Chỉ huy ứng phó tình trạng khẩn cấp gì gì đó.
Tôi cực lực phản đối những thứ không thực tế. Sau khi đến bộ đội không quân Thành Đô, tôi chủ trương hoặc không họp hoặc ít họp hành. Cuộc họp nào không thể không họp thì họp ngắn thôi. Đến nơi trước tiên tôi thay đổi việc học tập của các Uỷ viên thường vụ thành tự học.
Cầm văn kiện đọc thì học được cái gì kia chứ. Tôi đang đấu tranh với thế lực thói quen. Lực lượng cá nhân tôi có hạn nhưng tôi không thể không đấu tranh. Cho dù sứt đầu mẻ trán cũng không được nản chí. Chẳng hạn nói chung khi xuống thăm bộ đội, tôi đều không ăn cơm. Chỉ cần có thể về nhà trong ngày thì tôi đều mang theo lương khô chứ không ăn cơm bộ đội.
Khi ở bộ đội không quân Bắc Kinh tôi đến sư đoàn 33 cũng thế. Nếu không thể không ăn thì tôi chỉ ăn đơn giản. Tuy rằng nói uống một chén rượu chưa đủ làm đổ cờ đỏ, ăn một bữa cơm chưa thể mất giang sơn, nhưng nhiều lần quá, lãng phí quá, tích tiểu thành đại thì rất khó nói. Có người nói đánh Đài Loan chẳng cần dùng vũ khí mới gì cả, cứ cho mấy vị cán bộ lên đảo ấy ăn nhậu các thứ của họ 2- 3 năm thì bảo đảm ăn hết các thứ của họ.
Còn một chuyên tiếu lâm nữa nói về chuyện họp hành. Có ông cục trưởng ốm sắp chết đến nơi, chỉ có điều không trút được hơi thở cuối cùng. Bà vợ bảo con cháu đến đông đủ cả rồi, ông yên tâm lên đường đi. Không được, chưa chết được. Vợ lại nói, mọi chuyện đều thu xếp ổn thoả rồi, ông yên tâm lên đường đi. Không được, chưa chết được. Vợ bảo, tài sản nhà ta đã thu xếp xong xuôi cả rồi, ông cứ đi đi. Cũng chưa được đâu. Về sau, vẫn là tay thư ký tương đối hiểu ông ta bèn ghé tai cục trưởng nói: “Báo cáo cục trưởng, mọi người đến đủ cả rồi, ta họp thôi ạ.” Lúc ấy cục trưởng mới hả lòng hả dạ nhắm mắt xuôi tay. Dĩ nhiên đây là chuyện bịa nhưng nó nói lên sự phản cảm, chán ghét của mọi người đối với thói quen ấy.
Sự kiện 11/9 là cơ hội của nước Mỹ, cũng là cơ hội của Trung Quốc. Làm không tốt thì Trung Quốc trở thành vật hy sinh lớn nhất của sự kiện đó. Vấn đề then chốt là anh nắm cơ hội thế nào, toàn thế giới đều đứng trước dịp xóc lại quân bài. Khi nghiên cứu nước Mỹ, chúng ta nên nắm được nội hàm thực sự của nó, không thể chỉ xem cái nhỏ mà phải xem cái lớn. Có một câu chí lý thế này: Hay bàn luận về khuyết điểm của người khác thì anh là kẻ đạo đức thấp kém. Hay bàn luận về khuyết điểm của nhân loại thì anh là một nhà tư tưởng.
….
Hôm nay lần đầu tiên gặp các cán bộ cấp tiểu đoàn trở lên của căn cứ Côn Minh, tôi đã nói chuyện nhiều thế này với thái độ vô cùng thẳng thắn và mạnh dạn. Đây là thành quả nghiên cứu của tôi, tôi chịu trách nhiệm về bài nói của mình.
Chỗ nào tôi nói đúng thì các đồng chí ghi nhớ. Chỗ nào nói sai thì các đồng chí nghe tai bên này, cho ra tai bên kia, tủm tỉm cười bỏ qua, chớ cho là chuyện gì cả. Mỗi người là một cá thể, mỗi cá thể đều tự do. Tôi không thể yêu cầu áp đặt tư tưởng của tôi cho các đồng chí, tôi lại càng không thể yêu cầu đem tư tưởng của các đồng chí thống nhất vào một tư tưởng nào đó. Chuyện đó không thể được, nhưng chúng ta lại cứ khăng khăng tìm kiếm khả năng ấy, đây là chuyện hão huyền, trên thực tế không làm nổi.
————————-
[1]: Tác giả đang là Chủ nhiệm chính trị bộ đội Không quân của Quân khu Bắc Kinh]
[2]: 60 người này lấy hộ chiếu sang Đông Âu rồi chui vào xe container chở bằng tàu biển từ Bỉ bí mật sang Anh, ngày 19/6 /2000, hải quan cảng Dover kiểm tra container phát hiện 58 người chết]
[3]: Đàm Tự Đồng: Nhà chính trị cuối đời Thanh, chủ trương duy tân, sau khi phong trào Duy tân Trung Quốc thất bại, ông bị xử tử cùng 5 người khác, 6 chí sĩ này được gọi là Lục Quân tử.
[4]: Chiến tranh Giáp Ngọ: Chiến tranh Trung Quốc- Nhật xảy ra năm Giáp Ngọ tức năm 1894. Kết quả Nhật thắng, Trung Quốc phải cắt đảo Đài Loan cho Nhật].
[5]: Thiếu tướng không quân, nhà văn Trung Quốc nổi tiếng
[6]: Tức Thế tổ Bắc Nguỵ, Thái Vũ hoàng đế, vị thống soái kỵ binh kiệt xuất thời Nam Bắc Triều. Dẫn quân diệt các nước Hạ, Bắc Yên,… thống nhất phương Bắc; diệt nước Hãn của Nhu Nhiên tại Mông Cổ
[7]: Đại tá không quân Trung Quốc, viết nhiều chuyên luận quân sự, chính trị
[8]: 197-264, tướng giỏi nước Nguỵ, năm 263 đánh Thục Hán, đầu tiên chiếm Thành Đô, là công thần diệt Thục của họ Tư Mã.
[9]: Bàng Đức là một viên tướng chủ chốt của Tào Tháo

Nguyễn Hải Hoành giới thiệu và lược dịch
________________________________________________________________

Posted in Chính trị thế giới, Chuyện chính trị, Chuyện triết học | Thẻ: , , , , | Leave a Comment »

Ðức Phật đản sinh

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Năm 28, 2010

Thái Kim Lan

Tháng tư âm lịch, trăng tròn, sen nở, Phật tử mừng Ðức Phật ra đời, cách đây 2630 năm, một điểm mốc xa xôi cho con người hôm nay, nếu tính về thời gian, nhưng nếu tính về sức sáng, sức đầy, sức lớn có thể đẩy lùi u minh thì vầng trăng tháng tư vẫn mãi tròn như thế, vành vạnh rỗng thời gian, minh bạch hiện tiền trong đôi mắt nhân gian.

Tiếp nối hào quang chói lọi của vừng thái dương tháng năm xứ Ấn, “purnima”, ngày trăng tròn của Vaisakha, theo kinh chữ Hán là “viên nguyệt”, tháng tròn trăng – có tên quốc tế Vesak, ngày Phật Ðản – là ngày mặt trăng nối tiếp mặt trời, là ngày hết đêm, ngày không đêm, một ngày “là đây, bây giờ” không còn đối đãi ngày đêm trong hai tầng ánh sáng: ánh sáng của vũ trụ vật thể bên ngoài và ánh sáng của trí tuệ, tâm thức bên trong, một thứ giao thoa ánh sáng cho thấy suốt cả những cõi trời, cõi người, chuyển động kiếp nhân sinh mà trong kinh Ðại Bổn diễn tả:
“… Và mười ngàn thế giới chuyển động, rung động, chuyển động mạnh. Và hào quang vô lượng thần diệu ấy thắng xa oai lực của chư Thiên…” [1].

Ngày Phật đến như thế!

Mặt trời thái dương hệ chói lọi, nhưng mặt trời đi xuống, nhường cho đêm, mặt trời không bao giờ biết đêm, chỉ có trăng mới thao thức với đêm, trăng cải hóa đêm dày, soi đường, làm cho người đi trong đêm tối không còn sợ hãi, ánh trăng thức tỉnh trong lúc mặt trời có thể làm say. Chẳng ai nhìn được mặt trời lâu hơn một giây, còn trăng sáng mà không lòa.
“Ánh sáng phát sanh đến Như Lai, rọi rõ những việc trước kia chưa từng được nghe đến.” [2] , những việc còn nằm trong bóng đêm vô minh.
“Ánh sáng phát sanh đến Như Lai, rọi rõ những việc trước kia chưa từng được nghe đến.” những việc còn nằm trong bóng đêm vô minh.
Chẳng phải tình cờ mà ngày trăng tròn tháng tư được các tông phái Phật giáo đồng ý xác định cho 4 sự kiện trong cuộc đời của Ðức Phật – Ðản sinh, Xuất gia, Thành đạo, Niết Bàn – (khởi đầu từ năm 1956 – Phật lịch 2500), sự kiện được gọi là 4 điểm làm cho “động tâm” con người.
Ý niệm thời gian lịch sử hầu như được thu lại trong một vầng trăng tròn sáng. Nơi vòng tròn luân lưu ấy điểm khởi đầu cũng là điểm cuối cùng, trong suốt, nhất quán. Ý niệm lịch sử đường thẳng được cởi bỏ để chỉ còn ý niệm về chân lý vượt thời gian, “trỗi mầm nhân vượt qua mọi vầng dương” như nhà thơ R. M. Rilke [3] diễn tả khi nhìn thấy Ðức Phật xuất hiện trong tâm mình: mặt trời, đỉnh cao hực sáng của vũ trụ, cao mấy rồi cũng có lần khuất núi nhưng hạt nhân của quả lành đã được nẩy ra và thực chứng từ khi Phật đến với thế gian, vượt trên mọi vầng dương, bất sanh bất diệt:
“Và ngài là vì sao. Và những sao trời khác lạ, mờ mịt mắt trần, lũ lượt về chầu tinh đẩu sáng” [4] (Rilke). Ngôi tinh đẩu trong câu thơ của Rilke cho ta liên tưởng đến ghi chú ở bìa kinh Trường A Hàm: bốn thời điểm của Phật đều vào ngày “thất tinh”, ngày sao mai [5] xuất hiện.
Như Lai đến thế gian với tấm “Thân này là tối hậu” [6] , quả hạnh nhân viên mãn, một con người (ngã = aham, nhân vật đại danh từ, chứ không phải ngã = atta hay atman) [7] , một Nhân Phật sau cùng nhất (duy) của tất cả các đấng Chánh đẳng giác trong muôn kiếp, với hạnh nguyện và khả năng chấm dứt vòng luân hồi sanh tử mà chính Phật cũng đã trải qua. Vượt luân hồi sanh tử là mục đích cao nhất của bước đến Như Lai, đó là ý nghĩa của câu “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã (aham) độc tôn, vô lượng sanh tử, ư kim tận hỷ” [8] nói lên hạnh nguyện của Phật đến với nhân loại.
“Duy ngã độc tôn ư tư sanh tử dĩ tận” đi ngược với mọi tư duy về khái niệm bắt đầu có tính nguyên nhân tối thượng, đánh dấu một bước chuyển rốt ráo trong vòng quay luân hồi: không là nguyên nhân cuối cùng mà “ta là người duy nhất” lấy sự chấm dứt luân hồi sanh tử làm điểm khởi đầu.
Như con tằm cựa mình nhả tơ, sợi tơ có một điểm bắt đầu. Mỗi sự bắt đầu trong vũ trụ đều vướng vất một chút siêu hình, nhất là điểm bắt đầu của mọi bắt đầu, vượt khỏi thường nghiệm giác quan, nó bao hàm nghịch lý, đầy chất huyền thoại sáng thế. Bởi vì điểm bắt đầu của mọi bắt đầu cũng cần có một bắt đầu, như con tằm còn nằm trong cái kén u minh, phải chăng lại thêm một nghịch lý khi nói điểm chưa bắt đầu là nguồn gốc của mọi bắt đầu?
Ðọc kinh Ðại Bổn của Phật tự thuyết về sự đến thế gian của Phật, ta thấy những câu hỏi siêu hình về điểm “trước nhất” được thay thế bằng sự nhớ về 91 kiếp trước, như một chuyện “đời xưa”, một câu chuyện truyền kiếp, nó không đòi một giá trị tuyệt đối như những tín lý giáo điều về một nguyên nhân rốt cùng.
Cái không khí “nhớ về” ấy thật ấm cúng nhân tình, giống như mỗi một người từ hơn hai nghìn năm nhớ về thời thơ ấu, trong chùa, trong đình, trong nhà, trong làng xóm, trong rừng, dưới gốc cây đa hay cây bồ đề, đã có lần ngồi nghe bổn sư hay cha mẹ kể chuyện Phật đản sinh:
“Thánh Ma Gia mộng ứng điềm lành, Vua Tịnh Phạn phước sanh con thảo”.
Ðức Phật chỉ con đường (bát chánh đạo) cho mỗi người, mà khi thực hành, con người có thể tìm thấy giác ngộ bất tử ngay trong chính cuộc đời hiện tại, bởi vì mỗi người đều mang chủng tử Phật tính, mỗi một con người là vị Phật đang thành.
Thuở ấy cách đây hơn 2550 năm, 1250 vị Tỳ kheo cũng đã ngồi nghe Phật kể về sự rong ruỗi 91 kiếp với bảy đời Phật Tỳ Bà Thi (Vipassi) như thế. Như Lai, Cồ Ðàm, vị Phật lịch sử đang ngồi kể chuyện cho 1250 vị tỳ kheo về tiền kiếp của Như Lai, là vị Phật “tối hậu” [9] , đến sau cùng. Như Lai không phải là người sáng thế, Như Lai không đưa một yêu sách như thế, Như Lai có tiền kiếp và có cha mẹ, nhưng Như Lai là vị Phật sau rốt (tối hậu) với hạnh nguyện duy nhất: chấm dứt khổ não sanh tử luân hồi. Chỉ có Như Lai, vị Bồ tát duy nhất tuyên bố giải phóng ràng buộc sanh tử, hay nói cách khác, sự xuất hiện của Như Lai là sự xuất hiện của hạnh nguyện giải thoát, của ý chí tự do vượt khỏi trói buộc luân hồi:
“Này các Tỷ-kheo, nay phụ vương của Ta tên là Suddhodana (Tịnh Phạn); mẫu hậu của Ta tên là Mãyã (Ma-da); kinh thành tên là Kapilavatthu (Ca-tỳ-la-vệ).
“Này các Tỷ-kheo, pháp nhĩ là như vậy. Vị Bồ-tát khi sanh ra, Ngài đứng vững, thăng bằng trên hai chân, mặt hướng phía Bắc, bước đi bảy bước, một lọng trắng được che trên. Ngài nhìn khắp cả mọi phương, lớn tiếng như con ngưu vương, thốt ra lời như sau: “Ta là bậc tối thượng ở trên đời ! Ta là bậc tối tôn ở trên đời. Ta là bậc cao nhất ở trên đời. Nay là đời sống cuối cùng, không còn phải tái sanh ở đời này nữa” [10].
Bài kệ trong Kinh Trường A Hàm [11] đã ghi:
“Này các Tỳ-kheo, pháp thường của chư Phật, Bồ-tát Tỳ-bà-thi, khi sanh, do hông phải của mẹ mà ra, chuyên niệm không tán loạn. Ngài từ hông phải ra, vừa đến đất, không cần người đỡ, liền đi bảy bước, ngó khắp bốn phương, rồi đưa tay lên nói rằng: ‘Trên trời dưới đất, duy Ta là tôn quý’, Ta sẽ cứu độ chúng sanh khỏi sinh, già, bệnh, chết. Ấy là thường pháp của chư Phật.”
Giống như sư tử bước,
Ngó khắp cả bốn phương;
Nhân sư tử khi sanh,
Đi bảy bước cũng thế
Lại như rồng lớn đi,
Khắp ngó cả bốn phương,
Đấng nhân long khi sanh,
Đi bảy bước cũng thế
Khi đấng Lưỡng túc sanh,
Đi thong thả bảy bước,
Ngó bốn phương rồi nói.
Sẽ dứt khổ sinh tử.
Ngay lúc mới sanh ra,
Đã không ai sánh bằng,
Tự xét gốc sinh tử,
Thân này thân tối hậu.

Dứt khổ não sinh tử là mục đích của Ðức Phật đến thế gian với “thân tối hậu”, tấm thân cuối cùng thực hiện tự do và bất tử.
Từ “Pháp nhĩ” bảy bước hoa sen [12] đầu tiên trên trái đất báo hiệu ý nguyện giải phóng luân hồi sanh tử, như một hạt mầm, chủng tử Như Lai, chủng tử [13] Phật tính từ muôn kiếp, gặp đất, thái tử Gotama Siddhattha (Cồ Ðàm Tất Ðạt Ða) xuất hiện trong lịch sử nhân loại với ứng thân gồm 32 tướng tốt [14] . “Ðức Phật lịch sử” của giòng họ Sakya (Thích Ca) đã trở nên tấm gương tối hảo cho thực chứng giải thoát. Với tuổi 29, thái tử Tất Ðạt Ða rời khỏi thành Ca-tỳ-la-vệ lên đường “tìm điều lành chữa khổ đau” [15] cho nhân loại, bởi vì con người ai ai cũng sợ già, bệnh, chết. Dưới cội Bồ đề, theo phương pháp nhập định của chính Người tìm ra, Thái tử Tất Ðạt Ða giác ngộ thành Phật [16] . “Thế tôn giác ngộ dưới gốc cây assattha (bát- đa-la)” [17] .
“Amatam adgigatam” đó là lời đầu tiên Phật thốt ra sau khi giác ngộ: “sự bất tử đã được tìm thấy!” Những chữ ấy tuyên báo cả nội dung giáo lý của Phật Cồ Ðàm. Chính sự thực chứng “bất tử” này cho ta hiểu sâu hơn câu tuyên ngôn ý chí tự do, giải phóng sanh tử luân hồi của bảy bước hoa sen. Nếu muốn hiểu toàn bộ giáo lý của Phật, cần hiểu khái niệm “bất tử”, và năm vị đệ tử đầu tiên [18] của ngài đã hiểu, bởi vì họ được Phật chỉ cho thấy lý duyên khởi trong tương quan với giác ngộ bất tử: sự bất tử nằm trong thực chứng “”tất cả những gì sanh khởi đều hoại diệt” (kinci samudhayadhamman sabbam tam nirodhadhammam).

Những gì do duyên sinh
Phật chỉ rõ nguyên nhân
Chúng hủy diệt thế nào
Ðại hiền sư giảng rõ

Bốn câu kinh ngắn tóm tắt giáo lý Ðức Phật mà Assaji, vị đệ tử thứ năm, trên đường đi khất thực đã đọc lên và làm cho Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên giác ngộ, trở nên những đại đệ tử của Phật, trong lúc hai vị đang ở trên đường đi tìm “sự bất tử” [19].
Theo đó “Amatam”, “bất tử” không phải là “đời sống vĩnh cửu”, bởi vì tất cả những gì thuộc về “đời sống” đều nằm trong qui luật sanh-diệt. Sống và chết thuộc vào nhau, chúng không thể phân cách nhau. Hễ sanh thì diệt, diệt rồi sanh, tất yếu trong chuỗi luân hồi bất tận, cho nên “bất tử” không phải là sự hứa hẹn một cuộc sống trên thiên đường vĩnh cửu sau khi chết, mà là sự chấm dứt chuỗi luân hồi này bằng con đường tu chứng thực hiện giải phóng ngay trong hiện tại, trên trần gian. Từ đó có thể hiểu “duy ngã độc tôn” qua ý nghĩa thực hiện bất tử như là trạng thái siêu vượt, đứng trên hai cực đối đãi sanh tử.
Là vị Phật đã thành do chính giác ngộ “nguồn gốc sanh tử”, Ðức Phật chỉ con đường (bát chánh đạo) cho mỗi người, mà khi thực hành, con người có thể tìm thấy giác ngộ bất tử ngay trong chính cuộc đời hiện tại, bởi vì mỗi người đều mang chủng tử Phật tính, mỗi một con người là vị Phật đang thành.
“Amatam adgigatam” đó là lời đầu tiên Phật thốt ra sau khi giác ngộ: “sự bất tử đã được tìm thấy!” Những chữ ấy tuyên báo cả nội dung giáo lý của Phật Cồ Ðàm.
Có thể nói yếu tính giáo lý của Ðức Phật nằm trong chữ “chuyển”: chuyển bánh xe sanh tử tạo cơ hội giác ngộ bất tử thành Phật. Khả năng chuyển đổi, cải hóa nằm trong tay mỗi người:
“… trong tấm thân cao 6 trượng này – với tri giác và ý thức của nó, cả thế giới đều bao hàm trong ấy cùng với sự hình thành và chấm dứt thế giới cũng như con đường dẫn đến đoạn diệt” [20].
Ðó là hình ảnh con người với những điều kiện hiện sinh giới hạn và khả thể vượt giới hạn của nó: con người tạo khổ và con người có thể diệt khổ (tứ diệu đế). Ðức Phật cho rằng con người là thực thể có cơ hội và khả năng ưu việt hơn tất cả những sinh thể (ngay cả thiên nhân) khác trong quá trình giải phóng thực hiện tự do và giác ngộ bất tử. Ðược làm người là một hạnh ngộ trong viễn tượng giác ngộ thành Phật. Quá trình “chuyển nghiệp”, đổi mới con người từ hiện trạng đau khổ, bị ràng buộc bởi những điều kiện hiện sinh trở nên con người tự tại, tự do, giải tỏa mọi trói buộc là một quá trình tu chứng gồm cả ba lãnh vực: tri thức (prajna= Tuệ), đạo đức (sila = Giới) và hội nhập ý thức nhất thể hay nhập định (sammadha= Ðịnh).
Hội nhập tu chứng đòi hỏi một cái nhìn đúng đắn về bản chất mọi sự vật. Chìa khóa mở ra chân trời nhân sinh mới không ở đâu khác hơn là ý chí thay đổi cái “ngã” chấp chặt vào những định kiến, nhất là chấp chặt vào chính cái “ngã” của nó như một khái niệm bản thể thường còn, cố định, vô điều kiện và không khổ não. Trên bình diện tri thức luận, đó là một khái niệm mâu thuẫn với chính nó và với thực tại vô thường. Một khái niệm “ngã” cố định, đóng kín tất cả cửa khai thông, không tạo được điều kiện chuyển đổi cho chính nó, là nguyên nhân tạo nên ảo tưởng và khổ não. Tri kiến như thật cho thấy khi phân tích khái niệm “ngã” ta chỉ thấy những nhóm tập hợp “năm uẩn” (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) nằm trong tương quan điều kiện duyên khởi “cái này có thì cái kia có”, chúng vô thường và không có một bản thể tự sinh, chúng “vô ngã”. Vô ngã là bản chất của ngã trong dòng duyên khởi của thập nhị nhân duyên.
Với khái niệm “vô ngã” Ðức Phật không phủ nhận hiện sinh, hủy diệt nhân cách hay hạ thấp con người, ngược lại chính cái nhìn “vô ngã” trả lại cho con người khả năng cải đổi (chuyển nghiệp) sống động, mà nó đánh mất trong lúc mê muội giữ chặt cái tôi, khả năng có thể tự nâng con người từ bình diện giới hạn ràng buộc hiện sinh lên bình diện tự do, khai phóng, có phẩm chất nhân tính cao quí. Trên bình diện tri thức luận, cái nhìn vô ngã linh động hóa vai trò của chủ thể trong tương quan điều kiện với thế giới khách thể. Nhìn đúng tương quan ấy trong dòng thể tính biến chuyển (werden) là đến gần chân lý, phá vỡ vô minh và sai lầm, nguyên nhân của khổ trạng. Trên bình diện đạo đức học, cái nhìn “vô ngã” là điều kiện cho hành động đạo đức, bởi vì nó khai thông khả năng chuyển đổi con người, tạo điều kiện xả bỏ vị kỷ, phá chấp ngã, chuẩn bị tâm linh hòa nhập và cảm thông với tha nhân, mở rộng tình thương, từ bi với muôn loài. Trên bình diện hội nhập ý thức nhất thể, cái nhìn “vô ngã” đưa ta thâm nhập Niết bàn, không còn vướng mắc, mọi phân biệt được giải tỏa, tự do và bình đẳng được thực hiện trong tâm vô phân biệt: sống và để cho người khác cùng sống, sự sống mới chan hòa.
Sự bất tử không nẩy mầm trên mảnh đất khô cứng của cái ngã vị kỷ, chỉ biết có “tôi”, chính trên mảnh đất của “tôi và người”, của “chúng ta”, “bất tử” hiện thực như con sông đổ vào đại dương trở nên vô bờ.
Ngài Xá Lợi Phất đã trình bày cho Phật thực chứng “bất tử”, mà ngài đã không tìm được ở những đạo sư khác trước khi đến học Phật, căn cứ vào lời dạy vô thường vô ngã của Phật như sau:
Nếu có ai hỏi Xá Lợi Phất đã thực hành như thế nào trong khi căn cứ vào sự giải phóng để đạt được liễu tri là ngài không còn ở trong qui luật sanh tử (tái sinh) nữa: “Ðệ tử sẽ trả lời: căn cứ vào sự giải phóng nội tâm, bởi vì đệ tử đã chấm dứt mọi thủ và chấp, nên đệ tử sống thường xuyên trong sự vững tâm tự chủ, không để những thâm nhập, những ảnh hưởng trần thế chế ngự. Ðồng thời đệ tử không chối bỏ cái ngã” [21] .
Chấm dứt cái ngã hủ hóa để chuyển cái ngã vào hội nhập thực chứng siêu việt sinh tử, kinh nghiệm này của ngài Xá Lợi Phất làm rõ ý niệm “bất tử” của Ðức Phật: muốn “bất tử” cần phải chính mình sửa đổi nội dung “sanh tử” như qui luật đè nặng con người đã xem” sống” như một tiến trình đường thẳng đến cái “chết” (duyên sanh lão tử sanh [22] ). Sống trong sợ hãi cái chết, sống trong viễn tượng để chết, sống trong tùy thuộc ảo ảnh vĩnh cửu, chẳng khác gì đang chết trong từng phút từng giây, con người sống mà chết trong sự vô minh của chính mình. Ý niệm “Bất tử” của Ðức Phật trả lại định nghĩa đích thực cho khái niệm sống: sống là không chết (bất tử), là sống trong từng phút từng giây, không một giây buông thả để thần chết có thể “nhìn thấy ta”, đó là kinh nghiệm của Phật trong khi quán tưởng dưới gốc cây Bồ Ðề, và cũng là kinh nghiệm của đại đệ tử Xá Lợi Phất. Ý niệm “bất tử” không kéo dài thời gian vật lý của chuỗi “sống chết” mà đổi phẩm chất, ý nghĩa sống lên trên một cấp bực khác, ở đó sức sống chan hòa trong mỗi sát na thức tỉnh, sáng tạo, không sợ hãi.
Xá Lợi Phất là mẫu con người mới, được Ðức Phật truy nhận là một trong những đệ tử đắc đạo nhất về giác ngộ bất tử.
Sự chuyển đổi tình trạng “sống trong sợ hãi cái chết” sang “sống không sợ chết” hay sống trong tự do sáng tạo là một quá trình tu chứng. Giác ngộ bất tử nằm trong thực chứng rốt ráo nguyên nhân của khổ đến từ vô minh và ảo tưởng nhầm lẫn bản chất sự vật vốn vô thường, biến đổi như những thực thể thường còn, bất biến, nằm ở sự dứt bỏ tham sân si, chấp ngã, nằm trong sự thực chứng khổ não, vô thường, vô ngã, thực hiện hạnh từ bi không làm hại chúng sanh (ahimsa) [23] từ đó đạt được trạng thái Niết Bàn, một trạng thái vượt trên đối đãi sanh tử, tự do trong nghĩa cởi bỏ mọi ràng buộc, nhất là mọi ham muốn thế lực đến từ sự chấp ngã, nguyên do của mọi tranh chấp thế lực. Lòng ham muốn thế lực là điều mà Ðức Phật khuyên cần phải hủy diệt để thực hiện hòa bình nội tâm. Trong suốt 45 năm thuyết giảng độ sinh, Ðức Phật đã là vị sứ giả hòa bình tối hảo với giáo lý giác ngộ bao dung căn cứ trên “như thật tri kiến” và bất bạo động [24]:

Khi thức không âu lo
Khi ngủ chẳng sợ hãi
Ngày đêm không khởi lên
Phiền não bận lòng Ta.
Ta không thấy tai hại,
Một chỗ nào trên đời.
Do vậy, ta nằm nghỉ,
Tâm từ, thương chúng sanh [25].

Chân lý mà Ðức Phật muốn chúng sanh đạt được như Ngài là một chân lý do trí tuệ khai mở và mỗi người có thể tự mình chứng nghiệm chứ không do một thế lực hay uy quyền ngoại tại, ngay cả uy quyền của Thượng đế hay của chính Ðức Phật, bắt buộc hay ban phát, đồng thời chân lý này không phải chỉ để thoả mãn tò mò tri thức ngay cả tri thức khoa học. Theo Ðức Phật, chân lý chỉ là chân lý trong nghĩa vừa đúng thật vừa giúp con người giải thoát mọi phiền não trói buộc, phục vụ nhân loại, thực hiện quân bình nội tâm, tự tại, hóa giải sợ hãi và tuyệt vọng:

Với tâm trong sáng, hãy nhìn cõi đời biến đổi như không,
Dứt sạch ngã điên rồ, thoát khỏi tử thần người giải phóng,
Thần chết chẳng thấy ta, kẻ nhìn thế gian như nhà rỗng [26]

Một khi thấy rõ được lý duyên khởi, nguyên lý của vô thường, nắm vững qui luật sanh diệt, con người trở nên tự chủ, tự do, thức tỉnh và tinh tấn, chuyển đổi hướng đi bánh xe luân hồi về hướng bánh xe chánh pháp [27] , phát triển quân bình tâm trí, sự sợ chết biến mất, bất tử được thực chứng, trạng thái hòa bình tịch tịnh – Niết bàn – được hội nhập.

Tự mình, điều ác làm,
Tự mình, làm nhiễm ô.
Tự mình, ác không làm,
Tự mình, làm thanh tịnh.
Tịnh, không tịnh tự mình.
Không ai thanh tịnh ai! [28]

Như Lai đến thế gian này, nói như S. Radhakrishnan, “… để thực hiện chứ không phải để hủy diệt”, trong một chừng mực cũng đồng nghĩa với nhận định” [29]. Thế tôn lấy sự chấm dứt sanh tử luân hồi” làm khởi điểm cho ý chí tự do thực hiện hội nhập tâm linh siêu việt sanh tử, hay nói cách khác, Như Lai đến thế gian nhằm thực chứng sự sống xứng đáng (bất tử) của con người trong hiện tại.
Thế tôn lấy sự chấm dứt sanh tử luân hồi” làm khởi điểm cho ý chí tự do thực hiện hội nhập tâm linh siêu việt sanh tử, hay nói cách khác, Như Lai đến thế gian nhằm thực chứng sự sống xứng đáng (bất tử) của con người trong hiện tại.
Ðã 50 năm từ khi ngày lễ Vesak được thế giới công nhận là ngày lễ quốc tế, nhận xét của S. Radhakrishnan về Ðức Phật và giáo lý của Ngài trong ngày Phật đản năm 1956 vẫn còn thời sự, chứng tỏ giáo lý của Ngài vượt trên vô thường, biến chuyển, vì sự sống của con người:
“Sau vô số những tìm kiếm, có khi loài người biết xác lập chính mình, giác ngộ mục đích sự hiện hữu của mình một cách cao thượng, để rồi lại làm mất chính mình trong tiến trình phân hóa rất chậm chạp. Ðức Phật nhắm tới việc gây dựng một hạng người tự do mới, thoát khỏi những thành kiến, quyết tâm xây dựng tương lai, và chỉ trông cậy vào chính mình. Giáo lý nhân bản của ngài vượt lên trên những hàng rào chủng tộc và quốc gia. Nhưng tình trạng hỗn loạn của thế giới phản chiếu sự xao động trong tâm trí con người. Lịch sử đã trở thành tính cách hoàn cầu. Ðề tài của lịch sử không còn là Âu hay Á, Ðông hay Tây, mà là nhân loại ở mọi xứ và mọi thời đại. Thế giới là một thực thể độc nhất, dù người ta muốn hay không muốn, và dù có sự chia rẽ về chính trị. Vận mệnh của mỗi người có liên quan tới vận mệnh của người khác. Nhưng chúng ta đang chịu sự mệt mỏi của tâm linh và sự gia tăng tâm vị kỷ cá nhân cũng như tập thể, làm cho ý niệm thế giới đại đồng khó có tính cách hấp dẫn, cái mà chúng ta đang cần là một quan kiến tâm linh về vũ trụ mà xứ Ấn độ này đã có, để lại thổi vào cuộc đời, mở tung những cánh cửa đang đóng kín đời người. Chúng ta phải tái lập lý tưởng tự do tâm linh. Nếu muốn có hòa bình, chúng ta phải duy trì sự hòa hợp nội tâm đó, sự thăng bằng tâm linh đó, vốn là những thành tố thiết yếu cho hòa bình. Chúng ta phải thủ đắc chính mình, dù phải mất tất cả những thứ khác. Tinh thần tự do sẽ không hạn chế lòng từ ái của mình, sẽ nhận ra điểm linh quang trong mỗi con người, và sẽ cống hiến chính mình cho lợi ích của nhân loại. Nó sẽ liệng bỏ mọi sự lo âu, trừ sự sợ mình làm điều xấu, sẽ vượt lên trên hàng rào thời gian và sự chết để tìm năng lực vô tận trong bất tử.”
Giác ngộ trong tự do, hoà bình và hòa hợp, đó là thông điệp bất tử mà Ðức Phật Thích Ca đã để lại cho chúng ta hôm nay trong thế kỷ toàn cầu hóa, sau khi nhập diệt với lời căn dặn mỗi người “hãy tự thắp đuốc lên mà đi”. Với tuổi thọ 80, mà Ngài tự cho là ngắn ngủi “tuổi thọ của Ta không bao nhiêu, ít ỏi, tuổi thọ loài người khoảng một trăm năm hay hơn một chút” [30] so với tuổi thọ loài người là tám vạn năm thời A la hán Tỳ Bà Thi (Vipassi). 45 năm thuyết Pháp không ngừng nghỉ đã là 45 năm thực chứng Niết Bàn của Ðức Phật. Là một Ðấng Toàn Hảo, hành động của Ngài không bị động lực của tham sân si chi phối và do đấy không có hậu quả luân hồi. Ðộc lập với những năng lực bản năng tái sinh (chấp thủ) nhưng “tấm thân tối hậu” ấy cũng nằm trong định luật sinh diệt, như Ngài đã nhắn nhủ người đại đệ tử cận kề nhất Ananda không nên bi lụy, hãy lấy Chánh Pháp của Phật để thấy Phật.
Thiên kinh vạn quyển đã viết về sự tích của Phật. Giữa tất cả những huyền thoại, ca ngợi, tôn sùng, như kẻ đi tìm và gặp: những người thợ tạc tượng có thể (cũng như đã) lấy ra được khối ngọc trong suốt qua lời nói của chính Phật về Người để tạc tượng:
“Này Sariputta, những ai nói một cách chơn chánh sẽ nói như sau: “Một vị hữu tình không bị chi phối đã sanh ra ở đời vì hạnh phúc của số đông, vì an lạc cho số đông, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư thiên và loài người”” [31].
Một cách đơn giản, sau khi giác ngộ, Ðức Phật tự xưng là Như Lai, Tathagata, có nghĩa người đã đi đến chân lý, như thế, tự tại thong dong, cứu độ chúng sinh.

Vui thay Phật ra đời!
Vui thay Pháp được giảng! [32]

München, ngày Phật Ðản, 2630, PL 2550 (12. 05. 2006)
————————
Chú thích:
[1]Trung Bộ Kinh, Kinh Ðại Bổn 29, Thích Minh Châu dịch
[2]Kinh Chuyển PhápLuân
[3]R. M. Rilke (1875-1926), thi hào Ðức, thơ ca ngợi Ðức Phật (bản dịch Thái Kim Lan)
Đức Phật trong hào quang
Tâm của toàn Tâm, Nhân của Nhân
Quả Hạnh Nhân – vừa viên thành, thấm ngọt
Cái TẤT CẢ ấy vút đến sao trời muôn một
Là xác thịt quả nhân: xin chào hân hạnh!
Hãy xem! Nơi thân này còn chi vướng bận,
trong vô cùng là lớp vỏ ngoại thân
và nơi đó mật dâng đầy tràn ứ
và bên ngoài ấp ủ ánh hồng quang
Bởi lẽ trên tận đỉnh cao kia, tròn đầy hực nóng
Vầng thái dương đang chuyển bóng tà dương
Nhưng “quả thật” chính từ trong trái hạnh
đã trỗi mầm nhân vượt qua mọi vầng dương.
[4]Rilke, đd, thơ:
Đức Phật
Dường như Ngài đang lắng nghe. Tĩnh lặng: cõi xa…
Ta dừng lại và không còn nghe im lắng
Và Ngài là vì sao. Và những sao trời khác lạ,
mờ mịt mắt trần, lũ lượt về quanh tinh đẩu sáng…
Ngôi tinh đẩu trong câu thơ của Rilke cho ta làm liên tưởng đến ghi chú ở bìa kinh Trường A Hàm: bốn thời điểm của Phật đều vào ngày “thất tinh” ngày sao mai mọc lên. Ngày Phật đản sanh là ngày trăng rằm nằm trong hình tượng sao Pusya, thất tinh. (xem thêm, K. Leider, Buddha, Lübecker Akademie Verlag, 2002, tr. 221)
[5]Kinh Trường A Hàm ghi 4 sự kiện vào ngày mồng 8 tháng 4, gọi là ngày thất tinh = sao mai mọc lên
[6]Kinh Trường A hàm
[7]chữ “ngã” ở đây trong kinh tạng Pali là “aham”, một đại danh từ nhân vật theo qui ước văn phạm, không có nghĩa của chữ “ngã” = atta = atman trong ngã chấp hay ngã mạn.
[8]Câu kinh “duy ngã độc tôn” đứng một mình thường gây hiểu lầm là Ðức Phật tự cho cái ngã của Ngài cao nhất, mâu thuẫn với lời dạy về vô ngã của Phật. “Duy ngã” cũng thường được hiểu theo ý niệm “ngã” trong ngã chấp. Xem ghi chú 7.
[9]Theo Kinh Ðại Bổn, Phật là vị A La Hán thứ bảy sau Vipassi (Tỳ Bà Thi), Sikhi (Thi Khí), Vessabhu (Tỳ Xá Bà), Kakushanda (Câu lâu Tôn), Konagamana (Câu Na Hàm), Kassapa (Ca diếp)
[10]Trung Bộ Kinh, Kinh Ðại Bổn, 29, Thích Minh Châu dịch
[11]số1, Kinh Ðại Bản Duyên , ThíchTuệ Sỹ dịch
[12]Theo Kinh Ưu bà tắc giới, Ðại Thừa, Ðức Phật Thích được sanh ra ở bên hông tượng trưng cho vô sanh, khi sinh ra đi 7 bước với biểu tượng như sau:
1. Thị Ðông phương, vi chúng sanh, vị đạo thủ cố, tri trí tuệ
2. Thị Nam Phương, vị chúng sanh, lương phước điền cố, bỏ ác làm lành, tạo phúc đức
3. Thị Tây phương, vị chúng sanh, dĩ tối hậu thân cố, thanh tịnh
4. Thị Bắc phương, vị chúng sanh, ngã đắc A nậu đa la tam miệu tam bồ đề, đạt Niết Bàn
5. Thị hạ phương, vị chúng sanh, di dục hàng ma cố
6. Thị Thượng phương, vị chúng sanh, qui y thiên nhân cố.
7. Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn
[13]ý niệm “chủng tử” trong Phật giáo cho rằng hạt vô thức được tàng trữ từ muôn kiếp trong vùng chứa ý thức gọi là A lại da.
[14]Trường Bộ Kinh, Kinh Ðại Bổn, Thích Minh Châu dịch
[15]D XVI, 5
[16]M 26, 36.
[17]Trung Bộ Kinh, đd. Thích Minh Châu dịch
[18]Năm vị đệ tử đầu tiên của Phật: Kondamnya, Vappa, Bhaddya,, Mahanama và Assaji, những vị này đã cùng thái tử Tất Ðạt Ða luyện tập Yoga và đã bỏ Phật khi Ngài chấm dứt phương pháp tu luyện ấy để thực hành phương pháp Thiền định đạt Niết bàn.
[19]Kurt Schmidt, Buddha und seine Jünger (Ðức Phật và các đệ tử), Konstanz, 1955, tr. 14
[20]Anguttara Nikaya IV, 45
[21]S XII, 32
[22]Trường Bộ Kinh, Kinh Ðại Bổn, Thích Minh Châu dịch
[23]Trình bày giáo lý Phật giáo, E. Conze đặt “ahimsa”, không làm hại, bất bạo động lên hàng đầu: tránh mọi vũ lực, từ không giết hại người và vật cho đến bắt nô lệ tư tưởng, từ bỏ chấp”ngã” atta hay atman, và “bất tử” (E. Conze, Buddhimus)
[24]Ðức Phật là vị đạo sư đầu tiên đã cương quyết bãi bỏ nghi lễ tôn giáo tế thần bằng giết hại sinh vật, cũng như giải thể độc quyền giác ngộ của giai cấp Bà La Môn và sự phân biệt giai cấp trong xã hội Ấn độ đương thời
[25]Trung Ưng I, 136, Thích Minh Châu dịch
[26](Sn 1119)
[27]Bát chánh đạo: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định.
[28]Pháp Cú 165
[29]S. Radhakrishnan 1888-1975, “2500 Phật giáo”, B. V. Bapat, lời giới thiệu của S. Radhakrishnan, Thích Nguyên Tạng dịch Việt từ Anh ngữ, Trang Quảng Ðức.
[30]Trường Bộ Kinh, Kinh Ðại Bổn, Thích Minh Châu dịch
[31]Trung Bộ Kinh, I, 83, Thích Minh Châu dịch
[32]Dhammapada, Pháp cú, Thích Thiện Châu dịch

______________________________________________________

Posted in Chuyện tôn giáo, Chuyện triết học, Triết học | Thẻ: , , , , | Leave a Comment »

Đáng để chúng ta phải khóc!

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Năm 23, 2010

Khánh Linh

“Phải có gì của riêng ta thì mới dung thông được với cái của người. Khi ta không biết ta là ai mà mở cửa đón nhận thì mất luôn cả mình. Điều đáng sợ nhất trong văn hóa VN là đánh mất bản sắc của mình, vậy nhưng, hình như ta còn chưa nhất trí được bản sắc của mình là gì nữa” – GS Cao Huy Thuần.

Cái gì đã làm ta thành ta?

Chiều 23/5, thuyết trình “Thiền đời Trần – Thiền Việt Nam” là buổi thuyết trình cuối cùng của Tuần lễ văn hóa Phật giáo 2010 hướng tới 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Giữa cái nắng gay gắt của buổi trưa xứ Huế, GS Cao Huy Thuần không chỉ đưa người nghe trở ngược lịch sử 7, 8 thế kỷ để cùng hồi tưởng về triều Trần – triều đại huy hoàng bậc nhất trong lịch sử, mà còn sang tận đất nước Nhật Bản xa xôi để làm phép so sánh, xem người Nhật đã chuyển hóa thiền Trung Hoa thành của báu của nước Nhật đã được cả thế giới công nhận là rất riêng như thế nào?, xem “Cái gì làm họ đã thành họ, xét cho kỹ, biết đâu ta sẽ thấy ra cái gì đã làm ta thành ta?”.
GS Cao Huy Thuần tự nhận ngay từ đầu buổi thuyết trình, trả lời hai câu hỏi mà Tuần Việt Nam đã đặt ra “Có hay không một dòng thiền mang sắc thái Việt Nam? Có đúng hay không dòng thiền Yên Tử đã tạo nên sức mạnh cho Việt Nam để đánh bại xâm lăng Nguyên Mông?” trong hoàn cảnh vấn đề đã được thảo luận quá nhiều trong sách vở và trong các cuộc hội thảo, thật khó có thể nói thêm điều gì mới lạ trong tình trạng tư liệu ít ỏi đã được khai thác lâu nay.

Bởi thế, GS Cao Huy Thuần đã làm phép so sánh hai nhân vật lỗi lạc, thiền sư Đạo Nguyên (Dogen), người đã xây dựng nên thiền tông Nhật mà ảnh hưởng vẫn còn sâu đậm trên thiền học thế giới cho đến ngày nay, và vua Trần Thái Tông – nhà tư tưởng lớn nhất của Việt Nam, và Trần Nhân tông, vị tổ thiền của Việt Nam.
Cùng một thời đại, cùng là những nhà cải cách, những tư tưởng gia cỡ lớn, cùng bắt tay đặt nền móng cho ngôi nhà thiền, mỗi người trên dải đất của mình, nhưng GS Thuần đã khắc họa sự khác nhau là vô cùng căn bản: thiền của Đạo Nguyên cực đoan, thiền của đời Trần dung hợp hài hòa các yếu tố khác biệt.
Thiền sư Đạo Nguyên sau khi vượt biển sang Trung Hoa (của nhà Tống) đã học, đã ngộ lúc 26 tuổi, trở thành tổ thứ 8 của phái thiền Tào Động. Trở về Nhật, có người hỏi ông đã học được gì ở Trung Hoa, ông nói: học được mắt ngang mũi dọc. Ông đả kích việc tụng kinh, đả kích cả Khổng giáo và Lão giáo, đanh thép cứng rắn với cả quan niệm thông thường về chữ hiếu. Chân lý của ông cũng chắc nịch như mũi thì dọc, mắt thì ngang. Chỉ ngồi, chỉ ngồi, chỉ ngồi. Không làm gì. Không tìm gì. Không chờ đợi gì. Nhờ định, tuệ sáng. Như con rồng gặp nước, như con cọp gặp rừng. Ngay cả người không hiểu gì cả, người dốt, người ngu vẫn có thể vượt qua người thông minh, đầy kiến thức, nếu cứ kiên trì tọa thiền, lấy ánh sáng từ định. Thực hành, thực hành, thực hành: tọa thiền với giác ngộ là một. Cho đến nay, sách ông viết vẫn là chữ nghĩa gối đầu giường ở Âu Mỹ, ông thuộc làu kinh kệ, thơ của ông thơm tho trong sử thiền của thế giới.
Ngược lại, với Trần Thái Tông thì tinh thần dung thông, tránh cực đoan, nổi bật như trăng sáng giữa trời. Với ông, ngồi thiền không loại bỏ niệm Phật, học kinh, cũng không loại bỏ Khổng với Lão. Khổng Tử, Lão Tử xuất hiện nhiều lần trong Khóa Hư Lục, với tất cả thành kính của Vua. “Sách Nho dạy: “Thi ân bố đức”. Kinh Đạo dạy: “Ái vật háo sanh”. Điểm Việt Nam nhất là Trần Thái Tông dung thông tất cả dưới ánh sáng của thiền. Như so sánh của GS Thuần, Đạo Nguyên dạy: cứ ngồi, đừng làm gì cả, đừng tìm gì, tìm là hỏng, vướng vào cái chuyện tìm, dính mắc chuyện chứng đắc là tâm dính bụi, là kẹt. Trần Thái Tông cũng dạy như vậy, bằng thơ:

Nước chảy xuống non đâu có ý
Mây bay qua núi vốn không tâm.

Nghĩa là, cả hai cùng tu một pháp, cùng vào một cửa, cùng ngộ như nhau, nhưng khi truyền đạt, giáo huấn, dạy dỗ, áp dụng, một bên thì cực đoan, một bên thì diệu dụng. Lý do là bởi, một bên chỉ là ông thiền sư với vài trăm đệ tử, còn bên kia ông thiền sư còn là ông vua của cả một nước, cả triệu dân. “Trị nước mà cực đoan thì hỏng. Huống hồ trị một nước nhỏ phải đối phó với xâm lăng như mối họa truyền kiếp. Đố ai tìm được một mưu chước nào khác để giữ nước ngoài quốc sách đoàn kết toàn dân”.

Kiếm báu vẫn còn nằm trong hộp ?

Từ nhận định này, GS Cao Huy Thuần nhẹ nhàng trả lời câu hỏi thứ hai, đúng là dòng thiền Yên Tử mà Phật hoàng Trần Nhân Tông là tổ đã giúp Việt Nam đánh bại xâm lăng, “vì lẽ giản dị mà ai cũng đều nói: một trong những yếu tố chính giúp nhà Trần đánh bại Nguyên Mông là đoàn kết quốc gia. Đoàn kết quốc gia là một. Lãnh đạo giỏi là hai. Cả hai yếu tố đều nằm trong thiền tông Việt Nam đời Trần, y như kiếm báu nằm trong hộp”.
Đời Trần để lại một gia bảo vô song cho văn hóa Việt Nam: “lấy thiền tông làm chỗ tựa để dung hợp Khổng, Lão vào một nhà”

Thiền đời Trần là thiền Việt Nam, tư tưởng của Việt Nam. Việt Nam cần đoàn kết để chống xâm lăng trước mắt; ông vua là tư tưởng gia; dung hợp là quốc sách; thực tế ấy đi vào tư tưởng thiền của ông vua; thiền ấy kết tinh thực tiễn Việt Nam; ấy là thiền Việt Nam, đặc biệt Việt Nam.
Vua Trần Nhân Tông, sơ tổ của thiền Trúc Lâm, vân du nhiều nơi trong nước để khuyên dân tu trì ngũ giới và làm mười điều thiện. Bởi vì Vua biết: tu thiền không phải ai cũng tu được, ngược lại, trì ngũ giới và hành thập thiện thì toàn dân ai cũng tu được cả, nói như Hòa thượng Thanh Từ là Phật giáo được quần chúng hóa. Từ đó, GS Cao Huy Thuần nhận định, Phật giáo đời Trần vừa rộng vừa sâu, rộng ở nền móng, sâu ở thượng đỉnh, dưới trên đều cùng một tư tưởng thông suốt, như lời nhận xét của Nho gia Lê Quát “Nhà Phật lấy họa phúc để cảm động lòng người sao mà được người tin theo sâu bền như thế! Trên từ vương công, dưới đến dân thường, hễ bố thí vào việc nhà Phật dù đến hết tiền của cũng không sẻn tiếc… Cho nên trong tự kinh thành, ngoài đến châu phủ, cho đến thôn cùng ngõ hẻm, không phải ra lệnh mà tuân theo, không bắt phải thề mà giữ đúng”. Đố luật pháp trên thế gian này chỗ nào có điều thần kỳ ấy.
Vậy Thiền Việt Nam đã ảnh hưởng thế nào lên tài ba lãnh đạo của các vua Trần của ta? Theo GS Cao Huy Thuần, Trần Hưng Đạo có được cái khí thế “Nếu Bệ hạ muốn hàng, hãy chặt đầu thần trước đã” là bởi ông tin ở gan dạ của quân đội, ông tin ở khí thế của các tướng, ông tin ở ông, và trên hết, ông tin ở tài lãnh đạo. Tài của ông, và tài của vua thiền Trần Nhân Tông, người đã đưa vào trận mạc, vào chính sự, vào đời sống, vào hành động, tính không khiếp sợ của triết lý có/không trong Bát Nhã, kinh ruột của thiền tông. “Bồ tát nương trí tuệ bát nhã nên tâm không ngăn ngại; vì tâm không ngăn ngại nên không sợ hãi…”
Cho nên khi Nhân Tông nói “không” thì ngài lên Yên Tử. Mà khi ngài nói “có” thì đích thân ngài lãnh đạo chống xâm lăng. Mà đã nói “có” thì tam thiên đại thiên thế giới đều nằm gọn trên một mũi kim, như thiền tông nói. Vua, tướng, quân, dân cùng nói “có” với nhau trong tiếng “có” phi thường của người lãnh đạo, có đoàn kết nào vững hơn, có lãnh đạo nào chắc hơn?
Thế đó, Lịch sử gọi ngài là vua Phật, là Phật hoàng. GS Cao Huy Thuần xác nhận lại một nhận định đã cũ nhưng dưới một góc nhìn mới “Vua Phật lãnh đạo cuộc chiến chống xâm lăng, làm sao tách rời đâu là vua, đâu là Phật trong mỗi hành động của ngài? Ở Nhật có tinh thần samourai trong cuộc chiến, nhưng ở Việt Nam có cả một ông vua Phật và cả một hàng ngũ tướng lĩnh thấm nhuần thiền. Phật giáo Việt Nam ở đời Trần là một hiện tượng kỳ lạ, độc đáo: không ở đâu khác, một ông vua vừa là tướng cầm quân, vừa là thiền tổ. Nơi ông vua ấy, kết tinh một tư tưởng, vừa là cơ sở lý thuyết, vừa là nền tảng giáo dục, lại vừa là thực tiễn hành động. Đó là một đạo Phật đặc biệt Việt Nam”.

Ta mất đi nền văn hóa độc lập?

Thuyết trình của GS Cao Huy Thuần không chỉ dừng lại ở sự xác nhận những giá trị huy hoàng của Thiền đời Trần, mà phần thảo luận tưởng như không thể dừng lại sau đó mở ra những ưu tư, xót xa khi nhìn lại lịch sử, vì sao giá trị huy hoàng ấy đã hoàn toàn đứt gãy sau đời Trần?
Đã so sánh với Nhật Bản, thì không thể không so sánh cách Việt Nam và Nhật Bản nhìn Trung Hoa, bởi từ cái nhìn mới xác định ra cách đối phó.
Xót xa thay khi Việt Nam đã “thua” Nhật Bản hẳn ở phương diện này, trong tiếp xúc với Tống Nho của Trung Hoa, Nhật Bản có sự kính phục, nhưng chỉ đến thế kỷ 14, 15 họ đã bắt đầu cái nhìn xét lại, để từ đó có sự canh tân về tư tưởng, trước cả khi có sự tiếp xúc với văn hóa phương Tây thời Minh Trị Thiên Hoàng.
Còn Việt Nam, như GS Thuần đau xót thừa nhận “Sau đời Trần, dường như ta mất đi nền văn hóa độc lập, văn hóa Việt Nam, ta nhìn Trung Quốc theo cách quá sức tôn thờ mà không đặt lại vấn đề”, và GS khẩn thiết đề nghị phải nhìn lại ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Việt Nam. “Phải có gì của riêng ta thì mới dung thông được với cái của người. Khi ta không biết ta là ai mà mở cửa đón nhận thì mất luôn cả mình. Điều đáng sợ nhất trong văn hóa VN là đánh mất bản sắc của mình, vậy nhưng, hình như ta còn chưa nhất trí được bản sắc của mình là gì nữa”.
Thừa nhận Phật giáo hiện nay phát triển rộng, nhưng lại thiếu chiều sâu, mong mỏi của GS Cao Huy Thuần, cũng là mong mỏi của rất nhiều trí thức có mặt trong buổi thuyết trình, là làm sao phục hưng lại tinh thần sâu sắc của đạo Phật thời Trần.

Đáng để chúng ta phải khóc !

Một điều đau xót cho những người muốn tìm lại những giá trị của ông cha là nguồn sử liệu quá ít ỏi còn lại, khiến chúng ta không thể hiểu sâu sắc những giá trị huy hoàng cùng những chặng đường thịnh suy của dân tộc. Liệu có phải Khổng giáo được nhà Lê đưa lên hàng đầu để củng cố quyền lực của triều đình, bởi Khổng giáo là lý thuyết giúp chính trị một cách hữu hiệu hơn? Hay bởi chúng ta đã “10 phần di sản không còn được một” sau cuộc xâm lăng của nhà Minh, khiến chúng ta bị đứt đoạn với quá khứ, phải áp dụng tư tưởng Tống Nho của Trung Hoa?
Nói như GS Cao Huy Thuần khi kết thúc buổi thuyết trình, dân tộc chúng ta quá bất hạnh khi bị đứt đoạn với cái gia tài rực rỡ của đạo Phật rất phương phi, vạm vỡ thời Trần Thái Tông. Nhà Minh đã phá hoại, lục bắt tất cả những di sản vật thể và di sản tinh thần của chúng ta, khiến chúng ta hiện nay chỉ hiểu biết lờ mờ về những thành tựu của quá khứ. “Đó là một tội ác đối với lịch sử, tương đương với tội ác diệt chủng, bởi không có gì tàn bạo hơn, sát hại hơn là diệt chủng về văn hóa, khiến chúng ta không biết chúng ta là ai, khiến chúng ta thành nô lệ về đầu óc. Điều đó đáng để chúng ta phải khóc”.

_________________________________________________________

Posted in Chuyện lịch sử, Chuyện tôn giáo, Chuyện triết học, Chuyện đất nước, văn hóa | Thẻ: , , , | Leave a Comment »

“Tôi dịch triết học với mong muốn VN có ngôn ngữ triết học”

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Tư 10, 2010

(LĐCT) – Phạm Vĩnh Cư là người hiểu sâu và đã từng giảng dạy về văn học Nga, nhưng những tác phẩm dịch – có thể nói là để đời – của ông lại thiên về lĩnh vực triết học, khoa học xã hội và nhân văn.

Điềm đạm, khiêm nhường trong giao tiếp, có cảm giác ông dành hết nhiệt huyết của mình cho một con đường duy nhất đã lựa chọn. Bằng vốn Nga và Pháp ngữ, ông đã cố gắng tiếp cận những kiến thức tinh hoa của nhân loại, cảm thụ nó một cách tường tận và truyền đạt lại một cách tốt nhất có thể cho những người thực sự quan tâm.

“Siêu lý tình yêu” một tuyển tập (dày gần 1000 trang, khổ lớn) những tác phẩm, bài viết của nhà triết học nổi tiếng của Nga – người được giới triết học thế giới coi là Platon của Nga, Vladimir Soloviev (1853 – 1900) – do ông tuyển chọn, dịch, giới thiệu và chú giải đã là lý do để Quỹ Văn hoá Phan Châu Trinh chọn ông là một trong năm học giả để trao giải thưởng của Quỹ trong tuần qua. Ông nói:

– “Giải thưởng này càng cao quý đối với tôi vì nó mang tên của một nhà trí thức, nhà tư tưởng kiệt xuất của dân tộc ta mà tôi hằng ngưỡng mộ – Phan Châu Trinh. Liên hệ so sánh Phan Châu Trinh với V.Soloviev, tôi bất ngờ nhận ra hơn một nét tương đồng, hơn một điểm gần gũi giữa hai trí tuệ lớn và hai lương tâm lớn này. Cả Soloviev lẫn Phan Châu Trinh đều cho chúng ta những tấm gương sáng không phai mờ về chủ nghĩa yêu nước đích thực.

Cả hai người đều yêu đất nước mình, dân tộc mình bằng một tình yêu nồng cháy, thuỷ chung, song lại nghiêm khắc, tỉnh táo và sáng suốt lạ lùng. Cả hai nhà tư tưởng đều phê phán không khoan nhượng, vạch trần không thương xót những khuyết tật tinh thần của dân tộc mình, những mặt thấp kém trong tâm thức, đời sống, ứng xử của đồng bào mình; xem đó là vết nhơ trên gương mặt quốc gia, những ung nhọt đe doạ vận mệnh dân tộc…

Mũi nhọn của sự phê bình ấy chĩa vào không chỉ những gì cản trở trực tiếp công cuộc đánh đuổi ngoại xâm, giành lại độc lập dân tộc, mà còn và chủ yếu nhắm vào những gì kìm hãm sự tiến bộ lâu dài của nòi giống, sự mở mày mở mặt với thế giới không thể đạt được chốc lát, hay là, dùng ngôn ngữ của Soloviev, sự trường tồn xứng đáng của dân tộc mình trong cộng đồng nhân loại…

Ông cho rằng, V.Soloviev đã trả lời cho ông rất nhiều câu hỏi, thắc mắc mà những giải đáp ấy ông không tìm ra được trong trước tác của các nhà tư tưởng khác mà ông đã từng đọc trước đó. Vậy cụ thể triết lý của V.Soloviev có gì khác biệt, thưa ông?

– Mãi đến năm 1990, cuộc cải tổ ở Liên Xô đã đi quá đà thì nhiều người mới được tiếp cận với V.Soloviev, trong đó có tôi. Là người yêu triết học, tôi cũng tìm đọc rất nhiều triết gia trước đó, nhưng nhận thấy chưa thoả mãn với những câu hỏi về nhân sinh. Vấn đề có Thượng đế hay không có Thượng đế? Có sự bất tử của linh hồn hay không?…

Nhiều triết gia từ Kant trở đi, người ta bảo đó không phải là lĩnh vực triết học. Từ thế kỷ 20 triết học chỉ nghiên cứu những cái hiện hữu và gọi là triết học biện chứng và triết học lịch sử. Còn cái gì còn hồ nghi, là câu hỏi lớn thì triết học lại dành cho tôn giáo hoặc thần học. Soloviev là nguời Nga đầu tiên cho rằng triết học đã không làm những việc chính yếu của mình: Giải đáp cho con người những câu hỏi cơ bản nhất về chính nó, mà lại nhường cho các ngành khoa học khác.

Ông cho rằng triết học phương Tây đã đi lệch đường, sa vào “trí xảo”, phụ thuộc vào các khoa học thực nghiệm. Vay mượn những phương pháp khoa học thực nghiệm mà từ bỏ phương pháp tư duy. Học thuyết nhân sinh của ông có 3 trục: Hướng thượng: Tín ngưỡng, tôn giáo, đạo đức; Chiều ngang: Là quan hệ của con người với đồng loại, với chúng sinh; Hướng hạ: Quan hệ của con người với thế giới tự nhiên.

Con người phải ở giữa 3 trục ấy thì mới có sự cân bằng trong tâm thức mỗi cá nhân cũng như trong xã hội. Câu châm ngôn làm nền cho triết học đạo đức của Soloviev: “Tôi xấu hổ tức là tôi tồn tại” đã khải thị cho bất cứ ai đọc ông.

Học ngữ văn ở ĐH Tổng hợp Lomonosov (Nga); đã từng dạy ở trường viết văn Nguyễn Du và nghiên cứu rất nhiều văn học Nga, nhưng những tác phẩm ông chọn dịch lại phần lớn là triết học chứ không phải là văn học…

– Công việc của tôi cũng nhiều trắc trở, khi học năm thứ 4 đại học, chúng tôi, những sinh viên ngành khoa học xã hội đều bị nghỉ dở dang vì chủ nghĩa xét lại ở Liên Xô lúc đó. Sau này, Bộ GD-ĐT cũng công nhận số này như những người đã tốt nghiệp đại học. Tôi chịu sự phân công công tác lần lượt ở Cty Xuất nhập khẩu sách báo, sau đó là NXB Ngoại văn, trong thời gian 16 năm này, công việc chủ yếu của tôi là dịch ngược và làm “thông ngôn” trong các công việc ngoại giao.

Năm 1980 khoa Sáng tác – Lý luận – Phê bình văn học trường viết văn Nguyễn Du mời tôi về giảng dạy và làm quản lý – sau này là trường ĐH Văn hóa. Mãi đến tận năm 2000, khi đã hơn 50 tuổi tôi mới được về đúng nơi tôi từng mong muốn: Viện Văn học. Lúc này, tôi nhận thấy lực lượng dịch văn học đã rất dày dặn như các anh Cao Xuân Hạo, Phan Hồng Giang, Đoàn Tử Huyến, Phạm Mạnh Hùng… và họ làm rất tốt. Do vậy, tôi chọn con đường riêng và cũng là sở trường yêu thích của mình: Triết học.

Hơn nữa, tôi cũng nhận thấy việc dịch những tác phẩm triết học thế giới sang tiếng VN là xúc tác cho ra đời triết học VN để người VN có tư duy triết học, biết diễn ngôn triết học. Ví dụ, nói về Thượng đế thì nói như thế nào? Quan hệ của con người với đấng tối cao, với thiên nhiên, với đồng loại thì phải dùng ngôn ngữ thế nào để diễn đạt. Nếu không biết diễn ngôn triết học thì chỉ biết nói như những điều Thánh kinh đã nói… “Siêu lý tình yêu” là một triết luận về tình yêu chứ không phải là một tác phẩm văn học hay thi ca về tình yêu.

Tuy vậy, trong cuốn “Sáng tạo và Giao lưu” của ông do NXB Giáo dục phát hành năm 2007 (dày 1.000 trang, khổ 16x24cm), người đọc có thể thấy một Phạm Vĩnh Cư tinh tế và sắc bén trong các bài tiểu luận về những vấn đề của văn học VN, về một số gương mặt văn chương thế giới và về văn học với văn hoá (trong nước và mối quan hệ với quốc tế). Trong số này, có bài “Mấy suy nghĩ về vấn đề giao lưu văn hoá VN – Nga” đã được rất nhiều học giả yêu thích. Ông viết bài này với tất cả sự hiểu biết về nước Nga, tình yêu với nước Nga và cả sự nuối tiếc cho những sai lầm của những người lãnh đạo, quản lý văn hoá dẫn đến sự đồng hoá, mất bản sắc cũng như đời sống ngắn ngủi vì giáo điều của không ít tác phẩm văn học Nga Xôviết. VN và Nga có cả một quá trình giao lưu văn hoá rực rỡ hơn 50 năm, và vì vậy liệu những sai lầm của nước Nga Xôviết trong lĩnh vực văn hoá có bị ảnh hưởng đến tư duy của người VN hay không? Có lẽ những người làm công tác quản lý văn hoá sẽ tìm được câu trả lời qua bài viết này.

Thưa, là người từng dạy người trẻ viết văn, ông thấy thế nào về những điều ông dạy với tình hình sáng tác hiện nay?

– Cũng có học trò cũ gặp và nói: Thầy dạy những điều rất hay, nhưng không làm theo lời thầy khuyên được. Suy cho cùng, cuộc sống vật chất ở ta nó nghiệt ngã quá, nhiều người bỏ viết văn đi viết báo với quan niệm lấy ngắn nuôi dài, nhưng rồi cái thời gian “nuôi” ấy nó kéo dài quá khiến cho người cầm bút dần dần đánh mất những thiên hướng của bản thân. Muốn xuất hiện trên văn đàn, muốn có tác phẩm in thì phải chịu áp lực của thị trường và chính trị. Đó cũng là lý do để rất ít tác phẩm vượt lên được tới sự hoàn mỹ.

Còn ông, ông có bị áp lực nào không trong sự nghiệp của mình?

– Bây giờ tôi là người dễ nói vì tôi chưa từng nói cái gì khác bản thân mình. Tôi trung thành với thiên hướng của mình và cố gắng làm tốt nhất những gì mình cho là đúng.

Nghe nói, sắp tới ông sẽ cho ra mắt bạn đọc tuyển tập Lev Tolstoi?

– Năm nay thế giới kỷ niệm 100 năm ngày mất của L.Tolstoi. Ông không chỉ là một đại văn hào, ông còn là một nhà giáo dục, một nhà tư tưởng lớn. Ở Mỹ, Anh hay Đức người ta đều có những tranh luận về phương pháp giáo dục của L.Tolstoi. Tư tưởng của ông trong giáo dục rất tiến bộ và dân chủ. Ông chống đến cùng việc biến bộ óc của học sinh thành bộ nhớ để nhồi nhét mọi thứ vào đó.

Ông chủ trương một nền học vấn tự do. Bản thân ông vừa là một nhà lý thuyết, vừa là một nhà thực hành, ông mở một trường ở ngay quê hương để dạy cho con em nông dân bằng sách do ông soạn. Bản thân ông về cuối đời tâm đắc với những tư tưởng về giáo dục hơn với văn chương. Hệ tư tưởng của ông bao trùm rất nhiều lĩnh vực đời sống: Chính trị – xã hội, kinh tế, đạo đức.

Ông cố gắng giải quyết những vấn đề cơ bản nhất của con người. Những tư tưởng về đạo đức, tôn giáo, xã hội của L.Tolstoi có tiếng vang rất lớn.

Phong trào đấu tranh phi bạo lực của người da đen ở Mỹ dẫn đến việc ngày nay một người người da màu được bầu làm tổng thống cũng là sự ứng dụng học thuyết của L.Tolstoi. Tôi làm chủ biên (đồng thời tuyển chọn và dịch khoảng ¾ số trang), cố gắng hoàn thành bản thảo vào khoảng tháng 6 hoặc tháng 7 để kịp vào dịp kỷ niệm (tháng 11).

Thưa, sau L.Tolstoi, ông đã có kế hoạch gì cho mình chưa?

– Tôi tự hứa với mình: Thôi, không dịch nữa. Từ giờ đến cuối đời sẽ viết ra những điều mình đã nhận thức được. Nhưng cũng chưa biết được, còn rất nhiều học giả mà tôi coi như mình đã chịu món nợ tinh thần với họ. Như với Lev Tolstoi mà tôi đang làm đây chẳng hạn. Những gì tôi học hỏi được từ họ, tôi muốn chuyển đến cho nhiều người cùng biết, cùng học.

Nhưng, chẳng phải những gì ông chọn lựa, dịch một cách cẩn trọng với nỗ lực đưa những tinh hoa văn hóa của thế giới đến với độc giả VN cũng là một cách “viết” ra những điều mình đã “ngộ” đó sao. Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Kim Anh thực hiện
___________________________________________

Posted in Chuyện triết học | Thẻ: , , | Leave a Comment »

Tuyệt đối hoá một tư tưởng, tư tưởng khác sẽ tháo lui

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Hai 20, 2010

Hoàng Ngọc Hiến

Dành đặc quyền, tuyệt đối hoá một tư tưởng (tức là vi phạm quan điểm vô ý) thì những tư tưởng khác sẽ chảy ngược trở lại, sẽ tháo lui; tư tưởng được tuyệt đối hoá sẽ trở thành độc tôn, tự nó sẽ tạo ra hệ thống cho nó, từ đó trở thành trường phái, bè phái.

Thử bàn về “tứ vô” của Khổng Tử

Phan Bội Châu đặc biệt quan tâm đến tư tưởng “vô ngã” của Khổng Tử (xem Khổng học đăng, thượng thiên về “Luận ngữ trích lục diễn giải”). Hải Lượng (pháp danh của Ngô Thì Nhậm) trong viêc đánh giá Hàn Dũ (tự xưng là Hàn Xương Lê) lấy “tứ vô” của Khổng Tử làm chuẩn: “Đồ đệ bạch với thầy (Hải Lượng) rằng: Xương Lê đã đến bậc nhất của phù đồ chưa? Thầy đáp: Mới đến bậc ba, bậc bốn. Xương Lê cũng theo ý và tất, chẳng bằng “vô ý”, “vô tất” mới thật tốt” (Ngô Thì Nhậm, “Trúc lâm tông chỉ nguyên thanh”).

Luận ngữ, chương IX, tiết 4 có câu: “Tử tứ tuyệt: vô ý, vô tất,vô cố, vô ngã”, được Nguyễn Đức Lân dịch nghĩa là: “Phu tử có bốn điều tuyệt nhiên không mắc phải:…”. Hiểu như thế nào đây “vô ý”, “vô tất”, “vô cố”, “vô ngã”?

Tôi thiên về cách hiểu, phân tích, diễn nghĩa của François Jullien [1]. Những ý kiến được trình bày dưới đây chủ yếu được tham khảo từ công trình của F.Jullien đươc dẫn ở chú thích 2.

Vô ý không có nghĩa là không có ý kiến mà có nghĩa là: không có ý kiến nào được dành đặc quyền, được tuyệt đối hoá khiến cho ta không nhìn thấy những điều hợp lý,khả thủ của những ý kiến khác, kể cả những ý kiến đối lập.

Vô tất có nghĩa là không định trước những điều thế tất, ắt phải như thé này, ắt phải như thế kia, không áp đặt những mệnh lệnh tất phải thế này, tất phải thế kia.

Vô cố có nghĩa là không cố chấp một quan điểm nào, một lập trường nào.
Vô ngã là muốn nói không có một cái ngã đặc biệt.

Có liên quan mật thiết giữa 4 cái vô.

Dành đặc quyền, tuyệt đối hoá một tư tưởng (tức là vi phạm quan điểm vô ý) thì những tư tưởng khác sẽ chảy ngược trở lại, sẽ tháo lui; tư tưởng được tuyệt đối hoá sẽ trở thành độc tôn, tự nó sẽ tạo ra hệ thống cho nó, từ đó trở thành trường phái, bè phái. Để duy trì địa vị độc tôn, để đối phó với những tư tưởng khác, nó buộc phải định trước những sự tất yếu (không tránh khỏi phiến diện) và đưa ra những mệnh lệnh chủ quan (vi phạm quan điểm vô tất).

Tư tưởng độc tôn dẫn đến sự cố chấp trong quan điểm,lập trường(vi phạm quan điểm vô cố). Tư tưởng độc tôn,cố chấp quan điểm, lập trường cùng với những thành kiến ,định kiến cố hữu tạo ra một cái tôi (ngã) đặc biệt (moi particulier). Cái tôi đặc biệt là cái tôi khép kín trong sự phiến diện, bị định hình một cách cứng nhắc, không mở ra được đặng khai thông với những mặt khác của thực tại, của cuộc sống, của nhận thức… bao giờ cũng vô cùng sinh động và phong phú.

Vô ý, với ý nghĩa là không tuyết đối hoá một tư tưởng nào,quan tâm đúng mực mọi tư tưởng (cũng như mọi phương diện, mọi khả năng của thực tại) là một tư tưởng cơ bản trong minh triết của K.T. Quan tâm đúng mực mọi tư tưởng giống như mở ra mọi cánh cửa, thấy được mọi ngả đường. Còn như tuyệt đối hoá một tư tưởng thì giống như có một cánh cửa được mở toang ra nhưng những cánh cửa khác thì bị khép lại, có thể nhìn xa hơn, thấy rộng hơn theo một ngả đường nhưng trả giá cho lợi thế này có khi là sự mù trước những ngả đường khác.

Vô ý không có nghĩa là không có ý kiến, không có tư tưởng;quan điểm vô ý ngăn ngừa sự độc quyền hoá của một tư tưởng. Câu nói của K.T. “Quân tử chu nhi bất tỷ, tiểu nhân tỷ nhi bất chu” (Luận ngữ ,II,14) được F.J. hiểu như sau: “Người quân tử bao quát tổng thể, không thiên vị một phía nào, kẻ tiểu nhân thì ngược lại”, (bản dịch của Đ.T.C: “Bực quân tử xử được với tất cả mọi người vì chẳng có lòng tư vị, kẻ tiểu nhân vì tư vị cho nên chẳng xử được với mọi người”). Trong Kinh Dịch về quẻ Càn có câu: “Kiến quần long vô thủ, cát”. Dịch: Thấy bầy rồng không có đầu, tốt (6 vạch ngang liền nét đều ngăn ngắt trong hình tượng quẻ Càn được hình dung như một bầy rồng không đầu).Vương Phu Chi (1619-1692) đã bình giảng câu này theo quan điểm vô ý của K.T. Bầy rồng không đầu có nghĩa là không có con rồng nào có đầu nhô ra, thòi ra, nổi hơn những con khác.

Những con rồng được coi trọng ngang nhau, có nghĩa là những ý kiến, những tư tưởng, những phương diện khác nhau của thực tại được coi trọng ngang nhau. Như vậy cách nhìn minh triết là cách nhìn bao quát, thấy được và quan tâm mọi mặt, mọi khả năng của thực tại, không vì thiên lệch một phía mà ngoảnh lưng với những phía khác. Nhưng vô ý không có nghĩa là không dấn thân, không đứng về phía nào (trong hành động).
Người minh triết quyết định dấn thân, đứng về phía nào, chọn khả năng nào là do đòi hỏi của tình thế, chứ không xuất phát từ những giáo điều có sẵn định trước phải gạt bỏ khả năng này, phải chạy theo khả năng nọ, phải ủng hộ phía này, phải chống lại phía kia… Để làm sáng tỏ tư tưởng này tác giả dẫn câu nói của K.T.: ” Quân tử chi ư thiên hạ dã, vô thích dã, vô mạc dã, nghĩa chi dữ tỷ” (Luận ngữ, IV, 10) mà Đ.T. còn dịch là: “Bực quân tử làm việc cho đời, không có việc gì mà người cố ý làm, không có việc gì người cố ý bỏ, hễ hạp nghĩa thì làm” (tôi tô đậm.H.N.H.); bình giảng câu này, F.Jullien có nêu lên một nghĩa cổ của chữ nghĩa là: đòi hỏi của tình thế và ông đã giảng hạp nghĩa là hạp với đòi hỏi của tình thế (chúng ta có thêm một cứ liệu ngôn ngữ học để hiểu chữ nghĩa của Khổng giáo).

Như vậy, người minh triết không phải là không có chủ kiến, duy có một điều đây không phải là chủ kiến có sẵn, được định trước cho mọi khả năng, mọi tình thế, mà đây là chủ kiến được đề ra từ những đòi hỏi của tình thế (cụ thể). Có thể hiểu rõ hơn quan điểm vô ý qua lời bàn sau đây của một nho gia: “Khi cần giàu thì giàu và khi cần nghèo thì nghèo, khi cần sống thì sống và khi cần chết thì chết”. Như vậy, giàu hay nghèo, sống hay chết là những khả năng được coi trọng ngang nhau, chọn khả năng nào là tuỳ theo đòi hỏi của tình thế, người minh triết không cố chấp hoặc gạt bỏ trước (a priori) bất cứ khả năng nào.

Trong Luận ngữ (XVIII, 8) K.T. có phân biệt ba loại thánh nhân. Họ đều bỏ công danh phú quý, đi ở ẩn nhưng họ có những phong độ ứng xử rất khác nhau. Loại thứ nhất như Bá Di, Thúc Tề “chẳng khuất chí mình, chẳng nhục thân mình” [bất giáng kỳ chí, bất nhục kỳ thân], không thể chê trách vào đâu cả; loại thứ hai như Liễu Hạ Huệ, Thiếu Liên, kém hơn, “phải khuất chí mình, phải nhục thân mình”.

Tuy vậy, lời nói của họ “hợp luân lý” [ngôn trúng luân], việc làm của họ “hợp lòng mong nghĩ của dân” [hành trúng lự]; loại thứ ba như Ngu Trọng, Di Dật “ở ẩn nơi xa vắng và ăn nói rất tự do, phóng túng” [ẩn cư, phóng ngôn]nhưng “giữ mình đúng lẽ thanh khiết và biết bỏ phế đúng lẽ quyền biến” [thân trúng thanh, phế trúng quyền] (điều đáng chú ý là ngay ở loai thứ hai và loại thứ ba, trong phong độ có những chỗ có thể chê trách K.T. vẫn nhận ra ở họ sự chân chính và những phẩm giá đáng trọng, vẫn xem họ là thánh nhân). Sau khi nêu ba loại thánh nhân và không sắp mình vào một loại nào, K.T. hạ một câu: “Còn ta thì khác ở chỗ chẳng có gì là được hoặc không được” – tức là chẳng có gì là thích hợp với ta hoặc không thích hợp với ta [Ngã tắc dị ư thị vô khả, vô bất khả] (tôi tô đậm.H.N.H.).

Trong ba loại người nói trên loại thứ nhất và loại thứ hai là hai thái cực đối lập với nhau, loại thứ ba xem như nửa này, nửa kia.K.T. không thuộc về loại thứ nhất, chẳng thuộc về loại thứ hai, càng không phải là loại thứ ba. Tử có thể là loại người này cũng như có thể là loại người kia, đó là tuỳ theo tình thế. Tử không phải là người cố chấp, cũng chẳng phải là người không cố chấp. Vì chưng Tử có thể cố chấp như những người cố chấp nhất, khước từ mọi sự nhân nhượng mà cũng có thể thoả hiệp hoàn toàn với người đời, miễn sao có cơ giúp ích cho đời. Người minh triết là người “không định ra được phẩm chất” (sans qualification) với ý nghĩa là không có phẩm chất như là thuộc tính “cố hữu”, “bản chất”, “bất biến”, mà có phảm chất này hay phẩm chất kia là do đòi hỏi của tình thế.

Ở Khổng Tử đức thời trung là đức hạnh của mọi đức hạnh

Về đức hạnh của Khổng Tử, Mạnh Tử nói: “Lúc nên (khả dĩ) làm quan thì làm quan. Lúc nên (khả dĩ) bỏ chức thì bỏ chức. Cần (khả dĩ) làm quan lâu thì làm quan lâu. Cần (khả dĩ) ra đi gấp thì ra đi gấp. Đó là cái hạnh của đức Khổng vậy” (Khả dĩ sĩ, tắc sĩ. Khả dĩ chỉ, tắc chỉ. Khả dĩ cửu tắc cửu. Khả dĩ tốc, tắc tốc. Khổng Tử dã.), (Mạnh tử,. II,A, 2).

Cái khả dĩ gắn với tình thế (cụ thể) và tình thế gắn với thời điểm (moment). Cái khả dĩ (possible) đồng thời là cái chính đáng (légitime) vì phù hợp với tình thế (cụ thể) và thời điểm, tức là phù hợp với thời và thế. Tiêu chuẩn của tính chính đáng cũng như của những phẩm chất đạo đức khác gắn một cách nội tại với tình thế và hoàn cảnh cụ thể. Cái chính đáng (vốn gắn với tình thế cụ thể) được đề lên thành quy tắc khái quát chung cho mọi tình thế không tránh khỏi trở thành vũ đoán. Đã đành người minh triết không chấp nhận những tư tưởng cá biệt quá (gắn với cái ngã đặc biệt) mà những tư tưởng khái quát quá cũng không tin vì loại tư tưởng này không tính đến đặc điểm của mỗi thời, sự khác biệt giữa những thời khác nhau.

Minh triết có nhiều phương diện, biểu hiện ở nhiều đức tính. Có người là bậc thánh về phương diện này, có người là bậc thánh về phương diện nọ… Như nhận định của Mạnh Tử “ông Bá Di là bực Thánh có dức thanh khiết (Bá Di thánh chi thanh giả giã), ông Y Doãn là bậc thánh có đức trọng nhiệm (YDoãn thánh chi nhiệm giả giã), ông Huệ xứ Liễu là bậc thánh có dức ôn hoà (Liễu Hạ Huệ thánh chi hoà giả giã). Đức Khổng tử có đức thời trung (Khổng tử thánh chi thì giả giã “(tôi tô đậm.H.N.H.)”. (Mạnh tử,V,B,1).Đức thời trung (chữ của Đoàn Trung Còn) là cái đức tuỳ theo thời và thế mà thanh khiết như Bá Di hoặc trọng nhiệm như Y Doãn hoặc ôn hoà như Liễu Hạ Huệ… Như vậy K.T. không phải là sự hiện thân của một nét “nhất thành bất biến” nào của minh triết mà tuỳ thời, tuỳ tình thế (cụ thể) K.T. thực hành phương diện này hay phương diện nọ của minh triết. Nhấn mạnh sự tập đại thành nhiều đức tính ở Khổng tử có thể che lấp đức thời trung ở Tử. Kết luận rằng Khổng Tử có đủ mọi đức tính không quan trọng bằng nhận định Khổng Tử đúng thời, đúng lúc (thời trung) thực hiện đức tính này hay đức tính nọ. Ở Khổng Tử đức thời trung là đức hạnh của mọi đức hạnh.

Tuỳ thời thế chọn khả năng

Bản thể là một khái niệm cơ bản của triết học phương Tây. Minh triết phương Đông không phải không biết đến bản thể nhưng mối quan tâm chủ yếu của minh triết là quá trình. Trung dung là tâm pháp để đièu tiết các quá trình.Mỗi quá trình trong sự tự tại của nó có sự tự điều tiết. Trung dung là sự gia công vào sự tự điều tiết này và phải dựa vào nó. Ý kiến của Mạnh Tử phê phán thái độ chấp trung, thái độ chấp nhất hết sức quan trọng để hiểu tinh thần của trung dung.

Mạnh Tử nói rằng: “Dương Tử giữ lấy chủ nghĩa vị ngã, tức là chủ nghĩa của kẻ chỉ chuyên lo cho mình mà thôi. Dẫu nhổ một mảy lông trên mình mà lợi ích cho cả thiên hạ ông cũng chẳng chịu làm.

Mặc Tử thi hành chủ nghĩa kiêm ái, thương tất cả mọi người như mình. Dẫu mòn nát tấm thân từ đỉnh dầu cho chí gót chân, mà có lợi ích cho cả thiên hạ, ông ấy cũng vui lòng hy sinh.

Tử Mạc bảo thủ chủ nghĩa chấp trung, cốt giữ cho vừa vặn phần mình và phần người. Chủ nghĩa chấp trung gần với dạo lý. Nhưng nếu chấp trung mà chẳng biết quyền biến, chẳng biết tuỳ nghi mà hành động cho hợp thời, như vậy cũng như chấp nhất, tức là khư khư câu nệ một bề vậy thôi. Ta sở dĩ chán ghét kẻ chấp nhất, là vì kẻ ấy cố giữ ý kiến làm hại đạo lý. Kẻ cử động theo một bề thì bỏ hỏng cả trăm bề” [H.N.H.tô đậm] (Mạnh tử. VII, A.26).

Như vậy chấp trung là đứng ở giữa hai thái cực đối nghịch (vị ngã cực đoan và kiêm ái tột độ). Hiểu như vậy, chủ nghĩa chấp trung gần với quan niệm của Aristote về đạo đức: đức hạnh là trung độ đúng mực (juste milieu) ở giữa hai tính trái ngược, giữa sự bất cập và sự thái quá, chẳng hạn như can đảm là trung độ đúng mực (juste milieu) giữa sự nhút nhát (bất cập) và sự táo tợn (thái quá). Mạnh Tử không chê trách chủ nghĩa chấp trung (“…chấp trung gần với đạo lý”).

Tuy nhiên nếu như chấp trung chỉ thiên về giữ trung độ cho đúng mực, loại trừ bất kỳ sự thái quá nào thì như vậy là trái với tinh thần của trung dung. Bởi vì trung dung không có nghĩa là nửa vời, lưng chừng, không nóng không lạnh… Trung dung có khi đòi hỏi sự nỗ lực, sự hy sinh cao nhất, chấp nhận những nỗi đau lớn và những niềm vui tràn trề… Thông thường trung dung là mức độ trong sự nghiêm khắc nhưng cũng có khi trung dung cho phép một sự nghiêm khắc tột độ, nghiêm khắc đến mức tàn nhẫn. Không chê trách thái độ chấp trung, MạnhTử bài bác gay gắt thái độ chấp nhất: Sở ố chấp nhất giả, vị kỳ tặc đạo giã (Ta sở dĩ chán ghét kẻ chấp nhất, là vì kẻ ấy cố giữ ý kiến thiên lệch làm hại đạo lý). Chấp nhất là “chấp trung mà chẳng biết quyền biến, chẳng biết tuỳ nghi mà hành động cho hợp thời”, là “khư khư câu nệ một bề vậy thôi”.
Như vậy chấp nhất là khư khư bám lấy một trung điểm, không dám chênh về phía này hoặc lệch về phía kia, có nghĩa là trong xử sự chỉ tính đến một khả năng,tự trói mình vào một khả năng.Và như vậy, nói như Mạnh Tử,là “cử động theo một bề (một khả năng)”mà “bỏ hỏng cả trăm bề (trăm khả năng)”. Theo đúng tinh thần của Khổng – Mạnh, trung dung là đứng giữa (chứ không phải là khư khư bám lấy một trung điểm) và tự dành cho mình quyền tính đến và lựa chọn trong cả trăm khả năng, kể cả quyền đi tới cùng phía thái cực này hoặc phía thái cực kia. Lựa chọn khả năng nào là tuỳ theo thời và thế.

________________________________________
[1] Xem F.Jullien , “Minh triết phương Đông và Triết học phương Tây”, bản dịch của Nguyên Ngọc, bài “Thay lời giới thiệu” của Hoàng Ngọc Hiến , N.x.b. Đà Nẵng, 2003

Posted in Chuyện triết học | Thẻ: | Leave a Comment »

Trần Đức Thảo và Phật giáo – Điểm gặp nhau bất ngờ

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Hai 4, 2010

Hồ Trung Tú

Ý thức của con người từ đâu mà có? Đụng đến câu hỏi này là đụng đến những vấn đề cơ bản nhất của triết học; hơn nữa, là câu hỏi mà hàng ngàn năm qua nhân loại không ngừng đi tìm câu trả lời và xem ra vẫn chưa có hồi kết. Đó không chỉ là công việc của các tôn giáo, của các triết gia mà thậm chí đó còn là câu hỏi thường trực với mỗi người khi trong từng giây từng phút một mỗi người chúng ta vẫn không ngừng suy tư, nghĩ ngợi. Các ý nghĩ ấy từ đâu mà có? Người thì bảo đó là do linh hồn, kẻ khác thì bảo đó là một chuỗi của những nhân quả, nghiệp chướng; người khác nữa thì bảo sản phẩm của bộ não, kẻ kia thì lại khẳng định đó là sản phẩm của một trường vũ trụ nào đó …

Chủ nghĩa duy vật biện chứng thì bảo rằng chính từ lao động mà ý thức hình thành. Trần Đức Thảo sau khi từ bỏ con đường Hiện tượng luận, ngã hẳn về phía chủ nghĩa duy vật biện chứng của chủ nghĩa Marx, đã dành hầu hết sự nghiệp đời mình để đi sâu, tìm hiểu kỹ kết luận quan trọng này của Marx bằng công trình “Tìm cội nguồn của ngôn ngữ và ý thức” và từ đây ông đã đi đến một trong những xác định quan trọng, đó chính là con người chỉ có ý thức khi thực sự có ngôn ngữ. Chúng ta không thể tư duy khi không có công cụ ngôn ngữ. Chúng ta không thể nghĩ về Chúa, về cái sống cái chết, tình yêu hoặc bất cứ chuyện gì khác một khi không có ngôn ngữ. Như các động vật khác, khi không có ngôn ngữ nó có thể có cảm xúc, tình cảm nhưng tư duy hoặc ý thức thì không thể. Bằng lao động cơ bản nhất của người tiền sử là săn bắt có phân công có tổ chức, những chỉ trỏ ban đầu đã dần hình thành nên những ký hiệu âm thanh đầu tiên, và khi ngôn ngữ đã đủ thì tư duy cũng hình thành.

Đó là xét về mặt lịch sử hình thành của ý thức, Trần Đức Thảo còn đi xa hơn khi đi tìm sự hình thành của ý thức ngay chính trong hoạt động của bộ não con người. Bằng những kết luận của các nhà sinh học, tâm lý học trẻ em như: Quá trình hình thành của mỗi cá thể lặp lại quá trình lịch sử hình thành của giống loài, quan sát sự hình thành ngôn ngữ và ý thức của của trẻ con Trần Đức Thảo cũng đã chạm đến những vùng sâu kín nhất trong việc hình thành ý thức của mỗi con người. Tại sao ta nghĩ điều này mà không nghĩ điều kia? Tại sao cũng một sự vật mà mỗi người lại có những cách nhìn cách nghĩ khác nhau? Tạo sao ta lại có tính cách này mà không là tính cách khác? Tại sao ta thích thứ này mà không thích thứ kia, tại sao con người lại sợ rắn, chuột, gián? Tại sao đàn ông thích suy tư còn đàn bà thì lại thích mua sắm…?

Các công cụ, phương pháp nghiên cứu tâm lý, tính cách hiện đại đã ngày càng đi đến kết luận rằng tất cả những điều đó đều có xuất phát từ cuộc sống xưa của tổ tiên loài người và phần lớn hành vi, tính cách, quyết định của chúng ta lại có xuất phát từ những hoạt động sinh tồn của tổ tiên mà không tự biết. Có nghĩa rằng cái mà ta gọi là ý thức của ta, ý nghĩ của ta, tư duy của ta lại không hoàn toàn độc lập mà lại bị phụ thuộc rất nhiều vào những bản năng, vô thức đã được hình thành từ thời xa xưa, thuở ông bà tổ tiên còn ăn lông ở lổ, thậm chí thời còn là động vật thô sơ. Bằng chứng của điều này chính là những bản năng cơ bản như bản năng sinh tồn, bản năng tính dục, bản năng, sợ hãi của con người hiện đại xem ra cũng chẳng khác mấy với các động vật ta xem thường nhất. Chàng trai được nhiều cô gái chọn nhất lại là chàng trai có nội tiết tố nam testosterone cao nhất, và ngược lại, cô gái quyến rũ càng chàng trai nhất lại là những cô gái có nhiều tiết tố nữ bảo đảm cho cuộc sống của những đứa con nhất.
Lý thú nhất của điều này là ta lại thấy trong bộ kinh cơ bản nhất của Phật Thích Ca, bộ kinh mà tất cả các tông phái cũng như các nhà nghiên cứu đều thừa nhận là bộ kinh do chính đức Phật thuyết, kinh “Mười hai Nhân duyên”, cũng đã nói đến điều này từ 2.500 năm trước: “Vô minh sinh Hành, Hành sinh Thức, Thức sinh Danh sắc, Danh sắc sinh Lục nhập (các giác quan), Lục nhập sinh Xúc, Xúc sinh Thọ, Thọ sinh Ái, Ái sinh Thủ, Thủ sinh Hữu, hữu sinh Lão Tử”. Tạm gác những logic của các mối tương sinh kể từ sau Thức, chúng ta hãy xét ba mối tương sinh đầu là Vô minh sinh Hành, Hành sinh Thức.

Có rất nhiều, nếu không nói quá nhiều, cách hiểu cũng như cách giải thích về thập nhị nhân duyên của Phật Thích Ca. Cách hiểu được nhiều người công nhận thì cho rằng đó chính là quy luật về nhân quả, luân hồi của đời sống tâm linh của con người và vạn vật. Tạm gác qua cách hiểu này, sau khi đọc “Tìm hiểu nguồn gốc ngôn ngữ và ý thức” của Trần Đức Thảo, chúng tôi bỗng chợt vỡ ra một cách hiểu khác về Lý nhân duyên của Phật giáo. Rõ ràng trước khi có Thức, tức khi con người có ý thức, tức khi con người còn là những động vật vượn người, hoàn toàn chưa có ý thức; thì, dẫn dắt mọi hành vi hoạt động của con người chỉ là những HÀNH, tức những hoạt động, lao động kiếm sống, sinh tồn và truyền giống. Cái HÀNH này không khác mấy các con chó, heo hoặc con giun, con kiến. Vậy trước khi có HÀNH thế giới này có gì? Đây là chỗ Trần Đức Thảo dừng lại nhưng Phật Thích Ca thì không, và theo kinh Mười hai nhân duyên thì đó chính là Vô minh. Xem các phim khủng long, thế giới 100 triệu năm trước hình như chỉ có những tiếng hú tiếng rống hoang dại, u minh. Các nhà sinh vật đã chứng minh được bào thai con người đã phát triển trải qua tất cả các qua trình trước đây loài người đã tồn tại. Đầu tiên giống loài cá rồi có đuôi, có lông… Hình như cái Vô minh từ vài trăm triệu năm trước ấy vẫn cứ theo con người từ lúc bào thai hình thành, và nó vẫn theo ta trong từng hành vi mà ta không tự biết. Nhà Phật có một thuật ngữ phản ảnh chính xác khái niệm này một cách đến rợn người “vô thuỷ vô minh”. Cái Vô minh có từ thời vô thuỷ, thời xa xưa, hình dung mơ hồ siêu hình thì ngàn vạn kiếp trước, hình dung duy vật một chút thì đó là những bản năng, tập tính di truyền hết thế hệ này đến thế hệ khác nằm trong những nhiễm sắc thể, bộ gen của ông bà cha mẹ truyền trao. Ta giống cha hoặc mẹ đến cả dáng đi, chữ viết há nào ta không giống cách nghĩ cách suy? Nếu thật vậy thì cái mà ta đang nghĩ, đang yêu đang ghét hoá ra là cha mẹ ông bà, tổ tiên ta nghĩ và yêu ghét chứ đâu phải hoàn toàn là ta?

Quả thật còn quá nhiều điều để các khoa học khám phá cuộc sống tinh thần của con người. Công cuộc này xem ra đang phát triển theo hướng tích cực nhờ các máy quét hoạt động của bộ não cũng như các phân tích hành vi dựa trên những bản năng, vô thức từ xa xưa còn lại trong bộ não con người. Và sự đóng góp của Trần Đức Thảo vào định hướng này là vô cùng lớn. Trong nước chúng ta ít biết về Trần Đức Thảo nhưng ở nước ngoài công trình về “Tìm cội nguồn của ngôn ngữ và ý thức” của ông đều được các sinh viên ngành triết, tâm lý và sinh vật tìm đọc. Đơn giản một điều rằng, có nói đông nói tây gì đi nữa, thế giới này hữu hạn hay vô hạn gì đi nữa, thì cuối cùng con người cũng phải đối diện với câu hỏi đầu tiên và cũng là cuối cùng của mọi vấn đề: ý thức con người từ đâu mà có, ý nghĩ trong đầu ta từ đâu khởi sinh?

____________________________________________________

Posted in Chuyện triết học | Thẻ: | Leave a Comment »

TÌM VỀ MINH TRIẾT VIỆT NAM

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Hai 3, 2010

TS Hoàng Ngọc Hiến
Viết riêng cho BBCVietnamese.com từ Paris-Hà Nội

Tôi bắt đầu tiểu luận nhằm định nghĩa Minh triết bằng những suy nghĩ có liên quan đến chủ đề này của hai học giả Việt Nam: Ngô Thời Sĩ (1740-1786) và Kim Định (1914- 1997).
Ngô Thời Sĩ phân biệt “đạo lý thánh hiền” và “đạo lý đời thường”: “Đem đạo thánh hiền để quở trách thói đời không bằng đem đạo đời thường để cảm hoá lòng người”.
Trên đại thể, minh triết là đạo lý đời thường. Đạo lý này có tính chất đời thường vì, cũng như tính Phật, nó sẵn có ở mọi người.
Nói một cách khác, ai cũng có thể có minh triết.
Trong tiểu luận “Những dị biệt giữa hai nền triết lý Đông Tây” (1960), Kim Định đề nghị ước lệ phân biệt 3 ý niệm: triết lý, minh triết, và triết học.
Trước đây vẫn lưu hành một thành kiến cho rằng chỉ phương Tây mới có triết lý, phương Đông có tư tưởng, có Đạo học, có minh triết… nhưng không có triết lý.
Với một cách ước định riêng thuật ngữ “triết lý”, Kim Định khẳng định: có triết lý phương Tây và có triết lý phương Đông ngay từ thời cổ đại và trung đại.
Trào lưu minh triết
Từ những năm cuối thế kỷ 20, ở phương Tây, đặc biệt là Mỹ, có một trào lưu phục hưng minh triết ngày càng rộng lớn, nhằm trả lại cho minh triết địa vị và vai trò xứng đáng của nó trong đời sống tinh thần của nhân loại.
Chỉ cần mở trang Web “Wisdom Page” (Trang Minh triết) là có danh sách hàng trăm tiểu luận và công trình về Minh triết được giới thiệu nghiêm túc, có hệ thống, phân tích cặn kẽ.
Đã xuất hiện những trường Đại học Minh Triết (Wisdom University), mà riêng bang California có vài ba trường như vậy.
Tiêu biểu nhất là Đại học Minh Triết có trụ sở ở San Fransisco, được thành lập năm 1996, chỉ đào tạo trên đại học (MA và PhD), đối tượng đào tạo của Trường là “những người đã có trình độ nghiệp vụ chín chắn muốn đặt mình vào một văn cảnh sống và học tập rộng lớn hơn”.
Môn học nghiên cứu “trí tuệ bản địa”: (indigenous mind) được đặc biệt coi trọng, coi con đường cứu nguy cho nhân loại hiện nay là “đem những thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại hòa vào tri thức, minh triết và những lề lối thực hành lành mạnh về sinh thái của những nhân dân bản địa và truyền thống”.
Một vài ví dụ
Trong quá trình tìm kiếm, tôi gặp một vài ví dụ, như thời bom Mỹ, láng giềng với hộ của tôi có một cháu bé hơn mười tuổi, học lớp 3, một lần đi sơ tán về, cháu nói với tôi: “Bác ạ, mình cứ nói người nhà quê ra Hà nội thì đần, cháu thấy người Hà nội về nhà quê cũng đần. Hôm đầu, cháu chịu, không biết làm thế nào để rửa chân, mãi mấy hôm sau cháu mới biết cách.”
Câu nói của cháu làm tôi sửng sốt… Đây là một nhận xét minh triết.
Tôi từng đọc một công trình rất hay về vấn đề tư hữu, nhưng vấn đề chỉ sáng bừng lên khi tôi đọc đến câu của Balzac được tác giả trích dẫn: “Người mà không có gì là kẻ không ra gì”. Câu của Balzac là minh triết.
Tôi có hỏi Nguyên Ngọc về minh triết các dân tộc Tây nguyên, anh dẫn một câu “xanh rờn” từ một bản trường ca: “Đàn ông là sấm, đàn bà mới là sét”
Hôm vừa rồi, đến thăm chùa Quang Ân (Hà Đông cũ) tôi thấy một bức trướng ghi lại 14 lời khuyên của Phật, do Thượng tọa Kim Cương Tử sưu tầm.
Câu đầu tiên: “Kẻ thù lớn nhất đời người là chính mình”. Câu cuối cùng: “An ủi lớn nhất đời người là làm bố thí”.
Mười bốn câu, câu nào cũng hay. Tôi nghĩ bụng giá như học sinh của chúng ta ngay trên ghế nhà trường đã được học những câu này, những ý nghĩ minh triết giản đơn, không bao giờ cũ.
Trí-nhân-dũng bộ ba phẩm giá này hết sức quen thuộc với chúng ta, có thể xem đây là lý tưởng của minh triết.
Thử tìm định nghĩa
Những biểu hiện của minh triết có tính chất tổng thể: vừa là chân, là mỹ, là thiện; vừa là tri thức, là kinh nghiệm; vừa là trí tuệ, là tâm hồn, là ý chí; vừa là vốn sống, lối sống, phương pháp tư duy…
Chuẩn bị cho một định nghĩa thấu đáo và đầy đủ hơn về minh triết, tôi thử đưa ra mấy nét đặc biệt của minh triết như là nhận thức và lối sống: 1) Minh triết gắn với nghiệm sinh, 2) Minh triết quan tâm đến sự cân bằng, hài hoà, 3) Minh triết thể hiện trong lối sống.
Minh triết là biết sống khôn ngoan và hẳn hoi. Nói một cách khác, sự khôn ngoan của minh triết thường gắn với những giá trị hướng thượng, hướng thiện. Hẳn hoi là một từ rất Việt mà chúng tôi chưa tìm được ở những ngôn ngữ khác từ tương ứng.
Trong xã hội Việt Nam, ở mọi nơi mọi thời, người hẳn hoi bao giờ cũng được nể trọng. Hẳn hoi có gốc rễ ở những đức tính phổ quát: đó là sự hướng thiện, sự “liêm chính”.
Nhìn chung sự hẳn hoi của con người không ở ngoài bốn chữ “cần, kiệm, liêm, chính” của cụ Hồ.
Minh triết văn hóa Việt có nhiều nguồn, mà trong thời đại Hồ Chí Minh, minh triết Hồ Chí Minh với sức thấm sâu, lan tỏa rộng trong lòng dân, xứng đáng là một nguồn trung tâm trong đa nguồn minh triết Việt.
Con đường hội nhập
Minh triết trong vốn trí tuệ và tâm linh của chúng ta không tách rời minh triết nhân loại bao gồm minh triết của nhiều nền văn minh, nhiều khu vực văn hóa, tôn giáo.
Ngay trong bản thân minh triết lưu hành ở Việt Nam có thể tìm thấy nhiều vết tích vang vọng của minh triết những nền văn hoá, văn minh khác.
Người Việt không thể không tìm hiểu minh triết của những nền văn hoá khác.
Công việc này giúp chúng ta thấy được rõ hơn, tinh tế hơn bản sắc riêng của mình, đồng thời thấy được tính phổ quát của minh triết, thấy được cái chung giữa ta và người.
Cũng có thể xem đây là một sự chuẩn bị tinh thần đi vào con đường hội nhập.

Posted in 1, Chuyện triết học | Thẻ: | Leave a Comment »