NGÔN NGỮ & VĂN HÓA

CHÚC MỪNG NĂM MỚI

Archive for the ‘Chuyện làng nghề’ Category

Độc đáo Chàng Sơn

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Hai 6, 2011

Bạch Thanh

Xứ Đoài, miền quê đẹp như cổ tích với rất nhiều danh lam thắng cảnh, di tích văn hóa lịch sử với những làng nghề truyền thống hàng nghìn năm tuổi. Xứ Đoài tự hào có một Chàng Sơn mà ở đó không chỉ còn nguyên vẹn nét đặc sắc của văn hóa làng xã với những mái đình cổ rêu phong phủ mờ thời gian, những con đường làng lát gạch đỏ au… mà còn một Chàng Sơn đang vươn mình trở thành một điểm sáng kinh tế của Hà Nội từ nghề truyền thống bao đời của cha ông.

Khéo tay, hay làm

Người dân xứ Đoài nổi tiếng khéo tay hay làm, chính vì vậy mà đất này mới có nhiều làng nghề như thế. Con trai xứ Đoài cũng có tiếng là tài hoa, nhanh nhạy với cái mới. Nằm cách trung tâm Hà Nội chừng 30km về phía Tây, xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất vốn nổi tiếng với nghề mộc thủ công mỹ nghệ. Tên làng nghề ngày xưa là Nủa Chàng, chữ “Chàng” ở đây được gắn với một dụng cụ làm nghề mộc. Chàng Sơn là một xã có cuộc sống lành mạnh, con người Chàng Sơn tinh anh nên từ xa xưa đã có câu: “Chớ cho Nủa coi” – ý nói người dân nủa Chàng tinh anh, lanh lợi, ham học hỏi, giỏi bắt chước. Đến năm 1956, làng Nủa Chàng được gọi là Chàng Sơn.

Chàng Sơn ngày nay vẫn không thiếu những người thợ tài hoa, sản phẩm của họ làm ra, không còn dành cho những bậc vua chúa nữa mà để bán cho khách thập phương. Với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, sự trợ giúp của máy móc hiện đại, giờ đây công việc của người thợ mộc Chàng Sơn đã phần nào bớt nặng nhọc hơn, năng suất cao hơn. Vẫn còn đó những hoa văn, những đường nét đục đẽo tinh xảo mà chỉ có đôi tay người thợ mới có thể làm ra được. Người mua vẫn tìm đến nườm nượp, vẫn say đắm đến siêu lòng với những sản phẩm của làng nghề này. Mỗi gia đình đều là một xưởng, mỗi dòng tộc đều là một cánh thợ đi xa hành nghề. Những người thợ Chàng Sơn có thể dựng đình chùa chỉ với đố, mộng không cần đến một cái đinh.

Chàng Sơn hôm nay có tới 100 cơ sở sản xuất bàn ghế, đồ gia dụng từ gỗ, tạo việc làm cho vài nghìn lao động. Không tính đến những gia đình vốn lớn, tự đứng ra mở xưởng sản xuất hoặc thành lập các công ty môi giới, buôn bán các sản phẩm mộc thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm thì với giá tiền công cho một người thợ làm thuê 100 ngàn đồng/ngày, trung bình mỗi tháng một người thợ lành nghề cũng có thu nhập từ 3-4 triệu đồng.

Nổi tiếng quạt Chàng Sơn

Rời những xưởng mộc tấp nập, chúng tôi đến các xưởng sản xuất quạt của các nghệ nhân Chàng Sơn. Nhấc một ngụm nước chè, ông Mơ một nghệ nhân làm quạt nổi tiếng kể cho chúng tôi nghe câu chuyện cuộc đời gắn với chiếc quạt đầy sóng gió nhưng cũng đầy kỷ niệm. Ngay từ thế kỷ XIX, quạt Chàng Sơn đã nổi tiếng khắp mọi miền đất nước và đã từng được người Pháp đưa sang thủ đô Paris triển lãm. Bước vào thời kỳ đổi mới, cả xã Chàng Sơn gần 1 vạn dân thì có đến 3.000 người làm nghề quạt, mỗi ngày trung bình cung cấp cho thị trường 7-8 vạn quạt các loại. Kiểu dáng và mẫu mã rất đa dạng: quạt giấy, quạt nan, quạt the, quạt lụa, quạt tranh. Vài năm gần đây, hàng vạn chiếc quạt Chàng Sơn đã được xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc. Các họa tiết trên quạt của ông Mơ rất đa dạng và sinh động với muôn hình, muôn vẻ, từ phong cảnh đất nước cho đến các câu chuyện lấy từ các điển tích lịch sử của Việt Nam, Trung Quốc… có cả thơ, văn, câu đối, ca dao, hò, vè…

Giờ về Chàng Sơn, vẫn những tên xóm tên làng nghe dân dã mà thân thương, như thể bất kỳ làng quê Bắc bộ nào như xóm Đình, xóm Chùa, xóm Giếng… Chỉ có điều, với nguồn lực nội sinh kỳ diệu, nhiều hộ dân Chàng Sơn đã có doanh thu từ sản xuất mộc, quạt, mây giang đan… cả trăm tỷ đồng mỗi năm. Chàng Sơn cùng với Phùng Xá – Canh Nậu tạo thành thế kiềng ba chân đưa kinh tế tiểu thủ công nghiệp Thạch Thất dẫn đầu các địa phương của ngoại thành Hà Nội. Chàng Sơn làm rạng danh làng nghề xứ Đoài từ sức mạnh nội sinh.

__________________________________________________________

Posted in Chuyện làng nghề | Thẻ: , , | Leave a Comment »

Người giữ ‘hồn dó’ ở lại trần gian

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Ba 4, 2010

Thúy Hạnh

Đau lòng và trăn trở trước nguy cơ nghề cổ bị thất truyền, bao năm nay, ông Nguyễn Thế Đoán không ngại khó, ngại khổ, vẫn một mình cần mẫn xoay xở, lặn lội hàng trăm cây số để tìm mua nguyên vật liệu chuẩn bị sự cho sự hồi sinh của một làng nghề.

Canh cánh nghề cổ cha ông

Gia đình ông Nguyễn Thế Đoán ở tận trong ngõ sâu của làng Đông Xã (còn gọi là làng Đông), phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội. Nơi đây vốn là một thôn của làng Yên Thái cũ, nổi tiếng với nghề làm giấy dó lụa truyền thống. Xưa kia cả làng Yên Thái chuyên làm giấy dó cho các triều đại vua Lê. Có lẽ vì thế mà ngay từ rất sớm cậu bé Nguyễn Thế Đoán đã được làm quen với nghề.

Dù năm nay đã bước sang tuổi 75, nhưng ông còn nhớ như in hình ảnh của làng nghề năm xưa. Khi ấy, nhà nhà làm giấy, phường Yên Thái tấp nập người lại qua, sáng tinh sương đã nghe thấy tiếng chày nện cối. Lên 10 tuổi, ông đã bắt đầu biết phụ cha làm giấy và dần biết rành rẽ từng khâu của quá trình này, từ việc xử lý vỏ cây, đạp bìa, giặt dó, giã dó, nấu dó, lọc dó, seo giấy rồi đến bóc giấy. Trong làng không lúc nào ngớt âm thanh rộn rã của tiếng chày giã giấy, cuộc sống sung túc bao trùm các nóc nhà.

Trong làng xưa cũng có nhiều nhà làm nhiều loại giấy khác nhau, có nhà làm giấy lệnh, giấy bản, có nhà lại làm giấy quạt, giấy vuông, riêng nhà ông Đoán chỉ chuyên làm giấy dó, loại giấy mà chỉ những chi trưởng của dòng họ Nguyễn Thế mới được làm. Ông bảo: “Vì đây là nghề quý của ông cha để lại, cả làng này chỉ có giấy dó lụa của dòng họ Nguyễn Thế mới đủ độ dai, độ bóng để tiến vua, vì vậy bí quyết truyền nghề không bao giờ được tiết lộ”. Chẳng thế mà khi lựa vợ cho con trai dòng họ Nguyễn Thế, tiêu chuẩn đầu tiên bao giờ cũng phải là những người phụ nữ biết seo giấy khéo. Người seo khéo là người san giấy đều, múc lượng gió chỉ vừa đủ, không được tràn, tờ giấy khi ra phải đảm bảo độ mỏng, độ dai và bề mặt phải láng mịn, trơn bóng.
Ông cho biết để làm được ra một tờ giấy dó lụa đúng tiêu chuẩn thì cần phải có quá trình chuẩn bị mất đến nửa tháng trời, từ khâu lựa vỏ cây cho đến các kỹ thuật và quy trình pha chế, phải đảm bảo tỉ mỉ từng bước, nóng vội một chút là hỏng ngay. Thứ vỏ cây để làm giấy dó lụa tốt nhất phải là vỏ cây cãnh, loại cây này cho sợi nhỏ, mềm mà dai. Mà theo như cách nói của ông thì đây là loại cây tinh túy nhất, chỉ khi bí lắm thì mới phải trộn thêm vỏ cây dó, nhưng phải là dó lớp thứ 3, lớp sát với vỏ thân cây, có vậy thì tờ giấy khi thành phẩm mới được bền, chắc và không bị mục, bở, mối mọt.

Dù biết làm nghề từ nhỏ, nhưng sau này do hoàn cảnh chiến tranh loạn lạc, ông xung phong đi bộ đội, tham gia kháng chiến, sự nghiệp của cha ông đành tạm gác lại. Sau năm 1966, ông đã có thời gian công tác hơn chục năm tại nhà in báo Hà Nội Mới, là công nhân trực tiếp phụ trách máy dao, sau đó lại tiếp tục cử đi học tại nhà máy giấy Hoàng Văn Thụ. Với kinh nghiệm sẵn có trong tay lại được tiếp thu thêm những kỹ thuật sản xuất giấy hiện đại, lòng ông như hun đúc thêm ý chí phục dựng lại nghề làm giấy dó của ông cha. Sau này, khi đã về hưu, ý chí và ước mong ấy vẫn canh cánh trong lòng ông khôn nguôi.

Ông bảo: “Cái nghề này cầu kỳ, quy chuẩn là thế, nhưng già rồi tôi vẫn muốn phục dựng. Một nghề quý là thế, tinh túy, danh giá là vậy thì bằng mọi cách không thể để nó thất truyền”.

Thổi hồn để giấy dó hồi sinh

Nói là làm, 2 năm qua, dù bận trăm công nghìn việc tại đình Đông Xã với chức thủ từ và phó ban quản lý di tích phường Bưởi nhưng ông vẫn âm thầm tất bật chuẩn bị đồ nghề cho mẻ giấy dó hồi sinh vào đầu năm tới. Căn nhà nhỏ 52m2 của gia đình ông nằm sâu trong ngõ vốn đã nhỏ cho 11 người sống thì nay lại thêm bộn bề với nào cối, nào chày, nào liềm, nào khuôn seo, thép can giấy, phên, sọt, rá, phanh được che đậy cẩn thận choán hết gần nửa sân. Căn bếp nhỏ cũng hẹp lại bởi những bó cãnh phơi khô.

Để có được những thứ đồ nghề ấy, mấy năm qua ông phải đi dò hỏi từng nhà trong làng để mua lại. Riêng cây cãnh, ông phải tất bật ngược xuôi để tìm mua. Ông hồ hởi nói:“Dù tuổi đã cao, nhưng bù lại trời cho mình sức khỏe, hơn nữa vì say nghề, muốn tạo dựng lại nghề mà mình như trẻ ra. Đi nhiều mà vẫn không thấy mỏi”. Cứ thế, bằng lòng nhiệt huyết của tuổi 75, ông một mình lặn lội sang tận Bắc Ninh xem cách làm giấy mới; về tận Cầu Thiều, Quán Dắt ở Triệu Sơn – Thanh Hóa mua vỏ cây cãnh làm nguyên liệu mà chẳng được, ông lại tìm lên Phú Thọ để mua. Có buổi đến Thạch Thất mua rá, phên, phanh, sọt để làm nghề… “Tôi tự đi, cứ một mình một xe máy, xa thì sáng đi tối về, thậm chí đôi ba ngày cũng có, gần thì nửa buổi”.

Ông kể, cách đây 2 năm, ông một mình một xe máy chạy thẳng lên Phú Thọ để hỏi mua cãnh. Cây đó giờ ít nhà có lắm, nên khi hỏi được ông vui mừng khôn xiết, chỉ muốn nhảy cẫng lên. Quên cả mệt, ông tức tốc chằng buộc lên xe trở về. Nhưng vì có nhiều, nên một chuyến không thể chở hết, nên đành phải chạy đi chạy lại. Cứ thế, ông chạy dòng 1 tuần liền, cứ đi đi – về về, vậy là chở riết được 2 tạ cãnh khô. “Có hôm vì ôm vác nhiều, tay chân sứt sát hết cả, con cháu xót cho sức khỏe của tôi, khuyên tôi nên thuê ô tô chở về, nhưng tiếc tiền nên tôi lại một mình chuyên chở. Nghĩ lại thấy đúng là mình khỏe thật” – ông hào hứng kể lại.
Để sản xuất ra một tờ giấy dó lụa, tính ra chi phí cũng đến cả hơn chục nghìn đồng, đắt gấp 2-3 lần loại giấy dó thông thường. Nhưng ông bảo, tiền nào thì của ấy, loại giấy dó thường mà bên Bắc Ninh vẫn làm không thể so sánh với giấy dó lụa được. Loại giấy ấy giờ họ áp dụng công nghệ sản xuất hiện đại, cho cả hóa chất vào để tẩy trắng và cho giấy mau nhừ, nên giấy đó khi cho vào nước rất dễ bị bở. Như để kiểm chứng cho những gì mình nói, ông lấy ra 2 tờ giấy được cất gấp cẩn thận, một là tờ giấy dó thông thường, một là tờ giấy dó lụa. Tờ giấy kia sau khi cho vào nước là bị bung nát ra ngay, trong khi tờ giấy dó lụa vẫn giữ nguyên được bản, không hề bị sờn hay bong tróc. Có lẽ vì thế mà giấy dó lụa của dòng họ Nguyễn Thế đã được chọn để in một số tài liệu của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam thời kỳ chiến tranh.

Dù ngay từ nhỏ đã được ông nội dạy lại rằng: “Một tháng chỉ cần bỏ ra 5 ngày, làm đủ 2 vạn tờ giấy cũng đủ sung túc cả năm” nhưng ông cho biết dù chi phí và công sức để làm ra một tờ giấy có đắt thật đấy nhưng tôi làm không phải vì tiền, cái quan trọng là làm sao để thế hệ trẻ hiểu thế nào về “nghề giấy làng Bưởi”. Mẻ giấy sắp tới đây, ông dự định chỉ để biếu chứ không bán, “cốt sao để tạo dựng cho con cháu niềm đam mê với nghề và để người Hà Nội còn nhớ về một nghề xưa tinh túy”.

____________________________________________________

Posted in Chuyện làng nghề | Thẻ: , , , , , | Leave a Comment »

Cả làng sống nhờ… người chết

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Ba 1, 2010

Tá Linh

Những ngày này đến thôn Phú Hải (xã Hải Ba, huyện Hải Lăng, Quảng Trị) từ đầu thôn cuối xóm như nhộn nhịp hẳn. Bà con nông dân Phú Hải đang vào “mùa” làm hàng mã, từ khắp nơi trong ngoài tỉnh các tiểu thương cũng đổ về đây “ăn” hàng bán dịp Tết. Nghề làm hàng mã đã nuôi sống bao thế hệ cư dân của làng.

Cả làng sống nhờ vào đồ giả

Theo những người cao tuổi trong làng, nghề làm hàng mã của dân Phú Hải có khoảng 300 năm nay. Làng không có mấy ruộng vườn, cả làng chừng 60 hộ dân thì tất thảy đều sống nhờ vào nghề làm hàng mã.

Cụ Mai Thị Lan (90 tuổi) người dân của làng cho biết, “ông tổ” nghề làm hàng mã của làng vốn là thầy cúng, nay đây mai đó hành nghề nên ông đã học được cách làm các loại hàng mã với mẫu mã đẹp dùng cúng cho người chết về truyền lại cho dân làng.

Ban đầu, chỉ một đến hai hộ dân làm nghề này, chủ yếu phục vụ cúng quẩy, ma chay, về sau thấy ăn nên làm ra nên có những cơ sở làm khá quy mô mọc lên trong làng, cung cấp hàng mã cho các chợ trong và ngoại tỉnh.

Gia đình chị Võ Thị Thuý, có 5 đời làm hàng mã ở Phú Hải, hơn một tháng nay những thành viên trong nhà đang tất bật chuẩn bị hết các công đoạn làm hàng mã từ: vót tre, ráp thành khung, chế biến hồ, cắt giấy, gián giấy…Đang ngồi dùng đồ chạm (dụng cụ cắt giấy theo hình mẫu) các mẫu giấy, chị Thuý cho biết: Từ khi lớn lên tuổi con gái là chị đã biết đến các công đoạn để làm hàng mã. Nhưng muốn có sản phẩm đẹp thì phải bỏ công học 2 đến 3 năm.

Mỗi năm dân làng Phú Hải đón khá nhiều “học trò” về đây tìm thầy học nghề. Cứ bình quân mỗi thành viên trong gia đình chị làm được 5 bộ trạng (gồm: quạt, đôi hia, 1 cung tên, 1 cái áo, con ngựa, cái mũ)/ngày, bán được với giá 25.000 nghìn đồng. Trừ chi phí tiền giấy, tiền hồ, tiền mua tre cũng lãi từ 12-15 nghìn đồng/bộ. Riêng làm bộ đồ cúng ông mệ (ông bà) thì nhanh hơn, từ 7-8 bộ/người/ngày.

Chị Thuý cho biết thêm, cứ mỗi dịp tháng 7-8 Âm lịch hoặc dịp rằm tháng giêng như thời điểm hiện nay thì cả làng mới bắt đầu “vào nghề”. Mỗi thành viên trong gia đình đều được phân mỗi công đoạn riêng, sau khi hoàn thành đem ráp lại là được một bộ hàng mã bán cho các tiểu thương trong vùng.

Làng Phú Hải đã mấy đời nay xem nghề làm hàng mã như một thứ nghề truyền thống hái ra tiền. Dù là những đứa trẻ mới lớn lên, con gái khi về nhà chồng đều phải học cách làm hàng mã. Nói như ông Hồ Duy Khả, Trưởng thôn Phú Hải thì do đặc thù của làng không có mấy ruộng vườn để sản xuất nên dân làng không biết làm gì ngoài việc theo nghề truyền thống của gia đình. Đây là công việc khá nhẹ nhàng mà có thu nhập ổn định quanh năm, nhất là vào dịp Tết, dân làng “phất” lên trông thấy!

“Bóp bụng” người sống lo người chết

Từ đầu thôn Phú Hải chúng tôi gặp anh Tân, một khách hàng ở xã Hải Chánh (Hải Lăng) đang ra đây đặt mấy bộ áo mũ để về tạ mộ. Anh cho biết lễ đốt áo tạ mộ phải có đủ 12 bộ nên anh phải đánh xe hơn 50km về đây đặt làm sớm cho kịp.

Và 12 bộ đồ áo mũ tạ mộ cũng ngốn hết mấy trăm nghìn đồng, cộng tiền xăng xe xem như anh “đứt” mấy tạ lúa. Anh Tân tâm sự: “Dù cả năm làm ăn có được mùa hay thất bát thì đến dịp cúng quẩy cũng phải gắng sắm cho được mấy bộ đồ trạng về mà đốt cho phải đạo lý. Mình sống có lay lắt cơm cháo qua ngày cũng được chứ đến dịp Tết, ngày giỗ mà không có mấy bộ hàng mã đốt thì tội lắm!”.

Cứ mỗi độ đến rằm tháng 7, Tết Nguyên Đán người dân miền Trung lại tất tả đi đặt hàng mã cho kịp lễ cúng. Có lẽ cái quan niệm như anh Tân đã ăn sâu trong nhận thức của người dân ở dải đất miền Trung này.

Theo nhiều người dân ở đây, hàng mã bây giờ đa dạng hơn nhiều. Hồi xưa chỉ có áo đại triều, áo tràng, phẩm phiêu, bao tử, mũ xung thiên, nay càng “mốt” hơn, có cả áo vest, quần tây, quần jeans…Đặc biệt, để có hàng đẹp nhiều người trên thành phố, ngoài tỉnh còn mang cả mẫu điện thoại di động, xe ô tô, xe mô tô đã phô-tô trên giấy về đặt hàng cho các “nghệ nhân” hàng mã. Thường những mặt hàng này khách phải trả tiền gấp đôi.

Anh Nguyễn Trạm, một thợ làm hàng mã ở Phú Hải cho hay: “Hồi tháng trước ở Khe Sanh có ông Sáu đi xem bói về bảo phải “đóng” một chiếc xe máy về cúng mới làm ăn phát đạt. Ông đặt tui với 2 triệu đồng, trả trước 1 triệu, làm xong trong một tuần. Khi làm xong để chở lên tận Khe Sanh ông phải thuê xe, mất thêm mấy trăm nghìn thế là “trọn gói”!”.

Ai cũng biết, việc cúng quẩy, ma chay, đốt vàng mã cũng là một truyền thống đẹp của người Việt chúng ta, nhưng quá lạm dụng nên sinh ra lãng phí và đôi lúc lại mê tín dị đoan! Nhiều người dân dù đói đứt bữa, bán ít của nả trong nhà cũng gắng “tậu” được vài bộ trạng hoành tráng để đốt cúng trong dịp tạ mộ, rằm, Tết.

_________________________________________________

Posted in Chuyện làng nghề | Thẻ: | Leave a Comment »

Đẽo gỗ tìm trầm

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Hai 28, 2010

Trương Tâm Thư

(LĐ) – Trầm cảnh Trung Phước không chỉ nức tiếng trong Nam ngoài Bắc, mà hương thơm còn lan xa khắp vùng Châu Á.

Trong những lễ lạt, đặc biệt là tết cổ truyền Việt Nam cũng như ở nhiều nước Châu Á, dường như không thể thiếu mùi trầm hương thanh thoát. Gần đây, xuất hiện những cây trầm cảnh với vẻ đẹp đặc dị được trưng bày. Đó chính là sản phẩm “độc quyền” mới chỉ có từ làng Trung Phước (xã Quế Trung, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam) vốn chuyên nghề “ngậm ngải tìm trầm” sau khi giải nghệ đã sáng lập nên nghề mới. Trầm cảnh Trung Phước không chỉ nức tiếng trong Nam ngoài Bắc, mà hương thơm còn lan xa khắp vùng Châu Á.

Làng nghề trẻ

Bến sông Trung Phước thượng nguồn sông lớn Thu Bồn suốt những năm 70-80 thế kỷ trước là nơi giao thương sầm uất giữa miền xuôi và mạn ngược. Tại đây hình thành một “chợ đen” đầu mối buôn bán trầm hương quý hiếm quốc cấm khi ấy.

Ông Nguyễn Trường Bộ vốn là một tay “điệu” (tìm trầm) lão luyện, nhớ lại: “Trầm hương quý hiếm hơn là kỳ nam, chỉ có trong cổ thụ mục rữa giữa rừng thiêng nước độc, không dễ gì tìm được. Mỗi chuyến đi trầm phải cơm đùm gạo gói chui rúc hàng tháng trời với thú dữ, sốt rét rình rập, có thể mất mạng bất cứ lúc nào. Gọi là “ngậm ngải tìm trầm”, nên chi nghề này nhanh chóng lụi tàn do nguồn tài nguyên cạn kiệt, người trúng trầm thì ít mà người trắng tay bỏ mạng thì nhiều”.

Ông Bộ sớm bỏ làm “điệu” chuyển sang làm “tài kê” (buôn trầm), rồi nhanh chóng nắm bắt nghề chế tác trầm cảnh, trở thành một chủ cơ sở trầm cảnh lớn ở Trung Phước bây giờ.

Như một “duyên nghiệp”, các “điệu” và “tài kê” có thâm niên ở làng Trung Phước vốn quen hơi thuộc tính loại lâm sản đặc dị, sau khi không còn có thể “săn trầm”, vẫn tiếp tục gắn với mùi hương khó kiếm này bằng cách “đẻ” ra nghề chế tác trầm cảnh.

Đó là vào những năm 1990. Một trong những người “khai canh” là ông Trương Văn Mẫn, kể lại: “Hết thời trầm rục giữa rừng hoang dã, bọn tui mới nghĩ đến những cây dó bầu trong vườn rừng, vườn nhà. Vốn sau hàng mấy trăm năm, cây dó mới cho trầm tự nhiên, mà không phải cây nào cũng có trầm, thì biết đợi đến bao giờ? Chi bằng cứ “đẽo gỗ tìm trầm”, lại tìm ra sinh lộ, là trầm non mắt kiến, có thể chế tác thành trầm cảnh. Kịp lúc ở Quảng Nam việc làm trầm nhân tạo bằng cách bơm hóa chất vào cây dó bầu thành công, tạo nguồn nguyên liệu cho nghề”. Nghề mới từ đó mà truyền ra khắp làng. Cơ sở trầm cảnh của ông Mẫn giờ lớn nhất vùng.

Tuy tuổi làng nghề non trẻ, nhưng những “tổ nghề” tuổi đời trung niên đã kịp đưa ra “cơ sở lý luận” cũng như “phân loại sản phẩm” khá tường tận. Trầm cảnh chia làm hai loại: Trầm dó sanh và trầm nhúng.

Các chủ cơ sở trầm cảnh cho biết, muốn chế tác một cây trầm cảnh dó sanh loại đẹp thì cây dó tươi phải tuổi 30-40 năm, còn nguyên bộ rễ, thân to, nhiều mắt, nhiều nhánh, dầu trầm đen và dày. Cây dó được gọt tỉa sao cho những mắt kiến dầu nhỏ li ti lộ ra nguyên hình.

Nghề tỉa trầm không dành cho người “nóng hổi và bồng bột”, mà phải thật tỉ mẩn, kiên nhẫn, chỉ cần nhỡ tay một chút, vỡ một mắt kiến là toàn bộ thân kiến coi như hỏng, có chữa lại bằng cách dán keo cũng trở thành hàng “thứ phẩm”.

Một cây trầm cảnh loại nhỏ và vừa giá bán từ 2-20 triệu đồng, loại to từ 20-50 triệu đồng. Việc chế tác trầm dó nhúng cũng lắm công phu. Một chủ cơ sở “tiết lộ”: Hàm lượng tinh dầu trầm trong trầm nhúng chỉ khoảng 10%, còn lại là tinh dầu chiết xuất từ cây ô dước, cũng đen như dầu trầm, vẫn có mùi thơm nhẹ.

Cây dó tươi sau khi cưa ra, đục, tỉa sao cho hình dạng giống những cục trầm tự nhiên, đem phơi khô, bỏ vào hỗn hợp tinh dầu ô dước và trầm hương, nấu trong lò tự chế khoảng một tuần lễ rồi vớt ra tẩy rửa, tỉa lại lần thứ hai, cho ra sản phẩm trầm nhúng có màu đen óng từ trong ra ngoài, đốt vẫn thơm. Giá bán trầm nhúng trên thị trường hiện nay 1-1,2 triệu đồng/kg.

Làng nghề trẻ Trung Phước tự hào rằng sản phẩm trầm cảnh vừa mới chào đời đã sớm được thưởng thức xứng đáng, với cây trầm cảnh “có một không hai ở VN”, được đem đấu giá trực tiếp trên VTV trong chương trình “Nối vòng tay lớn” gây Quỹ Vì người nghèo đêm 31.12.2004 tại TPHCM, đạt giá “kỷ lục” 1,3 tỉ đồng.

Tác giả-nghệ nhân Lê Văn Tấn kể lại: “Cây trầm cảnh này cao gần 3m, do 10 thợ giỏi gọt từng sợi gỗ, vuốt từng mắt trầm li ti, chải chuốt tỉ mẩn suốt 2 tháng ròng mới xong”. Hiện Trung Phước có hàng chục cơ sở lớn nhỏ đạt doanh số vài trăm đến cả tỉ đồng mỗi năm với hàng trăm thợ trầm có thu nhập ổn định bình quân hằng tháng 1-2 triệu đồng – một con số khá cao ở vùng sơn địa vốn chỉ biết làm ruộng nhờ vào nước trời.

Bán dạo quốc tế

Không chỉ sáng tạo nghề, làng nghề trẻ Trung Phước còn tỏ ra khá tài giỏi trong việc đưa sản phẩm ra thị trường, hình thành mạng lưới tiêu thụ trầm cảnh với các doanh nghiệp tư nhân ở TPHCM, Đà Nẵng, Hà Nội, do chính những người làng Trung Phước gầy dựng. Trầm cảnh Trung Phước còn “tỏa hương” ra thị trường nhiều nước Châu Á.

Ông Trương Thanh Hiền – GĐ Cty TNHH trầm hương Nông Sơn – cho biết: “Trầm hương ngoài dùng để chế biến dược phẩm, nước hoa, còn để trưng bày làm cảnh, tỏa hương trong nhà, theo quan niệm tâm linh của người VN, Nhật, Trung Quốc và các nước Châu Á khác, là để trừ tà.

Người Nhật không đốt trầm như ở VN. Cây trầm cảnh khi mua về được họ để trong lồng kính có bộ điều chỉnh nhiệt, khi muốn thưởng thức chỉ cần điều chỉnh nhiệt độ đến 37,5oC là cây trầm cảnh sẽ tỏa hương ngào ngạt. Trà đạo của Nhật cũng không thể thiếu hương trầm.

Nói không ngoa, trầm Trung Phước mang lại giá trị cao phần lớn nhờ vào truyền thống thưởng thức dáng vẻ kỳ thú và mùi hương thoát tục từ trầm của dân Châu Á, đặc biệt của giới “quý tộc”. Một xâu chuỗi hạt đeo tay giá thành 50.000-60.000 đồng, khi xuất ra nước ngoài có giá trên 800.000 đồng. Các loại trầm cảnh tỉ lệ lợi nhuận còn cao hơn, có khi gấp cả mấy chục lần giá thành”.

Hấp dẫn thú vị nhất, chứng tỏ sự táo bạo, nhanh nhạy và cả cái máu liều luôn chảy giậm giật trong “dân trầm” Trung Phước, phải kể đến “đoạn” dân xóm núi này đưa sản phẩm ra nước ngoài để… bán dạo. Một trong những “tay liều tiên phong” được làng nghề ghi công, là ông Trương Văn Bê.

Ông Bê vẫn còn nhớ như in chuyến bán dạo đầu tiên, cách đây 2 năm: “Biết hàng trầm cao cấp chủ yếu tỏa hương ở nước ngoài với giá cao, tui nảy ý bán hàng tận ngọn, bèn gom hàng độc, một mình qua Bắc Kinh. Xuống sân bay, mang gói hàng bên mình, sau một hồi lơ láo giữa phố phường lồng lộng, tui vẫy đại chiếc taxi, cứ chỉ chạy thẳng, rồi dòm chừng thấy có cửa hàng mỹ nghệ là đập dừng xe.

Đầu tiên phải khoe hàng bằng cách đốt cháy cho họ ngửi mùi thơm để biết là trầm. Nếu họ có vẻ muốn mua, tui gọi điện thoại về nhà cho đứa em là sinh viên ngoại ngữ nói tiếng Trung với họ để làm giá. Được thì bán, không thì lại lên đường. Hơn mười ngày ở Bắc Kinh, cứ rứa mà kiếm gần 100 triệu đồng. Hú hồn vừa ra trận đã thắng ngay, thành công ngoài mong đợi. Bây giờ công việc chính của tui là lang thang tìm đối tác. Còn việc chế tác, đóng gói vận chuyển dành cho người nhà”.

Sau “kỳ tích” này, nhiều “dân liều” có máu mặt ở làng trầm nối bước chào hàng ở những vùng đất mới ngoài biên giới, đi bán dạo xuyên quốc gia. Ông Huỳnh Văn Thành kể: “Hồi mới đi lần đầu lơ lơ láo láo, không biết tiếng Trung không biết tiếng chi, nhưng nghe anh em rủ rê, cũng liều gom hàng đi theo, qua Trung Quốc.

Lúc rời khách sạn, vừa cầm cái danh thiếp của “hắn”, vừa lấy điện thoại di động bợp (chụp) cái mặt tiền “hắn” một phát nữa cho chắc ăn. Rồi đi lòng vòng phố xá săn cửa hàng mỹ nghệ để bán hàng, đến lúc về thì đưa cả danh thiếp lẫn hình trong điện thoại là tài xế chở tận nơi.

Chừ thì đã rành rẽ quá rồi. Sau kỳ hội chợ ở Côn Minh, rồi Bắc Kinh, nhiều sinh viên nước mình du học bên này nhận làm thông dịch viên, buôn bán hên xui, “trúng” thì trả thù lao hậu hĩnh 50-100USD/ngày, “trượt” thì chỉ tính tiền công nhật với nhau”.

Đến nay, hàng chục doanh nghiệp trầm cảnh Trung Phước tham gia đều đặn các hội chợ quốc tế từ Hồng Kông, Đài Loan, Trung Quốc đến Nhật Bản. Ông Nguyễn Văn Hoà – Trưởng phòng Công Thương huyện Nông Sơn – cho biết: “Huyện đã quy hoạch dành hẳn khu vực riêng cho làng nghề ở khu CN, cùng với đề án riêng khuyến công hỗ trợ phát triển nghề trầm cảnh, kỳ vọng tạo nên một thương hiệu mang tính đột phá cho địa phương”.

Còn ông Nguyễn Ngọc Toản – xuất thân “điệu” trầm Trung Phước, nay là GĐ Cty Fong San (TPHCM) – thổ lộ: “Quảng Nam hiện có cả ngàn hécta trồng dó bầu. Nhiều Cty tham gia buôn bán trầm cảnh và trồng dó bầu nguyên liệu, bao gồm cả hàng chục doanh nghiệp xuất thân từ Trung Phước như tôi. Riêng Cty tôi đã gầy dựng hàng chục trang trại với hàng nghìn hécta trồng dó từ Tây Nguyên đến Đông Nam Bộ. Chúng tôi hy vọng xây dựng một “chợ trầm” VN tầm cỡ thế giới”.

___________________________________________

Posted in Chuyện làng nghề | Thẻ: | Leave a Comment »

Lạ kỳ chuyện tìm mộ bà tổ làng gốm Chu Đậu

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Hai 22, 2010

Chiến Nguyễn

Người con gái giả trai trong gia phả họ Bùi

Câu chuyện bắt đầu từ lá thư của ông Makoto Anabuki, Bí thư Văn hóa Đại sứ quán Nhật Bản gửi cho Bí thư Tỉnh ủy Hải Hưng (cũ) nhờ tìm xuất xứ một chiếc bình gốm. Theo thư của ông Makoto, năm 1980, khi công tác ở Thổ Nhĩ Kỳ, ông được chiêm ngưỡng một bình gốm được coi là quốc bảo tại Bảo tàng Topkapi Saray Istanbul. Chiếc bình được mua bảo hiểm 1 triệu USD. Trên lớp tráng xanh da trời và trắng của bình gốm tinh xảo đó có khắc 13 chữ Hán: “Thái Hòa bát niên, Nam Sách châu, tượng nhân Bùi Thị Hý bút” (Dịch là: Năm Thái Hòa thứ 8 (1450), tại châu Nam Sách, nghệ nhân Bùi Thị Hý viết/vẽ/tạo).

Khi đó, nhà khảo cổ Tăng Bá Hoành đang phụ trách Ban Thông sử của UBND tỉnh Hải Hưng (cũ) đã được đồng chí Bí thư Tỉnh ủy giao trọng trách đi tìm xuất xứ. Khi đó làng Chu Đậu (Thái Tân, Nam Sách, Hải Dương) chỉ được biết đến với nghề dệt chiếu cói nên công việc tìm kiếm gặp muôn vàn khó khăn. Từ việc gạn lọc thông tin để xác định Bùi Thị Hý là nam hay nữ; hàng chục năm tìm hiểu, nhiều cuộc khai quật xác định Chu Đậu là làng gốm cổ… nhờ sự tình cờ tìm được hậu duệ của dòng họ Bùi với cuốn gia phả, ông Tăng mới xác định được danh phận chính xác của bà Bùi Thị Hý.

Theo đó bà Bùi Thị Hý (1420 -1499) là cháu ngoại của cụ Bùi Quốc Hưng – khai quốc công thần đời Lê cùng với danh nhân Nguyễn Trãi. Bà Hý có biệt tài viết chữ và vẽ đồ gốm rất đẹp, từng giả nam đi thi đại khoa đến tam trường thì bị phát hiện. Về sau, bà lấy đại chủ Đặng Sỹ, là chủ lò gốm Chu Trang (tức là gốm Chu Đậu bây giờ) và giàu nổi tiếng đương thời. Sau 26 năm tìm kiếm, nhà khảo cổ Tăng Bá Hoành mới xác định được khá đầy đủ nhân thân bà Bùi Thị Hý. Tuy nhiên, vẫn còn một bí ẩn cuối cùng: Mộ của bà Bùi Thị Hý ở đâu?

Bí mật cuối cùng

Thấy niềm đam mê được vén bức màn bí ẩn hàng trăm năm lịch sử làng gốm cổ của ông Hoành, họ Bùi cho ông xem kho đồ gốm tổ tiên truyền lại. Ông Hoành đọc được trên một cái mâm đồng toàn bộ bản sao văn bia mộ chí của bà Bùi Thị Hý. Bản sao gồm 379 chữ được chép lại vào thời Bảo Đại. Dòng đầu tiên ghi rõ “Kỳ tài phu nhân Bùi Thị Hý chi mộ”. Nội dung văn bia cho biết, chồng bà Hý là Đặng Sỹ trong một lần đi giao hàng trên biển đã bị tai nạn bỏ mạng, bà Hý tái giá với ông Đặng Phúc cũng là một đại gia ở Chu Đậu.

Sau khi tái giá, bà cùng với chồng chỉ huy các thuyền xuất khẩu gốm Chu Đậu sang các nước phương Tây. Cuối đời, bà về công đức tiền của làm đình, chùa Viên Quang. Ông Hoành và gia đình tìm về chùa Viên Quang thì được biết đình và bia ở đình có ghi tiểu sử của bà Hý đã bị phá từ lâu, chỉ còn một cây thiên đài để thắp hương có nhắc đến tên bà nhưng không có thông tin gì hé mở về nơi chôn cốt.

Tình cờ ông Hoành phát hiện một dòng chữ Hán trên ngai thờ ở nhà thờ họ ghi “Mộ ở xứ Thượng Đường” (nay là thôn Quang Tiền, xã Đồng Quang, huyện Gia Lộc). Ngày 10/1/2009, hậu duệ của bà Hý đã đào tìm và phát hiện được một số vật yểm và viên gạch đất nung màu hồng nhạt, nhẹ lửa, bị mẻ một góc có ghi những thông tin quan trọng về mộ chí của bà Bùi Thị Hý, gồm thông tin về nơi chôn và những đồ tùy táng, trong đó có một con rồng bằng đất nung cao khoảng 70cm.

Bí ẩn được hóa giải

Theo những thông tin có được, ông Hoành và gia đình tìm tới ngã ba sông Định Đào thì nơi đó bây giờ đã thành ao. Dò hỏi người dân trong vùng, tìm ra những người đào ao thuở trước, họ cho biết khi đào đất khu vực đó đã tìm thấy một con rồng rất lớn, cao khoảng 70 cm bằng đất nung. Khi những người thợ đào ao về ăn cơm trưa thì con rồng đặt cạnh bờ ao đã bị ai đó lấy mất. Sau hơn một tháng kiên trì tìm kiếm, cuối cùng, ông Hoành và gia đình họ Bùi cũng tìm được một người dân ở xã Quang Tiến thấy con rồng đẹp đã bê về chơi. Ông Hoành chụp lại ảnh con rồng mang đi đối chiếu thì thấy đúng là mẫu rồng Nam Sơn.

Tiếp theo chỉ dẫn ở viên gạch đất nung, ngày 4/4/2009, nhân ngày Thanh Minh, gia tộc họ Bùi tổ chức khai quật và tìm thấy bia mộ chí của nữ tài và một số hiện vật quý tại gò Hình Nhân nổi giữa ao của gia đình
Ông Hoành chia sẻ: “Thường thì bia mộ chí ở đâu thì mộ ở đó. Vì thế tôi đã dự đoán rằng mộ của nữ tài Bùi Thị Hý cũng nằm ngay trên mảnh đất Hình Nhân của gia đình ông Lợi. Đúng thời điểm đó, một sự trùng hợp ngẫu nhiên đáng kinh ngạc, ban liên lạc dòng họ Phí toàn quốc từ Hà Nội xuống tìm tôi nhờ tôi giúp cho việc nhận họ hàng với họ Bùi ở Gia Lộc.

Ngược dòng lịch sử, năm 1304, cụ Phí Mộc Lạc làm quan ở nội triều nhà Trần rất được trọng dụng và tín nhiệm. Thế nhưng, Thượng hoàng Trần Nhân Tông nói họ Phí ít người biết đến, hơn thế chữ “Mộc lạc” lại có nghĩa là cây đổ, cây gẫy nên không tốt. Vì thế Thượng hoàng đổi họ tên cho cụ Phí Mộc Lạc thành Bùi Mộc Đạc. Từ “mộc đạc” nghĩa là cái mõ, ý là nổi tiếng. Từ đó, rất nhiều chi nhánh họ Phí tự động chuyển theo sang họ Bùi. Cụ Bùi Quốc Hưng, ông ngoại của bà Bùi Thị Hý, chính là hậu duệ của cụ Bùi Mộc Đạc”.

Ngày 9/9 năm Kỷ Sửu (tức 26/10/2009), dòng họ Bùi khởi công xây mộ cho bà cô tổ. Theo sự tư vấn của ông Hoành, ông Lợi đã cho tát cạn nước ao và mời cán bộ của Bảo tàng tỉnh xuống chứng kiến. Đến khoảng 12 giờ trưa thì tìm thấy mộ phần của bà Bùi Thị Hý cạnh nơi tìm được bia mộ chí. Hòn gạch đậy trên mộ được mang về Bảo tàng Hải Dương có ghi “Tẫn cốt tổ cô Bùi Thị Hý nội bình đồng Vọng Nguyệt bảo kiếm” (Dịch: Tro xương tổ cô Bùi Thị Hý trong bình cùng thanh kiếm của bà – Vọng Nguyệt là tên hiệu của bà Hý). Dòng cuối ghi “Vị Nhuận Cần mật táng” (Dịch: 3 ông Vị, Nhuận, Cần – 3 ông trưởng chi – chôn bí mật). Mộ nằm trong nhiều tầng lớp đồ gốm, xây theo đúng hình nhân.

Phát hiện bất ngờ

Liên quan đến bà tổ nghề gốm Chu Đậu tài hoa Bùi Thị Hý, ngoài 2 cổ vật quý giá là cái đĩa và con nghê có thủ bút của bà đã nhắc đến trước đó, ngày 14/4/2009, ông Lợi còn cung cấp cho ông Tăng Bá Hoành một phiến đá nhỏ có chữ Hán, nằm lẫn trong đống đá tảng ở đầu nhà. Ông Hoành đã xuống tận hiện trường xem xét và xác định đó là chiếc la bàn đi biển của bà Bùi Thị Hý.

Chiếc la bàn hình vuông, kích thước 17x17x7cm, trên có chữ “Châm bàn chu hải khứ, Bùi Thị Hý” (Dịch: Bàn kim chỉ đường đi cho thuyền biển của Bùi Thị Hý). Ở giữa la bàn gạch chữ thập, ghi chữ Bắc, Đông, mất chữ Nam, Tây. Giữa la bàn có 1 lỗ rộng 1,4cm, sâu 1,5 cm, giữa lỗ còn có một lỗ nhỏ 2mm, khoét sâu xuống để đặt kim nam châm. Bàn của la bàn bằng đá cẩm thạch được mài nhẵn mặt trên. Đây là hiện vật vô cùng quan trọng, xác nhận bà Bùi Thị Hý là người đi biển ở thế kỷ XV.

Ông Hoành khẳng định: “Những hiện vật này không chỉ là bảo vật của gia đình ông Lợi mà còn là bảo vật của quốc gia, cần được bảo vệ và giữ gìn. Trong ít ngày tới, cùng với dòng họ Bùi và dòng họ Phí, chúng tôi sẽ tổ chức một hội thảo khoa học để công bố toàn bộ tư liệu khảo cổ học quan trọng này”.

Bia mộ chí của bà Bùi Thị Hý có kích thước dài 39,7cm, rộng 37cm, dày 11cm có nội dung ghi như trên chiếc mâm đồng mà họ Bùi còn giữ. Cách bia chừng 3m có một vật yểm thứ 2, lâu đời hơn, gồm một đĩa, một bát, một chén và một hộp sứ nhỏ, úp lên một đĩa nhỏ. Trong đĩa có đồng tiền Hồng Đức thông bảo. Xung quanh gò và ao có nhiều phế tích gốm theo truyền thống Chu Đậu, cùng bao nung, xỉ lò, con kế, song, ắc bàn xoay. Đó là những hiện vật chứng tỏ một lò gốm cổ đã tồn tại ở đây vào thế kỷ XV – XVI.

______________________________________________________

Posted in Chuyện làng nghề | Thẻ: | Leave a Comment »