NGÔN NGỮ & VĂN HÓA

CHÚC MỪNG NĂM MỚI

Archive for Tháng Tám, 2010

Ai làm dậy sóng biển Đông?

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Tám 31, 2010

Huỳnh Hoa

Sự kiện hạm đội 7 của hải quân Mỹ tiến hành các hoạt động hợp tác với hải quân Việt Nam trong tuần này bị báo chí Trung Quốc miêu tả với cáo buộc là Việt Nam “thách thức chủ quyền của Trung Quốc tại quần đảo Tây Sa” (tức Hoàng Sa của Việt Nam).

Kết nối hai sự kiện không liên quan với nhau: việc phái đoàn quan chức Chính phủ và quân đội Việt Nam thăm tàu sân bay USS George Washington ở ngoài khơi Đà Nẵng hôm Chủ nhật 8-8 với việc thứ Năm tuần trước (5-8) người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước ta Nguyễn Phương Nga ra tuyên bố phản đối việc Trung Quốc khảo sát địa chất tại vùng đảo Hoàng Sa từ tháng 5 vừa qua, báo China Daily số ra ngày thứ Hai 9-8 đăng bài xã luận nhận định: “Được Mỹ hậu thuẫn, Việt Nam cố tình dựng lên vấn đề biển Đông, nhắm tới quốc tế hóa vấn đề này để làm một đối trọng mạnh mẽ hơn với Trung Quốc”. Báo này còn cho rằng “Việt Nam đang bị Mỹ biến thành công cụ để cân bằng lại sự phát triển của Trung Quốc”.
Thực chất lời cáo buộc này như thế nào? Trước tiên cần thấy rằng, cả hai sự kiện này đều không mới, mà diễn ra thường xuyên trong hoạt động ngoại giao của Việt Nam. Về chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa (mà Trung Quốc gọi là Tây Sa, tên quốc tế là Paracel Islands), tuyên bố của bà Nguyễn Phương Nga không biểu hiện sự thay đổi nào trong chính sách trước sau như một của Chính phủ Việt Nam đối với phần lãnh thổ này.
Chuyến thăm viếng tàu sân bay USS George Washington hôm Chủ nhật 8-8 của phái đoàn Chính phủ và quân đội Việt Nam cũng vậy; không phải là sự kiện mới mà từ năm ngoái phái đoàn này đã viếng thăm tàu sân bay USS John C. Stennis. Từ năm 2003 đến nay năm nào cũng có tàu chiến Mỹ ghé thăm các hải cảng Việt Nam, giống như tàu chiến của quân đội nhiều nước khác, kể cả Trung Quốc. Hơn thế nữa, các hoạt động nhân đạo và hợp tác của hải quân Mỹ với hải quân Việt Nam đang diễn ra đều nằm trong khuôn khổ kỷ niệm 15 năm ngày bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Vậy thì tại sao Trung Quốc lại lên án Việt Nam trước những hoạt động có tính “thông lệ” này? Theo giới phân tích, cái gai trong mắt người Trung Quốc không phải là Việt Nam mà là Mỹ và sự thay đổi trong chính sách của chính quyền Barack Obama đối với khu vực Đông Á và Đông Nam Á.
Sự thay đổi này bộc lộ rõ nhất tại Diễn đàn khu vực châu Á (ARF) lần thứ 17 vừa diễn ra tại Hà Nội hai tuần trước, khi Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tuyên bố: “Hoa Kỳ có lợi ích quốc gia trong việc tự do lưu thông hàng hải, tự do tiếp cận các vùng biển châu Á và việc tôn trọng luật pháp quốc tế tại biển Đông. Chúng tôi phản đối việc đe dọa hoặc sử dụng vũ lực của mọi bên có tuyên bố chủ quyền”.
Bà Clinton cũng đề nghị 10 nước ASEAN và Trung Quốc thỏa thuận một “bộ quy tắc ứng xử khu vực” có tính ràng buộc và đề xuất thành lập một cơ chế quốc tế để hòa giải những sự chồng lấn về lãnh thổ mà các nước bên bờ biển Đông đưa ra. Hai ngày sau ARF 17, trên trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì gọi tuyên bố của bà Clinton là “một cuộc tấn công”.
Vậy tại sao Trung Quốc không trực tiếp “đấu tranh” với Mỹ mà nhắm vào Việt Nam? Theo giới phân tích, Trung Quốc muốn đánh lạc hướng dư luận về bản chất cuộc xung đột Mỹ-Trung chung quanh vấn đề biển Đông. Thực tế lịch sử cho thấy, tranh thủ thời gian người Mỹ sa lầy tại các chiến trường Iraq và Afghanistan, nhờ kinh tế phát triển nhanh chóng, Trung Quốc đã từng bước biến biển Đông thành ao nhà của mình. Những hành động đó của Trung Quốc đe dọa quyền lợi hợp pháp của nhiều nước, kể cả Mỹ, buộc Mỹ phải quay lại bảo vệ các đồng minh lâu đời tại khu vực này như Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines, Malaysia và Indonesia.
Giờ đây người Mỹ đã quay lại Đông Nam Á, thách thức trực tiếp những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên biển Đông và đề xuất cơ chế giải quyết xung đột trên vùng biển này. Nếu là một cường quốc có trách nhiệm, muốn giải quyết những bất đồng về chủ quyền trên biển Đông một cách công bằng và hòa bình, Trung Quốc nên ủng hộ một sự tham vấn quốc tế như đề nghị của Mỹ thay vì khăng khăng coi biển Đông là “lợi ích cốt lõi” của mình, không thương thảo và không nhân nhượng.
Cũng nên lưu ý rằng, khi mới lên cầm quyền, tổng thống Mỹ Barack Obama đã chủ trương chính sách “giao kết” (engagement), muốn Trung Quốc thể hiện trách nhiệm cùng phương Tây giải quyết những vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, cân bằng thương mại, chương trình vũ khí hạt nhân của Iran, Bắc Triều Tiên… nhưng gần hai năm qua kỳ vọng ấy đã không được phía Trung Quốc đáp ứng. Đó chính là nguyên nhân sâu xa dẫn tới xung đột Trung-Mỹ hiện nay không chỉ ở hồ sơ biển Đông mà trong nhiều lĩnh vực khác.
Lẽ ra phải nhìn thẳng vào sự thật và tìm cách giải quyết với Mỹ, Trung Quốc lại quy trách nhiệm cho các nước nhỏ như Việt Nam “lôi kéo Mỹ vào biển Đông để ngăn chặn sự phát triển của Trung Quốc”. Lối tư duy đó không phản ánh đúng bản chất của vấn đề.

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn
__________________________________________________

Posted in Chuyện đất nước, Quốc phòng các nước, Việt Nam và thế giới | Thẻ: , , | Leave a Comment »

Các nước viết gì về giải Fields?

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Tám 31, 2010

Trong lúc dư luận Việt Nam hiện nói nhiều về Ngô Bảo Châu, báo chí Israel, Nga, Pháp cũng đưa tin về giải Fields năm 2010 nhưng với mức độ khác nhau.

Gần với chuyện đang diễn ra ở Việt Nam có lẽ là Israel, nước có công dân Elon Lindenstrauss cũng nhận huy chương Fields tại Ấn Độ hôm 19/8 vừa qua.

Báo chí nước này, và cả các trang của người Do Thái trên thế giới đồng loạt đưa tin ngợi giáo sư Lindenstrauss là “người Israel đầu tiên được Nobel toán học”.

Họ cũng trích lời giới khoa học Israel nói với giải này nước họ xứng đáng là “cường quốc toán học”.

Tờ Haaretz đưa tin Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã chúc mừng người được giải trong tinh thần dân tộc, rằng “đây là thành tích vĩ đại cho ông và cho Quốc gia Israel, và chúng tôi rất tự hào vì ông”.

Tờ Jewish Chronicle trên mạng cũng không quên nhắc rằng Giáo sư Lindenstrauss (40 tuổi), như nhiều người Israel trẻ tuổi khác, từng phục vụ trong quân đội và vẫn là thiếu tá dự bị của Không quân Israel.

Nhưng cho đến ngày 23/8 không thấy báo chí Israel hay Do Thái nói gì về các buổi lễ trọng đại đón chào huân chương Fields tặng cho ông Lindenstrauss.

Họ cũng nhắc đến Viện Toán mang tên Einstein ở Đại học Hebrew, Jerusalem nơi ông Lindenstrauss làm việc, vốn đã sản sinh ra nhiều nhà khoa học lừng danh thế giới khác như GS Robert Aumann, người nhận Nobel kinh tế năm 2005.

Báo chí Israel cũng nói ông Lindenstrauss được giải Fields một phần vì ở độ tuổi đúng 40 bởi nước này có nhiều nhà toán học lỗi lạc khác nhưng quá tuổi nhận huy chương Fields.
Họ cũng nhắc Israel đã có chín công dân được giải Nobel, người gần nhất vào năm 2009 trong môn hóa học.

Xuất xứ và thành tích

Còn về giải Fields cho Stanislav Smirnov, cả truyền thông Nga và Thuỵ Sĩ đều đưa tin nhưng ở mức độ ít hơn nhiều so với Israel và Việt Nam.

Báo Thuỵ Sĩ gọi ông là Giáo sư đại học Geneva, nhấn mạnh đến nơi làm việc.

Trang của Nga, Voice of Russia thì nói “Lại thêm một người Nga nhận ‘Nobel’ môn toán”.

Khác với Israel và Việt Nam, đây không phải là lần đầu người Nga nhận giải Fields vốn có từ bảy chục năm qua.

Trước ông Smirnov đã có các vị khác nhận giải Fields là Sergei Novikov (1970), Grigory Margulis (1978), Vladimir Drinfeld (1990), Yefim Zelmanov (1994), Maixim Kontsevich (1998), và Vladimir Voyevodsky (2002).

Còn Grigory Perelman, cũng từ St Petersburg như Stanislav Smirnov, từng được trao giải Fields năm 2006 nhưng từ chối không nhận.

Điều thú vị là Pháp coi cả hai người còn lại, Cédric Villani và Ngô Bảo Châu đều là các nhà khoa học Pháp, và ghi công cho hai viện nghiên cứu là nơi họ làm việc.

Trang của cơ quan CNRS tại Pháp gọi Ngô Bảo Châu là “nhà toán học Pháp – Việt” (Franco-Vietnamese mathematician) dù có ghi rõ rằng ông “sinh tại Hà Nội, Việt Nam năm 1970”.

Cơ quan nghiên cứu của ông Châu (Orsay Mathematics Laboratory, Université Paris Sud 11/CNRS) đã có ba người được giải Fields trước đó là Jean-Christophe Yoccoz (1994), Laurent Lafforgue (2002) và Wendelin Werner (2006).

Trang CNRS nói với hai huy chương mới nhất của Ngô Bảo Châu và Cedric Villani, Pháp có 11 trên tổng số 52 huy chương Fields cho toàn thế giới từ 1936.

Giải Fields cho GS Ngô Bảo Châu ghi thêm vào bảng thành tích của Viện Toán Orsay, ĐH Paris-Sud 11

Người ta cũng nhắc đến sự tiếp nối truyền thống học thuật của hai người.

Ông Villani, hiện là Giám đốc Viện Institut Henri Poincaré (UPMC/CNRS), chuyên gia toán xác suất, là học trò của GS Pierre-Louis Lions, người từng đoạt giải Fields năm 1994.

Còn Ngô Bảo Châu được giới thiệu là hoàn tất bằng tiến sĩ dưới sự hướng dẫn của GS Gérard Laumon.

Nếu như Ngô Bảo Châu được một phần dư luận ở Việt Nam coi là hiện tượng đặc biệt thì với giới chuyên môn Pháp, điều không kém phần đáng ghi nhận là môi trường làm việc của ông, tức Viện Toán Orsay thuộc ĐH Paris-Sud 11.

Trong số 22 nhà toán học có công trình được mời tham gia hội nghị toán học quốc tế tại Ấn Độ năm nay, 13 người có bằng tại ĐH Paris-Sud 11 hoặc đang là giáo sư tại đó.

Ví dụ của Smirnov và Ngô Bảo Châu cho thấy câu chuyện về việc quê gốc hay quốc tịch của người được giải không phải là điều quan trọng với giới khoa học.

Smirnov gốc Nga nhưng làm giáo sư ở Thuỵ Sĩ còn Lindenstrauss nghiên cứu cả ở Hoa Kỳ và Israel.

Chính thức mà nói thì Ngô Bảo Châu là người châu Á thứ tư được giải Fields sau ba người Nhật nhưng nếu tính cả người gốc Á Đông thì ông là người thứ năm.

Năm 2006, Terence Tao, (Terence Chi-shen Tao – Đào Triết Hiên) trở thành nhà toán học trẻ nhất nhận huy chương Fields năm 31 tuổi.

Cho tới thời điểm đó, ông Tao, sinh tại Adelaide nhưng làm bằng tiến sĩ ở Đại học Princeton và sống từ đó tại Mỹ, cũng được báo Úc coi là ‘người Úc đầu tiên’ nhận giải thưởng toán học này.

_______________________________________

Posted in Chuyện giáo dục, Chuyện đất nước, Giáo dục các nước, Giáo dục Việt Nam, Khoa học & Công nghệ, Người Việt hải ngoại | Thẻ: , , | Leave a Comment »

Tướng Giáp trong dư luận Pháp

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Tám 31, 2010

Đặng Tiến

Hình ảnh tướng Giáp xuất hiện lần đầu trên sách báo phương Tây có lẽ là tấm ảnh chụp chung với tướng Leclerc, khi hai vị lãnh đạo quân đội cùng đi duyệt binh tại Hà Nội ngày 22 tháng 3-1946, trước những đơn vị Pháp vừa mới trở lại, và Việt Nam vừa mới thành lập.

Võ Nguyên Giáp thời ấy chưa có quân hàm, mặc thường phục, đội mũ phớt cố hữu, và Leclerc chào quốc kỳ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, lá cờ cũng mới được chính thức công bố trước đó.
Jean Sainteny, Đặc ủy Cộng Hòa Pháp tại Bắc Bộ, có mặt hàng đầu bức hình, kể lại: “Cuộc duyệt binh có sự tham dự” của tiểu đoàn Việt Nam đầu tiên, gồm hầu hết là cựu binh sĩ khố đỏ, hàng ngũ chỉnh tề. Võ Nguyên Giáp, bộ trưởng quốc phòng, đi cạnh Leclerc (…) ; quốc thiều Việt Pháp đã trổi lên và quan khách đứng nghiêm trước đài tử sĩ Việt Pháp. Giáp nghiêm nghị và tươi cười, mũ phớt chụp xuống tận tai, chào với nắm tay ».

Cuốn Lịch sử một hòa đàm dang dở của tác giả Jean Sainteny, xuất bản năm 1953, tóm tắt một bi kịch lịch sử kéo dài 30 năm. Cuối sách có phụ lục tiểu sử tướng Giáp (đến năm 1948) « người nhỏ thó nhưng rắn rỏi, Võ Nguyên Giáp kết hợp óc thông minh xuất chúng với ý chí sắt đá và cá tính can trường ».

Sainteny là chính khách uy tín, đã trở lại Hà Nội làm Tổng đại diện cho Pháp, 1954-1958, và sau đó tới năm 1966 là Đặc phái viên của Tổng thống De Gaulle tại Miền Bắc.

Trong hình, bên cạnh Sainteny là tướng Salan, thời ấy là thiếu tướng Tư lệnh quân lực Pháp tại Bắc Bộ, có nói thêm: “tiểu đoàn Việt minh có lúc ngừng bước, dập nhịp để hát vang một đoạn ca giải phóng, rất gây ấn tượng”, như theo cuốn Mémoire (Hồi ức) của tướng Raoul Salan, xuất bản năm 1971.

Tướng Salan lăn lộn trên chiến trường Đông Dương từ 1924, cấp bậc trung úy; trong Hồi Ức I (viết đến thời kỳ năm 1946), ông nói nhiều đến những cố gắng thương thảo giữa hai bên Việt Pháp vào năm 1946 với nhiều cảm tình và kỷ niệm tốt đẹp với tướng Giáp.

Một ví dụ là chuyện đang hội họp căng thẳng thì cận vệ vào báo tin vợ ông sinh con gái; tướng Giáp chúc mừng và mấy hôm sau gửi tặng vợ ông một bức bình phong sơn mài rất đẹp tả cảnh nông thôn miền Bắc. Chuyện nhỏ thôi, nhưng ngày nay đọc lại vẫn cảm động.

Hồi Ức II (1946-1954) kể lại chi li cuộc chiến tranh Việt Pháp, khách đối tác trở thành địch thủ, khi thắng khi thua, nhưng lời lẽ lúc nào cũng tao nhã. Khi Salan qua đời, 1985, tướng Giáp có gửi người viếng tang và phân ưu.

Khách mã thượng một thời

Gần đây hơn, tướng Marcel Bigeard đã tham dự mặt trận Điện Biên Phủ ở cấp tá, trong hổi ký Một mảnh vinh quang, viết 1973, nhắc lại trận Trung Lào đầu 1954, một tướng lãnh Pháp đã reo mừng: “cho Việt Minh đo ván”.

“Giáp từ ấy đã tồn tại hai mươi lăm năm, đã thua điểm đôi khi, thậm chí đo ván, nhưng ông luôn luôn rút ra bài học, giành lại ưu thế để đến chung cuộc trở thành một tướng lãnh không ai bì kịp, sau khi đã canh tân, đã chỉ huy trong một phần tư thế kỷ cuộc chiến với người Pháp, người Mỹ. Xin ngả mũ chào ông, ông Giáp”, theo tác giả Marcel Bigeard trong cuốn Pour une parcelle de gloire, xuất bản tại Paris năm 1975.

Giáp, từ lâu người Pháp vẫn có thói quen gọi tên ông như vậy, lý do chính là dễ phát âm, dễ nhớ, dễ viết, hơn nữa, họ dùng tên này khi vị đại tướng chưa có quân hàm, như trong sách Sainteny, Salan. Cũng có người gọi xách mé, về sau, khi quân Việt Nam, đêm 19-12-1946, tổng công kích vào người Pháp.

Dần dần tên Giáp thành cách gọi thông dụng của sách báo phương Tây, kể cả dưới ngòi bút những tướng lãnh, hay sử gia kinh viện. Có khi tên Giáp đồng nghĩa với Việt Minh; thậm chí với Việt Nam.

Sử gia người Pháp, Georges Boudarel, có nhiều kiến thức về Việt Nam, đã từng tham dự chiến cuộc Việt Pháp về phía Việt Minh, có một tác phẩm, tựa đề vỏn vẹn một chữ: Giáp, chiếm trọn bìa sách, trên nền hình vị tướng, xuất bản năm 1977 tại Paris.

Người đánh giá tướng Giáp dè dặt nhất có lẽ là Bernard Fall, sử gia Pháp lai Mỹ, giáo sư Đại Học Howard, tử thương năm 1967 tại mặt trận Quảng Trị, chuyên gia hàng đầu về chiến tranh Việt Nam từ 1953 với cuốn « Đại lộ buồn thiu » (1961) và nhiều tác phẩm khác.

Theo Bernard Fall, tướng Giáp không phải là người sáng tạo ra thuyết chiến tranh nhân dân như nhiều người thường nói; tác giả của nó là Trường Chinh, với cuốn sách mỏng Kháng chiến nhất định thắng lợi (1947), lấy lại ý của Mao Trạch Đông từ Trường kỳ kháng chiến, với ba giai đoạn đưa đến tổng tấn công.

Sách của tướng Võ Nguyên Giáp (1951 và 1952), chỉ phát triển những tư tưởng sẵn có. Theo Fall: “sự đóng góp sáng giá nhất của Giáp trong chiến tranh cách mạng có lẽ là đã nhận định được thế yếu của những chế độ dân chủ khi phải đương đầu với một chiến cuộc vô hạn định. Trong chế độ dân chủ, dân chúng sẽ đòi hỏi chính quyền phải chấm dứt ‘cuộc đổ máu vô ích’, quốc hội sẽ chất vấn (…) Điều này đúng với 1967 cũng như đã đúng với 1951” (trích dẫn từ Les deux Vietnam, Bernard Fall, xuất bản năm 1967 tại Paris.

“Giáp đã phạm sai lầm lớn lao khi ngỡ là người Pháp đã chín muồi cho giai đoạn thứ ba (tổng tấn công) từ mùa xuân 1951), và đã tổn phí một phần lớn của ba sư đoàn mới thành lập”, chống lại quân chính quy của tướng De Lattre, trong hai chiến dịch Hoàng hoa Thám, vẫn theo Bernard Fall.

Những dè dặt của Bernard Fall nhắc nhở chúng ta chừng mực trong việc xưng tụng tài ba của vị “tướng quân huyền thoại” được tác giả người Anh, Ducan Towon, xếp vào số 21 danh tướng thế giới qua 25 thế kỷ. Bách khoa Toàn thư Anh, 1985, tập 10, ghi tên hai danh tướng Việt Nam: Trần Hưng Đạo và Võ Nguyên Giáp.

Người Việt Nam kính trọng Đại Tướng, không những vì tài thao lược và những chiến công mà còn vì nhiều lý do khác, tâm cảm hướng về một lãnh tụ bình dị, ngay thẳng, tiến bộ, luôn luôn tận tụy với đất nước, suốt cuộc đời sẽ còn dài hơn thế kỷ.

__________________________________________________

Posted in Chuyện lịch sử | Thẻ: , , | Leave a Comment »

Tân Tổng giám đốc Vinashin bị đình chỉ chức vụ

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Tám 31, 2010

Lê Nhung

– Theo nguồn tin từ Văn phòng Chính phủ xác nhận với VietNamNet, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa ký quyết định đình chỉ chức vụ thành viên hội đồng quản trị đối với ông Trần Quang Vũ, người giữ chức Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) mới được 2 tháng nay.

Thủ tướng cũng đề nghị Hội đồng quản trị Vinashin đình chỉ chức Tổng giám đốc đối với ông Vũ.
Việc đình chỉ là để phục vụ công tác điều tra một số sai phạm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao.
Một thành viên Hội đồng quản trị khác của Tập đoàn Vinashin, ông Trần Văn Liêm, Trưởng ban Kiểm soát, cũng bị đình chỉ chức vụ trong dịp này.
Nguyên nhân khiến các cá nhân bị đình chỉ chức vụ không được nêu rõ nhưng được cho là có liên quan đến những sai phạm trong quản lý, điều hành Vinashin.
Ông Trần Quang Vũ trước đây là Tổng giám đốc Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Nam Triệu (NASICO), thuộc tập đoàn Vinashin. Tổng công ty này cũng hoạt động, kinh doanh đa ngành: đóng tàu, sửa chữa tàu biển, cung ứng dịch vụ hàng hải, xây lắp công trình điện, du lịch và khách sạn, xuất nhập khẩu…
Tổng công ty này cũng đã gặp khó khăn rất lớn và năng lực yếu kém, thể hiện qua việc đóng tàu chờ dầu FSO-5 cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam quá hạn 20 tháng mà đến nay chưa xong.
Trả lời báo chí, ông Vũ đã từng thừa nhận: “FSO-5 có thể hiểu đó là thất bại chung của chúng tôi. Trước khi đưa về tổng công ty Nam Triệu quản lý thì việc đóng con tàu này có trục trặc và đúng lúc gặp khó khăn do tác động khủng hoảng tài chính, trên tập đoàn cũng khó khăn, nên nguồn tiền cấp cho nó để triển khai có bị chậm. Chứ về mặt kỹ thuật, có thể coi FSO-5 là rất thành công. Cho nên, một vấn đề rút kinh nghiệm là cải cách hệ thống quản lý, trao quyền chủ động cho doanh nghiệp”.
Ông Vũ chính thức nhận nhiệm vụ điều hành Tập đoàn vào đầu tháng 7, khi Vinashin vừa quyết định tái cơ cấu và Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị kỷ luật Chủ tịch Hội đồng quản trị Phạm Thanh Bình.
Tại phiên họp báo Chính phủ ngày 4/8 vừa qua, trả lời báo giới xung quanh thông tin một số sai phạm của tân Tổng giám đốc Trần Quang Vũ khi điều hành công ty Nam Triệu, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng khẳng định: “Tân Tổng giám đốc Trần Quang Vũ khi ở Nam Triệu có liên quan vấn đề tài chính nào không thì cơ quan thanh tra đang điều tra. Chủ trương của Chính phủ là phải xử lý nghiêm minh những người vi phạm pháp luật để làm rõ”.
– Ngày 18/6/2010, Thủ tướng có Quyết định số 926/QĐ-TTg về việc tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam. Trong đó yêu cầu chuyển 12 công ty con của Vinashin về Tập đoàn Dầu khí (PVN) và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines). Việc chuyển giao này phải được hoàn tất trong quý 3 năm nay.
– Ngày 1/7/2010, ông Trần Quang Vũ nhận chức Tổng giám đốc Vinashin.
– Ngày 5/7, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã ra thông báo đề nghị xử lý kỷ luật đối với Chủ tịch Hội đồng quản trị, ông Phạm Thanh Bình.
– Chiều 13/7, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ra quyết định đình chỉ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinashin đối với ông Phạm Thanh Bình để kiểm điểm trách nhiệm và thanh tra, điều tra, làm rõ các sai phạm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao. Đồng thời, Thủ tướng cũng phân công ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ GTVT kiêm nhiệm chức Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinashin.
– Tối 4/8, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an tống đạt quyết định khởi tố bị can, lệnh khám xét và bắt tạm giam thời hạn 4 tháng đối với ông Phạm Thanh Bình.
– Ngày 16/8, Thủ tướng ký ban hành Chỉ thị về việc thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị đối với Vinashin. Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng để báo cáo Thủ tướng trong quý 4 phương án cơ cấu lại Tập đoàn.
– Ngày 17/8, Ban Chỉ đạo tái cơ cấu Vinashin do Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, Trưởng ban đã có cuộc họp đầu tiên với Tập đoàn.

___________________________________________

Posted in Chuyện đất nước, Kinh tế | Thẻ: , , | Leave a Comment »

Chính sách ‘ba không’ của quốc phòng Việt Nam

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Tám 28, 2010

Phát biểu trước báo giới trong chuyến thăm Trung Quốc, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh khẳng định chính sách “ba không” của Việt Nam, và nhấn mạnh rằng mối quan hệ quốc phòng giữa hai nước láng giềng là “tốt đẹp”.

Chính sách “ba không” mà Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh nhắc đến, bao gồm: không tham gia các liên minh quân sự, không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào, không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam và không dựa vào nước này để chống nước kia.
Đây cũng là câu trả lời cho câu hỏi của phóng viên liên quan đến việc Việt Nam có liên minh quân sự với Mỹ hay không, cũng như phản ứng của Việt Nam trước sự lớn mạnh không ngừng của quốc phòng Trung Quốc.

Cuộc họp báo trên diễn ra trong chuyến thăm của Đoàn đại biểu Bộ quốc phòng Việt Nam do Trung tướng Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh dẫn đầu sang thăm Trung Quốc từ ngày 22-25/8 để chuẩn bị cho Hội nghị Bộ trưởng quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) dự kiến tổ chức tại Hà Nội vào 12/10 tới.

Trong thời gian ở thăm, Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh đã có cuộc hội đàm với Phó tổng tham mưu trưởng quân giải phóng Trung Quốc Mã Hiểu Thiên, gặp Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt.

Trong các buổi hội đàm và tiếp xúc, phía Việt Nam nhận thấy, những quan điểm mà Trung Quốc đưa ra phù hợp với quan điểm và các vấn đề mà ASEAN đã thống nhất. Trung Quốc bày tỏ ủng hộ Việt Nam với tư cách là nước chủ nhà tổ chức thành công hội nghị lần này.

Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh đã chuyển lời mời tham dự hội nghị và thăm chính thức Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh tới Bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt.

Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh nói, Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng, có “đại cục quan hệ tốt đẹp”, Việt Nam ủng hộ trước sự phát triển của Trung Quốc, trong đó có phát triển quốc phòng. Sự ủng hộ ấy xuất phát từ lòng mong muốn và niềm tin Trung Quốc không sử dụng sức mạnh của mình để làm phương hại đến lợi ích của các nước khác, không làm phương hại đến hoà bình, ổn định của khu vực và trên thế giới. Trung Quốc có vai trò to lớn trong Hội nghị Bộ trưởng quốc phòng ASEAN mở rộng, nếu như Trung Quốc sử dụng sức mạnh quốc phòng của mình để tham gia vào cứu hộ, cứu nạn, cứu trợ thảm hoạ thì là điều rất tốt cho cả Trung Quốc và khu vực.

Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh cho biết quan hệ quốc phòng Việt Nam -Trung Quốc đang có bước phát triển tốt đẹp. Sự giao lưu hai bên diễn ra thường xuyên liên tục. Bộ trưởng Bộ quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh tháng 4 vừa qua đã có chuyến thăm đến Trung Quốc. Cuối năm nay, Việt Nam và Trung Quốc sẽ tổ chức đối thoại chiến lược quốc phòng lần thứ 4, và đây là lần đối thoại cấp thứ trưởng đầu tiên giữa hai bên. Các hoạt động trên sẽ góp phần quan trọng trong việc xây dựng niềm tin, tăng cường quan hệ quốc phòng nói riêng và quan hệ hai nước nói chung.

(Theo VOV)
______________________________________________

Posted in Chuyện đất nước, Quốc phòng các nước, Việt Nam và thế giới | Thẻ: , , , | Leave a Comment »

Quy hoạch Hà Nội: Ai đã “giác ngộ”, Ai vẫn “U mê”?

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Tám 28, 2010

Phác Nguyên

Theo cảm nhận của người trong nghề, chúng tôi thấy có lẽ đồ án quy hoạch thủ đô sau khi sửa vẫn chỉ là “bình mới, rượu cũ”. Cái mới có chăng chỉ là thay tên đổi họ khu đất và con đường. Cái cũ chính là cấu trúc đô thị và sự hoang phí ngày càng gia tăng. Vì vậy, Hà Nội có nói về những cái cũ cũng không có gì lạ.

LTS: Những thông tin liên quan đến Đồ án quy hoạch chung Hà Nội luôn thu hút sự quan tâm hàng đầu của người dân. Những phát biểu mới nhất của lãnh đạo Hà Nội và Bộ Xây dựng liên quan đến đồ án này đang thu hút sự chú ý của công luận. Tôn trọng tính đa chiều của thông tin, Tuần Việt Nam xin giới thiệu góc nhìn của kiến trúc sư Phác Nguyên liên quan đến chủ đề này để mọi người cũng suy ngẫm.

Hôm 20/08/2010, báo Tiền Phong có bài: “Đồ án quy hoạch chung Thủ đô: Hà Nội phản đối dời đô lên Ba Vì”. Thế nhưng, cũng trên tờ báo này hôm 21/08/2010 lại có tin “Bộ Xây dựng bảo lưu tuyến đường Hồ Tây – Ba Vì”.
Tiếp theo hàng loạt các trang mạng khác đều đồng loạt đưa tin cùng nội dung. Chúng tôi, những người vẫn dõi theo đồ án này đi từ vui mừng đến thất vọng. Thật đúng là “Ngày vui ngắn chẳng tày gang”.
Vui mừng vì:
“UBND TP Hà Nội cho rằng, trung tâm chính trị – hành chính quốc gia luôn là chỉnh thể thống nhất, không tách rời. Trong đồ án cần khẳng định Ba Đình hiện tại cũng như lâu dài vẫn là trung tâm đầu não chính trị – hành chính quốc gia. Về vấn đề Ba Vì sẽ là khu dự trữ để xây dựng Trung tâm hành chính quốc gia, UBND TP Hà Nội cho rằng Ba Vì không đủ các điều kiện thuận lợi về khí hậu, lịch sử, truyền thống, khả năng tiếp cận với các loại hình giao thông; khả năng kết nối các vùng xung quanh, khả năng gắn với một đô thị hành chính. Đồng thời nếu xây dựng các cơ quan hành chính tại đó sẽ ảnh hưởng tới vùng sinh thái tự nhiên đặc biệt của Quốc gia và ảnh hưởng đến môi trường của Hà Nội”. (VNR 500).
Và, “UBND TP phân tích khá chặt chẽ, hiện có 2 khu vực đáp ứng yêu cầu xây dựng trụ sở cơ quan bộ, ngành của Chính phủ là tây hồ Tây và khu vực kề cận Trung tâm Hội nghị quốc gia tại Mỹ Đình – Mễ Trì (Từ Liêm). Các khu vực này đủ điều kiện quỹ đất và các tiêu chí khác để xây dựng tổ hợp công trình hiện đại với các loại hình giao thông công cộng đặc biệt, đủ đáp ứng liên kết nơi làm việc của Chính phủ và trung tâm chính trị tại Ba Đình”.
“Dẫn chứng con số đề xuất của đồ án “năm 2030, cần sử dụng 800-810 km2 trong tổng số 1.200 km2 đất đô thị”, thành phố Hà Nội cho rằng, như vậy, trong vòng 20 năm tới, diện tích đất đô thị mở rộng lên tới 4,5 lần (hiện là 180 km2) và dân số tăng 2,5 lần. Từ phân tích này, UBND TP nhấn mạnh, “cần chứng minh, phân tích tính khả thi, phát triển bền vững, tiết kiệm đất và những tác động tiêu cực về kinh tế – xã hội với tốc độ phát triển và quy mô đất đô thị quá lớn”. (Lao động).
“Theo phân tích của lãnh đạo TP Hà Nội, trục đường nối Hồ Tây – Ba Vì (trục Thăng Long-PV) là hệ quả gắn liền với việc quyết định vị trí Trung tâm hành chính Quốc gia, ảnh hưởng lớn tới những lĩnh vực kinh tế – xã hội và phát triển đô thị bền vững. Vì vậy, khi đã khẳng định không xây dựng Trung tâm hành chính Quốc gia mới tại Ba Vì thì việc xây dựng trục này không có ý nghĩa về công năng và về kinh tế – chính trị – xã hội”. (Vnmedia)
Chúng tôi thấy rằng Nhân dân và Lãnh đạo Thủ đô Hà Nội rất có trách nhiệm và tôn trọng chân lý. Một thái độ thực sự cầu thị và rất có dũng khí (có lẽ đây là lần đầu tiên một địa phương “dám cãi” một cách công khai với Bộ Xây dựng về quy hoạch). Chắc rằng, đây không phải ý kiến của một vài cá nhân mà là ý chí của tập thể lãnh đạo TP Hà Nội. Những ý kiến này, giờ đây không chỉ thể hiện mong muốn của toàn thể nhân dân thủ đô mà còn là ý nguyện của nhân dân cả nước.
Nhưng cũng thất vọng vì:
Trong các bài đăng phỏng vấn ông Thứ trưởng Bộ Xây dựng chứa đựng những thông tin mà bất kể ai quan tâm đều nhận thấy: các nội dung, ý kiến mà công luận, các đại biểu quốc hội, các tổ chức chuyên môn, nghề nghiệp góp ý cho đồ án quy hoạch Hà Nội trong thời gian qua đã không được Bộ Xây dựng tiếp thu nghiêm túc:
Thứ nhất, Trục Thăng Long vẫn giữ nguyên cấu trúc và quy mô, chỉ thay tên gọi thành tuyến đường Hồ Tây- Ba Vì;
Thứ hai, Trung tâm Hành chính quốc gia (1.000 ha cũng chỉ đổi tên), khu vực này giờ chuyển thành Khu đất dự trữ (!!?);
(Ai cũng dễ dàng nhận thấy chừng nào hai yếu tố nói trên cùng song song tồn tại thì ý đồ “dời đô” vẫn còn lẩn quất, ẩn họa đâu đây; Chỉ cần đổi tên lại là xong; Như vậy, để ngăn chặn ý đồ “dời đô” cần hủy bỏ triệt để ý tưởng khu dự trữ cho Trung tâm Hành chính quốc gia tại Ba Vì và tuyến đường Hồ Tây – Ba Vì);
Thứ ba, “ông Nguyễn Đình Toàn cho rằng, một số góp ý của Hà Nội đối với đồ án quy hoạch chung là không phù hợp, bởi sản phẩm mới nhất của đồ án đã được điều chỉnh sau khi xin ý kiến Quốc hội” (VNR 500).
Chúng tôi cảm thấy chưa đúng, bởi lẽ các góp ý, kiến nghị của thành phố Hà Nội đều xuất phát từ tinh thần cầu thị và đáng được tôn trọng, tiếp thu từ ý kiến của công luận, các tổ chức chuyên môn và các đại biểu Quốc hội. Xin nhắc lại, các nội dung tồn tại của đồ án tập trung trong 7 vấn đề sau:
1) Sự phi lý trong đề xuất khái niệm, lựa chọn vị trí Trung tâm Hành chính quốc gia tại Ba Vì (dù có đổi tên thành Khu dự trữ vẫn không sửa được sai lầm trong tư duy về cấu trúc đô thị thủ đô);
2) Chưa có quy hoạch hoàn thiện và mở rộng Trung tâm Chính trị – hành chính (Ba Đình và phụ cận) cũng như các trung tâm khác của Thủ đô;
3) Quy hoạch tràn lan, dàn trải; Hoang phí tài nguyên (điển hình là sử dụng đất nông nghiệp, đất trồng lúa);
4) Thiếu các luận cứ khoa học thực hiện quy hoạch (xác định quy mô đô thị, quy hoạch phát triển);
5) Thiếu các giải pháp khả thi, giải quyết các vấn nạn của đô thị (tắc đường, ngập nước, ô nhiễm môi trường – Bởi đồ án đã không nêu được các nguyên nhân cốt lõi gây ra các vấn nạn (căn bệnh) này của đô thị Việt Nam mà chính Quy hoạch chung Hà Nội hiện cũng đang mắc phải);
6) Sự phi lý (không chỉ ở tên gọi) của Trục Thăng Long (tuyến đường Hồ Tây – Ba Vì);
7) Thiếu cơ sở về nguồn lực thực tế (nguy cơ làm suy giảm sức mạnh quốc gia do triển khai mở rộng thiếu tính thực tiễn, hoang tưởng về quy mô đô thị);
Các nội dung này, trong thời gian qua đã được đông đảo người dân, giới trí thức, các cơ quan chuyên môn phân tích rất kỹ lưỡng. Chúng tôi xin không nhắc lại. Nhưng, điều mà Bộ Xây dựng nói đã tiếp thu ý kiến Quốc hội nằm ở chỗ nào khi các vấn đề nêu trên vẫn chưa được giải quyết thấu đáo.
Thứ tư, thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn cho rằng: “Văn bản của TP Hà Nội vẫn dựa trên những hồ sơ, tên gọi cũ, chưa được cập nhật những sản phẩm mới mà tư vấn – thiết kế đã làm”.
Về điều này, có 3 giả thuyết:
1) Có thể ông Toàn chưa đọc kỹ văn bản của UBND TP Hà Nội, theo các tài liệu đăng tải trên các báo thì trong văn bản của UBND TP Hà Nội đều gọi đúng tên cũ và tên sửa đổi (xem ở trên);
2) Cách thức tổ chức, quản lý thực hiện của Bộ Xây dựng có vấn đề, bởi trong Ban chỉ đạo, Hội đồng thẩm định nhà nước và Nhóm tư vấn quy hoạch luôn có thành phần của Hà Nội (phải chăng Bộ Xây dựng không cộng tác với Hà Nội?);
3) Vì Bộ Xây dựng khăng khăng bảo lưu ý tưởng phi lý này (ý tưởng Dời đô = Khu dự trữ (TTHCQG) + Tuyến đường Hồ Tây – Ba Vì (TTL). Dù có đổi tên nhưng bản chất vẫn thế) khiến TP Hà Nội không còn cách nào khác là phải làm kiến nghị gửi Chính phủ.
Theo cảm nhận của người trong nghề, chúng tôi thấy có lẽ đồ án quy hoạch sau khi sửa vẫn chỉ là “bình mới, rượu cũ”. Cái mới có chăng chỉ là thay tên đổi họ khu đất và con đường. Cái cũ chính là cấu trúc đô thị và sự hoang phí ngày càng gia tăng. Vì vậy, Hà Nội có nói về những cái cũ cũng không có gì lạ.
Thứ năm, đối với trục đường nối Hồ Tây – Ba Vì (Trục Thăng Long cũ) ông Toàn có nói “Dù không có Trung tâm hành chính mới tại Ba Vì thì tuyến đường này vẫn rất cần thiết. Tuyến đường này có 3 chức năng. Thứ nhất là giao thông, giải thoát cho giao thông phía tây thủ đô. Thứ hai là vấn đề kỹ thuật. Bên dưới tuyến đường là các đường ống dẫn nước từ sông Đà về nội đô để cấp nước sạch cho thành phố, hệ thống nước thải, cáp điện ngầm cũng chôn dưới tuyến đường này. Thứ ba là tuyến này tạo các điểm nhấn là các trung tâm vui chơi, giải trí, văn hóa. Tuyến Hồ Tây – Ba Vì (có đoạn Vân Canh- Vành đai 4 lớn nhất rộng 350 m, dài 3,5 km) để xây dựng các công trình văn hóa, giải trí phục vụ nhân dân thủ đô”. (Tiền Phong).
Đây là những kiến thức rất cơ bản, bởi với chức năng trung tâm vui chơi giải trí, văn hóa (thường dành cho không gian đi bộ) sẽ luôn mâu thuẫn với chức năng giao thông. Vả lại, nếu là chức năng giao thông thì phải được tính toán ngay từ đầu, tại sao đến phút chót mới nghĩ ra, bởi đây là nhiệm vụ cơ bản của các nhà kỹ thuật đô thị (cần xem lại năng lực hành nghề của cơ quan tư vấn hoặc có sự ngụy tạo sản phẩm của các nhà tư vấn quốc tế không?). Thứ nữa, hệ thống cấp nước từ Sông Đà đã, đang được thi công lắp đặt tại Đại Lộ Thăng Long (tuyến Láng – Hòa Lạc cũ), nước thải hay cáp điện thì tuyến đường nào cũng có.
Việc lý giải “Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản đã làm tuyến đường tương tự như tuyến này” xem ra không thuyết phục. Xin dẫn chứng, đại lộ Champs – Elysées (Pháp) thẳng nhưng không dài. Đường Trường An (Trung Quốc) dài nhưng không “thẳng tắp” như đã có lần ông Toàn khẳng định. Hàn Quốc có tiếng là kỷ luật và thủ đô của họ lại chật chội. Nhật Bản là một dân tộc tiết kiệm, không “vén tay áo xô, đốt nhà tang giấy”. Vậy nên, trên toàn thế giới không đâu có một tuyến đường phi lý cả về mặt kỹ thuật và văn hóa như vậy. Bảo vệ cho sự tồn tại của tuyến đường này chỉ là ngụy lý và hoang phí bởi 1000 ha đất và vốn đầu tư >10.000 tỷ đồng không phải chuyện chơi.
Hà Nội hoàn toàn sáng suốt khi khẳng định tuyến đường này chỉ có lý khi tồn tại theo quy hoạch cũ (tức khi còn Trung tâm Hành chính quốc gia được đặt tại Ba Vì).
Thứ sáu, quỹ đất dự trữ trong quy hoạch đô thị (quy hoạch chung cho các thành phố khác với các khu đô thị). Các quỹ đất dự trữ cho trung tâm không thể đưa ra ngoài mà phải được trù liệu nội tại, liền kề (bán kính <6~8km) để đảm bảo sự ổn định cấu trúc thành phố. Khi đưa trung tâm ra ngoài tức tạo ra một đô thị, thành phố khác (Vì vậy không thể có chuyện có khu đất dự trữ cho Trung tâm chính trị – hành chính Ba Đình lại nằm ở Ba Vì (cách tới 40km) – Ai cũng hiểu ngầm ý "dời đô" khi tư vấn đề xuất ý tưởng này – dù có bao biện, lý giải thế nào).
Việc Hà Nội đề xuất: "hiện có 2 khu vực đáp ứng yêu cầu xây dựng trụ sở cơ quan bộ, ngành của Chính phủ là Tây Hồ Tây và khu vực kề cận Trung tâm Hội nghị quốc gia tại Mỹ Đình – Mễ Trì (Từ Liêm)" là hoàn toàn nhất quán (trong các quy hoạch trước đây cũng đã có lựa chọn như vây).
Đáng tiếc rằng Bộ Xây dựng chưa nhận ra điều này(?).
Thứ bảy, ông Toàn nói tiếp "Hiện Hà Nội đang mời các nhà đầu tư làm các tuyến đường vành đai 4 và 3,5. Nhà đầu tư sẵn sàng làm theo phương thức BT, đổi đất lấy hạ tầng. Nhà nước không mất đồng nào cả. Vấn đề là đầu tư đúng hướng và thực hiện đúng quy hoạch. Chúng ta có thể phân kỳ để làm trục này, bước đầu chỉ làm 2-4 làn, còn lại trồng cây ở giữa để giữ đất".
Lập luận như vậy xem ra không phù hợp thời cuộc hiện nay. Việc đổi đất lấy hạ tầng chỉ phù hợp với giai đoạn đầu những năm 90 của thế kỷ trước. Với nhu cầu vốn cho hạ tầng ước tính 90 tỷ USD mà nghĩ đến giải pháp này là ngây thơ. Tổng mức đầu tư cho thành phố trong vòng 20 năm theo nhu cầu đất của quy hoạch đề ra tương ứng không thể thấp hơn 1000 tỷ USD. Với GDP (chỉ được tính trên thặng dư <10% tức < 10 tỷ USD) của Việt Nam, tính cả lượng kiều hối. FDI cũng không thể biến ý tưởng này thành hiện thực bởi Việt Nam không chỉ có Hà Nội.
Việc đề xuất một quỹ đất quá lớn sẽ tạo ra sự hoang phí, nạn đầu cơ, tham nhũng, làm suy yếu nguồn lực của đất nước. Hình thành bong bóng bất động sản nhanh chóng và chúng ta sẽ khánh kiệt. Đô thị sẽ bị bỏ hoang (hiện nay đã xảy ra). Trong khi, người nông dân mất ruộng, an ninh lương thực bị đe dọa không chỉ ở thủ đô mà sẽ trên phạm vi cả nước vì quy hoạch Hà Nội đã nêu tấm gương xấu về thiêu hủy tài nguyên một cách vô trách nhiệm. Và điều này còn làm phương hại tới an ninh.
Thứ tám, với một đồ án tầm cỡ như thế này, không thể thực hiện một cách vội vã và chiếu lệ. Việc thu xếp bằng sự khôn khéo không thay thế được thực chất. Các phiếu xin ý kiến nhân dân (tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh) đều có mẫu định sẵn, trong khi cung cấp thiếu thông tin (hiện nay, vẫn không có các thông tin cơ bản về đất đai, nhất là đất nông nghiệp, đất trồng lúa bị thu hồi để phát triển đô thị) vì vậy độ tin cậy rất thấp, không thể lấy làm cơ sở biện minh cho những bất cập của đồ án.
Trái ngược với sự "giác ngộ" của Hà Nội, xem ra Bộ Xây dựng vẫn còn trong cơn "u mê" của trận đồ bát quái. Điều này lý giải vì sao các vấn nạn của các đô thị Việt Nam đang trong trạng thái vô phương cứu chữa.
Thứ chín, "Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn vừa có văn bản xin phép Thủ tướng Chính phủ cho nhập khẩu mô hình đồ án quy hoạch chung Hà Nội để trưng bày tại cung Quy hoạch xây dựng quốc gia". "Hiện toàn bộ lô hàng mô hình trên đã cập cảng Hải Phòng". (Landtoday).
Thông tin này khiến một lần nữa khiến chúng tôi kinh ngạc và thất vọng, bởi như vậy câu chuyện "Trình quốc hội chỉ để tham khảo" là có thật (?)
"Trong khi các ý kiến về Đồ án quy hoạch chung này đang nằm trong quá trình xem xét và phản biện, Chính phủ chưa phê duyệt thì việc khuếch trương làm mô hình quy hoạch của Bộ Xây dựng chẳng khác gì là sự thách thức đối với dư luận và những nhà chuyên môn". (Thanh Niên).
Đã đến lúc cần xem xét lại năng lực, trách nhiệm của những người được giao quản lý và thực hiện đồ án này trước khi quá muộn. Nước ta đã có quá nhiều bài học cay đắng như thế này rồi!
Bộ Xây dựng có "lách luật"?
Như con số mà UBND TP Hà Nội đã nêu ("năm 2030, cần sử dụng 800-810 km2 trong tổng số 1.200 km2 đất đô thị", thành phố Hà Nội cho rằng, như vậy, trong vòng 20 năm tới, diện tích đất đô thị mở rộng lên tới 4,5 lần (hiện là 180 km2) và dân số tăng 2,5 lần.
Như vậy, quỹ đất đô thị tăng lên so với mấy tháng trước đây (khi trình bày với quốc hội là 920 km2) tới 280 km2. Đề xuất này của quy hoạch là cảm tính hoàn toàn thiếu cơ sở thực tiễn và có thể gây ra hiểm họa về môi trường tự nhiên và biến động xã hội không lường trước được. Quy hoạch sử dụng đất như thế này chắc chắn là sản phẩm tư duy của những người quen ở môi trường quan liêu, bao cấp, không có khả năng làm quy hoạch thực sự. Các chuyên gia quy hoạch quốc tế không bao giờ có thể có suy nghĩ hoang phí như thế. Bởi tiết kiệm đất bao giờ cũng là tiêu chí hàng đầu xác định năng lực chuyên môn; Sự dễ dãi này chỉ có ở chúng ta mà thôi?
"Ngay khi thảo luận quy hoạch Hà Nội ở Chính phủ, tôi có phát biểu là dự án mở rộng quy hoạch Hà Nội là lấy quá nhiều đất nông nghiệp, lấy đến 43 nghìn ha đất nông nghiệp, trong đó 33 nghìn ha đất trồng lúa. Tôi đã đề nghị Chính phủ bổ sung, điều chỉnh quy hoạch Hà Nội để hạn chế lấy đất lúa", bộ trưởng Võ Hồng Phúc đã nói trước Quốc hội.
Trong khi đó, đại biểu QH Nguyễn Đình Xuân vẫn băn khoăn, "Hà Nội mở rộng có diện tích đất nông nghiệp rất lớn, đặc biệt là đất lúa. Vậy việc ứng xử như thế nào? Nói người dân và chính quyền địa phương phải giữ gìn đất lúa để đảm bảo an ninh lương thực, nhưng Hà Nội lại làm mất nhiều đất lúa quá".
Theo Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam "Hiện nay diện tích nông nghiệp của Thủ đô là 189 nghìn ha, đất trồng lúa là 117 nghìn ha, thế mà Quy hoạch đến năm 2030 lấn chiếm tới 73,5% diện tích đất nông nghiệp và 66% diện tích đất trồng lúa. Theo đó, diện tích đất nông nghiệp chỉ còn bảo tồn 50 nghìn ha và đất trồng lúa chỉ còn 40 nghìn ha".
Ngày 05/8/2008, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 26 – NQ/T.Ư "Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn". Phần mục tiêu đến năm 2020 nêu rõ: "sử dựng đất nông nghiệp tiết kiệm và hiệu quả; duy trì diện tích đất lúa, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia trước mắt và lâu dài".
Ngày 23/12/2009 Chính phủ đã có Nghị quyết Số: 63/NQ-CP về đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, trong đó ghi rõ "Diện tích đất lúa cần giữ, bảo vệ nghiêm ngặt phải được xác định cụ thể đến từng địa phương (cấp tỉnh, huyện, xã) và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất lúa đến hộ sử dụng".
Ngày 19/6/2010 Quốc hội đã có Nghị quyết số: 49/2010/QH12, về Dự án, công trình quan trọng quốc gia trình quốc hội chủ trương đầu tư; tại Điều 3. Tiêu chí về dự án, công trình quan trọng quốc gia đầu tư tại Việt Nam trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư (khoản 3 – Dự án, công trình sử dụng đất có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên với quy mô từ 500 hécta (ha) trở lên);
Như vậy, Quy hoạch Hà Nội với hơn 30 ~ 70 ngàn ha đất lúa bị đô thị hóa, Bộ Xây dựng sẽ giải quyết như thế nào để con voi chui qua lỗ kim. Chỉ tính riêng tuyến đường Hồ Tây – Ba Vì đã có hơn 500ha đất lúa bị mất. Hoang phí như thế này quả thực không có gì đáng hổ thẹn hơn. Đây thực sự là hiểm họa quốc gia và không phải chuyện của một nhóm người!
Tại các nước phát triển, các nhà quy hoạch chỉ được giao cho số đất được giới hạn, khống chế từ trước. Đất canh tác nông nghiệp không bao giờ được tùy tiện sử dụng cho đô thị, đây là nguyên tắc. Quỹ đất này, phải được Quốc hội thông qua, chấp thuận. Cao hơn, cần phải trưng cầu dân ý. Không thể giao quyền cho một vài cá nhân định đoạt một lượng đất khổng lồ như vậy.

______________________________________________

Posted in Chuyện đô thị, Chuyện đất nước, Hà Nội nghìn năm | Thẻ: , , , | Leave a Comment »

Du học tại chỗ không dễ dàng như một số người tưởng!

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Tám 28, 2010

K.Anh

Khái niệm “du học tại chỗ” đang ngày càng phổ biến tại Việt Nam. Điều này cho thấy nền Giáo dục nước ta ngày càng mở và nhận được sự quan tâm, liên kết từ các trường ĐH danh tiếng nước ngoài. Tuy nhiên cùng với đó, nhiều người lại cho rằng hình thức đào tạo này dường như là khá dễ, và chất lượng chưa thực sự tốt.

ĐH Thăng Long là trường có truyền thống trong việc hợp tác quốc tế và hiện cũng đang triển khai một số chương trình “du học tại chỗ”. Giáo sư – tiến sĩ Hoàng Xuân Sính, chủ tịch HĐQT trường ĐH Thăng Long đã có cuộc trao đổi với phóng viên Việt Nam net về vấn đề này.

– Xin Giáo sư cho biết quan điểm của mình về trào lưu du học tại chỗ đang được rất nhiều người quan tâm hiện nay?

Du học tại chỗ có nhiều lợi thế nên được nhiều người lựa chọn. Thứ nhất về kinh phí, do không phải mất tiền ăn ở nước ngoài, số tiền này lớn hơn tiền học phí rất nhiều và thêm nữa còn bớt được khoản đi lại bằng máy bay nên giúp người học tiết kiệm đáng kể chi phí so với du học ở nước ngoài.
Thứ hai, khi học tập trong nước, các bậc cha mẹ vừa quản lý được con em mình, sinh viên cũng không phải đối mặt với sự bỡ ngỡ nơi xứ lạ, lại có thể áp dụng ngay những gì đang học vào thực tiễn Việt Nam.
Xa hơn một chút, thì hình thức này còn góp phần hạn chế tình trạng chảy máu chất xám và từng bước góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo trong nước nhờ tiếp cận nền giáo dục đào tạo quốc tế.

– Liệu du học tại chỗ và du học nước ngoài có sự khác biệt nào về chất lượng đào tạo không thưa giáo sư?

Chất lượng đào tạo của 2 hình thức này không hề khác biệt, bởi 2 hình thức nhưng vẫn phải tuân thủ cùng một giáo trình, cùng một ekip giảng dạy đủ chất lượng, cùng một trình độ nhất định mới có thể được nhận bằng. Có khác chăng chỉ là người học không hoàn toàn nhúng mình vào môi trường nước ngoài, vì khi đi ra khỏi lớp học họ lại trở về với cơ quan làm việc hay gia đình. Đó là một điều thiệt thòi, nhưng ra nước ngoài lạ nước lạ cái, ai cũng phải mất rất nhiều thời gian để tìm hiểu và hòa mình, đặc biệt là phong tục tập quán khiến việc học tập ban đầu chịu ảnh hưởng không ít.

– Đi trên đường phố hay đọc báo, rất hay gặp những thông báo tuyển sinh thạc sĩ quốc tế của các trường ĐH theo kiểu “quảng cáo”. Điều này cho thấy, trường đó đang thiếu và rất cần sinh viên, từ đó dẫn đến tình trạng tuyển sinh dễ dàng và đầu vào dễ bị kém chất lượng hơn? Giáo sư nghĩ sao về điều này?

Việc truyền thông cho các chương trình, theo tôi là điều cần thiết và cũng rất bình thường trong xã hội hiện nay. Còn thực chất việc tuyển sinh ở các chương trình đào tạo thạc sỹ quốc tế tại Việt Nam không hề dễ dàng như một số người tưởng. Cụ thể, các chương trình này hầu hết đều phải học bằng tiếng nước ngoài, để được nhận vào học, trước hết trình độ ngoại ngữ của bạn phải đáp ứng được tiêu chuẩn gắt gao của từng chương trình, tất nhiên không dừng ở mức nghe, đọc, viết bình thường trong đời sống hàng ngày.

Bên cạnh đó, bạn cũng phải có đủ chuyên môn, năng lực để đảm bảo hoàn thành khóa học thạc sĩ mà mình muốn theo. Các đề thi đầu vào hay bài kiểm tra trong suốt khóa học cũng phải do hội đồng thi của nước phát bằng duyệt, chấm điểm để có cùng chất lượng ở mọi nơi. Sinh viên các chương trình thạc sĩ quốc tế kiểu này thường có thể lựa chọn thi tại chỗ hay sang thi ở nước phát bằng tùy theo ý mình muốn, có điều bay đi để thi sẽ tốn kém hơn. Cũng tương tự như vậy, với việc làm thực tập và bảo vệ luận văn, sinh viên có thể sang nước phát bằng để thực tập và bảo về luận văn.

– Giáo sư có thể nêu rõ hơn quy trình của một chương trình đào tạo bằng cấp quốc tế tại Việt Nam hiện nay?

Mỗi trường ĐH có thể có những quy trình khác nhau. Trường ĐH Thăng Long hiện cũng đang có một số liên kết đào tạo ở cấp cử nhân và thạc sĩ (sẽ tiến đến đào tạo tiến sĩ) với một số đại học ở Pháp và Mỹ.
Hầu hết các đối tác của trường là do quan hệ quen biết từ trước thông qua mối quan hệ cá nhân giới thiệu. Khi đã đồng ý hợp tác, cả hai bên ngồi xem chương trình của nhau, so sánh số giờ dạy, nếu thấy tương đương, lúc đó bắt đầu làm văn bản hợp tác, nêu rõ các điều kiện nhận sinh viên vào học ở hai trường, văn bằng cấp sẽ thế nào…, học lên cao nữa ra sao. Ở đây cũng phải nói do tính tự chủ của ĐH nước ngoài, nên họ có quyền công nhận văn bằng của ĐH nào mà họ nghĩ là biết rõ. Đã công nhận rồi thì sinh viên đang học chương trình cử nhân có thể sang học tiếp cử nhân bên họ, cũng với hình thức như vậy với đào tạo thạc sĩ.
Chương trình tuyển sinh Thạc sỹ Kinh doanh và Quản lý quốc tế của trường hiện nay là một chương trình liên kết với ĐH Nice của Pháp. Hội đồng xét tuyển gồm một phần là của Nice, một phần của Thăng Long. Các kỳ thi do các giáo sư đảm nhiệm, 2/3 do giáo sư của Nice và 1/3 do Thăng Long (trong số giáo sư của Thăng Long có một số giáo sư ở đại học Mỹ tham gia). Cuối cùng có một hội đồng ở Nice đánh giá các kết quả đó xem có chênh lệch với kết quả dạy tại Nice hay không trước khi cấp bằng.

– Nhà trường có phải trình lên Bộ giáo dục khi tìm đối tác liên kết đào tạo hay không? Và trên cơ sở nào để Bộ cũng công nhận chứng chỉ Thạc sỹ theo học chương trình liên kết- thưa bà?

Tất nhiên là trường có trình lên Bộ Giáo dục đối tác của trường, Bộ đồng ý trường mới tiếp tục hợp tác. Hơn nữa, những trường như trường Nice hiện nay là một ĐH công rất có uy tín ở Pháp mà ai cũng biết. Cũng trên tiếng tăm của trường mà chúng tôi liên kết Bộ có thể thẩm định dễ dàng uy tín cũng như chất lượng đào tạo của trường bạn.

– Nhiều người cho rằng, tấm bằng thạc sĩ hay tiến sĩ ngày càng phổ biến hơn và có phần giảm giá trị so với trước kia, đôi khi người ta cố dành lấy chỉ để dễ thăng tiến. Giáo sư đánh giá thế nào về việc này? Liệu có giải pháp nào để nâng giá trị của những tấm bằng đó lên không?

Tôi nghĩ không có chuyện tấm bằng thạc sĩ hay tiến sĩ giảm giá trị so với trước kia khi ta nói chuyện với người nước ngoài. Sở dĩ ta nghĩ như vậy vì ta suy ra từ ta mà thôi. Cứ hòa nhập với thế giới sâu vào, cùng với sự quản lý chặt chẽ từ các cơ quan chức năng thì hiện tượng bằng “giả” sẽ hết thôi.

– Giáo sư có lời khuyên gì đến những học sinh có ý muốn du học tại chỗ?

Tôi nghĩ nếu không có điều kiện ra nước ngoài học tập thì nên học du học tại chỗ, thứ nhất vì chương trình tốt, thứ hai ngoại ngữ được nâng lên nhiều và thứ ba được tiếp xúc với những người thày nước ngoài, họ là những người thày tận tình.
Quy trình và chất lượng các chương trình này, đặc biệt là ở các ĐH uy tín ở Việt Nam, hoàn toàn không có sự khác biệt về chất lượng so với học tập tại nước ngoài. Các bạn học tập nghiêm túc, đầu tư thời gian và công sức một cách nghiêm túc thì chắc chắn sẽ thu được kết quả như mong muốn.

______________________________________________________

Posted in Chuyện giáo dục, Chuyện đất nước, Giáo dục Việt Nam | Thẻ: , , | Leave a Comment »

Tại sao Khổng Tử… khóc?!

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Tám 28, 2010

Nếu tái sinh vào thời này, hẳn Khổng Tử cũng phải khóc và ngửa mặt lên trời kêu “Ô hô ngán thay!”… Chuyện gì đang xảy ra và làm Khổng Tử uất giận đến thế? Đó là nạn “đạo chích” ý tưởng của giới học thuật, nạn mua bán văn bằng tiến sĩ, nạn xào nấu và bịp bợm trong giới nghiên cứu khoa học lẫn giảng dạy…

Nếu không kể tham nhũng, vấn đề trên thật sự là “quốc nạn” của Trung Quốc ngày nay, một Trung Quốc đang “hừng hực khí thế phát triển” với niềm “tự hào” là nơi có nhiều tiến sĩ nhất thế giới.

Quốc nạn

“Tham nhũng trong học thuật đang là vấn đề nghiêm trọng đến mức nó có thể chặn đứng thành tựu phát triển khoa học của Trung Quốc. Nếu không thế, tôi đã chẳng rước phiền cho mình khi nói thẳng ra. Mà cũng chẳng có sự phủ nhận nào trong giới học thuật nước nhà cả. Có điều, người ta không sẵn lòng nói một cách công khai” – phát biểu của Khâu Thành Đồng (Yau Shing-tung), Giáo sư toán Đại học Harvard, một trong những nhà khoa học gốc Hoa xuất sắc nhất thế giới hiện nay, người từng giành giải thưởng toán học Fields năm 34 tuổi và mới đây lại được trao giải Wolf lĩnh vực toán năm 2010 (người Trung Quốc đầu tiên giật được cả 2 giải toán học danh giá nhất thế giới nói trên).

Tham nhũng trong học thuật Trung Quốc đúng là vấn đề nghiêm trọng ngày càng gây bức xúc xã hội, như được ghi nhận trên China Daily (bản tiếng Anh của Trung Quốc nhật báo) ra ngày 2/6/2010.

Tình trạng “luộc” đề án nghiên cứu hoặc thuê người viết luận án, từ cử nhân đến tiến sĩ, thậm chí len lỏi vào tận những giảng đường lớn nhất Trung Quốc.

Tháng 3/2009, một giáo sư Đại học Chiết Giang đã bị sa thải sau khi bị phát hiện hành vi ăn cắp ý tưởng và “sao chép dữ liệu”. Trước đó, năm 2003, một giáo sư Đại học Giao thông Thượng Hải cũng trở thành trung tâm của scandal tương tự. Năm 2008, 3 vụ bịp trong giới nghiên cứu cũng bị phơi bày tại Đại học Phục Đán, liên quan đến một số giáo sư, giảng viên, nghiên cứu sinh tiến sĩ và tiến sĩ.

Sự việc còn cho thấy một mặt trái nữa: Hệ thống giáo dục và đào tạo nâng cao của Trung Quốc rất có… “vấn đề”. Giáo sư Khâu kể: “Nhiều sinh viên Hoa lục cho tôi biết điểm thi đại học quốc gia của họ và hỏi rằng, liệu (điểm cao như thế) có thể giúp họ vào khoa Toán Harvard hay không. Tôi buộc phải nói rằng họ có chút ít cơ hội vào Harvard nhưng vào khoa Toán Harvard thì không bao giờ, bởi họ thậm chí còn không biết làm… toán”.

Trong bài báo khác (23/7/2010), China Daily cho biết thêm, nạn “hư đốn” trong giới học thuật Trung Quốc đã trở thành một thứ văn hóa phổ biến mà “thủ phạm” dường như chẳng còn màng và bận tâm đến sĩ diện và liêm sỉ. Giới giáo sư từ trường đại học danh tiếng thì chôm chỉa đâu đó rồi đưa vào bài “nghiên cứu” mình đăng trên chuyên san. Nghiên cứu sinh tiến sĩ thì chôm kết quả khoa học từ đâu đó bên Mỹ rồi đưa vào luận án riêng. Sinh viên thì sao chép, có khi cả bài (!), từ “tư liệu” nào đó để thực hiện bài kiểm tra…

Tình hình loạn đến mức một nghiên cứu từ Đại học Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc) do Giáo sư Trầm Dương (Shen Yang) thực hiện trong ba năm (công bố gần đây) cho thấy, gần 1 tỉ tệ đã được chi ra cho các bài viết khoa học trong năm 2009, gấp 5 kể từ năm 2007; rằng sinh viên đại học Trung Quốc đã bỏ ra đến nửa tỉ tệ (khoảng 73 triệu USD) mỗi năm để mướn người viết luận án thay.

Điều tra China Daily cho thấy, những sinh viên giỏi chuyên “hành nghề” trong “công nghiệp viết thuê” được trả công tính theo số trang với trung bình mỗi trang từ 130-160 tệ (luận án bằng tiếng Anh khoảng 200 tệ/trang). Theo lời một sinh viên – chuyên gia viết mướn, cậu có thể hoàn tất một luận án cử nhân chỉ trong 2 ngày. Với bằng thạc sĩ, giá viết thuê cho một luận án 20.000 từ là khoảng 4.500 tệ và được giao sau chừng một tháng “đặt hàng”…

Có không ít người thậm chí nổi tiếng nhờ bán chất xám cho công nghiệp viết thuê luận án. Lô Khắc Khiêm (Lu Keqian) là một ví dụ. Với chiếc laptop và ngồi trong buồng ngủ chật chội, tay cựu giáo viên trung học 58 tuổi này là chuyên gia viết luận án thuê cho giáo sư, sinh viên và viên chức nhà nước. Tóm lại là bất cứ ai sẵn lòng trả cho Lô lệ phí khoảng 300 tệ/bài…

Đầu năm 2009, Phó hiệu trưởng Đại học Nông nghiệp An Huy bị phát hiện từng “đạo chích” cho 20 bài nghiên cứu (đương sự bị cách chức nhưng vẫn được phép giảng dạy). Tháng 6/2009, hiệu trưởng một trường đại học y ở Quảng Châu cũng bị buộc tội chôm chỉa ít nhất 40% trong luận án tiến sĩ.

Tháng 3/2010, China Youth Daily cho biết, một bài báo y khoa từng bị xào đi nấu lại trong suốt một thập niên qua! Ít nhất 25 người từ 16 tổ chức đã “sao y bản chính” bài báo trên… Tất cả điều đó cho thấy sự thật và mặt trái của “hiện tượng kỳ diệu” Trung Quốc trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, và rằng tất cả con số hào nhoáng về “cú đại nhảy vọt” Trung Quốc trong thành tựu nghiên cứu khoa học đều rất đáng ngờ!

Như tác giả Stephen Wong thuật trên Asia Times, từ năm 2008, Trung Quốc đã qua mặt Mỹ trở thành quốc gia có nhiều tiến sĩ nhất thế giới. Theo Hội đồng Văn bằng Nhà nước Trung Quốc, chương trình đào tạo tiến sĩ đầu tiên tại nước này năm 1978 chỉ có 18 nghiên cứu sinh tiến sĩ. Năm 1982, chỉ 6 trong 18 người trên là được cấp bằng tiến sĩ. Số người theo học chương trình tiến sĩ bắt đầu tăng khoảng 23,4%/năm kể từ năm 1982 đến nay (so với 15% sinh viên theo học thạc sĩ). Đến cuối năm 2007, Trung Quốc đã cấp bằng tiến sĩ cho 240.000 người (theo vị Giám đốc Hội đồng Văn bằng Nhà nước Trung Quốc, mỗi giáo sư tên tuổi phải giám sát trung bình 5,77 nghiên cứu sinh tiến sĩ, cao hơn rất nhiều chuẩn quốc tế).

Mạnh Kim tổng hợp (ANTG)
_____________________________________

Posted in Chuyện giáo dục, Giáo dục các nước | Thẻ: , , , | Leave a Comment »

Tiền, sex và tình yêu ở TP. HCM

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Tám 28, 2010

Kimberly Hoang

Nạn buôn người và sự liên hệ giữa HIV và mại dâm tại Việt Nam đã được nói đến nhiều. Mới tháng Sáu năm nay, Bộ Ngoại giao Mỹ ra báo cáo, đưa Việt Nam vào danh sách loại 2 (cần được theo dõi). Trên thế giới, cả người theo quan điểm bảo thủ lẫn tự do đều cố gắng quyên tiền, xây dựng các tổ chức phi chính phủ (NGO) để cứu những phụ nữ bị buôn bán qua biên giới hoặc bị bắt bán dâm.

Tuy vậy, sự tập trung quá mức vào vấn nạn buôn người ở Việt Nam khiến chúng ta có thể bỏ qua cuộc sống của những cô gái không bị ép làm nghề bán dâm. Bài viết của tôi muốn hé lộ cuộc sống của những phụ nữ tự nguyện làm nghề bán dâm ở Việt Nam, và quan sát những người đàn ông – địa phương và nước ngoài – hưởng thụ sex.

Khách hàng thay đổi

Trong thập niên đầu tiên kể từ sau Đổi mới 1986, nền kinh tế Việt Nam chứng kiến tiền kiều hối của Việt kiều tăng vọt. Ví dụ, thống kê năm 2005 của Ngân hàng Thế giới cho biết Việt Nam nhận gần 4 tỉ đôla kiều hối, chiếm 8% GDP đất nước. Luồng vốn và nhân lực nước ngoài đổ vào đất nước cũng gia tăng. Báo chí cũng tường thuật rằng đến năm 2009, nguồn vốn chủ yếu đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đã chuyển từ Mỹ, châu Âu sang các nước châu Á như Đài Loan, Nam Hàn, Malaysia, Nhật Bản, Singapore.

Những thay đổi kinh tế vĩ mô này đã biến đổi cấu trúc nền kinh tế Việt Nam, và cũng ảnh hưởng cả ngành công nghiệp tình dục. Các khu vực mới trong ngành công nghiệp sex xuất hiện khi mà khách hàng nam giới cũng có những đổi thay về giai cấp và chủng tộc.

Ví dụ, giai đoạn 2006-07, tôi phát hiện rằng khách hàng trả tiền cao nhất chủ yếu là Việt kiều hưởng thụ trong khi về Việt Nam chơi hay thăm gia đình. Điều này không ngạc nhiên vì khi đó, tiền kiều hối còn cao hơn FDI.

Nhưng đến năm 2009, khu vực cao giá nhất trong ngành công nghiệp sex lại quay sang phục vụ các doanh nhân người Việt trong nước và châu Á. Trung bình một tháng họ bỏ ra 15000- 20000 đôla ở các quán bar cao cấp. Những quán bar này chỉ có hệ thống karaoke bình thường, nhưng điều duy nhất đưa chúng lên thành cao cấp là loại rượu whisky, Johnny Walker Blue Label. Các cô phục vụ cũng bán dâm cho nhiều khách hàng, và có thu nhập trung bình 2000 đôla một tháng nhờ tiền boa, và khoảng 150 – 200 đôla cho mỗi lần qua đêm với khách.
Trao đổi với các cô gái, tôi nhanh chóng nhận ra là rất ít cô ở TP. HCM xem mình là bị bắt đi bán dâm. Thực tế, nhiều cô gái nói rõ là họ xem công việc này còn ít bị bóc lột hơn là nghề bồi bàn, giúp việc hay làm trong xưởng may.

Những cô gái ở quê sợ sệt hay chậm chạp mới phải đi làm nhà máy, kiếm 700.000 đồng một tháng.

Vân, một cô gái bar

Vân, một cô gái 24 tuổi, nói: “Những cô gái ở quê sợ sệt hay chậm chạp mới phải đi làm nhà máy, kiếm 700.000 đồng một tháng. Họ sẽ luôn nghèo vì không đủ dũng cảm hay thông minh để đổi đời.”

“Những người thông minh bỏ nhà máy, đi làm ở bar vì số lương kia họ kiếm được chỉ sau một giờ, và khách hàng đối xử còn đàng hoàng hơn ông chủ nhà máy.”

Các quán bar cao cấp là không gian nơi đàn ông trong nước chứng tỏ cho đối tác Á châu thấy rằng mặc dù Việt Nam là đất nước nhỏ, nước này cũng là dân chơi máu mặt trong nền kinh tế toàn cầu. Sau khi nốc sáu chai whisky, Thắng, một doanh nhân 56 tuổi, giải thích: “Thời kỳ Việt kiều đã qua rồi. Dân trong nước nay đi xe Bentley giá nửa triệu đôla. Khi dân Việt Nam đã chơi, thì còn dữ hơn dân Á châu hay Việt kiều.”

Cho dù doanh nhân trong nước và Á châu chiếm lĩnh khu vực cao giá nhất của ngành công nghiệp sex, đàn ông Việt kiều cũng không kém mấy. Khách hàng Việt kiều thường đến các club mở cho công chúng. Bên trong là bàn ghế để ngồi, uống rượu, có khi xem nhạc sống và mời các cô PG (promotion girl) đến bàn. Đêm đến, khách hàng có thể chèo kéo một cô gái nào đó qua đêm với giá chừng 100 đôla.

Công việc ‘thực sự’

Một buổi tối ở quán bar vắng khách, tôi nói chuyện với các cô về nghề của họ. Tôi hỏi họ có muốn tìm nghề khác không. Yến, 23 tuổi, nói: “Em xem đây là công việc thực sự. Nếu phục vụ trong nhà hàng hay quán cà phê, chỉ được khoảng 4 triệu đồng một tháng. Số tiền đó hai đêm ở đây là được, mà lại còn vui hơn. Em được gặp bao nhiêu người từ khắp thế giới.”

Thoại, 24 tuổi, nói thêm: “Người ta nghĩ em hẳn phải ngu lắm, em làm nghề này vì không tìm được việc. Nhưng ở đây em kiếm nhiều tiền hơn, thế ai ngu hơn? Khi em mới tới Sài Gòn, em làm ở xưởng có lương 1 triệu đồng một tháng. Ở Sài Gòn, lương vậy sao mà sống?”

Cũng có những quán bar phục vụ người Tây phương làm việc ở Việt Nam và du lịch ba lô. Chúng khác với các quán cho dân trong nước và Việt kiều ở chỗ đàn ông ở đây có thể mua bia rẻ tiền chỉ có 2 đôla. Năm 2007, tôi gặp Linh, 22 tuổi, làm ở khu dành cho các nhóm du lịch ba lô. Khi ấy, cô có quan hệ với 3 người khác nhau. Họ gửi tiền cho cô hàng tháng, rồi lại cả một khoản lớn để mở cửa hàng, giúp cô nuôi người cha đau yếu. Khi được hỏi cô có yêu người nào không, cô nói: “Khi mới vào nghề, em còn trẻ, không khôn ngoan lắm. Tôi yêu dễ dàng và rồi đau khổ. Nay em muốn thay đổi đời mình trước tiên, yêu là chuyện đi sau.”

Tình yêu

Vài tháng sau, Linh giới thiệu cho tôi gặp James, một người đàn ông 60 tuổi về hưu từ Úc. Tôi ngạc nhiên khi biết ông ta không chỉ tìm kiếm sex. Ông muốn yêu một cô gái mà ông mô tả là “trung thực, chăm làm, nhưng mắc kẹt ở đất nước thế giới thứ ba không có nhiều cơ hội.” James không đề cập chuyện lấy tiền đổi sex, mà ông xem quan hệ với Linh dựa trên tình yêu thật. Ông cũng tin rằng cô ấy yêu ông. Ông bày tỏ niềm tin rằng ông sẽ là người “cứu” cô ra khỏi cuộc đời làm gái bar.

Hai năm sau, 2009, Linh và James kết hôn và cô được cấp visa di cư sang Úc. Ở buổi tiệc chia tay, tôi hỏi: “Em có yêu anh ta không?”.

Cô trả lời: “Tụi em vất vả lắm để có visa, và ảnh rất cố gắng. Nay em yêu ảnh. Trong đời này hên sui thôi, em cảm thấy rất may mắn.”

Quan hệ của Linh và James minh họa cho cách mà các cô gái bán dâm đã có ý thức vượt qua lằn ranh giữa chuyện “ăn bánh trả tiền” và góc cạnh thân mật hơn. Những phụ nữ có vẻ yếu ớt lại có thể lợi dụng hệ thống áp bức họ, có lợi nhờ mối liên hệ đa quốc gia. Công việc bán dâm đôi khi chuyển hóa thành quan hệ thân mật, và nếu họ “may mắn”, họ còn có thể có những tình yêu chân thật.

Về tác giả:Kimberly Hoang là nghiên cứu sinh Khoa Xã hội học, Đại học California tại Berkeley. Cô viết riêng bài này dựa trên bài nghiên cứu học thuật dài hơn đã đăng trên tạp chí Sexualities tháng Tư 2010.

__________________________________________________

Posted in Chuyện xã hội, Chuyện đời sống, Thuần phong mĩ tục | Thẻ: , , , | Leave a Comment »

Mua suất vào trường: Bỏ tiền phải cố học cho xong

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Tám 24, 2010

Lê Việt

– Cùng một lớp, nhưng số tiền “lót tay” của mỗi bạn không giống nhau, tùy thuộc vào các “cò” hét giá bao nhiêu. Học sinh ở các tỉnh xa, thông qua nhiều khâu nên giá tăng dần theo cấp số nhân.

Như Bee.net.vn đã phản ánh, hiện nay có nhiều cò chạy trường đưa ra những lời giới thiệu, quảng cáo có thể chạy vào tất cả các trường từ Trung cấp đến Đại học. Với các mức tiền vài chục, đến vài trăm triệu đồng một suất. Đồng thời, đại diện một số trường cũng đã khẳng định, “không có chuyện bỏ tiền để chạy vào trường”.
Để có cái nhìn thực tế hơn về việc bỏ tiền mua suất học hiện nay (chạy trường), chúng tôi đã tìm đến một số trường, trung tâm đào tạo… và gặp một số sinh viên đi học theo hình thức này.
Trường một nơi, học một chốn
Các bạn sinh viên chúng tôi gặp đều thẳng thắn thừa nhận, mình và hầu hết các bạn trong lớp đều phải bỏ tiền để mua suất, không nhiều thì ít. Bạn ở tỉnh xa, thông qua nhiều khâu nên số tiền tăng lên theo cấp số nhân.
“Lớp mình có 65 bạn, như mình được biết thì tất cả đều phải bỏ ra một số tiền mới được vào học. Bạn ít nhất là 2 đến 3 triệu, cũng có bạn phải mất hơn 40 triệu mới được. Như mình cũng phải mất 10 triệu đấy”, bạn N.V, sinh viên trường Trung cấp Y – Dược Bắc Ninh thừa nhận.
Tuy là trường Trung cấp Y – Dược của tỉnh Bắc Ninh, để “tạo điều kiện” học thuận lợi cho sinh viên, trường này đã thuê địa điểm học tại Trung tâm dạy nghề Thanh Trì (xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì, Hà Nội). Và trong tương lai, lượng tuyển sinh tăng nhiều các khóa sau sẽ phải học tại hai địa điểm mới ở xã Đông Mỹ và thị trấn Văn Điển (Thanh Trì, HN).
Trong vai một học sinh đi tìm hiểu thông tin tuyển sinh, sau khi vào gặp nhân viên văn phòng tuyển sinh để hỏi thông tin tuyển sinh, rồi ra ngồi quán nước ngay cổng trung tâm “nghe ngóng” tình hình.
Chị Chuyên, bán nước ở cổng trường đồng thời là chủ một khu trọ gần Trung tâm trên chỉ dẫn: “Nếu vào học ở đây có bằng tốt nghiệp, hoặc không cũng không sao. Nếu có bằng cũng phải bỏ thêm 2 đến 3 triệu lót tay mới được, không vẫn trượt như thường. Nếu chưa có bằng, vẫn vào được, họ sẽ cho mình nợ bằng năm sau nộp, nhưng phải mất nhiều tiền hơn. Đấy là nộp trực tiếp ở đây, còn qua môi giới thì trời ơi lắm”.
Thấy tôi vẻ phân vân, chị nói thêm thêm: “Nhà chị giờ chỉ cho sinh viên học trường y ở đây trọ, vì chúng nó học cố định, ít chuyển. Nên chị chẳng lạ gì, bọn nó đều phải bỏ tiền mới vào được đấy”.
Sau khi thông tư số 35/2006 của liên Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ quy định các trường đều được biên chế cán bộ y tế có hiệu lực, đã nổi lên phong trào cho con em đi học y. Vì thế, những trường TC, CĐ Y từ chỗ thiếu người học, mấy năm gần đây lại thành có giá, thi nhau tuyển sinh với mật độ 2-3 tháng/1 lớp.
“Nhẩm ra, lớp mình hồi cấp 3 có tới 4 – 5 bạn chẳng thi cử gì. Nhà bỏ tiền để mua suất đi học y tại một số trường như Y Phú Thọ, Y Bắc Ninh, Y Thanh Hóa…” bạn Bích một cựu sinh viên từng phải bỏ 10 triệu để mua suất vào học hệ Trung cấp Trường Cao đẳng Y Phú Thọ cho biết.
Tiền tăng theo từng km
Theo bạn N.V, tất cả các bạn trong lớp hiện nay đa phần đến từ các tỉnh như Hải Dương, Thái Bình, Thanh Hóa… xa nhất có bạn từ Đắk Lắk. Còn không có bạn nào người Hà Nội.
Còn theo chị Chuyên, người nào đến nộp hồ sơ tại trường thì chỉ mất 2 đến 3 triệu gọi là “bồi dưỡng” cho cán bộ xét tuyển. Một số đi theo đường dây từ Thành Hóa, Nghệ An, Quảng Bình… phải mất hơn 10 triệu. Đặc biệt, có bạn từ Đắk Lắk, Kon Tum ra đây học còn phải mất 40-50 triệu đấy.
Để tìm hiểu thêm về những sự chênh lệch này, chúng tôi đã hỏi được với một số cò chuyên chạy trường tại Hà Nội. Một cò có số điện thoại 0988585xxx, phát giá cho trường Trung cấp Y -Dược Bắc Ninh: Hệ Y sỹ đa khoa là 3,8 triệu đồng/suất, với ngành Dược là 1,5 triệu đồng/suất.
Lần hỏi một cò khác có tên là Dương, ở một trung tâm khuyến học đóng tại Thanh Xuân (HN, số điện thoại 0948483xxx), anh này ra giá cho hệ Trung cấp tại trường CĐ Y Phú Thọ là 6 triệu đồng/suất học Dược, hoặc Y sỹ đa khoa. Tất cả các cò đều kèm theo điều kiện “không nhận hồ sơ qua đường bưu điện”.
Ngoài ra, các sinh viên còn cho biết, điều kiện học tại các cơ sở này đều “có vấn đề”. Bạn N.V lấy ví dụ, lớp có hơn 60 người, nhưng chỉ có 3 – 4 máy đo huyết áp, thành ra bạn nào “nhanh nhẹn” thì giành được. Bạn nào chậm chân đành đứng nhìn. Học bằng quan sát là chính, thực hành chẳng được bao nhiêu.
“Chẳng đâu như trường mình, cho sinh viên về bệnh viện huyện thực tập hơn 5 tháng. Mà đâu phải vì tạo điệu kiện cho sinh viên có thời gian thực tập, chủ yếu là họ muốn lấy địa điểm cho các khóa sau học. Bạn tính, vài tháng trường lại tuyển một lớp mới, như thế lấy đâu ra đủ giảng đường” bạn Bích xót xa.
Nhưng khổ nhất phải kể đến những sinh viên “trót” mua phải suất học theo hệ đào tạo liên kết. Trường tỉnh A liên kết với một trung tâm đào tạo ở tỉnh B để tuyển sinh, đào tạo, cấp bằng. Mỗi năm, các sinh viên này lại phải mất vài tháng tập trung về trụ sở chính của trường đứng ra cấp bằng, để học thêm nghiệp vụ và thực hành.
Như trường hợp của bạn T.H, đang theo học khoa Thư viện (thiết bị giáo dục) của trường CĐ Sư phạm Hải Dương, nhưng liên kết với một cơ sở đào tạo tại Thanh Hóa. Để có được suất học liên kết này, gia đình H đã phải bỏ ra 10 triệu. Vào học rồi H mới biết, học chính là ở Thanh Hóa, nhưng trước khi kết thúc năm học, lớp của H phải ra Hải Dương học thực hành từ 2 đến 3 tháng.
“Vì liên kết nên cơ sở ở Thanh Hóa không có đủ dụng cụ thực tập, phòng thí nghiệm cũng như giảng viên hướng dẫn. Thành ra, học xong phần lý thuyết, đến phần thực hành là cả lớp lại kéo nhau ra Hải Dương vài tháng để học. Đi đi, về về loạn cả lên”, H giải thích.
Tuy có những bất cập như vậy, nhưng hầu hết các bạn đã bỏ tiền ra mua suất, phải cắn răng theo đến cùng để lấy bằng, vì “đã trót mất tiền rồi”.

____________________________________________

Posted in Chuyện giáo dục, Chuyện xã hội, Chuyện đất nước, Giáo dục Việt Nam | Thẻ: , , | Leave a Comment »