NGÔN NGỮ & VĂN HÓA

CHÚC MỪNG NĂM MỚI

Archive for the ‘Chuyện kiến trúc’ Category

Cò biệt thự sẽ xóa sổ những con phố Tây?

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Năm 5, 2011

Không chỉ buôn đất dự án, trong những năm gần đây, cũng tại Hà Nội, đã xuất hiện một số nhóm người chuyên mua biệt thự cũ, chủ yếu là các biệt thự xung quanh khu vực trung tâm thành phố. Đây là những biệt thự được xây dựng từ thời Pháp với kiến trúc thuộc địa, được xếp vào biệt thự loại 2 theo quy định của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội (tức là biệt thự cũ, được phép cơi nới, phá dỡ).

Được giới thạo tin cho biết, chủ nhân căn biệt thự tại địa chỉ X, trên phố T, quận Hoàn Kiếm có ý định bán, tôi đã đến gặp để tìm hiểu. Không như giao dịch nhà đất bình thường, việc mua bán biệt thự cũ diễn ra khá âm thầm. Không có thông tin chính thức về căn biệt thự này được công bố hay rao bán từ các trung tâm môi giới hoặc trên mạng. Việc tìm khách mua được chủ nhà giao cho một số cò biệt thự đáng tin cậy, bởi ông là người có vai vế, rất ngại lộ diện.
Biệt thự X là 1 trong 2 căn biệt thự vị này đang sở hữu. Căn này có diện tích gần 800 m2, trong khi căn kia lớn hơn, khoảng 1.000 m2. Cả 2 cùng nằm trên con phố T. Sau khi tiếp xúc với một cò biệt thự được giao bán 1 trong 2 căn trên, tôi đã biết được một số thông tin khá thú vị.

Theo lời anh ta, hiện nay, chủ nhân căn biệt thự cần tiền mua một lô đất lớn ở phía Tây Hà Nội nên phải bán 1 trong 2 căn. Sau khi dẫn tôi đến tận nơi xem vị trí các biệt thự, anh ta bắt đầu nói giá. Hai căn có giá gần 400 triệu đồng/m2. Nghĩa là giá bán biệt thự lên tới vài trăm tỉ đồng.
Một cò biệt thự khác tên Hoa cho biết, có 2 nhóm đại gia bất động sản đang nhờ cô tìm mối quen để mua lại các căn biệt thự cũ. Nhóm thứ nhất là người Việt Nam, thích sở hữu loại biệt thự có diện tích khoảng 800-1.000 m2. Nhóm thứ 2 là những nhà đầu tư nước ngoài, mua để xây dựng căn hộ cho thuê. Cả 2 nhóm này đều yêu cầu Hoa tìm những biệt thự thuộc khu vực trung tâm, không quá gần hồ Hoàn Kiếm nhưng cũng không quá xa.

Lý do là quận Hoàn Kiếm là khu vực rất khó xây công trình cao tầng, thủ tục xin cấp phép xây dựng không dễ dàng. Theo quy định, chiều cao tối đa của các công trình mới ở quận Hoàn Kiếm không được vượt quá 9 tầng. Trên thực tế, vị trí công trình càng gần trung tâm (tức khu vực quanh hồ Hoàn Kiếm), chiều cao càng bị giới hạn. Vì thế, đã có nhiều biệt thự cũ được phá đi để xây văn phòng cho thuê với chiều cao trên 9 tầng, nhưng sau đó đều bị buộc phải ngừng thi công (cho dù chủ nhân mới của chúng đều là những người có “khả năng” xin giấy phép).

Hãy thử làm một phép tính, với số vốn bỏ ra khoảng 300 tỉ đồng, nếu xây thấp tầng theo quy định, nhà đầu tư sẽ không có lời. Giá cho thuê văn phòng hay căn hộ hạng A tại Hà Nội không thể vượt quá 60 USD/m2. Trong khi đó, nếu lấy diện tích sàn cho thuê nhân với giá cho thuê (chiều cao 9 tầng, mật độ xây dựng khoảng 40% và diện tích đất 800-1.000 m2), có thể thấy, giá cho thuê vẫn còn quá thấp so với số vốn bỏ ra. Đó là chưa kể đến chi phí xây dựng, tiền lo thủ tục, giấy phép, phí quản lý tòa nhà. Hoa cho biết, công trình phải cao từ 15 tầng trở lên thì nhà đầu tư mới có lời. Dĩ nhiên, xây càng cao càng tốt.

Một căn biệt thự khác, nằm ngay mặt tiền con phố gần hồ Thiền Quang, cũng được chủ nhân bán lại cho một nhóm nhà đầu tư cá nhân. Hoa cho tôi biết những người này nắm trong tay hàng ngàn tỉ đồng. Vào giữa năm 2010, họ từng hùn vốn mua một biệt thự gần 800 m2 với giá 400 triệu đồng/m2 (tổng số tiền bỏ ra là 320 tỉ đồng). Tuy nhiên, cho đến nay, căn biệt thự này chỉ mới được rào lại xung quanh bởi hàng tôn rất lớn.

Nhóm này đang muốn bán lại căn biệt thự để lấy vốn đầu tư vào nơi khác nhưng chưa tìm được người mua. Ban đầu khi mua căn biệt thự này, họ có ý định xây nhà cao tầng. Tuy nhiên, họ không gặp may bởi người có thể lo được giấy phép xây cao tầng bị chuyển công tác. Hơn nữa, cuối năm 2010 và đầu năm 2011 diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của Thành phố nên hầu hết các hồ sơ xin phép xây nhà cao tầng ở trung tâm đều nằm trên bàn giấy.

Theo thống kê chưa đầy đủ, chỉ riêng tại quận Hoàn Kiếm, có không dưới 10 căn biệt thự cũ từ thời Pháp đã được phá dỡ nhưng đất còn bỏ hoang. Những biệt thự có tuổi đời từ vài chục cho đến cả trăm năm, mang dấu ấn lịch sử, kiến trúc, văn hóa của nhiều giai đoạn lịch sử thăng trầm của Hà Nội giờ chỉ là những bãi đất trống.

Kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính từng nói, nếu không có sự kiên quyết và một tình yêu sâu nặng với di sản kiến trúc cũ thì chỉ vài năm nữa, tất cả những biệt thự thời Pháp sẽ biến mất. Thay vào đó là những tòa nhà cao tầng hiện đại. Điều đó cũng có nghĩa, những dấu ấn lịch sử làm nên những con phố Tây đẹp đẽ của Hà Nội có thể bị xóa sổ.

theo NHỊP CẦU ĐẦU TƯ
_______________________________________________

Posted in Chuyện kiến trúc, Di tích, Hà Nội nghìn năm, Kinh tế | Thẻ: , , | Leave a Comment »

Hà Nội: nhà sập không cần động đất

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Tư 5, 2011

Vào khoảng 16h30 chiều 31/3, một ngôi nhà cao 5 tầng tại ngõ 49 phố Huỳnh Thúc Kháng, quận Đống Đa, Hà Nội, đang trong quá trình sửa sang bỗng dưng đổ sập.
Vào khoảng từ 11h30 trưa 5-4 lại bắt đầu lan truyền thông tin về ngôi nhà cao tầng sắp đổ sập địa chỉ tại số 14, ngõ 91 đường Nguyễn Chí Thanh, quận Đống Đa
.

Nhà 5 tầng bất ngờ đổ sập

Theo những người sống gần đó kể lại, trước khi sự việc xảy ra khoảng 15 phút, ngôi nhà đã có hiện tượng đổ nghiêng. Một nhóm học sinh trường Phan Huy Chú tan học, đạp xe đi qua nhìn thấy đã kêu lên.

Phát hiện ra sự nguy hiểm, mọi người đã vội vã cảnh báo cho mọi người đi từ ngoài mặt đường Huỳnh Thúc Kháng vào. Tốp thợ sửa căn nhà cùng nhân viên của siêu thị điện máy gần đó cũng vội vã di tản ra khỏi khu vực nguy hiểm. vội chạy di tản ra khỏi chỗ nguy hiểm.

Và chỉ 15 phút sau, toàn bộ căn nhà chỉ là đống gạch nát. Bê tông, vật dụng bị đổ ngổn ngang, méo mó. Một cây cột điện ở phía trước căn nhà bị nghiêng do dây vướng vào sắt thép.

Một khu tập thể gần căn nhà này cũng bị ảnh hưởng khi một số “chuồng cọp” trên các tầng cao đã bị kéo đổ theo. Tầng 1 của tòa nhà là nhà kho của một siêu thị máy tính Đăng Khoa bị bẹp dúm, đồ đạc chỏng chơ, kính vỡ tung ra đường. Thiệt hại ước tính nhiều tỷ đồng

Được biết, căn nhà cao tầng này được xây dựng cách đây đã hơn 20 năm. Lúc đầu, nơi đây được cho thuê để kinh doanh nhà nghỉ. Thời gian gần đây, ngôi nhà được thuê lại để làm nơi bán bánh Pizza. Để chuẩn bị cho việc khai trương cửa hàng, người thuê đã nhờ một tốp thợ đến sửa chữa. Khi công việc đang diễn ra thì ngôi nhà đã bị đổ.

Bác Nguyễn Nam Phong, tổ trưởng tổ dân phố khu vực trên cho biết: “Hiện tại chưa có thương vong nào và chúng tôi đã tiến hành cảnh báo cho các hộ dân sống trong khu tập thể 51 Huỳnh Thúc Kháng không đi lại dọn dẹp đồ đạc vội vì nguy hiểm. Tất cả các công việc như cứu hộ và khắc phục hậu quả phải được sự đồng tình của cơ quan chức năng”.

Xôn xao tin đồn nhà sắp đổ sập

Một ngôi nhà 5 tầng khác có hai mặt tiền, diện tích mặt bằng hơn 37m2, diện tích xây dựng 42m2, tại địa chỉ tại số 14, ngõ 91 đường Nguyễn Chí Thanh, quận Đống Đa hiện đang có hiện tượng bị lún, nghiêng.

Có tới hàng trăm người sống và làm việc xung quanh căn nhà 5 tầng trên hoang mang vì hay tin ngôi nhà bị nghiêng, sắp đổ sập. Hàng trăm người đang làm việc gần đó đã đổ xô ra đường và tránh xa ngôi nhà đề phòng tai nạn.

Nhận được tin báo, CA quận Đống Đa và các lực lượng chức năng đã có mặt phong tỏa hiện trường và phân luồng giao thông. Chủ tịch UBDN quận Đống Đa, ông Trần Đức Học cũng có mặt chỉ đạo nhanh chóng di dời người dân xung quanh và khoanh vùng khu vực để tiến hành điều tra.

Theo ghi nhận của các phóng viên, vết nứt tách giữa hai ngôi nhà khá lớn.

Ông Trinh Công An – người quản lý ngôi nhà cho biết, đây là căn nhà của em trai ông xây từ năm 2002 với kết cấu móng bền vững từ cọc tre đặt mua tại Vĩnh Phúc. Cũng theo ông An, hiện ngôi nhà trên đang cho một đơn vị truyền hình cáp thuê, tuy nhiên người thuê đã chuyển đi và dọn sạch đồ đạc vài ngày trước đó mặc dù chưa hết hợp đồng thuê nhà.

Được biết, ngôi nhà 5 tầng này có nền móng bè. Nhiều người dân sống cạnh ngôi nhà cho hay, ngôi nhà đã có dấu hiệu lún, nghiêng từ trước đó khá lâu – sau khi tòa cao ốc 35 tầng cạnh đó được xây dựng, tuy nhiên thời gian gần đây có dấu hiệu nghiêm trọng hơn.

Ở trên tầng cao nhất của ngôi nhà, bằng mắt thường có thể quan sát đựoc từ khu vực tầng ba tòa nhà đã nghiêng khỏi kết cấu để lộ những mảng tường phía sau. Khu vực rộng nghiêng rộng nhất ước tính đo được khoảng 30cm. Ở vị trí cách mặt đất khoảng 1,5 m, cơ quan chức năng đo được khoảng cách nứt rời khỏi kết cấu ban đầu của tòa nhà là 2,5cm.

Tin đồn nhà sập lan nhanh, thu hút sự chú ý của nhiều người.

Rút kinh nghiệm sự cố sập nhà trên phố Hùynh Thúc Kháng cách đây chưa lâu lãnh đạo quận Đống Đa khẳng định sẽ liên hệ trao đổi với Sở Xây dựng để tìm giải pháp khắc phục sự cố.

Hiện tại, khu vực trên vẫn được cơ quan chức năng chăng dây và lập hàng rào an ninh phong tỏa.

(tổng hợp)
_____________________________________________

Posted in Chuyện kiến trúc, Chuyện đất nước, Hà Nội nghìn năm | Thẻ: , , | Leave a Comment »

Thành nhà Hồ – Tác phẩm đẹp nhất của kiến trúc Việt

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Hai 26, 2011

Quốc Việt

Đã có nhiều đoàn chuyên gia trong nước và quốc tế đến thăm Thành nhà Hồ (huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa), với mong muốn “bỏ phiếu” để ủng hộ Thành nhà Hồ trở thành Di sản thế giới. Liệu “giấc mơ” Di sản thế giới của Thành nhà Hồ có trở thành hiện thực hay không, còn phụ thuộc quyết định từ Hội nghị lần thứ 35 của Ủy ban Di sản văn hóa Thế giới tổ chức tại Bahrain vào tháng 6 tới…

Thành nhà Hồ sẽ trở thành Di sản thế giới?

Nhà nghiên cứu người Pháp L.Bezacier đã từng nhận xét: “Công trình Thành nhà Hồ là một trong những tác phẩm đẹp nhất của kiến trúc…”. Công trình này, được Hồ Quý Ly xây dựng vào mùa Xuân năm Đinh Sửu (1397), đời vua Trần Thuận Tông. Sách “Đại Việt Sử ký toàn thư” của Ngô Sĩ Liên thời Lê sơ có ghi: “Tháng Giêng năm Đinh Sửu (1397) Hồ Quý Ly sai Thượng Thư Lại bộ kiêm Thái sử lệnh Đỗ Tỉnh về Yên Tôn khảo sát thực địa, đo đạc, đắp thành, đào hào, lập nhà tông miếu, xây đàn thờ thần, mở phố sá lập đường ngõ, công việc làm 3 tháng thì xong. Cuối năm đó ép vua Trần Thuận Tông dời đô về đây và đầu năm ấy lại bức nhường ngôi cho Thái tử An. Tháng 3 năm Mậu Dần (1398) Thái tử An lên ngôi ở cung Bảo Thanh…”. Không lâu sau, Hồ Quý Ly lên ngôi vua, nơi đây, trở thành kinh đô của nước Đại Ngu những năm đầu thế kỷ 15 (1400-1407). Xưa thành nhà Hồ có tên là An Tôn, rồi Tây Đô (để phân biệt với Thăng Long – Đông Đô), Thạch Thành, Tây Giai… tên Thành Nhà Hồ mới có từ sau Cách mạng tháng Tám.

Thành nhà Hồ được xây dựng và gắn chặt với một giai đoạn đầy biến động của xã hội Việt Nam, với những cải cách của vương triều Hồ và tư tưởng chủ động bảo vệ nền độc lập dân tộc. Theo PGS, TS Tống Trung Tín (Viện trưởng Viện khảo cổ học Việt Nam): “Bên ngoài Thành nhà Hồ được xây bằng đá nguyên khối, bên trong chủ yếu là đắp đất”. Thành được xây dựng trên bình đồ kiến trúc gần vuông, hai mặt Nam – Bắc dài hơn 900m, Đông – Tây dài hơn 700m. Đặc biệt thành vẫn còn nguyên 4 cổng theo hướng chính Nam – Bắc – Tây – Đông gọi là các cổng Tiền – Hậu – Tả – Hữu. 4 cổng ở các mặt thành xây cuốn vòm, trong đó cổng phía Nam là cổng lớn nhất với chiều rộng là 38m, cao 10m cùng 3 mái vòm lớn. Cho đến nay, Thành nhà Hồ là thành cổ duy nhất được xây dựng bằng cách ghép những khối đá xanh lớn, đục đẽo tinh xảo, vuông vức, có khối dài tới 4 – 5m; cao 1,2m; rộng 1,2m và nặng tới hơn 15 tấn, được xếp chồng khít lên nhau một cách tự nhiên theo hình chữ “Công” tạo thành vách thẳng đứng. Đặc biệt, có tấm ở cửa Tây dài tới 5,1m, rộng 1,59m, cao 1,30m. Tường thành cao trung bình từ 5-6m (có nơi lên đến 10m ở cổng Nam). Sau chuyến thăm thực địa tại Thành nhà Hồ đầu năm 2011, bà Katherine Muller-Marin, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam đã chia sẻ: “Tôi rất ấn tượng với việc xây Thành nhà Hồ bằng việc gắn những phiến đá rất lớn lại với nhau mà không cần đến một chất kết dính nào trong một khoảng thời gian rất ngắn, lại thực hiện hoàn toàn bằng sức người. Đây là một trong rất nhiều bí ẩn của Thành nhà Hồ mà các nhà khoa học Việt Nam cần tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu”…

Theo nhà nghiên cứu Lưu Trần Tiêu: “Thành nhà Hồ là một trong số ít các di tích lịch sử – văn hóa ở nước ta được nhà nước xếp hạng đợt đầu tiên năm 1962. Quy định khu vực bảo vệ Thành nhà Hồ gồm có hai khu vực: Khu vực bất khả xâm phạm là toàn bộ thành đá và khu vực đất trong nội thành, toàn bộ hào quanh thành và toàn bộ khu đất làm đền thờ Bình Khương. Khu vực 2 là khu vực bảo vệ gồm phần đất rộng gần 500m tính từ hào trở ra chạy quanh thành”. Hiện tại, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ và huyện Vĩnh Lộc đã cắm hơn 200 cột mốc chỉ giới tại 3 vùng lõi: Thành nội, Đàn tế Nam Giao và khu vực La thành (đê Đại La), nhằm mục đích công khai phạm vi khoanh vùng bảo vệ vùng đề cử tại Di sản Thành nhà Hồ, mặt khác giúp chính quyền và nhân dân địa phương chủ động trong kế hoạch bảo vệ và tuyên truyền cho di tích.

Ngày 29-9-2009, Hồ sơ khoa học di sản văn hóa Thành nhà Hồ đã được gửi đến Trung tâm Di sản Thế giới. Với những giá trị lịch sử, văn hóa và kiến trúc nổi bật toàn cầu, cộng với tâm huyết nguyện vọng của nhân dân Thanh Hóa cùng sự quan tâm giúp đỡ của Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam; Hội đồng quốc tế về Di tích và Di chỉ – Cơ quan tư vấn của UNESCO; Đoàn ngoại giao các nước Thường trực Ủy ban Di sản thế giới; Cục Di sản Văn hoá, Viện Khảo cổ học Việt Nam…, hy vọng Thành nhà Hồ sẽ được ghi danh là Di sản văn hóa thế giới. Nhưng cho dù Thành nhà Hồ có trở thành di sản thế giới hay không, thì ngay từ lúc này, nếu có điều kiện, chúng ta hãy tới chiêm ngưỡng công trình kiến trúc lịch sử vĩ đại một thời của ông cha, để cảm nhận được sức sống mãnh liệt nơi mảnh đất cố đô…

_____________________________________________________

Posted in Chuyện du lịch VN, Chuyện kiến trúc, Di tích | Thẻ: , , | Leave a Comment »

Sống cực khổ tại chung cư “5 sao”

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Tám 16, 2010

Nguyễn Nga

– Chuông báo cháy hoạt động theo cảm hứng, vệ sinh chung nhếch nhác, bình gas đun nước tắm mới dùng đã hoen rỉ, rò khí gas sực nức; điều hòa chưa khi nào xuống dưới 30oC; khách đến chơi buổi tối, khi về “ngậm đắng” với 140.000 đồng phí giữ ôtô… Đó là thực tế đang diễn ra ở chung cư Golden Westlake (GW), số 151 Hoàng Hoa Thám, Hà Nội.

Sau khi VietNamNet phản ánh tình hình nước ô nhiễm tại toà nhà cao cấp nhất Hà Nội, đại diện cư dân sống tại GW đã liên hệ với PV để thông tin một loạt bức bối khác mà nhiều tháng nay họ chưa được chủ đầu tư toà nhà là Công ty Hà Việt TungShing và Công ty quản lý Leonidas giải quyết thoả đáng.

Chỉ vì nghe theo hai chữ “đẳng cấp” mà cả trăm hộ dân đang sống ở khu chung cư sang trọng bậc nhất này chưa ngày nào bình yên.

Cơ cực từ ăn, ở…

Mới chuyển đến sống tại căn hộ E2301, gia đình chị N.T.H ngày 15/7 đã phải “ra mắt” láng giềng bằng một email không hề mong muốn với nội dung thắc mắc, than thở, kèm tham khảo kinh nghiệm.

Cứ mỗi lần đun nước nóng để tắm (bằng bình gas và hệ thống do chủ đầu tư thiết kế và cung cấp), mùi gas sực lên “khủng khiếp đến ngạt thở”, nhất là tại phòng khách của căn hộ. Gọi thợ lên sửa chữa thì lý do là lửa quá to, nhưng sau khi thợ về, tình trạng rò khí gas vẫn tiếp diễn.

Ban đầu để khắc phục, giải pháp tình thế của chị H là mở hết cửa mỗi khi đun nước tắm cho thông thoáng, nhưng nhiều hôm mà gần đây nhất là tối 14/7, con thiêu thân bay vào nhà bu kín khiến chị không dám mở cửa. Và kết quả là mùi gas nồng nặc đến nỗi suýt ngạt: “nếu bật bình đun nước thì người ở trong phòng khách chắc chỉ 30 phút là chết vì ngạt gas, hoặc có thể nhanh hơn” – chị nói.

Từ hôm đó, cả gia đình kiên quyết không dùng thiết bị này, bất kể phải cho con tắm bằng nước lạnh hoặc “cho xuống bể bơi vầy rồi lên tắm”; đồng thời, anh chị tính toán chuyển sang dùng bình điện và bếp từ để được an toàn.

Trước đó, ngày 4/4, chủ căn hộ 1506W khi dọn vào ở lại gặp tình huống không thể thông gas. Sau 1 ngày, kỹ thuật viên phát hiện bếp thiếu phụ kiện, lắp đặt không đúng vị trí nên phải thay bếp. Tuy nhiên, gas thông sau đó gặp hiện tượng “kinh hoàng”: lửa bùng ra từ trong tường, phải dỡ hẳn tủ bếp, đục tường mới phát hiện hở ống dẫn.

Hơn nữa, tình cảnh chung mà nhiều hộ khác phản ánh là bình gas và thiết bị đun nước tắm hầu hết đều đã rỉ sét dù mới sử dụng chưa lâu, khiến họ vừa dùng vừa run. Đáng nói là việc sử dụng bình gas “quá cồng kềnh, phức tạp và bất tiện” như vậy để đun nước tắm cũng nằm ngoài sự tưởng tượng ban đầu của người dân đối với một khu nhà cao cấp.

Chị C.N – chủ một căn hộ ở tầng 6 toà phía Tây cho rằng thiết kế ban đầu không hề nhắc tới chi tiết này. “Chủ đầu tư đầu tiên quảng cáo cái khoang ở ban công sẽ có hệ thống sấy quần áo, nghe rất hoành tráng nhưng cuối cùng, máy giặt họ cung cấp lại không có chức năng sấy, nên họ biến chỗ đó thành nơi để bình gas. Vì vậy giờ giặt giũ xong, bà con cứ tự tung tự tác, phơi tá lả từ quần áo đến chăn chiếu ra ban công, trông không khác gì một cái chung cư rẻ tiền” – chị bất bình.

Còn chị Nga, chủ căn hộ E1105 thì ngờ vực: “Đi các nước xung quanh nhưng tôi chưa thấy ở đâu dùng loại bình đun kiểu này cả, có lẽ loại này chỉ dùng cho những căn hộ thu nhập thấp ở HongKong và Trung Quốc đại lục mà thôi… Thế mới biết, chủ đầu tư coi thường tính mạng của cư dân mình quá”.

Không chỉ gas hở, nước ô nhiễm có váng vàng, mà hệ thống điều hoà và báo động chữa cháy do chủ đầu tư trang bị cũng là một nỗi thống khổ của các hộ.

Do công suất thường rất thấp so với diện tích và tiêu chuẩn của phòng khách của các căn hộ nên nhiệt độ ở đây hầu như chưa bao giờ xuống thấp hơn 29oC. Chị H. chủ căn hộ E2301 mô tả: “điều hoà nhà mình toàn 32-33oC. Sau khi bảo trì thì xuống 31o. Bật từ 6h-8h sáng, chiều bật từ 5h-8h vẫn không thấy khá hơn… Mình đã trang bị quạt để hỗ trợ thêm”.

Riêng hệ thống báo cháy thì hoạt động rất bất thường và khó lường. Đơn cử ngày 11/6, chuông báo cháy khởi động vô cớ tại căn hộ 1006W dù trong nhà không có bất cứ hoạt động nấu ăn, thắp hương, thắp nến nào, khiến một cụ bà 92 tuổi và cô giúp việc liên tục gọi điện xuống lễ tân suốt 90 phút nhưng không có ai lên kiểm tra. Sau đó chuông tự tắt. Hoặc có lần nhà W611 nướng bánh mỳ buổi sáng thì bánh bị cháy, khói bốc lên, 7h sáng chuông báo khói đã kêu, nhưng cả tiếng đồng hồ sau, mặc cho chủ nhà gọi điện báo lễ tân mà cũng chẳng có ai lên xử lý…

… đến đi lại, giải trí

Phàn nàn về sự thiếu đồng bộ, tiện nghi và không hoàn thiện của các hạ tầng như thang máy, truyền hình cáp cũng là câu chuyện hài hước của các cư dân hạng sang. Với truyền hình cáp, vấn đề là dù đường mạng cáp rất tốt nhưng chủ đầu tư chỉ cung cấp cho các chủ căn hộ một dịch vụ truyền hình không phổ biến như các kênh tôn giáo, các nước xa lạ với chất lượng truyền hình kém, mất tín hiệu, bị nhiễu sóng của Trung Quốc…
Rõ ràng thời điểm năm 2006 khi chủ đầu tư bắt đầu rao bán căn hộ tại GW, giá tại đây so với mặt bằng tại khu cao cấp như Ciputra (Tây Hồ, Hà Nội) đã đắt hơn khoảng gấp 2-3 lần. Với chất lượng và đẳng cấp được Hà Việt TungShing tuyên bố bằng chữ “luxury” (sang trọng, xa xỉ), nhiều người đã bỏ một số tiền giá trị lúc đó chỉ với kỳ vọng sẽ được ở một nơi rất “xịn”, quản lý chuyên nghiệp.
Nhưng đến năm 2009, khi được nhận nhà thì hoá ra không phải như vậy. Từ mặt mỹ thuật, kỹ thuật khi bàn giao nhà chưa thuyết phục người ở, mà khâu dịch vụ, điều hành, quản lý khi đi vào hoạt động cũng rất thiếu chuyên nghiệp. Một trong số đó là việc phát sinh những chi phí cắt cổ.

Ban đại diện hộ dân bức xúc, thời điểm tháng 6/2010 trở về trước, khách của cư dân đến chơi thường phải trả phí đỗ xe ôtô là 20.000 đồng/giờ, từ 20h trở ra là 40.000 đồng/giờ. Có những cư dân mời bạn bè đến nhà ăn tối từ 18-23h thì khi về, họ cứ phải trả khoảng 140.000 đồng/xe. Đến ngày 6/6, một cư dân quá bực, cho rằng cách hành xử như vậy là cô lập người dân sở tại, đã lên tiếng tranh đấu thì chủ đầu tư mới tạm thời đồng ý giảm còn 10.000 đồng cho 2 giờ gửi xe.

Ngoài ra, với phí dịch vụ thu của mỗi hộ là 0,88cent/m2/tháng (tương đương với 16.000 đồng) – vượt quá khung giá quy định của Nhà nước là 8.000 đồng/m2/tháng, vậy mà phong cách phục vụ, hành xử của đơn vị điều hành ở đây lại rất phó mặc, thiếu trách nhiệm; vệ sinh và tiện ích chung từ hành lang, bể bơi, hầm đỗ xe… thường nhếch nhác vì ít người dọn dẹp.

Chính vì đấu tranh đơn lẻ không có kết quả, cách đây ít lâu, tất cả cư dân đã thống nhất bầu ra một Ban đại diện lâm thời – thay mặt người dân mời Chủ tịch và Giám đốc Điều hành tập đoàn TungShing từ HongKong sang làm việc. Tại cuộc đàm phán ngày 26/6, hai bên đã thoả thuận thống nhất 15 vấn đề. Song từ đó đến nay, gần 2 tháng trôi qua, rất nhiều nội dung chủ đầu tư hứa hẹn mà không thấy hành động.

“Chuẩn mực này, toà nhà này chỉ đáng 3 sao thôi, chứ không phải 5 sao như người ta quảng cáo. Vấn đề mà chúng tôi muốn cảnh tỉnh ở đây là chủ đầu tư nước ngoài không phải ai cũng giữ uy tín. Do đó khi lựa chọn nhà đầu tư thì phải tìm hiểu cặn kẽ năng lực, kinh nghiệm. Đừng nghĩ cứ mác nước ngoài là yên tâm bỏ tiền vào” – chị C.N – một thành viên Ban đại diện đúc kết.

_____________________________________________

Posted in chuyện khó tin, Chuyện kiến trúc, Chuyện xã hội, Chuyện đời sống, Kinh tế | Thẻ: , , , | Leave a Comment »

Cổng chào hết 50 tỷ có phải ít đâu!

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Bảy 3, 2010

– Công trình “Cổng chào” kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội thực chất không phải là cổng chào. Công trình này bị giới kiến trúc sư phản đối kịch liệt. Ông Nguyễn Trực Luyện, nguyên chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã cho rằng thật may mắn nếu như thành phố không xây dựng những công trình đó.

Đó không phải là cổng chào

Theo ông việc xây dựng cổng chào nhân dịp kỷ niệm đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội có hợp lý không?

Hợp lý chứ. Đó là truyền thống của dân tộc ta. Dựng cổng chào vào ngày lễ kỷ niệm với tôi là truyền thống tốt đẹp.

Tức là ông ủng hộ việc xây dựng cổng chào?

Hà Nội kỷ niệm 1.000 mà dựng cổng chào thì tôi ủng hộ. Nhưng vấn đề là làm thế nào? Nói đến cổng chào là nói đến một thứ rất quen thuộc. Cửa ngõ vào các thành phố cũng luôn có những cổng chào. Đó là thông thường. Nghe tin Hà Nội sẽ xây dựng cổng chào tôi đã nghĩ vậy.

Nhưng khi nói chi 50 tỷ đồng làm cổng chào, rồi khi tôi xem bản vẽ các cổng chào thì tôi thấy vấn đề lại khác mất rồi. Đó không phải là cổng chào mà chúng ta vẫn hiểu. Đó là cổng có tính chất biểu tượng, biểu trưng để vào đô thị chứ không phải là cổng chào. Nào là chim hạc, trống đồng, cọc Bạch Đằng… Mà khi đã sang một thể loại khác thì…

Thì sao ạ?

Cổng chào chỉ là công trình nhất thời, sau lễ thì người ta bỏ đi.

Biểu tượng của đất nước… bị xé đôi

Nghĩa là dùng từ cổng chào cho những công trình này là không đúng?

Đúng vậy. Nó không đúng với tính chất cổng chào. Cổng chào bình thường làm trong khoảng 100 ngày là được. Giá thành thì khoảng 100 triệu đồng/cái là được.

Còn với 100 ngày mà làm những công trình mang tính biểu trưng, biểu tượng thì vội vàng quá. Nếu nói rằng cái này có trong kế hoạch 1.000 năm Thăng Long được phê duyệt từ cách đây gần 10 năm thì tại sao không thấy nói gì, làm gì, lấy ý kiến các ngành, các giới thế nào? Đến lúc còn 100 ngày thì mới đưa ra. Hay người ta mải làm nhiều chuyện khác nên quên chuyện đó? Họ coi chuyện này đơn giản quá!

Có thể ban đầu chỉ là cái cổng chào thực sự với giá khoảng 100 triệu đồng như ông nói chứ không phải công trình mang tính chất biểu tượng có giá hàng chục tỷ đồng?

Có lẽ vậy. Tôi không hiểu tại sao chỉ còn có 100 ngày nữa họ lại xới chuyện này ra. Lúc tôi được tận mắt xem 5 phương án đó thì mới thấy nó còn rất sơ lược, ý tứ còn chưa có gì chuẩn xác, việc chọn hình tượng, địa điểm, nhìn trên bản vẽ thì hình tượng, ý tưởng như trống đồng, chim hạc, rồng… là những biểu tượng quá quen thuộc. Suy nghĩ ấy nó toát lên sự sáo mòn, nông cạn chưa đầu tư chiều sâu.

Tôi không hiểu rõ lắm! Tại sao sự lựa chọn đó lại bị coi là sáo mòn?

Sao lúc nào cũng phải là trống đồng, là chim hạc. Đã chọn thì phải tìm ý tứ để truyền cảm. Tôi thấy rằng việc chọn hình tượng thiếu đào sâu suy nghĩ và thiếu sự gia công nghệ thuật, thiếu sức truyền cảm tạo nên sự lệch lạc. Trống đồng là biểu tượng văn hóa linh thiêng, không lý nào ta lại đem lát cả mặt đường cho ô tô chạy qua. Trống đồng là biểu tượng của đất nước mà lại bị xé đôi ra… Những giải pháp đưa ra thiếu sự cân nhắc, dễ đưa đến những suy luận không hay, lệch lạc.

Y phục xứng kỳ đức

Theo ông thì những biểu tượng được chọn đó có được coi là biểu tượng 1.000 năm Thăng Long không?

Đó là những biểu tượng mang tính dân tộc chứ không phải là biểu tượng của Hà Nội. Việc người ta định gắn lên nó biểu tượng của Hà Nội là một sự sống sượng. Chưa kể những cái ta chọn biểu tượng nó rất quen thuộc với đời sống rồi thì phải to vừa phải thôi.
Nhưng trên sơ đồ thì trống đồng cao 20 thước, con chim hạc cao 40 thước. Phóng đại vật quen thuộc linh thiêng làm người ta không còn nhận ra nó nữa. Việc làm đó thể hiện chưa có sự gia công nghệ thuật, chưa thể hiện độ chín. Rồi vị trí của những công trình này đều được đặt trên đường giao thông quốc lộ thì người ta chỉ nhìn thoáng qua chứ không ai sờ mó được, tham quan được.

Nghĩa là theo ông bỏ ra 50 tỷ đồng làm thì nó phải là một công trình nghệ thuật và có thể tham quan?

Đúng. Bỏ ra tiền của để dựng ra cái trống đồng rộng gần 20 thước với cả một không gian rất rộng bên trong mà không được dùng vào việc gì cả! Tôi không hiểu! (Nhún vai)

Tôi có nghe đâu đó nói rằng việc chuẩn bị làm cổng chào đã có kế hoạch gần chục năm nay rồi chứ không phải là hứng lên thì làm đâu! Do vậy mà có thể người ta đã có kế hoạch sử dụng nó mà chúng ta không biết?

Cho đến trước ngày 25/06/2010 tôi chưa bao giờ thấy họ lấy ý kiến, giới thiệu, bàn bạc xem nên làm gì. Đùng cái họ mới đưa ra là dựng 5 cổng chào ở 5 cửa ngõ to như thế, tiền như thế.

Việc làm đó thiếu sự chuẩn bị có nghề, chu đáo, có thể nó còn gây hậu quả lãng phí. Trong khi thành phố nhà cửa còn đang như thế này, tự nhiên có cái cổng chào to đùng như thế. Bạn hãy tưởng tượng thành phố của chúng ta như một ngôi nhà còn chật chội tự nhiên sắm bộ sa lông to đùng giữa nhà. Nó không đồng bộ. Y phục phải xứng kỳ đức chứ.

Bệnh “hoành”

Theo ông, nếu không có những cổng chào này thì sự kiện 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội có mất đi ý nghĩa?

Nó không được xây dựng là may. Đỡ tốn 50 tỷ đồng.

Có thể chúng ta không ở vào vị trí của người lãnh đạo, không có một cái đầu của nhà quản lý đã khiến chúng ta thiếu đi tầm nhìn mà phản đối kế hoạch này. Cũng có thể thời gian gấp khiến người lãnh đạo cần có sự quyết đoán?

Quyết đoán là phải có tầm nhìn và bề dày tư duy. 50 tỷ đồng có phải ít đâu! Hà Nội sau khi mở rộng thì nông thôn bao la, trường học bệnh viện trạm xá thiếu… Trong bối cảnh đó thì bớt những khoản không cần thiết là việc làm thiết thực. Chỉ nên dùng khoảng 5 tỷ đồng để làm cổng chào, còn lại 45 tỷ đồng có thể xây dựng được một số trường học, trạm xá, cơ sở chữa bệnh…

Nếu cứ nói như ông thì lý giải thế nào về việc người ta “quyết đoán”?

Thiếu chiều sâu kiến thức và “bệnh hoành”. Cái gì cũng muốn làm to ra?

“Bệnh hoành”! Căn bệnh này là…?

Hoành tráng! Cái gì cũng muốn to. Bánh chưng to nhất, chai rượu to nhất, đình chùa to nhất…

Ông nghĩ gì đối với một công trình vấp phải sự phản đối của hầu hết các nhà chuyên môn?

Thì phải xem lại.

Việc một công trình bị hầu hết các nhà chuyên môn, người dân phản đối với ông có nói lên thực trạng gì không?

Người ra quyết định chưa thực sự xứng tầm lắm.

Vâng. Xin cảm ơn ông về những lời nói thẳng. Xin chúc ông sức khoẻ và hạnh phúc. Chúc cho đại lễ 1.000 năm của chúng ta thực sự là một ngày hội.

[Ông Nguyễn Trực Luyện công tác ở Hội Kiến trúc sư Việt Nam 23 năm.
Năm 2005, ông nghỉ công tác hội khi đang là chủ tịch. Tuy nhiên, từ đó đến nay, các vấn đề lớn về kiến trúc ông vẫn được xin ý kiến.
Ông nói: “Tôi không ủng hộ biểu tượng nào trong 5 biểu tượng đã được chọn. Con chim hạc phóng to như thế thì nó không phải là chim hạc nữa. Trống đồng thì như là vật bỏ đi hất bên vệ đường. Cọc Bạch Đằng là dấu chiến tích của chiến tranh thì không phải là cổng để chào đón…”.]

[Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, KTS Nguyễn Tấn Vạn: Các phương án xây dựng 05 cổng chào như đề xuất có quy mô lớn, đòi hỏi phải có kết cấu ổn định, bền vững (không thể là công trình tạm) nhưng bản thân công trình không có chức năng sử dụng, địa điểm quá xa, độc lập với các hoạt động của cộng đồng trong những ngày lễ hội, việc sử dụng hình tượng chưa chọn lọc (rồng chầu, trống đồng bị chia cắt, cọc Bạch Đằng… dễ gây phản cảm)…
Hội KTSVN cho rằng, thành phố chỉ nên xây dựng một số cổng chào mang tính chất chào mừng, với hình thức kiến trúc đơn giản, dễ làm, có quy mô vừa phải, ít tốn kém.]

Nguyên Thủy – Tô Hội (Thực hiện)
________________________________________________

Posted in Chuyện kiến trúc, Hà Nội nghìn năm, Kinh tế | Thẻ: , , | Leave a Comment »

Phát hiện 1.292 lỗi về an toàn PCCC tại các chung cư

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Sáu 9, 2010

Bảo Hân

(HNMO) – Ngày 8/6, Phòng Cảnh sát PCCC – CATP đã công bố báo cáo kết quả kiểm tra chuyên đề an toàn PCCC các nhà chung cư cao tầng trên địa bàn Hà Nội. Đợt kiểm tra này diễn ra sau vụ cháy tại tòa nhà chung cư JSC-34 tại đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân.

Qua hơn 1 tháng làm việc nghiêm túc, lực lượng Cảnh sát PCCC đã phối hợp các Sở Xây dựng, Quy hoạch kiến trúc, Kế hoạch đầu tư và UBND các phường, xã tổ chức kiểm tra 368 nhà chung cư từ 7 tầng trở lên, trong đó 80 nhà từ 7-9 tầng và 288 nhà trên 10 tầng. Kết thúc đợt kiểm tra, mới chỉ có 172 nhà chung cư cao tầng được cơ quan PCCC cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện PCCC.

Lực lượng chức năng đã lập 323 biên bản kiểm tra, kiến nghị 1.292 thiếu sót cần khắc phục. Trong đó, đáng chú ý có 22 nhà có đèn chiếu sáng sự cố và 21 nhà có đèn chỉ dẫn thoát nạn (EXIT) hoạt động không đảm bảo. Có 178/368 nhà có hệ thống thu rác nhưng chỉ có 70 nhà đạt yêu cầu; 119/368 nhà có bể nước xe chữa cháy có thể hút nước được.

Đợt kiểm tra cho thấy hầu hết các nhà chung cư, nhà tái định cư đều chưa xây dựng phương án chữa cháy, không tổ chức thực tập phương án chữa cháy, thoát nạn khi có cháy, nổ xảy ra.

Việc tổ chức thực tập phương án còn mang tính hình thức, không theo đúng tình huống trong phương án chữa cháy. Các chủ đầu tư còn thiếu trách nhiệm không lập hồ sơ quản lý về công tác PCCC hoặc đã lập nhưng chưa phân công cán bộ chuyên trách lưu giữ hồ sơ nên không được bổ sung, cập nhật thường xuyên theo quy định.

Hệ thống thang máy của các chung cư cũng chưa hiện đại, khi có sự cố cháy, nổ xảy ra, thang máy sẽ dừng lại ngay hoặc chỉ chạy tới tầng gần nhất, ảnh hưởng lớn đến công tác thoát nạn của người dân trogn tòa nhà.

Tại các nhà chung cư có sử dụng các chai LPG (gas trung tâm) để phục vụ kinh doanh, số lượng chai LPG đặt trên các nhà cao tầng quá quy định (quá 70kg), không được cơ quan PCCC thẩm duyệt về PCCC, vị trí các chai LPG này thường gần nguồn nhiệt, gần cống rãnh, không bảo đảm khoảng cách an toàn PCCC…

_________________________________________________

Posted in Chuyện kiến trúc, Chuyện đô thị, Tin tức nổi bật | Thẻ: , , | Leave a Comment »

Gỉ mật, mạch nha cũng có thể xây Vạn Lý Trường Thành

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Sáu 6, 2010

Tô Lan

Bí mật về sức mạnh và sự bền vững của Vạn Lý Trường Thành (Trung Quốc) vừa được hé mở do được xây dựng từ một loại vữa đặc biệt từ gạo nếp và vôi. Ở Việt Nam, các công trình kiến trúc xưa cũng đều sử dụng gỉ mật như một loại xi măng có kết cấu vững chắc.

Gỉ mật có thể xây Vạn Lý Trường Thành

PGS.TS Trịnh Lê Hùng, khoa Hóa, ĐH KHTN, ĐHQG Hà Nội cho biết, hầu hết các công trình xây dựng của người xưa sử dụng gỉ mật trộn với vữa. Xây nhà bằng vữa là vôi và cát thì chúng sẽ liên kết nhờ không khí thẩm thấu dần từ ngoài vào trong.

Tuy nhiên sẽ mất nhiều thời gian và khó làm khô ở bên trong vì không khí không dễ gì luồn vào được. Trộn mật vào hỗn hợp này, mật sau một thời gian khoảng 10 – 15 ngày sẽ bị phân hóa thành CO2, phản ứng với vôi, gọi là hoàn nguyên đá vôi. Khi đó, tường sẽ cứng từ bên trong ra, rất chắc chắn.

ThS Nguyễn Văn Huynh, giám đốc Trung tâm vật liệu hữu cơ và hóa phẩm xây dựng cho biết, ngày xưa chưa có xi măng, người ta sử dụng chất kết dính trong xây dựng bằng những vật liệu có sẵn trong tự nhiên như nhựa thông đun chảy, gỉ mật… Những hợp chất này đều có nguồn gốc từ thực vật và khá bền.

Ở Việt Nam hiện có những công trình xây dựng mà đến nay vẫn chưa tìm ra nguyên liệu đó là gì, chưa biết làm thế nào để kết dính các viên gạch thành một công trình khổng lồ như vậy. Gỉ mật có khối lượng phân tử lớn, trộn với một số chất phù hợp thì sẽ tạo thành hợp chất kết dính tốt. Loại vữa này khi đưa ra ngoài không khí nó cũng có những phản ứng tự động rắn, liên kết lại với nhau.

Khoa học xưa khó áp dụng ngày nay

PGS. TS Vũ Đình Đấu, phó khoa Vật liệu, Đại học Xây dựng cho biết, việc trộn vôi với mật, hay gỉ đường tạo ra sự kết dính rất tốt. Tuy nhiên, cường độ chịu lực của các vật liệu này lại thấp. Vì thế, ngày nay người ta không sử dụng những vật liệu này nữa hoặc nếu sử dụng thì chỉ sử dụng đối với những công trình không đòi hỏi cường độ chịu lực cao.

ThS Nguyễn Văn Huynh cho rằng, việc sử dụng gạo nếp với vôi ở Vạn Lý Trường Thành cũng không có gì là lạ. Bởi mạch nha chúng ta vẫn hay sử dụng được làm từ gạo nếp và cũng là một chất kết dính tốt. Chắc chắn là phải trải qua các công đoạn giống như từ gạo nếp làm thành mạch nha thì gạo nếp và vôi mới kết hợp với nhau để làm thành vữa xây dựng được. Xét cho cùng gạo nếp cũng chính là gỉ đường, về bản chất thì giống như gỉ mật.

Việc ứng dụng các loại vật liệu xây dựng này vào trong thực tế hiện nay là không cần thiết vì có nhiều vật liệu mới với giá thành rẻ hơn nhiều. Trong một số công trình cần trùng tu lại nên sử dụng các loại vật liệu này, vì tạo ra loại vữa này không có gì là phức tạp cả.

PGS.TS Trịnh Lê Hùng cũng cho rằng, việc không sử dụng lại những vật liệu này trong xây dựng hiện đại là vì thực chất nó cũng giống như xi măng, mà xi măng giờ thì có nhiều rồi. Xi măng là hợp chất hút nước để tạo thành dạng tinh thể nên nó rắn rất nhanh, sử dụng tiện lợi, vì thế nó được lựa chọn để thay thế những loại vật liệu xây dựng truyền thống kia.

PGS.TS Nguyễn Lân Cường, Viện Khảo cổ học Việt Nam cho biết: Các cuộc khai quật khảo cổ cho thấy, các quách bảo vệ quan tài vua chúa ngày xưa hầu hết đều xây bằng các hợp chất kiên cố làm từ vôi, cát, mật…
Ví dụ, quách bảo quản thi hài vua Lê Dụ Tông cũng sử dụng bằng các vật liệu này. Các quách này giống như những bức tường thành vững chãi bao kín các mặt quan tài bảo vệ quan tài và xác ướp bên trong khỏi bị tác hại của không khí, rất kiên cố, tồn tại có khi đến vài nghìn năm.

________________________________________________________

Posted in Chuyện kiến trúc, Khảo cổ, Khoa học & Công nghệ | Thẻ: , , , , | Leave a Comment »