NGÔN NGỮ & VĂN HÓA

CHÚC MỪNG NĂM MỚI

Archive for the ‘Điện ảnh’ Category

Nghệ thuật Việt Nam đang giậm chân tại chỗ?

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Mười 4, 2011

(HNM) – Một giáo sư Mỹ, người có nhiều công trình nghiên cứu về mỹ thuật Việt Nam, khi trả lời phỏng vấn một tạp chí nước ngoài đã nói, đại ý rằng mỹ thuật Việt Nam dường như giậm chân tại chỗ, không bắt kịp thẩm mỹ hiện đại. Giáo sư này cũng cho rằng chặng sau của các họa sỹ thành công là sự đi ngang hoặc đi xuống, vì thế nên giá tranh thấp hơn hàng chục lần so với các họa sỹ Indonesia…

Thực ra không riêng gì mỹ thuật, nhiều loại hình nghệ thuật trong nước đang theo lối mòn. Sân khấu chạy theo thị hiếu bằng việc chọn một kịch bản có cốt truyện éo le, bi thương. Hình thức thể hiện quá cũ, vẫn là lớp lang quen thuộc; trang trí sân khấu quẩn quanh vài cái bục, vài tấm vách. Cứ như thể chẳng ai quan tâm công nghệ ánh sáng, âm thanh ngày nay hoàn toàn có thể giúp đạo diễn tạo ra hiệu quả sân khấu khác hẳn. Điện ảnh cũng chẳng hơn gì. Các hãng phim tư nhân chạy theo dòng phim giải trí. Tất nhiên, không thể trách bởi họ cần thu hồi vốn, nhưng bao nhiêu năm nay có hãng chỉ loay hoay với đề tài đồng tính, có hãng pha trộn tí hài, tí tâm lý nhạt nhẽo vào phim… Tác phẩm làm theo đơn đặt hàng chưa thoát ra được tư duy cũ, không cổ xúy được cái mới, không phê phán cái cũ đến nơi đến chốn. Một số phim tham gia các liên hoan quốc tế… cho vui và để đánh bóng nhà sản xuất hơn là hy vọng về giải thưởng.

Âm nhạc khá hơn. Một số ít nhạc sỹ, ca sỹ ý thức được trách nhiệm đi tìm giá trị thẩm mỹ mới, như nhạc sỹ Quốc Trung, Anh Quân, Lê Minh Sơn, Ngọc Đại… tuy không phải ai cũng thành công thực sự. Cách đây mấy năm, người nghe có vẻ không thích CD “Made in VietNam” của ca sỹ Mỹ Linh, nhưng theo nhiều nhà phê bình âm nhạc thì đó là CD có tầm quốc tế. CD “Đường xa vạn dặm” của nhạc sỹ Quốc Trung cũng là sự sáng tạo, kết hợp giữa âm nhạc hiện đại với âm nhạc dân tộc. Tuy nhiên, số đông nhạc sỹ vẫn quen sáng tác các ca khúc “nịnh” tai khán giả bình dân, lười biếng trong sáng tạo. Nghệ thuật Việt Nam được giới thiệu với công chúng nước ngoài trong các chương trình giao lưu văn hóa chủ yếu vẫn là vốn dân gian như rối nước, hát chèo, dân ca… Tính đến thời điểm này, khán giả yêu điện ảnh nước ngoài hầu như chỉ biết đến đạo diễn Việt kiều Trần Anh Hùng. Cũng chưa có một ca sỹ hay nhóm nhạc nào có thể gây chú ý đặc biệt ở châu Âu…

Kinh tế Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới. Trong khi đó, hầu hết các bộ môn nghệ thuật vẫn luẩn quẩn trong ao làng. Nghệ thuật, khi không hướng được người xem, người nghe theo các quan niệm thẩm mỹ mới thì không thể gọi đó là một nền nghệ thuật phát triển.

theo Người Lái Đò
_________________________________________________________

Posted in Âm nhạc, Chuyện hội họa, Mỹ thuật, văn hóa, Điện ảnh | Thẻ: , , | Leave a Comment »

Kịch liệt phản đối chiếu phim Lý Công Uẩn, vì sao?

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Sáu 8, 2011

TP – Tin VTV dự định phát sóng bộ phim dài tập Lý Công Uẩn- đường tới thành Thăng Long từ 30-6 đang gây xôn xao dư luận. Cũng có ý kiến cho rằng cần chiếu rộng rãi, mới biết hay dở, để có cơ sở khen chê. Rộng đường dư luận, Tiền Phong đưa ý kiến của GS sử học Lê Văn Lan, người đã có dịp xem phim này.

Thưa GS, vì sao ông phản đối việc phát sóng rộng rãi bộ phim “Lý Công Uẩn – Đường tới thành Thăng Long” thời điểm này?

Không chỉ thời điểm này. Nhưng càng trong thời điểm này, thì càng rõ một vấn đề cơ bản qua các thời điểm là: Thực tế không như công văn của Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch (VHTTDL) gửi Đài TH Việt Nam ngày 15-3-2011 cho rằng “phim này chuyển tải cho người xem biết và tự hào về một giai đoạn lịch sử của nước ta”. Qua tất cả các thời điểm, tôi đều không thể tự hào về cách người ta đưa giai đoạn lịch sử của nước ta lên phim như thế này.

Được biết tên của giáo sư có trong danh sách cố vấn cho bộ phim mà chưa được phép của ông?

Ở lần xem thứ nhất, khi thấy tên tôi trên giê-nê-ríc, đề là cố vấn lịch sử, tôi đã trực tiếp phản đối với ông Trịnh Thanh Sơn, Giám đốc hãng Trường Thành, đơn vị sản xuất phim này. Đồng thời tôi viết hai bài báo nói rõ chuyện đó, rằng tôi có được biết phim làm lúc nào và làm ở đâu để mà nhận việc cố vấn.

Thưa, vậy đến nay tên của giáo sư có còn trên giê-nê-ric?

Họ vẫn đề tên tôi với tư cách Người tu chỉnh kịch bản. Đáng tiếc, những điều tôi đề nghị tu chỉnh thì họ không tiếp thu.

Giáo sư có thể giải thích rõ vì sao không nên chiếu bộ phim này?

Thứ nhất, sự thật không như công văn của Bộ VHTTDL đã viết: “Về cơ bản, tinh thần lịch sử trong phim được tôn trọng”. Xin nêu ví dụ: Cuộc kháng chiến của dân tộc ta chống quân Tống xâm lược lần thứ nhất (980 – 981) là niềm tự hào của tất cả những người Việt chân chính, nhưng phim lại chỉ nói về cuộc kháng chiến này dưới dạng một trận đánh ở một ngọn núi ất ơ nào đó tên là núi Chu Tước. Ở lần xem phim thứ nhất, tôi xem thấy trận đánh này diễn ra cảnh Thiền sư Vạn Hạnh khuyên và trao cẩm nang cho anh hùng dân tộc Lê Hoàn, nói rằng: “Không cần đánh! Giặc sẽ tự tan”. Và trên phim, vai Lê Hoàn còn ra lệnh: “Kẻ nào bàn đánh, chém!”.
Đến lần xem phim thứ hai và thứ ba (tức là lần duyệt cuối), sau ý kiến phản đối kịch liệt của tôi, họ đã sửa lại nhưng vẫn kéo toàn bộ cuộc kháng chiến oanh liệt của dân tộc thời đó vẫn vào trận núi Chu Tước ất ơ ấy. Lại còn cho ông Vạn Hạnh đón đường hành quân ra trận của ông Lê Hoàn và khuyên: “Chớ sát sinh nhiều”. Vai diễn Lê Hoàn thì thể hiện sự băn khoăn về lời khuyên trận mạc này.
Nói chung, tinh thần và cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc ta oanh liệt là thế, nhưng Đường tới thành Thăng Long thể hiện rất mờ nhạt, chủ yếu là đấu đá, sát phạt nội bộ, chém giết, được tô đậm bằng những trường đoạn rất rùng rợn. Có nhân vật Hạng Lang sau khi đánh nhau với anh ruột là Đinh Liễn, đã chết với những mũi chông cắm xuyên từ gáy sang bên mặt, rất rùng rợn.

Lê Hoàn- nhân vật lịch sử chính của giai đoạn này thể hiện như thế nào trong phim, thưa giáo sư?

Mọi người Việt Nam chân chính đều hiểu và tôn vinh Lê Hoàn là anh hùng dân tộc. Hơn nữa, đây là nhà thủy lợi đầu tiên với việc đào kênh nhà Lê, bây giờ còn sử dụng. Trong phim, Lê Hoàn hiện ra như một ông vua có lối sống xa xỉ, chỉ biết bắt dân xây dựng vườn ngự uyển, không cần biết đến những lời can gián, thậm chí còn trừng phạt Lý Công Uẩn vì dám ngăn vua xây dựng những công trình phục vụ cho việc ăn chơi xa hoa.
Lê Hoàn còn hiện ra như một ông vua nhu nhược, đi kinh lý thì để cho giặc cỏ bắt được. Rồi sa thải các trung thần. Tóm lại, một ông vua không đúng như lịch sử đã ghi chép và các nhà sử học xưa nay đã nhận định và tôn vinh.

Còn những nhân vật lịch sử khác? Thái hậu Dương Vân Nga chẳng hạn?

Tôi và một số nhà nghiên cứu đang được dòng tộc họ Dương mời làm hội thảo khoa học về các nhân vật họ Dương trong lịch sử. Tôi sợ rằng dòng tộc họ Dương sẽ có thái độ phản kháng dữ dội khi phim này được chiếu trên sóng truyền hình quốc gia với hình tượng Dương Vân Nga ủy mị, sướt mướt, treo cổ tự tử khi được Lê Hoàn tỏ tình. Trong khi chính sử chép bà là người thông tuệ sắc sảo và quyết đoán trong những tình huống cam go.
Chi hậu Đào Cam Mộc hiện lên trong phim, từ đầu chí cuối là một ông tướng võ biền, cha của một ông tướng trẻ khác, cũng chỉ suốt ngày đòi thách đấu với Lý Công Uẩn. Khi được giao việc hộ vệ Lê Đại Hành tuần du thì lại ngơ ngẩn, sơ suất, để cho vua của mình bị giặc cỏ bắt sống. Trong khi đó, mọi người đều biết Đào Cam Mộc là quan Chi hậu, tức là người quản mọi việc trong nội cung, và quan văn.
Tóm lại, những nhân vật lịch sử trong phim đều bị bóp méo làm cho sai lệch đi. Điều này rất nguy hiểm, không chỉ vì nó là xuyên tạc lịch sử trong một tác phẩm nghệ thuật mà hơn thế, qua đây, việc giáo dục truyền thống anh hùng của dân tộc đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Các sự kiện lịch sử quan trọng trong giai đoạn này thì sao?

Một sự kiện quan trọng bậc nhất là Thái tổ Lý Công Uẩn lên ngôi. Phim này không chỉ gọi lên ngôi là “đăng cơ” (từ của phim Trung Quốc hoàn toàn). Rành rành sử viết Lý Công Uẩn lên ngôi ở Hoa Lư, được triều đình đồng thuận, nhưng trên phim thì Lý Công Uẩn lên ngôi ở một ngôi chùa Trung Quốc!

Trang phục của phim là đề tài được bàn luận nhiều. Cụ thể trang phục của Lý Công Uẩn ra sao?

Không chỉ trang phục của nhà vua mà của văn võ bá quan và trăm họ đều rất Trung Quốc. Rồi thì cảnh chùa chiền, cung điện, nhà cửa, ngựa xe, binh khí cũng đều rất Trung Quốc.

Tóm lại đó là những cảnh trên phim, ở lần duyệt cuối cùng phải không ạ? Và khán giả sẽ được xem đúng như thế?

Vâng! Đúng thế. Chính vì thế tôi mới kiên quyết phản đối việc chiếu bộ phim này ở các rạp và trên sóng truyền hình quốc gia cũng như các đài địa phương. Tôi tin chắc rằng mọi người cũng như tôi, không thể “tự hào” về mình và tổ tiên của mình, ở một giai đoạn lịch sử quan trọng mà lại được làm “rất Trung Quốc” như thế này.

theo Nguyễn Xuân Diện
(đầu đề do chúng tôi đặt)
_______________________________________________________

Posted in Chuyện lịch sử, Hà Nội nghìn năm, Điện ảnh | Thẻ: , , | Leave a Comment »

Thảm họa phim Việt: Nhà đài lên tiếng

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Năm 27, 2011

– Lần đầu tiên, VTV lên tiếng về những bộ phim truyền hình được phát sóng trên giờ vàng thời gian qua.

Dư luận vẫn chưa thôi dậy sóng về những thảm hoạ phim Việt xuất hiện tràn lan trên màn ảnh truyền hình thời gian qua. Chuyên đề phim truyền hình Việt vẫn tiếp tục nóng trên các mặt báo và là chủ đề tranh luận của hàng triệu khán giả xem phim truyền hình. “Thủ phạm” gây nên những bộ phim tệ hại được cả người xem lẫn người trong cuộc nêu ra. Thậm chí, có không ít ý kiến cho rằng, việc để cho những bộ phim dở “tra tấn” người xem một phần trách nhiệm không nhỏ thuộc về nhà đài.

Trước câu hỏi của phóng viên VietNamNet: “Thời gian qua, nhiều phương tiện truyền thông lên tiếng về chất lượng của các bộ phim truyền hình xã hội hoá của các nhà sản xuất tư nhân lên sóng. Nhiều người đặt dấu hỏi rằng không biết trách nhiệm nhà đài ở đâu tróng việc kiểm duyệt phim lên sóng. Những phim như thế nào được phát sóng vào giờ vàng?”

Ông Nguyễn Hà Nam, Thư ký Biên tập Đài THVN, đại diện cho lãnh đạo VTV trả lời: “Giờ vàng được xác định là giờ dành cho phim Việt. Như chúng ta biết, trước kia phim nước ngoài thường chiếu vào giờ vàng, tức là trong khoảng từ 8-10h tối. Hiện nay, chúng tôi luôn cố gắng chọn những phim chiếu giờ vàng là những phim có chất lượng cao nhất. Theo chủ trương của Chính phủ, của Bộ VHTTDL, phim chiếu vào giờ vàng là phim Việt Nam, giờ trên VTV1 từ 20h, trên VTV3 bắt đầu vào 21h. Phim giờ vàng dành cho phim Việt và những bộ phim đó phải là những bộ phim chất lượng. Nó được đánh giá bởi tính tư tưởng, tay nghề, chất lượng của phim.

Chúng tôi có thể khẳng định rằng đài THVN cũng như các nhà sản xuất phim luôn luôn muốn có phim chất lượng để chiếu trên khung giờ phim Việt trên VTV. Tuy nhiên, giữa thực tế và mong muốn đôi khi có khoảng cách. Trong một thời gian dài, chúng ta đã có nhiều phim đạt chất lượng tốt, được khán giả đánh giá cao như gần đây nhất là bộ phim chính luận Bí thư tỉnh uỷ. Tuy nhiên cũng có một số phim chất lượng chưa cao.

Chúng tôi luôn mong có phim tốt nhưng với hiện trạng của phim truyền hình VN hiện nay là luôn luôn thiếu những kịch bản tốt, có phim chưa đạt được sự đồng thuận của dư luận và khán giả. Điều này, chúng tôi, lãnh đạo đài THVN nghiêm túc tiếp thu ý kiến của khán giả, trên cơ sở đó có những đánh giá khách quan và nghiêm túc trách nhiệm của những người duyệt phim để đưa ra những phim có chất lượng lớn, đáp ứng nhu cầu của khán giả.

Với lượng phim Việt rất lớn phát sóng trên đài THVN hiện nay, đòi hỏi phim nào cũng tốt, tập nào cũng hay là điều rất khó. Chúng tôi hy vọng khán giả cũng như báo chí hãy có những đánh giá khách quan về phim truyền hình VN, không vì một hai bộ phim chưa hay mà cho đó là thảm hoạ của phim truyền hình và tất cả các bộ phim truyền hình đều là nhảm nhí”.

Với câu trả lời trên, có thể nói VTV đã hết sức cầu thị và nghiêm túc lắng nghe cũng như tiếp thu mọi phản hồi về phim truyền hình Việt của khán giả cũng như báo chí vừa qua. Hy vọng thời gian tới công chúng sẽ được xem những bộ phim “tử tế” trên sóng VTV giờ vàng mà khởi đầu là “Chủ tịch tỉnh” do VFC sản xuất sẽ công chiếu từ 6/6 tới.

theo Hạnh Phương
____________________________________________________

Posted in Chuyện đất nước, Điện ảnh | Thẻ: , , | Leave a Comment »

Lại Văn Sâm dịch sai tại liên hoan phim

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Mười 22, 2010

Là gương mặt MC nổi tiếng trên truyền hình, từng tham gia dẫn dắt nhiều sự kiện quan trọng nhưng trong lễ trao giải Liên Hoan phim quốc tế Việt Nam (VNIFF) lần thứ nhất vào tối 21/10, Lại Văn Sâm đã để xảy ra quá nhiều lỗi không đáng có.

Xuất hiện tại lễ trao giải VNIFF cùng với MC Ngô Mỹ Uyên, Lại Văn Sâm được đánh giá là người hoạt ngôn, có khả năng xử lý nhanh các tình huống. Tuy nhiên trong tối qua sau khi công bố giải diễn viên nữ xuất sắc nhất, anh đã có những lời vinh danh phụ nữ, những câu bình luận về MC Mỹ Uyên và bản thân theo kiểu…vô cùng khó hiểu.

Anh thậm chí nói rằng sự hiện diện của mình là… vô duyên, rồi khiến cả khán phòng vỗ tay chúc mừng ngày Phụ nữ Việt Nam. Nếu phần này có trong kịch bản gốc thì xem ra hơi lạc điệu, còn nếu chỉ là sự ngẫu hứng của một MC kỳ cựu như Lại Văn Sâm thì lại càng đáng chê trách.

Điều tiếp theo khiến khán giả và người hâm mộ chưa thật sự ưng ý với MC “Ai là triệu phú” chính là khả năng dịch thuật. Mặc dù ban tổ chức có chuẩn bị người dịch cho các đại biểu nước ngoài nhưng không rõ những phiên dịch viên lúng túng vì chưa đọc kịch bản chương trình hay vì có quá ít người mà MC Lại Văn Sâm phải “ra mặt”. Anh đã chủ động kiêm phần phiên dịch cho Ngô Ngạn Tổ.

Tuy nhiên khi nam diễn viên Hongkong này phát biểu về niềm vinh dự khi được tham dự liên hoan phim tại thành phố vừa kỷ niệm ngàn năm tuổi thì MC nhanh chóng dịch luôn rằng Ngô Ngạn Tổ rất hạnh phúc khi thấy có nhiều người hâm mộ anh ở Việt Nam.

Những tưởng đây chỉ là sự chữa cháy tại chỗ, nào ngờ khi Ngô Ngạn Tổ phát biểu một câu rất nhiều thông điệp khích lệ thì “em-xi kiêm nhân viên phiên dịch” vẫn mạnh dạn (hay liều mạng) lĩnh phần chuyển ngữ. Kết quả, câu nói ý nghĩa “mục đích của một liên hoan phim quốc tế là đưa điện ảnh thế giới đến với khán giả địa phương, nhưng nó cũng nhằm đưa điện ảnh địa phương đến với khán giả thế giới” biến thành một câu đại loại là “những ngày qua tôi thấy khán giả xếp hàng dài đến xem các bộ phim tại liên hoan.”

“Chao ơi, anh Lại Văn Sâm đã lậm-văn-sai và luận-văn-sai quá rồi,” một khán giả xem truyền hình bất ngờ thốt lên làm mọi người xung quanh phì cười.

Vẫn biết đối với một liên hoan phim, các giải thưởng danh giá rốt cục mới là điều đọng lại. Và quan trọng hơn là việc điện ảnh Việt Nam chứng tỏ ra sao với bạn bè quốc tế, học hỏi thế nào cho những lần xuất trận tiếp theo – như ý kiến của nhiều quan chức lẫn các nghệ sĩ, diễn viên đã phát biểu khi tham dự. Nhưng nếu cách tổ chức và người dẫn chương trình cứ thường xuyên ngẫu hứng thế này thì có lẽ rất khó để liên hoan phim VNIFF những lần kế tiếp thành công trọn vẹn.

(Theo Vietnam+)
__________________________________________________

Posted in Báo chí, Điện ảnh | Thẻ: , , | Leave a Comment »

Làn sóng Philippines đang đến

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Mười 7, 2010

Những bộ phim truyền hình nhiều tập của Philippines đang chinh phục hàng triệu trái tim người xem truyền hình trên thế giới.

Năm 2010, các phim truyền hình trên kênh ABS-CBN của Philippines như Dahil May Isang Ikaw, Tayong Dalawa và Lobo đang được chiếu ở một số nước ở châu Á và châu Phi.

Dahil May Isang Ikaw (Những trái tim định mệnh, Destined Hearts) đang được chiếu ở Malaysia và các nước khác ở châu Á. Những ngôi sao của loạt phim đồng thời là “người tình” quen thuộc của màn ảnh nhỏ Philippines như Jericho Rosales và Kristine Hermosa tiếp tục gây tiếng vang ở nhiều nước. Hai diễn viên này đã đóng cặp lần đầu tiên trong 480 tập phim Pangako Sa ‘Yo (Lời hứa, The Promise) cách đây 10 năm.

Mới đây, Lời hứa được phát sóng trên kênh truyền hình quốc gia của Trung Quốc và xếp hạng á quân trong tất cả các chương trình nước ngoài và địa phương phát sóng ở đất nước đông dân nhất thế giới. Loạt phim của đạo diễn Rory B. Quintos thậm chí còn xếp vào Top 30 chương trình có lượng người xem hàng tuần cao nhất toàn quốc, phủ sóng trên 2.000 kênh, thu hút 1,3 tỉ khán giả. Trước Trung Quốc, câu chuyện tình yêu của Angelo Buenavista và Yna Macaspac đã mê hoặc người xem ở Malaysia, Singapore, Indonesia, Campuchia và cả châu Phi. Nai Hiu Mei, một công dân Campuchia kể: “Bộ phim lồng tiếng Khmer nổi tiếng đến nỗi nhiều đứa trẻ Campuchia được đặt tên là Angelo”. Còn ở Zambia, theo tờ The Times of Zambia, “loạt phim trở thành chủ đề thảo luận hàng ngày giữa các gia đình, bạn bè, thậm chí cả hàng xóm, suy xét xem phim sẽ kết thúc như thế nào”. Không khó hiểu khi rất nhiều khán giả không phải người Philippines ở các nước này đã gia nhập đội ngũ người hâm mộ của diễn viên Jericho và Kristine.

Tayong Dalawa (Hai chúng tôi, The Two of Us) hiện đang được giới thiệu với công chúng Singapore và sẽ sớm trình làng ở Malaysia, Brunei và Kenya với lồng tiếng địa phương. Bộ phim của đạo diễn Ruel Bayani và Trina Dayrit xoay quanh câu chuyện về hai anh em sinh đôi (Jake Cuenca và Gerald Anderson đóng) cùng mang một cái tên, nguồn cảm hứng và người trong mộng (Kim Chiu đóng). Trước đó, phim nhiều tập Sana Maulit Muli (Những cơ hội, Chances) với sự diễn xuất của Kim Chiu và Gerald Anderson – một trong những phim truyền hình được xem nhiều nhất ở Philippines năm 2007 – cũng được lồng tiếng Quan Thoại và chiếu ở Đài Loan.

Với sự xuất hiện của bộ đôi Piolo Pascual và Angel Locsin, Lobo (She – Wolf – Người lính gác cuối cùng, She-Wolf: The Last Sentinel) hiện đang phát sóng trên truyền hình Brunei và theo lịch, sẽ ra mắt ở Đông Dương, châu Á, châu âu và châu Phi trong năm nay. Trên phạm vi quốc tế, Lobo đã nhận nhiều danh hiệu như Best Telenovela (Tiểu thuyết truyền hình hay nhất) tại Liên hoan truyền hình thế giới BANFF lần thứ 30 ở Toronto (Canada) trong khi Angel nhận một đề cử Nữ diễn viên xuất sắc nhất tại giải thưởng Emmy quốc tế.
Nằm trong dòng chảy này còn phải kể đến những phim truyền hình khác của ABS-CBN như Sana’y Wala Nang Wakas, Maging Sino Ka Man, It Might be You, Iisa Pa Lamang, Ikaw Ang Lahat Sa Akin, Gulong Ng Palad, Prinsesa ng Banyera, Sa Piling Mo và Kay Tagal Kang Hinintay – bộ phim đã được lồng tiếng Pháp để thu hút khu vực nói tiếng Pháp ở châu âu và châu Á.

Trong 15 năm qua, hơn 30 phim truyện của ABS – CBN đã được lồng tiếng và chiếu ở hơn 20 quốc gia châu Á, châu âu và châu Phi. Những chương trình giải trí bản địa này đã được đem tới đông đảo khán giả toàn cầu nhờ các nỗ lực tiên phong của bộ phận phân phối và kinh doanh quốc tế (ISD) trực thuộc ABS – CBN Global. Lãnh đạo ISD, ông Reena Garingan, lý giải vì sao các chương trình của ABS – CBN đặc biệt ăn khách ở châu Phi: “Các nhà làm phim của chúng tôi có khả năng thâu tóm những trải nghiệm cuộc sống vào màn ảnh.
Những câu chuyện phơi bày nỗi đau nhưng phần kết mang lại ít nhiều hy vọng cho người xem. Bằng việc chứng minh rằng có thể vượt qua những trở ngại và nỗi lo, chúng tôi góp phần hàn gắn những tâm hồn bị tổn thương ở châu Phi”.

Khánh Linh
Theo Philippine Daily Inquirer

___________________________________________________________

Posted in Điện ảnh | Thẻ: , , | Leave a Comment »

Nhà sử học Dương Trung Quốc: Các nhà sử học nên khiêm nhường

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Mười 5, 2010

Nhân dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, nhiều hãng phim đã làm phim về vua Lý Công Uẩn. Ngay từ khi các đơn vị bắt tay vào sản xuất đã có nhiều ý kiến khen – chê xung quanh việc làm phim. Chưa bao giờ việc làm phim lịch sử tại Việt Nam lại bước vào cuộc đua quyết liệt, được quan tâm chú ý và mổ xẻ một cách đặc biệt như bây giờ. PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với nhà sử học Dương Trung Quốc về việc làm phim lịch sử hiện nay.

° Phóng viên: Nếu không có dịp chào mừng đại lễ, chắc chưa có nhà sản xuất phim nào (cả nhà nước lẫn tư nhân) chịu đầu tư làm phim lịch sử, một phần do kinh phí hạn hẹp, phần khác rất quan trọng là tư liệu lịch sử của ta về các triều đại vua chúa rất hiếm. Dưới góc độ một nhà sử học, ông nhận xét gì về điều này?

° Ông DƯƠNG TRUNG QUỐC: Cần nói thêm một lý do nữa là Nhà nước đã phó mặc cho người làm phim phục vụ cho một chủ trương lớn, sau khi đã bất lực không tổ chức nổi việc làm phim về chủ đề kỷ niệm, mà phải nhờ cậy vào “xã hội hóa”. Cho nên trước hết phải cảm ơn những người đã bỏ sức, bỏ tiền ra làm những bộ phim này trước khi phán xét nó có đủ chất lượng để chiếu hay không?
Làm phim lịch sử tốn kém trước hết vì mọi cái đều phải đầu tư từ đầu, chẳng kế thừa được người đi trước hay những người có chuyên môn bổ trợ, trong đó có giới sử học hay giới bảo tàng chúng tôi. Quả là tư liệu hay những tri thức lịch sử, những hiện vật bảo tàng rất nghèo nàn. Không phải do lịch sử ta nghèo mà trước hết là vì ta chưa quan tâm đầu tư cho việc nghiên cứu hay sưu tầm những chất liệu lịch sử mà người làm phim cần đến (bối cảnh đời sống, trang phục, cảnh quan, sinh hoạt đời thường…). Một thời gian dài, giới làm sử chúng tôi chỉ mải tập trung vào lịch sử chính trị, lịch sử chiến tranh (thường là lý thuyết hơn là cụ thể).
Ta thấy, những nước làm phim lịch sử hay thường là những nước có một di sản lịch sử (vật thể và phi vật thể) rất phong phú và cùng thời gian nó lại tích lũy được không chỉ kinh nghiệm mà những công cụ (dịch vụ) rất chuyên nghiệp. Trong điều kiện hiện tại, nếu ai trong giới, đồng nghiệp với tôi đứng ra nhận làm “cố vấn lịch sử” thì tôi cho là… liều lĩnh và dễ làm hỏng chuyện hơn là giúp cho bộ phim hay hơn.

° Hiện nay, có 3 bộ phim truyện đang làm về vua Lý Công Uẩn, trong đó có 2 phim truyền hình và một phim nhựa. Điều mọi người lo lắng là tư liệu lịch sử ít nên hầu hết các nhà làm phim đều tự do “sáng tác” về trang phục, bối cảnh… nhưng đa phần đều phải nhờ đến bàn tay của các chuyên gia Trung Quốc nên bị ảnh hưởng nhiều phim lịch sử của Trung Quốc. Ông có ý kiến gì về việc này?

° Tôi thấy lạ là các phim còn đang trong giai đoạn các cơ quan xét duyệt theo quy định của pháp luật thì những thông tin và cả hình ảnh đã được đăng lên báo để khen chê. Mà tôi thấy nhiều lời chê rất cảm tính. Vả lại theo tôi hiểu, trong lịch sử do địa dư nước ta ở kề cạnh Trung Hoa, một nền văn minh đầy sức bành trướng, thêm nữa là luôn âm mưu đồng hóa thiên hạ… thì để tỏ rõ ý chí tự chủ các cụ nhà ta có 2 cách ứng xử, hoặc là khẳng định ta không giống phương Bắc (cương vực đã được phân chia, phong tục Bắc-Nam cũng khác…); hoặc là phương Bắc có gì ta cũng có… (Nam quốc sơn hà Nam đế cư, phương Bắc có hoàng đế thì phương Nam cũng có hoàng đế).
Thử nghĩ Lý Công Uẩn lên ngôi khi nền tự chủ của dân tộc ta, nếu tính từ Ngô Vương Quyền lập nhà Ngô sau chiến thắng Bạch Đằng (938) mới có 71 năm, vậy mà Lý Công Uẩn khoác lên mình phẩm phục như hoàng đế nhà Tống thì đấy cũng là một cách thể hiện, một bản lĩnh tự tin vào nền tự chủ của một quốc gia vừa thoát ra khỏi ách đô hộ hơn 1.000 năm bị coi chỉ là quận huyện của phương Bắc mà thôi.
Chúng ta còn biết rằng, Lý Công Uẩn lên ngôi rồi, triều đình phương Bắc còn tiếp tục răn đe chỉ chịu phong cho người đứng đầu nước Nam là “Giao Chỉ quận Tiết độ sứ”. Như thế việc dựng hình ảnh Lý Công Uẩn trong phim mặc phẩm phục thiên tử cũng có thể hiểu như một thông điệp về ý chí tự chủ chứ sao chỉ lo cụ “giống Tàu”? Giá trị của lịch sử ngoài tính chân thực còn mang cả tính ngụ ngôn nữa, nên cứ để các nghệ sĩ khai thác hơn là để các nhà sử học hay nhà báo bắt bẻ (mà chưa chắc đã đúng!). Xem kỹ mấy tấm hình thì thấy các nhà thiết kế cũng cố gắng đưa những họa tiết Việt trong trang trí phẩm phục của vua Nam chứ không đến nỗi mặc y nguyên áo của vua phương Bắc.
Nói như vậy nhưng chúng ta vẫn mong muốn sau này qua trải nghiệm, các nhà làm phim Việt Nam có thể tìm ra những giải pháp hay hơn, nhưng vào cái thời “khởi đầu nan” này, xin mọi người hãy cởi mở, khoan hòa hơn, cũng là bớt chủ quan hơn.

° Với lý do ta chưa đủ trình độ làm phim lịch sử nên có nhà sản xuất phải hoàn toàn trông cậy vào ê kíp thực hiện là người Trung Quốc. Theo ông, bộ phim liệu có mang được hồn sắc dân tộc Việt?

° Tôi nhắc lại ý ở trên, không chỉ vì trình độ chúng ta còn non kém mà còn vì nhà nước chưa quan tâm (bao nhiêu năm rồi mà không có nổi một phim trường, một sự đầu tư cho việc đào tạo nhân lực hay tích lũy tri thức…) nên theo tôi, việc học hỏi những nền điện ảnh có kinh nghiệm và có điều kiện là cần thiết, nhất là biết kết hợp với đào tạo. Trung Quốc trên lĩnh vực này là một nước có nhiều kinh nghiệm, điều kiện và gần với những vấn đề văn hóa và lịch sử Việt Nam, nếu biết khai thác sẽ rất thuận lợi. Họ có nhiều người tài trên lĩnh vực này, học được là điều đáng quý. Còn có “bị ảnh hưởng” hay không là do chính mình. Có mang được “hồn sắc dân tộc” hay không cũng do chính mình.
Vì chưa được xem phim nên chưa biết phim ta bị ảnh hưởng đến đâu, có những ảnh hưởng tốt mà cũng có ảnh hưởng không tốt, thậm chí ảnh hưởng xấu thì cứ xem rồi mới biết, đừng nên quá ồn ào khiến sau này chẳng ai dám làm thì biết bao giờ ta có phim của ta tự làm như mong muốn.

° Vậy các nhà sử học giữ vai trò như thế nào với một bộ phim lịch sử, thưa ông?

° Các nhà sử học nên khiêm nhường và riêng tôi nếu cần chỉ xin tư vấn cho những người làm phim những gì mình hiểu thực đích xác. Ai tự tin đứng ra viết kịch bản rồi, cũng xin tư vấn của những nhà biên kịch giỏi, như thế sẽ hiểu được cái khó của việc làm phim và sự chia sẻ sẽ hiệu quả hơn. Người làm sử có thể góp phần tốt hơn nếu quan tâm và bỏ công khảo cứu những vấn đề còn bỏ ngỏ mà người làm phim cần đến. Đương nhiên, cũng cần đến sự hợp tác và đầu tư của những nhà làm phim có ý định khai thác lâu dài thể tài này.
Nhà nước nên quan tâm nhiều hơn đến loại hình phim ảnh đáp ứng nguyên lý Cụ Hồ đã dặn: “Dân ta phải biết sử ta” một cách thiết thực và mạnh mẽ, hơn là chỉ hô hào “xã hội hóa”. Người xem nên cởi mở, rộng lượng đón nhận những nỗ lực “đầu tay” của những nhà “đầu tư mạo hiểm” khi bỏ tiền của và công sức vào thể tài khó nhưng rất có thể là màu mỡ nếu nghĩ đến việc lâu dài.

° Cảm ơn ông

NHƯ HOA (thực hiện)
______________________________________________________

Posted in Hà Nội nghìn năm, Điện ảnh | Thẻ: , , | Leave a Comment »

Lý Công Uẩn, đường tới thành Thăng Long: Tìm đâu hồn Việt?

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Chín 28, 2010

Nguyễn Đắc Xuân

“Bộ phim Trung Quốc nói tiếng Việt” Lý Công Uẩn, đường tới thành Thăng Long nếu được Việt Nam quyết định chiếu trong dịp đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long là một sự xác nhận trước thế giới rằng 1000 năm trước Việt Nam từng là chư hầu của Trung Quốc. – Nhà văn nghiên cứu lịch sử Nguyễn Đắc Xuân viết.

LTS: Nhà văn – nhà nghiên cứu lịch sử Nguyễn Đắc Xuân gửi tới Tuần Việt Nam bài viết chia sẻ những suy ngẫm, trăn trở của ông khi xem giới thiệu phim Lý Công Uẩn, đường tới thành Thăng Long.

Là một nhà văn nghiên cứu lịch sử ở Huế và không chuyên về chuyện làm điện ảnh, nhưng do tôi có chút kinh nghiệm nghiên cứu cổ trang để “tái hiện lễ đăng quang của vua Quang Trung”- một lễ hội quan trọng trong Chương trình Festival Huế 2008 và là tác giả bài báo “Làm phim Thái tổ Lý Công Uẩn – kiến nghị một giải pháp” đăng trên báo Hồn Việt (số 11, tháng 5-2008) cách đây mấy năm, một vài báo hình và báo điện tử chuyển cho tôi xem một số hình ảnh, đoạn phim ngắn giới thiệu bộ phim cổ trang truyền hình 19 tập Lý Công Uẩn, đường tới thành Thăng Long sẽ phát sóng trong dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội. Họ đặt cho tôi một số câu hỏi về sự cảm nhận về bộ phim đó.
Chưa được xem bộ phim dài 19 tập này, khắc họa giai đoạn từ thời tiền Lê đến khi Lý Công Uẩn lên ngôi, quyết định dời đô từ Hoa Lư ra thành Đại La, sau đổi tên là Thăng Long, đặt nền móng vững chắc cho thời kỳ ổn định và phát triển dài lâu của đất nước”, nên tôi chưa có ý kiến gì về nội dung kịch bản, về tư tưởng thời Lý xuyên suốt bộ phim, về thông điệp của triều Lý để lại trong lịch sử VN. Tôi chỉ xin bình luận về những thông tin, hình ảnh đã thu thập được từ những đoạn phim quảng cáo, giới thiệu phim mới.
Không chuyên về chuyện làm điện ảnh, nhất là phim lịch sử, nên bài viết có điều gì bất cập, kính mong các nhà chuyên môn, các nhà sử học, các thức giả bổ cứu hoặc cho tôi một cơ hội được học thêm.

Tác giả kịch bản, đạo diễn, diễn viên- có hiểu lịch sử VN?

Người viết kịch bản: Tác giả kịch bản được công bố là ông Trịnh Văn Sơn – Tổng Giám đốc Công ty CP Truyền thông Trường Thành (có người gọi ông là Sơn Trường Thành – cũng là Giám đốc sản xuất bộ phim). Trịnh Văn Sơn là một người chưa bao giờ được giới điện ảnh VN biết tên là một nhà viết kịch bản phim nói chung chứ chưa đề cập đến người viết kịch bản phim lịch sử nói riêng.
Ông đột nhiên “nổi lên” như một bậc thầy viết kịch bản lớn. Không rõ kịch bản phim lịch sử đầu tay của ông Sơn Trường Thành có được một bậc thầy viết kịch bản phim lịch sử VN nào góp ý trước chưa? Chỉ biết ông đem kịch bản của ông qua nhờ nhà viết kịch bản nổi tiếng của Trung Quốc là Kha Chương Hòa “chuốt lại”.
Ông Kha Chương Hòa là một nhà viết kịch bản phim lịch sử cổ trang Trung Quốc giỏi, nhưng ông chưa hề biết tâm tính người Việt Nam, chưa hề học lịch sử Việt Nam, (nếu có học thì cũng là sự méo mó, xuyên tạc từ sách sử Trung Quốc về Việt Nam). Vì thế tôi nghi ngờ cái sự chuốt đúng đắn của ông Chương Hòa về lịch sử VN quá!
Ông Sơn Trường Thành lại nổi lên như một nhà “đại tư bản” trong giới kinh doanh văn hóa VN. Ông đã bỏ ra đến trên 100 tỷ đồng (nghe nói 7 triệu USD) để thuê người Tàu dựng cuốn phim đầu tay của mình. Ông đóng góp một công trình nghệ thuật kỷ niệm 1000 năm Thăng Long hay ông lợi dụng 1000 năm Thăng Long để kinh doanh văn hóa nghệ thuật? Sự thực như thế nào còn phải chờ thực tế trả lời.
Đạo diễn: Bộ phim Lý Công Uẩn, đường đến thành Thăng Long có 3 đạo diễn:
Đạo diễn Cận Đức Mậu, là một người làm phim cổ trang của Trung Quốc nổi tiếng, tôi rất kinh phục. Nghe nói trước khi bắt tay làm phim, Cận Đức Mậu đã có lần lần sang VN, đến thắp hương ở đền vua Đinh, vua Lê, tượng đài Lý Công Uẩn, tuyển chọn diễn viên và “cảm nhận văn hóa Việt”. Nhưng tôi không tin “ông ấy hiểu rất rõ về VN”, nhất là lịch sử VN như một người có trách nhiệm trong đoàn làm phim đã khẳng định.
Cận Đức Mậu sang VN vái chỗ này, thắp hương nơi kia có khác gì hàng triệu khách du lịch đến VN? Vài cái chắp tay vái lạy, đôi lần thắp vài cây hương không thể chứng tỏ được sự hiểu biết lịch sử và sự kính trọng tổ tiên chúng ta của vị đạo diễn.
Nếu hiểu và tôn trọng lịch sử VN thì không bao giờ ông tùy tiện tạo sự hoành tráng cho bộ phim bằng những cảnh kỵ mã phi trên thảo nguyên vô cùng xa lạ với dân tộc VN như ảnh dưới đây:
Đây là đội kỵ binh của Nguyên Mông. Trong lịch sử từ xưa đến nay VN chưa bao giờ có một đội quân mặc giáp trụ cưỡi ngựa như thế. Đường VN hẹp, nhiều sông suối, cầu nhỏ, không có những cánh đồng cỏ lớn lấy đường đâu cho kỵ binh đi, lấy cỏ đâu cho một đoàn ngựa chiến như thế ăn?
Chỉ có những đạo diễn không biết gì về hoàn cảnh VN mới tự tiện ghép những những màn kỵ binh có sẵn trong phim cổ trang của Trung Quốc vào cho phim VN như thế thôi.
Một thông tin trên mạng tôi không nhớ địa chỉ cho biết bộ phim còn có một đạo diễn thứ hai nữa cũng là người Trung Quốc. Vị này là người phụ tá đắc lực cho đạo diễn chính Cận Đức Mậu, được đạo diễn chính giao thực hiện phần quan trọng của bộ phim.
Đạo diễn Tạ Huy Cường là người VN, đã đạo diễn một số phim ngắn ở VN (đạo diễn game show Chắp cánh thương hiệu) chưa có mấy tên tuổi trong giới điện ảnh VN. Chính anh đã tự nhận là “lần đầu tiên làm phim cổ trang lớn” ở Trung Quốc. Anh không biết tiếng Trung nên khi “không có phiên dịch… thì chúng tôi nói chuyện với ê kíp của Trung Quốc bằng hình thể hoặc nói xong nhìn nhau cười”.
Qua đó ta có thể biết đạo diễn Tạ Huy Cường không có vai trò gì nhiều khi quay các trường đoạn hoành tráng do hàng trăm diễn viên Trung Quốc đóng.
Đạo diễn Tạ Huy Cường có mặt ở trường quay Hoành Điếm, Triết Giang (Trung Quốc) trong thời gian quay bộ phim, có lẽ chỉ trên tư cách một người đi học việc, đi tu nghiệp làm phim cổ trang và được thực tập đạo diễn một số đoạn dân chúng đơn giản thôi.
Vai trò của đạo diễn VN giới hạn như vậy khó có thể tạo được cái hồn Việt cho bộ phim.
Diễn viên: Phim có 45 nhân vật chính, phần lớn những nhân vật chính do diễn viên VN đảm nhận. Diễn viên Tiến Lộc (theo báo chí viết anh vừa được biết đến trong vai ca sỹ Quang Bình đồng tính trong phim Nhà có nhiều cửa sổ) đảm nhận vai Lý Công Uẩn. Lần đầu tiên Tiến Lộc đóng phim lịch sử. Á hậu Thụy Vân (chưa hề đóng phim bao giờ) vào vai Lê Thị Thanh Liên – hồng nhan tri kỷ của Lý Công Uẩn. Diễn viên – NSƯT Trung Hiếu của nhà hát kịch Hà Nội được chọn vào vai Đinh Bộ Lĩnh. Nam diễn viên Hoàng Hải vào vai Lê Hoàn, Phan Hòa trong vai Thái hậu Dương Vân Nga.v.v.
Sự hiểu biết về lịch sử VN đặc biệt là triều Lý của những diễn viên chính này rất mỏng. Do đó mọi diễn xuất của họ đều do đạo diễn Trung Quốc “bảo chi làm nấy”.
Ngoài những diễn viên chính, còn toàn bộ diễn viên đóng thế, hàng trăm diễn viên quần chúng đều thuê người Trung Quốc. Với một dàn diễn viên làm theo ý Trung Quốc hoặc diễn viên Trung Quốc chính cống chuyên đóng phim Trung Quốc như thế thì lấy đâu ra cái hồn Việt để kỷ niêm 1000 năm Thăng Long đây?
Một cháu nhỏ ghiền phim Trung Quốc xem tấm ảnh này:
Cháu liền kêu lên – “Tần Thủy Hoàng! Tần Thủy Hoàng!” Tôi đính chính: “Vua nhà Lý nước mình đó!”. Cháu vui mừng: “Rứa hả ông? Vua Lý nước mình giống Tần Thủy Hoàng. Oai thật!”.
Một người bạn ngồi uống cà-phê bên sông Hương thấy tấm ảnh này trên tay tôi liền có lời bình rằng: “Tổ tiên mình làm gì có cái búi tóc dựng đứng trên chóp đầu như vậy? Đến đầu thế kỷ 19, điện Minh Thành trong lăng Gia Long vẫn chưa có sơn, còn để mộc, huống chi thời Lý cách đó 9 thế kỷ mà cung điện nhà Lý đã sơn đỏ chót như rứa? Nội cái màu sơn đỏ chót đó cũng đã toát lên cái “chất Tàu” của bộ phim rồi!”

Người thiết kế, người sản xuất cổ trang và câu chuyện “Trung hoa hóa”

Chuyện thiết kế cổ trang: Như trên đã viết, cách đây mấy năm, tôi được mời cùng với nhiều nhà nghiên cứu lịch sử ở Huế nghiên cứu thiết kế cổ trang để phục dựng Lễ tế Nam Giao (2004) và lễ đăng quang của vua Quang Trung (2008). Phục trang cổ của Tế Nam Giao chỉ cách chúng ta có hơn 60 năm, trong các thư viện còn nhiều hình ảnh của Pháp để lại nên việc nghiên cứu phục chế cổ trang không khó lắm.
Nhưng việc nghiên cứu phục trang của dân chúng và quân đội của vua Quang Trung trong lễ đăng quang của ông thì vô cùng khó khăn. Không tìm đâu ra hình ảnh trang phục của các dân tộc đã từng phục vụ vua Quang Trung hồi cuối thế kỷ XVIII (chỉ cách nay 2 thế kỷ thôi). May sao chúng tôi đọc được cuốn Voyage to Cochinchina in the Years 1792 anhd 1793 (Hành trình đến xứ Đàng Trong những năm 1792 và 1793) của John Barrow.
Trong sách có nhiều hình ảnh các tầng lớp dân chúng, dụng cụ trong đời sống, thuyền bè, sông núi năm 1792. Người phương Tây vẽ, nên người Việt ra Tây cả. Chúng tôi nhờ các họa sĩ có tay nghề ở Đại học Mỹ thuật Huế vẽ lại các hình vẽ đó bằng nét vẽ VN. Các bạn dù tay nghề cao nhưng phải vẽ đi vẽ lại nhiều lần mới được duyệt để dùng. Đến khi đi may mẫu, thợ may là con cháu của thợ may Cung đình Nguyễn ngày xưa nhưng cũng phải may đi may lại nhiều lần mới đạt yêu cầu.
Nhờ có phục trang cổ như thế mà cuộc lễ Đăng quang của vua Quang Trung ở núi Bân tháng 12-2008 đã được báo chí và giới nghiên cứu hoan nghênh.
Với một chút kinh nghiệm đó, trong bài “Làm phim Lý Thái Tổ Lý Công Uẩn – kiến nghị một giải pháp ” (Hồn Việt, số 11, 5-2008, tr. 12-13) tôi nghi ngờ khả năng phục chế được “Dân phục, quan phục, vua phục, cảnh trí cách đây 1000 ngàn năm” của VN, và đề nghị hoãn lại việc làm phim Lý Thái Tổ đã đặt hàng cho Hãng phim truyện VN sản xuất. Bài báo của tôi là một trong những ý kiến tham khảo của ông Phạm Quang Long – GĐ Sở VHTT Hà Nội trong việc rút lui quyết định làm phim Lý Thái Tổ với kinh phí 200 tỷ đồng.
Với một chút kinh nghiệm nghiên cứu thiết kế cổ trang năm ấy, tôi xin có ý kiến về việc thiết kế cổ trang phim Lý Công Uẩn, đường đến thành Thăng Long như sau:
Người được mời thiết kể trang phục cổ cho phim là Tiến sĩ Đoàn Thị Tình. Qua báo chí tôi được biết TS Tình đã có một bản thiết kế rất chi tiết giao cho đoàn làm phim đem sang Trung Quốc thuê may. Nhưng vì “tuổi tác” không qua tận nơi để theo dõi việc sản xuất cổ trang được, bà phải nhờ họa sĩ Phan Cẩm Thượng giúp. Đoàn làm phim đã sử dụng trang phục cổ do bà thiết kế và sản xuất bên Trung Quốc.
Nay bộ phim đã xong và đã trích đoạn làm trailer quảng bá rộng rãi trên mạng toàn cầu và báo chí VN. Dư luận la hoảng lên là phim cổ trang “lai Tàu” quá. Bà đã trả lời báo chí trong nước và các đài phát thanh nước ngoài rằng trang phục cổ trong phim đúng như ý của bà, “người Trung Quốc phục chế trang phục ấy không can thiệp gì vào thiết kế” của bà cả.
Trả lời phỏng vấn, bà nói: “Bộ phim về vua Lý Công Uẩn, phía Trung Quốc hoàn toàn không can thiệp vào quá trình thiết kế các bộ trang phục sử dụng trong phim. Gọi những chỉ trích rằng “phim trông quá Trung Quốc “là không có căn cứ”.
Như vậy bà là người chịu trách nhiệm về trang phục của bộ phim. Tôi trân trọng ý kiến của bà. Để rõ hơn tôi xin bà trả lời hộ cho tôi hai sự việc sau:
1) Căn cứ vào tài liệu nào để thiết kế cái mão Bình Thiên của vua Lý có chùm tua trước trán như ảnh trong phim trích dẫn dưới đây? Và bà căn cứ vào tài liệu nào bà cho vai vua Lý Công Uẩn mặc giáp trụ như một võ tướng trong các phim cổ trang của Trung Quốc đã chiếu “búa xua” trên truyền hình lâu nay như sau:
Phải chăng bà đã “Trung hoa hóa” ông vua sáng lập ra triều Lý VN?
2) Bà có ý kiến gì về những câu trả lời phỏng vấn của họa sĩ Phan Cẩm Thượng – người bà nhờ giúp theo dõi việc sản xuất trang phục cổ do bà thiết kế, đã đăng trên báo Hồn Việt (Bài Họa sĩ Phan Cẩm Thượng: “Sang Trung Quốc làm phim lịch sử, rất dễ bị Trung Hoa hóa”, (Hồn Việt số 36, tháng 6-2010, tr. 36-38) sau đây:
Nhà báo Hoàng Đăng hỏi- Có người ở đoàn phim kể rằng, các chuyên gia may phục trang của Trung Quốc có quyền năng rất lớn, vì thế, ngoài những trang phục có sẵn hay trang phục họ may theo cách của họ, ta muốn thay đổi họ cũng không đồng ý. Vậy nên đa phần trang phục và đạo cụ sử dụng từ kho trang phục của họ…
Họa sĩ Phan Cẩm Thượng trả lời- Có 2 loại trang phục: Quan phục và dân phục. Y phục cổ truyền của ta mới chỉ được xem qua hình ảnh vua chúa thế kỷ 17 trở lại chứ trước đây hầu như chúng ta không được biết nhiều. Có tài liệu chép trang phục của vua chúa VN từ thời này sử dụng y phục Trung Quốc và các họa sĩ thiết kế dựa theo tài liệu đó để thiết kế.
Nhưng thợ may Trung Quốc xem thiết kế là biết ngay y phục theo “gốc” Trung Quốc nên họ chữa lại theo nguyên bản trang phục Trung Quốc mà không chấp nhận sáng tác của mình. Ví dụ, trang phục vua Đinh và vua Lê, họa sĩ Đoàn Thị Tình không vẽ hình rồng nhưng thợ may bảo thiết kế Vương phục không thể không có rồng, nếu ta không đồng ý như vậy thì họ không may.
Các nhà làm phim nói, họ (TQ) có quyền rất lớn nên đạo diễn và các nhà làm phim phải theo họ (trường hợp sáng tạo các mẫu mới không theo truyền thống nữa là chuyện khác). Kết quả, ta thiết kế một đằng nhưng thợ Trung Quốc vẫn may theo ý họ… (cột 3 tr. 36 và cột 1 tr. 36)
…Bộ phim do hãng tư nhân đầu tư nên nếu trang phục nào cần thì may, còn không thì thuê vì nếu tất cả trang phục đều may mới thì kinh phí rất lớn. Một bộ áo giáp giá 5.000 tệ (khoảng 15 triệu đồng), mà mỗi tướng lĩnh ra trận cần từ 3 đến 4 bộ giáp nên tiền đầu tư sẽ lớn. Phương án chính là thuê trang phục và khi thuê thì tất nhiên y phục giống TQ.(cột 3, tr.37) (!)
Nội dung trả lời phỏng vấn của Họa sĩ Phan Cẩm Thượng đã đăng trên báo Hồn Việt cách đây 3 tháng hoàn toàn mâu thuẫn với ý kiến bảo vệ bộ phim của bà. Vậy người xem truyền hình VN tin ai? Tin bà là người ngồi ở Hà Nội thiết kế trên giấy hay tin Phan Cẩm Thượng – người theo dõi việc sản xuất 700 bộ trang phục cổ và đưa vào phục vụ đóng xong bộ phim?
Người hóa trang: Viết chuyện trang điểm, hóa trang có liên quan đến Trung Quốc, tự nhiên tôi nhớ đến chuyện “Chiêu quân” thời Hán. Chỉ vì gia đình không biết hối lộ nên Chiêu Quận bị Mao Diên Thọ điểm cho một cái nốt ruồi “sát phu”, không những Chiêu Quân không được vua Hán nhận mà còn bị nhốt vào lãnh cung suýt chết.
Đoàn làm phim của chúng ta không có người Việt đi theo hóa trang và trang điểm cho diễn viên. Người làm hóa trang – trang điểm đều là người Trung Quốc thì làm sao cái mặt của các diễn viên VN có “hồn Việt” được? Đề nghị đoàn làm phim chỉ cho con cháu nước Việt thấy cái “hồn Việt” ở đâu trong hình ảnh vai Lý Công Uẩn sau đây:
Tôi có cảm giác ông Sơn Trường Thành bỏ tiền sản xuất bộ phim để thỏa mãn thị hiếu của người Trung Quốc chứ không phải dành cho người Việt. Một nghìn năm sau con cháu VN tưởng nhớ đến vua Lý Thái Tổ bằng hình ảnh dưới đây sao?
Trẻ con từng xem phim Tàu trên tivi cũng có thể bảo rằng đây là vợ chồng một ông vua Tàu chứ làm sao có thể bảo đó là vua và Hoàng hậu đầu Triều Lý.
Còn hình ảnh vị Quốc sư Vạn Hạnh thì đạo diễn bê ngay hình ảnh của “Sư phụ” Tam Tạng đi thỉnh kinh trong phim TQ hiện đang chiếu trên tivi VN như thế này:
Tôi cũng xin hỏi họa sĩ Phan Cẩm Thượng, người Trung Quốc thiết kế các vai vua quan triều Lý có cái búi tóc dựng ngược trên đỉnh đầu (xem 3 ảnh trên), họ có hỏi ý kiến của cố vấn văn hóa mỹ thuật của đoàn làm phim không?
Trong lịch sử 1000 năm Thăng Long có sự kiện thiên tài quân sự Quang Trung đã đánh thắng 29 vạn quân Thanh hồi đầu Xuân Kỷ Dậu (1789). Trước khi xung trận, trong lời dụ tướng sĩ, vua Quang Trung đã nói lên quyết tâm đánh bại quân Thanh xâm lược để giải phóng Thăng Long, bảo vệ nền độc lập dân tộc, văn hóa dân tộc: “Đánh cho để tóc dài/ Đánh cho để đen răng/ Đánh cho nó chính luân bất phản/ Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn/ Đánh cho sử trí Nam quốc anh hùng chi hữu chủ” [1]
Cách đây trên 220 năm vua Quang Trung làm nên chiến thắng Xuân Kỷ Dậu (1789) khiến cho quan quân nhà Thanh khiếp sợ cũng chỉ để bảo vệ “tóc dài, răng đen”, bảo vệ độc lập dân tộc. Bây giờ ta đang có độc lập, kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, trong đó có chiến thắng Xuân Kỷ Dậu (1789) nỡ nào đoàn làm phim “Lý Công Uẩn, đường tới thành Thăng Long” để cho các nhân vật lịch sử VN đội tóc của người Trung Hoa?
Sự có mặt của họa sĩ Phan Cẩm Thượng và cả đạo diễn trẻ Tạ Huy Cường ở trường quay Hoành Điếm chẳng qua chỉ để “làm cảnh”. Nhưng nếu bộ phim được lên sóng ở bất cứ nơi đâu trên thế giới này thì họ vẫn phải chịu một phần trách nhiệm với lịch sử văn hóa dân tộc.

________________________________________
[1] UBKHXHVN, Lịch sử Việt Nam, Tập I, Nxb KHXH, HN 1971, tTr.353

Posted in Điện ảnh | Thẻ: , , , , | Leave a Comment »

Chưa có kết luận, Đường tới thành Thăng Long rối tít mù

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Chín 28, 2010

Gia Vũ

(VTC News) – Ngày Đại lễ cận kề, Lý Công Uẩn – Đường tới thành Thăng Long vẫn bị nghẽn trong khâu kiểm duyệt. Trong khi đó, có rất nhiều ý kiến trái chiều về hồn Việt trong bộ phim này. Công ty Trường Thành sẽ sớm có một cuộc gặp gỡ báo giới để sẻ chia thêm những thông tin nóng hổi.

Đã có rất nhiều sự phản đối của công chúng, báo giới và cả những nhà nghiên cứu xung quanh bộ phim này. Ở đây, vấn đề “đứa con lai” được đưa ra bàn luận không đơn giản là sự học hỏi, giao lưu về văn hóa nữa mà được đẩy lên ở mức độ cao hơn là bản lĩnh văn hóa, vấn đề về lịch sử và truyền bá lịch sử và văn hóa cho người xem…

Một trong số những người phán đối gay gắt nhất về bộ phim này là nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân. Rất nhiều dẫn cứ về cái gọi là “phim Trung Quốc nói tiếng Việt” được nhà Huế học này đưa ra để bảo vệ cho luận điểm của mình. Trong đó có thể kể đến võ thuật, kiến trúc ba tầng mái trong bối cảnh cung điện, đầu đao của công trình và đến cả bối cảnh Bắc Bộ cũng được “dựng lên một cách tùy tiện, giả tạo thua cả sân khấu cải lương do nông dân Nam Bộ đóng”.

Đồng thời, ông cũng tỏ ra nghi ngờ về việc tác giả kịch bản của bộ phim này là Giám đốc Công ty Trường Thành.

“Trịnh Văn Sơn là một người chưa bao giờ được giới điện ảnh VN biết tên là một nhà viết kịch bản phim nói chung chứ chưa đề cập đến người viết kịch bản phim lịch sử nói riêng. Ông đột nhiên “nổi lên” như một bậc thầy viết kịch bản lớn. Không rõ kịch bản phim lịch sử đầu tay của ông Sơn Trường Thành có được một bậc thầy viết kịch bản phim lịch sử VN nào góp ý trước chưa. Chỉ biết ông đem kịch bản của ông qua nhờ nhà viết kịch bản nổi tiếng của Trung Quốc là Kha Chương Hòa “chuốt lại” – ông Nguyễn Đắc Xuân viết.

Với tất cả những nghiên cứu của mình, ông Xuân cho rằng không nên công chiếu bộ phim này trong dịp Đại lễ 1000 năm. Đồng thời, cũng cần phải xem xét kế hoạch xuất khẩu bộ phim này từ phía Trường Thành.

Cũng lên tiếng phản đối và cho rằng Lý Công Uẩn – Đường tới thành Thăng Long là một bộ phim Trung Quốc, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên (thành viên thẩm định bộ phim) trong lần trao đổi gần nhất với chúng tôi khẳng định tiếp rằng: “Đó là một bộ phim Trung Quốc, không cần phải bàn cãi”. Nhưng ông Chuyên nằm trong hội đồng thẩm định phim, khi ông nói ra, tức là phải có căn cứ thuyết phục. Chúng tôi lật ngược lại để tìm lý giải rõ ràng hơn từ đạo diễn này. Tuy nhiên, ông chỉ đưa ra một đáp án ngắn gọn: “Đạo diễn Trung Quốc, biên kịch Trung Quốc, bối cảnh Trung Quốc và diễn viên phụ người Trung Quốc. Như vậy, chủ thể sáng tạo bộ phim là người Trung Quốc, vì thế bộ phim là Trung Quốc”. Ông đã không nói thêm nhiều với lý do “nếu tranh cãi thì sẽ rất dài và không cần thiết”.

Bên cạnh đó, sự phản đối còn được “chắp thêm cánh” là tiếng nói dư luận. Độc giả đã bình luận rất nhiều về bộ phim với kết luận rằng đó là một bộ phim cổ trang Trung Quốc, Lý Công Uẩn giống Tần Thủy Hoàng… Bộ phận độc giả này cũng phản đối việc công chiếu bộ phim.

Trong khi đó, một trong những người chịu trách nhiệm về văn hóa và trang phục trong bộ phim, họa sỹ Phan Cẩm Thượng cuối cùng cũng quyết định đăng đàn nói về vụ việc, đưa ra những lời tâm huyết. Ông đã nhận một phần lỗi về mình với việc bộ phim bị gây cảm giác “Trung Quốc hóa”. Tuy nhiên, đứng ở vị trí là người cố vấn, lời nói của ông trong bộ phim không có ý nghĩa quyết định. Ông cho biết, ở Trung Quốc, với bối cảnh và những con người Trung Quốc cụ thể, khó có thể lựa chọn được những cái hoàn toàn Việt Nam. Theo lời ông thì thợ may Trung Quốc đã tác động vào biến dạng trang phục của bộ phim do Tiến sĩ Đoàn Thị Tình thiết kế. Tuy nhiên, theo ý của bà Tình thì trang phục của bà được giữ trọn vẹn. Ở đây có một sự mâu thuẫn trong những phát biểu của Tiến sĩ Đoàn Thị Tình và họa sỹ Phan Cẩm Thượng. Tất nhiên, những phát biểu của họa sỹ Phan Cẩm Thượng đáng tin cậy hơn vì ông là người trực tiếp sang Trung Quốc khảo sát và theo dõi tiến trình bộ phim.

Tuy nhiên, không phải không có những đồng cảm với bộ phim này. Một trong những ý kiến theo dòng này là của giáo sư Đinh Xuân Dũng, ủy viên thường trực Hội đồng lý luận phê bình văn học nghệ thụât Trung ương, cố vấn Hội đồng thẩm định kịch bản Lý Công Uẩn – Đường tới thành Thăng Long. Ông cho rằng, phim có chất Việt Nam, thể hiện sinh động, với tình cảm sâu đối với lịch sử dân tộc, phản ánh trung thực với những nét cơ bản nhất bằng ngôn ngữ điện ảnh về giai đoạn Đinh Tiền Lê và Lý với nhân vật trọng tâm là Lý Công Uẩn.

Theo ông, những hạn chế của bộ phim nên được thông cảm khi Việt Nam không có trường quay, không có đạo diễn thực sự đủ tầm, không có lực lượng diễn viên đông đảo, thiếu thốn đạo cụ, trang phục… “Cái quan trọng ở bộ phim là ý tưởng và bản lĩnh của người làm phim trong việc giữ bản sắc Việt Nam. Có thể sử dụng trường quay, trang phục (may tại Trung Quốc) thậm chí cả đạo diễn Trung Quốc song tính cách nhân vật, mối quan hệ của người Việt Nam trong phim vẫn giữ chuẩn. Chúng ta nên nhớ rằng, kịch múa Xô Viết – Nghệ Tĩnh, tác phẩm đỉnh cao của nghệ thuật múa Việt Nam trước đây do đạo diễn người Triều Tiên là Kim Hoàng dàn dựng”.

Một độc giả tên Hổ Phách đăng phản hồi trên trang Tin tức Online thì viện dẫn những chứng cứ cho rằng có rất nhiều yếu tố dân tộc trong bộ phim này. Trong đó có thể kể đến áo tứ thân của phụ nữ trong phim, rồng Lý trên áo của vua, cờ có những chòm sao, thiếu niên tóc ba chỏm, hình vẽ chiến binh thời Trần, hoàng bào màu đỏ tía… Tác giả cho biết, những kiến thức trên có được do quá trình học hỏi, nghiên cứu văn hóa của hai triều đại Lý Trần trong một thời gian dài.

Phía công ty Trường Thành khẳng định, họ sẽ chỉnh sửa bộ phim theo yêu cầu của Cục Điện ảnh. Mới đây trao đổi cùng chúng tôi, ông Trịnh Văn Sơn cho biết, sắp tới, họ sẽ tổ chức một cuộc gặp gỡ báo giới để thông báo những thông tin mới về tiến trình đưa bộ phim đến với công chúng. Đồng thời, cũng đính chính một số điểm mà theo đơn vị này là do báo giới đã đưa tin không chính xác trong thời gian vừa qua.

Hiện tại, tất cả mối quan tâm của công chúng và dư luận về bộ phim Lý Công Uẩn – Đường tới thành Thăng Long đang đổ dồn về Cục Điện ảnh – Đơn vị được giao nhiệm vụ thẩm định bộ phim. Sau lần thẩm định đầu tiên với những yêu cầu chỉnh sửa đề “bớt Trung Quốc hóa”, đến nay, vẫn chưa có thêm bất kỳ thông tin nào từ phía Hội đồng thẩm định. Ông Lê Văn Minh (Cục phó, Cục Điện ảnh) nói ngắn gọn với VTC News rằng, chưa có gì mới về bộ phim và không cung cấp thêm bất cứ thông tin nào. Cục trưởng Cục Điện ảnh Lại Văn Sinh thì cho rằng: Bao giờ sửa xong, Hội đồng sẽ tư vấn cho các cơ quan lãnh đạo cấp trên. Ông Sinh nói: Quyền cao nhất tôi cho là của Ban chỉ đạo quốc gia Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long. Như vậy, quá trình xem và thẩm định bộ phim vẫn đang được tiến hành và tiếp tục chờ đợi.

___________________________________________________________

Posted in Hà Nội nghìn năm, Điện ảnh | Thẻ: , , | Leave a Comment »

Nghệ thuật Việt – Bức tranh xám

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Tám 16, 2010

Ân Thông

Năm năm qua, hoạt động nghệ thuật của các lĩnh vực ca nhạc, điện ảnh, sân khấu… lại không có gì đáng để tôn vinh. Tất cả chỉ góp phần tạo nên một bức tranh nghệ thuật Việt rối ren và xám xịt.

Mùa đại hội các hội nghệ thuật chuyên ngành đi qua đã để lại dư âm buồn. Mùa đại hội của 5 năm trước cũng đọng lại những dư âm buồn nhưng không đến mức buồn thảm như bây giờ.

Nhìn lại, 5 năm qua, hoạt động nghệ thuật của các lĩnh vực, đặc biệt là các lĩnh vực mũi nhọn- tác động trực tiếp và có vai trò chi phối lớn đến đời sống tinh thần xã hội, như ca nhạc, điện ảnh, sân khấu… lại không có gì đáng để tôn vinh. Tất cả chỉ góp phần tạo nên một bức tranh nghệ thuật Việt rối ren và xám xịt.

Chưa thấy điểm dừng

Ngoài hai lĩnh vực lâu nay vẫn lặng lẽ là mỹ thuật và nhiếp ảnh, những lĩnh vực như ca nhạc, sân khấu, điện ảnh đang sôi động và phát triển từng ngày trên thế giới lại tụt dốc không phanh ở Việt Nam.

Đầu tiên là lĩnh vực ca nhạc, đặc biệt là ca nhạc đại chúng. Chỉ cách đây 15 năm, người ta đã chứng kiến sự lớn mạnh của nhạc Việt như thế nào. Những ca khúc mới mẻ về hình thức, đẹp về giai điệu và trau chuốt về ca từ cứ lần lượt ra đời làm say đắm lòng người yêu nhạc thuộc mọi đối tượng.

Dòng nhạc này đã nhanh chóng đẩy lùi những sáng tác của người Việt ở ngoài nước đang tràn vào Việt Nam qua băng đĩa nhập lậu, gọi là “nhạc hải ngoại”, tạo nên diện mạo mới: tươi trẻ, đầy sức sống và sức quyến rũ cho đời sống âm nhạc VN. Chưa đầy mười năm sau đó, những gì được coi là điểm son của đời sống nhạc Việt hiện đại chỉ còn trong hoài niệm của người yêu nhạc.

Đời sống âm nhạc, đặc biệt là âm nhạc đại chúng, tụt dốc và xuống cấp đến mức chưa thấy điểm dừng. Giá trị âm nhạc bị đảo lộn. Những ca khúc lai căng về hình thức giai điệu, ca từ nhố nhăng, thô thiển ào ạt ra đời, chiếm lĩnh thị trường ca nhạc, chi phối đời sống âm nhạc, tạo ra tình trạng mất cân đối nghiêm trọng cả trong sáng tác, biểu diễn và người thưởng thức.

Chưa rời được chân núi

So với ca nhạc, điện ảnh cũng chẳng sáng sủa gì hơn, kể từ sau Đời cát giành huy chương vàng Liên hoan Phim châu Á- Thái Bình Dương, phim Việt Nam có tác phẩm nào để đáng tự hào? Điện ảnh Việt Nam được ví như “ông già leo núi”, leo mãi mà vẫn chưa rời khỏi chân núi.

Thi thoảng cũng có một vài cá nhân bứt phá bằng cách này hay cách khác để tạo cho mình một hai tác phẩm đủ để đưa đi thi thố ở các liên hoan phim quốc tế chứ chưa thể đánh động được công chúng yêu điện ảnh trong nước. Đội ngũ làm điện ảnh chuyển qua làm phim truyền hình là chính nhưng ở phim truyền hình cũng chưa có tác phẩm nào thật sự gây dấu ấn, chủ yếu tham gia sản xuất “hàng chợ” để giúp họ kiếm sống.

Sân khấu kịch những năm qua có phần sôi động, thi thoảng có được một vài tác phẩm có chất lượng nhưng chưa thể gọi là tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao. Các đơn vị kịch Nhà nước chủ yếu làm cho có sản phẩm để báo cáo, để tham gia hội diễn. Các đơn vị sân khấu tư nhân phải sống bằng tiền mua vé của khán giả nên cũng chỉ làm sao đáp ứng được nhu cầu thị hiếu của khán giả để sàn diễn sáng đèn mỗi đêm.

Nhức nhối nhất có lẽ là lĩnh vực văn chương. Hãy thử tìm trên thị trường sách văn học trong nước có một cuốn sách văn học Việt nào nổi đình đám mà không dính đến nội dung sex hoặc có nội dung sai phạm, bị cơ quan quản lý ra quyết định thu hồi?

Nếu nửa đầu thời kỳ đất nước đổi mới, văn học Việt có được nhiều tiểu thuyết văn học lay động lòng người thì dạo sau này, người đọc không bói đâu ra những tác phẩm văn học thật sự có giá trị.

Chuyện nghệ thuật lúc thịnh lúc suy là lẽ thường nhưng tất cả các lĩnh vực cùng suy là bất thường. thực trạng này nói lên điều gì?

Trách nhiệm nghệ sĩ với xã hội?

Những sự yếu kém này cũng đã được các hội nhìn nhận nghiêm túc trong các bản tổng kết 5 năm hoạt động của mình nhưng chưa thật sự mổ xẻ đến nơi đến chốn để có những giải pháp vực dậy căn cơ.

Sự xuống cấp của đời sống âm nhạc hôm nay không thể không nói đến nguyên nhân chủ quan của chính các nghệ sĩ, những chủ thể làm nên diện mạo một đời sống âm nhạc. Nói như nhạc sĩ Trần Tiến, công chúng không có lỗi.

Mỗi năm, tiền ngân sách chi cho hoạt động của các hội là không nhỏ nhưng xã hội chỉ nhận lại những tác phẩm nhàn nhạt, không tạo được dấu ấn gì trong đời sống tinh thần của người dân. Như thế có phải là có tội với dân không ?

Chính chúng ta đã tạo ra họ. Thật vậy, khi những nhạc sĩ có tâm, có tài thờ ơ với công việc sáng tác của mình, đời sống âm nhạc không có những tác phẩm âm nhạc có giá trị, đáp ứng được nhu cầu luôn mới và hay của công chúng thì một bộ phận công chúng không nhỏ tìm đến những tác phẩm âm nhạc khác lạ như một cách để thỏa mãn nhu cầu nghe của mình.

Điều đáng nói là không ít nhạc sĩ tham gia sáng tác cho thị trường âm nhạc hiện nay vì muốn có nhiều tiền và nhanh chóng nổi tiếng đã góp phần tạo ra phong trào sáng tác chiều theo thị hiếu tầm thường của một bộ phận công chúng trẻ không nhỏ.

Nhạc teen với nhiều ca khúc giai điệu lai căng, ca từ nhảm nhí nổi lên chiếm lĩnh thị trường âm nhạc và chi phối mạnh mẽ đến đời sống âm nhạc trong sự tiếp sức của các phương tiện truyền thông, trong các chương trình ca nhạc trên sóng phát thanh, truyền hình, trên các website âm nhạc… có các nhà quảng cáo tài trợ. Những nhạc sĩ tâm huyết với âm nhạc đành bất lực ngồi nhìn hoặc sớm buông tay, bỏ cuộc mặc cho đời sống âm nhạc ra sao thì ra.

Những người hoạt động điện ảnh cũng đã nhìn ra một sự thật yếu kém của điện ảnh Việt là đang hổng một đội ngũ biết làm phim để tìm giải pháp cho việc phát triển đội ngũ.

Những người làm sân khấu cũng đã ngồi lại sau 5 năm hoạt động và cơn khát tác phẩm sân khấu đỉnh cao vẫn đốt cháy những nghệ sĩ tâm huyết với nghề. Nghiệt nỗi, tác phẩm sân khấu cũng như điện ảnh không làm nên bởi cá nhân nên dù có tâm huyết đến đâu họ cũng không thể vẫy vùng trên những sàn diễn còn nặng nỗi lo cơm áo gạo tiền.

Hơn 900 hội viên Hội Nhà văn Việt Nam đã có một cuộc hội ngộ sau 5 năm trong một đại hội toàn thể để bàn chuyện nghề nghiệp nhưng chẳng mấy người chịu bàn chuyện văn chương đang xuống dốc, bàn đến trách nhiệm của nhà văn đối với đời sống xã hội mà chỉ chú tâm bàn chuyện nhân sự vào ban chấp hành.

Những nhà văn tâm huyết với nghề muốn nói lên tiếng lòng mình lại trở nên lạc lõng. Nhiều câu hỏi đã đặt ra trong dư luận: Nhà văn đứng ở đâu trong cuộc sống xã hội hôm nay. Có phải nhà văn vô cảm trước những vấn đề nóng bỏng, bức xúc của đời sống xã hội?

210 tỉ đồng cho hoạt động sáng tạo

Theo Quyết định số 926/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về đề án tiếp tục hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật, báo chí… giai đoạn 2006-2010, mục tiêu của đề án là hỗ trợ các hoạt động sáng tạo trong các lĩnh vực văn học, mỹ thuật, âm nhạc, sân khấu, điện ảnh, kiến trúc, nhiếp ảnh, múa, văn nghệ dân gian, văn nghệ các dân tộc thiểu số, báo chí ở Trung ương và các hội văn học – nghệ thuật địa phương cho các đề tài phản ánh lịch sử, các thời kỳ kháng chiến cứu nước, truyền thống văn hóa dân tộc; công cuộc đổi mới xây dựng và bảo vệ đất nước, những nhân tố tích cực, những con người tiêu biểu trong xã hội, của thời đại; thiếu niên, nhi đồng, dân tộc thiểu số.

Ngoài ra, đề án cũng hỗ trợ sáng tạo để có những tác phẩm công trình có chất lượng cao; những tác phẩm, công trình có chất lượng cao nhưng chưa được đầu tư; tác phẩm báo chí chất lượng cao ở địa phương tập trung vào các đề tài lớn.

Kinh phí thực hiện đề án này trong giai đoạn 2006-2010 là 210 tỉ đồng, trong đó, hỗ trợ hoạt động sáng tạo đối với các hội văn học – nghệ thuật chuyên ngành, báo chí ở Trung ương là 98,5 tỉ đồng; hỗ trợ hoạt động sáng tạo đối với các hội văn học – nghệ thuật địa phương là 84 tỉ đồng; hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao đối với các hội nhà báo địa phương là 27,5 tỉ đồng.

___________________________________________________

Posted in Âm nhạc, Chuyện đất nước, văn hóa, Văn học, Điện ảnh | Thẻ: , , | Leave a Comment »

Khi CHDCND Triều Tiên chiếu phim hài…

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Năm 8, 2010

Trong một dịp rất hiếm hoi trong lịch sử truyền hình của CHDCND Triều Tiên, đài truyền hình quốc gia nước này đã chiếu một bộ phim hài rất dài.

Bộ phim có tên “Thật buồn cười” chủ yếu xoay quanh những cuộc hội thoại của hai quân nhân Triều Tiên, một nam và một nữ.

“Có lẽ, những khán giả cười to với những màn biểu diễn trong phim sẽ là những quân nhân”, sĩ quan Hàn Quốc nói.

Ví dụ về một cảnh phim trong bộ phim này: nam quân nhân trong phim tươi cười nói với nữ quân nhân rằng anh ta mạnh khoẻ và đẹp trai hơn nhờ uống một loại thuốc chế từ đậu.
“Quân nhân chúng ta mà nhìn thấy đậu là khoái lắm”, nam quân nhân này nói và cười như nắc nẻ.

“Nếu ta trồng đậu đúng cách cấp trên dặn, niềm vui sẽ cứ thế mà đến thôi”, nữ quân nhân tiếp lời. Và cũng cười như nắc nẻ.

Phim ảnh và các tài liệu truyền thông của CHDCND Triều Tiên luôn được phía Hàn Quốc theo dõi sát lâu nay.

Diệp Chi (Theo Reuters, AP)
_______________________________________________

Posted in Điện ảnh | Thẻ: , , | Leave a Comment »