NGÔN NGỮ & VĂN HÓA

CHÚC MỪNG NĂM MỚI

Gỉ mật, mạch nha cũng có thể xây Vạn Lý Trường Thành

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Sáu 6, 2010

Tô Lan

Bí mật về sức mạnh và sự bền vững của Vạn Lý Trường Thành (Trung Quốc) vừa được hé mở do được xây dựng từ một loại vữa đặc biệt từ gạo nếp và vôi. Ở Việt Nam, các công trình kiến trúc xưa cũng đều sử dụng gỉ mật như một loại xi măng có kết cấu vững chắc.

Gỉ mật có thể xây Vạn Lý Trường Thành

PGS.TS Trịnh Lê Hùng, khoa Hóa, ĐH KHTN, ĐHQG Hà Nội cho biết, hầu hết các công trình xây dựng của người xưa sử dụng gỉ mật trộn với vữa. Xây nhà bằng vữa là vôi và cát thì chúng sẽ liên kết nhờ không khí thẩm thấu dần từ ngoài vào trong.

Tuy nhiên sẽ mất nhiều thời gian và khó làm khô ở bên trong vì không khí không dễ gì luồn vào được. Trộn mật vào hỗn hợp này, mật sau một thời gian khoảng 10 – 15 ngày sẽ bị phân hóa thành CO2, phản ứng với vôi, gọi là hoàn nguyên đá vôi. Khi đó, tường sẽ cứng từ bên trong ra, rất chắc chắn.

ThS Nguyễn Văn Huynh, giám đốc Trung tâm vật liệu hữu cơ và hóa phẩm xây dựng cho biết, ngày xưa chưa có xi măng, người ta sử dụng chất kết dính trong xây dựng bằng những vật liệu có sẵn trong tự nhiên như nhựa thông đun chảy, gỉ mật… Những hợp chất này đều có nguồn gốc từ thực vật và khá bền.

Ở Việt Nam hiện có những công trình xây dựng mà đến nay vẫn chưa tìm ra nguyên liệu đó là gì, chưa biết làm thế nào để kết dính các viên gạch thành một công trình khổng lồ như vậy. Gỉ mật có khối lượng phân tử lớn, trộn với một số chất phù hợp thì sẽ tạo thành hợp chất kết dính tốt. Loại vữa này khi đưa ra ngoài không khí nó cũng có những phản ứng tự động rắn, liên kết lại với nhau.

Khoa học xưa khó áp dụng ngày nay

PGS. TS Vũ Đình Đấu, phó khoa Vật liệu, Đại học Xây dựng cho biết, việc trộn vôi với mật, hay gỉ đường tạo ra sự kết dính rất tốt. Tuy nhiên, cường độ chịu lực của các vật liệu này lại thấp. Vì thế, ngày nay người ta không sử dụng những vật liệu này nữa hoặc nếu sử dụng thì chỉ sử dụng đối với những công trình không đòi hỏi cường độ chịu lực cao.

ThS Nguyễn Văn Huynh cho rằng, việc sử dụng gạo nếp với vôi ở Vạn Lý Trường Thành cũng không có gì là lạ. Bởi mạch nha chúng ta vẫn hay sử dụng được làm từ gạo nếp và cũng là một chất kết dính tốt. Chắc chắn là phải trải qua các công đoạn giống như từ gạo nếp làm thành mạch nha thì gạo nếp và vôi mới kết hợp với nhau để làm thành vữa xây dựng được. Xét cho cùng gạo nếp cũng chính là gỉ đường, về bản chất thì giống như gỉ mật.

Việc ứng dụng các loại vật liệu xây dựng này vào trong thực tế hiện nay là không cần thiết vì có nhiều vật liệu mới với giá thành rẻ hơn nhiều. Trong một số công trình cần trùng tu lại nên sử dụng các loại vật liệu này, vì tạo ra loại vữa này không có gì là phức tạp cả.

PGS.TS Trịnh Lê Hùng cũng cho rằng, việc không sử dụng lại những vật liệu này trong xây dựng hiện đại là vì thực chất nó cũng giống như xi măng, mà xi măng giờ thì có nhiều rồi. Xi măng là hợp chất hút nước để tạo thành dạng tinh thể nên nó rắn rất nhanh, sử dụng tiện lợi, vì thế nó được lựa chọn để thay thế những loại vật liệu xây dựng truyền thống kia.

PGS.TS Nguyễn Lân Cường, Viện Khảo cổ học Việt Nam cho biết: Các cuộc khai quật khảo cổ cho thấy, các quách bảo vệ quan tài vua chúa ngày xưa hầu hết đều xây bằng các hợp chất kiên cố làm từ vôi, cát, mật…
Ví dụ, quách bảo quản thi hài vua Lê Dụ Tông cũng sử dụng bằng các vật liệu này. Các quách này giống như những bức tường thành vững chãi bao kín các mặt quan tài bảo vệ quan tài và xác ướp bên trong khỏi bị tác hại của không khí, rất kiên cố, tồn tại có khi đến vài nghìn năm.

________________________________________________________

Bình luận về bài viết này