NGÔN NGỮ & VĂN HÓA

CHÚC MỪNG NĂM MỚI

6 tháng đầu năm: Những vấn đề nổi cộm

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Tám 18, 2011

Nhiều lao động Trung Quốc không phép, tình trạng mất việc nhiều do doanh nghiệp khó khăn, đình công gia tăng… là những vấn đề nổi cộm được nêu ra tại hội nghị tổng kết 6 tháng đầu năm của Bộ Lao động thương binh và xã hội diễn ra sáng 15/8 tại Bà Rịa – Vũng Tàu.

Không nắm được số lao động Trung Quốc

Thời gian qua, tại Cà Mau và một số tỉnh thành đã xảy ra tình trạng nhiều lao động Trung Quốc làm việc nhưng không có giấy phép lao động. Theo báo cáo của sở LĐTBXH tỉnh Cà Mau, lao động Trung Quốc của tỉnh này tập trung nhiều ở Cụm công nghiệp khí, điện, đạm Cà Mau với khoảng 1.728 lao động Trung Quốc, trong đó có 686 lao động được cấp phép, 440 lao động có thời gian làm việc dưới ba tháng chưa cấp phép và 607 lao động chưa cấp phép.

Theo bà Chung Ngọc Nhãn, giám đốc LĐTBXH tỉnh Cà Mau, nguyên nhân trực tiếp là do Ban quản lý dự án và nhà thầu Trung Quốc đưa lao động đến làm việc nhưng chưa báo cáo cụ thể, nên cơ quan quản lý lao động không thể nắm cụ thể!

Phát biểu tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ mối lo ngại, vì Cà Mau là nơi tận cùng đất nước, thuộc vùng sâu, vùng xa mà đã xuất hiện lao động không phép, nên phải quan tâm hơn nữa đến vấn đề này. Còn ông Nguyễn Thanh Hòa, thứ trưởng bộ LĐTBXH, cho rằng trách nhiệm này thuộc về các nhà thầu và nhà đầu tư.

Mất việc làm và đình công diễn biến phức tạp

Theo bà Nguyễn Thị Kim Ngân, nguyên bộ trưởng bộ Lao động thương binh và xã hội, phó chủ tịch Quốc hội thì sắp tới việc làm trong nước có thể sẽ gặp nhiều khó khăn. Việc doanh nghiệp thu hẹp sản xuất hoặc đóng cửa sẽ khiến người lao động phải mất việc.

Theo báo cáo của Tổng cục thống kê, 6 tháng đầu năm cả nước có khoảng 30% doanh nghiệp vừa và nhỏ phải đóng cửa. Trong tình hình kinh tế hiện nay, có thể sẽ vẫn còn nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ chịu chung số phận. Việc cắt giảm đầu tư công cũng là một nhân tố làm ảnh hưởng đến vấn đề việc làm nên những tháng cuối năm 2011 nên giải quyết việc làm là một trong những nhiệm vụ phải tập trung quyết liệt của ngành lao động trong thời gian sắp tới.

Cùng với mục tiêu giải quyết việc làm thì việc giải quyết tranh chấp lao động cũng là một vấn đề mà ngành lao động đặc biệt quan tâm. Theo báo cáo của bộ Lao động thương binh xã hội, 6 tháng đầu năm, tranh chấp lao động và đình công diễn biến phức tạp. Tính đến 30.6 cả nước đã xảy ra 440 cuộc đình công, tăng 18 vụ so với cả năm 2010, trong đó nhiều nhất là Đồng Nai với 104 cuộc, Bình Dương 102 cuộc, TP.HCM 84 cuộc. Các vụ đình công vẫn xảy ra nhiều ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Ông Lê Thành Tâm, giám đốc sở Lao động thương binh xã hội TP. Hồ Chí Minh cho biết đây cũng là vấn đề khó khăn của thành phố. Tính hết tháng 7, thành phố đã xảy ra 150 vụ đình công, gấp hơn 2 lần số vụ đình công của cả năm 2010. Nguyên nhân chủ yếu là do vấn đề tiền lương, tăng ca, bữa ăn, môi trường làm việc. Theo ông Tâm, việc điều chỉnh lương tối thiểu sắp tới sẽ làm tình hình tranh chấp lao động diễn biến phức tạp, do xung đột của những người đã nhận lương trên mức tối thiểu nên không được điều chỉnh nữa.

Để giải quyết tình hình này, bộ trưởng Phạm Thị Hải Truyền cho biết Bộ đã đề ra những giải pháp từ nay đến cuối năm 2011 như tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện các chính sách, chế độ về tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, điều kiện lao động, điều chỉnh lương tối thiểu trong doanh nghiệp từ 1.10.2011, giải quyết kịp thời các tranh chấp lao động nhằm giảm thiểu các vụ đình công, lãn công của người lao động…

Theo Hà Dịu
_______________________________________________________–

Bình luận về bài viết này